Bằng những quan sát và thực nghiệm khoa học nghiêm túc đã chỉ ra rằng: Thức ăn không những ảnh hưởng đến thể chất mà đến cả tinh thần, cách suy nghĩ của con người. Vì thế, ăn thứ gì con người sẽ tương xứng như vậy. (Phần lược sử sinh vật thực phẩm đã chỉ rõ một phần điều này). Vì vậy, việc hiểu biết những chuẩn mực của thực phẩm ta ăn hàng ngày là điều vô cùng quan trọng, hết sức cần thiết.
Sau khi tìm hiểu, phân tích, tôi rút ra bảy tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của thức ăn như sau:
1. THỨ NHẤT, THỨC ĂN PHẢI PHÙ HỢP VỚI CẤU TẠO VÀ SINH LÝ CỦA CƠ THỂ
Chế độ ăn uống của bất kỳ động vật nào cũng phải thích hợp với cấu tạo và sinh lý cơ thể của chúng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên quyết định chất lượng của thức ăn, cũng là định luật tự nhiên số một, định luật tối quan trọng trong sinh vật học. Chẳng khác gì một cỗ máy, một động cơ... được chế tạo ra để chạy bằng nhiên liệu nào thì phải cung cấp nhiên liệu đó, nếu không nó sẽ thường xuyên hỏng hóc, hao mòn và chóng trở thành phế thải.
So sánh cấu tạo, sinh lý cơ thể con người với động vật ăn thịt và ăn thực vật, cho thấy: Loài người hoàn toàn phù hợp với thức ăn có nguồn gốc thực vật (xem tiếp Chương 2, mục I - 2 - b).
Vì vậy, thảo mộc là thức ăn chính của loài người. Ai ăn thịt là đã lỗi một nhịp cung đàn trong bản hợp tấu đại quy mô của vũ trụ.
2. THỨ HAI, THỨC ĂN VÀ LỰC VŨ TRỤ
Các đạo sĩ Yoga xưa kia, cũng như nhà bác học lỗi lạc Einstein đã chỉ ra: Toàn bộ vũ trụ biểu hiện bằng các rung động. Rung động của vật chất, của năng lượng và cuối cùng là của ý thức. Cũng như thế giới vật chất nói chung, các loại thực phẩm cũng tràn ngập những rung động tinh tế với các tần số khác nhau. Những rung động đó ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí người ăn.
Có thể chia thức ăn thành ba loại, tương ứng với ba lực hoạt động trong vũ trụ như sau:
a. Lực tri giác và những thức ăn tri giác
Lực đầu tiên của vũ trụ là tri giác, đó là sự tự tri, tình thương, sự an bình, trong sáng và niềm vui. Khi lực này chiếm ưu thế, cuộc sống sẽ thanh bình, thoải mái, trong sáng, tinh thần dễ dàng đạt tới mức độ cao của ý thức.
Thức ăn tri giác gồm ngũ cốc, hoa quả và rau củ...
b. Lực biến dịch và những thức ăn biến dịch
Lực thứ hai của vũ trụ là biến dịch, đó là lực của sự chuyển động hoặc biến đổi không ngừng. Khi lực này chiếm ưu thế trong tâm trí, con người trở nên bị kích động, bồn chồn, thao thức... nên không thể nào bình yên thoải mái, tự tại... được. Kéo dài tình trạng đó tâm trí sẽ xáo trộn, không thể theo đuổi được một công việc tinh thần tế nhị, thâm sâu như tịnh tâm, thiền định.
Thuộc loại này gồm đồ uống có cafein, carbonat, sô-cô-la, đồ gia vị, các sản phẩm lên men và hầu hết các loại tân dược.
c. Lực tĩnh và những thức ăn tĩnh
Đó là lực của sự đần độn, trì trệ, thối rữa và chết chóc. Cái chết sẽ đến nếu hai lực kể trên hoàn toàn suy yếu, chỉ còn lại lực tĩnh chiếm ưu thế. Khi lực này hoạt động trong trí óc, con người sẽ không sáng suốt, uể oải, buồn ngủ, lờ đờ, mụ mẫm, thiếu sinh lực...
Thức ăn tĩnh gồm thịt, cá, hành tỏi, nấm, rượu, thuốc lá, ma túy, thức ăn đã ươn thối...
Người phương Tây tiêu thụ nhiều thức ăn lực tĩnh nên họ ưa dùng các thức ăn đồ uống có lực biến dịch như cafein, carbonat, sô-cô-la... để không bị rơi vào trạng thái lờ đờ, uể oải, thiếu sinh lực do lực tĩnh gây ra. Trong khi đó, người phương Đông chủ yếu ăn rau, hạt, thuộc lực tri giác. Nếu dùng đồ ăn thức uống thuộc lực biến dịch, sẽ làm cơ thể bất an, náo loạn... rất không tốt.
Cho nên không phải cái gì người khác thấy hay, thấy tốt là mình cũng bắt chước, làm theo, mà phải tìm hiểu kỹ, rồi tỉnh táo, sáng suốt, áp dụng cho riêng mình. Đó mới là tinh thần khoa học (xem tiếp Chương 3).
3. THỨ BA, THỨC ĂN THUẦN KHIẾT VÀ KHÔNG THUẦN KHIẾT
a. Thức ăn thuần khiết
Là thức ăn ở xung quanh có nguồn gốc từ thảo mộc, phù hợp và tuân theo luật Âm - Dương, cung cấp năng lượng cho nhu cầu của cơ thể, nhưng không đầu độc, không tạo ra sự náo loạn, điên khùng, cũng không gây nên sự đam mê về chúng, mà tạo ra sự mềm mại, dẻo dai, trong sạch...
Dưới tác dụng của lực này, thân thể trở nên “trong suốt”, từ đó con người có thể bước lên những bậc thang tiến hóa mới, cao hơn.
b. Thức ăn không thuần khiết
Là thức ăn có nguồn gốc từ động vật và đường tinh luyện, chúng gây ra sự rối loạn, khiến người ăn không được bình an, thanh thản, rồi đam mê về chúng. Lâu dài, thân thể sẽ trở thành bức tường dày đặc, nên chẳng những không thể tiến hóa mà còn bị tụt lùi trở lại.
Như vậy, thức ăn có thể làm cho con người trở nên an lạc, hiền hòa, từ bi... nhưng cũng có thể biến người ăn thành náo loạn, độc ác, bạo hành...
Khoa học đã xác nhận: bạo hành, giết người cũng do nguyên nhân chất độc từ thức ăn tạo ra trong cơ thể. Vì vậy, một số nhà sinh lý học nổi tiếng cho rằng: Tội phạm không phải là tội phạm, mà là bị bệnh. Tội phạm cần được giải phẫu, chỉ cần cắt bỏ đi vài tuyến độc trong cơ thể (mà tuyến độc từ thức ăn tích lũy lại) là hành vi bạo hành sẽ tiêu tan.
Tuy nhiên đó không phải là sự thay đổi nền tảng, tận gốc rễ. Bất lực không phải là bất bạo hành. Gốc rễ của vấn đề là phải thay đổi phẩm chất của thức ăn, chỉ có cách đó mới tránh được chất độc là nguyên nhân dẫn tới bạo hành, tội ác... ở loài người.
Biến đổi toàn bộ thân thể bằng việc thay đổi thức ăn là một thực nghiệm khoa học cực kỳ quan trọng, đã khẳng định rằng bất kỳ cái gì ăn vào đều ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tính cách con người. Vì vậy, có thể nói: Con đường để đạt tới những gì được coi là siêu phàm, vĩ đại trong cuộc sống chính là con đường đi qua cơ thể, mà cơ thể là do thức ăn tạo ra. Ăn uống là con đường dẫn tới Tâm linh.
