Chúng ta muốn thấy hoa nở,
thích ngửi hoa và khen hoa đẹp
nhưng không chịu chọn giống, ươm mầm,
xới đất, tưới cây và chăm sóc kỹ mỗi ngày
thì làm gì có thành quả hoa đẹp,hương thơm…
Ở tiệm hớt tóc
Cuối mỗi tháng, tôi thường ghé tiệm hớt tóc quen trước hẻm nhà trọ phố để hớt. Lần này ngồi chờ một bạn trẻ đang hớt dở dang, mẹ bạn đang chăm chú nhìn anh thợ hớt tóc và con. Con trai ngắm nghía mặt trước gương. Ngoài trời, gió tung bụi rắc đầy mắt nheo. Nắng phả hơi nồng để chuẩn bị cho một trận mưa sắp về. Thời tiết cựa mình, ngày như trôi nhanh. Vậy là mùa hè đã cạn, sắp tới ngày tựu trường. Hèn chi mà mấy ngày gần đây rất nhiều bạn trẻ, em nhỏ theo mẹ hoặc cha đến tiệm hớt tóc ‘trang trí’ cái ‘dàn đầu’ lại cho ngon ơ, đẹp, bắt mắt, xịn luôn.
Mấy bạn làm mình cũng rộn ràng với sắc thu phương Nam sệt mưa và nắng.
Nghe mẹ bạn trẻ ấy nói là bạn chuẩn bị vào lớp tám. Dáng rất nam tính, nước da ngăm ngăm, mặt hơi ngầu nhưng đôi mắt hiền khô, thương ghê!
‘Con, cắt cái mái ngắn chút nghen…!’
‘Thôi, mẹ!’
‘Cắt chút đi, để không thôi thầy cô rầy à con! Một xíu thôi!’
‘Sáng sủa lắm rồi mẹ ạ!’
Anh thợ hớt tóc chần chừ, im lặng. Cả hai im lặng tán đồng quyết định của bạn trẻ ấy. Hiện, phía sau đầu đã gần như là ‘đầu đinh’, phía trước chỉ còn một chỏm tóc, mỏng, bụi bụi, model mà rất ‘đời’ nè!
Mỗi người chịu lùi một bước, sự bình yên sẽ tỏa sáng thôi!
Bạn trẻ chịu ngồi yên hớt tóc trước sự ‘giám sát’ của mẹ đã là tuyệt vời rồi! Bạn trẻ nghĩ về ngày mai là tựu trường, hôm nay gọn gàng thân thể và tâm lí nhiều xao động cho đêm trước ngày tựu trường cũng không ít đâu! Háo hức, tưởng tượng, vui có mà buồn cũng có. Đôi khi cũng chẳng nghĩ ngợi gì, có khi đâu đó còn nghĩ chỉ là đi học cho vui lòng người lớn.
Thương và hạnh phúc cho những ai còn tâm thế vui vẻ, bồn chồn, mong ngóng ngày tựu trường được gặp lại thầy cô, bạn bè, góc sân, hàng hiên, ngăn bàn năm cũ có nhiều kỉ niệm.
Buồn và nguyện an lành, bình yên đến những ai muốn cắp sách đến trường khi mùa thu rộn tiếng trống mà sách vở chưa có, đồng phục không thể, con chữ vời vợi, dù ước muốn thật đong đầy. Mẹ cha oằn lưng mưu sinh nhưng không đủ để con bước đến ánh sáng của chữ.
Chia sẻ nỗi niềm của những ai đang chuyển biến tâm tư, muốn thể hiện sự trỗi dậy trong lòng mình, biết là mình đang lớn và ‘cái tôi’ hiện hữu ăm ắp trong mỗi phút giây. Nhưng mà ai đó ơi! Nếu ôm lấy ‘cái tôi’ to đùng của chính bạn thì bạn sẽ khổ chứ chẳng vui đâu. Vì có việc chưa hẳn bạn đúng, có những điều nghĩ chưa tới, làm chưa thông nhưng tự quyết ắt dễ sai lầm và hối hận thì đã muộn mằn. Chịu khó nghe và ngẫm rồi sắp xếp lại thì mọi việc sẽ vui hơn nhiều, phải không bạn!
Bạn mình ơi! Học không phải cho cha mẹ bạn, chẳng phải trả bài cho thầy cô nghe hay đơn giản, đến trường chỉ được gặp một hoặc vài người nào đó. Mà điều cốt lõi là học hôm nay để ngày mai nó là chìa khóa mở tất cả cánh cửa bí mật của tương lai cần chính bạn bật mí đó thôi! Chỉ có bạn xây dựng cho đời bạn vui hay buồn, thành công hay thất bại, đẹp hay xấu. Còn tất cả chỉ là phụ trợ, là chỉ dẫn, là cái phao, là chiếc bè, cây dằm,… nhưng nếu bạn không chịu bơi, bạn chẳng biết định hướng đúng thì bạn mãi tụt lùi phía sau, dù cho bạn vẫn đang đứng im.
Hớt tóc cũng như đang tỉa tót tâm hồn mình cho ngày càng đẹp hơn, cắt đi những suy nghĩ tiêu cực, việc làm chưa thật đúng. Bạn lên lớp tám, bạn đã lớn rồi đó nhưng mà chỉ lớn về thể xác và chút nào đó trong tâm tư. Nếu thật sự lớn thì bạn sẽ chẳng sợ hãi trước những khó khăn, chướng ngại vật cuộc đời đã, đang và sẽ có. Bạn tự giặt chiếc áo, cái quần, đôi giày; bạn tự xếp thời khóa biểu học và làm việc ở nhà; bạn tự tay dọn cơm mời cả nhà ăn và rửa chén sau khi ăn; bạn quét và lau cái nhà; bạn làm cỏ sân vườn, trồng tí rau, tưới chút nước cho hoa lá quanh vườn nhà,… Nếu những điều đó bạn làm trong tự thân vui vẻ và sắp xếp có kế hoạch thì bạn đã lớn thật sự rồi đó. Chắc hẳn, mai kia bạn còn làm nhiều điều tốt đẹp hơn nhiều.
Mái tóc của bạn có thể vừa tới ngang chân mày, nhưng sau ót thì đã ‘sáng bóng’ lắm rồi, vậy là đẹp. Ở đời, đừng cầu toàn quá, đừng khó khăn quá mà dễ va vấp. Nếu chi li thì không thể sống cùng người, nhưng xuề xòa thì mọi người khó sống cùng mình. Hớt tóc là một nghệ thuật làm sạch và đẹp. Nhưng điều trọng yếu là những sợi buồn, những cọng loăn xoăn kia đã rụng thì lòng bạn đã sáng lên thêm chút nào chưa? Bạn có chịu nhìn kỹ mắt mẹ, cha đang chăm chăm nhìn bàn tay anh thợ hớt tóc kia khéo léo làm đẹp đầu bạn? Bạn có thầm thì lời cảm ơn với họ chưa? Nếu được, nên làm đi bạn! Hạnh phúc sẽ tràn đầy và mùa tựu trường của bạn thật ấm áp và tràn trề ý nghĩa hơn tất cả, hơn ngàn vạn điểm mười nữa đó, bạn tin đi, thật đấy!
Nàng
Quẳng hết nỗi cô đơn về xó đêm không hạt sáng dẫu li ti. Sau những tiệc tùng, giải trí dậy niềm vui mốc nối nhiều mối quan hệ thì sự im lặng dai dẳng níu. Niềm cô đơn vây hãm. Nàng an trú trong niềm riêng. Nàng đã ra đi ngày đầy nắng và gió thốc phía sau. Nàng kiêu hãnh trước quyết định cự tuyệt ồn ã cao thượng nửa vời. Nàng đi với chính nỗi cô đơn thượng hạng.
Nàng đã qua dốc mù sương của những mùa vàng lãng mạn. Nàng đã qua những lọc lừa êm ái. Nàng giẫm qua gai hoa hồng vàng bằng giọt sương đọng tinh khôi đầy sớm mai. Nàng đọc sách và làm thơ vẽ lại nỗi buồn qua que kem dang dở. Mùa đuổi nhau vùn vụt trên đuôi tóc.
Có lẽ bây giờ nàng đã thấu rõ nỗi buồn trọ phố. Sau những hò hẹn, sau những sum vầy thì nàng lặng lẽ cùng khuya và đọc, lặng lẽ nghe con chữ nhảy múa đầy sắc màu qua gọng kính còn son. Nàng muốn la toáng lên cho có tiếng người, cho còn mùi người váng vất đâu đó của góc phòng thênh thang.
Sài Gòn không tuổi, không phút thảnh thơi. Sài Gòn đang bay lên. Nàng ra ban công và nhớ về quê mẹ. Ngã tư Hàng Xanh vẫn rộn nhịp xe, dòng người đổ trào ra các ngả đường. Lòng nàng giăng tơ nhện. Góc nhỏ này ùa về cho nỗi nhớ vụt sáng lên. Nàng sẽ gói ghém lại và từ mai gửi tiền về quê cho mẹ và lũ em hàng tháng đủ đầy hơn. Bao năm qua bụi bặm lòng nhàu. Nàng giờ đã hiểu ngọt ngào từ gia đình.
Sài Gòn vẫn đầy dấu chân qua đi… qua đi một sớm trời chưa kịp đọng hơi sương.
Vẫn con hẻm này, vẫn góc phố trọ này vậy mà lâu nay nàng đã vô tình. Công việc ùa đầy. Tiệc tùng quánh đặc ngày. Hơi men còn sót lại cùng tiếng guốc vọng lại trong chuỗi đêm. Lúc này nàng thanh thản lạ thường. Có lẽ, mà biết đâu… nàng lại nghĩ ra điều mới mẻ và đẹp hơn sau những lần trọ trong nhau những nỗi buồn mốc thếch.
Vì yêu
Sài Gòn mấy ngày nay thời tiết chuyển lạ. Những chiếc lá vàng xoay trong gió và mây lãng đãng cuối trời. Hơi thu đã bắt đầu về rồi ư? Lòng mình cũng nghe chừng như yêu thương quày quả trở về. Café vỉa hè sáng nay bắt gặp cô bé nào đó đang ngâm nga ca dao về nỗi yêu vì nhau. Lòng mình chùng đi và miên man trôi trong bài ca dao đó.
Dễ thường lẽ ghét thương không cố định, không hoàn toàn, không phải ai cũng như ai. Nhưng cái sự thương yêu thì ấm áp vô cùng! Ai cũng muốn có nó, muốn đạt được, muốn chiếm lĩnh mãi mãi. Cho nên cái sự nề hà trong thương yêu là không có đâu! Tất tần tật mọi sự đều thấy đẹp, thấy bằng phẳng và êm đềm như mộng nếu như được thương yêu và chia sẻ thương yêu. Ngày nắng trong và soi gương thấy thêm đẹp hơn, đáng yêu vì cái sự yêu thương đang xâm chiếm hồn nhau. Cô bé ngâm nga mà vời vợi nha:
“Yêu nhau mọi việc chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Khi đã yêu rồi thì: Yêu nhau chín bỏ làm mười; Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo. Mà cái sự yêu thương đó thì được ông cha ta diễn lại rõ ràng, sòng phẳng, đối sánh cụ thể. Ví như: “Yêu nhau yêu cả đường đi / Ghét nhau, ghét cả tông chi họ hàng”. Hoặc: “Yêu nhau cau sáu bổ ba / Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.
Cái tình đã lấn át hết cái lí, nó mang tính chủ quan, cá nhân gắn kết với cộng đồng hoặc chủ thể nào đó cụ thể. Vì “Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình”. Dân gian mình vốn trọng ngãi khinh tài. Ai cũng luôn nhắc nhau, nhủ lòng với nhau rằng tình cảm là hơn mọi thứ trên đời. Trọng tình là trọng sự thuỷ chung chồng vợ, anh em, đồng bào, đồng chí, biết có trước có sau, có ơn trọng ơn. Tình cảm từ trong gia đình thân tộc, rồi rộng ra bà con xóm giềng rồi tới tình quê hương đất nước. Cho nên nó sâu rộng lắm mà nghe cứ ngỡ như nhẹ tênh tênh vậy!
Yêu nhau mọi việc chẳng nề. Ừ, thì sao mà nề chứ?! Kìa, bạn trai đang đạp xe trong đêm mưa thật nhanh, thật nhanh cho kịp đem thuốc cảm về cho cô bạn gái sinh viên đang cảm sốt vì trúng mưa sau đợt đi thực tập về. Lại nữa, mới đêm qua thôi, anh chồng nhậu nhẹt về say chị vợ lèm bèm suốt đêm, anh mặc kệ. Nhưng sớm mai ra anh lại bổ một đống củi to cho chị mặc sức đun bếp hồng lửa thơm cho bữa ăn gia đình đượm duyên quê nồng nàn. Bỗng dưng chị quên rằng chị đang giận anh chồng. Rồi ông thầy, bà cô nọ quý đứa trò giỏi, ngoan và xem là “đệ tử ruột” thì nhiều lúc học trò đó có sai một tẹo, có quá đáng một xíu, có làm lệch một ít thì cũng có là gì, họ vẫn cho qua. Vì đã yêu quý. Cái tình bị thiên lệch. Có người cha nọ cũng vì thích con trai mà trong nhà có ba người con, chỉ mỗi có một thằng cu, nên lúc nào cũng chăm bẵm và lo hết, dồn tất cả tình thương vun cho con trai. Hai đứa con gái kia chắc sẽ buồn tủi, dù rằng chúng vẫn được mẹ cha yêu thương nhưng kém hơn. Ngón tay còn vắn dài huống gì tình cảm. Tình cảm thì khó đoán, khó nắm bắt lắm!
