Trận Ấp Bắc diễn ra vào tháng Giêng năm 1963, được các nhà sử học đánh giá là đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam. Sau đó, Phạm Xuân Ẩn được thưởng hai Huân chương chiến công của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Vào thời điểm này, “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ lấy quốc sách “ấp chiến lược” làm xương sống đang sa lầy ở miền Nam. Dưới thời Tổng thống Kennedy, Mỹ dùng máy bay trực thăng để di chuyển quân đội Nam Việt Nam, một sáng kiến thoạt đầu đã gây nhiều trở ngại lớn cho Việt Cộng “trong nhiều tháng”, theo lời ông Ẩn kể lại. Sau đó du kích Việt Cộng đã phải tìm hiểu kỹ chiến thuật này và tìm ra cách đối phó có hiệu quả, tiêu biểu là trận Ấp Bắc.
Cách Sài Gòn khoảng 60 kilômét về phía Tây Nam, Ấp Bắc là một xóm nhỏ thuộc châu thổ sông Cửu Long. Tháng Chạp năm 1962, tình báo Mỹ phát hiện có ba đại đội Việt Cộng tập trung ở gần đó. Dưới con mắt người Mỹ trong đó có Trung tá John Paul Vann, lúc đó là cố vấn Mỹ, của Sư đoàn 7 Nam Việt Nam, đây là cơ hội để buộc đối phương phải nếm một trận thất bại nặng nề.
Cuộc hành quân chống lại ba đại đội Việt Cộng đã trở thành một thảm bại cho quân chính phủ. Chiến thuật dùng trực thăng vận chuyển bộ binh Nam Việt Nam gây tai họa cho chúng. Năm máy bay lên thẳng bị bắn rơi. Xe bọc sắt Nam Việt Nam có nhiệm vụ yểm trợ lại đến chậm và phối hợp rất vụng về. Viên tỉnh trưởng phải ra lệnh đình chiến. Quân dù được thả không đúng chỗ vào lúc nhá nhem tối lại nổ súng không phải vào đối phương mà vào các đơn vị bạn. Việt Cộng đã lợi dụng đêm tối để rút, chỉ để lại ba xác chết trong khi bên chính phủ có 61 người chết, khoảng 100 người bị thương13. Ba phi công Mỹ lái trực thăng cũng bỏ mạng.
13 Trận Ấp Bắc diễn ra vào 2-1-1963. Về con số thống kê số người chết và thương vong, đến nay chưa có sự nhất quán giữa các nguồn tài liệu. Tuy nhiên, chúng tôi xin đưa thêm một nguồn khác để độc giả rộng đường tham khảo thêm. Theo trang history.com và www.nghiencuuquocte.org thì kết thúc trận đánh, có 80 lính miền Nam thiệt mạng và 100 người khác bị thương.
Trận Ấp Bắc và kết cục bi thảm của nó không chỉ nói lên nhiều mặt yếu kém của Bộ chỉ huy Nam Việt Nam mà còn của chế độ Sài Gòn. Phần lớn sĩ quan Nam Việt Nam từ Bộ chỉ huy quân khu đến Tỉnh trưởng đều là làm chính trị. Tổng thống Ngô Đình Diệm lo lắng cho việc ngăn chặn đảo chính hoặc các cuộc bạo loạn chống ông ta hơn là đấu tranh chống Cộng sản nổi dậy khởi nghĩa, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long quá gần Sài Gòn.
Trận Ấp Bắc bóc trần sự bất tài và do dự của sĩ quan Nam Việt Nam. John Paul Vann đã tố cáo ngay tại mặt trận “cách xử sự đáng phàn nàn” như mọi khi của Bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn. Mấy tháng sau đó, Vann xin từ chức, công khai buộc tội Tổng thống Diệm đã “muốn duy trì một cuộc chiến tranh không hồi kết để tiếp tục nhận viện trợ của Mỹ”. Diễn biến trận đánh khiến người ta có cảm tưởng rằng Việt Cộng đã có cách đối phó hữu hiệu với chiến thuật trực thăng của Mỹ. Stanley Karnow kể lại rằng, đối phương hình như đã biết trước kế hoạch hành quân của quân chính phủ cho nên họ bố trí đội hình dọc một con kênh hai bên bờ có nhiều cây cối bụi rậm che chở cho họ để bắn vào các trực thăng Mỹ đang đổ quân. Họ không hề bị bất ngờ!
Thời gian đó, Phạm Xuân Ẩn đưa tin về trận đánh cho hãng Reuters. Sau trận đánh, ông đã đáp trực thăng đến tận nơi để có thể đánh giá chính xác về thiệt hại của hai bên. Năm 2002, khi được hỏi có phải ông được tặng huân chương vì đã “góp phần vào chiến thắng Ấp Bắc”, ông trả lời: “Tôi cũng không biết tại sao. Tôi chỉ được biết khi có người báo tôi đã được thưởng huân chương. Và người ta không bao giờ yêu cầu tôi làm báo cáo về sự tham gia của tôi vào trận đánh. Tất cả đều do cấp trên của tôi sắp xếp và mãi sau này tôi mới biết”.
Ông nói thêm: “Tôi làm tình báo chiến lược. Tôi phân tích học thuyết quân sự của địch. Tôi cung cấp tài liệu liên quan đến chiến lược, chiến thuật, kịch bản và tin tức gắn với ‘Chiến tranh đặc biệt’. Tôi cung cấp cho cấp trên của tôi những gì họ đang cần. Chỉ có thế!”. Nhưng như thế đã là nhiều lắm rồi!
Phạm Xuân Ẩn đã kể cho tôi, ông đã gửi cho Hà Nội bản kế hoạch tối mật về “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ từ khi nó được đưa ra lần đầu tiên ngày 15 tháng Mười một năm 1961. Tập tài liệu tuyệt mật này vẫn còn nguyên trong tủ sách của ông kể từ khi được công bố lần đầu năm 1961 rồi năm lần sửa chữa bổ sung từ 1961 đến 1963. Ông nói: “Tôi có hết”, điều đó có nghĩa là ông đã kịp thời chuyển gấp ra Hà Nội. Vậy là Cộng sản đã biết chính xác chiến thuật Mỹ áp dụng ở miền Nam để chống Việt Cộng.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã chính thức bị loại bỏ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ Diệm - Nhu vào tháng Mười một năm 1963. Nhưng thảm họa Ấp Bắc xảy ra nhiều tháng trước đó đã bộc lộ những thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” khi đem ra áp dụng. Trong một bài đăng trên tờ The New Yorker, Thomas A. Bass khẳng định rằng dịp đó Ẩn “đã xác định chiến lược đối phó với ‘Chiến tranh đặc biệt’”. Điều đó giải thích tại sao chỉ có ông và người chỉ huy Việt Cộng trong trận Ấp Bắc là được thưởng huân chương cao quý của Quân đội nhân dân. Ở thời điểm đó, phải chăng Ẩn chỉ là “nhà tình báo chiến lược”?
Dù thế nào đi nữa, khi Ẩn báo cáo đầy đủ cho Hà Nội về kết quả trận đánh thì thất bại Ấp Bắc đã được đánh giá là một đòn chí mạng vào chiến lược của Mỹ ở Nam Việt Nam. Tháng Mười một năm 1963, khi Diệm và Nhu bị loại bỏ do cuộc đảo chính quân sự được Mỹ che chở, ván bài coi như đã chơi xong. Ẩn báo cáo ngay điều đó cho Hà Nội: “Khi chế độ Diệm bị lật đổ có nghĩa là chiến lược ‘Chiến tranh đặc biệt’ đã thất bại”. - Ông nói tiếp: “Chính quyền Sài Gòn nghiêng ngả. Mỗi tuần họ mất một tiểu đoàn và mỗi tháng Việt Cộng kiểm soát thêm một huyện”. Vào thời điểm này, các cố vấn Mỹ bị Nam Việt Nam yêu cầu Lầu Năm Góc điều đình với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để rút hai mươi ba nghìn cố vấn Mỹ về nước và tránh gửi thêm quân sang Việt Nam nữa.
