Phát triển sản phẩm và dịch vụ mới
NGUỒN GỐC - CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA MÔ HÌNH
Năm 2004, giáo sư W. Chan Kim và Renee Muborgne từ Viện INSEAD tại Pháp đã đưa ra chiến lược này trong cuốn sách Chiến lược đại dương xanh – Làm thế nào để tạo khoảng trống thị trường và vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh? “Đại dương xanh” là chiến lược phát triển và mở rộng một thị trường trong đó không có cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không cần thiết mà các công ty có thể khám phá và khai thác.
Đặc điểm của chiến lược dương xanh có thể được mô tả tổng quát dựa trên năm nội dung sau:
1. Không cạnh tranh trong khoảng thị trường đang tồn tại, chiến lược xanh tạo ra một thị trường không có cạnh tranh.
2. Không đánh bại đối thủ cạnh tranh mà làm cho cạnh tranh không còn hoặc trở nên không cần thiết.
3. Không chú trọng khai thác các nhu cầu hiện có, tập trung vào việc tạo ra và giành lấy các nhu cầu mới.
4. Không cố gắng để cân bằng giá trị/chi phí mà chuyển hướng sang phá vỡ cân bằng giá trị/chi phí.
5. Không đặt toàn bộ hoạt động của công ty trong việc theo đuổi sự khác biệt hoặc theo đuổi chi phí thấp. Chiến lược xanh đặt toàn bộ hoạt động của công ty trong chiến lược: vừa theo đuổi sự khác biệt, đồng thời vừa theo đuổi chi phí thấp.
MÔ HÌNH - KHUNG CÔNG VIỆC THỰC TẾ
Nội dung chiến lược đại dương xanh có rất nhiều khía cạnh, nhưng trên thực tế có hai nội dung then chốt có thể được áp dụng trong doanh nghiệp khi cần tạo ra sự thay đổi đột phá, chiếm lĩnh được “đại dương xanh”.
Mô hình 1:
Mô hình giảm chi phí và tăng giá trị cho khách hàng
Mô hình này được xây dựng dựa trên hai khía cạnh của cả nhà cung cấp và khách hàng. Từ quan điểm của nhà cung cấp, giáo sư Michael Porter – cha đẻ của thuyết chiến lược cạnh tranh – gợi ý rằng doanh nghiệp nên đưa ra thị trường một sản phẩm có sự khác biệt hóa hoặc chi phí thấp. Tuy nhiên, theo quan điểm của chiến lược đại dương xanh tiếp cận theo khía cạnh khách hàng thì hiện nay, khách hàng luôn đòi hỏi đồng thời sự khác biệt hóa và chi phí thấp. Nói cách khác, bạn phải đồng thời gia tăng giá trị và giảm chi phí sản phẩm.
Để triển khai được mục tiêu trên với khách hàng, doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ sau được hai giáo sư Kim và Muborgne đưa ra.
Mô hình 2: Khuôn khổ bốn hành động
Loại bỏ |
Tạo mới |
|
|
Giảm bớt | Gia tăng |
|
Mô hình này gợi ý việc triển khai trong thực tiễn của Mô hình 1 để tăng giá trị và giảm chi phí cho khách hàng. Bốn hành động của mô hình là: Loại bỏ – Tạo mới – Giảm bớt – Gia tăng.
Để làm điều này, doanh nghiệp cần trả lời bốn câu hỏi.
1. Loại bỏ: Những yếu tố nào trong sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp cho khách hàng cần được loại bỏ? Đây là những yếu tố mà bạn cung cấp nhưng khách hàng “không thực sự cần”. Điều này giúp giảm chi phí cho khách hàng, đây là cụ thể hóa cách tiếp cận từ khách hàng.
2. Tạo mới: Những yếu tố nào trong sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp cho khách hàng cần được thêm vào? Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp bạn chưa có, trong khi khách hàng “thực sự có nhu cầu”. Điều này giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị cho khách hàng.
3. Giảm bớt: Những yếu tố nào trong sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp cần giảm bớt? Giảm bớt ở đây có hai khía cạnh, giảm bớt so với tiêu chuẩn bạn đang đặt ra và giảm bớt so với đối thủ cạnh tranh mà không hề ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng. Điều này tiếp tục giảm chi phí cho khách hàng.
4. Gia tăng: Những yếu tố nào trong sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp cần gia tăng? Sự gia tăng ở đây cũng bao gồm hai khía cạnh – gia tăng so với tiêu chuẩn ngành và gia tăng so với đối thủ cạnh tranh. Việc gia tăng này hoàn toàn có thể không làm gia tăng chi phí, vì nguồn lực được lấy ra từ việc giảm bớt và loại bỏ ở mục 1 và mục 3.