Có tình cảm dễ thay đổi nhưng cũng có thứ tình cảm mang tính dài lâu. Tình cảm trai gái dễ thay đổi. Khi yêu như lửa cháy bừng bừng, lúc muốn chia tay bắt đầu nguội lạnh tàn tro. Tình yêu ruột thịt thì thiêng liêng khó mà dứt ra. Tình và lí luôn song hành nhưng cái tình lấn át thì cái lí chỉ đứng nhìn thôi.
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Vì yêu nên cố gắng hoàn thành mọi việc cho hoàn mỹ. Mà khi đã quý nhau, yêu thương nhau thì ai cũng nghĩ cái tốt, ưu điểm, tích cực về nhau. Họ xem nhẹ khiếm khuyết, tật xấu của người mà họ đang hướng tình cảm tới. Do vậy nó cũng không đồng.
“Yêu nhau mọi việc chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
“Yêu” đối với “ghét” lẽ hiển nhiên. Bé ru tôi hay bé ru đời qua ca dao ấy?! Ngoài nói về cái tình, sự nỗ lực cho được “bằng” dẫu có bị mọi góc cạnh nào “lệch” cũng “kê”, cũng xem lại cho nó ổn thoả. Song, người xưa còn đưa ra thông điệp gì hay chỉ có vậy?! Trọng tình nhẹ lí thì mọi việc khó như ý! Mê muội vì tình mà không chủ ý quyết đoán thì cũng trở nên lệch lạc. Vì cái tình mà bất chấp đúng sai, trắng đen tráo trở thì cũng gây dư luận và thị phi. Tình và lí cũng ví như tài và đức vậy, cần song hành tồn tại và bồi đắp cho nhau để cho nhân cách cao đẹp và con người thêm hoàn hảo hơn trong từng ngày sống đẹp và có nghĩa.
Nghe con bị con hàng xóm đánh trầy tay xước chân lại đùng đùng nổi giận và xé ra chuyện to thì cũng mất dần tình cảm xóm giềng, hàng rào xa cách sẽ dần cao lên. Cần hỏi rõ sự tình và thấu triệt tình và lí sẽ dung hoà hơn. Vì quá yêu bạn gái mà quên đi hoặc không thèm nhắc nhở những lỗi của bạn gái, những “thói xấu” của nàng dần to lên và vòi vĩnh quen sau sẽ thành mục nhọt, rồi ngày nào đó nó vỡ thì chàng lại la rầy hoặc xa lánh hoặc bực dọc thì đó cũng lỗi cả hai vậy! Yêu nhưng cần dung dưỡng cho nhau tình đẹp vun vén cho nhau cái tốt, cái hay và điều chỉnh những mặt chưa tốt của nhau để cả hai cùng tiến bộ.
Thật vậy, tình cảm là thứ mà khó thể nào chúng ta nắm níu trong lòng bàn tay. Nó biến chuyển trong từng sát-na. Thoắt vui lại buồn. Lúc thì ngóng trông sống vì nhau nhưng lúc thì ngoảnh mặt ngó lơ. Sâu thẳm tình cảm là một nỗi yêu thương và chờ đợi, không ai muốn mất đi thứ tình cảm của mình cần phải có. Vì “Tình yêu giống như một dây leo sẽ khô héo và chết đi nếu nó không có cái gì để quấn quýt” (Danh ngôn Ấn Độ).
Và tôi thấy phía băng ghế đá công viên đã có những cặp tình nhân đến với nhau chia sẻ chuyện tình. Họ có thể không sang trọng, không xe xịn, không tiền nhiều… nhưng họ hớn hở và tươi xanh men tình gọi. Tôi bỗng ‘say’ vì một chữ tình từ bài ca dao bước ra, bước ra cô Tấm từ quả thị của bà… tình ơi!
Đốm lửa và hương hoa
Trong cuộc sống này dễ gì chúng ta yên ổn mãi hoặc sống trong cảnh an vui hoài. Mà thật vậy, chính mỗi lần vấp ngã, mỗi lần thất bại, mỗi lần trượt dài sau những tràng cười ngạo nghễ, những lời dè biểu thì ta lại lớn lên, vụt sáng lên những điều hay mới. nhưng trong cái thế giới bé nhỏ này đâu phải chỉ riêng con người, ngay cả loài vật cũng vậy. Ai mà không thích món ngon vật lạ, ai mà không ưa lời thơm, lời thuận tai. Khó thay cho những cái khước từ.
‘Chim khôn chết mệt vì mồi,
Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to.’
Cái mồi ngon làm cho chim sa bẫy. Món mồi thơm béo bở cứ đung đưa trước mặt sao mà bỏ qua chứ. Nhưng dễ thường kẻ làm mồi thì đứng trong tối, có hoạch định, có thời gian và có kiểm soát đối tượng sở cầu. Còn con vật, ví như chim, thì đang ngoài sáng, đang vô tâm, chưa có cái để nghi ngại nên chưa có cái phân vân và kinh nghiệm trước món mồi ngon trờ tới trước mặt mình. Thế là dính đòn!
“Chim khôn chết mệt vì mồi”. Tại sao phải “chết mệt” vậy cà? Động từ ấy biểu thị sự say đắm đến mức không còn biết gì nữa. Chim mải mê say sưa ăn mồi, cứ nhai, xé, rỉa và biết đâu trong đó có thuốc mê, biết đâu phía sau đang có bàn tay của thợ săn sắp chộp tới. Một chân lí hiển bày, tham thì thâm. Nhưng cũng không hẳn vậy! Vì, cái ăn dùng để sinh tồn là khác, còn mưu cầu phải ngon hơn, nhiều hơn thì cần phải tìm và phải làm cho bằng được sự mong muốn đó nên vật / người đều có thể bị sơ sẩy trong quá trình mạo hiểm. Biết đủ là đủ, còn thấy mãi thiếu thì dù có tích cóp, trang bị thức ăn đầy đống trong tổ, trong nhà thì cũng vẫn thấy thiếu, thấy ít, thấy chưa bao giờ đủ. Hám lợi dễ vọng tâm, mà tâm động rồi thì chắc hẳn dễ có sai biệt trong cách hành xử. Lúc đó dễ bị những kẻ cơ hội lợi dụng hoặc chiếm lĩnh mình.
Lúc sinh thời, ông nội mình từng nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn / Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. Chợt nhớ tới truyện ngắn “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao. Con người khắc khổ ấy muốn được chết trong no. Mặc kệ nhân phẩm mình trong phút giây ngắn ngủi. Nghiệt ngã và đánh đổi cho cái no là cái chết. Bởi đã lâu bà lão ấy chưa từng no bụng, chưa từng ngon miệng, nên bà cố ăn, cố nhét cho căng đầy bao tử. Đó chẳng phải “chết mệt vì mồi” đó ư?!
Lại nữa, người đời thường nói miệng lưỡi thế gian bén tựa gươm dao. Trắng thành đen, đen thành trắng trở qua lật lại như bàn tay thôi. Một lời nói có thể làm cho người tốt bỗng chốc thành kẻ xấu xa, tội lỗi mà xã hội lên tiếng đả kích; một lời nói có thể làm cho kẻ sai quấy trở thành người trắng án, thành người tốt. Nguy thay! Lịch sử đã minh chứng điều đó rất nhiều.
Ví như một kẻ thất học như Xuân Tóc Đỏ (tiểu thuyết ‘Số đỏ’ của nhà văn Vũ Trọng Phụng) từ một gã đầu đường xó chợ bỗng chốc trở thành cái hào quang chói lóa đó sao. Ngọt mật chết ruồi.
Hai người đàn bà góp chuyện thêm với con vịt có phải thành cái chợ hay không thì chưa tường nhưng có thể nói một điều dù là ai, là nam giới hay nữ giới mà nếu có cái tâm ác, xảo ngôn thì vẫn làm cho bao người khác buồn thương, đau khổ bởi vạ từ miệng mà ra. Hoặc như cũng từ lời nói nhỏ to nhưng lại là những lời chân thành, đầy nhân văn thì có thể chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện bực bội thành chuyện êm đềm, sự bất hòa trở nên bình hòa. Cũng từ ba tấc lưỡi không xương mà ra cả.
Dùng từ nhỏ to khuyên giải, đem lại ấm no, đem lại thanh bình cho những người thân yêu, xóm làng, quê hương, đất nước thì đó là bậc đại nhân. Còn ngược bằng dùng từ nhỏ to để thêu dệt, vọng ngôn nói xằng bậy, dối trời lừa dân, làm mất đi cái văn hóa truyền thống thì có khác chi là kẻ đại nghịch bất đạo, bất nhân. Sự tốt – xấu, lành – dữ cũng diễn ra trong khoảnh khắc ở mỗi con người, cái chính là bản thân có nhận lãnh và chịu hành xử hay không thôi. Đó tùy thuộc vào tôi và chúng ta vậy!
Chim khôn chết mệt vì mồi,
Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to.
Lời nhỏ to là lời không hẳn thật. Lời nói ấy trong tình huống nầy đưa ta ngẫm tới cái việc một là a dua xu nịnh; hai là nói ngả nghiêng về ai đó, về việc gì đó; ba là làm cho người trí nghe mãi cũng xuôi tai. Nước chảy đá mòn mà!
Ở đây ta thấy “chim khôn” rồi “người khôn”. Đó là trí. Nhưng họ vẫn bị cái vòng xoay làm cho “chết mệt”. Say trong cái mê bất tịnh thì dù cho trí tuệ mấy, tài giỏi mấy vẫn thua cuộc. Bởi Tài, Đức sóng đôi việc gì cũng dễ thành.
Bữa nọ, có ông bạn tới chỗ tôi và chia sẻ câu chuyện bởi cái sự “nhỏ to” của một người bạn được gọi là bạn thân đã nhiều năm. Bởi tranh nhau cái được gọi là lời khen của cấp trên mà anh bạn kia sẵn sàng trong lúc tửu nhập ngôn xuất, mượn ông Lưu Linh nhập mà nói lên cái nguyện ước rất chi là ‘đượm tình nhân ngãi”. Ông đó đã nói xấu về người bạn này, đã cướp công của bạn. Người lãnh đạo kia chỉ nghe và trong lúc trí chưa tỏ, chuyện chưa tận tường bởi chất men đang thấm thì cấp trên đó đã hành xử không đẹp với ông bạn này là “cắt phần thưởng” đã, đang và sắp “ban”. Thế đấy! Thân nhau nhưng thân ở góc độ nào, mức vạch nào thì sao mà lường cho khéo chứ. Cổ nhân đã nói chân xác: “Dò sông dò bể dễ dò / Nào ai lấy thước mà đo lòng người”.
Rồi cái chị ở trọ gần phòng trọ tôi nữa chứ. Chị ta luôn nhỏ to tâm sự với bà chủ trọ. Cứ nhỏ to một thời gian dài và bà chủ trọ cứ cho mượn tiền hoài. Ngày đẹp trời chị ấy dong mất không thấy tăm cá bóng người. Chồng, con hỏi bà chủ trọ ấy mới vỡ lẽ chị ta thiếu bà tới hơn hai chục triệu. Nào là tiền trọ phòng mấy tháng chưa trả, tiền mượn lặt vặt, tiền mượn mua xe máy cũ để tiện cho việc đi làm thuê, nợ cũ chưa buông đã mượn nài nỉ nợ mới. Chị kia vốn là dân đi làm thuê cho các công trình xây dựng. Cả gia đình chị ta biến mất theo sự sắp đặt bài bản. Còn bà chủ trọ tôi mải cứ nghe lời ngon ngọt của cái sự nhỏ to, không cho con cái nghe, không cho chồng biết thế rồi ôm cái phiền muộn về mình. Chị kia làm cái chuyện nhỏ to đó không chỉ riêng với bà chủ trọ tôi, mà chị ta còn nhỏ to với rất nhiều người quanh đó. Thế mới biết con người dễ thích nghe mùi mật và tin cái nhỏ to là có thiệt. Lợi hại thật!
Bao điều nhỏ to có khi rất hay: Chuyện quân cơ mật sao thể hí ngôn; chuyện vợ chồng riêng tư sao thể thố lộ cho người khác biết; và bao thứ khác nữa. Nhưng ở bài ca dao nầy làm cho ta mãi đắn đo và ngẫm ngợi về bài học người xưa dạy. Họ nhắc khéo cho mình biết, chỉ bày cho mình không nên, đừng nên để vấp ngã bởi những “mồi ngon”, lời ngọt “nhỏ to” rỉ bên tai mà dễ bị trượt ngã, có khi mất cả công danh, sự nghiệp và cũng có thể là tiền mất tật mang không chừng.
Chim sa bẫy, người sa lời nói là một điều thoạt nhìn ai cũng dễ biết, dễ nói điều đó cũ mà, chuyện đó rành mà, nhưng chưa gặp, chưa đi qua sao biết được. Đọc chậm và thẩm ý để nghe cuộc đời này còn bao điều để đáng nói to, bao điều để dung dưỡng cái thiện tâm. Cho đi tức là nhận, nhưng đã mấy ai thuận hành! Một miếng mồi ngon cho nhau kèm lời tốt lành thế có phải tốt hơn, nhen nhúm thêm cái tình yêu thương, sự mong cầu đầy nhân văn đó sao?! Nhưng cái rủi ro cho bao số phận vẫn cứ dễ bị trêu ngươi vì cái thấy, nghe, cảm trước mắt mà chưa dụng tâm suy sâu. Đốm lửa nhỏ chớ xem là chuyện nhỏ. Việc chia sẻ nhau trong cảnh thiếu thốn về vật chất, về cái ăn, cái mặc là điều rất đẹp, cũng chớ xem đó là chuyện nhỏ. Lời nói chìa ra như hoa thơm trong vườn mở hội cùng nhau ái hữu dưới câu nói rơi những chùm hoa và hương bay tỏa rợp, không bóng dáng gươm đao, ai lại không cầu. Mong thay!
Tiếng mưa thì thầm đồng xa
Đứa cháu họ nói trong bữa ăn trưa này: “Sao gạo mắc tiền mà ăn cơm không thấy ngon hả chú?!”. Ngoài trời lại mưa và nhịp nhớ trong tôi trỗi dậy.
Giọt mưa vắn dài mơn xanh nhánh lúa nhưng cũng có lần mưa đã làm sập cả nhánh lúa trĩu oằn bông vàng. Mưa gọi mùa, mưa gọi người, mưa gọi tiếng sinh sôi trên đồng. Trong tôi như đang hiện rõ mồn một những thước phim thời nhỏ. Cua giơ càng giỡn sình rồi nghe hương lúa thơm quá đi thôi! Chú cua đó giương mắt nhìn quanh và đưa càng to chắc của tuổi thanh xuân gắp đất bùn đắp thêm cho hang sâu và đẹp ở bờ đê. Vợ chồng nhà ếch gọi nhau mùa sinh sản. Xa xa là những dáng cò trắng đi từng bước chậm trên những cánh đồng bì bõm đã thu hoạch. Những bước chân tựa dáng chị, dáng mẹ lam lũ một đời vì chồng vì con. Từ bùn đất ấy làm nên những mỡ mầu không thôi ngưng nghỉ.
Ngày đó tôi cùng anh Toàn đã dầm mưa bắt cua đồng đầy cả giỏ. Anh bán hết số cua ấy để có được những bữa cơm ngon. Vị mưa ngày ấy mặn đến tận giờ. Hiện anh ngoài giờ đi dạy thì vẫn chăm sóc đồng bưng. Có lần anh nói: “Tau vẫn là thằng nông dân thứ thiệt chú mày à! Cánh đồng tuổi thơ, cánh đồng của vô vàn kỉ niệm ấy đem lại sự sống cho chúng ta đó.”
Còn mỗi khi đêm xuống dù có mưa hay không thì thằng bạn cũng băng đồng bắt chuột. Một đêm bắt được cả bao chuột đồng, một ít để nhà ăn còn lại đem bán ở chợ quê. Rồi nó huyên thuyên: “Chuột đồng gói lá cách xào là ăn ngon bá cháy. Còn không thì chiên. Nếu thích nữa thì làm canh chua cơm mẻ nghen. Ờ, chuột hấp cơm ngon thơm hơn thịt gà luộc nữa đó mày!”.
Hôm rồi tôi trở lại những cánh đồng năm xưa, vốc lại những trang kỉ niệm mà chỉ thấy nhòe nhoẹt đâu đó dáng hình của những công trình, nhà nhà san sát. Ngọn gió quê cũng chật chội mùi người, của những hơn thua và mắt quen mùi phố thị. Ôi! Lũy tre mà chú trâu nhà ông Sáu hay nằm nhai cỏ, rơm mỗi trưa đâu rồi. Ao cá nhà ông Ba năm đó có tiếng là cá quẫy nửa đêm làm bà con giật mình tỉnh giấc giờ được tráng nền xi măng và mọc lên quán nhậu vùng quê. Đi loanh quanh rồi tôi cũng thấy thằng bạn đang lom khom bên nhóm thức ăn cho cua đồng, lươn, ếch… Nó nói: “Giờ thì con gì cũng nuôi, cũng trồng hết mày à. Ngay cả năn mà còn phải trồng nữa đó. Còn đâu mà bắt hả hê”.
Tôi đã thấy cỏ dưới chân người thu hẹp lại, vườn xanh thu hẹp lại, đồng xanh thu hẹp lại. Người xâm chiếm nơi ở và sự tồn vong của chúng thì làm sao có sự phát khởi như ngày trước được. Cái gì cũng nuôi và trồng nên không còn tính tự nhiên và trù phú. Bởi lòng tham của con người có bao giờ cùng tận mà gia tài thiên nhiên thì hữu hạn, chúng không kịp tái sản xuất, không kịp “trình làng” cái đẹp thì đã bị chính chúng ta “cưỡng đoạt” ngay từ khi còn chấm nụ. Nghe như tiếng thở dài buồn của thiên nhiên, chúng ta phụ thiên nhiên thì cũng chính thiên nhiên sẽ lấy lại những gì đã dễ dàng ban tặng ta mà ta không biết trân quý vậy!
Chái bếp năm nào đó chị hai nhóm lửa bằng củi thì nay đã bếp gas, nồi cơm điện. Chị hai không còn lấy nước vo gạo thoa lên mặt, không còn chắt nước cơm sôi để nguội uống với ít đường. Chị nói: “Ngày trước, nước vo gạo có chất cám tốt cho da mặt lắm. Còn uống nước cơm thì nó ngọt lành vô cùng. Bây giờ mà làm vậy thì không ổn. Vì cái gì cũng có thuốc hóa học. Chị phải vo gạo kĩ ba bốn lượt nước dù biết cơm sẽ không ngon bằng trước nhưng biết sao bây giờ hả em?!”.
Mà thiệt lạ, nghe mưa ngồi bâng quơ lại ngẫm ngợi hồi xưa rồi chắt lưỡi chép miệng tiếc như tiếc của, xót như một cái gì vừa đứt lìa khỏi ta. Nhưng rồi tôi cũng bật cười trong khoảnh khắc mếu máo, vì rằng chính chúng ta ích kỉ, hẹp lòng và xảo trá với thiên nhiên, phụ rẫy đồng quê nên giờ hai chữ “phù sa” và “sung túc” của ngày đó đã không phù hợp. Ông Năm móm mém rít điếu thuốc và rót nước trà sớm mai trong cơn mưa buồn bất chợt rồi nói với tôi hay như lời thì thầm tạ lỗi cùng đồng quê xa vắng: “Chúng ta thường không biết đủ nên ra sức nạo vét và tăng vụ, tăng nhiều loại thuốc phân bón nên đất chai lì, lúa sượng sần nên hương quê cũng vơi đi ít nhiều rồi bây ơi!”.
Tôi lững thững ra bờ đê tìm lại dúm cỏ gà, hoa mắc cỡ của những năm thơ dại thắp lên kí ức cho một vùng sáng còn lại để bồi hồi kể lại cho cháu con mai này. Nào hãy lắng nghe mưa để còn dịp trở lại tiếng đồng ngày cũ thắp lên những khát vọng xanh ngời. Biết đâu, mai này cỏ lại mọc đầy dưới chân, hoa um vườn nhà, lúa và cá tôm gọi nhau í ới cho mùa về sinh sôi trong tiếng ếch gọi tình quê ăm ắp yêu thương.
Gió đồng miên man chảy
Cánh đồng là nơi chúng tôi đến và cũng là nơi chúng tôi phải trở về. Câu nói của ông Tư hàng xóm như thêm lao xao ngọn dừa, ngùi ngùi trong ai đó vào dịp tiết tháng bảy mưa ngâu và cảnh đoàn người đi trong im lặng của chia lìa…
Thật vậy, khi chào đời rồi đến lúc biết thì hình ảnh cánh đồng lúa đã in đậm trong trí chúng tôi rồi. Từ khi gieo lúa, dặm lúa, rồi lúa đương thì con gái cho tới lúc ngậm sữa, trổ oằn bông sà mình theo con gió và tiếng máy suốt trên đồng cùng với sự chạy nhảy lon ton của đám con nít chúng tôi như hòa điệu với tiếng máy suốt lúa mà làm cho cánh đồng thêm sôi động, thêm mầu mỡ hơn chăng… Cổ tích của tuổi thơ chúng tôi là đây. Cánh đồng và dòng sông nuôi từng ngày mơ ước cho đã đầy, cho phù sa nhân nghĩa để bước vào đời trong mỗi người lại có tấm lòng vị tha, tánh như Lục Vân Tiên, vậy mà cười hiền như… lúa.
Hồi nhỏ, con nít chúng tôi thường có cái tên dễ nghe và hiền như đất, ví như: Con Ruộng, thằng Lúa, thằng Gạo, bé Bông, bé Sữa, bé Đồng,… nó nên thơ và gần gũi để giờ đây hơn nửa đời phiêu bạt trong nhóm bạn xóm giềng xưa kia đã có đứa bật khóc và giật mình gọi nhau: Con Ruộng giờ là Việt kiều, nó nhớ quê và thèm câu xàng xê tưởng chừng đứt từng đoạn ruột kìa. Thằng Gạo bữa qua đã dắt thằng con ra đồng và hướng dẫn cách thăm ruộng, làm đồng. Thằng nhỏ mắt nheo nheo và nhìn xa xăm qua những thảm lúa u u gió rồi nhìn lên nền trời xanh thăm thẳm.
Trên bước đường tôi qua, những cánh đồng mọc đầy và ken dày trong tôi ngày mỗi thêm rực vàng. Đó là cánh đồng của tiếng hát trúng mùa, trúng giá. Khi là cánh đồng của trúng mùa thất giá. Có lúc nông phu thất thểu vì cánh đồng rạn nứt thiếu nước hoặc chìm lỉm trong cơn ngập ngụa của nước nổi. Họ gọi ngút ngàn… Mà thường thì ngoài đồng mênh mông ấy là tiếng chim, đâu đó bên lũy tre có một vài chú trâu hiền lành nhai cỏ, vài cô bác nông phu thăm đồng. Những ngón chân phèn đóng móng đang bám vào đất, đang ghì yêu thương và truyền mạch lửa cho con cháu mai này. Mà biết đâu…
Tôi lại nghĩ về câu nói của ông Tư hàng xóm. Bởi lô nhô trên đồng là những ngôi mộ thật xưa cũ, có nơi mộ đã nứt toác ngậm màu thời gian. Nhưng cũng có nơi, mộ như được con cháu vừa xây tô quét vôi mới lại. Cũng có chỗ, người ta đã cải tán mộ để cho cánh đồng thêm dài rộng nới ra thêm. Những người nằm dưới mộ nghe đất thở, nghe lúa hát của cuộc Trăm Năm buồn vui, say tỉnh. Những người nằm dưới mộ có lẽ đang nhớ những bước chân đầu đời mình từng lon ton theo cha mẹ trên những triền đê để be bờ, nhổ cổ, cầm một vài nông cụ để cha mẹ lội ruộng mà xịt thuốc sâu, dặm lúa… Ờ, lúc này trong tôi sao mà nhớ da diết đến vậy!
Ngày đó, lần đầu ngửa mặt nhìn trăng rằm giữa ruộng lúa bao la với đám bạn mới thấy quê mình đẹp thiệt! Và rồi những cọng rơm vàng óng ánh kia đã làm sót và ngứa lưng, ngứa ngáy cả cơ thể. Cái ngứa ấy đi dọc hành trình đời để một lần ai đó nhắc lại đồng quê dường như dọc sóng lưng đang có cọng rơm vàng ngọ ngoạy của thằng bạn đang giỡn. Mình bỗng thèm tiếng gọi mày – tau. Mình bỗng nhớ gió đồng và thương hoài câu hát ru. Rồi lúc này lại giật mình câu nói của ông: Nông dân quý cánh đồng, yêu hạt thóc, hạt gạo lắm con à! Khi mình ăn cơm thì ăn cho đàng hoàng đừng để rớt tùm lum hay giẫm đạp lên cơm gạo là có tội đó con. Tội đó là tội với những nông phu đã lam lũ một đời khó nhọc chắt chiu hột vàng cho chúng ta có bữa cơm ăn hằng ngày vậy! Không phải có tiền đã có gạo. Nếu lúa gạo không do nông dân làm ra và ví như họ không bán thì mình lấy đâu mà ăn hở con. Ông đã đi xa. Ông cùng với những người Trăm Năm đã nằm lẫn đâu đó giữa bạt ngàn đồng lúa quê tôi, vậy mà câu nói ông như đang văng vẳng bên tai tôi một chiều thu se sắt nhớ. Tôi nghe như gió đồng đang miên man chảy, chừng như là bất tận.
Phú Lộc
Tôi chưa thật sự rời khỏi thị trấn một phút giây nào.