Nhưng sau khi Kennedy bị ám sát, Washington quyết định không chịu đi vào thương lượng. Ẩn báo cho Hà Nội biết chính phủ Mỹ đã lao dốc, dính líu sâu hơn vào Việt Nam trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh cục bộ thể hiện bằng những cuộc đổ bộ các đơn vị chính quy của Mỹ vào Nam Việt Nam. Ẩn được tặng thưởng huân chương lần thứ hai vì theo lời kể lại của một cán bộ cấp trên của ông hồi đó, ngay từ năm 1964 ông đã phán đoán Mỹ sẽ gửi quân vào Việt Nam. Ý kiến của Ẩn ngày càng có trọng lượng ở Hà Nội. Ông đã đi xa hơn trong vai trò một điệp viên đặc biệt cung cấp thông tin mật. Quan điểm của ông về một cuộc chiến tranh đang mở rộng hết cỡ đã lưu ý các nhà lãnh đạo Hà Nội, một lần nữa ông nhìn nhận đúng. Kể từ năm 1963, số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên con số nửa triệu người vào ba năm sau.
Công chúng Mỹ đã quen với cảnh xung phong lên các ngọn đồi, các trận đánh đẫm máu trong rừng rậm, trên đồng lầy, trên mặt ruộng ở miền Nam Việt Nam. Những ngôi nhà tranh bốc lửa, những đoàn người tị nạn khốn khổ lê bước trên các con đường ở nông thôn, những tân binh Mỹ trẻ măng bị giết ở châu Á nhiệt đới mà họ không hề biết. Những máy bay trực thăng liệng vòng tròn đổ quân và bắn phá vô tội vạ vào bụi cây hay những gì động đậy trên mặt đất, những hậu quả của bom napalm và chất độc màu da cam, những cỗ quan tài bọc cờ sao, những hố bom sâu hoắm trên mặt đất sau các trận thả bom chùm của máy bay B.52. Đó là bộ mặt chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ở bên kia Thái Bình Dương. Một cuộc chiến tranh ngày càng gây nên nỗi đau sâu sắc, ngày càng nhạy cảm, tốn kém về sinh mạng và tiền bạc mà nước Mỹ ngày càng không hiểu cái được mất như thế nào ngoài những luận điệu nhai đi nhai lại về “bảo vệ thế giới tự do”.
Đầu năm 1968, cuộc chiến tranh đột ngột thay đổi bộ mặt. Hòa lẫn với tiếng pháo nổ ran trong đêm giao thừa mừng năm mới, nhiều cuộc tấn công có phối hợp nhịp nhàng với nhau diễn ra đồng loạt trong hơn một trăm thành phố và thị trấn ở miền Nam. Tại Sài Gòn, bốn nghìn lính biệt động và đặc công được đưa vào trận, đột nhập cả những nơi kín cổng cao tường như Đại sứ quán Mỹ. Hết thảy mọi thành phố, kể cả cố đô Huế đều bị xâm nhập. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt ở cả hai phía.
Trên các màn ảnh nhỏ Mỹ cũng như ở khắp nơi trên thế giới đều đưa tin về một cuộc chiến tranh đô thị làm công chúng sửng sốt. Những trận đánh trên đường phố, những cuộc ném bom của không quân Nam Việt Nam bắn phá từng khu phố đông dân, chợ búa, các thị trấn nhỏ, cuộc tiến công vào tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Sự tàn bạo của chiến tranh, những hình ảnh chém giết, đốt phá không phân biệt chiến tuyến hiện ra rõ mồn một trên màn ảnh nhỏ của từng gia đình. Hình ảnh viên tướng Nguyễn Ngọc Loan, Cảnh sát trưởng Đô thành Sài Gòn xử bắn một tù binh trên đường phố trước ống kính phóng viên ngay trung tâm thành phố14. Từ ba năm nay, hàng chục nghìn lính Mỹ đã được phái đến đất nước nhỏ bé xa xôi này để chiếm lĩnh các ngọn đồi, càn quét các cánh rừng, kiểm soát các vùng nông thôn để đi đến những cảnh tượng giết chóc bạo tàn thế ư? Cơn “sốc” thật sự choáng váng và tàn nhẫn. Ngay cả khi Việt Cộng thất bại nhanh chóng trong các thành phố hay vấp phải các bức tường lửa ở nhiều nơi khác, một khi yếu tố bất ngờ đã qua đi, thì nỗi đau nhức nhối của chiến tranh vẫn còn đấy.
