Hai năm trước, con gái tôi từng theo học ở một trường trung học phổ thông nội trú được quản lý rất nghiêm.
Chủ nhật, tôi bắt xe khách đi thăm con. Mấy cô bạn cùng phòng ký túc xá của con đều đã về nhà, nhờ thế, hai mẹ con tôi có hẳn một không gian riêng. Đó là một ngày đông u ám và lạnh lẽo, ánh sáng trong phòng yếu ớt, khẽ thoảng qua khung cửa sổ mở rộng là thứ mùi nhàn nhạt, kỳ quái của nhà vệ sinh và phòng tắm, chăn trên mấy chiếc giường tầng được gấp phẳng phiu như trong quân đội, cốc đánh răng, bàn chải, bát ăn cơm và chậu rửa mặt được xếp thành hàng thẳng tắp như đội hình chiến sĩ trên chiếc giá gỗ sát tường, trên chiếc bàn học nhỏ hẹp sau lưng con gái đầy những sách giáo khoa và vở luyện tập: Toán học, Vật lý, tiếng Anh, Chính trị… Tất cả sách vở đều cong nơi góc mép, bìa bị sờ nhiều đến sần sùi, thô ráp, quyển này chồng lên quyển khác, chất đầy bên cạnh từ điển thông minh WenQuxing và máy tính, khiến tôi cảm thấy có một luồng áp lực đến nghẹt thở. Chỉ có những bộ đồ lót sặc sỡ sắc màu của các cô bé đang phấp phới bên ngoài cửa sổ tô điểm thêm chút rạng rỡ cho ngày đông ảm đạm này.
Năm đó, con gái tôi 15 tuổi, độ tuổi lơ lửng giữa trẻ con và người lớn, trên gương mặt còn chưa hoàn toàn định hình đường nét có vẻ thơ ngây của tuổi con nít, lại có chút lạnh lùng của tuổi trưởng thành, là một sự pha trộn những sắc thái biểu cảm tương đối đặc biệt. Khi ấy, con bé nhìn tôi với vẻ chẳng mấy lưu tâm, nói chuyện với tôi cũng bằng một giọng điệu đều đều, chẳng chút tình cảm. Con bé nói với tôi, con muốn viết một bài tập làm văn với câu mở đầu là: “Nhân vật chính bước ra cửa vào buổi sáng sớm, vừa ngẩng đầu lên, liền nhìn thấy một thiên thần đậu trên cây…” Sau đó, con bé lại nói, không được, không được, không được, chắc chắn cô giáo sẽ nói con bé bịa lung tung rồi tặng luôn điểm trượt… Bài tập làm văn không thể viết như thế, sao có thể viết một cách tùy tiện như vậy.
Con gái tôi cứ lẩm bẩm như vậy một mình. Da mặt con bé ánh lên sáng trong giữa khung cảnh ảm đạm, ánh mắt lướt qua đỉnh đầu tôi, không biết nhìn đi đâu ra bên ngoài, sao mà vô định đến thế, cũng sao mà mịt mù đến thế. Con bé ngồi thẳng lưng, hai chân mặc quần bò hơi khép lại, lộ ra vẻ trầm ổn, nghiêm nghị rất không hợp với độ tuổi 15.
Nhưng chính khoảnh khắc ấy, tôi bị con gái mình làm cho cảm động sâu sắc. Giây phút ấy, tôi đã chạm được đến tâm hồn của con, một tâm hồn khao khát được bay lên thật cao, một tâm hồn sống trong chiếc vỏ bọc giữa chốn phàm tục với những đè nén, ấm ức nhưng lại bật nhảy lên khỏi mặt đất, vươn tới không trung và bay liệng tự do tự tại. Giây phút ấy, nhân tính và nhân cách của con bé chia tách nhau, mâu thuẫn với nhau và rời xa nhau. Con bé đang chao đảo kiếm tìm, loạng choạng giữa hiện tại và tương lai, giữa thực tế và mộng ước, giữa mặt đất và bầu trời.
Hai năm trôi qua. Bây giờ, con gái tôi đã thoải mái bay nhảy với cuộc sống học tập ở nước ngoài. Chắc hẳn con bé đã quên cái ngày mùa đông năm 15 tuổi đó, quên cả những gì từng nói với tôi trong căn phòng ký túc xá của nữ sinh trung học ngăn nắp mà âm u lạnh lẽo đó về câu mở đầu của một bài tập làm văn trong tưởng tượng của con. Thế giới là một chiếc kính vạn hoa kỳ diệu với trăm nghìn thay đổi, bất cứ lúc nào cũng có thể cho ra một khung cảnh rực rỡ màu sắc. Còn tâm hồn con trẻ mãi mãi là một chiếc phễu, không ngừng nạp thêm những sự vật mới mẻ, sau đó lại đào thải những thứ chẳng mấy mới mẻ một cách thẳng thừng, không chút thương tiếc. Con bé có thể nảy ra hàng chục ý tưởng trong một ngày, nhưng rồi lại quên sạch sành sanh chỉ sau một giấc ngủ. Thế thì có sao chứ? Con có thời gian và sức lực, có thể tiếp tục xây dựng, tiếp tục mơ ước, tiếp tục quên đi cái cũ, gọi mời cái mới. Đây là quá trình trưởng thành, là quá trình sự sống chuyển hóa từ nhộng sang bướm rồi bay vút lên trời, con bé bắt buộc phải lựa chọn, chắt lọc, đào thải và dựng xây như thế.
Nhưng tôi đâu phải con bé, tôi là một người mẹ, nên thường xuyên lom khom còng lưng đi theo sau con bé để nhặt “rác”. Tôi sẵn sàng cất giữ cẩn thận từng nụ cười, từng bước chân, từng lời nói vô lo vô nghĩ của con. “Nhân vật chính bước ra cửa vào buổi sáng sớm, vừa ngẩng đầu lên, liền nhìn thấy một thiên thần đậu trên cây…” Thật sự là một mở bài rất hay!
Trong suốt hai năm qua, câu mở bài ngắn gọn này luôn quanh quẩn trong tim tôi, khi làm bất cứ việc gì, bất giác ngẩng đầu lên, liền như có một thiên thần mang đôi cánh bay đến trước mặt, hơi giống với thiên thần xinh đẹp dưới ngòi bút của họa sĩ bậc thầy Raffaello Santi, nhưng không được hồng hào, nhuận sắc và khỏe mạnh như thiên thần thời kỳ Phục hưng, mà có lẽ là mềm yếu, nhạy cảm, xanh xao và u uất, giống như một cây hoa hồng quá đỗi xinh đẹp thuộc hàng cực phẩm, đáng lẽ sẽ nở những bông hoa ngào ngạt hương thơm mà ai nhìn cũng yêu, nhưng lại chẳng may bị con người nuôi trồng trong những chiếc chậu sứ trên tòa nhà cao tầng, không đủ điều kiện sinh trưởng tự nhiên, sau đó lại thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, chỉ có thể vật lộn trong cô đơn giữa thế giới bao la với dáng hình gầy guộc. Nhưng đứa trẻ yếu ớt, bất lực ấy lại tình cờ gặp được người bảo vệ cho cuộc đời mình, đó là cậu bé Thiện Minh Minh khỏe khoắn, bướng bỉnh mà tốt bụng và trung thực. Giống như luồng điện trái dấu hút lẫn nhau, giống như bầu trời và đại dương tô điểm lẫn nhau, giống như ban ngày và màn đêm ôm ấp hòa trộn lẫn nhau, đây là một kiểu bảo vệ giữa tâm hồn với tâm hồn, một tình bạn thuần khiết, trong sáng, vô tư nhất trên đời, nó chỉ tồn tại ở những năm tháng tuổi thơ giữa hai kiểu tính cách hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau.
Nhưng cuộc sống luôn trôi đi với muôn vàn điều vô thường, để rồi cuối cùng, cậu bé Đỗ Tiểu Á yếu ớt, bệnh tật đã bay theo gió sang một thế giới khác vì chẳng thể kháng cự với số phận. Sau khi mất, cậu bé biến thành một thiên thần nhỏ, chỉ được cảm nhận bởi thính giác và thị giác của Thiện Minh Minh. Dường như hai cậu bé đột ngột đổi vai cho nhau, Đỗ Tiểu Á biến thành người bảo vệ cho Thiện Minh Minh, cậu bé luôn song hành với người bạn thân trong suốt chặng đường đi đi về về từ nhà tới trường, giúp đỡ, gây ảnh hưởng và thay đổi mọi thứ của Thiện Minh Minh, khiến Thiện Minh Minh không ngừng định hình lại quỹ đạo cuộc sống, từng bước từng bước tiến về mục tiêu lý tưởng, cuối cùng, tâm hồn cậu bé cũng bay lượn thật cao trên đường chạy không trung, cậu bé có thể chạm tay tới thiên thần Đỗ Tiểu Á, cuộc sống của cậu bé có thể đạt đến một trạng thái tự do không gì trói buộc nổi.
Cứ như thế, tôi đã hoàn thành tập truyện dài thứ ba về chủ đề thiếu nhi mang tên Mình bay lên. Lúc nhấn chuột thực hiện lệnh “lưu trữ” và “in” trên máy tính ngày cuối cùng, tôi ngồi bên khung cửa sổ mùa đông, thầm tận hưởng một cảm giác thuần khiết và tươi sáng mênh mông vô bờ bến. Tôi bỗng không nỡ rời xa hai đứa con này của mình: Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á. Cũng giống như vô số các nhân vật khác dưới ngòi bút của tôi, chúng là những người khách qua đường vội vã lướt qua đời tôi, sau khi chúng tôi cùng khóc, cùng cười khoảng hai, ba tháng, chúng đột ngột rời đi, từ đó chẳng còn bóng hình rơi rớt. Tim tôi chỉ còn giữ lại toàn những niềm vui, niềm vui mang cả chút buồn thương, chút nhớ mong lẫn chúc phúc, cũng giống như khoảnh khắc tôi tạm biệt con gái ở sân bay hai năm về trước. Tôi thích nhất một bài hát do ca sĩ Sarah Brightman thể hiện có tên là Time to say goodbye, mỗi lần nghe bài hát này, trong lòng lại trào dâng những xúc cảm mạnh mẽ như những cơn sóng cao quá đầu người.
Những đứa con của tôi cứ lần lượt rời xa tôi, từ Kim Linh, đến Tiêu Hiểu, đến Đỗ Tiểu Á và Thiện Minh Minh… Chúng rời đi trong tư thế giống hệt nhau: Tôi hễ buông lỏng tay, chúng liền bay vút qua người tôi như những chú chim, chớp mắt đã chẳng thấy đâu nữa rồi. Tôi mãi mãi không bao giờ biết cuối cùng chúng bay đến nhà ai, kết bạn với em bé thích đọc sách nào. Đây cũng chính là sự mê hoặc mà nghiệp viết văn mang đến cho tôi.