Nơi tôi đã chào đời bằng tã lót của đoạn sông vắt ngang chợ lao xao tiếng người của xã giao, mua bán, tán dóc, nghe ngóng, học làm giàu, nông dân thứ thiệt, giàu kiểu nửa nạc nửa mỡ, dân trí chưa định danh bằng con số thật sự cụ thể mà có thể nghĩ nôm na nó đang trong buổi nửa thị nửa quê… Mặt đường nhựa nâng những vòng xoay đều của bốn bánh xe, tiếng cót két vặn vẹo của chúng ngỡ như mối ăn cột nhà ri rỉ trộn cùng mùi mồ hôi của ai đó đang dùng sức đạp chở chúng tôi về nhà. Chiếc xe đạp hai bánh được chế thêm cái thùng lõm phía sau có một trục xoay hai bánh to hơn hai bánh trước của chiếc xe đạp, đầu cái thùng lõm ấy được móc vào yên xe và nó dĩ nhiên được gọi tên: Xe Vua. Vậy mà tôi chỉ toàn nghe: “‘ê, xe vua’, ‘xe vua, đi Xẻo Tra’, ‘ới, xe vua… chở vô Ông Kho…’, ‘xe vua, ra Phú Lộc’”. Nhưng âm V [ua] đã biến thành âm D [ua] cả. Hai chân của ai đó đang cố đạp cho xe chạy nhanh hơn, tránh cái nắng đang xiên xẹo rát mặt chúng tôi. Những ngôi nhà hai bên đường như đang cố gắng trườn dài ra mặt lộ để chuẩn bị một cuộc mua bán, đón ánh sáng và nghe gần hơn âm thanh của những tiếng xe, mà lúc đầu không dễ nghe, không muốn nói là rất lấy làm khó chịu cho những ai, những nơi vốn dĩ đã từng yên tĩnh. Thế rồi, mẹ và tôi đã an toàn trở về mái nhà sau những ngày mẹ nằm phòng sản chờ phút giây đón tôi lần đầu tiên chiều thu năm 1979.
Bây giờ thì lưu lượng xe trên quốc lộ 1A đi ngang nơi tôi sống đã tạo thành dòng âm thanh đa chiều hơn, nó đang dần xóa đi sự buồn tẻ đến đơn điệu của những ngày mưa. Những bụi cỏ ven đường, ngoài bãi hoang chưa xây dựng, bờ đê của những mảnh ruộng chuyển mùa… đôi khi rất thú vị với tuổi thơ chúng tôi. Cọng cỏ gà được ai đó phát hiện và trở thành chủ đề cho cuộc chơi cỏ gà. Cọng cỏ có cái đầu tua lông ra và to đùng được chúng tôi tìm cọng dài óng mượt, dẻo dai. Rồi cứ thế lần lượt là những va chạm để làm sao cái “đầu cỏ gà” kia gãy lặt lìa “đầu cỏ gà” này thì thắng. Ngặt nỗi, có khi đứa em lại không dùng cỏ gà chặt cỏ gà mà nhiều lần em tôi đã nhầm cánh tay tôi đang cầm cỏ gà là cỏ gà, một vùng cổ tay cứ đỏ au và ran rát. Chúng tôi vẫn cười với nhau bằng mùi khét nắng, bằng những buổi trưa trốn ngủ, lén đi chơi keng, trốn tìm, đánh nhau, lội sình chỉ để thỏa cơn khát mộng tuổi thơ thị trấn.
Rồi một ngày chúng tôi phát hiện một thế giới kì bí sau những ngôi nhà đang cố trườn ra mép lộ. Đó là những con đường mòn dẫn ra ruộng, vườn cây, ao cá. Gió phía sau nhà mát rười rượi không như gió mặt lộ mang theo cả bụi khói và tiếng kèn inh ỏi ơi ới theo sau mỗi khi ai đó muốn làm sai luật khi đang lưu thông.
Mặc kệ tất cả, tôi cùng các em và chúng bạn cứ thụt lùi phía mặt sau những ngôi nhà kia mà nghe gió, nghe rơm rạ đang bay lên cùng tiếng cười răng sún, tiếng hò hét không sợ những cái bặm môi, suỵt miệng ra dấu giờ nghỉ trưa. Cánh đồng dang rộng tay ôm chúng tôi, cánh đồng nứt toạc lòng mình cho chúng tôi thấy nó rộng rãi và trong ngần. Cánh đồng bắt đầu lim dim kể về dòng sông, về những chuyến xe từ thị trấn tôi chở hàng lên tỉnh / thành, và ngược lại. Cánh đồng đã kể về cuốn rún của chúng tôi đã được mẹ, cha bện chặt và cất giấu đâu đó nơi góc rơm, bụi cỏ, bờ đê để chờ ngày chúng tôi lớn và chờ ngày gió đưa chúng tôi bay lên cùng thị trấn.
Chúng tôi cứ lớn theo năm tháng. Thị trấn nơi tôi sinh cũng lớn dần theo tháng năm. Nhà to và cao hơn, mặt người sáng hơn, những câu chuyện văn minh dần thay cho những câu chuyện cổ tích. Gió tưng bừng, lá me tả tơi nhưng vẫn cố rướn những ngón tay búp măng mắc cở nhìn bầu trời lần sau cuối khi nằm lại cánh đồng, yên tĩnh, dễ chịu, ngọt ngào lạ thường.
Những cá tôm, những lúa khoai, rau quả đang chất lên nhau từ những cánh đồng, vuông tôm sau nhà nối dài ra mặt lộ như hành trình của tuổi trẻ phải đến đích của những chiến thắng. Ngay phút này đây, dù cách xa gần ba trăm cây số, trong tôi vẫn in nguyên hình hài của thị trấn nửa thị nửa quê, mộc mạc có trát chút phấn son lên người đang vươn vai cho những giấc ngủ chập chờn sau lũy tre năm nào.
Tôi đi đâu cũng không quên mình là người con của Phú Lộc. Giấc ngủ đón tôi bằng thanh âm của những buổi trưa đồng nơi thị trấn ấy. Và chúng bắt đầu văng vẳng… để mai vàng đang bung xòe chào một mùa mới khai nguyên, chờ những đứa con xa trở về. Tôi chuẩn bị về nhà trong giấc mơ Phú Lộc bung ra trong ngần, trong ngần những mùa hoa…
Tình yêu cha mẹ nở hoa từ con
Ngày tôi gặp em, cả hai đứa đều nghèo kiết xác, bây giờ cũng chưa thoát nghèo. Tình yêu sét đánh sau vài câu xã giao. Tôi chạy xe ôm độ nhựt, em bán vé số qua ngày. Cả hai đang cơ cầu một tình yêu rất thực. Người nhà nghe tôi nói yêu em và muốn cưới em, ai cũng cười ồ, không chấp nhận. Bởi em đã có hai con. Người lớn cứ sợ sau này con chồng, con vợ. Tôi ấm ức.
Em cách nhà cha mẹ có chừng sáu cây số, em cách nhà có quãng thời gian ngắn bằng đi bộ xíu là tới vậy mà lâu lắm em chưa về. Em vẫn trọ một mình ở chợ. Em trọ để bán vé số, kiếm tiền dành dụm gửi về cho cha mẹ lo cho hai con đi học.
Quê em gió biển thổi vào mặn lắm, lòng em còn mặn đắng biết bao nhiêu. Em nào muốn có sự đổ vỡ trong tình cảm vợ chồng. Con cái em thèm gọi tiếng mẹ cha ngày ngày bên nhau biết chừng nào. Tôi với em cứ trải lòng nhau và “nghe trời giải nghĩa yêu”. Rồi tôi bán vé số cùng em. Rao bán hi vọng, mời chào cơ may, đôi chân cứ mải miết chạy đi cho kịp chuyến ngày. Những chiều tối vui bên nhau bằng li cà phê cùng “đồng nghiệp” hoặc rỉ rả vài li đế bốc khói quê chát lòng. Vậy mà vui.
Chúng tôi cùng rời quê, quảy lòng cấy niềm tin, hi vọng chốn phồn hoa đô hội – Sài Gòn. Lâu lâu chúng tôi về quê thăm hai con, lại gửi tiền, lại chăm chút tình quê cùng bằng hữu nơi mé biển đó của những ngày cơ khổ.
Mà cũng lạ, không biết có gì đó níu kéo, vướng víu mà chúng tôi cứ phải đến bên nhau, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên tất cả dư luận. Rồi ngày chúng tôi có con gái chào đời, một mình tôi lăng xăng lo trong lo ngoài. Bà ngoại cùng con trai, con gái của vợ tôi cùng tôi vào bệnh viện. Tôi và họ cùng dán mắt vào phòng sanh, lại hi vọng, lại lo âu, lại chạy nhảy lung tung trong đầu những câu hỏi rồi cứ tự trả lời. Thời gian như chầm chậm nặng trịch trôi qua và có tiếng khóc cất lên oa oa từ phòng sanh lúc rạng sáng, khí trời quê mát mẻ, thanh tịnh biết dường nào. Rồi ngày một ngày hai, trong nhà vang tiếng bé bi bô… bí mật được bật mí. Vợ chồng tôi tiếp tục cuộc mưu sinh “chạy cơm từng bữa mướt mồ hôi”. Nhưng tình yêu đã cắm vào chúng tôi bằng tất cả những gì cuộc đời có: Hỉ - nộ - ái - ố. Mặc kệ, chúng tôi vẫn đi tiếp trong ngày nắng nhễ nhại, ngày mưa sụt sùi…
Yêu không hối tiếc!
Yêu không hối tiếc!
Ba mẹ gọi tôi về, ba hỏi và ba muốn được gặp cháu nội. Tôi ngờ ngợ, tôi sợ. Tôi bèn gửi về cho ba nhật kí của vợ chồng tôi cùng con gái vượt cạn những ngày bão giông qua bưu điện, qua thư email của đứa em gái… ba đọc và khóc. Em gái gọi điện thoại báo tôi hay điều đó.
Khi con ra đời, chúng tôi càng cơ cực nhưng bù lại có nhiều niềm vui khác. Ba mẹ và dòng họ chấp nhận tình cảm của chúng tôi. Vợ chồng tôi chính thức ngẩng mặt nhìn mọi người và bạn bè khác nữa.
Giờ bên chiếc võng ru con tại gác trọ Sài Gòn, chúng tôi cùng hát ru con. Cha ru con bằng lời của đất, mẹ ru con bằng lời của gió. Con sẽ mơ đến những nơi đẹp nhất. Và con ơi! Tình yêu mẹ cha đã nở hoa từ con… con hãy đi và bay xa, mạnh mẽ, xán lạn con yêu nhé!
Yêu không hối tiếc!
Yêu không hối tiếc!
Trưa Sài Gòn nắng quá, chúng tôi lại ngóng về quê mé biển miền Tây Nam bộ còn nhiều vất vả ấy, có bóng mẹ cha hao gầy và nghe đâu đây giọt mồ hôi mặn lại thấm qua từng làn da. Vợ chồng tôi tiếp tục chung vai gánh tất cả buồn vui phận người để đứng lên, cho các con đi tiếp những ngày mai đầy ánh sáng…
Thầy gieo chữ nghĩa gánh tôi đi
Thời Tiểu học, tôi học tệ nhất môn Tiếng Việt, sang Trung học Cơ sở môn Văn (nay gọi là Ngữ Văn) vẫn bị phê là trung bình yếu. Tôi mày mò tìm sách đọc, cố gắng vượt qua cái yếu kém của mình. Nhưng dường như chưa có sức hút. Thế rồi, những ngày đầu lớp 10 năm đó đã tạo bước ngoặt học Văn trong tôi.
Tiết Văn đầu tiên đến với lớp tôi là một người thầy rất trẻ, về trường dạy chưa lâu, nhưng giọng nói nghiêm nghị đã tạo uy với chúng tôi từ cái nhìn đầu tiên. Thầy giới thiệu gọn về bản thân, lên kế hoạch cách học tập giữa thầy và trò trong suốt năm học. Lời nói gãy gọn, có gì đó ấm áp đang dần nhẹ lan toả. Thầy hệ thống hoá kiến thức, tôi thấy được chỗ yếu của mình. Lớp học sôi động hẳn lên bởi có sự trao đổi hai chiều giữa thầy và trò. Giờ Văn bắt đầu cuốn hút nhiều ánh mắt. Cuối cùng thầy nói: “Học phải hiểu mình học cái gì? Học để làm gì? Từ học mà áp dụng cho thực hành ra sao? Hãy lấy cách hiểu của mình mà trình bày tự nhiên, thẳng thắn. Có thể lúc đầu không quen, không hay nhưng rồi sẽ quen và sẽ hay các em ạ! Đừng để bản thân mình phải bị bắt đi học cho mẹ cha vui lòng, cho qua ngày tuổi trẻ thì uổng lắm.”
Thầy ghi bài trên bảng kiểu sơ đồ tư duy chớ không theo kiểu dạy thầy đọc trò chép, thầy giảng trò nghe. Cách dạy của thầy buộc học trò phải theo dõi bài, đọc kỹ văn bản, tự lập luận và ghi bài sáng tạo. Lúc đầu, tất cả chúng tôi đều ngơ ngác và không theo kịp cách dạy của thầy. Nhưng qua vài tiết học với thầy chúng tôi đã dần quen, tôi đã bắt đầu thích cách dạy này của thầy.
Những giờ thuyết trình mới vui làm sao! Thầy chia chúng tôi thành từng nhóm, đề tự chọn từ 3 hoặc 4 đề tài thầy yêu cầu, liên quan đến bài đã, đang học. Có khi mỗi nhóm, thầy lại cho một đề tài để thuyết trình. Mỗi nhóm sẽ nghe và nhận xét chéo, chấm điểm lẫn nhau. Cuối giờ thì thầy mới tổng kết rút kinh nghiệm và chấm điểm. Đó là những giờ thầy dạy thêm bằng tình thương và trách nhiệm, ôn rèn nâng cao cho tất cả học sinh khối lớp thầy được phân công phụ trách. Cái nắng ngoài cửa lớp như cố len vào làm rịn mồ hôi trên áo thầy, nhưng thầy vẫn say mê, đầy nhiệt huyết. Qua thầy, tôi hiểu vì sao cô Tấm phải buộc lòng để Cám chết. Ý nguyện nhân dân rất công bằng, sòng phẳng “ở ác gặp ác”; tôi thấy được khí phách, chí trai với quê hương, đất nước trong thơ Nguyễn Công Trứ…
Còn nhớ lần đầu thầy cho mượn sách, hai ngày sau tôi trả. Thầy hỏi: “Sách viết về cái gì? Em đọc có thích? Tâm đắc câu, đoạn nào? Em không thích điều gì trong sách?”. Tôi ấm ớ. Thầy nhẹ nhắc: “Không phải trưng sách đầy là trí tuệ nhiều đâu. Mà phải đọc, đọc như thế nào. Em về đọc lại đi. Cái gì tâm đắc, thắc mắc cứ ghi ra giấy, rồi hẳn nói chuyện với thầy tiếp”. Thầy dạy tôi cách đọc sách: “Em xem tên sách, tác giả, nhà xuất bản, mục lục, cách trình bày, minh hoạ. Trong mỗi chương có những mục lớn, trong từng mục lớn có những ý nhỏ. Cần nhớ và xâu chuỗi các sự kiện, vấn đề lại thì em sẽ dễ nắm bắt. Đừng vội mở sách ra đọc ào ào”. Thầy từng tâm sự với tôi: “Hãy yêu sách, tri thức nhân loại nằm trong đó. Nhưng bản thân mình phải biết chắt lọc tinh hoa để làm hành trang cho bản thân vào đời đúng nghĩa. Bởi văn chương cũng là cuộc đời em à! Mà em yêu văn chương, dễ mủi lòng sau này phải can trường chớ không lại khổ vì chữ nghĩa em ơi!”.
Thầy đã khơi gợi chúng tôi tình yêu văn chương qua chính mỗi bản thân. Những bài làm văn nào làm theo bài văn mẫu, khuôn sáo lập tức được thầy nhắc nhở và uốn nắn ngay. Thầy nghiêm khắc, rầy những ai viết tắt họ tên mình trong bài kiểm tra hoặc viết chữ thường họ tên mình. Thầy nói: “Mẹ cha đã cất công nuôi dưỡng, chọn tên đầy ý nghĩa, mình chưa tôn trọng mình nữa thì làm gì nên?”.
Trước khi kiểm tra bài cũ, bao giờ thầy cũng nêu câu hỏi và thang điểm cho mỗi câu. Thường thì mỗi câu 3 điểm, riêng câu thứ tư là 1 điểm. Các môn học khác rất hiếm có thang điểm 10, hầu như cao lắm cũng chỉ 8 – 9 điểm. Lần nọ, tôi xung phong trả bài. Tôi hoàn thành cả 4 câu thầy nêu. Nhưng thầy phá vỡ nguyên tắc bấy lâu, thầy lại hỏi tiếp 2 câu sau, tôi đều hoàn thành. Thầy đã cộng thêm 2 điểm vào bài kiểm tra 15 phút lần sau cho tôi. Một giờ trả bài cũ đáng nhớ, nó nhen thêm ngọn lửa yêu văn chương bùng lên trong tôi qua giờ dạy Văn của thầy.
Được biết, thầy đã hơn 10 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2012, thầy được đề nghị cấp Bằng khen Thủ tướng, UBND tỉnh đã gửi danh sách lên Trung ương. Nhưng thầy từng nói: Các em thành đạt và đến thăm thầy, đó là Huy chương, Bằng khen của đời giáo thầy đó. Thầy rất tâm đắc câu: “Một đời phấn trắng, một đời lặng lẽ”…
Thầy ơi! Trong những ngày cuối tháng 10 này hoa nắng như đang bung lên từng chùm nhớ trong em. Cánh cửa tháng 11 rồi sẽ ùa về, dậy lên bao nỗi niềm ngày cũ. Mãi đến bây giờ thầy vẫn đồng hành cùng em trên mọi nẻo đường đời, từ cuộc sống đến chữ nghĩa. Có lần tôi vấp ngã, nếu không có thầy đồng hành như người bạn, người anh em ruột thịt để mà san sẻ, khích lệ tôi vững bước hướng về ngày mai tươi sáng thì có lẽ tôi đã chùng chân, nản chí.
Thầy ơi! Hoa phấn lại rơi, ngọn lửa tin yêu lại đầy trong hoa phượng, thầy thả ước mơ em bay qua những nhọc nhằn. Thầy vẫn ươm hoa nắng ngày ngày cho từng lớp người nối nhau về cùng Chân – Thiện – Mỹ. Đằng đông mặt trời rực đỏ.
Xòe bàn tay ra hoa nở
“Rồi hoa sẽ nở trong chậu không nhiều đất, nhưng chịu khó tưới nước, uống trà xong thì bỏ xác trà vào gốc hoa, không phí chút nào đâu. Mà thỉnh thoảng cho chút phân. Vừa đẹp dáng cây mà mát con mắt.” – Mình nói với ông anh bạn khi bạn thấy hoa hồng lá vàng lốm đốm, chỉ có chấm nụ một bông trên cành trơ gió. Nhưng sự thật sau một tháng thì hoa đã rộ sắc hồng đẹp cho sân nhà biết bao!
“Bà chị bên Úc mới nhắn tin, con mèo bị lạc trên dây điện người ta đã gọi điện cho đội cứu hỏa tới cứu.” – Ông anh bạn chia sẻ câu chuyện với mình trên zalo. Chúng ta nghĩ gì về sự thân thiện giữa con người với loài vật và môi trường xung quanh. Có mấy người bạn nói là chắc vì lòng nhân từ với thú vật hoặc cũng là sợ bị ảnh hưởng chập dây điện. Người khác lại nói có khi nên nhậu con mèo ấy chứ dễ gì mà phải cứu. Vô tâm đánh rơi nắng hắt rát vô ngần.
Một chàng trai tên Hạnh Phúc có ba bằng đại học Mỹ, bỏ hết những danh lợi trước mắt mở ra một khoảng trời khát vọng cống hiến cho Dự án Giảng dạy vì Việt Nam. Và rồi 25 bạn trẻ đã kết nối với chàng trai ấy tỏa ra trên khắp nẻo đường mang hình cong chữ S này phục vụ giáo dục kiểu mới, hòa nhập và phát triển, thông dụng và tự tin. Từ Thành phố Hồ Chí Minh chàng trai ấy đã đến Tây Ninh thực hiện mô hình ấy, mang tiếng Anh đến tỉnh vùng biên, vừa học vừa chơi, kỹ năng và kiến thức rộn tiếng cười trên mắt trẻ. Bạn nghe và thấy việc như vậy đáng yêu lắm không?!
Chú xe ôm đầu hẻm vừa phì cười sau khi ngụm một hơi nước từ chai nước đun sôi để nguội trữ sẵn trên xe ôm truyền thống. “Có chuyện gì vui vậy chú?”. “Vừa chở không cho một cô gái xin quá giang từ Bình Thạnh về quận 2. Tới Cầu Giồng cô ta xuống và nói vầy nè ‘bộ chú hổng sợ cháu dàn cảnh cướp xe, móc bóp chú hay sao mà dám cho quá giang xe hoặc là lỡ bị đánh ghen vô cớ thì sao?’. ‘Có lòng tin và nhìn thẳng vào mắt nhau mà sống chứ ở đó nghi ngờ mãi nhức đầu lắm cháu ơi!’”. Mình thấy chú ấy cười vô tư và hẻm sáng này dường như cũng thành thơ.
Lan man chuyện phố, chuyện người để thấy quanh mình cái đẹp luôn hiển nhiên. Vì mình quên, không chịu thấy, chẳng chịu soi cho tường. Lòng cứ ôm níu cái cũ, ngờ vực và không mở ra cùng người, cùng trời đất thì cái thấy này bé nhỏ và yếu đuối biết nhường nào!
Chợt nghĩ tới thằng em bạn làm công tác Văn phòng, đồng lương ít ỏi vậy mà sáng hoặc trưa nào đi ngang ngã tư Hàng Xanh là cúi mình xuống thật thấp gửi cho người khó khổ ở đó khi thì năm ngàn, lúc thì mười ngàn đồng. Ngày nào cũng vậy! Nó bảo: “Miễn sao thấy lòng mình nhẹ vui thì được rồi. Đừng quá suy tư việc cho bao nhiêu hay là cho ai và cho cái gì. Thật ra chúng ta đâu có cho họ mà chính họ giúp mình có cơ hội mở lòng thương yêu đến thế giới quanh ta. Đó là dịp để rút tỉa dần cái thói ích kỷ của bản thân thôi. Em quên rồi!”. Nói xong, nó cười hi hi…
Tâm bất an thì thân sinh bệnh
Thường thì chúng ta thích nghe hoặc thú vị hơn khi nói về những điều tốt đẹp, đề tài đem lại niềm vui, có lợi ích cho nhau. Nhưng thật sự đời sống vốn dĩ luôn có những mặt đối lập, chính sự mâu thuẫn phát sinh nên có tranh đấu, để rồi phát triển và cùng tồn tại. Làm sao biết là thiện? Vì có ác. Làm sao biết là người chân chánh, thật thà? Vì có kẻ ăn cắp. Vì sao biết là sai? Vì có người làm đúng. Tất cả đều là những quy ước, nội quy, luật pháp nhằm giúp ta không phạm sai lầm, sợ hình phạt mà giữ lòng trong sạch.
Tạm phân biệt hai dạng ăn cắp. Ăn cắp về tài sản, là vật chất cụ thể; ăn cắp về sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả, chẳng hạn văn chương nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, điện ảnh, văn, thơ, báo chí…) là những tài sản tinh thần mang lại giá trị về tâm hồn. Có những dạng ăn cắp tinh vi hơn, đó là ăn cắp ý tưởng… Bộ Luật Hình sự nước ta đều có ghi rõ từng mức độ vi phạm và xử lý cụ thể từ mức phạt tiền cho đến giam giữ.
Hầu hết các nước trên thế giới đều không tán đồng, dễ lên án việc lấy trộm của người khác. Trong Phật Giáo, điều cấm thứ hai trong năm giới cho hàng Phật tử tại gia là giới tránh xa sự trộm cắp. Người Phật tử mà thực hiện tốt năm giới thì dễ gần với Thánh nhân. Giữ được một trong năm giới trọn vẹn thì công đức cũng vô lượng, huống nữa là luôn giữ mình sống đúng với năm giới mà Thế Tôn đã chỉ bày, đó là:
“1. Pànàtipàtà veramanì: Tránh xa sự sát sinh;
2. Adinnàdàna veramanì: Tránh xa sự trộm cắp;
3. Kàmesu micchàcàrà veramanì: Tránh xa sự tà dâm;
4. Musà vàdà veramanì: tránh xa sự nói dối;
5. Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì: Tránh xa sự dễ dãi uống rượu và các chất say.”
Tại sao có ăn cắp? Vì tham nên khởi ý niệm. Vì mình không có hoặc có mà chưa đủ, chưa tột cùng hơn đời, hơn người nên muốn, từ đây nảy sinh ý niệm tà. Ý niệm sai quấy ấy quanh quẩn trong đầu, đi đứng nằm ngồi đều hiện ra. Nó lầm thầm, dai dẳng làm cho ta khó mà kềm nén. Tất cả chuyện thế gian không còn quan trọng, chỉ có một việc trước mắt là tối trọng, muốn nắm giữ cho bằng được, phải là sở hữu của mình có thể là vật chất hoặc có thể là tinh thần. Lúc này vô minh rồi, chẳng thể ra khỏi đám mây mù đang che lấp thân tâm trí não.Cái bản ngã tôi, của tôi, vì tôi, là tôi… đang chiếm ngự. Mẻ lưới đang quăng ra nhưng cũng là lúc nó trở ngược lại trói lấy mình.
Từ ý niệm đến hành động là lẽ đương nhiên. Nhưng ở đây là niệm trộm, là lén lút, là muốn của người khác. Rình rập và lấy được rồi thì hổn hển thở, ngó trước dòm sau coi có ai biết hay không và đi nhẹ như mèo rình chuột. Ngay đó mà một làn gió xào xạc ngang cũng làm chột dạ, dựng tóc gáy, vì sợ có người bắt gặp. Nhưng không ai thấy, chẳng ai biết. Kẻ cắp ngỡ là đã trót lọt phi vụ. Nhưng mà né sao được, tránh sao khỏi trời đất biết, quỷ thần hay, lương tâm cắn rứt. Tánh thật thà chân chánh nó hiển bày. Vậy là cuộc tranh đấu trong lòng kẻ cắp được dịp bung ra, phơi bày. Tà niệm thì cố bưng bít, ngụy biện bằng muôn phương ngàn kế hầu che giấu tội lỗi. Thiện niệm thì chỉ ra những chỗ sai quấy mà thân đã làm việc không hay kia. Ôi! Chúng đang đánh nhau! Tâm bất an thì thân dễ sinh bệnh!
Nếu chúng ta bị mất một vật nào đó thì chắc chẳng thể vui. Chẳng hạn, sơ ý trên đường đi bị rơi bóp tiền (ví tiền), quay trở lại thì tiền và bóp tiền đã mất. Bao nhiêu dự định, bấy nhiêu toan tính vụt mất, bốc hơi. Nỗi sầu muộn ngự trị, lấp đầy trên gương mặt và tâm trạng của người bị mất. Cũng như vậy, một bài thơ, một đoạn nhạc, một ý tưởng kiến trúc, hay nét vẽ nào đó lại bị một ai khác cưỡm mất vì sự “thích thú” đặt nhầm chỗ. Bởi lòng tham danh hão, muốn nổi tiếng, mong được việc. Tà niệm nó lừa mình bao đời kiếp rồi, nó dắt mũi mình đi trong đau khổ biết bao nhiêu lần rồi mà chẳng còn nhớ, phút chốc quên hết chỉ muốn đạt được sở nguyện hiện thời. Một khi bị phanh phui thì tại với bị, bẽn lẽn và gãi đầu hoặc cúi gầm mặt lí nhí nói những điều rất “con nít”. Thánh nhân sợ ‘nhân’ nên tránh xa tội lỗi. Người đời sợ ‘quả’, bị tội vấp phải hình phạt mới run sợ, phát khởi hoang mang. Tâm rối, trí mờ chỉ vì sự tham níu kéo, nắm giữ.
Bây giờ nếu liệt kê về ăn cắp thì có hằng hà sa số. Chẳng hạn, ăn cắp thời gian, ăn cắp sức khỏe, ăn cắp lòng tin, ăn cắp bình an,… nhiều lắm!
Chúng ta chỉ một lần sống trên đời, có người không gặp được lần thứ hai, có nụ cười không thể tái hiện như thuở đầu, có thành công không lặp lại, có tài năng bị ngủ quên,… sao mình không thể tử tế với nhau? Biết đủ là đủ, hạnh phúc với những gì đang là thì cuộc sống dễ chịu và cái nhìn giữ mình với người cũng trở nên dễ thương biết nhường nào…
Câu thần chú gửi đến tôi và chúng ta là lời của cổ nhân rằng: “Phàm, làm việc gì nên nghĩ đến hậu quả của nó”. Vế sau của câu nói đó rất quan trọng. “Hậu quả”, nếu nghĩ tới điều đó thì sẽ dừng bặt mọi tà niệm đang móng khởi. Có dừng lại thì mới dễ trở thành người hoàn thiện.
‘Nối vòng tay lớn’ cho đất nở hoa
Gần ngàn bản tình ca thân phận con người và tình yêu cuộc đời đã rạng danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính Trịnh đã tạo nên một dòng nhạc riêng, một hồn cốt không mấy ai có được. Nó đi sâu vào chúng ta bằng sự giản dị, nhẹ nhàng mà lắng đến nỗi một khi đã quen, thích rồi thân thì không thể nào xa lìa được. Âm nhạc đó như một dược liệu xoa dịu hồn ta qua mỗi bước thăng trầm giữa biển đời lô nhô ngàn vạn con sóng khác nhau.
Đã có rất nhiều bài viết về Trịnh Công Sơn và ca khúc của nhạc sĩ. Đã có rất nhiều điều tựa hồ không thể cho mình cất lên niềm riêng giữa bóng đời quá chật, huống nữa là rừng âm nhạc, chất thi ca trong ca từ ấy được nhạc sĩ tài hoa thổi nỗi niềm vào. Ngọn gió ấy bay không cùng tận với thời gian và không gian.
Từ thuở còn đi học đến khi tham gia công tác Đoàn – Hội – Đội rồi mỗi lúc đi xa qua ghềnh thác cuộc đời, tôi lại nhớ và ngẫm về ca từ trong ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Điệp khúc ‘nối’ làm cho lòng ta gần và thương yêu tựa như ruột thịt, tựa như hơi thở, tựa như chưa từng xa lìa…
Một dự cảm trước thời khắc đất nước sẽ được hòa bình, niềm hạnh phúc được ‘nối liền’ trên vạn triệu môi tươi ở dải đất hình cong chữ S này và khắp hành tinh một ngày gần sẽ cùng đồng ca khúc hát hòa bình và tự do, bác ái và nghiêng lòng rót xuống đời nhau những nụ cười hiền như Bụt.
Nội dung ca từ có ba đoạn, chúng ta hãy cùng Trịnh nối lòng mình với bao la.
Nuôi lớn niềm vui
“Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam.”
Hình ảnh rộng lớn, bao trùm, sức mạnh của rừng, núi, biển, mặt đất, trời rộng làm cho ta có cảm giác an toàn, dễ chịu, là nơi nương tựa vững chắc, nhịp sinh sôi không ngừng. Sự mát lành, dễ gần ấy đã tạo thành sơn hà. Giữa nơi đó chỉ có tình anh em, tình huynh đệ, tình người, nụ cười và tỏa sáng. Giữa nơi đó không có chút nào là lấm láp, tị hiềm, tranh đấu. Bình yên và hoa nở dường như an nhiên đang gieo và bay khắp nơi này.
Không gian rộng lớn, thời gian hiện tại là phút giây tuyệt vời cho ‘anh em ta về’, phút giây trùng phùng ấy mừng vui như ‘bão cát quay cuồng trời rộng’. Những hạt cát nhỏ nhoi nhưng làm nên sa mạc, làm nên trận cuồng phong ‘bão cát’ giữa trời đất bao la vô tận, mở lớn thêm mãi.
Cát có thể làm ta xốn mắt hoặc dẫn đến mù lòa. Cát nhỏ đó nhưng nếu lọt vào thân con ‘trai’ thì đúng thời, đủ duyên nó sẽ tạo thành viên ngọc quý giá.
Cát không thể bay, không thể chuyển động mãnh liệt nếu không nhờ có gió, những ngọn gió khích lệ, những trận gió mạnh mẽ, hào hứng tạo cho cát được thăng hoa, được chuyển mình trong cuộc viễn du, làm mới chính mình.
Cát cũng không thể bay mãi, nếu chúng chẳng biết nối kết với nhau tạo thành một khối rắn chắc. Anh em ta về, nếu như ai cũng là ngọn núi chính mình, là hạt cát riêng tư thì không thể tạo thành một vòng tròn đẹp đẽ, viên mãn. Do đó, bàn tay phải chìa ra và cùng nhau nắm chắc thật để ‘nối tròn một vòng’.
Như vậy, sau khi ‘quay cuồng’ giữa niềm vui bao la trong ‘trời rộng’ quang đãng ấy thì mỗi hạt cát lại nằm xuống, lắng nghe cuộc sống, nghe nhịp đập của những hạt cát quanh mình để cùng nhịp mà vui reo trong sinh tồn.
Ôi! Bàn tay ấy nếu vung thành nắm đấm thì sẽ đau thương, nước mắt, căm hờn. Nhưng cũng bàn tay mà biết nâng niu thì hoa nở, chìa ra thì cứu vớt biết bao người trong cảnh khốn cùng, hoạn nạn. Bàn tay mở ra như tấm lòng được sẵn sàng đón nhận, dù đó là ai, là gì, làm gì thì bàn tay vẫn cứ mở, cát vẫn sinh sôi, để còn được dịp gặp nhau và mừng như hôm nào.
Mỗi cá nhân có chịu là đồng bào, có hướng mắt thương với nhau thì bàn tay vươn dài rộng lớn nối khắp sơn hà cho một Việt Nam vững chắc, xanh như rừng, cao như núi, rộng như biển, bao la như sa mạc. Gần gũi và thương yêu, cao xa mà luôn biết cúi xuống thật gần để thêm hiểu, rộn ràng mà sâu lắng. Và lúc này mỗi bàn tay đã và đang gieo hạt mới, rồi một ngày những hạt giống từ bàn tay biết vì nhau kia lại thành cây, thành rừng, thành núi đồi, thành làng xóm, thành quê hương, thành đất nước và giống nòi lại không ngừng nối tiếp những mạch sống của kết đoàn, vì nhau, cho nhau trong phút giây hiện tại.
Dựng tình người
“Cờ nối gió đêm vui nối ngày
Giòng máu nối con tim đồng loại
Dựng tình người trong ngày mới
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nối trên môi.”
Cờ là hiệu lệnh, là biểu trưng cho một tổ chức, tập thể, cộng đồng, xã hội rộng ra cho đến Tổ quốc. Lá cờ là linh hồn, là niềm vui được reo lên trong gió hòa bình, dựng xây. Cờ được đặt nơi không gian thoáng đãng, nơi mà gió sẽ đến, gió sẽ cổ vũ, nuôi lớn khát vọng và gieo cho cờ những đợt sóng thăng hoa bay lên và lượn theo cánh gió. Do vậy, cờ và gió không thể xa nhau, cũng như hết đêm lại ngày, dòng tuần hoàn ấy là bất tận cho nhịp ‘vui’. Nhưng muốn vui trọn vẹn và thành bản đồng ca bất diệt thì nhựa sống, bầu nhiệt huyết tràn trề ở mỗi con tim được thắp sáng lên, cháy lên cùng với ‘con tim đồng loại’. ‘Giòng máu nối con tim đồng loại’, nhịp cầu ‘nối’ ấy được gắn kết, điểm tô và làm đẹp hơn cho sự sống. Máu đi khắp cơ thể để nuôi các tế bào làm cho nó sinh tồn và phát triển. Máu làm cho con tim đập không ngừng, tác động qua lại ấy không thể trật nhịp. Nếu sai một nhịp tức thì cơ thể không tồn tại. Mỗi cá nhân tạo nên vầng hào quang cho cộng đồng, mỗi cộng đồng tạo thành quầng sáng cho hành tinh xanh ngát.
Thời gian sẽ làm đổi thay của tất thảy sự sống, vật chất, hiện tượng. Mọi thứ đều trải qua sinh – trụ - dị - diệt, hoặc ở con người là sinh – già – bệnh – chết. Ai rồi cũng vậy! Cho nên, trong khoảnh khắc hiện hữu, lúc được sống với nhau điều cần lắm là làm đẹp cho nhau, nâng niu, bảo tồn, phát huy và hữu ích cho nhau, vì tất cả để rồi có được tất cả. Cơ thể này rồi sẽ già và tàn lụn, vật chất kia rồi sẽ bị hủy hoại của thời gian nhưng con người hữu dụng kia còn mãi danh thơm, tiếng tốt muôn đời. Vật có ích kia dược người đời ca tụng và tiếp nối cho nó trường tồn ở những phiên bản khác không thôi tiếp diễn.
‘Dựng tình người trong ngày mới’ là một thái độ nghiêm khắc, cảnh tỉnh, nhắc mình và gọi mọi người cùng nhau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp cũng như phát huy những điều thiết thực có ý nghĩa phù hợp trong thời đang sống. Nó như chiếc lục lạc reo bừng lên ước mơ của trẻ nhỏ, như tiếng còi xung trận của thanh niên, như tiếng chuông báo thức cho những ai mê ngủ, chay lười, như hồi chuông ngân mãi lay người tỉnh thức, biết mở lòng và dựng lại những gì đã, đang đổ nát thành lại như xưa và mới hơn, đẹp hơn, rạng rỡ hơn trong hôm nay và mai sau.
Xây dựng con người là điều thiết yếu! Con người sẽ làm ra tất thảy và cũng từ tất thảy sẽ bị hủy diệt trong con người, điều đó tùy thuộc vào mỗi chúng ta, cách nghĩ và hành động trong thời ta sống. Âm ba nó vang vọng xa và sâu lắm, nó dội lại đau nhức con tim hoặc là ngân bên tai những âm thanh dễ nghe, làm mát lành cuộc đời như hoa mỗi sớm mai này. Tùy vào bạn và tôi và chúng ta!
Văn hóa người đã đẹp thì nơi văn minh, phát triển hay ở những nơi nghèo khó, chật hẹp vẫn giao hòa, cùng tương tác, gọi nhau, nhắc nhau, giúp nhau phát triển. Lúc này, ‘vời vợi’ trở thành ‘gần gụi’. Không giai cấp, chẳng màu da, xa lìa nghi kỵ, bỏ hết tật đố… mở ra cửa sổ, mọi ánh sáng cùng ùa vào phòng làm cho mát, thêm không khí, thêm sáng tạo và đầy cảm xúc ngọt ngào mới.
Người chết hôm qua, khi nãy, mới vừa đây đã nhắc ta điều gì? Nếu chịu hiểu, chấp nhận và soi lại thì mình rồi cũng như vậy. Hãy chọn cái chết được ‘linh thiêng’ để ‘vào đời’ bằng tinh thần nhập thế, vì nhau, sẵn sàng giúp nhau, đưa nhau qua tất cả ghềnh thác để đến bến bờ an vui, hạnh phúc thật sự là NGƯỜI.
Người chết, người già, người của quá khứ cũng chính là cầu nối cho người sống, người trẻ, người của hôm nay và mai sau. Sự nối tiếp ấy sẽ không cùng tận, không thể rạch ròi, cũng chẳng thể bóc tách, chia lìa. Vì như vậy chỉ đem lại sự hẫng hụt và nuối tiếc, không trọn vẹn trên nụ cười.
Sống cống hiến, sống vì mọi người thì cái chết sẽ được nhắc đến như một niềm kiêu hãnh của hiệu ứng đẹp, nó được lan truyền như một cái bánh ngọt ngon mãi, thơm mãi trên môi người.