14 Ngày 31-1-1968, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn một người cộng sản – đại tá Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp) ngay giữa Sài Gòn vì cho là người này đã sát hại nhiều thường dân vô tội. Khoảnh khắc xử tử rùng rợn này được phóng viên ảnh Addie Adams của hãng AP chụp lại, xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo lớn trên thế giới vài ngày sau đó. Ngoài ra, đoạn phim về cảnh xử tử được nhà báo Võ Sửu, làm việc cho kênh NBC tại Sài Gòn ghi lại khá chi tiết. Về sau, năm 1994, Addie Adams đã có những lời trần tình phía sau bức ảnh trên tờ Time.
“Phải tiêu hủy thành phố để cứu vãn” là lời tóm tắt của một sĩ quan Mỹ ở Bến Tre, một tỉnh lỵ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bức ảnh gây chấn động của Addie Adams
Phải cần ba tuần lễ mới đánh bật được Việt Cộng ra khỏi thành Huế bị đổ nát và cướp phá tan hoang. Dư luận Mỹ không thể ngồi yên. Tướng Trần Độ, một trong những chỉ huy của Cộng sản trên thực địa, sau này đã tổng kết về cuộc tiến công Tết Mậu Thân như sau: “Phải thành thật thừa nhận rằng chúng tôi không đạt được mục tiêu chủ yếu là dấy lên những cuộc nổi dậy trên toàn miền Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đã giáng cho Mỹ và bù nhìn những đòn thất bại nặng nề, và đó là một thành công lớn. Còn ảnh hưởng đối với nước Mỹ thì đó không phải sự chú ý của chúng tôi. Nhưng đó là một kết quả may mắn”. Tổng thống Lyndon Johnson bỏ ý định ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới và nhận thương lượng với Hà Nội tại Paris. Phạm Xuân Ẩn cho biết, ông đã được báo ba tháng trước khi nổ ra cuộc tổng tiến công đánh vào các thành thị miền Nam năm 1968. Liệu cuộc tổng tiến công có thuận lợi không? Câu trả lời được các nhà viết tiểu sử ông kể lại: “Tôi đã được báo ba tháng trước về cuộc tổng tiến công và người ta đã yêu cầu tôi nghiên cứu tình hình, cung cấp tin tức, phân tích các nhân tố có liên quan trên các mặt quân sự chính trị, xã hội và kinh tế, cũng như tình hình phát triển của lực lượng địch và khả năng phòng thủ của chúng. Các nhà lãnh đạo của chúng tôi có ý định giải phóng miền Nam với cuộc tổng tiến công. Các trận tiến công bất ngờ có thể đi đến những chiến thắng vang dội. Nhưng chúng tôi đã không thể giải phóng miền Nam vào thời điểm đó vì lực lượng của chúng tôi không đủ vững mạnh trong lúc địch hãy còn mạnh”.
Tướng Trần Độ có lẽ đã tưởng rằng sẽ có những cuộc “nổi dậy” ở miền Nam như là “tổng khởi nghĩa”. Ẩn đặt ưu tiên vào việc phân tích so sánh lực lượng. Sức mạnh lực lượng Mỹ ở miền Nam năm 1968 đã ở “tột đỉnh” trong thế bố trí lực lượng, bộ máy chiến tranh đã “rà” xong. So sánh lực lượng hãy còn bất lợi cho phía Cộng sản, điều này giải thích thái độ dè dặt của ông. Ngoài ra, ông biết khá rõ tình hình thực địa. Dân chúng miền Nam ít nhất còn chia rẽ nên hy vọng một cuộc nổi dậy ở đô thị xem ra là không thể đặt ra. Dù ý kiến của ông Ẩn thế nào, Hà Nội vẫn cần sự đóng góp của ông. Đánh vào những điểm nào? Điều này tùy thuộc ở thế bố trí lực lượng. Đụng đến sức mạnh hỏa lực Mỹ thì phải lợi dụng yếu tố bất ngờ. Cuộc tiến công sẽ diễn ra vào ngày Tết âm lịch, lợi dụng tiếng nổ của pháo mừng năm mới và binh sĩ quân đội Sài Gòn dù có phép hay không cũng thường rời thành phố về quê ăn Tết. Ẩn cũng có nhiệm vụ phải đi xác định các mục tiêu tiến công trong nội đô, chỉ cho ông Tư Cang15, trưởng lưới tình báo và một trong những người có trách nhiệm chuẩn bị cuộc tiến công, những công thự và tòa Đại sứ Mỹ, giải thích cho ông ta hệ thống an ninh và các phương tiện chuyên chở của quân đội chính phủ, sự khác nhau giữa các sắc phục, nói cả tính cách và thói quen của người Sài Gòn.
15 Tư Cang, tên thật Nguyễn Văn Tàu, đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam; từng giữ các trọng trách: cụm trưởng cụm tình báo H.63, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Biệt động Sài Gòn.
Ẩn đưa ông Tư Cang đi trên chiếc xe Renault 4 mã lực của ông, người lúc đầu còn chưa biết cách mở cửa xe thế nào. Ẩn còn dẫn ông đi trên thuyền máy chạy dọc sông Sài Gòn, chỉ chỗ nào là kho xăng, chỗ nào là cảng dân sự, cảng quân sự và những chỉ huy sở của cảng. Hai người ghi chép những địa điểm Việt Cộng có thể xâm nhập dễ dàng nhất. Ẩn giải thích rằng tài sản quốc gia của chính quyền miền Nam không để ở kho bạc mà gửi tại Ngân hàng Trung ương nơi tồn trữ vàng, và ở Tòa án - nơi giữ tiền của tịch thu được trong “các vụ án đang xét xử”. Ông còn dặn mang cả đèn xì để phá các ổ khóa.
Quân Mỹ được hàng chục nghìn lính Australia, Nam Hàn và cả lính Thái Lan yểm trợ nghe phong thanh có chuyện quan trọng gì đó sắp xảy ra nhưng không biết rõ là chuyện gì và bao giờ xảy ra. CIA chắc chắn không chờ đón các cuộc tấn công với cường độ dữ dội như vậy, Ẩn nhận định với tôi. Trong những ngày trước Tết, Bắc Việt tập trung một lực lượng lớn chung quanh Khe Sanh - một tập đoàn cứ điểm Mỹ đóng ở phía Nam vĩ tuyến 17, không xa biên giới Lào, được coi như một cái chốt chặn những đoàn xe chở người và hàng quân dụng trên đường mòn Hồ Chí Minh - một hệ thống dày đặc đường bộ được xây dựng dọc theo dải Hoành Sơn để vào miền Nam Việt Nam nhưng cũng hay đổ xuống hạ Lào và Đông-Bắc Campuchia. Khe Sanh bị pháo kích từ trước Tết trong khi nhiều cuộc tiến công khác cũng diễn ra ở Huế và đi xuống nữa theo bờ biển Nha Trang. Ẩn móc nối với cả nhân viên tại Bộ tham mưu Mỹ để dò la và biết được phán đoán của phía Mỹ cho rằng mục tiêu tấn công sắp tới của Cộng sản sẽ là Khe Sanh. Ẩn nói là “một Điện Biên Phủ thứ hai”. Sinh thời, tướng Westmoreland tổng chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam từ 1965 đến 1968 từ lâu đã tin như vậy trước khi chấp nhận rằng những tin tình báo nhận được đều rất không chính xác. Theo Ẩn, Westmoreland tin chắc rằng cuộc tiến công và nổi dậy sẽ tập trung ở hai tỉnh Trị Thiên, nơi có căn cứ Khe Sanh và Quảng Nam - Đà Nẵng. Vì vậy, ông ta gửi thêm một sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tăng cường cho miền Trung, nhất là Đà Nẵng.
Mấy hôm Tết, Ẩn nhận lệnh của cấp trên bảo ông cứ ở lại Sài Gòn. Ông cùng Đại tá Nguyễn Bé, trưởng điều hành chương trình bình định nông thôn, một thượng tá Mỹ và người bạn thân thiết của ông là Nguyễn Hưng Vượng đi khắp nơi trong thành phố. Trong các khu phố có Việt Cộng thâm nhập, dân chúng đóng cửa hàng cửa hiệu để đi sơ tán tránh tên bay đạn lạc. Nhưng ở những nơi khác không có chiến sự, dân chúng nán đợi cơn bão chiến tranh đi qua để làm bổn phận ngày đầu năm, theo phong tục là đi chúc Tết gia đình, họ hàng, bạn bè. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường lệ trong khi đống tro tàn còn chưa nguội hẳn. Cả hai bên đều có người chết.