Bằng việc trả lời lần lượt bốn câu hỏi trên và cải tiến từng sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, bạn sẽ tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới vừa gia tăng giá trị vừa giảm được chi phí cho khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp tạo ra một thị trường mới – một đại đương xanh cho chính mình.
Mô hình bốn hành động không chỉ áp dụng cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mà còn có thể áp dụng cho các phòng ban nghiệp vụ của doanh nghiệp với mục tiêu gia tăng giá trị và giảm chi phí cho khách hàng.
• Phòng kế toán có thể trả lời bốn câu hỏi để gia tăng giá trị và giảm chi phí cho khách hàng: Nghiệp vụ nào cần loại bỏ vì gây bức xúc cho khách hàng, nghiệp vụ nào cần tạo mới để khách hàng hài lòng hơn, nghiệp vụ nào cần giảm bớt (ví dụ chứng từ thanh toán bằng giấy tờ), nghiệp vụ nào cần gia tăng (đối chiếu công nợ với khách hàng).
• Phòng nhân sự có thể trả lời bốn câu hỏi để gia tăng giá trị và giảm bớt chi phí cho nhân viên (khách hàng nội bộ): Báo cáo giấy tờ nào, KPI nào cần loại bỏ; KPI nào, hành vi nào cần tạo mới; khối lượng công việc nào trong bảng mô tả công việc cần giảm bớt, công việc nào cần gia tăng.
• Phòng kinh doanh cũng có thể trả lời bốn câu hỏi này để gia tăng giá trị và giảm chi phí: Yêu cầu nào trong điều khoản thương mại cần loại bỏ, điều khoản nào cần tạo mới, yêu cầu gì với khách hàng cần giảm bớt, nghiệp vụ nào cần gia tăng cho khách hàng.
VẼ LẠI ĐƯỜNG GIÁ TRỊ CHO SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG TY CỦA BẠN
Doanh nghiệp của bạn có thể áp dụng dễ hơn thông qua một số ví dụ sau.
Ví dụ 1: Nhãn rượu vang Yellow Tail
Đường giá trị khác biệt của Yellow Tail so với các nhãn rượu vang hiện hữu
Ví dụ 2: Vẽ lại đường giá trị của một phòng tập gym
Ví dụ 3: Đường giá trị của Netjet
Ví dụ 4: Đường giá trị của Vietjet Air
Loại bỏ | Tạo mới |
1. Suất ăn trên máy bay 2. Khăn lạnh 3. Nghe nhạc, giải trí |
1. Đường bay ngắn 2. Đường bay mới 3. Đặt vé linh hoạt nhiều kênh |
Giảm bớt | Gia tăng |
1. Diện tích ghế ngồi 2. Trọng lượng gửi đồ 3. Vé in |
1. Các mức giá khác nhau cho nhiều nhu cầu 2. Giờ bay sớm và muộn tăng tần suất sử dụng máy bay |
Ví dụ 4: Áp dụng công cụ bốn hành động của Vietjet Air – hãng hàng không tư nhân giá rẻ của Việt Nam. Một ví dụ gần gũi nhất với doanh nghiệp về áp dụng mô hình bốn hành động – vẽ lại đường giá trị và tạo ra thị trường đại dương xanh cho chính mình.
Bằng việc tạo ra dịch vụ – gia tăng giá trị và giảm chi phí cho khách hàng, Vietjet đã tạo ra đại đương xanh cho chính mình. Nhóm khách hàng đi máy bay lần đầu tiên – lựa chọn Vietjet – chiếm tới 40% doanh thu của hãng này theo phát biểu của Tổng giám đốc Vietjet vào năm 2018.
TÓM TẮT CHƯƠNG
Giải pháp dành cho doanh nghiệp của bạn. Bạn hãy trả lời bốn câu hỏi sau:
1. Cái gì cần loại bỏ?
2. Cái gì cần tạo mới?
3. Cái gì cần giảm bớt?
4. Cái gì cần gia tăng?
Trả lời bốn câu hỏi đơn giản cho từng sản phẩm và dịch vụ, bạn sẽ tạo ra một sản phẩm và dịch vụ mới – tạo ra được giá trị gia tăng và giảm chi phí cho khách hàng của công ty bạn. Bạn tự tạo ra “đại dương xanh” cho chính doanh nghiệp của mình trong giai đoạn khó khăn hiện nay.