Ởcái thời mà tôi tự do ra vào Phủ Tổng thống, Hoàng Đức Nhã, em họ của Thiệu và đã trở thành cố vấn và là Bộ trưởng Bộ Thông tin đã chỉ cho tôi ở Dinh Độc Lập một loạt máy telex đặt ở đó để thu trộm tin của các nhà báo nước ngoài gửi về tòa soạn của họ. Nhờ vậy, ngay từ đầu, Nhã đã có thể có các thông tin sốt dẻo của các nhà báo mà không đợi báo đăng. Đối với báo chí quốc tế gần như không có chuyện kiểm duyệt tin trước khi đăng.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc xung đột lớn cuối cùng mà các phóng viên nước ngoài có thể ra tận mặt trận để lấy tin và viết phóng sự. Họ đưa tin rất sớm, tương đối tự do, không hạn chế. Đó là điều mà sau này các nhà báo theo dõi hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và 1993 phải ghen tị. Vào thời chiến tranh Việt Nam, việc thông tin liên lạc rất chậm, từ việc đọc qua máy điện thoại như đọc chính tả đến việc đục các băng telex, không có điện thoại vệ tinh, không có điện thoại di động.
Tôi bị cấm lưu trú hai lần năm 1973 và năm 1974 do có những nhận xét nghiêm khắc đối với chính quyền Sài Gòn, một chế độ ngày càng trì trệ, chuyên quyền, còn quân đội thì chủ yếu là mất tinh thần chiến đấu. Dư luận đều nhất trí ở mức độ khác nhau rằng Tổng thống Thiệu mất lòng dân. Ngược lại, chính ông ta cũng không mấy tin tưởng rằng có thể đối phó được với Cộng sản về quân sự. Tuy vậy, các nhà báo vẫn được tự do đi đến nơi nào họ muốn, có thể đi đường nào cũng được, tự chịu rủi ro và hiểm nguy. Như Jean-Claude Guillebaud đã nêu lên rằng số nhà báo chết ở chiến trường Đông Dương còn nhiều hơn là các tướng trong quân đội.
Trên sân khấu báo chí, dĩ nhiên người Mỹ là những diễn viên nổi trội. Giới báo chí vui vì vừa được cảm thông, thương xót vừa được khen không quản mạo hiểm, đi săn những tin giật gân, chụp được những tấm ảnh độc đáo. Tôi biết ít nhất có hai phóng viên ảnh đã tự tử sau khi chấm dứt thảm kịch. Họ - những người lao vào những chuyện rủi ro, mong kiếm tiền dễ dàng - tưởng rằng xông vào những vùng cấm mà không bị trừng phạt. Nếu làm báo vừa là thiên hướng vừa là nghề nghiệp thì phải chấp nhận mạo hiểm mà không biết là mạo hiểm. Sự rơi rụng thật tàn nhẫn. Nhiều phóng viên đã nhanh chóng leo lên những cấp bậc cao hơn sau một thời gian hành nghề ở Việt Nam. Nhiều người khác khi trở về thấy mình đứng trên bờ vực thẳm.
Bu quanh các phóng viên quốc tế là đám đông những người Việt Nam mang cặp, làm trợ lý, phiên dịch, đủ thứ việc linh tinh. Một số đứng đắn và được việc. Một số khác chỉ quan tâm đến cốt là có được chỗ làm, điều này có thể hiểu được. Một loại thứ ba là những tay mưu mô xảo quyệt bẩm sinh, đôi khi là những người có tài, bặt thiệp, cư xử khéo léo. Lộc là một thí dụ điển hình. Anh ta biết tiếng Anh, tiếng Pháp, vốn đứng đầu một huyện của chế độ miền Nam, làm nghề tự do, chuyên đi phiên dịch cho các nhà báo nước ngoài. Một số người cho rằng viên cựu sĩ quan Công giáo ấy là một điệp viên hai mang làm việc cho cả hai phía (gián điệp đôi). Một số khác khẳng định anh ta có quan hệ với “phía bên kia”, tức là phía Việt Cộng. Hai chục năm sau, tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn:
- Đúng ra anh ta là người của bên nào?
Ẩn đáp:
- Anh ta làm việc cho tất cả mọi người.
Tháng Mười một năm 1972, giữa lúc Henry Kissinger và Tổng thống Thiệu căng thẳng với nhau, Lộc “bẫy” tôi bằng cách gạ “bán” tin cho tôi, có băng ghi âm làm chứng, về sự kiện Việt Cộng và quân đội Bắc Việt bắn lẫn nhau ở miền Nam. Tin giật gân đó được đăng ở trang nhất trên báo Le Monde đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian ngắn. Tôi quả là khờ khạo. Năm 1972, Ẩn đã nói với tôi để thay lời kết: “Lộc làm việc cho CIA”. Ngay lúc đó, tôi chỉ còn biết xin lỗi độc giả trên mặt báo.
Được báo Le Monde tuyển dụng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam, đối với tôi mà nói, đó khác nào được giao cho “chiếc gậy nguyên soái”. Sau chiến tranh Triều Tiên thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh nóng thứ hai trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Năm 1965, tôi đã khám phá xứ này sau khi những đơn vị quân chiến đấu đầu tiên là lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Năm 1968, khi tôi quay về tòa soạn, số quân Mỹ ở Nam Việt Nam đã lên tới nửa triệu. Ngoài ra còn có 70.000 lính Mỹ nữa đóng ở Thái Lan, Guam, Philippines cũng đóng góp vào cuộc chiến.
