I
Ta sống bằng ngần này vẫn phải đau đáu phụ thuộc vào sự khắc nghiệt do con người tạo ra. Cách đây vài năm có gã trọc phú từng lót tay hậu hĩnh mua cả khu vực lớn xây biệt phủ muốn bứng ta cho thoáng. Biệt phủ đầu làng tiện phố tiện phường. Chính các bô lão trong làng hiểu giá trị của ta ngăn cản. Cuộc giao tranh tám lạng một cân giữa một bên là đồng tiền, còn các cụ chỉ có sự nhiệt tâm và lẽ phải. Cuối cùng các cụ bảo vệ được ta. Ta vẫn được sống và râu của đa dài sẫm màu hoài niệm. Áo ta xanh và lòng ta lồng lộng gió. Biệt phủ vẫn được xây hào nhoáng lổn nhổn bên cạnh ta, cách bức tường cao. Gã trọc phú phưỡn bụng mỡ đi ra đi vào. Cả làng chung pho cổng rêu phong, riêng gã trọc phú mở đường riêng rổn rảng ô tô sang trọng. Mấy ả cây được bứng từ rừng núi, bị rũ rượi cắt cành xén rễ cẩu về trồng trong khuôn viên của trọc phú. Gã gọi đó là vườn cổ thụ. Cổ thụ cái con khỉ! Bọn cây đó nhễ nhại sống dở chết dở, bị thay đổi môi trường, cành chẳng ra cành lá chẳng ra lá, sang nỗi gì mà dám rung rinh chê đa khổng lồ là ta già nua lụ khụ. Đúng là chó chê mèo lắm lông. Một gã si còn dám nói ta to xác, thua kém tuổi gã. Hạng con cháu chấp làm gì? Ta biết, gã si đó chích hút nguồn nước vắt ra từ núi, mọc hoang dại chẳng được dạy dỗ che chở cắt tỉa, đến nay chỉ hơn trăm tuổi.
Còn ta hiện diện ở đây đã sáu trăm bảy mươi tám năm trời, chứng kiến hàng chục thế hệ sinh ra và lớn lên. Hai mươi đứa trẻ nối tay vào cũng ôm không xuể thân ta. Ta uống dòng nước mát từ tầng sâu đất mẹ, để ủ nhựa mà lớn lên trong sự chăm sóc của cụ tổ là vị tướng quân uy thế lẫy lừng, rồi phương trưởng trong thâm nghiêm những mái rêu, những nề nếp được tích tụ nhiều năm. Mấy tên cau vua, lộc vừng, dừa núi lạ hoắc cũng rướn mấy tàu lá ẻo lả lên trêu ngươi. Tủi cho chúng, chỉ một trận gió to đã kềnh càng đổ. Gã sanh, si ngu ngốc cũng gục dưới chân ta. Nhưng ta bỏ qua, vẫn nâng dậy cho gã được sống. Gã sanh bảo được chủ cưng chiều, sống sang trọng, lúc mua về giá có nửa tỷ giờ gần gấp ba. Còn ta chỉ đứng đầu làng, mưa nắng chẳng ai quan tâm, một đời ngu ngốc phục tùng. Nhưng cứ thử một cơn bão ập về xem, bọn chúng ắt hẳn ngã rạp.
Chúng sống trong vườn sang trọng thì sao kia chứ? Vận mệnh của chúng phụ thuộc vào gã chủ trọc phú. Chúng chỉ là món hàng có thể mua đi bán lại. Giá cây mà rớt bọn chúng không xứng làm củi đun. Còn ta được kính nể, được ngước nhìn với thái độ thành kính. Thậm chí người dân trong làng còn tôn ta là thần cây, có linh khí và quyền năng. Con người sẽ không bao giờ sống thiếu bóng râm, giống như triệu năm trái đất đã xanh trong sắc diệp lục um tùm đầy nhân nghĩa. Mà ta hiến dâng vô điều kiện.
Ngôi nhà của gã trọc phú khánh thành được chừng hai tháng thì gã chủ thích mốt mới. Hai thằng cau vua bị xô ngã cho héo rũ. Kêu oai oái. Cây si ngốc nghếch tưởng mình tài năng chê ta cũng bị đưa đi, bán cho một kẻ khác. Ta thấy gã lại được đưa lên máy cẩu, xích sắt chằng vào người. Gã run rẩy đau đớn vì một phần rễ mới mọc ra bị đứt phựt. Ta không trách gì chúng, nhưng ta thương. Chúng chỉ là nạn nhân trong trò chơi dại dột của con người. Bọn họ nghĩ bứng cổ thụ từ miền rừng về vườn trồng, tưởng là chọn cách sống gần gũi với thiên nhiên, nhưng thật ra tàn phá tự nhiên. Yêu cây không phải giết hạ chỗ này để làm màu chỗ khác.
II
Hiện diện ở đây đã sáu trăm bảy mươi tám năm trời, chẳng có gì ta không biết. Chưa thấy người nào ngu ngốc như gã đàn ông tên Hiến. Chỉ một chút bế tắc gã đã muốn trèo lên thân ta, buộc dây treo cổ kết liễu đời mình. Tất nhiên ta đã cứu gã như đã cứu biết bao nhiêu số phận bé nhỏ u uất tuyệt vọng ở cái làng nằm hút trong nẻo phố này. Lúc gã đu người lên, luồn cái đầu bé nhỏ vào, ta rung mình, trễ nải cái cành gã buộc dây, tức thì gã phịch rơi xuống. Cú rơi làm gã đau nhói, bừng tỉnh. Gã không ngồi dậy ngay mà luýnh quýnh nghĩ. Dưới màn đêm, gã thật tội nghiệp. Gã sẽ tự hỏi vì sao muốn tự tử mà không được? Vì sao đời rót vào bản thân sự trớ trêu này? Rồi gã đứng dậy, vuỗi bụi trong khi một cánh tay trầy xước lúc này đau buốt hơn. Nền đường lả tả lá rơi. Gió rít gào quanh thân ta. Gã nhìn lên chỗ buộc dây. Sợi dây đã rơi xuống một cách đáng khinh. Ta thấy rõ sự bực bõ của gã. Sao không chết quách đi cho rồi! Gã thốt lên. Đêm rót đầy phố một nỗi buồn nhập nhoạng.
Ngày lại ngày, dưới bóng đa ta xanh mát, không ít kẻ vãng lai đi qua từng dựa lưng vào nhánh rễ xù xì mà nức nở, thầm thì, thốt lên những lời tiêu cực, sự căm phẫn. Ta nghe hết và thấu hiểu. Con người luôn ôm bi kịch và những lo lắng để tự làm phiền mình. Họ không biết cách sống đơn giản mà sâu sắc như cơn gió. Hay ít nhất là sống lành mạnh hết mình như những bông hoa.
Gã trai tìm cách tự tử không thành, mấy hôm sau vẫn thất thểu bước dưới bóng ta. Đoán rằng gã chừng hơn ba mươi tuổi, không bằng số lẻ tuổi ta. Gã mảnh khảnh sầu não, không như những lần ta thấy phi xe máy nhớn nhác đi qua pho cổng làng đầy rêu thâm nghiêm như một chứng nhân lịch sử. Gần đây gã vấp vào bi kịch tình tiền lo lắng để rồi bỏ ăn, thân thể teo tóp thiếu sức sống. Vợ gã có bồ còn gã có tình nhân. Mối rạn nứt tách ra, cho hạt phản bội nảy mầm. Ta sẽ dõi theo gã, như đã dõi theo nhiều thân phận nhỏ nhoi từng ngày đi qua pho cổng, dưới bóng ta.
