Đến để mà hiểu! Phụng sự vì thương yêu!
Mẹ ngồi khóc con
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày ….. tháng….. năm…..
Kính gửi cô – một người mẹ có tình yêu vô bờ!
Kính gửi cô với nỗi đau còn đó khi mất con trai!
Con kính chúc cô và gia đình luôn an trú trong mạnh khỏe, bình an, vượt lên chính mình trong ngôi nhà có những yêu thương đan kết không dứt mất!
Con rất đồng cảm với sự mất mát của cô và những người thân trong gia đình cô. Con nói như vậy bằng cả tấm lòng, bởi con cũng đang đau xót như cô. Con trải qua vừa tròn một năm ngày mất của chú bảy, em ruột ba con. Hồi tháng 5 vừa rồi, anh vợ con bị tai nạn giao thông xe máy đã qua đời, giờ đã hơn 100 ngày mất. Nỗi đau không dừng ở đó, mà nó in rõ hơn, đau thương sâu hơn khi mới đây ba con đã trút hơi thở cuối cùng với cuộc đời này. Như vậy sự chia li, mất, đau khổ là có thực, nó hiện hữu cùng những người đang sống.
Thưa cô!
Hôm tưởng niệm H.N 49 ngày mất cũng như lúc ở mộ ai cũng đều tràn đầy cảm xúc của nỗi khổ niềm đau trong kiếp nhân sinh này. Nghe cô chia sẻ về H.N, đó là lời gan ruột của người mẹ hiền đối với con trai. Con hiểu được điều này, vì trước đây con từng có thằng bạn thân mất, mẹ nó khóc và đau lòng lắm, đau đến nỗi sau ba năm khi xong tang con trai út ấy thì bà mất.
Trong lúc này, không ai vô duyên hoặc lại có khả năng bảo rằng hoặc ngăn cản những giọt nước mắt chia li của người thân giành cho người thân cả! Nhưng, thưa cô, những giọt nước mắt ấy mãi sẽ chẳng nguôi vết thương; hoài niệm, tiếc nuối rồi đau buồn mãi chẳng làm nên kì tích cho người mất sống trở lại; những thành viên trong gia đình còn lại đang cần phải sống – học tập – lao động – yêu thương – chia sẻ và phải tỉnh thức thì mới duy trì tiếp mạng mạch này, mới làm chủ chính mình trong chấp nhận thật của một quy luật bất biến dòng đời sinh diệt. Vì có sinh ắt có tử, có trụ ắt có hoại, nhưng sống ra sao và chết thế nào thì là chuyện mà mỗi người cả đời tự tìm cho mình đáp án đẹp!
Dạ thưa cô!
Con chỉ là “đứa con nít”, không dám nói gì hơn, nhưng có lẽ trong lúc này chia sẻ ít dòng thì chí ít cũng để cho nhau vơi chút nỗi buồn thì những dòng thư này cũng đem tới một khích lệ, phấn chấn ích lợi lắm thay!
Cô ơi! Nếu cô khóc hoài, cô mất ngủ, ăn không ngon thì sẽ tự làm cho cơ thể bị đau, bị mệt mỏi, suy kiệt là điều không nên đâu ạ!
Cô ơi! Nếu cô ngồi bất động hằng giờ chìm trong kỉ niệm với H.N, với những món đồ, chỗ ngồi, thói quen thân thuộc của con trai lúc sinh thời thì cô chỉ đang chìm với quá khứ mà bê trễ với những công việc hiện tại, khoảnh khắc sống hiện tại. Hiện tại đang trôi qua trong cõi lòng nặng trĩu ấy sẽ làm người còn lẫn người mất không an đâu ạ! Nếu như nơi xa xăm nào ấy H.N có thấy và biết về mẹ, cha, em mình đang buồn thương vì mình đến tiều tụy, bỏ bê công việc đến nỗi không muốn sống thì liệu người mất kia có an không, sự ra đi của họ lại nặng nề càng thêm nặng nề cô ơi!
Dạ, thưa cô! Hôm 49 ngày mất của H.N, con có để ý là gia đình cô đãi khách và cúng thất cho em nó là món ăn chay, điều đó rất tốt lành. Có lẽ gia đình cô đã làm nhiều điều phúc lành khác để cầu siêu cho em nó về nơi tốt đẹp, chẳng hạn như: đến chùa cúng dường chư tăng, kính nhờ chư tăng làm lễ cầu siêu, bố thí, từ thiện… để người mất có thêm chút ít phước báu từ những người thân gửi đến. Như vậy thì rất hữu ích ạ!
Từ khi hay tin em nó mất, trong thời kinh con có thêm những dòng mới để cầu siêu cho em nó như vầy:
Ngưỡng cầu chư Phật từ bi phóng quang tiếp độ hương linh thiện nam tử T.Q,M,G– nhà thơ H.N – Pháp danh T.N.
Sinh ngày …..
Hưởng dương: 31 tuổi.
Sinh thời tại …., Việt Nam quốc, Ta bà cõi.
Nguyện hương linh sớm phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, tốc xả mê đồ, siêu sanh Lạc quốc.
Và như vậy, theo lẽ thì sau 49 ngày thì em nó đã phải tái sanh. Chỉ mong em nó tái sanh cõi lành, cõi thiện vậy!
Nếu chúng ta còn mãi đau khổ và nhắc đến tên em nó bằng sự mong chờ nuối tiếc thì thần thức – thân trung ấm – của người mất khó mà dứt lòng buông xả được. Vì họ bị mình nắm níu, bị mình làm cho họ lung lay ý nghĩ nên không còn mạnh bước tái sanh. Họ ở lại trong tình thương của ta hay ta đang làm cho họ đau khổ? Đau khổ đó cô! Vì như vậy, người mất không tái sanh, không có nơi để trú thì sẽ trở thành một vong linh vất vưởng, lang thang, đói khát, đau khổ… chúng ta ngỡ cho họ ăn bằng cách cúng món này món kia nhưng chắc gì họ đã ăn, lúc này chỉ là thần thức (vong hồn), lấy đâu ra đầu mình và tay chân… để ăn mà biết là ngon hay dở của món ăn đó. Như vậy tình cảm mình níu kéo họ vô tình chính là lòng ích kỉ của mình mà thôi. Mình muốn nó mãi còn, là sự hiện hữu đẹp sáng mãi, như vậy là đi ngược với quy luật. Không thể, thưa cô!
Cô ơi!
Tình mẹ cao đẹp không gì tả xiết, không gì đong đếm được. Vậy nếu cô thể hiện tình yêu ấy với H.N bằng một thái độ sống khác, một hành động khác thì con nghĩ rằng sẽ tuyệt vời và hạnh phúc an lành xiết bao ạ! Nếu cô hoan hỉ thì con xin viết tiếp chia sẻ cùng cô, còn nếu đọc tới đây mà cô đã chán ngán và cảm như rằng con là thằng “mất dạy” đang lên gân dạy đời hoặc nói kiểu cọ thì cô dừng đọc để cho thân tâm nó nhẹ nhàng hơn.
Chắc là cô còn đó, cô vẫn đang dõi theo những dòng chữ tiếp theo của con viết đó phải không ạ?!
Thưa cô – người mẹ có tình yêu cao đẹp!
Ngay giây phút này nhé! Cô hãy cùng những người thân thực tập bài tập sau đây con gửi tới bằng một tình cảm chân thành, trân trọng để kẻ mất – người còn sống đều an lạc và biết đâu hoa sẽ nở từ mảnh đất cằn khô đang thiếu nước, biết đâu…
Dạ thưa cô, như vầy nhé!
Đầu tiên, cô hãy gói lại những vật dụng nào của H.N chẳng hạn quần áo, giày dép, sách vở… mà còn sử dụng được nên gói đem tặng lại cho những ai đó nghèo khó hơn, đang cần những vật dụng ấy. Làm như vậy sẽ tăng trưởng công đức cho Phật tử T.N đó ạ!
Kế đến, cô hãy thỉnh chư tăng (từ 3 đến 7 vị tùy theo kinh tế gia đình mình vậy!) đến nhà tụng kinh, niệm Phật cầu siêu cho TQMG – TN nhé!
Sau đó, gói ít quà (tiền hoặc sách, vở, bút…) cho học sinh nghèo vượt khó học tốt nhân đầu năm học đó ạ! Thiết thực mà trải lòng xiết bao với tâm vì người khác.
Lại nữa, mua gạo ngon nhé, gửi đến bệnh viện nơi có bếp nấu ăn từ thiện đó cô, tặng cho những bệnh nhân nghèo khó đang cần trợ giúp, công đức vô lượng. Lành thay!
Mỗi tháng, cứ vào mồng 1, 14, rằm và 30 (âm lịch) thì cô và người thân rủ nhau ra chợ mua cá, ếch, chim,… tùy hỉ để phóng sanh nhé! Phóng sanh nhớ lựa chỗ vắng người xấu ác, để những con vật ấy được tự do sự sống một cách trọn vẹn thì phúc đức biết dường nào. Đến chợ ngẫu nhiên mua cá, ếch,… đừng đặt trước, không chọn lựa, khỏi ngả giá, chỉ biết vật còn sống, mình khởi lòng cho nó về lại nơi nó sống thì khởi lòng từ xiết bao!
Dạ thưa cô, tất cả việc làm gì tốt, thiện cô đều âm thầm niệm Phật, Bồ-tát nguyện hồi hướng cho TQMG – TN nhé! Như vậy có khác gì một người đang leo núi cao nhưng lưng thì vác tảng đá to, cồng kềnh, nhưng may mắn làm sao cứ mỗi bước chân lên núi lại có người khác nâng tảng đá to trên lưng ấy tiếp và rồi tảng đá nặng kia cũng bị quăng mất, đường lên núi cũng được người khác trợ giúp bằng cây gậy chống đỡ mỏi chân, bằng đôi giày tốt cho êm chân, bằng bờ vai mạnh mẽ cõng người lữ khách kia. Chao ôi! Những việc làm của chúng ta như vậy có khác gì đang tháo tảng đá to trên lưng HN, đang thay giày mới, gậy mới, cõng HN cho kịp bước lên núi cao…
Dạ thưa cô, ngồi buồn khóc không đem lại hiệu quả gì, chỉ hằn sâu nỗi đau và tuyệt vọng. Điều đó dễ dẫn tới những ý niệm sai lầm của chúng ta khi quyết định làm một việc gì đó ạ!
Sau cùng, một việc này rất cần và làm thường xuyên mỗi ngày vào giờ rảnh nhé! Cô thỉnh 2 bộ kinh: Kinh A Di Đà (tức là Kinh Phật thuyết A Di Đà – Kinh Phật nói A Di Đà); Kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện công đức. Chọn kinh bản dịch nghĩa thuần Việt cho dễ đọc, dễ hiểu, đừng chọn bản kinh âm Hán, sẽ khó hiểu hết nghĩa trong kinh thì sẽ khó kiên trì đọc tụng. Sau khi thỉnh về, hằng đêm hoặc lúc nào trong ngày cũng được, cô trang phục chỉnh tề, ngồi ngay ngắn trước bàn Phật và bàn vong em nó mà đọc chậm rãi, rõ ràng kinh để cầu siêu cho em nhé! Nhưng nếu như công việc đa đoan, đọc tụng lại không thuần thì cô còn một cách này gọn nhẹ dễ làm mà vi diệu lắm ạ! Đó là lạy Phật xưng tán danh hiệu đức Phật A Di Đà, rồi nguyện em nó sớm về cõi Cực Lạc. Đó mới là tình yêu đích thực, tình cảm cao đẹp nhất lúc này của người sống dành hết cho người đã mất vậy! Mà nếu cô lạy Phật đúng cách và làm đều đặn mỗi ngày thì sẽ là một bài thuốc vô giá trị bệnh mỏi lưng, thấp khớp,… nhiều chứng bệnh khác mà cái chính yếu là đem lại thân và tâm dần dần thư thái, ổn định lại và sẽ an lạc. Bởi tâm an thì tất cả thông.