Mỗi sớm mai thức dậy, soi gương và ta cười với chính mình. Rồi ta cười với người thân, bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp, người quen hay lạ thì nụ cười ấy được thầm thì với nhau và mọc xanh giữa sa mạc khô cằn là những khóm hoa, rồi rừng cây cổ thụ của yêu thương được đâm chồi nảy lộc không thôi. Cười đi tôi, cười đi bạn. Công việc sẽ thành, bệnh tật sẽ xa, tình bạn thêm gắn kết sâu sắc, tình người thêm đẹp đẽ xiết bao!
Vòng tròn vô ngã
“Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh.”
Từ điểm xuất phát đến đích, từ nơi bắt đầu đến điểm kết thúc, từ vạch mốc giang sơn đến tâm hồn người ở đó luôn hiện hữu, đồng hành, chăm bón và khơi sáng. Không thể có một và chỉ một, tất cả là sự phối kết, hài hòa, vương vít bên nhau, xoắn kết thành vòng tròn viên mãn không dấu vết của khe hỡ.
Dù nghèo khó, bệnh tật, dù thôn quê còn nhiều chật vật, dù cạn cợt về kiến thức,.. Nhưng nếu chịu vượt lên, tự tin, không gục ngã, thì khi có một bàn tay, nhiều bàn tay chìa ra lúc này đó là những mắc sên liền kề tạo thành vòng quay đều chắc chắn cho chiếc xe lăn bánh. Ta là một nhưng cũng là tập thể, là cộng đồng. Đất nước bắt đầu từ một và từ một tạo thành đất nước. Trong bạn có tôi, trong tôi có bạn. Trong sự sống hôm nay có sự chết của hôm qua và mầm mới từ ta. Dòng luân lưu bất tận ấy cứ chảy tràn qua bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ làm nên nụ cười, làm nên những rạng rỡ.
Lên ngọn núi cao rồi sẽ thấy ‘biển xanh sông gấm’ ấy đã được ‘nối liền một vòng tử sinh’. Nếu chưa hoặc không chịu thấy thì chân giá trị của nụ cười và hạnh phúc mãi mãi sẽ xa vời vợi.
Tinh thần nhập thế, vì cộng đồng, vì mọi người là một tinh thần luôn rất cần trong chúng ta. Sự vượt lên chính mình luôn được mọi người khích lệ, sẻ chia và sẵn lòng tiếp ứng. Đừng sợ cô đơn, đừng nghĩ mình đang làm gì, đừng nhọc lòng cho những tị hiềm. Hãy mở ra của cải, kho tàng quý giá nhất trong con tim này là dòng máu nóng của bình yên, mát lành, hạnh phúc, tưới tẩm cho nhau trong ngày mọc sáng những bình minh trổ hoa lành.
Nhắm mắt lại và tôi lại nhẩm hát lại ca khúc ấy từ những lời ca ấm tình người, mát như những ngọn gió chân thành. Và tôi thấy Trịnh Công Sơn đang cười ‘linh thiêng’ bên những nụ cười mới hôm nay!
Dẫu một lần, cũng nên
Lần đầu đi tàu hỏa. Lần đầu nghe tiếng cành cạch… cành cạch… của phút neo lòng khoảnh khắc những chấm nhỏ quê hương. Tôi ngồi đó trong 32 giờ ăm ắp cảm xúc như buổi đầu tập yêu, như lần đầu làm thơ, như tất cả của những bắt đầu vỡ òa cùng 1.726km đường sắt từ Hà Nội về Thành phố Hồ Chí Minh. Mùa đang vắt trên vai tôi những nỗi nhớ niềm thương vương vấn ngàn năm văn hiến thủ đô, những đỉnh mây đầy gió, những thung sâu xanh biếc, những dòng sông, những cánh đồng gầy chờ mùa trĩu hạt, đong giá cho mồ hôi cạn kịp vui cùng giấy bạc tinh tươm và những cây cầu nối nhịp kết đó với đây chung một chặng đường thông suốt.
Bạn hỏi tôi sao không đi máy bay cho đỡ mệt lại nhanh (chỉ mất hai giờ bay từ Hà Nội về TP.Hồ Chí Minh) mà giá vé cũng gần như nhau. Bạn băn khoăn cho sức khỏe tôi đường xa tàu rung như nhịp võng. Tôi nói muốn trải nghiệm, muốn rõ mặt quê hương dù trong những ánh nhìn lướt vội qua khung cửa kính. Bạn cười ồ và cảm thông cho sự lãng mạn hơi quá của mình. Buổi trưa ấy, trước giờ lên tàu, tôi còn nhờ bạn chụp cho vài tấm ảnh trước nhà ga Hà Nội. Ga Hà Nội bảng chữ đỏ nhạt tắm gội cùng mưa nắng, vậy mà tôi sắp xa! Lững thững dọc phố cùng li nước vối bên bạn để rồi nghe nơi đó đã bắt đầu phát loa mời hành khách lên tàu. Tôi đã lên tàu thống nhất SE3, ghế cứng, máy điều hòa. Tiếng còi tàu xuất phát 22 giờ. Nhớ, thương, lưu luyến cứ dùng dằng trong tâm trí của một người con miền Nam lần đầu ra đất Bắc, lần đầu ngồi tàu hỏa, lần đầu biết thu Hà Nội. Chợ Đồng Xuân, phố Hàng Đậu, đường Lý Nam Đế, đường Hoàng Diệu và bờ hồ chùng chình trong tôi nỗi nhớ Hoàng thành đầy vơi chưa kịp mang theo, chưa kịp để lại chỉ thấy phía ấy bàn tay vẫy của bạn đầy mong chờ ngày gặp lại.
Lại nhớ hôm trước khi ra Hà Nội (bằng máy bay), bạn dặn nhớ mang theo áo ấm dày vì ngoài này bắt đầu vào thu, sẽ rét đây! Vậy mà áo ấm vẫn mỏng, thân gầy còm vẫn “nghênh diện thu phong” để cảm nhận hương Hà Nội. Đi cũng vội, ở cũng vội trong những khoảnh khắc và đi cũng vội. Mà Hà Nội thì không thể vội, những vùng miền đã và đang qua không thể vội. Hùng thiêng sông núi kết tinh mấy ngàn năm mà một thằng dở hơi như mình lại vội là sao? Tôi thầm nghĩ vậy. Nhưng biết nói thế nào, vì công việc, vì những dở dang. Mà biết đâu, những khoảnh khắc vội ấy lại làm nhớ da diết trùng trùng nỗi nhớ trong tôi.
Đầu giờ ngồi toa 1, số ghế 22, xuất phát giờ 22, ngày 22 đến giữa chặng hành trình thì toa 1 thành toa cuối vì đầu tàu đã chuyển do dừng trạm để đón – trả khách cùng hành lí… Giấc ngủ bữa tối đầu trên tàu ngả nghiêng, đứt quãng. Bởi muốn ngắm bên ngoài, mà sương đã nhòe cửa kính và trời đã tối lắm rồi; bởi muốn nghe, thấy điều gì đó từ toa tàu nên thức và ngủ cũng chập chờn cùng sông núi. Anh nhân viên tới soát vé tôi và hỏi có muốn đổi sang toa giường nằm, tôi lắc đầu nói không, vì muốn trải nghiệm. Cái bắt tay kèm theo nụ cười của anh làm ấm trong đêm. Tiếng gõ nhịp trên đường ray bắt đầu bằng thanh âm cành cạch… cành cạch và tàu lao đi như vó ngựa sử xanh cất bước trên dải đất cong hình chữ S có đính hai hột kim cương quần đảo. Trong toa bắt đầu hoạt động như một buổi chợ thu nhỏ của tiếng rao phục vụ ăn uống hoặc mua sắm hàng kỉ niệm từ nhân viên tàu hỏa. Không mời ăn uống sao được, khi chặng đường thì xa, thời gian hai đêm một ngày, sự mệt nhọc bắt đầu cho những ai lần đầu. Tôi hỏi một anh nhân viên đang chở quầy hàng thức uống di động trên toa: “Tàu mình có bao nhiêu toa cả thảy hả anh?”. “Dạ, tàu có 10 toa khách, 1 toa ăn, 1 toa phát điện và 1 toa đầu máy”.
Tôi bắt đầu chú ý xung quanh. Toa tôi đang ngồi khoảng chục hành khách trong đêm đầu, phía sau tôi có một bác có vẻ chuyên đi tàu hỏa. Trên bàn bác ấy là quyển sách hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe qua việc ăn uống và rèn luyện cơ thể. Bác đọc ít trang và sau đó cởi áo sơ mi trắng treo trên thanh cửa sổ, mặc mỗi chiếc áo thun ba lổ, rồi trải tấm cao su mỏng ra và thả người nằm dài dưới hai hàng ghế đối diện cùng dãy với tôi. Bác đi vào giấc ngủ an lành trước khi gọi điện về nhà cho con. Bác nói những lời với con thật ngọt ngào và hứa mua quà thật yêu thương. Lúc đó, tôi chực rơi nước mắt vì nhớ con, ngóng con đang tuổi Mầm quá chừng. Ngoài trời màn đêm đã dày, hành khách đã ngả mình cùng ghế cứng và say giấc. Gần đó có đôi bạn trẻ tâm tình, cạnh đó có hai ông bạn đối ẩm ít lon bia cho qua thời gian chống chuếnh. Toa như rộng thênh thênh. Tôi lại giở trang thơ của bạn vừa tặng và đọc lại nghe đâu đó một nỗi buồn, những tâm sự về đời, về nghề, về bạn cứ chất chứa trong câu chữ, nó đang chảy xiết. Tôi sợ tan nhanh nên vội ghìm lại, vội gấp sách để còn đọc, còn rả rích cùng cơn mưa chảy ngoài kia.
Trời cuối tháng đen mun hun hút. Chợt nghe tàu đang qua Đèo Ngang, nơi thắt nút cuối Hà Tĩnh đầu Quảng Bình. Bỗng nhớ bài thơ Qua Đèo Ngang của bà huyện Thanh Quan quá chừng. Lòng mình cũng chùng theo câu thơ “một mảnh tình riêng ta với ta”. Nỗi niềm bà huyện dùng dằng cùng sông núi, hoài nhớ Thăng Long khi vạn lí hành “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Ôi! Vĩ tuyến 18. Ôi! Sông Gianh! Huyền kí người xưa còn vang trong âm ba sông núi “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” để rồi Nam tiến, mở ra một hành trình sông núi phù sa mầu mỡ. Đường xuôi vào Nam đang băng băng nhịp tàu khua đêm. Bất chợt tiếng hát của nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền vang lên “Quảng Bình quê ta ơi”. Ga Đồng Hới hiện ra trong màn đêm vương vít sau trận bão. Tôi bỗng thèm gom được hết 63 ca khúc chất chứa sâu nặng ân tình của 63 tỉnh / thành để trong phút giây này đốt nến thương yêu nguyện cầu cho quê hương đất Việt an lành, mưa bão không còn, bình yên và hạnh phúc theo về. Những âm giai và lời ca của người xưa làm thức tỉnh tâm mình xiết bao.
Trời gần sáng mà tôi thao thức mãi. Khúc ruột miền Trung oằn mình trong mưa bom bão đạn chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nơi đây có người từng ví như chiếc đòn gánh oằn hai đầu thương nhớ của Tổ quốc. Bỗng nhớ ông bạn thơ Nam Phương ở Vĩnh Phúc mới quen biết mà trĩu lòng khi xa. Bạn thơ ấy từng hát Bình Trị Thiên khói lửa và điểm danh lịch sử qua những địa danh và bỗng dưng ông lặng ngùi nhớ đồng đội rồi rớm lệ lặng bên tách trà còn bốc khói.
Huế!
Tới Huế rồi!
Khúc nam ai, nam bằng đang vang trong trí não của những lần nghe đài tiếng nói Việt Nam. Bảo Yến ngân lên trong giai điệu “Huế tình yêu của tôi” sâu lắng mà đằm thắm, kiêu sa mà da diết lòng tôi. Chợt nhớ những ngày tuổi nhỏ, mỗi chiều quê từ loa phát thanh thị trấn lại vang lên giọng hát danh ca ấy với bài hátHuế tình yêu của tôi, rồi Hương thầm và bao giai điệu khác đã nuôi một tình yêu trong tôi. Tình ca và người lính, bình yên và chiến tranh, nhà giáo và chiến sĩ cứ day đi day lại trong tôi với hình ảnh những người chú từng rời bục giảng, gác trang giáo án mà lên đường sang nước bạn vì tình hữu nghị dẹp loạn pôn pốt năm nào.
Bỗng thương các anh chị nhân viên trên tàu biết bao. Họ phải yêu quê tha thiết lắm mới ngày đêm cùng tàu băng qua những nẻo đường đất nước. Họ lại rao mời ăn, uống từ toa 1 đến toa 10. Suất cơm sáng, trưa, chiều đồng giá 35.000đ. Tôi chợt nghĩ, họ tiếc thời gian, họ quý cái thức để nhìn và được ngắm quê hương qua từng địa danh. Cờ hiệu được phất lên vẫy xuống qua những chặng đường như hiệu lệnh dứt khoát, như bài ca Nam tiến hùng hồn.
Và rồi, nơi mây trũng, biển rờn xanh, gió bất tận đã tới. Tàu đang băng qua núi, nơi được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất hùng quan. Nơi mà xưa kia ít ai dám đi một mình bởi địa thế hiểm trở và thú dữ xuất hiện bất cứ lúc nào. Thoáng xưa thăm thẳm, những ải xanh rêu mẫm bóng màu thời gian, là những chứng nhân lịch sử của một Việt Nam luôn vươn xa nối dài bài ca Bắc Nam chung một nhà. Tôi sẽ mãi nhớ đèo Hải Vân, của những khúc cua tối mà tàu xuyên qua núi. Lúc đó nghệ sĩ Thanh Hoa cháy bỏng với khúc ca “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Tôi lại nhớ câu hát của nhạc sĩ Trần Hoàn “lấy sức mình vượt sức thiên nhiên”. Ừ, thì vượt…
Thằng bạn ở thành phố Hồ Chí Minh gọi điện reo mừng khi biết tôi đã tới ga Lăng Cô qua trang facebook mà tôi vừa kịp ghi mấy dòng cảm xúc trên tàu hỏa. Bạn nói: “Tao sợ ngoài đó còn sót bão lũ, tao sợ mày không quen cảnh xe lửa, tao sợ tùm lum nên gọi cho mày để còn nghe được tiếng người trong gió. Ừ, qua Lăng Cô thì coi như tới nhà còn gì nữa hả mậy!”. Tôi miên man cùng câu nói ấy. Nơi đâu mà chẳng quê nhà, nơi đâu mà chẳng giang san nước mình. Nói cứng vậy đó chứ lòng đang mềm ra vì sự nhớ dai dẳng của những sat-na đi qua và dừng lặng của cảnh, của người…
Ti vi trên toa phát ảnh hình của mọi miền đất nước đẹp và giàu biết mấy. Lại thương những đồi trọc, lại thương tiếng khóc của rừng, lại thương mất ngôi nhà của thú, lại lo tình thương bị rớt giá của thời buổi khan hiếm ân tình. Nghĩ mông lung và tôi ngủ từ khi nào cũng chẳng rõ.
Một lúc nào đó, trở mình tôi nghĩ bác tài xế chắc cũng nhọc mệt chặng đường xa, đường ray Bắc Nam in màu năm tháng, tôi bắt đầu thầm cảm ơn. Âm thanh trỗi lên. Bài hát và lời của nhân viên phát ra những nơi đi qua, những ga trọng yếu, hành trình mà những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, tàu phải chạy đến 80 giờ từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Ngày nay, mỗi ngày có hàng chục lượt tàu xuôi ngược Bắc – Nam, ngày càng có nhiều hành khách chuộng đi tàu hỏa hơn. Bởi an toàn và có cái gì đó níu nhau mà ở phương tiện giao thông khác ít có cảm giác đó. Có thể sẽ vụt qua, vụt qua mau…
Đà Nẵng – 1858 là tiếng súng, là gọng kềm chặn đứng dòng chảy sum họp và phát triển. Đà Nẵng là điểm trọng yếu của hàng không, hàng hải và đường bộ. Đà Nẵng hôm nay đang vươn mình cười cùng cả nước và bắt nhịp với bạn bè khu vực và quốc tế. Du lịch Đà Nẵng đang hút khách trong và ngoài nước. Một eo miền Trung, một vùng thương nhớ đã ngời lên trong tôi, trong anh.
Đường sắt không rộng và chằng chịt như quốc lộ giành cho ô tô, mô tô và nhiều phương tiện giao thông khác. Tôi thấy bốn đường ray cùng phất phơ cỏ ven đường. Cỏ dại cứ xanh và hoa cứ thắm, người cứ đi và ngày cứ trôi. Đoàn tàu xình xịch… xình xịch và nghe thương cho những ngôi nhà gần đường ray, chợt nghĩ nếu một ngày nào đó ai trong những ngôi nhà kia mà xa đường ray rồi cũng sẽ nhớ và chùng lòng biết bao bởi âm thanh của đoàn tàu đi qua.
Ngày hôm sau toa tàu tôi đang ngồi đã khá đầy hơi người. Thanh âm Bắc – Trung – Nam cứ hòa trộn đa thanh sắc ấy bỗng nghe thương biết mấy… ơi người! Một chàng trai trẻ từ Bình Định vừa lên tàu, ngồi đối diện với tôi. Chúng tôi bắt chuyện làm quen khi biết anh ta cùng về tới ga Sài Gòn. Thỉnh thoảng đầu dây bên kia gọi cho anh, chỉ nghe anh dạ và nói: “Con nằm ngủ tí đây. Ba yên tâm nhé!”. Tiếng dạ, dạ, dạ cứ vang vang làm mình không nguôi nhớ một người vừa nằm xuống. Mình thầm gọi ba ơi yên lành giấc ngủ sâu nhé! Chàng trai trẻ kia vừa về quê ăn giỗ và cũng kịp giúi vào tay mẹ, tay ba ít tiền của mưu sinh. Anh ta nói: “Ráng làm giúp được ba mẹ lúc nào hay lúc nấy chứ sau này cưới vợ rồi chắc gì mình lo cho họ đàng hoàng. Khó lắm phải không anh?!”. Mình lặng đi và xấu hổ. Bác ngồi phía sau mình đã ngồi ăn và đọc sách tự khi nào. Bao lượt khách lạ quen, chợt đến chợt đi và toa tàu vẫn ninh ních hương xa xăm và gần gụi. Nó cứ lao xao và gõ cửa lòng mình không thôi! Bỗng nhớ bước chân thần tốc Tây Sơn, nhớ voi xung trận uy dũng. Lại thương voi buồn trơ mắt gầy bên những vườn bách thú. Lại buồn theo những bản tin nạn buôn bán ngà voi. Ôi! Những cánh rừng già, những đàn voi mãi không lớn bởi cụt ngà vì những thú vui của lòng tham, ích kỉ con người…
Ngồi tàu hỏa có cái thú vị ngắm lại quốc sử, ngắm lại quê nhà, ngắm lại ruộng vườn sông suối núi rừng… để nghe “nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?”. Bỗng dưng Chế Lan Viên ngự trong mình, bỗng dưng “Tiếng hát con tàu” năm xưa học thời phổ thông đang sôi réo trong mình như thuở đang là hai mươi xanh rờn nếp nghĩ của khát vọng và dấn thân:
“Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”.
Bao nhiêu con sông, bấy nhiêu cây cầu khắc ghi nếp thời gian kiêu hãnh cùng tuế nguyệt. Thế mà, vừa rồi cầu Gành (cầu Ghềnh hoặc cầu Đồng Nai Lớn – Biên Hòa – Đồng Nai) bị sập rồi lại phục dựng mới, thông lưu tuyến đường sắt Bắc Nam trong niềm vui đứt rồi nối. Hơn trăm năm rồi cũng hoại, lại nghĩ cầu Long Biên vẫn sừng sững cùng mưa nắng. Những thanh sắt ấy hoen gỉ bên ngoài song vẫn còn chắc chắn, vẫn là chiếc cầu cho những đôi lứa trăm năm chọn làm nhiều kiểu ảnh cưới, vẫn là nơi hò hẹn tình nhân của những tối về. Tôi nghe sông Hồng reo và chạnh nghĩ, cái gì hễ làm tận tâm thì nó sẽ bền lâu sâu chắc.
Ai mặc cả với thời gian bao giờ. Dù có mặc cả thì cũng không thể. Tàu đang dần về đích và tiếng hòa ca của “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” đang trỗi lên hào hùng òa vui cùng sông núi. Bàn tay nối liền rộng dài thương nhớ. Tôi đã để lòng lại 20 ga, có thể như vậy, của phút tạm dừng trên dặm đường đất nước. Có đi lần đầu tàu hỏa, có dịp tắm mình trong phút này bỗng thấy mình lớn thêm ra và mãi mãi một tình yêu sâu nặng mà đất nước ăm ắp vỗ về che chở, bao dung, dang rộng vòng tay đón. Bỗng bạn gọi cho tôi rằng bạn cũng vừa lên tàu ngược ra Bắc. Tiếng còi đang reo rực nắng của ngày tan bão. Ừ, dẫu một lần cũng nên được ngồi tàu hỏa đi dọc đất nước để ngắm giang sơn đang ngày thêm đổi mới, dù buồn dù vui, dù lạ dù quen thì hỏi ai không nhung nhớ tiếng còi tàu của những lần đưa tiễn…
Về đi thôi…
Ngôi nhà mình là nơi trở về, mà giờ thênh thênh. Im lìm quá. Vườn cây xơ xác. Bóng người thưa vắng. Bỗng lạnh trong từng bước chân về. Mà thật, từ ngày ba mất chỉ còn tàn nhang ám lư hương và vệt nhớ cứ trườn dài trong mắt mẹ. Có phải mẹ đang trốn sự cô đơn bằng những cuộc tìm về quê ngoại, về cùng với các cậu, dì và các cháu để đong bao tấm lòng trong những đêm thở dài chừng như vô tận.
Ngôi nhà mình tróc sờn vôi rồi. Ngôi nhà mình hoang vắng tiếng ru. Ngôi nhà mình đó mà mình ngẩn hoài ngơ mãi trong nếp nghĩ chiều viễn xứ. Nơi đó bây giờ chỉ còn tiếng đều đều phát ra từ chiếc máy niệm Phật. Chiếc máy làm bạn cùng ba thuở sinh thời và giờ cũng vậy. Mình nghe bước mình nặng như lá mục.
Sắp xếp lo toan mau về thôi, mình ạ!
Đã bao ngày tháng ngược xuôi làm gì có bữa cơm gia đình sum vầy hạnh phúc. Nhớ Tết rồi vẫn là bữa cơm đủ mặt thân yêu. Nhớ mai đã xòe vương hương bánh tét, dưa hấu, hột dưa lách tách bên tách trà thơm nóng tay ba, chuyện xưa từ mẹ, hồ hởi từ anh em. Vậy mà… vậy mà… Di ảnh ba đang cười cùng nhang khói nói lời trăm năm trong chiều này. Mẹ không gói bánh tét như mọi khi mà mua từ chợ ít đòn cúng tất, mẹ không làm nồi thịt kho rịu to đùng ăn dần trong tết như mọi lần, mẹ không bày trí nhiều hoa trái trên bàn khách như mọi năm. Mà bây giờ tất cả đều gọn nhẹ, giản tiện. Im lặng như đang hút tất cả thành viên gia đình trong nỗi nhớ ba. Chỗ ngồi ba vẫn để nguyên đó và mẹ rót tách trà chiều cuối năm gửi ba bằng một câu: “Uống trà thơm môi nè ông ơi!”. Gió xập xòe ngoài kia én về hay gió đang làm mình lạnh. Không biết nữa.
Chỉ còn ít phút nữa sẽ bước vào năm mới, chỉ còn ít phút nữa mẹ thêm một nỗi nhớ mới, con thêm mồ côi tuổi mới. Ừ, ít phút nữa giao thừa rộn ràng đó chứ! Pháo hoa đó chứ! Thơ nhạc thêu dệt hương xuân tưng bừng mà. Ừ, hết mẹ thì tới các con cứ lần lượt rót và châm và hương khói cứ se sắt bên bàn thờ ba. Mọi người cầm đũa và cơm và thức ăn nhưng tất cả im lặng, tất cả giành cho giây phút của ngày xưa, của hôm nào bên nhau đầy bóng người của ngôi nhà mình. Tô canh khổ qua dồn thịt, tô thịt kho trứng, củ kiệu dưa hành và bao thứ nữa đang thơm lừng và đầy đặn trên mâm chiều. Mà thiếu một chỗ ngồi nên cứ như chiếc ghế xịu xạo trên nền gạch thẫm màu yêu thương. Ngôi nhà mà mình sinh ra, lớn lên rồi xa nó và trở về trong chập choạng bóng chiều của tiếc thương, chùng xót nhớ.
Hàng xóm bắt đầu mở nhạc xuân, nhưng dường như hàng xóm vặn âm thanh không to như mọi năm mà chỉ vừa đủ nghe. Họ biết có người buồn trong nắng mới, họ hiểu có người đau trong giấc xuân. Gió đang trườn lên mộ ba. Mẹ và các con đang chậm bước ra mộ ba và thủ thỉ cùng những tàu chuối, tán dừa vi vu ngọn tết rộn. Mấy đứa cháu cứ xúm xít áo mới, những chiếc răng sún cứ cười tít mắt và đang chờ được đi chơi, đang chờ nghe pháo hoa nổ giòn tan giữa đêm trừ tịch.
Mẹ không kể chuyện hồi xưa nữa. Mẹ cười như bóng vỡ sau mây của vạt nắng chiều rực cuối năm. Mẹ phủi tay tàn hương li ti bay phảng phất mùa chầm chậm đi ngang.
Ai cấm tết không buồn chứ. Dẫu biết, Tết sum vầy. Tết hoan ca. Tết của người ruột thịt bên nhau và chúc tụng lời thật như ngày sinh. Tết nghỉ ngơi. Tết lần tìm những nếp văn hóa gờn gợn nét thời gian kiêu hãnh.
Thế rồi, mình gọi nhau mở màn hình và bắt đầu karaoke gia đình với bài: Lòng mẹ. Rồi bài Ơn nghĩa sinh thành. Chao ôi… tiếng ca chùng giữa chiều khơi.
Mình như đang chạy ra sông vốc nước nghe dòng chảy cuối năm cứ như mênh mông và miên man bất tận. Nó đang trôi và thổi những lá mục chân hoang nơi mình. Mình chầm chậm khỏa trần dưới làn nước ấy để nghe quê hương đang dang rộng vòng tay đón người về trong nắng mới. Và mùa xuân vẫn đong đầy yêu thương bên người bên ta…