4. THỨ TƯ, THỨC ĂN PHẢI ĐỦ CHẤT
Đủ là không thiếu, cũng không thừa. Vì thiếu sẽ gây ra sự mất quân bình, rối loạn, sinh bệnh, nhưng thừa còn dẫn đến tình trạng nặng nề hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Khoa dinh dưỡng học hiện đại cho đến gần đây vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào việc sử dụng các thành phần đạm động vật, mỡ, tinh bột và nhằm tới mục tiêu khoái khẩu mà chưa nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của khoáng (vi, đa lượng) và vitamin trong khẩu phần ăn. Họ vẫn trong tình trạng chẳng biết như thế nào là đủ và đủ cái gì.
Tiến sĩ J. Wallach (Mỹ), người được tiến cử xét nhận giải thưởng Nobel Y học năm 1991, với công trình nghiên cứu xuất sắc, công bố trong quyển Sự trung thực của xác chết, đã nhấn mạnh vai trò của khoáng và vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ông chỉ ra: Thức ăn đồ uống hàng ngày phải cung cấp cho cơ thể 90 chất, trong đó 60 chất khoáng, 16 vitamin, 2 loại: Axít amin đạm và axít amin béo. Nếu không đủ sẽ bị các chứng bệnh liên quan tới việc thiếu dinh dưỡng.
Cụ thể là:
• Thiếu nguyên tố đồng (Cu) da sẽ nhăn nheo, nếp nhăn trên mặt như quả táo khô, da ở hai chi trên, ngực, bụng, cổ... võng xuống, xuất hiện quầng thâm dưới mắt, phình mạch máu nhất là ở khoeo (nhượng) chân.
• Thiếu crom và vanadium sẽ bị bệnh tiểu đường.
• Thiếu thiếc bị hói đầu, nặng có thể bị điếc.
• Thiếu kẽm sẽ ăn không ngon miệng, dẫn đến suy dinh dưỡng.
• Thiếu canxi có thể bị 147 bệnh khác nhau, trong đó đáng kể là ung thư, béo phì, liệt nhẹ dây thần kinh số 7 có thể dẫn đến liệt hoặc méo miệng, loãng xương. Riêng bệnh loãng xương, có tỷ lệ tử vong đứng thứ 10, phí tổn điều trị rất tốn kém, còn là nguyên nhân của các bệnh viêm khớp, thấp khớp, đau lưng...
• Thiếu bor có thể sẽ không sản sinh được oestrogen là hormone sinh dục nữ, gây nhiều rắc rối cho thời kỳ mãn kinh; không sản sinh được testosterol là hormone sinh dục nam, có thể bị điếc, thậm chí liệt dương...
• Thiếu selen thường xuất hiện những đốm màu đỏ trên mặt và lòng bàn tay, dễ bị bệnh tim và ung thư. v.v...
5. THỨ NĂM, TÍNH ÂM DƯƠNG CỦA THỨC ĂN
Hai tính chất vô cùng quan trọng của thực phẩm cần đặc biệt chú ý là Âm và Dương. Nhìn chung, thực phẩm có nguồn gốc động vật (các loại thịt, trứng...) thuộc Dương tính. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, củ, quả...) nghiêng về Âm tính.
Tốt nhất, nên chọn Dương trong Âm, là các thực vật Dương tính như cà rốt, củ cải, xà lách xoong, rau má, rau cải, bí đỏ, đậu đỏ, củ sen, hạt sen, ngó sen... và chọn Âm trong Dương, chủ yếu là nước bọt của người ăn.
Quân bình về phương diện Âm - Dương là tỷ lệ Âm/Dương = 5/1. Tỷ lệ này nhỏ hơn là nghiêng về Dương tính, lớn hơn là thuộc về Âm tính. Tốt nhất nên chọn những thực phẩm ở gần trục quân bình.
Tuy nhiên, có thể thay đổi tính Âm - Dương trong quá trình nấu nướng để phù hợp với trạng thái cơ thể người ăn, thông qua việc sử dụng bốn yếu tố cơ bản là muối, lửa, nước và áp suất. Nếu cần nâng cao Dương tính của thức ăn thì cho nhiều muối, ít nước, đun kỹ hơn, nhất là dùng nồi áp suất. Ngược lại, cần tăng Âm tính thì cho ít muối, nhiều nước, nấu vừa chín...
