Trên cơ sở nghiên cứu về sự phát triển các loại hình tổ chức bán lẻ văn minh hiện đại trên thế giới và chủ yếu là của Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu, có thể thấy có 14 loại hình bán lẻ (Phạm Hữu Thìn). Điển hình phải kể đến một số loại hình bán lẻ như:
– Về cửa hàng bán lẻ gồm có: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bách hóa và cửa hàng giá rẻ (cửa hàng dạng nhà kho, cửa hàng hội viên dạng nhà kho).
– Loại hình trung tâm mua sắm gồm có: trung tâm mua sắm dạng “power center ” và công viên bán lẻ “retail park”.
– Chuỗi cửa hàng bán lẻ gồm có: chuỗi cửa hàng thông thường, chuỗi cửa hàng nhượng quyền, chuỗi cửa hàng tự nguyện, chuỗi cửa hàng phức hợp.
Như vậy, có thể thấy rằng siêu thị chỉ là một trong số 14 loại hình bán lẻ trên thế giới.
Trên cơ sở tổng hợp nghiên cứu các loại hình bán lẻ trên thế giới mà chủ yếu là ở Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan và một số nước trong khu vực, có thể chia bán lẻ thành ba loại hình chủ yếu là: Cửa hàng bán lẻ, chuỗi cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm.
Theo tiến sĩ Phạm Hữu Thìn, việc phân loại và xác định các đặc điểm của từng loại hình cửa hàng bán lẻ thường dựa vào việc tổng hợp các tiêu chí: vị trí quy hoạch, phạm vi thị trường và khách hàng mục tiêu, tổng diện tích kinh doanh, cơ cấu hàng hóa kinh doanh, mức giá bán lẻ vận dụng, mức độ dịch vụ khách hàng, phương thức bán hàng, thanh toán, mức độ áp dụng công nghệ thông tin, hình thức, tổ chức vận doanh. Căn cứ vào tiêu chí này có thể chia ra một số loại hình cửa hàng bán lẻ như sau:
– Siêu thị (Supermarket): Là loại hình cửa hàng bán lẻ thỏa mãn nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Hàng hóa được trưng bày để ngỏ, bán hàng theo phương thức tự phục vụ hoặc tự phục vụ là chủ yếu, tách biệt cửa ra và cửa vào, thực hiện thanh toán tập trung.
– Cửa hàng tiện lợi (Convenience store): Đây là loại hình cửa hàng cung cấp sự tiện lợi cho người tiêu dùng, quy mô cửa hàng nhỏ, hàng hóa và dịch vụ kinh doanh chủ yếu là những thứ gần gũi, thiết yếu với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người.
– Cửa hàng chuyên doanh: Là loại hình cửa hàng chỉ kinh doanh hay tập trung kinh doanh một mặt hàng hoặc một nhóm mặt hàng nào đó, hoặc định hướng vào một loại nhu cầu hay nhãn hiệu nhất định, hàng hóa kinh doanh trong phạm vi hẹp nhưng cung cấp sự lựa chọn sâu (hay rất phong phú) về hàng hóa hoặc nhãn hiệu hàng hóa kinh doanh với phẩm cấp và giá cả khác nhau cùng với hàng hóa và/hoặc dịch vụ bổ sung có liên quan khác.
Cửa hàng chuyên doanh thường được chia thành hai loại: cửa hàng chuyên doanh (speciality store) và cửa hàng đại lý độc quyền (professional/exclusive shop). Ngoài ra, còn có một loại hình cửa hàng chuyên doanh nhưng vận hành theo nguyên lý cửa hàng giá rẻ là cửa hàng chuyên doanh giá rẻ (category killer ).
Cửa hàng chuyên doanh còn gọi là cửa hàng chuyên ngành là loại hình cửa hàng bán lẻ chuyên bán một mặt hàng hoặc một nhóm mặt hàng nào đó như cửa hàng giày thể thao, cửa hàng đồ chơi. Cửa hàng đại lý độc quyền là loại hình cửa hàng bán lẻ chuyên bán hoặc được ủy quyền bán một nhãn hiệu hàng hóa chủ yếu nào đó.
– Cửa hàng bách hóa (Department store): Là loại cửa hàng nằm trong một tòa nhà, thường chiếm vị trí nổi bật ở trung tâm thành phố, quận hoặc là cửa hàng chính trong các trung tâm mua sắm ngoại ô, kinh doanh tổng hợp nhiều loại hàng hóa và cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ (kể cả giao hàng tận nhà và cho nợ…); phạm vi kinh doanh rộng, hàng hóa đa dạng, phong phú; hàng hóa bày bán ở cửa hàng được chia thành các gian riêng biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lựa chọn cũng như việc quản lý cửa hàng.
– Cửa hàng giá rẻ (Discount store): Là loại hình cửa hàng bán lẻ các loại hàng hóa tiêu dùng với giá rẻ hơn so với giá bán lẻ bình thường. Cửa hàng bán lẻ giá rẻ có đặc điểm là hạn chế chi phí xây dựng, trang trí nội thất, nhân công quản lý; bán hàng theo phương thức tự phục vụ giống như siêu thị; cung cấp dịch vụ hạn chế nhằm bán hàng với giá thấp. Có hai loại hình cửa hàng bán lẻ giá rẻ tiêu biểu là cửa hàng dạng nhà kho (warehouse store) và cửa hàng hội viên dạng nhà kho (membership club, wholesale club).
Chuỗi cửa hàng bán lẻ
Chuỗi cửa hàng là một loạt cửa hàng giống nhau (có cùng thương hiệu, cùng hình thức trang trí bên ngoài và cùng một loại hàng hóa), được tiêu chuẩn hóa và vận doanh thống nhất. Các chức năng quản lý, chuẩn bị nguồn hàng, quyết định chính sách bán hàng, giá cả… được tập trung vào doanh nghiệp chuỗi mẹ, các cửa hàng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bán hàng theo kế hoạch đã được doanh nghiệp chuỗi mẹ thông qua.
Chuỗi cửa hàng thường được phân loại dựa vào phạm vi hoạt động và phương thức vận doanh. Tùy theo mức độ và phương diện liên kết chủ yếu, các chuỗi cửa hàng được chia thành các loại cơ bản: Chuỗi cửa hàng thông thường, chuỗi cửa hàng nhượng quyền, chuỗi cửa hàng tự nguyện, chuỗi cửa hàng phức hợp.
– Chuỗi cửa hàng thông thường (Regular chain): Là hệ thống cửa hàng do một doanh nghiệp sở hữu. Doanh nghiệp này tự bỏ vốn thành lập và tổ chức điều hành một hệ thống chuỗi cửa hàng của riêng mình.
– Chuỗi cửa hàng nhượng quyền (Franchise chain): Là hệ thống cửa hàng mà doanh nghiệp chuỗi mẹ với tư cách là bên nhượng quyền cấp quyền kinh doanh cho cửa hàng nhận quyền hay cửa hàng mua quyền nhằm thu hút các cửa hàng bán lẻ độc lập ở các địa điểm khác nhau và thuộc sở hữu khác nhau vào làm cửa hàng thành viên của chuỗi.
– Chuỗi cửa hàng tự nguyện (Voluntary chain): Là loại hình tổ chức bán lẻ dựa trên liên minh, hợp tác giữa nhiều cửa hàng bán lẻ độc lập trong việc sử dụng thương hiệu chung, cùng nhau mua hàng và sử dụng dịch vụ logistic.
– Chuỗi cửa hàng phức hợp: Là loại chuỗi phức hợp hai trong ba loại trên.