Con một lần nữa kính chúc cô và gia đình cô mau trở lại tinh thần phấn chấn và an lành.
Nỗi buồn giá bao nhiêu
Anh bạn vừa nhắn tin:“Đọc báo thấy đưa tin lại thêm một vụ nhảy lầu ở học sinh. Mà sao tụi nhỏ tinh thần yếu ớt quá ông!”. Thằng em bạn đi bệnh viện tỉnh một mình, lần đầu nó thấy nỗi cô đơn ám ảnh, phải chờ xét nghiệm và có khi phải phẫu thuật gì đó, nó gửi lòng mình vào facebook. Ông bạn có tuổi tóc hoa tiêu nhấp xong hơi tẩu thuốc nói nhẹ như sương khói viền quanh ngày:“Ngồi đây cà phê với anh em bạn, kể chuyện đời xưa, đời nay, hỏi thăm sức khỏe, tâm tình để còn nhớ nhau. Lát về thì chuyên tâm làm cái gì đó có ích cho vợ con, cho bản thân. Bạn bè rủ nhau nhậu mà nói xấu người này, thọc mạch người kia, ghét lắm. Thà ở nhà xem ti vi sướng hơn. Chơi là phải vui, còn không thì thôi!”.
Tiếng thở dài của tuổi trẻ dễ tạo hiệu ứng lan nhanh, nhất là trên những phương tiện hiện đại, mạng xã hội… Cô bạn nói nhỏ với mình là: “Nhuệ khí bàn phím, anh hùng bàn phím, chém gió bàn phím, đánh hội đồng bàn phím, yêu ảo, bạn ảo… nhiều lắm. Nhưng nỗi buồn là có thật!”. Nỗi buồn thì từ ngàn xưa tới nay, đâu riêng bây giờ mới có. Một số người còn mượn cớ buồn để tạo cảm hứng sáng tạo, là sự thăng hoa bất tận. Nhưng cạn nghĩ, nó chưa đúng hoặc chỉ trúng với một vài người nào đó thôi!
Buồn là buông xuôi, dễ làm theo cảm tính, nhất thời, không còn sáng suốt để nhận định phải trái, đúng sai… nên dễ nhầm lẫn hoặc gây ra những chuyện đáng tiếc, có khi hối cũng không kịp. Thì đó, một số bạn trẻ áp lực học hành, gói mình trong thế giới ảo, giải trí hiện thời nghèo nàn, không đáp ứng nỗi niềm của các bạn. Cho nên, ước mơ thì vời vợi, hiện thực thì nông nổi. Người lớn ích kỷ lắm! Vì muốn con mình giỏi, điểm phải cao, có thành tích môn năng khiếu hoặc sở trường nào đó. Vô [cố] tình cha mẹ ngày càng xa con cái. Họ biến con cái thành nơi thỏa mãn niềm khát vọng mà họ chưa làm xong, mục tiêu họ nhắm tới. Tiếng thở của con, cha mẹ nào thấu?! Sự cô đơn ấy là những tiếng thở dài mặc niệm bên giường gối, thủ thỉ của riêng mình, bạn bè ảo [thật] trên mạng xã hội. Một lúc nào đó, không thể gượng dậy những áp lực hoặc cú sốc, bạn trẻ đành lao mình theo dòng nước tự tử hoặc làm một liều thuốc ngủ mãi mãi… Nhưng chết nào có hết. Bao hệ lụy sau đó, nỗi buồn chẳng vơi mà mọc cánh bay lên thống thiết.
Ai cũng cho mình có nỗi buồn lớn thì thế gian này chẳng còn niềm vui, sự sống mòn dần hay sao? Cơ bản của nỗi buồn là vì mình nắm giữ, muốn đoạt được, phải như vậy và như vậy. Kết quả không như mong đợi thì khổ sầu, tư tưởng đi vào ngõ cụt, tự ái, trốn tránh trách nhiệm bằng cách nhảy lầu, nhảy cầu, té sông,…
Con người tự cho là động vật bậc cao, tinh khôn, mạnh mẽ nhất nhưng có khi chúng ta ‘tự tôn’ quá chăng? Mình đã khuân vác được vật nặng bằng hoặc gấp đôi thân thể mình như loài kiến vác hạt gạo trên lưng? Mình đã có thể chịu nổi sự nóng bức, khát khô, cô độc đi giữa sa mạc như loài lạc đà? Cơ bản là chúng ta luôn cần nhau, túc trực trong nhau sự chia sẻ, cần nói ra, không thổ lộ thì khó chịu, đau khổ lắm. Có khi nói ra rồi lại thấy nhẹ lòng hoặc lại càng tăng thêm phần bi lụy, chẳng những cho mình mà cho bạn bè, người khác nghe được.
Tôi hỏi cô bạn:“Nỗi buồn giá bao nhiêu?”. Cô bạn đưa ngón tay cái ra và nói: “Nó như que kem ấy mà!”. Ừ, hãy để nó ngọt ngào và tan chảy. Buồn và vui, đau khổ và hạnh phúc và còn nhiều cặp đối xứng như vậy vẫn thường trực quanh ta. Chúng hiển nhiên, dự phần vào đời sống mình. Nếu mình không tự cân bằng thì lập tức trở thành trò chơi bập bênh và sẽ chênh vênh đi trong sự dẫn dắt của nỗi buồn, của người khác. Mọi việc rồi cũng sẽ qua. Tuy vậy, cố gắng vượt thoát nỗi buồn sẽ thấy đời còn lắm niềm vui, mình tạo niềm vui cho mình sẽ sinh ra niềm vui cho những người mình gặp, sự cộng hưởng ấy tạo thành sợi dây tươi vui êm đẹp chạy dọc hành trình người. Dẫu dù cuộc sống vẫn vô vàn khó khăn, nước mắt và có khi là máu chảy nữa. Nhưng nếu buồn để rồi tự tử, đóng cửa ‘chơi một mình’ thì cái buồn đó là trốn trách nhiệm, tự làm khổ mình, uổng một đời nên vóc nên hình hài này! Uổng lắm vậy, người ơi…
Gió lay hoa hồng nở, bạn hãy nhìn cùng tôi đi. Chúng ta chỉ ngắm nhìn trong hiện tại của sự đẹp tỏa sáng này nhé! Đừng vội phân tích hoa nở to hay nhỏ, thơm hay chưa thơm, hoa này trồng ở đâu, giống, chủng loại,… chao ôi! Bạn lại dắt cái buồn vào trong niềm vui đang hiện có. Kệ nó đi, tính sau… Nào, ta cùng thưởng thức và sẽ thấy que kem nỗi buồn kia tan nhanh lắm. Hậu nó cũng ngọt và thi vị như đất trời phải có ngày và đêm, mưa và nắng. Mùa thi tới rồi, bạn cũng đừng quá căng thẳng nhé! Thi rớt không có nghĩa là hết, điểm nhỏ không có nghĩa là mình tụt hậu, thất bại chẳng phải là bài học sau cùng. Chỉ khi nào mình bị buồn dìm tận đáy không còn đứng dậy nữa, lúc đó buồn thành sức nặng ngàn cân rồi chứ không còn là que kem như ngón cái mà cô bạn mình nói đâu!
Vẫy buồn qua mắt nhau
Bữa đó có nhân duyên tụng kinh siêu độ người mất, an ủi người sống, nói lời chân thật giữa bốn bề gió mưa tơi tả. Bữa đó, đám tống táng không kèn chẳng trống, có một hai cái bàn hàng xóm cho mượn, kẻ ngồi người đứng mắt hoe đỏ cho người mất thì ít mà chạnh lòng cho người còn thì nhiều. Họ nói thầm: “Mất thì khỏe rồi, sống còn cực nhọc mà chẳng biết làm sao hết khổ. Giờ thì học hành dang dở, làm việc thuê mướn cũng dở dang ở cái tuổi trái gió trở trời ho khục khặc, mắt lèm nhèm, tay run run… ai mướn? Có bán mình cũng chẳng ai thèm mua, tốn cơm sao!”.
Bổng trầm câu kinh, vo ve muỗi từ những ao lùm cây quanh đó lăng xăng tìm mùi người. Chúng cố bám để được chút máu, dù biết đó là những phận người nghèo xơ xác, thân gầy còm, chắc cũng chẳng còn máu ngon đâu mà hút. Bỗng thấy thương lũ muỗi ghê vậy đó.
Gió cứ bay lên trời, lời kinh rơi xuống đất, nụ cười như váng dầu trên ao còn sót chút nước sệt cùng bùn đất. Còn lâu mưa mới tới. Bước dăm mét sẽ ra nơi sầm uất, vậy mà trong xóm này con nít cũng có bộ mặt như người lớn đang đăm chiêu mùa vụ, mua bán lỗ lời và họ thấy hạnh phúc treo lơ lửng như con cá rô bằng gỗ treo trên chái bếp, mỗi khi thèm thì chép miệng một cái. Tội cho tụi nhỏ, mơ mà cũng hẹp hòi, chẳng dám mơ điều gì to lớn, chỉ là hộp sữa, gói xôi, bữa cơm chín thôi cũng đủ. Bởi, chúng biết dẫu có mơ cao, khát vọng lớn thì cũng sẽ khó mà hiện thực. Cho nên mơ nho nhỏ, dễ nắm bắt cho chắc ăn. Thương thiệt đó nghen!
Nghe bà Hai nói: “Ờ, thì thỉnh thoảng cũng có mấy cô chú ở Thành phố tạt ngang cho cơn gió mát”. Gió lại rung mấy cây cột nhà khẳng khiu, bóng loáng. Vì mấy cái đầu của tụi nhỏ trong xóm này úp vào cột để chơi trốn tìm, chơi trò mơ ước rồi cũng loay hoay ở cái chòi lá, gốc mít, cây ổi, ao cạn nước sau nhà. Xóm không tên, nên có mấy ông già nói đùa là ‘Xóm Mồ Côi’. Nói riết thành tên của Xóm, cũng như đường đi mãi thì thành. Ở đây tụi nhỏ không thích nghe chuyện kể, chẳng ham coi trò xiếc mà nó cần no bụng, cần có chỗ nằm không nơm nớp đêm rụng sương, trưa áp nắng. Người lớn thì cần làm cách nào vượt qua bệnh, khỏi nghèo vì chẳng ai mướn việc. Nhìn dáng họ, người muốn thuê cũng ngao ngán, hồ nghi thì làm sao có thể đến với nhau được. Niềm tin rớt giá.
