Các loại hình bán lẻ ở Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Dựa trên các tiêu chí khác nhau, người ta có thể phân ra nhiều loại hình bán lẻ. Dựa theo quy mô thì các loại hình bán lẻ có các cơ sở bán lẻ lớn, vừa và nhỏ. Phân loại theo các chủ thể tham gia bán lẻ gồm có doanh nghiệp bán lẻ, hợp tác xã bán lẻ, cá thể hộ gia đình… Tuy nhiên, phổ biến và dễ hiểu nhất thì người ta thường phân loại thị trường theo cách thức bán hàng và hàng hóa kinh doanh. Theo đó trong thị trường bán lẻ Việt Nam, các loại hình bán lẻ gồm có bán lẻ tại cửa hàng, bán lẻ không qua cửa hàng và bán lẻ dịch vụ.
Bán lẻ tại cửa hàng
Đây là loại hình bán lẻ phổ biến nhất hiện nay. Theo loại hình bán lẻ này, các tổ chức hay cá nhân bán lẻ có một địa điểm kinh doanh cố định. Tại đây, người ta tổ chức trưng bày hàng hóa và người tiêu dùng tới đây để mua và thanh toán trực tiếp. Các địa điểm bán hàng này có quy mô, tính chất khác nhau. Hiện nay có các loại cửa hàng bán lẻ như sau:
– Chợ: Là một loại hình bán lẻ truyền thống lâu đời và phổ biến tại Việt Nam. Chợ có thể hiểu là nơi quy tụ nhiều người bán lẻ và người tiêu dùng để tiêu thụ các loại hàng hóa khác nhau. Hoạt động buôn bán của chợ có thể diễn ra hàng ngày hoặc định kỳ theo một khoảng thời gian nhất định.
– Siêu thị: Là một loại hình bán lẻ hiện đại, mới xuất hiện tại Việt Nam. Siêu thị được hiểu là một cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo phương thức tự phục vụ, được trang bị cơ sở vật chất tương đối hiện đại, bày bán nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân. Giá cả tại siêu thị thường cố định theo sự ấn định của người kinh doanh, không linh hoạt như giá cả ngoài chợ là kết quả thương lượng giữa người bán và người mua. Siêu thị thường phải đáp ứng được một số quy định nhất định về cơ sở vật chất: quy mô, địa điểm, kho… Quy định này tùy thuộc vào cơ quan quản lý. Loại hình bán lẻ này đang tăng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam. Đây là loại hình phát triển mạnh tại các thành phố lớn và đang có xu hướng phát triển mạnh về các thành phố trực thuộc tỉnh.
– Cửa hàng bán lẻ độc lập: Loại hình bán lẻ này tồn tại rất phổ biến. Các cửa hàng này thường thuộc sở hữu của cá nhân hay hộ gia đình. Nó tồn tại dưới hình thức cửa hàng, cửa tiệm nhỏ tại các mặt phố, khu dân cư. Hàng hóa tại các cửa hàng này thường là các mặt hàng tiêu dùng, dân dụng phục vụ cho nhu cầu hằng ngày. Tại Việt Nam, loại hình bán lẻ này thường được gọi với tên quen thuộc là “cửa hàng tạp hoá”.
– Cửa hàng bán lẻ dạng hợp tác xã: Hợp tác xã bán lẻ được hình thành bởi một nhóm người bán lẻ liên kết với nhau để cùng buôn bán, phân phối hàng hóa. Liên kết này dựa trên sự tự nguyện, đồng thời các thành viên có quyền tự do gia nhập, tách khỏi hợp tác xã và tự cung ứng hàng hóa từ các nguồn ngoài hợp tác xã. Tại Việt Nam, loại hình bán lẻ này rất phổ biến ở các hợp tác xã nông nghiệp hoặc các hợp tác xã của các làng nghề.
– Cửa hàng bách hóa (hay còn gọi là trung tâm thương mại): Đây là loại hình cửa hàng lớn cả về quy mô và số lượng hàng hóa. Các cửa hàng bách hóa thường được xây dựng tại các khu dân cư tập trung đông đúc. Hàng hóa tại đây phong phú về chủng loại và mẫu mã nên thường được bày bán chuyên biệt tại các khu vực riêng của cửa hàng. Loại hình bán lẻ này trước đây tồn tại với tên “cửa hàng bách hóa”. Gần đây được gọi tên quen thuộc hơn là trung tâm thương mại. Xu hướng bán lẻ ở Việt Nam gần đây cho thấy loại hình bán lẻ này đang rất phát triển. Có thể kể đến sự thành công của AEON Mall Long Biên, Bình Dương, Lotte... Loại hình bán lẻ này đang được thống lĩnh bởi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực vốn lớn và kinh nghiệm điều hành hệ thống trung tâm thương mại tại nước sở tại.
– Cửa hàng đại lý: Các cửa hàng này được người sản xuất hoặc người phân phối ủy thác làm trung gian cho việc tiêu thụ hàng hóa trên cơ sở hợp đồng đại lý. Cửa hàng đại lý hoạt động độc lập và hưởng một khoản hoa hồng nhất định. Loại hình bán lẻ này gần đây được gọi là các cửa hàng chuyên doanh của các nhà sản xuất. Có thể kể đến như cửa hàng Nike, Adidas, cửa hàng thời trang Việt Tiến, May 10... Loại hình bán lẻ này phục vụ một lượng người tiêu dùng “sành điệu”. Họ trung thành với các thương hiệu nhất định. Hành vi mua của họ dựa trên thương hiệu chứ không phải dựa trên giá cả.
– Cửa hàng nhượng quyền thương mại: Đây là một hình thức mới mẻ, nó bắt đầu xuất hiện tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cửa hàng này thường được ký hợp đồng để được nhượng quyền kinh doanh một loại hàng hóa dịch vụ nhất định từ nhà sản xuất. Các cửa hàng nhượng quyền đã có sẵn vốn và địa điểm kinh doanh. Các cửa hàng này kinh doanh dựa vào thương hiệu của các nhãn hàng đã nổi tiếng trên thị trường. Ngoài ra, cửa hàng này cũng nhận được sự tư vấn, cung cấp bí quyết về marketing, tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực… từ đơn vị trao quyền kinh doanh. Đây là loại hình cửa hàng đang rất phát triển ở Việt Nam. Với kinh doanh hàng tiêu dùng có thể kể đến: Circle K, Family Mart, B Mart... và các doanh nghiệp trong nước cũng tham gia hệ thống cửa hàng này như: Satra Food, Coop Food, Hapro.
Bán lẻ không qua cửa hàng
Với hình thức bán lẻ này, tổ chức và cá nhân bán lẻ không cần thiết phải có một địa điểm bán hàng cố định. Người ta có thể bán hàng tận nhà, bán hàng qua bưu điện, bán hàng qua mạng… Loại hình bán lẻ này ở Việt Nam đang phát triển dưới các hình thức như: bán hàng online, bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua truyền hình, bán hàng qua catalogue. Bán lẻ không qua cửa hàng đang trong quá trình hình thành và phát triển, phục vụ một lượng người tiêu dùng trẻ sử dụng công nghệ thường xuyên và không muốn đến các địa điểm mua sắm đông đúc. Loại hình bán lẻ này đang có nhiều cá nhân nhỏ lẻ kinh doanh. Tuy nhiên, chưa xuất hiện một doanh nghiệp, cá nhân nào hoạt động hiệu quả rõ rệt như amazon.com tại Mỹ hay alibaba. com tại Trung Quốc. Thông thường ở Việt Nam, loại hình bán lẻ này được phối hợp với bán lẻ qua cửa hàng để gia tăng doanh số và gia tăng khách hàng. Ví dụ như chuỗi cửa hàng Thế giới di động không chỉ kinh doanh ở gần 500 cửa hàng mà còn bán lẻ thông qua trang web thegioididong.com. Trang web này cũng đem lại doanh thu gần 1.000 tỷ đồng/năm trong năm 2015 cho doanh nghiệp bán lẻ này.
– Bán lẻ thông qua các sàn thương mại điện tử: Có thể kể đến như sàn Tiki, Shopee, Lazada… Phương thức bán lẻ này có thể ví von như thay vì tìm một địa điểm để thuê mở cửa hàng trong trung tâm thương mại được xây dựng tại một địa điểm cụ thể, nhà bán lẻ thuê một địa điểm trên trang thương mại điện tử. Cách vận hành và hoạt động có thể có một số sự khác biệt tuy nhiên về bản chất là nhà bán lẻ phục vụ đối tượng khách không tới cửa hàng mà mua trên nền tảng internet.
– Bán lẻ trực tiếp dựa trên các trang mạng xã hội: Cũng giống như các cửa hàng vật lý phục vụ khách hàng trên các tuyến phố, bán lẻ trên các trang mạng xã hội thì phục vụ cộng đồng người tiêu dùng trên các mạng xã hội. Về hình thức, nhà bán lẻ có thể bán thông qua việc trưng bày hàng hóa trên trang mạng xã hội của mình (trưng bày tĩnh) hoặc livestream giới thiệu sản phẩm dịch vụ (trưng bày động). Vấn đề then chốt của loại hình bán lẻ này là làm thế nào để người tiêu dùng biết tới cửa hàng của bạn trên mạng xã hội này. Vì thế chi phí quảng cáo là vấn đề lớn mà loại hình bán lẻ này phải đối mặt.
– Bán lẻ qua các ứng dụng trên thiết bị di động. Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng (apps) trên điện thoại di động mở ra một kênh bán lẻ mới và tiện lợi. Sự hào hứng cửa người tiêu dùng khi sử dụng các apps như Zalo, TikTok... cũng mở ra một kênh tiếp xúc hiệu quả giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển của cuộc sống thì các loại hình bán lẻ không qua cửa hàng và bán lẻ dịch vụ ngày càng phổ biến. Do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, công nghệ viễn thông, đặc biệt là mạng internet, thì hiện nay, hoạt động thương mại điện tử (giới thiệu, bán hàng và thanh toán qua mạng) đang rất phát triển. Đồng thời, thu nhập của người tiêu dùng tăng lên dẫn tới nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi, ăn uống… cùng các loại hình dịch vụ tăng theo không ngừng.
Bán lẻ Việt Nam qua số liệu thống kê
Theo số liệu thống kê, hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam có ba loại hình phổ biến là: chợ, siêu thị và trung tâm thương mại.
– Chợ: Là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của nhiều người, được hình thành do yêu cầu sản xuất, đời sống xã hội, hoạt động thường xuyên theo yêu cầu nhất định, có ít nhất 50 điểm kinh doanh ở khu vực thành thị và 30 điểm kinh doanh ở khu vực nông thôn. Chợ được chia thành ba hạng:
• Hạng 1: có trên 400 điểm kinh doanh, được đặt ở các vị trí trung tâm thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố, có mặt bằng phạm vi phù hợp với quy mô hoạt động của chợ.
• Hạng 2: có từ 200 - 400 điểm kinh doanh, được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực có mặt bằng phạm vi phù hợp với quy mô hoạt động của chợ.
• Hạng 3: có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong phường, xã và địa bàn phụ cận.
– Siêu thị: Là loại hình cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh. Cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang thiết bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, có phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm của khách hàng. Siêu thị được chia thành ba hạng:
• Hạng 1 siêu thị kinh doanh tổng hợp: có diện tích kinh doanh từ 5.000m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 20.000 tên hàng trở lên.
• Hạng 1 siêu thị chuyên doanh: có diện tích kinh doanh từ 1.000m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 2.000 tên hàng trở lên.
• Hạng 2 siêu thị kinh doanh tổng hợp: có diện tích kinh doanh từ 2.000m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 10.000 tên hàng trở lên.
• Hạng 2 siêu thị chuyên doanh: có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 1.000 tên hàng trở lên.
• Hạng 3 siêu thị kinh doanh tổng hợp: có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 4.000 tên hàng trở lên.
• Hạng 3 siêu thị chuyên doanh: có diện tích kinh doanh từ 250m2 trở lên, danh mục hàng hóa từ 500 tên hàng trở lên.
– Trung tâm thương mại: Là loại hình kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ, hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê… được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề, đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, có phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của thương nhân và thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa dịch vụ của khách hàng.