III
Lại một cuộc bàn cãi nảy lửa. Ta có nguy cơ bị bứng lên. Chính quyền và người dân không đi đến thống nhất. Ta bị đưa lên cân nhắc. Pho cổng và ta có nguy cơ cảnh hủy diệt. Với vóc dáng này, chẳng ai có thể cẩu ta đi mà trồng ở chỗ khác. Ta phải lìa đời, cùng pho cổng để mở rộng đường vào làng cho ô tô vèo vèo đi lại. Xú uế và toan tính dục vọng sẽ dễ dàng tràn vào. Những tấm lòng bô lão hiếu nghĩa am tường muốn giữ ta. Họ đang cầm chặt một giá trị. Biết bao điều lớn lao được tích tụ, đã biến mất cùng sự qua đời của con người trong thiên hạ. Ta chẳng tiếc mạng, chỉ thương những kẻ cậy mình giàu dùng tiền là phẳng sự dốt nát trịch thượng.
Người ta nói chặt ta đi sẽ làm thay đổi bộ mặt xóm phố. Chiếc cổng khác sẽ được xây thay thế. Dù là làng, nơi này vẫn có không khí phố xá văn minh, lên đến trung tâm chỉ chục cây số. Đúng là lòng dạ hẹp hòi ăn cháo đá bát. Họ chẳng nghĩ ta đã che chở, tỏa bóng mát cho tuổi thơ của họ, con cái họ từ lúc chập chững biết đi. Giờ đây, bóng của loài đa ta không loài cây nào bằng. Ừ thì ta cao lớn, chiếm diện tích, già nua, thô mộc và không thật sự thẩm mỹ ở phố xá như một số người nói. Nhưng ta vững chãi. Chính bóng cao lồng lộng của ta cùng lúc che mát cho nhiều người. Rễ của ta đã uống nguồn nước ở nơi này gần bảy thế kỷ. Ta hiểu hơn các loài cây khác về sự hình thành và lớn mạnh của khu vực, cũng như mặt mạnh mặt yếu của cả nghìn cư dân đang sinh sống trong cái làng nhiều ngõ nhỏ, còn giữ được nề nếp đậm đặc văn hóa đất kinh kỳ.
IV
Trong những ngày chờ quyết định đại dự án, thì bên kia gã trọc phú tiếp tục khoe khoang. Gã xây phòng karaoke bên dưới những nếp nhà giả cổ thừa mứa sự sang trọng nhưng thiếu sự hài hòa. Đám cây lắt nhắt được uốn éo lạ mắt, có cây bám chặt vào khe kẽ hòn non bộ vẫn còn nguyên sợi thép chằng đụp và cả xiềng xích để chống trộm. Cái đẹp thường đi liền với sự đau đớn. Nhưng bọn cây nhãi ranh đứng cách ta bức tường quây mà gã trọc phú xây lên đứa thì ba hoa mình được chào hàng lên đến ba tỷ, đứa khoác lác thân mình toàn được đại gia với mỹ nữ sờ vào, được đứng trên đôn vàng chậu ngọc, cắt tỉa bởi những bàn tay khéo léo hay được uống loại nước máy lọc gần như vô trùng. Bọn chúng không hiểu thế nào là tự do, và dường như quên mất nhiều ngày bị gã trọc phú bỏ rơi đói khát. Sao chúng không nghĩ ta đang đứng giữa thanh thiên bạch nhật?
Phòng karaoke xong thì gã đón bạn. Bụng trọc phú ngỗn nghện trắng vồng lên xệ xuống muốn rơi ra khỏi cơ thể. Đầu gã trọc, vai xăm cô gái khỏa thân lả lơi mời gọi. Gã đi ra đi vào bấm điện thoại. Chủ và khách hát hò inh ỏi. Mùi rượu Tây nồng nặc lẫn mùi mồ hôi phì nộn, dù phòng vo vo điều hòa chạy. Lúc say, gã khách cởi trần tay mập như chân gấu kềnh càng tiến ra khuôn viên đứng tè lên đám cây cảnh. Chúng ngập ngụa kinh tởm, run lẩy bẩy. Thấy chưa, cái đẹp có giá vài tỷ bị con người tè lên.