Trời bữa đó tối mông lung lắm! Mình ngồi nghe anh Bảy đờn cò, ông Sáu khảy đờn bầu và cô Tư chơi guitar phím lõm. Ca sĩ cả Xóm Mồ Côi gom lại chục người, chia buồn với gia đình có người mất bằng những bài ca cổ thiệt là mùi. Họ đờn hát ngắt quãng chỗ nhớ khúc quên. Mưa đêm rỉ rả, lát sau mình ngả lưng một chút rồi đến 0 giờ lại thức và giở trang kinh cùng anh bạn đạo tâm sự cùng Như Lai. Lời kinh mải miết, người nhà quỳ mỏi đầu gối, đầu gục lên gục xuống, nghe gõ chuông một tiếng boong thì họ giật mình sụp lạy một cái. Chập chờn qua thời kinh khuya, đóa sen chấp chới, cọng nhang tong teo xì xèo quyện đêm vào lòng xa thẳm…
Người chết bị tai nạn giao thông, bạn ấy mới biết chạy xe máy, vì có người anh họ tới chơi nên bạn mượn xe, định chạy ra chợ chồm hổm mua gói mì về đãi ‘khách’, rồi nhân tiện sẽ mượn ông anh ít tiền lưng vốn để sang tuần lên phố làm thuê. Lớp chín nửa mùa, nghỉ ngang, bởi chòm xóm nói miết ‘học hành chữ nghĩa hổng có cứu đói, lên phố mần ăn mới có đồng ra đồng vô, con ơi, mày ơi…’. Nói miết thành thiệt. Nhiễm khuẩn ghê vậy đó! Bạn trẻ quyết chí lên phố đổi đời, trước làm việc xếp áo mưa, ăn ở chủ bao, sau sẽ tính tiếp, đi chung với mấy người anh em trong xóm mà, lo gì.
Mải mê suy nghĩ tương lai, bạn trẻ đang cho xe máy chạy ngon trớn gần tới tiệm mì xập xệ quê thì bánh xe vấp phải vật gì đó làm tay lái bạn lớp chín nửa mùa loạng choạng. Mà cũng kỳ, gặp lúc đêm tối, bóng đèn xe bị hư, rồi lúc đó một ánh đèn pha sáng rõ chói lòa từ chiếc xe hơi vụt tới và bạn trẻ lảo đảo tay lái. Đêm chìm lỉm, ai biết đâu à…
Vẫn còn một người bên cạnh, khi bạn buồn
Vẫn còn một người bên cạnh, khi bạn buồn. Tấm lòng ấy sẵn dung chứa những hỷ - nộ - ái - ố mà bạn đã và đang trải qua. Bạn hãy hát lên những cung bậc cuộc sống, bằng chất liệu thật mang màu riêng, chỉ bạn mới có.
Bạn hãy khóc, những giọt nước ấy sẽ rụng dần những mảng màu vỡ, chói gắt. Hãy khóc như thuở chào đời, rồi nỗi buồn sẽ qua.
Bạn cũng có thể cười vì quá đau khổ, ngăn chứa bạn ninh chật tất cả hỗn độn mà sự trải nghiệm đã trót nhận phần.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng ngôn từ im lặng.
Những dấu chấm than của buổi tiệc tâm hồn bắt đầu khởi nguồn. Mình thắp lại nơi tối thẳm hẻm đời. Ta ngân lên như những giọt nước mát lành đang lan những chấm tròn dần rộng và tan cùng mênh mông.
Chỉ nhìn nhau trong lúc này cũng đủ ấm. Cái nhìn của cảm thông, nụ cười của gần gũi, mắt nhìn của thương yêu như mình đang lâm vào hoàn cảnh buồn như bạn, chắc hẳn bạn sẽ vơi buồn qua mi…
Bữa qua, mình chat với một bạn trẻ qua facebook hỏi rằng, ‘nếu gặp chuyện buồn thì bạn sẽ thế nào trong hai trường hợp, có thể là đau khổ với cái buồn đó hoặc thản nhiên để cái buồn trôi qua’. Bạn nhắn, chọn phương án ‘thản nhiên’.
Hòa nhập với cơn buồn, mình bị nó đồng hóa ngay. Nó như chất keo dễ dính và ăn mòn gặm nhấm nhanh lắm. Nó lại có khả năng lây truyền thành cơn dịch. Vậy thì mình thỏa hiệp với buồn làm chi.
Em buồn mất phương hướng, quẳng hết giấc mơ ngày mai là gì và được gì, đêm này thả mình xuống dòng sông từ độ cao 4 mét. Bạn không biết bơi. Nước đêm lạnh căm, cuộn xoáy một linh hồn vụt tắt. Chị buồn quẫng trí, kéo hai con nhỏ cùng nhảy sông, chìm lỉm. Anh có một bận ra bờ sông thả hết nỗi niềm theo con sóng. Bỗng dưng sông trở thành bản biệt ca. Tội cho sông ghê vậy đó!
Hồi nào đến giờ, ông nổi tiếng hiền lành, ít nói. Vậy mà anh cứ say về là chọc ông già rồi đánh con gái của ông. Lão nhạc gia cầm lòng không đậu nữa rồi, một lần lên cơn sốt cao áp, nhịp tim dồn dập, cây dao bay tới tấp. Anh đi trong máu xối mà cũng chẳng biết nếu anh có tỉnh lại thì nhớ được câu chuyện gì trong lúc say. Anh buồn biền biệt, ông già chở anh qua các ngả phố đến trình Công an và nghe con số 8 lạnh băng mùi nghiệp sát. Bà lão ngồi co ro nghe nắng khét. Rượu lễ rượu tình mang thêm cái ách dẫn đến tử vong. Rượu bốc tàn hơi quanh đây.
Anh chia tay với người ta rồi, ra tòa hẳn hoi, một ngày quay trở lại tèn tén ten vì đứa con nên khó mà lìa đôi ngả duyên tình chua chát. Ai biết anh lên tăng xông vì hiềm hận thuở nào trào lên trong một đêm không trăng. A xít được anh đem ra đổ lên khắp người vợ cũ, đứa con chưa được mười tuổi đỏ hoe khản giọng gọi trời ơi… Chị thay đổi cục diện nhan sắc, ngồi gỡ tóc ngoái xa xăm màu rêu cũ thêm đầy.
Bạn đã nghe và thấy nhiều chuyện buồn đang trôi lừng lững giữa nhộn nhạo này. Bạn chen lấn làm chi với cái buồn đầy vơi trên thế gian. Bạn khóc rồi cười tan hoang con nắng quánh gió. Bạn gục mặt trên vai gầy và rung lên những đợt cảm xúc của chất chứa chưa được tháo. Ủa, mà bạn ngủ trên vai gầy luôn rồi. Trăng ngoài hiên cũng thức cùng bạn. Gió cứ lao xao cho gợn mặt hồ, im như cá thì đâu có chuyện phải trái, hơn thua để rồi xé toạc lòng mình ra mà vỡ cả buổi chiều, nhàu mùi đêm hương dạ lý… Lúc này, mình cũng thấy cái buồn lởn vởn chực sà xuống quanh đây. Mà thôi, ngủ đi bạn, mai sáng lại thấy bình minh ráo hoảnh trên mi và nụ cười lại mọc trên môi tươi thắm. Ta dắt nhau đi trọn cõi nhân sinh này. Cỏ cây còn buồn nữa là, muông thú cũng buồn huống chi ta. Nỗi buồn là bãi đáp lớn của cõi này mà, cho nên mình phải gỡ nó ra, mình không thắp ngọn nến cho sáng lên cái hẻm nhỏ của mình thì ít ra cũng không làm cho người hàng xóm, người nào đó chợt bắt gặp phải buồn mà quay đi trong tủi hổ. Tiếc gì nụ cười buổi mai xòe ra. Bạn thấy không, vẫn còn nhiều lắm con mắt thương bên cạnh, khi bạn vấp buồn. Đừng sợ hãi, chớ quay lưng, chẳng nói sầu hẻm cụt nghen, bước tiếp đi, bạn mình ơi! [À, tôi ơi nữa mới đủ cung bậc!].
Có một bạn lại nói rằng, sến nữa. Kệ đi, sến toàn tập. Biết đâu, bạn ngày nào đó lại cần một người nghe tâm sự cho bạn trút vào đầy cả ngày qua gót rát.
Sông quạnh chiều hôm
Chừng như hụt hẫng, vạt gió sắp qua thềm rêu. Lòng ta như bụi cứ mịn màng và rắc đầy trong trăng khuya. Trăng đang nhích dần độ tròn đầy viên mãn và cũng sẽ cạn dần, mỏng viền vành cong níu kéo nỗi nhớ lan ra. Mặt hồ còn lạnh chăng? Người ngồi im soi bóng mình lung linh. Tiếng phong linh trầm đục và ngân vang cứ luân phiên lắc lư theo điệu nhạc trời.
Ngoài sân lá mít phơi mình nghe cơn hấp hối vừa qua đây. Bước kinh hành có an trú trong mỗi bước chân… Ngày mai ngút ngàn. Chỉ là khoảnh khắc thôi mà! Đừng rịn lòng như nữ nhi hồng. Tiếng guitar cất lên điệu du tăng, du sĩ, du ca và mục đồng ngất nghểu lưng trâu già đang về núi soi hoàng hôn phủ mây hồng.
Chẳng kết thúc không mở đầu, tất cả từ sự tiếp nối, luân chuyển, từ vô lượng kiếp sinh quần. Mà thôi, hãy lắng tâm nghe lại thanh âm của nhịp tim trong giờ thiền trước khi rời khỏi chốn triền phược. Bay lên, bay cao xa mãi tít tắp cùng mây xanh. Ở nơi đó, người sẽ bốc từng đụn mây cho vào miệng để xem coi có ngọt như vị kem từ một quán nào đó ở dưới phố đầy màu xanh đỏ kia. Chắc là nhạt lắm, mà không. Đầu lưỡi đã bắt đầu mất đi cảm giác của ngọt, mặn, chua, cay,… Người đang lơ lửng giữa trùng trùng vô biên xứ.
Thế nào rồi buổi mai ông già có bộ ria thật đẹp màu bạch kim lại bảo mình sao mà sến thế! Vậy mà ông già cứ cười hiền, trăng cũng lao xao bên ngọn dừa. À không, ngọn dừa đang lao xao cành lá giữa hư không. Có lần mình ngồi mơ như đã từng ngồi trên đó thả thơ và nói lời dịu ngọt như chưa từng biết hận thù cõi nhân gian. Vậy mà, cái nắng xiên ngang mắt trưa làm hỏng cả giấc mơ huy hoàng. Buồn chảy miên man như sông quạnh chiều hôm.
Mẹ ngồi bên cửa tay lần xâu chuỗi bóng ánh thời gian mây nước. Mắt mẹ khép hờ nhưng lòng mẹ rối như tơ. Làm sao về Cực Lạc khi mà hòn máu kia cứ trôi lăn trong phong trần, đời náo nhiệt, tâm đừng loạn náo. Giọt máu kia quánh đặc và vỡ ra thành muôn nghìn tia sáng long lanh tựa trăng vỡ. Mẹ khóc bên cửa khi nào. Câu kinh vỡ ra, Phật nhòe trong sớm mai… Con ơi!
Ai người tri kỷ.
Ai kẻ phong trần.
Ai đầu mây cuối nẻo.
Đọng đầy trong nhau là tiếng thở từ bi.
Một lần lấm bụi ngỡ mình không dơ, lau mãi gương rạn bóng nhòe xa xăm. Người và ta, ta và người là ma là thiên thần là bất tận của chuyển sinh. Trèo lên đầu non tay rươm rướm máu, vệt bùn nào vương gót chân còn đau. Về mau! Về mau! Thuở đầu đưa nôi ta biết trong veo đã từng…
Mẹ lần trang kinh hiện câu thơ quen thuộc. Con ngồi như Bụt nhớ mẹ thèm khóc như con trẻ. Ai cũng nâu sồng vậy mà xa quá đỗi. Thôi, mình ở đây… dưới cầu nước reo lòng ta mát lại, sẽ thấy chốn nào là cõi không cùng. Mình cũng là nhân thế, rồi theo cánh bướm nào xa bay đừng lạ trong mắt nhau. Thôi, đừng quạnh như đã từng hé cửa chào bình minh nhiệt sinh.
