Franklin thân yêu nhất,
Em không biết anh có bắt kịp những thứ này không nhưng khoảng một tuần trước, một chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đụng độ máy bay giám sát của Mỹ trên biển Đông. Người phi công Trung Quốc có lẽ đã bị chết đuối, và chiếc máy bay do thám bị tê liệt của Mỹ phải hạ cánh trên đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hình như có một số thắc mắc về việc máy bay của bên nào đã tấn công trước. Dù sao đi nữa nó cũng đã trở thành một cuộc đối đầu ngoại giao, và giờ Trung Quốc đang giữ hai mươi tư thành viên phi hành đoàn Mỹ làm con tin để tìm một lời xin lỗi về mọi việc. Em không có năng lượng để theo dõi xem bên nào có lỗi, nhưng em tò mò vì hòa bình thế giới (người ta nói vậy) đang ngàn cân treo sợi tóc chỉ vì vấn đề duy nhất là sự ăn năn. Trước đây suy nghĩ của em về những thứ như vậy là đó là một tình huống bực mình. Cứ nói xin lỗi đi là xong, rồi họ sẽ được về nước! Nhưng giờ vấn đề về sự ăn năn là rất lớn với em, và nó không làm em ngạc nhiên hay khó chịu khi những sự kiện trọng đại cũng có thể được quyết định bởi điều đó. Hơn nữa, đến giờ câu hỏi hóc búa của Hải Nam này lại khá đơn giản. Đã quá thường xuyên xảy ra những trường hợp mà lời xin lỗi chẳng thể mang ai trở lại cả.
Gần đây, với em chính trị dường như tan ra thành một đống những câu chuyện nhỏ nhặt, cá nhân. Em gần như chẳng tin vào chúng nữa. Chỉ có về con người và những gì xảy ra với họ. Ngay cả những tranh cãi ở Florida, với em đó chỉ là một người đàn ông muốn làm tổng thống từ khi còn là một cậu bé. Ông ta đã đến gần đích đến nỗi có thể nếm được mùi vị chiến thắng. Về một con người và nỗi buồn của ông ta và nỗi tuyệt vọng muốn quay ngược thời gian, để đếm đi đếm lại cho đến khi tin tức trở nên tốt hơn, về sự phủ nhận thương tâm của ông ta. Tương tự, em không nghĩ nhiều về hạn chế giao thương và buôn bán vũ khí với Đài Loan hơn là về hai mươi tư người trẻ đó, trong một căn nhà lạ lẫm với mùi lạ lẫm, được cho ăn những bữa ăn không hề giống đồ Trung Quốc mang đi mà họ đã quen, trằn trọc không ngủ được và nghĩ đến những điều tồi tệ nhất: bị khép tội như là gián điệp và rục xương trong nhà tù Trung Quốc trong khi các nhà ngoại giao trao đổi những thông cáo gay gắt mà họ chẳng hề được đọc. Những người trẻ luôn nghĩ rằng họ khao khát những chuyến phiêu lưu cho đến khi họ thực sự được trải nghiệm.
Đôi khi em cảm thấy bị kinh ngạc bởi chính sự ngây thơ của mình hồi còn trẻ, chán nản vì Tây Ban Nha cũng chỉ có cây cối, tuyệt vọng vì bên ngoài mọi biên giới chưa được khám phá đều chỉ có thức ăn và nước uống. Em muốn được đến nơi nào đó khác biệt, em đã nghĩ vậy. Một cách ngu ngốc, em tự coi mình là người có ham muốn vô độ với những điều lạ lẫm.
Chà, Kevin đã giới thiệu với em một đất nước thực sự khác.
Em có thể chắc chắn điều đó, vì định nghĩa một đất nước khác thực sự là khi nó thôi thúc một khao khát day dứt khôn nguôi muốn quay về nhà.
Một vài trải nghiệm thực sự khác lạ, nhỏ bé em đã giữ lại. Điều này không giống em chút nào. Anh có nhớ em từng mong được trở về từ một chuyến đi nước ngoài thế nào để khoe với anh những món đồ nghệ thuật nhỏ bé của những nền văn hóa khác lạ, một kiểu khám phá ở-nơi-khác-người-ta-làm-thế-nào trần tục mà ta chỉ làm được khi thực sự đến đó, giống như một sự thật nhỏ kỳ quặc là ở Thái Lan, những ổ bánh mì được bày bán không xoắn lại ở chóp mà là ở trên đỉnh bánh.
Với mẩu chuyện đầu tiên em giấu kín, em cảm thấy tội lỗi vì đã luôn ra vẻ. Em nên khiến cho anh tin tưởng nhiều hơn, vì sự tự giải thoát của Kevin đã được cảnh báo từ trước: trong một kiếp khác, nó có lẽ sẽ lớn lên và giỏi bất cứ thứ gì đòi hỏi “khả năng tổ chức và kỹ năng giải quyết vấn đề”. Anh có nhận ra rằng ngày thứ Năm xảy ra chỉ ba ngày trước khi nó đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó có thể đã gần mười sáu tuổi vào ngày thứ Năm, nhưng theo luật thì nó vẫn mười lăm, nghĩa là ở bang New York, một loạt các chính sách khoan hồng sẽ được áp dụng, ngay cả khi họ ném cuốn sách vào nó và xử nó như một người trưởng thành. Kevin chắc chắn đã nghiên cứu trước một sự thật rằng luật pháp thì không làm tròn, giống như bố nó.
Tuy nhiên, luật sư của nó đã tìm ra một loạt những nhân chứng chuyên gia đáng tin cậy, những người đã kể các giai thoại y khoa đáng báo động. Một người năm mươi tuổi nào đó trước đây luôn hành xử ôn hòa nhưng vì chán nản mà đã dùng thuốc Prozac, và xuất hiện một nhân cách bất thường, ông ta rơi vào hoang tưởng và mất trí, bắn chết cả nhà và tự sát. Em tự hỏi, anh đã bao giờ trông cậy một cách vô vọng vào các loại thuốc chưa? Đứa con trai ngoan ngoãn của chúng ta chỉ là một trong những trường hợp ít ỏi thiếu may mắn phản ứng tiêu cực với thuốc chống trầm cảm, vì thế nên thay vì làm vơi đi gánh nặng, thứ thuốc đó đã vùi nó vào bóng tối? Bởi vì em thực sự phải rất cố để tin vào điều đó, đặc biệt là trong suốt phiên tòa.
Mặc dù những lời biện hộ đó không hoàn toàn giúp nó thoát tội hay thả nó sang một nơi điều trị tâm thần như dự định, bản án của Kevin đã khoan dung hơn một chút vì luật sư của nó đã làm quá nghi ngờ về sự ổn định thể chất của nó. Sau phiên tòa tuyên án Kevin nhận bảy năm tù, em cảm ơn luật sư của nó, John Goddard, bên ngoài tòa án. Em đã không thực sự cảm thấy biết ơn, chưa bao giờ cảm giác bảy năm lại ngắn như vậy, nhưng em đánh giá cao John vì đã làm hết sức với công việc khó chấp nhận này. Bối rối tìm lời để nói, em khen ngợi cách tiếp cận sáng tạo của anh ta với vụ án. Em nói rằng mình chưa bao giờ nghe về ảnh hưởng liên quan đến tâm thần của thuốc Prozac với các bệnh nhân hay là cũng chưa bao giờ cho Kevin dùng thuốc đó.
“Ồ đừng cảm ơn tôi, cảm ơn Kevin ấy,” John nói một cách nhẹ nhàng. “Tôi cũng chưa bao giờ nghe về chuyện tâm thần. Toàn bộ là ý tưởng của Kevin.”
“Nhưng… nó không được phép vào thư viện cơ mà.”
“Không, trong thời gian tạm giam thì không.” Trong giây lát, anh ta nhìn em với sự cảm thông thực sự. “Thực lòng mà nói, tôi chẳng phải làm gì nhiều. Thằng bé đã biết trước mọi thứ. Thậm chí cả tên và địa chỉ của những nhân chứng chuyên gia. Bà có một cậu con trai cực kỳ thông minh đấy Eva.” Nhưng anh ta không nói bằng giọng vui tươi mà là buồn phiền.
