Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng có sự phát triển tương đồng như thị trường bán lẻ thế giới. Tuy nhiên, động thái phát triển có sự khác biệt về thời gian và loại hình.
Giai đoạn đầu tiên được xác định là trước năm 1986: Đây là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được quản lý theo phương thức kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Hàng hóa sản xuất ra, hoặc nhập khẩu, được tập trung vào một tổ chức chịu trách nhiệm “phân phối đến người tiêu dùng theo công thức lập trước”. Bán lẻ nội địa giai đoạn này được gọi bằng cụm từ “nội thương”, khác với bán ra nước ngoài được gọi là “ngoại thương”. Nền kinh tế ở thời điểm này, cung không đủ cầu, bán lẻ thống lĩnh nền kinh tế, các cô “mậu dịch viên” – nhân viên bán lẻ – có vị trí quyền lực tối cao trong việc phân phát hàng hóa tới người tiêu dùng. Giai đoạn này được gọi là “bán lẻ thống lĩnh nền kinh tế”.
Giai đoạn thứ hai là từ năm 1986 đến những năm 2000. Đây là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa với bên ngoài và khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đặc biệt sau năm 1993, kinh tế tư nhân được khuyến khích tham gia và được coi là một thành phần kinh tế chính thức. Năm 1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các lệnh cấm vận từng bước được dỡ bỏ. Giai đoạn này cung bắt đầu tăng lên do hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, sản xuất trong nước được khuyến khích phát triển, các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất nhiều hơn. Từ đó, vai trò của bán lẻ bắt đầu giảm xuống vì nhiều nhà sản xuất bắt đầu có xu hướng bán trực tiếp đến người tiêu dùng, hạn chế trung gian. Thị trường bán lẻ bắt đầu có sự tham gia của nhiều loại hình kinh tế. Lúc này tồn tại hai hình thức bán hàng phổ biến là bán buôn và bán lẻ. Hình thức bán lẻ thông qua các “cửa hàng mậu dịch” bắt đầu thoái trào, các loại hình bán lẻ tự phát như cửa hàng tạp hóa, chợ bắt đầu phát triển và chợ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam. Triết lý “phi thương bất phú” bắt đầu hình thành trong giai đoạn này. Đặc điểm chung của thị trường bán lẻ giai đoạn từ năm 1986 đến những năm 2000 khá đơn điệu, chủ yếu thông qua hình thức: nhà sản xuất bán buôn hệ thống bán lẻ người tiêu dùng. Có thể nói, bán buôn lúc này chiếm vai trò chủ đạo, các “chợ bán buôn”, “chợ đầu mối” xuất hiện, dần hình thành các “trung tâm phân phối”, công ty phân phối.
Giai đoạn này, loại hình bán lẻ siêu thị cũng bắt đầu xuất hiện. Siêu thị đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10 năm 1993 tại thành phố Hồ Chí Minh mang thương hiệu Minimart do Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản và Tiểu thủ Công nghiệp Vũng Tàu (Vũng Tàu Sinhanco) thành lập. Minimart có quy mô nhỏ, số lượng mặt hàng bày bán và doanh thu hàng ngày thấp, chủ yếu phục vụ đối tượng khách nước ngoài. Tại Hà Nội, hai siêu thị đầu tiên được khai trương là siêu thị thuộc Trung tâm Thương mại số 7-9 Đinh Tiên Hoàng (tháng 1 năm 1995) và siêu thị Minimart Hà Nội tại tầng 2 chợ Hôm (tháng 5 năm 1995).
Giai đoạn thứ ba của thị trường bán lẻ Việt Nam được xác định từ năm 2000 trở lại đây. Có thể nói, đây là giai đoạn bùng nổ, hưng thịnh của thị trường bán lẻ Việt Nam. Các thuật ngữ “bán lẻ truyền thống”, “bán lẻ hiện đại” bắt đầu xuất hiện. Ngoài hình thức bán lẻ qua chợ và cửa hàng bán lẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều hình thức bán lẻ khác. Nhiều thành phần kinh tế tham gia thị trường bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán lẻ truyền thống, hệ thống các cửa hàng tổng hợp và chuyên doanh được quản lý bởi các hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời các loại hình bán lẻ hiện đại cũng bắt đầu phát triển.
Giai đoạn này, hàng hóa được các nhà sản xuất cung cấp với số lượng lớn, đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào sản xuất tại thị trường Việt Nam. Lượng cung hàng hóa rất lớn, mức độ cạnh tranh của các nhà sản xuất lên cao. Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu tham gia các khối, các hiệp định thương mại quốc tế nên hàng hóa nhập khẩu dễ dàng hơn với mức thuế ưu đãi hơn. Hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước tăng lên nhanh chóng về thương hiệu, chủng loại, mẫu mã và kích thước. Chỉ tính đơn giản với ngành hàng dầu gội đầu, nếu trong giai đoạn hai, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ có 2 – 3 thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước thì đến giai đoạn này, đã có 8 – 10 thương hiệu với chủng loại hàng hóa phong phú hơn, kích thước cũng đa dạng hơn để thỏa mãn các nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng. Trong giai đoạn này, cung đã vượt xa so với cầu.
Giai đoạn thứ tư mà tôi tạm gọi là “bán lẻ 4.0“ cho phù hợp với “trend” ở Việt Nam hiện nay: Bán lẻ tương tác với người tiêu dùng nhanh chóng và dễ dàng hơn, cùng với sự phát triển của bán lẻ trên internet, bán lẻ thông qua mạng xã hội, bán lẻ qua điện thoại di động, bán lẻ qua truyền hình.
Các loại hình bán lẻ mới ra đời nhanh chóng trong giai đoạn công nghệ phát triển và bùng nổ của đại dịch Covid trên toàn cầu. Con người bị hạn chế đi lại và được khuyến khích ngồi yên tại nhà. Bán lẻ giờ đây không phải là những trung tâm thương mại lớn, các siêu thị đầy ắp hàng hóa hay các cửa hàng tạp hóa gần nhà. Bán lẻ ngày nay nằm trên chiếc điện thoại thông minh và chiếc máy tính trong mỗi gia đình và văn phòng công ty. Con đường từ người tiêu dùng tới nhà bán lẻ không phải là con đường vật lý đi lại hàng ngày mà là con đường internet. Chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc cuộc điện thoại là có thể kết nối với nhà bán lẻ. Gian hàng giờ đây không phải để sờ để cầm, mà để xem, để đọc, để so sánh rồi quyết định. Các loại hình bán lẻ mới ra đời dựa trên nền tảng internet, sự trao đổi giữa khách hàng và nhà bán lẻ diễn ra trên các ứng dụng nhắn tin, goi điện miễn phí. Sự tiện lợi và không mất chi phí giao dịch đã làm cho loại hình bán lẻ dựa trên internet phát triển và càng bùng nổ trong đại dịch Covid.