Ta thương bà cụ Mong bán hàng nước dưới bóng ta đã mấy chục năm bị lấn át bởi hàng bia hơi mới mọc. Từ gánh nước khiêm tốn nằm nép vào lề, bà cụ lo cho một đứa con trai dở khôn dở dại và cô con gái có chồng con đàng hoàng. Nghèo lắm như bà vẫn dàm dụm tiền mua thóc tãi ra lề phố nuôi nấng chim trời. Đàn chim làm tổ trên tán ta và sống ở bên kia công viên no nê thỏa thích và yêu lắm bà lão nhân hậu. Mấy chục năm như thế, bà tốt với bầy chim, dù bà biết chẳng mang lại lợi ích. Lòng bà chất chứa niềm vui. Bầy chim nhảy nhót luých chuých vờn bà như con cái âu yếm mẹ.
Hàng bia hơi của gã đàn ông bặm trợn phố bên đến bán. Lộn xộn ghế nhựa bàn nhựa và đồ nhậu rẻ tiền. Khách khứa chạm cốc tanh tách nhởn nhảng cười nói chúc tụng. Vỏ lạc vỏ nem và giấy ăn với đủ thứ rác rưởi khác phỉnh phơ ném xuống đất. Bà cụ ngày càng co cụm. Lũ chim chỉ dám sà xuống lúc không có khách nốc bia. Tình cảm của lũ chim và bà cụ đã bị ngáng trở.
V
Ông chủ tịch phường lâm cảnh khó xử. Các cụ trong làng họp ngoài đình bàn cách kiến nghị để ta được sống. Mấy ngày liền ta muốn nổi bão. Để trở thành cổ thụ, loài cây nào chẳng phải trải qua nhiều thử thách. Một lá đơn hơn trăm bô lão ký vào gửi về phường. Các cụ phát đi thông điệp triệt phá cổ thụ là con người gián tiếp từ chối những bài học khiêm nhường, độ lượng, nhẫn nại, ngay thẳng để dung nạp lối sống được biện minh bằng vô số mỹ từ văn minh, sang trọng, tiện nghi, tiến bộ…
Các cụ già đồng quan điểm: Cổ thụ phải được sống với con người.
Chủ tịch phường xuôi theo các cụ già, nhưng ông đứng trước nhiều áp lực. Quyền lợi, danh vọng, mối quan hệ chằng chịt và… cổ thụ. Phải chọn thế nào đây? Có chữ ký làm nghèo hàng triệu dân. Ta thấy ông ấy chiều một mình tư lự ngồi ở góc khuất, uống nước chè hàng bà cụ. Thi thoảng lại ngước lên nhìn ta suy nghĩ, như thể muốn tìm một làn gió, hay một tiếng chim. Cạnh đó lũ choai choai nốc bia lởn nhởn cười, bọt bia dính đầy mép. Ông chủ tịch phường làm ta suy tư. Cũng giống như Diệp Vân khiến ta luyến thương tổ ấm của cô ấy. Cô bé như con chim non đáng thương. Vì sao loài đa như ta lại suy tư nhiều đến thế, để đến nỗi quên ăn quên ngủ, râu tóc rủ xuống dưới lao xao trăm năm thời đại?!
VI
Thực tình làng chẳng thiếu nữ sinh. Nhưng ta ấn tượng Diệp Vân, và cô chị Diệp Sương số nhà 68 ngõ 68 có cây bạch mai cao lớn. Hai cô thi thoảng vẫn ngồi uống nước vối của cụ Mong và ngắm bầy chim sà xuống nhặt thóc cụ cho. Nhiều cô gái thích chim nhưng không phải cô nào cũng thích chim trời. Nhiều cô gái thích ăn chè uống cà phê và ít nữ sinh thích uống món nước lá vối mộc mạc. Cô bé Diệp Vân mắt đen tròn to, đi xe đạp điện từ tốn. Cô nhìn bầy chim không chớp mắt và đến khi chúng bay lên thân ta mà nhảy nhót, cô cũng nhẫn nại dõi theo.