Với phần thứ hai, liên quan đến cách họ làm thế nào ở vùng đất xa xôi nơi mà những đứa trẻ mười lăm tuổi giết bạn cùng lớp, em đã không giữ nó lại bởi vì anh có thể sẽ không chịu đựng nổi. Em chỉ không muốn tự mình nghĩ đến nó hoặc khiến anh phải chịu đựng, mặc dù cho đến chiều nay em vẫn sống trong nỗi sợ hãi không nguôi ngoai rằng tất cả những phần đó sẽ lặp lại.
Đó là khoảng ba tháng sau ngày thứ Năm, Kevin đã bị xét xử và kết án, và em đã coi những chuyến viếng thăm máy móc vào thứ Bảy đến Chatham như thói quen. Em và Kevin vẫn chưa học được cách nói chuyện với nhau, và thời gian cứ trôi lê thê. Những ngày đó, nó quá tự phụ và coi những chuyến viếng thăm của em như là sự ép buộc, nó khổ sở khi em xuất hiện và vỗ tay ăn mừng khi em rời đi, và nói rằng trong đó mới là gia đình thực sự của nó, xung quanh những kẻ tù tội tôn sùng, ủng hộ nó. Khi em thông báo với nó rằng Mary Woolford vừa mới đệ đơn kiện, em ngạc nhiên khi nó dường như không có vẻ thỏa mãn mà lại bực tức nhiều hơn: vì sau đó Kevin có phản đối Sao lúc nào tôi cũng được lợi hết vậy? Nên em nói rằng chẳng phải như vậy thật quá đáng sao? Sau khi em mất chồng và con gái mình? Để bị kiện ư? Nó lầm bầm gì đó về việc em tự thương hại bản thân.
“Con thì sao?” Em nói. “Con không thấy thương mẹ sao?”
Nó nhún vai. “Mẹ đã thoát khỏi chuyện này hoàn toàn bình an, chẳng phải sao? Không một vết xước.”
“Thật ư? Mà tại sao lại thế?”
“Khi người ta trình diễn trên sân khấu, không ai lại đi bắn khán giả,” nó nói trôi chảy, xoay xoay cái gì đó trong tay.
“Ý con là để mẹ sống là cách trả thù tốt nhất.” Bọn em đã vượt quá xa khỏi vấn đề trả-thù-cái-gì rồi.
Em không thể nói thêm bất cứ điều gì về ngày thứ Năm vào lúc đó, và em đã định sử dụng lại cái câu họ-có-cho-con-ăn-uống- đầy-đủ-không cũ rích, khi mắt em một lần nữa bị thu hút bởi đồ vật mà nó cứ lần sờ từ tay này sang tay khác, sờ nắn nhịp nhàng bằng ngón tay như một chuỗi hạt giúp bình tĩnh. Thực lòng, em chỉ muốn đổi chủ đề, em không quan tâm chút nào đến món đồ chơi của nó. Nếu em coi sự bồn chồn của nó như là một dấu hiệu của sự trăn trở về đạo đức khi xuất hiện trước người phụ nữ đã bị nó tàn sát cả gia đình thì thật đáng buồn, em đã nhầm.
“Cái gì thế?” Em hỏi. “Con cầm gì trong tay thế?”
Với một nụ cười xảo quyệt, nó mở lòng bàn tay, trưng ra bùa hộ mệnh với sự tự hào pha chút ngại ngùng của một cậu bé đã giành được huy chương. Em đứng dậy nhanh đến nỗi chiếc ghế của em bị kéo lùi lại trên mặt sàn. Hiếm khi nào mà ta nhìn vào một đồ vật, đồ vật đó nhìn lại.
“Đừng bao giờ mang thứ đó ra nữa.” Giọng em khàn đặc. “Nếu con còn làm thế, mẹ sẽ không bao giờ quay lại đây nữa. Không bao giờ. Nghe mẹ nói gì chưa?”