6. THỨ SÁU, TÍNH AXÍT, KIỀM CỦA THỨC ĂN
Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm còn phụ thuộc vào việc chúng sẽ tạo phản ứng axít hay kiềm trong cơ thể. Đó là một chỉ tiêu rất quan trọng nhưng rất ít người hiểu biết để áp dụng, kể cả các chuyên gia của khoa Điều dưỡng hiện đại ở các bệnh viện.
Cơ thể con người có tính hơi kiềm (pH = 7,35 đến 7,45, tốt nhất là 7,4) trong môi trường như vậy, mọi quá trình sinh hóa diễn ra thuận lợi, các chất thải, cặn bã bị khử và đào thải dễ dàng nhanh chóng, cơ thể sẽ trong sạch, nhanh nhẹn, khỏe mạnh.
Ăn nhiều thức ăn tạo phản ứng axít, cơ thể và máu sẽ có tính axít, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả sau:
• Việc lọc máu của gan, thận, lá lách gặp nhiều khó khăn, phải làm việc quá sức nên suy yếu và dễ bị bệnh.
• Các chất cặn bã dễ kết tủa, bám vào các mô, cơ quan và đặc biệt vào thành mạch máu, chúng lại rất bền vững trong môi trường axít, do vậy khó bị hòa tan để đào thải, sẽ đầu độc, gây trở ngại lớn cho các hoạt động sinh lý của cơ thể.
• Những chất độc, cặn bã không bị đào thải sẽ tập trung ở bắp cơ, khớp xương, thần kinh... gây ra bệnh nhức mỏi, thấp khớp, gút, thần kinh tọa, viêm thần kinh; bám vào thành mạch, làm nặng nề quá trình bơm máu, gây bệnh cao huyết áp, suy tim, đột quỵ... Hoặc tìm đường bài tiết qua da gây mụn trứng cá, lở loét, đinh nhọt; tạo ra hàng loạt bệnh khác như trĩ, phong, tê liệt, hen suyễn, dị ứng, lao... kể cả mất khả năng tình dục...
• Nội môi trường axít là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh khác nhau như: tiểu đường, suy thận, yếu gan, gút, phong thấp, nhức mỏi, kể cả ung thư...
• Axít sẽ kết hợp với các chất khoáng kiềm như canxi, magiê... rồi kết tủa, tạo thành sỏi thận, mật, bàng quang, và gây bệnh loãng xương...
Nguyên nhân của những bệnh trên là do ăn nhiều thức ăn tạo nội môi trường axít, lại ít hoạt động, áp lực tâm lý nặng, các thói quen không tốt, môi trường ô nhiễm...
Nhìn chung, những người có nội môi trường axít sẽ có sức đề kháng kém, dễ mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức các khớp xương, táo bón, béo phì... hay quên, khó tập trung tư tưởng... Y học hiện đại không thể phát hiện ra bệnh gì nên được gộp chung là “yếu mệt”. Loại này chiếm trên 80% dân số. Trong khi những người có nội môi trường tốt (hơi kiềm), cơ thể sẽ sung mãn, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Đạt tiêu chuẩn này chỉ chiếm khoảng 10% dân số.
Phương thức chữa trị các bệnh trên là giảm càng nhiều càng tốt lượng thức ăn tạo phản ứng axít và tăng cường thức ăn tạo phản ứng kiềm.
Sau đây là một số thức ăn, đồ uống thông thường tạo phản ứng axít hay kiềm trong cơ thể con người:
a. Những thức ăn tạo nội môi trường axít
• Các loại thức ăn động vật (thịt, cá, trứng, sữa...).
• Các thức ăn nhiều tinh bột, nhất là cốc hạt đã xay xát hết cám.
• Các loại thức ăn có đường, đặc biệt là đường tinh và các sản phẩm của nó như thức uống có đường, kẹo, bánh ngọt, trái cây đóng hộp, mứt v.v...
• Các đồ gia vị, các thức ăn ngâm giấm và giấm.