Mỹ còn gửi đến Việt Nam lính nghĩa vụ để tiến hành một kiểu chiến tranh “xe lu lăn đường” như đã làm và còn sẽ làm thêm hai lần nữa ở Iraq. Từ khi có các trận đánh vào đô thị dịp Tết 1968, dư luận sục sôi không chỉ ở Mỹ mà còn toàn bộ phương Tây. Thời sự ngày nào cũng đưa tin về Việt Nam và ngày nay, người ta khó hình dung được sức mạnh của các “đam mê nổi loạn” lúc đó. Đó là thời kỳ tháng Năm năm 1968 ở Pháp và châu Âu, cuộc chiến tranh Việt Nam đã buộc một Tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ là Lyndon Johnson phải từ bỏ ý định tranh cử nhiệm kỳ hai. Điều này đã giúp cho việc tranh cử của Richard Nixon, người của đảng Cộng hòa cuối 1968, trở nên dễ dàng hơn. Chủ đề tranh cử của ông là “Hòa bình trong danh dự” mà một trong những kế hoạch được lựa chọn là “Việt Nam hóa” chiến tranh. Giới báo chí Sài Gòn đã nhanh chóng gọi đó là sự “thay đổi màu da trên xác chết”. Cũng vào lúc tôi đưa tin về sự bất đồng được giả định giữa Việt Cộng và quân Bắc Việt, vào tháng Mười một năm 1972, Ẩn kể cho tôi nghe một việc lạ lùng mà chính tôi cũng không biết. Chuyện là trước ngày công bố tin xuyên tạc nói trên, Lộc đề nghị với tôi và các bạn đồng nghiệp khác sẽ đi gặp một cán bộ Việt Cộng bên ngoài Sài Gòn với điều kiện: Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra vào ban đêm. Tôi liền gửi bài về Paris trước khi lên đường vào cuối buổi chiều. Cùng đi có một nhóm do Lộc dẫn đường gồm có Cao Giao, Vượng và Marcel Giuglaris, một phóng viên “gạo cội” của tờ France Soir, Ron Moreau, một người Mỹ nói tiếng Việt được Newsweek tuyển dụng và nếu tôi không nhầm, còn có cả Daniel Southerland phóng viên tờ Christian Science Monitor. Vì những lý do phải giữ bí mật, theo dự định chúng tôi đi đến một xóm không xa đường quốc lộ vào lúc xẩm tối. Chuyến đi liều lĩnh của chúng tôi không gặp một trở ngại nhỏ nào. Chúng tôi đã gặp được một cán bộ Việt Cộng có hai người đi theo bảo vệ, hỏi chuyện khá lâu, trong một căn nhà tranh, chỉ khoảng chục mét cách đường Quốc lộ 7 đi về phía biên giới với Campuchia. Người cán bộ đã dành phần lớn nội dung câu chuyện để giải thích cho chúng tôi chính sách “hòa hợp dân tộc” của Cộng sản. Khi kể lại, Ẩn giải thích thêm cho tôi một cách tỉ mỉ đó là nội dung nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban chấp hành Trung ương do Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam bầu ra. Sau đó, người cán bộ chia tay với chúng tôi để đi về một nơi nào đó ít lộ liễu hơn. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở về Sài Gòn, các sổ tay ghi chép chi chít. Lộc đã làm tốt công việc của mình.
Nhưng chuyện không dừng lại ở đấy. Trong câu chuyện kể lại hai mươi năm sau, Ẩn nói thêm: “Một thiếu úy của CIO (Cục Đặc ủy Tình báo của chính quyền Sài Gòn) đã nhận lệnh hạ thủ Lộc”. Để làm việc đó, tay thiếu úy CIO đã huy động những tay bắn tỉa cừ khôi đi theo nhóm nhà báo với mục tiêu là làm mất uy tín của báo chí Mỹ vì đã thỏa hiệp với Việt Cộng, “điều đình” với Việt Cộng. Vốn tính thận trọng, viên sĩ quan đó đã thổ lộ tâm tình với Ẩn, một người thân quen với chúng tôi. Ẩn nói: “Người sĩ quan trẻ đã không thi hành nhiệm vụ được giao vì có mặt Vượng, Cao Giao và cả anh nữa”. Người cán bộ mà Lộc dẫn các nhà báo đi gặp là Việt Cộng “thứ thiệt”, còn người mà Lộc ghi âm nói là có cuộc “đảo chính” trong rừng (tức là có chuyện Việt Cộng và quân đội Bắc Việt bắn lẫn nhau) là Việt Cộng giả. Vậy là Lộc có quan hệ với Việt Cộng chính cống và cả Việt Cộng mạo danh. Vì Lộc dẫn các nhà báo nước ngoài vào “R”, tên tắt của chữ “rừng” trong tiếng Việt, chúng tôi đã đặt cho anh ta biệt danh là “Vua đi rừng” mà không có vấn đề gì rắc rối với các cơ quan tình báo của cả hai phe đối địch. Hai mươi năm sau, Ẩn cũng nói lại với tôi như vậy. Nhưng tôi tin chắc là ông biết hết mọi chuyện. Ẩn nói thêm: “Có một chuyện còn lạ lùng hơn nữa: người phụ nữ lai Pháp, vợ của Lộc chính là hội viên Chi hội Gia Định của Hội Phụ nữ Giải phóng Sài Gòn, một thành viên thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (FNL) do Cộng sản thành lập năm 1960”.
Trực thăng Mỹ bị bắn rơi trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu