Tạp chí Nho dại phỏng vấn tác giả (trích đoạn)
Khang: Đại biểu mới cho dòng văn học của sự phẫn nộ
Thực hiện ‐ Hứa Vi Nghi
Một chút phẫn nộ nhẹ nhàng, một chút bi thương dìu dịu, dùng những câu từ chân thành nhất để thể hiện ra trạng thái của một cuộc sống chân thực.
Trong các tác giả văn học của thời đại internet hiện giờ, nhân tài không ngừng xuất hiện, những con người tài hoa vung bút múa may cũng không phải là số ít. Khang, một chàng trai đến từ vùng đất Chiết Giang, vốn ban đầu chỉ là vô tình cắm liễu, cuối cùng lại bất ngờ có được một vườn liễu tươi tốt xanh um. Nổi lên từ các trang văn học mạng, không ngừng dạo chơi và học hỏi, trong mạng internet chân thực ấy, tựa như một cây “cỏ chán chường”, tuy còn cách sự tích cực rất xa, vậy nhưng đã bắt đầu nảy nở trong thế giới văn học.
Muốn dừng mà không được, một sự bất ngờ
“Người có tình cảm nhất định đã từng phẫn nộ. Có điều phải thanh minh trước rằng, sự phẫn nộ của tôi chỉ giới hạn trong các tác phẩm mà thôi.” Ngay câu mở đầu Khang đã giới thiệu một cách sơ lược nhất về việc sáng tác của bản thân mình như thế. Thanh tú nhã nhặn, đó là vẻ bề ngoài của Khang, nhưng anh lại nói nội tâm mình giống như một con dã thú, một con dã thú ngông cuồng. Chính bởi sự ngông cuồng của tuổi trẻ ấy, ban đầu Khang viết lách chẳng qua chỉ để tiêu khiển mà thôi, những trang viết lẻ tẻ lộn xộn tràn ngập sự bất mãn và phẫn nộ của tuổi trẻ, tiếp đó sau khi tiếp xúc với mạng internet, anh bắt đầu chia sẻ tác phẩm của mình với những người bạn chưa từng gặp mặt, đó là những tác phẩm được viết mà không có mục đích gì, chỉ là một cách để điều chỉnh trạng thái tâm lý mà thôi.
“Hồi lớp Mười hai những áp lực nặng nề do học tập tạo ra đã khiến tôi gần như ngạt thở. Mà khi đó chịu ảnh hưởng từ cuốn Lần đầu tiên thân mật của Thái Trí Hằng, rất nhiều bạn bè của tôi đã bắt đầu viết những cuốn tiểu thuyết kiểu như thế, sau khi viết xong thì truyền tay cho mọi người cùng đọc, và tôi cũng tham gia vào việc ấy. Về sau mọi người bắt đầu post những thứ mình viết lên mạng, và tôi cũng học theo, dựa vào con chữ để đùa vui một chút.”
Vốn học ngành tự nhiên nhưng Khang đã đi theo con đường sáng tác, điều này có lẽ giống như việc không cẩn thận rẽ nhầm sang một con đường lạ, Khang cứ đi trên con đường ấy, những bước đi khiến người khác phải trầm trồ, sau khi nhận được những sự cổ vũ và khích lệ nhiệt liệt, Khang không thể nào quay trở lại, chỉ có thể tiếp tục bước trên con đường ấy mà thôi.
Văn phong nhiều biến hóa
Năm 2004, Khang chính thức ra mắt giới văn học Đài Loan bằng tác phẩm Cỏ chán chường, với giọng văn nhiều biến hóa, anh nhất thời cũng cảm thấy phiền não vì việc không thể tỏ rõ được văn phong của bản thân mình. “Tôi là một người rất nhạy cảm, người nhạy cảm thì có một khuyết điểm là ‐ sẽ có phản ứng rất mạnh mẽ khi cuộc sống gặp biến động. Mà tôi lại là một người rất thích lẩn trốn, luôn giấu những tâm tư chân thực nhất vào tận sâu trong lòng, giấu lâu rồi, cả thể xác và tinh thần đều nặng trĩu, trở thành cái loại người mà người khác vừa nhìn đã thấy khó chịu, hà hà. Tôi đem khuếch đại những sự rung động của tâm tình do cuộc sống gây ra, mượn câu chữ để biểu đạt, và thế là tác phẩm của tôi được hoàn thành. Hãy xem xét tâm tình ở một lúc nào đó: Chẳng hạn như khi đang cố kìm nén thì sẽ có những câu chữ bi thương được viết ra, khi chán chường hay phẫn uất thì sẽ là những câu văn sâu cay châm chọc, đương nhiên, khi thất tình, sẽ có những câu chữ sến đến đáng buồn nôn.” Múa bút đã được ba năm, Khang nói sáng tác đã trở thành sở thích quan trọng nhất trong cuộc sống của anh, sở thích này đem lại cho anh cảm giác thú vị, cũng làm cho tính cách anh trở nên thành thục hơn: “Mỗi câu chuyện mà tôi viết đều có nguồn gốc từ những mâu thuẫn trong cuộc sống xung quanh, do đó mỗi khi viết một câu chuyện tôi đều phải tự nhắc nhở bản thân một lần. Trong vô ý, khuynh hướng trưởng thành sớm của tôi đã càng lúc càng rõ rệt, giờ thì đã thành một ông cụ non rồi. Rất nhiều người bạn trên mạng không biết tôi đều hiểu nhầm rằng tôi đã trung niên, ha ha”.
Cái cảm giác khó chịu kỳ lạ kết hợp cùng một bụng bực bội không biết phát tiết vào đâu, thế là dứt khoát viết tiểu thuyết để giải tỏa! Anh cười, sử dụng thứ ngôn ngữ trong sáng rõ ràng vẫn còn đôi chút non nớt kết hợp với cách suy nghĩ logic càng ngày càng thành thục. Khi những thứ kỳ lạ gì đó đang đối thoại cùng nhau, bức vẽ đen trắng nguyên gốc trong đầu Khang mau chóng được nhuộm màu.
Đằng sau sự chán chường là điều tích cực
Mỗi khi viết xong một bộ tiểu thuyết, đó là cảm giác như thể được tái xây dựng sau khi sụp đổ. “Sau khi viết xong tiểu thuyết, tôi chỉnh trang lại bản thân mình, tiếp thu những đối sách tích cực và chủ động, đưa vào trong tất cả những mối quan hệ căng thẳng của bản thân, may mà sau đó tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết. Sau khi hiểu rõ được vấn đề, không có lý do gì lại không đi giải quyết. Tôi lại một lần nữa cảm thấy bản thân rất vĩ đại, hà hà!”. Thỉnh thoảng lại pha trò, thỉnh thoảng lại đùa cợt, nhưng trong nội tâm thì luôn là những suy nghĩ vô cùng nghiêm túc. Bên trong những thứ bị nghĩ là suy sụp chán chường, là có màu xám xịt đó lại là sự tích cực và chủ động, cho dù là sự tích cực chủ động được viết bằng nét bút màu xám, nó vẫn toát ra màu xanh của hy vọng. “Tiểu thuyết nói đến tận cùng, thật ra chính là sự mở rộng của hai chữ ‐ thấu hiểu. Bản tính của nhân loại là luôn trốn tránh trách nhiệm, bất luận là về mặt hành động hay về mặt tâm lý, rất nhiều người bình thường đều dùng thái độ này để xử lý mọi chuyện. Trong tiểu thuyết có những sự miêu tả rất điển hình, trong cuộc sống lại có càng nhiều những nét bút tinh tế. Do đó tôi muốn dựa vào tiểu thuyết để biểu đạt rằng: Phải biết cách chủ động, chủ động thấu hiểu người khác, thấu hiểu lập trường của người khác, sau đó phán đoán xem ai đúng ai sai, chứ không phải dùng những cách tiêu cực như giận dỗi hay né tránh, như vậy sẽ chỉ làm tổn thương bản thân và những người yêu thương bản thân mà thôi”. Đây là một sự giác ngộ, cũng là thu hoạch đáng quý của Khang khi trút hết những phẫn nộ và bực dọc.
Khang không có một quá trình sáng tác lâu dài, hoặc có thể nói là mới hơi có kinh nghiệm, nhưng anh có một ý đồ sáng tác rất rõ ràng cùng cảm giác nhạy bén về cuộc sống, khi anh nói chuyện, những câu chữ rất dễ dàng thuyết phục được người khác, anh nói: “Trong khi sáng tác tôi luôn xoay quanh ba cái trục chính như thế này, đầu tiên chúng ta chỉ là những người bình thường, khó tránh khỏi việc phạm sai lầm, làm người phải thành thực một chút, cần nhận biết rõ điều này. Đương nhiên, nhân vật trong tiểu thuyết có thể hơi lãng mạn, bởi vì bọn họ là những tấm gương. Thứ hai chính là sự thảo luận về tin tưởng và phản bội. Tôi đặc biệt tôn trọng tình cảm, chắc nguyên nhân là bởi tính cách. Tôi hy vọng mọi người đều có thể tin tưởng người khác, đồng thời khiến người khác cảm thấy tin tưởng. Được như vậy, tình cảm giữa chúng ta sẽ chân thành hơn rất nhiều, thế giới này cũng đáng yêu hơn rất nhiều. Nhưng, điều ấy là không thể. Do đó, viết để phát tiết một chút, cảm giác rất thoải mái. Cuối cùng là tình yêu. Người viết văn ít nhiều gì cũng phải có dính dáng đến chuyện này!” Nói đến đây anh lại cười, vẻ tự nhiên cởi mở trong giọng nói dường như lại có nét gì vượt qua tuổi tác.
Tình cảm không bình thường đằng sau sự bình thường
“Thực ra tôi sáng tác rất tùy tiện, lúc có cảm hứng thì cầm bút, cảm hứng có thể sinh ra bất cứ một lúc nào, tích lũy đến tối rồi tôi ghi chép tất cả lại. Thông thường tôi viết trước khi đi ngủ (tám đến mười giờ tối), lúc ấy trong đầu đã tích lũy được khá nhiều thứ, trái tim cũng tương đối bình lặng, lúc đặt bút có thể viết ra được rõ ràng những điều mà bản thân đang suy nghĩ. Sau đó tôi xem sách một chút, chừng mười một giờ thì ngủ, rất sớm. Do đó tôi có một biệt hiệu là ‘Vua ngủ’.”
Khi rời khỏi sáng tác, Khang là một người trẻ tuổi bình thường như bao con người khác cùng thế hệ; ngủ nghê, tán gẫu, khoác lác, đó là những sở thích thường ngày của anh; ca hát, lên mạng, đi bar, thêm vào việc dạo phố mua đồ, đó là cách giải trí thường ngày của anh. Hỏi tới tình hình của anh gần đây, anh nói với vẻ tự giễu mình: “Ôi chao, thê thảm lắm, một tên lưu manh chẳng có hứng thú với cuộc đời, suốt ngày nằm mơ giữa ban ngày sắp hình thành rồi đây…”. Giọng anh nghe có vẻ ngả ngớn, nhưng ánh mắt lại nghiêm túc vô cùng, từ trong lời văn của anh toát ra một linh hồn chín chắn thành thục, tựa như cuốn sách mà Khang đọc xong phải rơi nước mắt ‐ Phải sống của Dư Hoa: “Trong sách đều là những nhân vật nhỏ bé bình phàm nhất, những chuyện lặt vặt và bình phàm nhất, nhưng họ lại là tượng trưng cho cuộc sống trần trụi này. Cuốn sách là một sự miêu tả thẳng thắn nhất, đem đến cho người ta cảm nhận sâu sắc vô cùng. Cảm động, đau lòng”.
Không có những tình cảm ủy mị giả dối, trong Khang là một thế giới nội tâm rất chân thành và ngay thẳng.