Có lần, cô hỏi chị mình là Diệp Sương:
Liệu có thể nào chị em mình biến thành hai trong số những con chim kia không chị nhỉ?
Là người nhạy cảm và yêu thiên nhiên, nhưng Diệp
Sương đã quyết định thử lại:
Em sốt rồi à? Sao chúng ta có thể trở thành chim được? Suy nghĩ một hồi, Diệp Vân ngúc ngắc cái đầu: Vì em muốn được bay lên. Chị đọc trong sách rồi mà.
Chị không thấy những cô công chúa có thể mọc cánh và bay như chim, như những nàng tiên sao?
Tư lự một thoáng, Diệp Sương nhìn lên thân và tán đa to rộng, mỉm cười:
Em lãng mạn đấy. Nhưng đó chỉ là chuyện cổ tích thôi. Diệp Vân nhắc lại:
Thì em cũng chỉ mong ước thế thôi. Chứ làm sao có thể trở thành hiện thực. - Rồi chợt nhớ ra điều gì, cô bé nói thêm.
Em mong điều không thể trở thành có thể.
Ta cười. Đúng là sự hồn nhiên của tuổi mới lớn. Nhưng lời của cô bé làm ta ấn tượng, nghĩ ngợi. Rất nhiều điều con người muốn làm khiến ta trở trăn. Hai chị em cô bé học giỏi, dù gia đình vướng bi kịch. Ta không thấy hai chị em hay người mẹ có ý định tự tử dù người cha theo người khác. Cả hai biết làm chỗ dựa cho mẹ và giúp nhau học hành. Sự rạn nứt luôn bám riết con người để buộc họ phải trở thành vết nhựa kết dính lại, cho thế giới đi vào trật tự. Như quy luật ở đời hết mưa là nắng, qua đêm là ngày.
Buổi tối đã khá muộn của ngày mà Diệp Vân nói về mơ ước thành chim bay, cô dựng xe dưới bóng ta. Bà cụ bán nước về nghỉ sớm. Hàng bia hơi đã dọn. Cô bé đứng dưới ta không mảy may lo sợ. Cô ngước nhìn. Gió lao xao. Ta rung cho lá vẫy tay chào. Ôi kìa, cô bé say sưa ước mình mọc cánh, ngồi dưới gốc đa và bay đi khắp nơi, du ngoạn trên cung trăng. Lúc đầu cô bé không biết có mang theo xe đạp điện không? Rồi chợt cười với mình. Đã có đôi cánh biết bay thì chẳng cần xe đạp nữa…
VII
Phường xôn xao họp lên họp xuống. Cán bộ quận được mời về. Người ta cân nhắc được và mất. Một phe bênh vực cổ thụ. Một phe cổ vũ phá bỏ cổng cũ xây cổng mới đón lộc mới. Một lý do được đưa ra, phá cổ thụ là vi phạm cây di sản. Nhưng quy định lỏng lẻo không đủ sức tỏa lan. Nhiều năm qua, cổ thụ vẫn bị đốn hạ vì làm dự án. Luật của ngành không bằng luật làng xã. Phép vua thua lệ làng. Thế nhưng có một thứ lệ làng cũng thua là “luật rừng”. Đồng tiền đã được chắp sức mạnh gấp nhiều lần giá trị thực của nó.