Om
Om
Om
…
Tấm gương vỡ
Khi chúng ta luôn kỳ vọng, đặt để những thế hệ tiếp nối sẽ làm nốt những gì mà thời tuổi trẻ mình chưa làm được, hoặc không thể vượt thoát thì áp lực kia như một ngọn núi lớn đổ sập bất cứ lúc nào trên con trẻ.
Có lẽ hiện trạng tâm tánh học sinh thay đổi bởi hệ thống kiến thức dày đặc nhưng chưa thông suốt, tinh chuyên lý thuyết và tìm mọi cách để đạt được con số cao của điểm chứ không là ứng dụng vào đời sống từ bài học, chưa tạo được kỹ năng cơ bản cho những tình huống đơn giản. Vòng vây của tham vọng lây nhiễm từ người lớn thòng xuống thế hệ mầm xanh mới. Lấy cái giả chồng lên cái giả tạo thành hiệu ứng giả xanh mơn mởn, nên dễ vỡ, chóng tàn, mau lộ hình nguyên bản rỗng tuếch. Lúc đó đau, trách, chửi, vô vọng mà chưa từng nhìn lại coi tại sao như vậy. Ai là tác giả.
Đừng đổ lỗi cho xã hội hoặc nhà trường. Gia đình quan trọng lắm! Mỗi gia đình là tế bào của xã hội mà! Người lớn là tấm gương phản chiếu cho con em mình. Khi chúng ta khó lòng mở lời câu cảm ơn – xin lỗi thường xuyên, chẳng hề đặt nụ cười trên môi với mọi người thì chắc hẳn con em mình cũng sẽ học theo, ảnh hưởng một phần hoặc toàn phần, lẽ hiển nhiên.
Ngày nay, học sinh học rất nhiều. Học trên lớp rồi học nâng cao, phụ đạo, học thêm. Từ học kiến thức trong nhà trường đến học những môn năng khiếu, rèn thân thể. Trẻ trở thành người già lúc nào cũng chẳng biết, tội ghê.
Cha mẹ có con học trường Mẫu giáo thì lo nơm nớp khi trẻ lên tới lớp Lá mà chưa biết mặt chữ cái, con số, ráp vần thì làm sao vào lớp một ngon lành. Một cuộc học thêm, ngòi bút rung rinh trên búp tay non nớt thích chơi, ham làm những gì mình thích hơn là muốn học những gì chưa có nhu cầu. Sợ học đã len lỏi trong trí não trẻ.
Bước vào Tiểu học, Trung học và những quãng thời gian lê thê của cuộc chạy đua trong học tâp và thành tích đã tạo cho người nhỏ tuổi ấy tập tành dần thói giả, ham danh, ỷ lại, biết mình, vì bản thân, tự tôn hơn là sống vì tập thể, hướng về người khác, có cái nhìn thông cảm, sẻ chia.
Thật vậy, ngày nay, việc dắt người lớn tuổi mắt kém, chân yếu hoặc người tàn tật qua đường để tránh những dòng xe dày đặc là một chuyện ‘xa xỉ’ đối với chúng ta. Gương người tốt thì thời nào cũng có, nhưng chỉ đọc tin, thấy việc toàn là nguy hiểm, gian manh thì làm cho ta luôn sống trong tâm thế thủ, sẵn sàng chống đối, tự vệ. Cuối cùng là một hàng rào bao bọc quanh ta, thế giới cá nhân ngày một dày thêm. Con cái đi học về chỉ rúc mình vào phòng riêng, sống với thế giới của những trang mạng xã hội hoặc cùng nhóm bạn chia sẻ chuyện vui buồn thầm kín ước mơ. Mẹ cha ngày thêm xa bàn tay con.
Khi bạo hành, cái ác, thóa mạ người khác được tập thể chứng kiến chỉ biết ghi âm, ghi hình và mặc nhiên cho việc ấy diễn tiến như đang đóng phim, xem phim thì hỡi ôi sự vô cảm đã tràn bờ. Luân thường đạo lý điên đảo, lề thói đã trật đường ray thì liệu trình đến bến bờ của hạnh phúc, của thương yêu, của trí tuệ và bác ái thật sự xa lắm.
Y đức vỡ, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân thẳng tay đấm vào lương y. Lời dạy Thánh Hiền mất thiêng, chữ Lễ rơi vực sâu thì người thầy trong mắt người học cũng như phụ huynh có khác gì trong cuộc mua – bán chữ qua cửa ‘thông hành’ là tiền. Một chút chức vị đã mất Lễ, cô giáo quỳ, cô giáo bị học sinh bóp cổ và bạo hành học đường đang nhàu nát trên cánh đồng thương yêu vốn dĩ chúng ta luôn ăm ắp! Làm thủ trưởng không thể bênh vực cho người thuộc cấp hoặc chí ít là đồng nghiệp thì sự hèn đã ló dạng giữa rạng đông. Những tiếng khóc, bao nỗi niềm của sự thất vọng vì mất nghề sau một cuộc họp không thật sự họp, đúng hơn là thông báo chẳng cần nghe phản hồi. Hơn nửa ngàn thầy cô giáo ít phút trước đó vẫn thả hết tâm tư, trí tuệ để truyền tải cho người học kiến thức và tình yêu cuộc đời thì giờ này ai hiểu cho họ. Thất nghiệp và con đường nào dẫn những trí thức ấy về đâu…
Không thể chắp vá kiểu như vỡ ống nước chỗ này thì trám chỗ thủng, đường cống kia hư thì thay ống cống mới. “Dựng lại người trong ngày mới” là điều tối hậu. Vì từ con người mới sản sinh ra tất cả những gì thiết yếu để phục vụ lại cho cộng đồng, nhân sinh, thế giới này!
Dạ thưa, tấm gương vỡ thì người trước gương cũng dễ trở thành dị dạng dù có dùng keo dán thì những vết hằn, lằn nứt kia cũng khó mà liền lạc, đẹp đẽ như hôm nào.
Dựng lại người!
Dựng lại người!
Nước chảy kìa, người ơi!
Lúc đang mắng chửi, mình là ai
“Lời nói là hoa cũng là gai nhọn. Lời nói rồi sẽ trôi qua nhưng mũi tên thì sâu hoắm. Học nói mãi vẫn chưa nên khôn, huống nữa lỡ dại một lần”. Ông bạn miệt biển nói xong, kéo cặp kính sát mắt để soi cho rõ mặt người đang đối diện. Người bạn trẻ ngồi cạnh mình liền hưởng ứng: “Một lời nói, ngàn mũi tên theo không kịp… Nói có khi gây thù chuốc oán, có lúc lại thành bạn, tri âm. Nói theo, nói leo, nói hùa, nói quên cả mình đang ở đâu thì tự mình khoét miệng vực cho mau lọt thỏm, đen thui”. Chúng ta vẫn thường triết lý, hay tự cho mình đúng, là phát hiện, sáng tạo. Nhưng đôi khi và thật sự mình nhầm, rất nhầm. Cái biết, thấy cạn cợt mà mình tự cho là của mình, đã có hằng hà sa số vết chân qua.
Ý kiến, nếu ai cũng như ai thì không còn gì để nói, xã hội đó trở nên thước đo của tính tập thể đồng thuận rất cao. Tuyệt vời cực điểm nếu điều đó đem lại sự an ổn và giá trị tích cực cho tất cả và mãi mãi. Tuy vậy, ý kiến trái chiều để dẫn đến xung đột thì nó có cần thiết đến như vậy không? Có thể vết thương trên thân thể này, máu rồi sẽ khô, vết thương rồi khép miệng và lành nhưng vết sẹo thì còn, lời nói thì vẳng bên tai, bạn bỏ qua được chăng? Khó, khó lắm. Bởi, ai cũng to đùng ‘cái tôi’, là sĩ diện, cho rằng điều mình nghĩ, lời mình nói, việc mình làm là thước đo của giá trị chân xác và mãi mãi. Nó đâu thể hằng thường, mọi sự vật, sự việc vô thường cả, mình biết nhưng lờ đi, cố tình quên!
Lúc đang mắng chửi một ai đó thì mình đang là hoa hay là gai nhọn? Gương mặt mình đang tươi tắn hay có nhiều nét không dễ nhìn. Tim dồn dập đưa máu tuần hoàn có khi bị nghẽn nhịp vì sự tức giận cao trào. Lời nói càng độc, nhiều hiểm họa cho người thì mình cũng bị nhiễm xạ, trực tiếp và đầu tiên. Căng thẳng và mệt mỏi, lý luận miệng không xong có khi dẫn đến xung đột bằng ẩu đả, trầy trượt và đau dài trong nỗi khổ niềm đau cũng từ ngọn nguồn ham muốn hơn người, thông minh hơn đời.
Một khi cơn giận được trút xuống bằng ngôn từ không dễ chịu thì mọi sự thân quen hôm nào bỗng bị tắt ngúm. Bao nhiêu kế hoạch, hợp đồng, đối tác với nhau xù hết, không chơi nữa, chẳng dòm mặt nhau, nghe tên cũng đã ghét. Tự mình ghim mũi tên vào tim mình ngày thêm sâu sâu sâu. Có bao giờ mình đã hoán đổi vị trí mình là bạn và bạn là mình, mình là họ và họ là mình để có đôi lần cúi xuống nhìn cho thật kỹ, soi cho sạch lòng dẫu nhàu nhĩ.
Chợt nhớ câu chuyện về mắng chửi trong Tiểu Bộ Kinh.
“Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà ấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.”
Cứ tưởng mắng chửi người khác, nói xấu người khác thì nhân phẩm mình cao lên, sự đúng đắn ở những khái niệm, triết thuyết tự cho là của mình được nâng thêm tầm quan trọng trong một nhóm người nào đó, thật sự không hẳn. Nó như con sóng được dâng lên đến một đỉnh cao rồi sẽ mất hút và chìm sâu không bọt bóng. Những tiếng vỗ tay ca thán kia có rát lòng tay chăng?
Lại nhớ vụ thằng nhóc hay nói láo ‘nhà tôi bị cháy’, lừa mọi người trong làng. Đến khi nhà nó cháy thật, chẳng ai thèm quan tâm, cứ tưởng nó đùa dai như những lần trước. Ông bạn rỉ rả bên khói thuốc nheo nheo mắt, nói với mình mà như tâm sự của ông: “Tụi mình ráng học nói, chứ không lại mang cái nhãn trên mình giống thằng hay nói láo ‘nhà tôi bị cháy’, thiên hạ cũng chỉ mượn cớ hùa để vì niềm riêng, chẳng ai khờ mà không biết và ghét thằng nói láo kia. Trò hề cả mà!”
Lời Thầy dạy bình văn thời phổ thông còn vẳng bên tai: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Khi đám đông nguội dần, tiếng vỗ tay không còn, cuộc nói đã tàn, ai trong chúng ta hồi tâm suy xét chợt ồ, sao lại như vậy cà, cũng đã muộn mằn… Mũi tên đã cắm vào trong gió rát. Day dứt đó theo nhau suốt quãng đường còn lại. Bởi, tật đố kỵ luôn neo trong lòng thì chúng ta không thể trưởng thành, mãi chỉ là những đứa trẻ bập bẹ học lời hoa.
Nói mãi mà quên xác trà ươm gốc hồng, hoa nở đẹp. Thôi, uống trà đi bạn ơi, nguội rồi kìa!
Hủy báng và tán thán
Được khen, sanh tâm vui mừng, thích thú mãi; bị chê, khởi lòng buồn giận ghim trong tim. Mất và còn, vui và buồn, hủy báng và tán thán,… là những cộng hưởng của đời, chúng luôn đối xứng, ‘làm khó’ nhau để song hành tồn tại và phát triển. Điều quan trọng là chủ thể có bị chi phối, tự dìm vào những làn sóng ấy hay đứng vững trên mặt sóng thảnh thơi ngắm mây trời thong dong bay qua mắt.
Lần nào lễ Phật cũng thấy đức Thế Tôn mắt khép hờ nhìn xuống. Ngài ngồi bên cội Bồ-đề uy dũng làm chủ tâm, điều phục tất cả tham sân si. Lần nào con cũng xúc động khi nhìn Ngài và tán thán mười danh hiệu gửi đến Bậc Giác Ngộ Chánh Đẳng Giác: Kính lạy Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni, Ngài là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
Đã trải qua gần hai ngàn sáu trăm năm mà lời dạy của vị Thầy Siêu Việt Thế Gian vẫn hằng hữu và ngày càng tỏa rạng chân lý, đúng như thật. Con lần giở trang kinh, nghe như Phật đang chia sẻ, đang thầm thì, đang răn dạy, đang nghiêm khắc. Con nhận lãnh và niềm vui ùa về khi con chuyển lại thành những tâm tư tình cảm để nói với bạn vượt qua nỗi đau tinh thần, đừng gục ngã, chẳng thoái lui vì sự khen hay chê như gió thoảng mây bay, giữ mãi trong lòng làm chi, huống nữa đó là những lời nói từ người thân trong nhà. Ừ, đau lắm, nhưng mà chấp nặng vì lời khen chê kia còn đau tâm, nhọc tim, khổ thân biết chừng nào.
Phật ơi!
Hôm bữa, con nhắn tin trên zalo với một bạn bị người khác hủy báng nặng nề, gương mặt bạn hốc hác, hai mắt hõm sâu, không chút thần sắc, sự chán nản tột cùng đến nỗi bạn nện trên bàn phím hai chữ ‘buông xuôi’. Con biết là bạn đang cô đơn, hụt hẫng. Bạn là trí thức lại là nữ nữa, vậy mà bị một người nào đó mắng chửi, hủy báng không thôi giữa chợ, chỉ vì một sự hiểu lầm, sau đó thì người kia có hối lỗi, nhưng bạn ê mặt, sĩ diện trỗi dậy, nỗi lòng cứ đau day dưa mãi. Con nhớ lời Bậc Đạo Sư từng dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi.” [KINH TRƯỜNG BỘ - Dìgha Nikàya – Bài kinh số 1: Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta), trang 16, Nhà xuất bản Tôn Giáo, PL.2559 – DL.2016 do cố đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu Việt dịch từ nguyên bản tiếng Pàli].
Rồi con nói sự tai hại của buồn giận vì tai nghe những điều bất như ý. Bạn cũng dần nguôi ngoai. Lời nói đã đi qua, hôm đó người hủy báng, cũng là lời nói và người đó nhưng hôm sau là sự hối lỗi, bạn không nhận lời tha thứ lại chấp về sự tổn thất những điều chói tai. Buông xuống thì khó lắm, bởi bạn nghĩ mình là thạc sỹ, mình là trí thức, là những điều trên không thuộc về mình. Kẻ đang hủy báng dĩ nhiên là thô lỗ, huống nữa sai sự thật. Buồn làm chi để buông xuôi, ‘mackeno’ (mặc kệ nó), nói vậy thì vô trách nhiệm rồi. Đâu ai ăn đời ở kiếp với câu nói không vừa lòng. Câu nói không đúng sự thật, hủy báng bạn vẫn sống đấy thôi, hãy sống đẹp hơn những ngày đã sống thì mọi người càng tin yêu quý trọng bạn hơn. Hãy nhìn như mắt Phật, tha thứ người sẽ nhẹ lòng và bình an sẽ đến, cũng như một hòn sỏi chỉ làm chao sóng mặt hồ giây lát. Bạn làm được mà! Thật sự, bạn đã trở về với nụ cười rạng rỡ như hoa sáng nay. Bạn buông xuống cái gọi là thạc sỹ, trí thức, bạn thương người kia vì sự hối lỗi giày vò mà ăn không ngon, ngủ không yên, cũng chẳng dám nhìn thẳng mặt bạn. Bạn đã đến bên người ấy và vỗ về. Trong khoảnh khắc ấy bạn lớn lao biết bao!
Tuần rồi, có ông anh bạn nói cười toe toét như trẻ thơ vì sự tán thán không ngơi của mọi người hướng về anh. Vì sao anh cười tươi và điện thoại véo von với mình như vậy? Anh mới biết làm thơ và rất vui khi có một bài thơ được báo đăng. Anh tưởng chừng cả thế giới đang tung hô, đón chào bài thơ đồ sộ của anh mang đến cho nhân loại một cái nhìn mới lạ. Chao ôi! Những người mừng anh bởi họ là cấp dưới trong công việc, là bạn bè lúc khó khăn hay mượn tiền…. Còn bài thơ thì phù hợp với chủ đề kỷ niệm gì đó trên một tờ báo bậc trung. Có lẽ anh đang trong dòng xoáy cảm xúc vui vì được tán thán. Lúc này, mình chợt nhớ lời Phật dạy, cũng trong bản kinh Phạm Võng, trang 17: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật.”
Vài ngày sau, có dịp cà phê vỉa hè với anh, mình chần chừ mãi mới nói điều cần muốn nói, vì anh cứ hỏi mãi về bài thơ ấy có thật sự hay, có phải là anh thành nhà thơ rồi chăng? Mình sợ anh bị hụt hẫng, bị tổn thương trong lúc đang thăng hoa, nhưng không thể nói cho vui, cho qua, lấy lệ. Thế rồi, mình xa xăm với lời Phật dạy trong kinh Phạm Võng như đã nghĩ hôm nọ.
Anh nghe xong, im lặng rất lâu, mình tưởng buổi cà phê đó kéo dài cả thế kỷ. Sau cùng anh bạn cũng bật lên câu nói: “Nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật.” Rồi anh gật gù, nắm thật chặt bàn tay mình và cảm ơn!
Mình không còn nghe anh nói về bài thơ đăng báo hôm nào, mình vẫn thấy anh tập làm thơ và thỉnh thoảng nhờ mình xem, góp ý thật lòng, anh vui vẻ xóa những câu vụn dại, những ý rất xưa cũ và thế rồi bài thơ đúng nghĩa đã mọc lên trong một ngày nỗ lực sáng tạo từ chính anh. Mình tán thán và anh cười, cảm ơn nhưng nói lại thuộc lòng lời Phật dạy trong kinh Phạm Võng hôm nào mình từng chia sẻ với anh. Anh đã tiết chế và biết mình đang ở đâu, bài thơ đang chỗ nào… Mừng cho anh, vi diệu lời Phật dạy!
Tôi như nhai kỹ từng giọt pháp mà Như Lai đã dạy từ ngàn xưa, bể đời đầy cám dỗ của khen chê, cảm xúc bừng lên vui buồn chớp mắt, từ nói đến làm là một khoảng trời không dễ chạm tay với! Tuy vậy, cứ tiết chế dần, buông xuống từng lớp si mê, chấp ngã, cho là của mình, là mình, tôi, của tôi thì thấy thân tâm này nhẹ nhàng trong lời nói, ý nghĩ, việc làm hàng ngày xiết bao. Con cảm ơn Phật – Thầy ơi!
Sau khi vạch ra 62 luận điểm chấp ngã sai lầm của ngoại đạo, Thế Tôn đã kết luận và con dừng thật lâu trước những dòng chữ này: “Do duyên những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên”. Thật vậy, phàm hay Thánh là do ta. Vui hay buồn là cảm xúc, chế ngự hay bị dính mắc từ trần cảnh mà sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn vượt thoát được hay không là ở mỗi hành giả trên bước đường chuyển hóa.
Tâm đừng dính mắc vào lời khen hay sự chê, tán thán hay hủy báng nếu mình không nhận thì cánh gió sẽ bay ngược lại người đã thốt ra. Nếu trụ vào một chỗ nào thì cũng bị nghiêng lệch! Khó lắm, nhưng làm được thì mới thoát khỏi luân hồi lục đạo. Chợt nhớ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kim Cang kinh, nghe thì suông mà đã mấy ai chịu buông xuống tam độc (tham, sân, si) để vào giới, định, huệ.
Phật ơi!
Con lại nhớ lời kệ Ngài từng răn và cố gắng tu trì:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán.”
Dịch:
“Tất cả những pháp hữu vi
Khác nào mộng huyễn, khác gì điển, sương.
Như bóng nước, như ảnh tượng
Xét suy như thế cho tường chớ quên!”
Ngồi yên nghe mình
Ngồi xuống để yên lắng, im lặng nhìn lại, xét cho rốt ráo cái đã qua, đã từng và hiển bày hiện tại, ngay đây. Phút ngồi im nghe nội tại này có thể chỉ là khoảnh khắc, có thể là năm, mười phút hoặc cũng có khi một giờ, hai giờ liền. Nhưng để yên định ngồi suốt một thời gian lâu hơn, chẳng hạn trọn một ngày cho tới mười ngày hoặc suốt bốn mươi chín ngày thì đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã từng ngồi ngay cội Bồ-đề và thành Đạo. Người đã ngồi yên và quán xét rõ nhân duyên của vô lượng hành trình. Người đã thấy rõ lý duyên khởi vô ngã và dùng bánh xe chánh pháp luân chuyển cho khắp quần sinh được an vui, thoát khỏi cõi đau khổ lụy phiền. Các vị Tổ, những bậc cao Tăng, ẩn Tăng tham thiền quyết chí xả ly cầu Đạo giải thoát cũng đã từng được sự tự tại, yên lặng quán xét trong khoảng thời gian như vậy, có khi còn lâu hơn…
Ít khi mình chịu ngồi yên, cứ lăng xăng chuyện này, chạy tới chuyên kia, hỏi chuyện nọ, sóng tâm cứ chao đảo, duềnh mãi làm sao thấy xét một cách đúng đắn, sáng tỏ.
Có anh bạn chia sẻ: “Tu thiền cần có Thầy chỉ dẫn, kẻo không thì đi lạc”. Chị bạn tỏ lòng như vầy trong lần gặp uống sinh tố hôm rồi: “Mình ngồi tịnh tâm được tới tầng bốn và chỉ dừng lại đó, cảm xúc vui vẻ, lắng dịu, thương yêu tất thảy chúng sanh làm cho mình thấy phút giây đó thật tuyệt vời. Nhưng mình muốn vượt qua, muốn lên nữa mà chẳng biết sao nó cứ lơ lửng vậy, tới đó rồi như mây dầy quá nghẽn lại không thể cao hơn. Cũng cố! Nhờ ngồi thiền sinh học mà bệnh bám đầy người hôm nào đã buông ra bay hết ”. Thôi, mình đừng cố quá, thả lỏng đi cho bàn tay, bàn chân và cả thân tâm này được nghỉ ngơi. Chúng ta cùng chuyện trò với thân này để nghe nhịp sinh tồn đang tuôn chảy, không ngừng nuôi dưỡng hàm lượng tình yêu trong mình.
Dù là ngồi yên kiểu nào thì cũng tốt mà! Yoga, thiền sinh học, thiền dưỡng sinh cho tới thiền theo Phật. Càng leo cao thì núi càng dốc, vực càng gần, tiến thoái lưỡng nan thì cũng dở dở ương ương bài toán đời mình. Có khi lâm vào hoàn cảnh ‘im luôn’ hoặc nôm na nói như phim chưởng là ‘tẩu hỏa nhập ma’. Ừ, con ma trong tâm mình nó quỷ quyệt, tinh ranh lắm. Nó lừa mình trôi lăn trong vô lượng kiếp mà giờ vẫn dễ mềm lòng.
Chị bạn nói như đang ru chính mình: “Đừng có cố trong bất cứ chuyện gì, dù chuyện đời hay chuyện đạo. Bởi cố thì làm không xong. Vì cố nên đã gồng mình, làm khác lòng mình, không cân sức. Cố sẽ bất thành. Mà không cố gắng thì trì trệ, nên nuôi dưỡng tâm hồn nhiệt huyết nhưng đừng quá mong cầu, vội vàng, dễ té. Ngồi yên, quán sâu xét kỹ rồi sẽ thấy sự thật của lẽ chân như.”
Nghe quý Thầy từng giảng đại ý rằng, khi mình ngồi yên lặng quán xét thân tâm, nhu cầu ham muốn về ăn uống và sinh hoạt khác không có nhiều, nên cơ thể này cũng chẳng hao tổn năng lượng gì, có khi lại sinh năng, nếu làm việc có phương pháp. Tu hành không phải nói suông, chỉ có thực hành thường xuyên, gột sạch thân tâm này thì uế dần tan, tịnh dần tới.
Sáu năm Thái tử Tất-đạt-đa tu khổ hạnh chỉ còn da bọc xương, thân thể tiều tụy gần sắp đi vào con đường tận diệt. Rồi Người kịp khắc phục hạn chế, sai lầm ấy bằng con đường Trung Đạo. Thân khỏe, tâm sáng rồi trí huệ mới hiển sinh.
Lúc mình ngồi yên thì cuộn phim trong đời cứ cuồng nhiệt tuôn ra, đủ màu sắc, âm thanh. Chướng ngại lắm, không dũng chí hùng lực sẽ buông xuôi quy hàng, chỉ ngồi đó yên nhưng là ngủ gục đi vào giấc mộng Ta-bà…
Có ông anh không nói gì, nhưng mình thấy rõ, từ ngày anh ngồi yên lắng, nhập Đạo cảm Đời, lòng mở rộng thêm, sắc tướng hồng hào và đẹp hẳn lên. Từ ngày xả ly mong cầu những thứ đến từ bên ngoài hoặc sẽ không thuộc về mình thì anh thấy nhẹ nhàng và công việc lại trôi chảy hơn. Bởi, anh biết nhìn lại mình, không chăm chăm nhìn người, soi người. Cứ soi rọi thẳng thật bản thân này sẽ thấy thiện – ác trong ta nhảy múa còn kinh thiên động địa hơn những người mà mình thấy vậy mà chẳng phải vậy.
Mà thôi, buổi sáng chủ nhật trong veo, có một tí mưa chớm hè cũng làm phố thanh khiết, mát lại. Lòng mình cũng nên dịu, bây giờ thì ta cùng ngồi xuống đây và thở với nụ cười cảm ơn bất tận… Khắp châu thân này cũng đang đồng hành cùng mình, vậy đó!
Phía sau những sự kiện
Dường như cái miệng truyền thông đang ngày càng há rộng và dài ra thâu tóm những gì liên quan đến đời sống quanh chúng ta. Dù đúng, dù sai nó đều có mặt và tạo hiệu ứng đám đông. Người ta hồ hởi đón trận bóng đá, nhưng không đơn giản chỉ là trò giải trí; mọi sự quan tâm đã đổ dồn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng không chỉ xem bối cảnh thế giới sẽ ra sao ngày mai, có rất nhiều người tìm riêng cho mình một tiếng nói gì đó từ truyền thông, nhưng phía sau sự kiện là những trận đánh cược trong hỗn loạn.
Sáng nay tôi thấy mặt chị buồn thiu. Hỏi ra thì biết là thua cược bầu Tổng thống. Chị muốn phải có người nữ được lên nắm quyền, chí ít cũng một lần. Lần này nghe đâu chị thua đậm. Số tiền lẽ ra phải dành dụm để chi tiêu trong tháng này để lo chuyện bếp núc, chuyện học phí của con,… đã bị nướng trong những ngày bầu cử bốc lửa vừa qua. Chị bần thần nhớ lại mùa world cup rồi đã gây ra xung đột lớn giữa chị và chồng để rồi sau cùng là li thân. Một nỗi đau vì cơn ghiền cá độ chăng? Chị cầu may rủi, nhen ngọn lửa hi vọng cao quá trời mà cuối cùng thì toàn thất vọng. Sáng nay chị xác xơ thấy rõ.
Tôi ngồi đối diện chị và thấy rõ đôi mắt buồn ấy. Càng buồn hơn, khi chị lướt web xem vài dòng tin trước khi bắt đầu công việc cho ngày mới. Giá vàng trong nước tăng, chưa có xu hướng giảm, kinh tế thế giới có vẻ bất bình thường. Chị ngao ngán thở dài, mặc cho ngoài cửa sổ trời nắng đẹp, ngọn gió se se giao mùa. Vì lúc này dạ dày chị như đang đánh lô tô trong đó. Dạ dày biểu tình vì từ chiều qua tới giờ chị chưa ăn gì. Thật sự là chị thua sạch số tiền ít ỏi có được từ công việc nhân viên văn phòng.
Chị lại hỏi tối qua tôi ngủ có mơ thấy gì chăng. Chị lại ấp ủ con số gì đó để thay đổi cục diện cho tiền trọ tháng gần tới, tiền điện, nước sinh hoạt và bao thứ linh tinh không tên khác đang lũ lượt kéo về trong ý nghĩ. Bỗng chị vui hẳn lên, chị nói với tôi mà nghe như cả phòng đều tỏ. Vé số vietlot mới ra, trong một tháng mà đã có 2 người mua trúng rồi. Sao mà dễ trúng và mau giàu quá. Giải thưởng kiểu Mỹ nữa, thiệt là cao. Rồi chị mơ. Tôi nghĩ chắc từ con số 0 tới con số 99 đang chạy bấn loạn trong đầu chị và chưa biết nó sẽ dừng lại ở con số mấy. Chị đang phỏng đoán và chờ xem coi ai là người có thể cho mình mượn ít tiền lúc này để tiêu vặt (thật ra là để đánh số hoặc chơi đề).
Tin tức chồm lên tin tức, ít phút trước là bão giá do hậu quả từ thiên tai nên rau củ quả tăng giá; cướp, giết, hiếp được giật tít to đùng. Giữa những sự kiện ấy, người nối người trong triền miên mệt mỏi nếu không biết tự tiết chế. Ai mà chẳng ước mơ, ai mà không muốn giàu, ai mà chẳng muốn biết thông tin mới nhất mỗi sớm mai…. Nhưng những điều bình dị, đẹp đẽ, yêu thương… dường như hiếm hoi đến nỗi trở thành một điều ước xa xỉ cho những ai “hoài cổ”. Thật ra, tôi vẫn luôn tin ở con người. Họ vẫn tốt, họ vẫn sống vì người khác, nếu như chúng ta biết tiết chế từ những sự kiện hoặc truyền thông không quá đà. Có lẽ khát vọng thoát nghèo của bà chị là chính đáng nhưng hành động của chị theo cảm tính đám đông, chạy theo sự kiện để trượt dài trong những trận cược thì chị cũng đang treo đời mình trên ngọn cá cược buồn leo lét.
Cuốn mây vào tóc
Một sớm mai đầy hơi hám Tết, có lẽ nhiều người dậy muộn sau những ngày đi làm phải chạy đua cùng dòng chảy thời gian hối hả. Có lẽ tiếng thở dài bên dòng tin nhắn của hiền muội còn dài hơn những gì thực tại. Muội mệt mỏi và chán nản vì cuộc sống có nhiều thứ dồn dập nỗi buồn. Vật chất, vun vén vì chồng, hi sinh cho con, thời gian cho riêng mình vụt mất, qua cả thời son trẻ vì những nếp nhăn đậu trên đuôi mắt. Thỉnh thoảng lại bị chị bạn, cô em chơi lướt qua mặt, lừa phỉnh nhau vì chút danh, tí lợi, nghe nỗi đời hanh hao quấn quanh chân tóc muội.
Ngoài trời gió nhẹ, mùa phương Nam không rõ rệt Xuân, Hạ, Thu, Đông, chỉ đơn giản hai mùa mưa và nắng. Có khi lấm lem trong nắng có mưa và ngược lại. Gió gợn trên da mốc cời nỗi nhớ tan chảy trong muội một mùa đông đón những giấc mơ về nhành mai vàng tỏa nắng rạng ngời đầu Giêng mới non nõn chân trời những năm mười tám.
Muội tặc lưỡi và chì chiết thời gian, bóc tách hết lòng mình cho ngày đi qua, mặc kệ nó đầy hay cạn, sóng lòng cứ duềnh lên.
Gió mùa chồm về phía tiếng ho của con gái, muội nhíu mày và mắt hướng về tiệm thuốc tây gần nhà. Ông xã hôm nay đầu gối trên tay ngửa mặt nhìn trời thở dài cuối năm chờ thưởng Tết. Hoạch định chuyến chơi gần, chơi xa qua diễn biến nét mặt chỉ đàn ông mới biết. Muội hì hụi cho buổi chợ đông sớm ngày.
Muội co cụm lòng mình cùng nét nghĩ vì này, vì kia.
Muội nhắn vội qua khung chat facebook.
Có lẽ gió cuốn mây về. Tiếng thở nhân gian vẫn đong đầy nỗi niềm. Đùn đẩy chỗ này vui chỗ kia buồn, chỗ nọ cười thì đằng đó khóc. Vậy mới cân bằng, mới là cuộc đời mà! Ai đó ngoài chợ cười tí tởn bên tách cà phê nguội nói với nhau như vậy, muội tình cờ đi ngang và nghe rõ lời ấy tọt vào đáy tai.
Giờ này ngu huynh nhắn lại cho muội ít chữ, nhưng có lẽ gió cuốn mây bay. Xa xăm đâu đó những rơm vàng hương lúa, những nắng nhạt chiều quê của bừng bừng kỷ niệm thời áo trắng rồi áo màu. Thôi, cười lên cho nắng mai thêm tí tách ngoài sân như đàn gà hàng xóm vồ vập mổ thóc, rồi rủ nhau đi quanh sân tìm niềm vui của chúng.
Không biết sao nữa. Hiền muội đọc tin nhắn rồi cười rần và nhảy ra khỏi cái mai rùa, vỏ ốc đời mình, tung tăng hát bài ca cây lúa, người giáo viên nhân dân…
Đừng nghĩ vì này, vì kia, hi sinh cho rồi buồn. Muội hãy nghĩ là muội đang gieo niềm vui cho những người thương yêu gần gũi, ruột thịt nhất. Từng giây phút chia sẻ niềm vui ấy cho họ để thấy họ cần muội xiết bao. Muội đừng tự tước bỏ quyền đem niềm vui và sự thương yêu nhẹ nhàng mà sâu xa kia đến với tất cả người thân.
Phàm, ở đời thì cũng tí danh, chút lợi, cùi chỏ họ cọ sườn làm mình đau. Kệ đi, đau rồi cũng qua, nghĩ hoài thì còn đau mãi! Mở lòng thương sẽ thấy tội nghiệp những người vừa nguýt xéo, nói ác với mình hoặc những lời nói cho vui trước mặt nhưng bày đặt sau lưng hùm hổ lắm. Muội thương người này, yêu hết thảy đi, sẽ thấy tự đáy lòng mình bao la và hàm lượng cuộc sống này nó đâm chồi sinh trưởng những dòng nước mát lành đang chảy và tưới tẩm xanh mơn man trên khắp nẻo muội qua.
Kệ đi, bốn mùa vẫn qua. Phương Nam mình hai mùa chuyên chở. Mình vẫn một mùa thương yêu bất tận. Nội tâm bùng lên của sự tha thứ và vì người sẽ là sức mạnh lớn nhất, làm tan chảy tất cả tật đố hiềm hận trong bạn trong ta, trong chị trong anh…
Muội ơi! Cuốn mây vào tóc thấy mùa xuân lấp ló trước hiên nhà rồi. Xòe tay ra đi nào… Ta gửi cho ít hạt mầm hướng dương, mùa sau muội sẽ có cả một vườn hoa rợp vàng tia nắng mọc đầy niềm vui trên mắt. Và con trẻ đang hát những ngày xanh của muội, và ông xã cũng đang cười cùng muội trên chuyến xe đời người lấp lánh nắng hồng xuân. Muội nhé!
Không dưng mà nhớ
Bữa, ngồi không tự dưng nhớ quá trời. Nhớ từ ngấn nước cứ duềnh lên như muốn cắn một cái phập vào bờ. Nhớ từ những giề lục bình cứ bồng bềnh trôi một cách vô định. Nhớ từ áng mây đang vẽ bời rời trên kia những ước vọng tuôn chảy. Nhỏ cháu nó nói từ hôm chú đi nước cứ chảy không thôi, mưa và gió, buồn gì đâu á. Ờ há, ai biết được.
Ngoài trời chắc là thu, mà cũng không rõ nữa, bởi phương Nam chỉ nắng và mưa, mà giờ thì mưa nắng cũng nhập nhằng. Bỗng nhớ cái heo may đầu thu rồi cái chớm đông ngoài kia đến da diết lạ. Tiếng piano như nhủ thầm cùng trăng sao và gió trời, âm thanh ấy đang bức mình ra ô phòng chật, dường như dòng chảy của những nốt nhạc ấy ngân dài từ phố Hoàng Diệu đến Lý Nam Đế, từ Hàng Đậu đến chợ Đồng Xuân, từ cầu Nhật Tân chở đầy lên cầu Long Biên và sông Hồng hát một dòng đỏ phù sa.
Mà cũng có thể giờ này trên núi chắc gì có người chịu ngủ. Ban công chắc đầy gió, mây trùm đỉnh núi, gió lùa trăng sao, thông reo vi vút và ở đó có cô bé đang còn miệt mài vẽ chân dung. Những phác họa đến rồi đi, vụt cháy. Ai kia đang phòng bên vo tròn câu thơ thế sự và ủ thêm trà cho đắng đêm. Khi không ngồi đó nhớ tùm lum.
Trước tiếng còi tàu rung chia tay là những bàn tay bịn rịn, những bước chân tiễn xuống núi. Lại hẹn một mùa nông trại đầy ăm ắp chín. Lại hẹn phố và quê. Nụ cười thơm hơn mật, cái nhìn ngọt hơn son. Câu thơ ông bạn như nứt ra một khoảng trời dịu mát và lừng lững cõi người.
Về, đứa cháu lí lắc hỏi ở đâu mà không thơ, mắc gì lên núi cho mệt nè. Ờ há, thì đi sạc pin mà. Ngoài kia bất ngờ nước cuốn, bất ngờ tai nạn, bất ngờ bão giông… câu thơ bất an theo. Vậy mà đêm ấy có người ngồi tả sông Cửu Long, sông Hồng hiền hòa như những dải lụa mềm thơ mộng, lãng mạn gớm!
Con số 13 gợi biết bao. Muốn rút thẻ ATM phải xuống chân núi cách đó 13km; muốn đổ xăng phải xuống chân núi cách đó 13km; muốn những buồn vui sâu đậm hơn thế thì cũng chịu khó mà trèo lên lượn xuống 13km nhé! Sườn núi ngoằn ngoèo như con rắn thần đang trườn lên mãi để ngóng mây, hớp khí trời se lạnh, để nghe tiếng thở nhẹ trong sương, lãng đãng cùng buổi mai đầy tình yêu trong veo mà có khi ở phố hoặc dưới núi ít có. Ở đây chỉ có thông reo và gió hát, chỉ có chim ca và sống chậm. Có khi con đường hút gió buồn hơn những ổ rơm quê nhà. Vậy mà cứ tìm đến nhau chốn này.
Bỗng thương người bạn cùng phòng hôm nọ quá chừng! Lần gặp đầu tiên sém giận nhau bởi thấy bạn lẩn thẩn hơn thơ mà mắt nhìn trời không thèm chào nhau một tiếng cho nó âm vang sôi động núi rừng. Bạn ngồi đó nắng in loang tường một nét nhạt như sương vờn. Quyển sách trên tay dày cộp, sau mới biết đó là cuốn sách triết học. Đầu bạn nhức và đêm ngủ thở dốc, bạn trườn trong nếp nghĩ của những tranh đấu vì sự tìm cầu chân lí. Trước đó bạn từng bị một vụ tai nạn giao thông làm chấn thương, nên cách nghĩ và sự sống đã thay đổi, nhịp thơ của bạn cũng dần khác. Những trong trẻo buổi đầu chuyển sáng màu nắng đục. Mỗi buổi cơm trưa xong bạn cho một vốc thuốc mà uống, uống nhắm mắt cho xong cái trò lờn thuốc. Rồi bỗng dưng bạn hỏi có cách nào để ngủ ngon và không phải bực dọc chuyện không đâu. Bạn muốn bỏ quên sau lưng những hận thù. Ừ, thì dễ thôi, chỉ cần bạn đừng nghĩ tới nó và xem nó như là một bước đi của hành trình người mà ai cũng vượt qua. Này bạn, nắng đang tràn qua từng kẽ tay, gió đang mơn man thịt da, mây trời đang nũng nịu cùng đỉnh núi. Đẹp quá chứ! Sống hiện tại của phút giây này đi nhé! Nào, ta cùng thanh lọc buồng phổi bằng sự thở sâu và nhẹ chân leo núi qua những bậc thang rêu sẫm thời gian. Ôi, người bạn của tôi đã cười!
Giờ thì tiếng piano cùng hương hoa sữa hoặc những hàng sấu đang bám chặt trong nhịp thở của đêm trầm tích. Cứ ngỡ sau một chặng đường Bắc Nam 1.726km trên tàu thì giờ sẽ mệt, sẽ ngủ, sẽ gì gì đó, ai biết.
Ờ, ai nói không dưng mà nhớ.
Mình đã qua những chiếc cầu
Thằng cháu trong nhà mấy bữa nay đọc rôm rả câu ca dao: “Muốn sang phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Nó đọc và hí hoáy viết những điều tốt đẹp để chúc mừng thầy cô nhân dịp Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Mà ngày nào cũng vậy, nó làm điều đó bằng một tấm lòng chân thành, không hề cho ai biết việc đó. Vì nó đọc, nó viết nhật ký mà.
Tôi chợt nghĩ về câu ca dao, nghĩ về hình ảnh cao đẹp của những người thầy. Thầy là người khai sáng tâm trí cho chúng ta từ thuở còn mịt mờ, nông cạn, ngây thơ. Mình có cầu mong, có nguyện ước, có khởi tâm ý muốn được qua khỏi sự mê mờ, vô minh thì phải chân bước, tay làm, miệng hành, tâm hành, nói chung toàn tâm toàn trí hành sự cho cái bước này. Bước để mà bước, đi để mà đến.
Cây cầu này phải vừa chắc chắn, vừa đẹp đẽ, mỹ miều, phải có sức cuốn hút thì chân ta mới bước, lòng mình mới mong được qua. Bởi bên kia là bờ bãi đẹp của hoa lá cây trái, của xanh tươi sức sống, của diệu kỳ xứ sở, của tỉnh giác, của an vui mãi mãi. Vậy là mình bước. Lúc đầu thì chần chừ, rồi bước chậm, bước còn ngoái lại coi có ai đi theo không, coi có ai ủng hộ không để rồi quyết liệt bước, bước đi mà như chạy để qua khỏi cuộn sóng đang chồm dưới chân cầu, để qua khỏi nguy cấp đó trong một sát – na mê muội. Chao ôi! Bên đây là vô mình, sông mê của đắm nhiễm tham – sân – si đang mời gọi và kia là chiếc cầu minh giác, là phương tiện để được vượt qua bờ giác ngộ kia. Giờ mình mới ngẫm, mình bắt đầu đi cùng chiếc cầu kiều trong triền miên mơ…
Ngày đó mình đã đắm chìm trong bia, rượu, và muôn sự của ái dục si – sân – tham. Mình đắm chìm trong cơn say mà cứ ngỡ đó là sự hứng khởi cho giây phút thi tiên Lý Bạch, là phút giây của giải khuây, là những giờ xả stress… nào dè nó chỉ đem lại sự mệt nhọc của thân, hao mòn trí huệ, mất thời giờ, tốn tiền bạc, mất đi tình nghĩa bạn bè. Vì tửu nhập ngôn xuất, vì cuồng tửu, thần men nhập ăn nói loạn xạ, dáng đi điên đảo mà ngỡ là đẹp. Nay nhìn lại những bức ảnh ngày cũ mà thấy gương mặt ấy, ánh mắt ấy lờ đờ như đã chết hàng thế kỷ. Lúc đó mình cũng đang bước trên chiếc cầu kiều. Cầu đó đẹp vì có hương bia, rượu và mồi ngon, bạn tốt. Sự mời mọc của vô minh mà ai biết, ai ngờ. Mình cắm đầu cắm cổ chạy theo, để lại sau lưng những giọt nước mắt khóc thầm của vợ chờ bữa cơm, của con chờ nụ cười cha, của hạnh phúc đơn sơ. Nay xa lìa và xa lìa sự mong cầu của bia, rượu và bạn bè chung con đường đắm nhiễm kia, mình thấy nhẹ dần những bước chân thênh thang qua cầu. Ừ, mạnh bước mà đi chứ!
Lúc này, lời Phật vang vang trong đầu mình qua lời huấn thị của huynh trưởng ngày nào: “Đã là hàng đệ tử Phật thì phải luôn tin sâu, nhớ chắc, để hành đúng Ngũ Giới cấm mà Đức Phật dạy để hàng Phật tử thực hành, hầu ngăn chặn những tưởng niệm ác, lời nói chẳng lành, hành động bất chánh.
Chất men cay kia không là thuốc độc, uống vào là chết ngay, mà nó ngấm dần, hư hoại dần thân mạng này. Nó đã làm thui chột trí huệ và đạo tâm trong mình. Nó sẽ xúi giục mình làm những điều xằng bậy từ bia, rượu mà ra. Nó có thể si, sân, tham đủ thứ trên đời. Khi tỉnh, mình sẽ mang họ đổ tên thừa với trăm ngàn lý do cho Trần Văn Tại, Nguyễn Thị Bởi và cái mặt đực ra với dáng đứng thật nực cười. Mình đã đứng trước gương soi biểu thị lại cái ghê tởm kia của mình hàng nhiều lần. Rồi một ngày nọ mình chỉ thẳng vào mặt mình trong gương và nói: Ta đã thấy rõ bộ mặt của ngươi rồi nhé! Ta đã thấy người đã và đang đi trên chiếc cầu bia, rượu xiêu vẹo mục ruỗng kia rồi đó. Ngươi sẽ ngã xuống sông mê mau thôi, nếu còn tiếp tục. Lúc đó chiếc gương soi chao động và duềnh lên những cơn sóng. Mình ngả nghiêng, rùng mình và khóc.
