Chất lượng dịch vụ trong bán lẻ có sự khác biệt với chất lượng dịch vụ trong các ngành sản phẩm và dịch vụ khác (Mehta và cộng sự, 2000; Vazquez và cộng sự, 2001; Finn, 2004; Gogliano và Hathecote, 1994). Sở dĩ có sự khác nhau là do đặc thù của ngành bán lẻ, việc nâng cao và đo lường chất lượng trong bán lẻ không thể tiếp cận theo cùng phương pháp với các ngành dịch vụ khác. Trong bán lẻ, khi xem xét chất lượng trên cả hai mặt là chất lượng hàng hóa và chất lượng dịch vụ (Mehta và cộng sự, 2000). Chính vì lý do đó, Dabholkar và cộng sự (1996) đã phát triển thang đo chất lượng dịch vụ bán lẻ (Retail Service Quality Scale) sau này thường được gọi là mô hình RSQS.
Nghiên cứu được thực hiện trong các trung tâm thương mại của Mỹ, các nhà kinh tế Dabholka, Thorpe và Rentz (1996) dựa trên nghiên cứu định tính, lý thuyết dịch vụ trước đó và thang đo SERVQUAL, đã đưa ra năm thành phần cơ bản của chất lượng dịch vụ bán lẻ: phương tiện hữu hình, độ tin cậy, tương tác của nhân viên, giải quyết khiếu nại và chính sách của cửa hàng với ba yếu tố đầu tiên là phương tiện hữu hình, độ tin cậy và tương tác của nhân viên, có sự tương đồng với ba yếu tố của SERQUAL. Yếu tố phương tiện hữu hình được đo lường bởi hai thang đo là bề ngoài cửa hàng và mức độ thuận tiện. Yếu tố độ tin cậy được đo lường bởi hai thang đo là sự giữ lời hứa và làm đúng. Yếu tố tương tác của nhân viên được đo lường bởi hai thang đo là mức độ tự tin và thái độ lịch sự, giúp đỡ khách hàng.
Boshoff và Terblanche đã thử nghiệm và đánh giá thang đo chất lượng dịch vụ bán lẻ trong các cửa hàng bán lẻ tại Nam Phi và nhận thấy mức độ phù hợp giữa các thang đo do Dabholkar và cộng sự xây dựng tại các trung tâm thương mại của Mỹ với ngành bán lẻ của Nam Phi. Nghiên cứu bán lẻ của Boshoff và Terblanche được thực hiện ở nhiều loại hình bán lẻ khác nhau là: trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh và các siêu thị. Các loại hình bán lẻ này cung cấp cả hàng hóa và dịch vụ tới người tiêu dùng.
Nghiên cứu của Rodolfo, Ignacio và Ana tại Tây Ban Nha về các yếu tố cấu thành chất lượng trong bán lẻ chỉ ra bốn yếu tố: Phương diện hữu hình, độ tin cậy, tương tác con người trong siêu thị, chính sách siêu thị.
Mehta, Lalwani và Han đã nghiên cứu về mức độ hữu dụng của mô hình chất lượng dịch vụ bán lẻ như một công cụ để đo lường chất lượng dịch vụ trong các cửa hàng bán lẻ tại Singapore. Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối tương quan đa chiều giữa năm yếu tố trong thang đo của Dabholkar với các siêu thị và cửa hàng bán đồ điện tử tại Singapore.
Siu và Cheung cũng áp dụng thang đo chất lượng dịch vụ bán lẻ để khám phá sự hữu dụng của mô hình với các chuỗi trung tâm thương mại của Hồng Kông. Nghiên cứu đã chỉ ra sáu yếu tố cấu thành chất lượng dịch vụ trong chuỗi trung tâm thương mại của Hồng Kông là: tương tác của nhân viên, phương tiện hữu hình, sự giữ lời hứa, chính sách, mức độ thuận tiện, giải quyết khiếu nại. Ngoài bốn yếu tố hoàn toàn tương đồng với mô hình của Dabholkdar và cộng sự là: tương tác của nhân viên, phương tiện hữu hình, chính sách và giải quyết khiếu nại, mô hình của Siu và Cheung còn đưa ra một yếu tố gọi là sự giữ lời hứa, trong khi đó mô hình của Dabholkar gọi là độ tin cậy bao gồm sự giữ lời hứa và làm đúng ngay từ đầu. Mô hình của Siu và Cheung bổ sung thêm yếu tố thứ sáu: sự thuận tiện (Convenience).
Kim và Jin (2002) cũng thử nghiệm thang đo RSQS trong nghiên cứu các cửa hiệu giảm giá với khách hàng Mỹ và Hàn Quốc. Nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ phù hợp của ba yếu tố cấu thành chất lượng dịch vụ bán lẻ trong nghiên cứu của Dabholkar và cộng sự (1996) là: Phương tiện hữu hình, tương tác của nhân viên và độ tin cậy.
Subashini Kaul đã kiểm tra tính ứng dụng của thang đo chất lượng dịch vụ bán lẻ với các cửa hàng bán chuyên doanh quần áo thời trang tại Ấn Độ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: năm yếu tố chất lượng dịch vụ bán lẻ của Dabholkar và cộng sự là không phù hợp tại Ấn Độ. Đồng thời nghiên cứu của Kim và Jim về năm yếu tố chất lượng dịch vụ bán lẻ của Dabholkar và cộng sự cũng cho thấy chỉ có hai yếu tố mới trong mô hình của Dabholkar và cộng sự là giải quyết khiếu nại và chính sách, còn các yếu tố khác là giống với mô hình SERQUAL của Parasuraman và cộng sự.
Tóm lại, các nghiên cứu tiếp theo đánh giá mức độ ứng dụng của mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ bán lẻ đã chỉ ra các kết quả đáng khích lệ (Boshoff và Terblanche (1997); Rodolfo, Ignacio và Ana (2000); Mehta, Lalwani và Han (2000); Siu và Cheung (2001); Kim và Jin (2002); Subashini Kaul (2005)). Mehta và các cộng sự (2000) đã nhận ra rằng các yếu tố cấu thành và thang đo chất lượng dịch vụ bán lẻ phù hợp hơn với các môi trường bán lẻ “nhiều hàng hóa hơn dịch vụ” như siêu thị… Trong khi đó, SERVPERF lại phù hợp hơn với các môi trường bán lẻ mà ở đó “dịch vụ có xu hướng quan trọng hơn” như các siêu thị hàng điện tử. Boshoff và Terblanche (1997) trong nghiên cứu đánh giá về nghiên cứu của Dabholkar và cộng sự (1996) cũng đưa ra kết luận: Mô hình chất lượng dịch vụ bán lẻ phù hợp với các hình thức bán lẻ trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị chuyên doanh. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra có thể áp dụng mô hình chất lượng dịch vụ bán lẻ cho các cửa hàng bán lẻ tại các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường.