M
ột buổi sáng nắng giòn tan vào mùa thu năm 2013, tôi tham dự một lớp triết học Trung Quốc tại Đại học Harvard. Tôi có mặt ở trường để viết một bài cho báo Atlantic để lý giải vì sao một lớp dạy về chủ đề phức tạp như vậy lại trở thành lớp phổ biến thứ ba ở trường này, đứng sau hai lựa chọn dễ đoán được đó là kinh tế học và khoa học máy tính.
Giáo sư Michael Puett, một quý ông cao lớn, tràn đầy năng lượng ở độ tuổi bốn mươi, đứng trên bục sân khấu tại Nhà hát Sanders giảng bài sôi nổi trước hơn bảy trăm sinh viên. Anh khá cừ khôi trong việc thực hiện các bài giảng hấp dẫn mà không cần bất kỳ ghi chú hay file trình chiếu nào – suốt năm mươi phút liền chỉ thuần nói và nói. Sinh viên không được yêu cầu đọc bài viết nào khác trừ những tác phẩm được dịch sang tiếng Anh của chính các triết gia: Luận ngữ của Khổng Tử, Đạo đức kinh, hay các trước tác của Mạnh Tử. Họ không cần phải có bất kỳ kiến thức tiền đề hay mối quan tâm gì trước với lịch sử hay triết học Trung Quốc; họ chỉ cần cởi mở và sẵn lòng gắn bó với các tác phẩm cổ xưa này. Lớp học này nổi tiếng bởi lời hứa táo bạo mà mỗi năm giáo sư đều cam kết vào ngày đầu khóa: “Nếu bạn nghiêm túc lĩnh hội những tư tưởng trong các tác phẩm này, chúng sẽ thay đổi cuộc đời bạn”.
Tôi lấy bằng tiến sĩ về lịch sử Đông Á tại Harvard, khi còn là học viên sau đại học, tôi từng tham gia giảng dạy cho các sinh viên đại học về triết học Trung Quốc. Thế nên tôi chẳng xa lạ gì các tác phẩm ấy. Nhưng khi nghe Michael giảng ngày hôm đó và suốt những tuần tiếp theo, tôi thấy anh đã đưa được những tư tưởng này vào cuộc sống theo cách mà trước giờ tôi chưa từng trải nghiệm. Anh yêu cầu sinh viên không phải chỉ đánh vật với ý tưởng của các nhà tư tưởng mà còn phải để cho những ý tưởng ấy thách thức những giả định cơ bản của họ về chính mình và về thế giới họ đang sống.
Michael giảng về triết học Trung Quốc tại các trường đại học và tổ chức khác trên toàn thế giới. Sau mỗi bài nói chuyện, mọi người luôn tìm đến anh, thiết tha muốn biết làm thế nào để có thể áp dụng những ý tưởng này vào cuộc sống của họ và các vấn đề thực tế như: mối quan hệ, nghề nghiệp, những mâu thuẫn trong gia đình. Đó là vì họ nhận ra những nguyên tắc này cho thấy một góc nhìn mới mẻ về một cuộc đời tốt đẹp và ý nghĩa là thế nào; một quan điểm mâu thuẫn với rất nhiều điều họ vẫn cho là đúng.
Đó là một cách nhìn đã tác động đến nhiều người theo hướng tốt đẹp hơn. Các sinh viên của Michael đã chia sẻ với tôi những câu chuyện rằng cuộc sống của họ đã thay đổi thế nào nhờ những tư tưởng này. Một số người bảo tôi họ đã thay đổi cách nhìn nhận về các mối quan hệ, bây giờ họ mới nhận ra rằng những hành động nhỏ nhất cũng gây ra một hiệu ứng lan tỏa tới bản thân họ và mọi người xung quanh. Như một sinh viên đã giải thích: “Giáo sư Puett đã mở ra cánh cửa đến với con đường khác biệt trong sự tương tác với thế giới quanh tôi, quá trình xử lý cảm xúc của tôi, kiến tạo bản thân tôi và cả những người khác, một cảm giác điềm tĩnh mà trước giờ tôi chưa từng cảm nhận được”.
Những người trẻ thành công được định vị để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong bất kỳ nghề nghiệp nào họ theo đuổi ấy cho tôi biết những tư tưởng này đã thay đổi cách họ tiếp cận với các quyết định lớn trong cuộc sống và quỹ đạo riêng của họ như thế nào. Dù họ quyết định đi theo con đường tài chính hay nhân loại học, luật hay y học, thì những tư tưởng này cũng trang bị cho họ những công cụ khác và một thế giới quan khác với những gì họ từng biết, mở ra một cánh cửa mới về mục đích của cuộc sống và những khả năng vô hạn của nó. Một sinh viên đã nói với tôi: “Quá dễ để có tư duy rằng bạn đang xây dựng một mục tiêu tối hậu nào đó và đang từng bước leo đến kết cuộc tốt đẹp của một giấc mơ – dù mục tiêu đó là một danh vọng hay vị trí trong cuộc đời. Nhưng đây thật sự là một thông điệp có sức ảnh hưởng mạnh mẽ: khi sống theo một cách khác, bạn sẽ tự khai mở cho mình những khả năng mà bạn không bao giờ tưởng tượng là mình có thể”.
Và không phải chỉ những tác phẩm triết học ấy thôi đã định hình được các sinh viên. Chính bản thân Michael mới là nguồn cảm hứng. Anh được biết đến bởi sự ân cần, khiêm tốn và tận tâm giúp sinh viên của mình phát triển: những đặc điểm khởi nguồn trực tiếp từ hàng thập niên đắm chìm trong tư tưởng Trung Quốc của anh. “Thầy là hiện thân hoàn hảo cho những bài giảng”, một sinh viên đã nói.
Vậy trong những triết lý ấy có gì mà gây tác động to lớn đến vậy với những người nghiên cứu chúng? Không có tư tưởng nào trong số đó bảo bạn “chấp nhận và trân trọng bản thân”, “tìm ra chính mình”, hay phải làm theo một loạt chỉ dẫn để đạt được mục tiêu cụ thể. Trên thực tế, chúng chính là thứ đối chọi với kiểu tư duy đó. Chúng không cụ thể, không ra lệnh, cũng không đao to búa lớn. Thay vào đó, chúng thay đổi từ nền tảng theo những cách không thể đoán định hay hình dung ra trước. Một sinh viên lý giải rằng thật nhẹ nhõm biết bao khi nhận ra những gì chúng ta nghĩ là vốn dĩ và đã ăn sâu một cách thâm căn cố đế trong đầu thật ra không phải là vậy: “Bạn có thể áp dụng những thói quen mới và thật sự thay đổi cách bạn tiếp nhận thế giới, phản ứng lại với nó và tương tác với người khác. Tôi đã học được rằng có thể sử dụng sức mạnh của thói quen, hay 'lễ nghi', để đạt được những điều mà bạn không bao giờ nghĩ là mình có thể, dù bạn nghĩ mình là ai đi nữa”.
Từ lâu, chúng ta đã nhìn nhận tư tưởng của người Trung Quốc qua những lăng kính sai lầm, có xu hướng cho rằng nó không thể thoát ra khỏi “một thế giới truyền thống” và vì thế cứ nghĩ nó chẳng liên quan gì đến cuộc sống đương đại của chúng ta. Nhưng như những sinh viên này có thể chứng thực, lời dạy của các triết gia Trung Quốc cổ đại buộc chúng ta phải đặt nghi vấn nhiều niềm tin mà chúng ta vẫn cho là hiển nhiên. Những tư tưởng của các vị về cách con người tiếp cận thế giới của hai ngàn năm trước – rằng làm thế nào chúng ta có thể gắn kết với người khác, đưa ra quyết định, đối phó với những thăng trầm cuộc sống, cố gây ảnh hưởng lên người khác, chọn lựa hướng đi cho đời mình – cũng phù hợp với ngày nay giống như hai ngàn năm trước vậy. Thực tế, chúng còn thích hợp hơn bao giờ hết.
Michael và tôi nhận ra rằng có thể đưa những tư tưởng này đến với tất cả chúng ta, và đó là lý do cuốn sách này ra đời. Ở những trang tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn thấy lời dạy của các triết gia Trung Quốc có thể khiến bạn suy nghĩ lại về bản thân và tương lai của mình như thế nào.
- Christine Gross-Loh