• Các loại dầu mỡ và tất cả các đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
• Các loại đậu đỗ kể cả lạc (đậu phộng), trừ đậu nành.
• Các loại khác: trà (chủ yếu là trà búp, còn trà lá già thì tạo nội môi trường kiềm), cà phê, sô-cô-la, rượu, bia, nước cất, hành, tỏi, nấm, thuốc tân dược...
b. Những thức ăn tạo nội môi trường kiềm
• Hầu hết các loại rau có lá xanh, đặc biệt là rau cải.
• Đậu nành là duy nhất trong các loại đậu tạo nội môi trường kiềm và là loại thức ăn tuyệt vời để chữa trị bệnh thừa axít.
• Hạt của các loại quả hạch.
• Dừa, đặc biệt nước dừa, nước cốt dừa rất kiềm, có tác dụng chữa các bệnh do nội môi trường quá axít gây ra.
• Các loại quả mọng nước có tính kiềm cao, nên tác dụng trung hòa axít rất tốt.
• Các loại dâu quả như dâu rừng (phúc bồn tử), dâu tây chín (nếu chưa chín kỹ thì có tính axít).
• Nước chanh tươi có tính axít, nhưng khi vào cơ thể lại tạo phản ứng kiềm, nên được các tiên gia, đạo sĩ, các yogi dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt.
7. THỨ BẢY, NHỊP SINH HỌC
Xuất phát từ quan điểm triết học trung tâm của phương Đông: con người là vũ trụ thu nhỏ; con người và môi trường sống thống nhất với nhau. Một cơ thể khỏe mạnh phải có nhịp sinh học cân bằng và phù hợp với chu kỳ biến đổi của môi trường thiên nhiên.
Do vậy, ăn những thực phẩm thiên nhiên có sẵn ở xung quanh thì nhịp sinh học của chúng và người ăn hòa hợp, thống nhất, nên cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, thức ăn từ những vùng xa xôi sẽ làm cho nhịp sinh học của người ăn bị rối loạn, cơ thể suy yếu, mắc bệnh...
Chính thực phẩm là cầu nối giữa con người với vũ trụ. Vì vậy, mọi hoạt động, nhất là ăn uống phải tuân theo nguyên lý THIÊN - ĐỊA - NHÂN hợp nhất.
Những trình bày trên đây cho thấy thực dưỡng là lĩnh vực khoa học vô cùng tinh vi, phức tạp, nhiệm mầu... có vai trò quyết định chất lượng cuộc sống và sự tiến hóa của loài người. Cần được đặc biệt chú ý: thức ăn có nguồn gốc động vật, hành tỏi, nấm, rượu... gây trì độn; các loại gia vị, nước giải khát có cafein, carbonat, sô-cô-la... gây náo loạn, bất an...
Ngoài ra, chúng đều tạo nội môi trường axít độc hại, do đó không nên sử dụng. Tuy nhiên, nhiều loại rau củ quả, nhất là các loại quả mọng, tuy tạo nội môi trường kiềm nhưng lại Âm tính. Hoặc đậu đỏ thuộc Dương tính, nhưng lại tạo nội môi trường axít. Nước dừa và nước cốt dừa rất kiềm, nhưng lại Âm tính. Ngay như đậu nành, có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng lại hơi Âm tính v.v...
Vì vậy, ăn uống đòi hỏi phải hiểu biết và thông tuệ. Khi vận dụng phải tìm hiểu nghiêm túc, để nắm thật chắc, rồi áp dụng linh hoạt, sáng tạo, thì kết quả của thực dưỡng mới tốt đẹp. Ăn uống quả là lĩnh vực chẳng thể xem nhẹ được.
Muốn tránh bệnh tật, duy trì và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và thế hệ tương lai, thì việc hiểu biết sâu sắc về thực phẩm và cách ăn uống phải được coi là nội dung giáo dục quan trọng bậc nhất. Thiết nghĩ môn học “nuôi dưỡng sự sống” cần được toàn thể loài người đề cao, tôn vinh.