Ông chủ tịch phường nghe đông đảo ý dân giữ cổ thụ. Cánh trẻ thèm khát dự án và say sưa với các dự định mua sắm ô tô muốn đập bỏ tất cả. Làm một hàng cau vua cho gọn. Đường rộng thoáng thì trồng cau vua cũng tiện mà không tốn nhiều diện tích. Những người chủ ý phá cũ nói sẽ hậu tạ phường một công trình. Chủ tịch phường chọn giữ lại cổ thụ, như ông đã từng yêu thiên nhiên nồng đượm. Cuộc chiến của ông mạnh mẽ đến ngộp thở. Ông lắc đầu trước phong bì và những mối lợi. Mạch máu ông co dãn. Đêm đêm ông nhấp nhổm không yên ngủ chẳng ngon giấc. Cuối cùng người ta đã phải chọn cách thỏa hiệp, chỉ đập pho cổng cổ, nắn chỉnh cung đường cho rộng ra. Ông thở phào. Các bô lão thở phào. Họ về thắp hương dưới bóng ta. Ta không mừng vì mình được sống. Ngược lại, buồn vì một dự án không hợp lòng đa số dân đã được thực hiện. Ta và cổng làng, tuy vậy nhưng như cặp song trùng, bổ trợ vẻ đẹp và tôn bồi giá trị cho nhau…
VIII
Mấy gã đàn ông pha trộn thuốc tưới vào gốc ta. Người xách thùng, kẻ mang thuốc và nước. Họ hì hụi làm việc. Họ không muốn ai biết thì phải, nên làm một cách nhanh chóng.
Chiếc cọc được đóng sâu xuống rồi rút lên, nhiều lần như thế, để đổ nước xuống. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bọn chúng được hai đại gia trong làng thuê. Nghe đâu quá lắm tiền nhiều của, thấy gã trọc phú bên ngoài xây biệt phủ cũng muốn xây mau chóng đổi gió. Sao họ lại phải làm việc ban đêm nhỉ? Cây cối thì chăm sóc ban ngày tốt hơn chứ!
Và rồi ta có một cảm giác khác. Sau mấy lần được chăm sóc, ta thấy mệt lử. Gốc rễ xon xót, như bị dùng dao cuốc mà cắt xén, tách ra khỏi đất mẹ. Từ mệt, đau, xót đến đau cồn cào, buốt đến từng thớ gỗ, mạch máu và cuống lá. Ta còn muốn héo rũ ra, muốn khuỵu ngã. Vì sao thế này? Thôi chết rồi. Trong lúc sơ sểnh, tưởng mấy gã đàn ông chăm sóc tưới tắm, hóa ra chúng bí mật tìm cách muốn làm ta chết. Chúng dùng mũi thép chọc sâu xuống đất, lấy hóa chất trộn với muối. Trộn thêm cả tính toán đòn hiểm và thuốc ích kỷ. Ban đầu chỉ tức thở. Rồi biết bao triệu trứng khác làm ta say, không thể cưỡng lại. Trong cơ thể ta có nhiều chuyển biến, cảm giác cái chết từ từ đến, rất gần. Ta đã vượt qua bao đòn ác từ thiên nhiên, bom đạn, nhưng lần này chắc không qua khỏi một đòn hiểm. Cái ác bao vây ta. Lũ cây non nớt thơ dại bên vườn gã trọc phú lóe xóe cười giòn trước sự khật khừ của ta. Thấy ta không phản ứng, chúng cười ngặt nghẹo, đến nỗi ruồi muỗi phải tránh xa.
Mấy gã đàn ông đổ hóa chất đến lần thứ năm. Người làng không ai biết. Còn ta không đủ sức để cứu mình. Ta đang chìm vào sự mệt mỏi, bơ phờ và rũ héo.
