C
ảm ơn bạn đã cầm trên tay cuốn tản văn tôi viết cùng Trần Khánh Ngân mang tên Mình Ơi... Về Ăn Cơm!
Như tựa đề đã phản ánh phần nào nội dung, cuốn sách này tập hợp hơn 40 tản văn viết về gia đình, đặc biệt xoay quanh mối quan hệ giữa vợ và chồng - hai nhân tố không thể thiếu để dựng xây nên một tổ ấm.
Thật may mắn cho những ai khi sinh ra có một gia đình với đầy đủ cha mẹ.
Và, nếu hai cá thể từ hai gia đình xa lạ đi đến quyết định dọn về sống cùng một nhà “góp gạo thổi cơm chung”, không màng tới những “điều thiêng liêng” như tự do, riêng tư... của từng người nữa thì có nghĩa tình yêu của họ dành cho nhau hẳn phải lớn lắm.
Ngẫm lại mà xem có đúng vậy không, hỡi những người đàn ông của gia đình!
Người mà ngày hôm nay anh đang gọi là vợ, nàng từng là con gái rượu của cha và mẹ nàng. Nàng từng là tâm điểm của sự chú ý, có biết bao “vệ tinh” say xưa theo đuổi. Ấy vậy mà nàng đã chọn trao gửi cả cuộc đời phía trước cho anh, rời khỏi gia đình với cha mẹ ruột của mình để dựng xây một gia đình hoàn toàn mới với anh. Nàng chấp nhận chuyện mình có thể sẽ xấu đi khi mang thai và sinh con cho anh. Nàng chu toàn việc nhà, lo lắng chăm sóc cho anh từng bữa ăn giấc ngủ. Thậm chí con cái nàng mang nặng đẻ đau sinh ra cũng sẽ mang họ anh chứ không mang họ của nàng.
Liệu nàng còn lí do nào khác ngoài tình yêu?
Ngược lại, một người đàn ông chân chính khi quyết định chọn lựa riêng một người phụ nữ để gắn bó cả đời, anh ta cũng phải sẵn sàng gác lại những bay nhảy, tự tại đời độc thân để gánh trên vai trách nhiệm của một trụ cột gia đình.
Nghĩa là, cô gái ấy với anh ta hẳn cũng vô cùng quan trọng.
Bởi thế, nếu đã chọn nhau làm hai nửa của một gia đình, cần lắm sự cảm thông chia sẻ từ cả hai phía vợ và chồng. Như ông bà ta thường nói:
Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn.
Tôi và Trần Khánh Ngân gặp nhau như nhiều mối duyên may tôi từng có trong đời và từ đó quyết định ngồi lại viết chung một “đứa con tinh thần” về đề tài này. Chúng tôi thực sự không có tham vọng đóng vai các nhà tư vấn tâm lí khéo léo, hiểu chuyện... mà chỉ mong muốn chia sẻ những nghĩ suy, trăn trở, cảm nhận theo cách nhìn của mỗi người.
Theo đó, cuốn sách sẽ được bố cục xen kẽ bài viết của tôi và Trần Khánh Ngân, qua hai góc nhìn, quan điểm, nỗi niềm, tâm tình riêng biệt:
Nam và nữ, chồng và vợ, đàn ông và phụ nữ. Đó chính là những mẩu truyện có thật, những lời tự sự của đàn ông và đàn bà dựa trên sự quan sát, lắng nghe, tiếp xúc của mỗi chúng tôi từ cuộc sống.
Trong tiếng Việt, tôi rất thích từ “mình” mà các cặp vợ chồng trìu mến gọi nhau. Cá nhân tôi nghĩ rằng: “Đã gọi vợ hay chồng là “mình” nghĩa là phải thương lắm, yêu lắm bởi xem nhau như chính bản thân cơ mà!”
Một ngày nào đó không xa, tôi cũng sẽ trở thành một người chồng, người cha. Tôi hi vọng mình có thể trở thành một người chồng, người cha tốt.
Và còn điều gì hạnh phúc hơn khi mỗi ngày trước khi trở về nhà lại nhận được tin nhắn hay điện thoại từ vợ mình một câu nói đầy tha thiết thương yêu:
Mình Ơi... Về Ăn Cơm!
Lưu Quang Minh