Em nghĩ nó biết em thực sự nghiêm túc. Thứ đã cho nó một lá bùa đầy sức mạnh để tránh được những chuyến viếng thăm phô trương của mẹ yêu. Sự thật về việc con mắt thủy tinh của Celia vẫn được giữ ngoài tầm mắt của em vì chỉ có thể có nghĩa là, em nghĩ sau khi đã cân nhắc, nó mừng vì em đến.
Anh có thể đang nghĩ rằng em chỉ cố mách lẻo thêm, càng hèn hạ càng tốt. Chúng ta có một đứa con trai thật đáng ghê tởm, em hẳn sẽ nói vậy, khi hành hạ mẹ mình bằng một món quà lưu niệm kinh khủng như vậy. Không, không phải lần này. Em nói với anh chỉ để anh hiểu hơn câu chuyện tiếp theo, vừa xảy ra chiều nay.
Anh chắc cũng để ý thấy hôm nay là tròn hai năm sau ngày thứ Năm. Cũng có nghĩa là ba ngày nữa Kevin sẽ đủ mười tám tuổi. Nhằm mục đích bỏ phiếu (việc mà một kẻ tội phạm bị kết án sẽ bị cấm làm ở tất cả mọi nơi trừ hai tiểu bang) và đầu quân cho các lực lượng vũ trang, đó là khi nó chính thức trở thành người trưởng thành. Nhưng về phần này, em nghiêng hơn về phía hệ thống tư pháp, những người đã xét xử nó như một người trưởng thành từ hai năm về trước. Với em thì ngày mà tất cả chúng ta đều chính thức đủ tuổi luôn là ngày 8 tháng Tư năm 1999.
Em đã có một yêu cầu đặc biệt để gặp con trai chúng ta chiều hôm nay. Mặc dù họ thường từ chối các yêu cầu gặp tù nhân vào ngày sinh nhật, nhưng yêu cầu của em được chấp nhận. Có lẽ đây là một kiểu giàu tình cảm mà các quản tù đánh giá cao.
Khi Kevin được đưa vào phòng, em nhận ra một sự thay đổi trong cử chỉ ngay cả khi nó chưa nói lời nào. Tất cả những thái độ dương dương tự đắc đã biến mất, em cuối cùng cũng nhận ra Kevin đã mệt mỏi thế nào để tạo ra vẻ chán đời, ai-thèm-quan-tâm suốt ngày suốt đêm như vậy. Đối phó với việc ăn cắp áo thun và áo nỉ cỡ nhỏ tràn lan khắp nơi, Claverack đã từ bỏ việc thử nghiệm ăn mặc tự do, vậy nên nó đang mặc một bộ đồ liền màu cam, lần đầu tiên quần áo không chỉ đúng cỡ mà còn quá to so với nó, trông nó thật thấp bé trong bộ đồ đó. Chỉ còn ba ngày để trở thành người lớn, Kevin cuối cùng lại cư xử như một cậu bé con, bối rối, bơ vơ. Đôi mắt nó đã mất đi lớp phủ mờ và hiện ra sâu thẳm.
“Trông con không vui lắm,” em nói.
“Tôi có bao giờ vui à?” Giọng nó mệt mỏi.
Em tò mò hỏi. “Có điều gì làm con bận lòng à?” Mặc dù luật giữa bọn em là cấm những lời quan tâm trực tiếp.
Còn phi thường hơn nữa, nó trả lời lại. “Tôi sắp mười tám tuổi rồi, không phải sao?” Nó xoa lên mặt mình. “Ra khỏi chỗ này. Họ không phí thời gian đâu.”
“Một nhà tù thật sự,” em nói.
“Tôi không biết nữa. Chỗ này đủ thật với tôi rồi.” “Chuyển đến Sing Sing khiến con lo lắng à?”
“Lo lắng?” Nó hoài nghi. “Lo lắng! Mẹ biết gì về mấy chỗ như thế?” Nó lắc đầu chán nản.