Ngày đó mình khóc và bắt đầu tập đánh vần đọc ê a như thằng cháu câu ca dao: “Muốn sang phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Đời sống vốn đã ảo mộng rồi, mình lại miệt mài thêm ảo giác trong chất say nghiện ấy thì há có phải là đi ngược dòng xoáy, đi ngược vào cửa tử. Phải chi đi ngược đến điều lành, điều thiện, điều mà đó là ánh sáng của chân lý, giác ngộ thì hay biết chừng nào. Ngày mình bỏ bia, rượu, cũng là lúc cầu kiều đã thênh thang, ánh sáng trùm khắp thân giới. Mình nghe khắp nơi rộn tiếng cười chào đón. Đó không là băng rol, đó không là tiếng vỗ tay thuần túy của mê lầm, của cái gọi là “bầy đàn” mà là tiếng vỗ tự tâm.
Mình bắt đầu trang nghiêm đạo tràng tại gia và chỉnh trang chay tịnh để khóc rốt ráo khi mắt đã thấy, tai đã nghe, tay đã giở từng trang, từng trang kinh. Và mình sám hối trước lời Bậc Chánh đẳng Chánh Giác đã dạy qua bản Kinh “Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi”, có dẫn ra 36 lỗi của người say như sau:
“Uống rượu say khiến con chẳng kính cha mẹ, cha con không có trên dưới.
Nói năng bậy bạ.
Uống rượu nói lời chia rẽ, nói nhiều.
Say rượu nói hết những điều cơ mật của người.
Say rượu mắng trời quở đất chẳng biết húy kỵ.
Say rượu nằm giữa đường, chẳng biết đường về hoặc đánh mất đồ vật.
Say rượu chẳng thể đi đứng đoan chánh.
Say rượu ngã tới ngã lui hoặc rơi vào mương rãnh, hầm hố.
Say rượu té lên té xuống vỡ cả mặt mày.
Say rượu mua bán lầm lộn, gây việc đụng chạm với người.
Say rượu làm mất việc làm, chẳng lo làm ăn sinh sống.
Hao tổn tiền của.
Say rượu chẳng nghĩ đến sự đói lạnh của vợ con.
Say rượu mắng chửi chẳng kể đến luật pháp.
Say rượu cởi áo quần, thân thể lõa lồ chạy khắp nơi không biết hổ thẹn.
Say rượu chạy vào nhà người lôi kéo phụ nữ nói bậy nói bạ.
Muốn đánh người bên cạnh.
Dậm chân la lối om sòm làm kinh động đến hàng xóm.
Say rượu giết càn các loài trùng kiến.
Say rượu đập phá đồ đạc trong nhà.
Người say rượu bị người nhà coi như kẻ ở trong tù ngục, say sưa không có suy nghĩ.
Kết bạn cùng bọn người ác.
Xa người hiền lành.
Say rồi tỉnh dậy thân thể cảm thấy bệnh hoạn.
Say sưa ói mửa dơ bẩn, vợ con chán ghét.
Say sưa tâm ý buông lung không biết tránh thú dữ.
Say sưa chẳng tôn kính người hiền, chẳng kính sa môn.
Say rượu dâm dật không biết kiêng sợ.
Say rượu như người điên mọi người tránh xa.
Người say như người chết không còn biết gì cả.
Người uống rượu say sẽ bị bệnh gan.
Trời rồng, quỉ thần đều không thích người uống rượu.
Bạn tốt xa lánh.
Say rượu quậy phá bị chính quyền bắt, hoặc bị đánh đòn.
Sau khi chết đọa địa ngục, uống nước đồng sôi.
Được ra khỏi địa ngục, sanh làm người thường ngu si”.
Trang kinh rờ rỡ, nước mắt nhòe nhoẹt, chân tôi mạnh bước, lòng tôi hân hoan trên chiếc cầu kiều qua bờ giác… bạn có đi cùng tôi!
Như trời và đất cùng bốn mùa yêu thương
Tôi đã dặn lòng mình rằng, hãy biết tiết chế và viết những gì thật sự là tiếng lòng, là ý nghĩa, đừng vì một lý do cảm hứng bất chợt đến lãng xẹt cũng viết. Hãy tiết chế như trời và đất, như bốn mùa luân chuyển. Ô hay, sao lại đem mình so sánh với những cái vô hạn kia trong sự tiết chế chứ.
Ông bạn bảo viết gì mà viết mãi đến nỗi mòn cả chữ. Chị bạn bảo viết hoài thì lặp lại mình và nhàm chăng. Thằng bạn lại nói hãy viết, viết và viết tạo thành một thói quen được rèn luyện liên tục, viết sẽ tạo ra cảm hứng không ngừng. Trong ngàn vạn câu chữ kia, bài này bài nọ thì biết đâu lại có câu hay, ý sáng, ngọc giữa đống xà bần cũng ngon ơ. Đứa em nói nhỏ vào tai không tiết chế thì sẽ suy kiệt đó. Lại có ông bạn bảo trời đất làm gì có cái tiết chế và bốn mùa luân chuyển không ngừng mạch sống thì tiết chế cái nỗi gì.
Tôi đã dần quên và không nghĩ về ý niệm của tiết chế mà đang bắt đầu khởi ra những ý niệm của sự đón nhận. Tôi đã không ngừng đón nhận của trời, đất và bốn mùa. Tôi đã được cưu mang và bảo bọc. Tôi đã được cho không ngừng và chưa từng nghe trời, đất và bốn mùa đòi lại bao giờ.
Mỗi sớm mai ánh sáng của những tia nắng được tuôn ra từ nụ cười của mặt trời. Ánh sáng ấy thắp lên bao sự sống cho muôn loài. Ánh sáng ấy rực rỡ thêm những ước vọng hoài bão. Ánh sáng ấy mãi là chân lý cho con đường đúng đắn, sáng sủa và ngời ngời.
Mỗi sớm mai tôi lại bước chân xuống giường sau một đêm ngủ – nghỉ ngơi – đất dưới chân vẫn luôn là bàn đỡ, đất nâng tôi bất cứ nơi đâu và trường hợp nào cũng chưa từng than van hoặc dừng đột ngột. Đất âm thầm nâng tôi những bước chân làm điều tốt lành. Đất, bà mẹ thiên nhiên vĩ đại đã dung chứa nuỗi dưỡng tình yêu của sự sống ngọt lành xiết bao. Muôn vạn cỏ, hoa, rau, quả, cổ thụ,… cùng đền đài dinh thự vân vân và vân vân đang ngự trên đất, đang được đất che chở trong sự yêu thương, bao dung. Dù chúng ta có vứt những thứ xấu xa hay chôn những điều bí mật sang trọng, quý báu hoặc vô tình cùng cố tình giẫm đạp, có cày xới oằn lên bao lần đi chăng nữa, những công trình lớn nhỏ tiếp tục chất chồng thì đất vẫn mở lòng.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông vẫn mang trong mình một sứ mệnh diệu kỳ mà chúng ta chỉ hân hoan đón nhận. Bốn mùa không cãi nhau, bốn mùa đơm hoa kết trái cho giấc ngủ loài người an nhiên, cho giấc mơ mọc cánh, cho tỉnh thức hướng về nhau, cho tất cả nhưng tôi nghe như mình đang vọng lại bốn mùa bằng con tim rã rời của những chiếc lá lìa cành hoặc còn sót đâu đó của sự bực dọc, bất lực, hàm hồ, vu khống bốn mùa theo thói thường ích kỷ, vọng tưởng cá nhân.
Tôi đã không nghe tiếng chảy của bốn mùa trong âm hưởng trời đất. Tôi hồ hởi và mừng đến nỗi không kềm chế lại niềm vui của mình bằng sự tươi cười vỡ òa ra nét mặt, có khi còn la to hét toáng lên vì mùa xuân đẹp rực rỡ, mùa xuân dâng tràn sức sống. Tôi ca ngợi hết lời về mai, đào mà tôi quên những gì xung quanh cũng dệt nên bức tranh xuân của trời đất mầu mỡ. Tôi đâu thấy rằng mùa hạ đang rực cháy với những chùm phượng vỹ đầy khát vọng và âm vang của ve gọi nghe nhịp sống tràn đầy. Tôi đâu nghĩ mùa thu với những chiếc lá vàng thay áo của màu xanh tươi roi rói kia đã cảnh báo tôi hay niềm vui chóng qua, tuổi trẻ cũng mau tàn, mọi thứ đều trong vòng quy luật sinh – diệt. Tôi lại không nghĩ rằng mùa thu cho tôi thêm trân quý những gì đang có, đang được thụ hưởng từ bản hùng ca trời đất đã cưu mang và trao trọn trái tim cho tôi từ khi mới sinh ra cho tới ngay giây phút này đây. Ô kia, sao tôi lại ngồi ủ rũ nhìn mùa đông đang lấm chấm những hạt sương long lanh trên cửa kính, mây ngoài trời nặng hơn và đâu đó có tuyết, cái lạnh bắt đầu mơn man da thịt. Tôi không chịu cái lạnh, tôi không dám chấp nhận với thực tế, tôi mơ màng và đắm chìm trong tưởng tượng mùa xuân bất diệt. Tôi ngồi đó mà như chết đã bao mùa qua rồi.
Phút giây tuyệt vời bên bạn, bên tôi là cùng trời với đất đi qua bốn mùa của yêu thương, cho đi và tiếng cười vọng suốt trăm năm.
Họ – thiên nhiên – có bao giờ dùng dằng, có lúc nào tiết chế đâu mà lòng mình nhỏ hẹp vậy. Tôi bắt đầu dặn mình rằng: hãy biết nở nụ cười cùng mùa xuân (chia sẻ và chúc mừng niềm vui, thành công của người khác bằng một tấm lòng thật thà); hãy rạo rực khát vọng cùng mùa hạ (luôn cổ vũ cùng tham gia xây dựng khát vọng đẹp, kế hoạch và mục tiêu ở đời cho thật ý nghĩa vẹn tròn); hãy đau lòng cùng mùa thu trong tàn phai sắc lá (trân trọng và tiếc thương những gì đã mất, hư hoại và nghĩ rồi đây mình cũng sẽ như vậy để sống cho thật tốt); hãy biết lắng nghe mùa đông kể về bao nỗi bất hạnh mà người khác đang gánh phải, còn mình thì đang tận hưởng của khí trời hạnh phúc, tự do vô lượng.
Ngay giây phút này tôi bắt đầu thầm thì cùng những người bạn thân yêu bằng tình yêu của những ý niệm khởi đến như những hạt giống được nuôi dưỡng và gieo thành mầm xanh trỗi lên khúc hát thương mình, yêu người, để thấy cuộc đời dài mãi và đẹp mãi trong nụ cười của cho nhau là bất tận còn.
Rồi mùa xuân cũng đang dần bước tới hiên nhà. Tôi sẽ bước đến bên mẹ và nói, tôi sẽ nói điều mà tất cả người con cũng sẽ nói với mẹ, tất cả người con dù già dù trẻ cũng sẽ rụt rè, lúng túng, chỉ có ánh mắt tràn ngập tình yêu. Vì lúc này, chúng ta sẽ biết và nghĩ: “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được; đó là mẹ và cha.” (Kinh Tăng Chi Bộ, chương II, phẩm Tâm thăng bằng”.