Cụ Mong bán nước thấy lá rụng nhiều hơn bình thường. Bà lo có sự chẳng lành. Cô bé Diệp Vân nhạy cảm hơn. Cô cùng chị ngồi uống nước, bảo: “Cây lá đang héo đi”. Diệp Sương không cảm nhận được ta đang đau, nói: “Chị thấy vẫn bình thường. Có thấy gì đâu”. Diệp Vân nói với bà cụ: “Cháu thấy khác quá. Lá rụng nhiều hơn, và héo đi”. Bà cụ bỏm bẻm gật đầu: “Bà cũng thấy điều đó. Lũ chim nhớn nhác không yên. Chắc tổ của chúng bị động. Lũ chim trời là loài nhạy cảm. Chúng nó đang bỏ ăn”. “Em nói không sai mà”!
Ngày đập bỏ cổng làng là ngày thật kinh hoàng. Chứng kiến cảnh máy móc húc đổ, ta thấy mình đang bị quật bật khỏi đất mẹ, cội rễ trơ trọi khô héo. Một sự sụp đổ bẽ bàng. Ta thấy những khuôn mặt người già trong buổi sáng đó đau tê tái bất lực. Ông chủ tịch phường đến một lúc rồi bỏ đi không dám nhìn. Bà cụ Mong nghỉ vì đập cổng gây ồn và bụi. Mình mẩy ta khô ran không thể hút nổi nước nữa. Thớ gỗ nua già bền chắc gần mười thế kỷ của ta đang nhũn ra, giống loài cỏ dại yếu ớt.
Đêm đó ta mơ, cô bé Diệp Vân mọc đôi cánh, bay một vòng quanh thân ta tươi tốt xanh um. Rồi cô thư thái ngồi dưới cội gốc, đẹp tựa thiên thần, mang linh hồn xuân tưới lên muôn loài hoa cỏ. Thế giới đầy cổ thụ vươn cao lồng lộng bình yên. Trong ngôi nhà của mình, cô bé cũng nằm mơ. Giấc mơ giống của ta. Tâm hồn người và cây đồng điệu.
Sáng sau, ta thấy mình sọp xuống. Vật liệu xây dựng được tập kết dưới chân chờ xây pho cổng mới. Nhưng các bô lão đã nhìn ra sự héo rũ của ta. Sự việc được báo cáo lên cấp trên. Ta thấy tắc thở, rơi vào tình trạng hôn mê sâu, không cảm giác?
Ta có cảm giác mình còn sống vào cuối chiều hôm đó. Thật lạ, một dòng nước mát được tưới vào gốc, như liều thuốc giải độc, mát lạnh, chắp nối từng đoạn rễ của ta lại, giúp ta cảm thấy sự mát lành của đất mẹ. Thì ra các kỹ sư khoa học đã tìm ra, ngay tức khắc, thứ hại ta là thuốc diệt cỏ kịch độc “480 DD”, được tăng thêm sức phá hủy khi trộn nước muối đặc. Ta được cứu sống nhờ liều thuốc giải mới được bào chế, chuyên cứu những cổ thụ bị tưới hóa chất. Cổng mới ngừng thi công chờ ta phục hồi. Đó là quyết định đúng đắn của địa phương.
Cô bé Diệp Vân tỉnh dậy sau đêm hôn mê bơ phờ. Cô vừa biết điều gì xảy ra, nên đến ngay chỗ ta, thầm thĩ: “Cụ đa ơi cụ đa, kẻ hại cụ sẽ bị trừng trị. Nay cụ được sống rồi, cụ mãi xanh nhé. Cháu muốn cùng cụ bay lên cung Hằng, dạo chơi trong gió mới. Và mang màu xanh phủ khắp nơi”.
Một cơn mưa ập xuống mát lành, gội rửa sự ngột ngạt và xối trôi độc hại, mấy trò bỉ ổi. Ta khoan khoái dễ chịu. Cô bé bết bát tóc trên mặt cũng rất dễ chịu. Cô nhìn ta, nhoẻn cười, vầng hào quang tỏa xanh trong màu ngọc. Đôi cánh mọc ra tự lúc nào, bay lên ôm lấy cả vòm xanh. Cô không chỉ là một con chim bé nhỏ, mà là một thiên thần.