Em nhìn nó đầy thắc mắc. Nó đang run rẩy. Trước quan tòa hai năm về trước, nó đã kiếm được một mê cung các vết sẹo nhỏ do đánh nhau đầy trên mặt, và mũi của nó thì không còn thẳng. Cái vẻ ngoài đó không giúp nó trông mạnh mẽ hơn mà chỉ lộn xộn hơn. Những vết sẹo làm nhoè đường nét A-me-ni-a sắc sảo của nó thành một thứ mập mờ, đần độn hơn. Nó hẳn đã bị lôi kéo bởi một người vẽ chân dung bất ổn luôn phải dùng đến một cục tẩy.
“Mẹ vẫn sẽ đến thăm con.” Em hứa với nó, chuẩn bị tinh thần cho những lời mỉa mai.
“Cảm ơn, tôi mong mẹ sẽ làm thế.”
Không tin vào tai mình, em sợ rằng mình đã nhìn chằm chằm vào nó. Như một phép thử, em nói về tin tức trong tháng Ba. “Con có vẻ hay theo dõi mấy chuyện này nên mẹ nghĩ con đã nghe chuyện xảy ra ở San Diego tháng trước? Con có thêm hai bạn đồng môn?”
“Ý mẹ là Andy... ừm, Andy Williams?” Kevin mơ hồ nhớ lại. “Đúng là một kẻ thất bại. Muốn biết sự thật không? Tôi thấy đáng thương thay cho tên đần đó.”
“Mẹ đã bảo với con rằng trào lưu này sẽ trở nên lỗi thời mà,” em nói. “Andy còn chẳng được lên trang nhất, con để ý thấy không? Bệnh tim của Dick Cheney và cơn bão lớn không xảy ra đều nhận được phần lớn hơn trên Thời báo New York. Còn vụ nổ súng thứ hai, tận trang cuối, với chỉ một thương vong, lại còn ở San Diego nữa? Như thể chẳng ai thèm quan tâm.”
“Thằng đó đã mười tám tuổi,” Kevin lắc đầu. “Không phải nó hơi già cho việc đó sao?”
“Mẹ đã thấy con trên tivi.”
“À, cái đó.” Nó ngọ nguậy pha chút ngại ngùng. “Nó được quay lâu rồi. Lúc đó, con đang say sưa với… một thứ.”
“Ừ, mẹ không có nhiều thời gian cho cái thứ đó,” em nói. “Nhưng vì con vẫn đang… nói năng rõ ràng. Con trông rất tỉnh táo. Giờ tất cả những gì mẹ có thể nghĩ là cần phải hỏi con vài điều.”
“Ý mẹ là không phải mấy chuyện xàm?”
“Con biết hôm nay là ngày gì chứ? Tại sao họ lại cho mẹ đến gặp con vào thứ Hai?”
“Chắc chắn rồi, hôm nay là lễ kỷ niệm của con.” Cuối cùng nó cũng lấy cái kiểu mỉa mai đó về mình.
“Mẹ chỉ muốn hỏi…” Em bắt đầu liếm môi. Anh có lẽ nghĩ rằng em tò mò, Franklin, nhưng em chưa từng hỏi nó câu hỏi này trước đây. Em không biết tại sao, có lẽ em không muốn bị xúc phạm bởi những thứ rác rưởi như là nhảy vào màn hình tivi.
“Đã hai năm rồi…” em nói. “Mẹ rất nhớ bố con, Kevin. Mẹ vẫn nói chuyện với ông ấy. Thậm chí còn viết thư cho ông ấy nếu con tin. Mẹ viết cho ông ấy rất nhiều thư. Và giờ nó chất thành một đống lộn xộn trên bàn của mẹ, bởi vì mẹ không biết địa chỉ của ông ấy. Mẹ cũng nhớ em gái con, nhớ rất nhiều. Và nhiều gia đình khác cũng vẫn rất buồn. Mẹ biết những phóng viên, những bác sĩ tâm lý, có thể cả những bạn tù khác đã hỏi con suốt. Nhưng con chưa bao giờ nói với mẹ. Nên làm ơn, hãy nhìn vào mắt mẹ. Con đã giết mười một người. Chồng mẹ, con gái mẹ. Nhìn mẹ và nói cho mẹ biết tại sao?”
Không giống như ngày mà nó nhìn em qua cửa kính xe cảnh sát, đồng tử lóe lên, Kevin chiều nay cực kỳ khó khăn để nhìn vào mắt em. Nó cứ liên tục chớp mắt, nhìn em trong vài khoảnh khắc rồi lại quay lại với bức tường xi-măng sơn màu lòe loẹt. Cuối cùng nó ngừng lại, nhìn vào một góc nhỏ trên mặt em.
“Con từng nghĩ con biết,” nó nói ủ rũ. “Giờ, con cũng không chắc.”
Không cần nghĩ ngợi, em đưa tay mình ra và nắm lấy tay nó. Nó không rút tay lại. Em nói, “Cảm ơn con”.
Câu cảm ơn của em có kỳ quặc không? Em đã không dự định trước câu trả lời mình muốn nghe. Em chắc chắn không hứng thú với một lời giải thích chỉ để giảm nhẹ đi sự khủng khiếp không thể kể hết về những gì nó đã làm thành một câu cách ngôn xã hội nhanh nhảu về “sự ghét bỏ” trên tờ Thời Đại hay một lý thuyết tâm lý học rẻ tiền như là “rối loạn đi kèm” mà những tư vấn viên của nó luôn kể đi kể lại ở Claverack. Vậy nên em đã kinh ngạc khi nhận ra rằng câu trả lời của nó hoàn toàn thích đáng. Với Kevin, quá trình là mở ra dần dần. Nó sẽ chỉ bắt đầu đo chiều sâu của chính mình bằng việc đầu tiên là nhận thấy bản thân không thể nào đo được.
Khi cuối cùng nó cũng rút tay lại để nhét vào túi bộ đồ liền của mình. “Nghe này,” nó nói. “Con làm cho mẹ một thứ... kiểu như một món quà.”
Khi nó lôi ra một chiếc hộp gỗ sẫm màu hình chữ nhật dài khoảng 13 xen-ti-mét, em xin lỗi. “Mẹ biết sắp đến sinh nhật con. Mẹ không quên, mẹ sẽ mang quà đến vào lần tới.”
“Đừng bận tâm.” Nó lau mặt chiếc hộp gỗ bằng một tờ giấy vệ sinh. “Đằng nào thì con cũng bị trấn lột ở trong này.”
Một cách cẩn thận, nó trượt cái hộp trên mặt bàn, giữ hai ngón tay ở phía trên. Cái hộp không được vuông vắn cho lắm, mà trông giống như một cái quan tài, với một bên có bản lề và một bên có cái móc nhỏ bằng đồng. Chắc Kevin đã làm trong xưởng. Hình dáng kỳ quặc có vẻ khá điển hình. Nhưng động tác lại tác động đến em, và tay nghề tốt đến ngạc nhiên. Ngày trước nó đã tặng em một vài món quà Giáng sinh, nhưng em biết tất cả đều là do anh mua, và nó chưa bao giờ thực sự tặng em thứ gì.
“Rất độc đáo,” em nói chân thành. “Để đựng trang sức à?” Em với lấy cái hộp nhưng nó nhanh chóng đặt tay lên đó.
“Đừng! Dù mẹ làm bất kỳ việc gì. Chỉ là… đừng mở ra.”
Theo bản năng, em co rúm lại. Trong một hình hài trước đây, Kevin có lẽ đã tạo ra chính “món quà” này, được bọc đầy chế nhạo trong vải sa-tanh hồng. Kevin sẽ thả nó một cách vô tình, kìm nén một nụ cười ghê tởm khi em ngây thơ mở nó ra. Nhưng hôm nay nó đã cảnh báo, đừng mở ra, điều này có thể coi là thước đo cao nhất cho một món quà.
“Mẹ hiểu rồi. Mẹ tưởng đây là một trong những tài sản quý giá nhất của con. Tại sao con lại từ bỏ nó?” Em nói, có chút kinh ngạc, sợ hãi và giọng em đau đớn.
“Sớm muộn gì thì cũng sẽ có một vài kẻ bất lương cướp nó đi, và dùng nó cho mấy trò đùa rẻ tiền. Hơn nữa, nó như kiểu, con bé… nhìn con mọi lúc. Nó bắt đầu hơi ghê.”
“Con bé đang nhìn con đấy Kevin, cả bố con nữa. Mỗi ngày.”
Nhìn chằm chằm xuống bàn, nó kéo cái hộp ra xa hơn một chút, rồi bỏ tay ra. “Dù sao thì con nghĩ mẹ nên giữ nó hoặc là… mẹ biết đấy.”
“Chôn nó,” em kết thúc câu nói giùm nó. Em thấy lòng nặng trĩu. Đó là một nhiệm vụ lớn lao, cùng với chiếc quan tài sẫm màu tự chế của nó, em sẽ phải chôn một thứ khác.
Một cách nghiêm túc, em đồng ý. Khi em ôm tạm biệt nó, nó bám lấy em như một đứa trẻ, như thể nó chưa từng có thời thơ ấu. Em cũng không chắc, vì nó lẩm bẩm vào phần cổ áo bẻ gập của em, nhưng em nghĩ rằng nó đã nghẹn lại, “Con xin lỗi”. Đánh liều cho rằng mình nghe đúng, em nói thật rõ ràng, “Mẹ cũng xin lỗi, Kevin. Mẹ xin lỗi”.
Em không bao giờ quên lúc ngồi trong phòng xử án đó và nghe vị thẩm phán với đồng tử nhỏ xíu thông báo rằng tòa xử trắng án cho bị cáo. Nhẽ ra em phải cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng không. Sự minh oan công khai cho việc làm mẹ của em, em phát hiện ra, chẳng có ý nghĩa gì với mình cả. Nếu có thì chỉ là sự tức giận. Giá mà giờ tất cả chúng ta cùng trở về nhà thì em sẽ cảm thấy được bù đắp. Trái lại, em biết mình sẽ về nhà và cảm thấy kinh khủng, như mọi khi, và bơ vơ, như mọi khi, và bẩn thỉu, như mọi khi. Em muốn được thanh tẩy, nhưng khoảng thời gian trên chiếc ghế dài đó thật giống như một buổi chiều điển hình bẩn thỉu, nhớp nhúa mồ hôi trong một khách sạn ở Ghana: bật vòi sen lên chỉ để phát hiện ra đường nước chính đã bị tắt. Những giọt nước rỉ sét là phép rửa tội duy nhất mà luật pháp ban cho em.
Bản án đó chỉ mang lại cho em một chút ít sự hài lòng là mắc kẹt với án phí của chính mình. Mặc dù các thẩm phán không nghĩ quá nhiều về vụ kiện của Mary Woolford, cô ta rõ ràng là không thích em, và mối thù hằn đơn thuần từ các bên liên quan chính (hỏi Denny Corbitt mà xem) có thể khiến ta phải trả giá. Trong suốt phiên tòa, em nhận ra mình đã tạo dựng một hình tượng không mấy thiện cảm. Em đã ép mình không được khóc. Em không muốn sử dụng anh và Celia cho mục đích vụ lợi như vậy để trốn tránh trách nhiệm, và thực tế là con trai em không chỉ giết bạn học mà cả chồng và con gái em nhưng chuyện đó có xu hướng bị bỏ qua. Mặc dù em biết họ không có ý xem nhẹ lời biện hộ của em, nhưng lời khai của bố mẹ anh về chuyến viếng thăm bất ngờ của em đến Gloucester thật là một thảm họa: “Chúng tôi không thích người mẹ mà không thích chính con trai mình”. Em cũng chẳng thích kiểu mẹ đó.
Em đã phá vỡ những nguyên tắc nguyên thủy nhất, trần tục nhất của những ràng buộc với Chúa. Thay vì phản đối sự vô tội của Kevin trước hàng núi những bằng chứng vững chắc, em đã chửi lại những “kẻ hành hạ” đã ép nó vào đó, và em đinh ninh rằng sau khi dùng Prozac, nó “trở thành một người hoàn toàn khác”. Chà, em đảm bảo với anh rằng Mary Woolford và cái quỹ phản đối mà cô ta huy động trên Internet sẽ buộc phải trả án phí cho đến xu cuối cùng. Thái độ của em đã được mô tả lặp đi lặp lại trên nhiều tờ báo là “thách thức”, trong khi thái độ không đồng tình với máu thịt của chính mình lại bị lãng quên, không được bình luận. Với một bà mẹ như nữ hoàng băng giá như vậy, tờ tin tức địa phương nhận xét rằng, chẳng mấy ngạc nhiên KK trở thành một cậu bé hư.
Harvey đã cảm thấy bị xúc phạm, và anh ta bảo em nên kháng cáo. Trả những chi phí để trừng phạt, anh ta nói. Đích thân anh ta sẽ viết hóa đơn. Nhưng em, em đã vui vẻ. Em muốn một bản án để bị trừng phạt. Em đã dùng hết tài sản thanh khoản của chúng ta cho những lời biện hộ đắt giá của Kevin và đã sử dụng cả khoản thế chấp thứ hai của chúng ta trên đại lộ Palisades. Và ngay lập tức em biết mình sẽ phải bán AWAP, và cả căn nhà trống trơn, kinh khủng của chúng ta. Giờ đây, đó mới là thanh tẩy.
Nhưng suốt từ đó, và qua việc viết những lá thư này cho anh, em phải đi đến một cái kết trọn vẹn, thực hiện một hành trình giống như của Kevin. Khi tự hỏi liệu ngày thứ Năm có phải lỗi của mình hay không, em cần phải lùi thời gian lại, để giải mã dần dần. Cũng có thể em đã hỏi sai câu hỏi. Dù sao đi nữa, vật lộn giữa sự miễn tội và sự chỉ trích, em chỉ thấy mệt mỏi. Em không biết nữa. Đến cuối ngày, em chẳng có suy nghĩ gì, và sự thờ ơ đơn thuần, bình yên, chính nó đã trở thành một kiểu an ủi hài hước. Sự thật là nếu em quyết định rằng mình có tội, hoặc không có tội, thì có gì khác chứ? Nếu em có một câu trả lời đúng, thì anh có trở về nhà không?
Tất cả những gì em biết là vào ngày 11 tháng Tư năm 1983, một đứa con trai mới sinh đã đến với em và em chẳng cảm thấy gì. Một lần nữa, sự thật luôn lớn hơn những gì chúng ta có thể nghĩ. Khi đứa trẻ sơ sinh đó cựa quậy trên ngực em, ở đó nó đã co lại với sự chán ghét đến vậy, để đáp lại em cũng đã đẩy nó đi. Có thể nó mới chỉ bằng một phần mười lăm em, nhưng lúc đó em cảm thấy thế là công bằng. Từ giây phút đó bọn em đã chiến đấu với nhau bằng sự tàn bạo không thương xót mà em chỉ có thể ngưỡng mộ. Nhưng chắc có lẽ bằng việc thử nghiệm sự đối đầu đến một giới hạn nào đó, nó có thể đạt được một sự chân thành, để mang người ta đến gần nhau hơn bằng chính những hành động đẩy nhau ra xa. Bởi vì sau ba ngày ngắn ngủi trong suốt mười tám năm, em cuối cùng phải tuyên bố rằng mình quá kiệt sức, quá rối bời và quá cô đơn để tiếp tục chiến đấu, và nếu chỉ là không còn tuyệt vọng hay thậm chí là lười biếng thì em yêu con trai mình. Nó còn năm năm nghiệt ngã nữa phải ở trong nhà tù dành cho người trưởng thành, và em không thể đảm bảo những gì sẽ xuất hiện ở phía bên kia. Nhưng ở đây, có một phòng ngủ thứ hai trong căn hộ của em. Tấm trải giường trơn màu. Một cuốn Robin Hood nằm trên giá sách. Và chăn thì sạch.
Mãi mãi là người vợ yêu anh nhất.