Ba tháng sau, ông Tư Cang nối lại liên lạc với Phạm Xuân Ẩn. Một trung tá cộng sản là Tám Hà tức Trần Văn Đắc vừa chiêu hồi hàng ngũ quốc gia. Viên chính ủy cao cấp này có tham gia việc chuẩn bị tổng tiến công đợt hai. Tư Cang nhận được lệnh của Hà Nội phải cố tìm xem Tám Hà có lộ tin gì cho địch không?
Theo lời kể của Tư Cang, Ẩn đã lái xe đưa ông đến Gia Định. Chỉ mười lăm phút sau, Ẩn đã trở lại đem theo toàn bộ tài liệu liên quan đến lời khẩu cung của Tám Hà. Ẩn đã chụp lại và như đã hứa, anh trả lại cho người cho mượn toàn bộ tài liệu. Người đã giao những tài liệu cho Ẩn không phải là người cách mạng nhưng anh ta kính trọng anh Hai Trung (bí danh thời chiến của ông Ẩn).
Ông Tư Cang nói tiếp: “Đọc những lời khai của Tám Hà, tôi rất giận tên phản bội đó. Nó đã khai ra hết cả: kế hoạch chiến dịch, chiến thuật, vũ khí sử dụng, chỗ giấu quân, giấu pháo, đạn dược, kể cả nơi đặt chỉ huy sở, khu. Trước tình hình đó, cấp lãnh đạo của chúng tôi phải thay đổi toàn bộ kế hoạch chiến dịch và mở cuộc tiến công đợt hai với tổn thất ít nhất. Kết quả của cuộc tiến công này buộc địch phải xuống thang chiến tranh và đến bàn thương lượng!”.
Đợt hai của cuộc tổng tiến công mà ông Tư Cang nói đến diễn ra hồi tháng Năm năm 1968 bắt đầu bằng một trận mưa rốc-két bắn vào Sài Gòn. Có lẽ Phạm Xuân Ẩn yêu cầu chấm dứt những cuộc bắn phá này vì rất không được lòng dân, cấp chỉ huy của ông sau đó đã y theo lời yêu cầu. Đợt ba, cũng là đợt cuối cùng diễn ra vào tháng Chín với cường độ kém hơn và không có kết quả.
Trước đó, trong khi cuộc tiến công Tết Mậu Thân đang diễn ra, ông Tư Cang đã gửi báo cáo ra đánh giá là “tình hình không thuận lợi”, đó không phải là quan điểm của Phạm Xuân Ẩn. Ông đã tranh luận với Tư Cang, và yêu cầu Tư Cang đi theo ông gặp một số sĩ quan Nam Việt Nam và cố vấn Mỹ. Điều này mới nhìn qua là một sự liều lĩnh quá đáng đến mức khó tin: dẫn một người của R (Khu du kích trên rừng) đến gặp cố vấn Mỹ. Nhưng cần phải làm thế để thuyết phục Tư Cang rằng cuộc tổng tiến công đã là một thắng lợi tâm lý và chính trị. Tư Cang báo cáo cho Hà Nội ông đã “thay đổi ý kiến”. Bản báo cáo thứ hai thực tế hơn, cho biết cuộc tiến công không đem lại kết quả mãn nguyện về quân sự nhưng về mặt chính trị và tâm lý thì nó đã ảnh hưởng tiêu cực đối với kẻ địch không phải là nhỏ.
Một trong những chiến công cuối cùng khiến Phạm Xuân Ẩn trở thành nhà chiến lược đã diễn ra vào tháng trước ngày chiến thắng hoàn toàn năm 1975. Tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đánh thắng trận Điện Biên Phủ đang điều khiển cuộc tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vị tướng dày dạn kinh nghiệm chiến trường vẫn giữ được uy tín về công tác chỉ đạo tác chiến.
Cuối 1974, tức đầu mùa khô, tướng Giáp mở chiến dịch mới mà mục tiêu cũng giống như những lần trước là tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch, làm suy yếu hệ thống phòng thủ của chế độ Sài Gòn đã mất phần lớn sự yểm trợ của Mỹ. Từ khi ký Hiệp định Paris ngày 27 tháng Giêng năm 1973, người Mỹ không còn tham gia trực tiếp các trận đánh. Ngay cả những cuộc ném bom của Mỹ trên đất Lào và Campuchia cũng bị đình chỉ trong năm đó do có sự can thiệp của Quốc hội Hoa Kỳ.
Ông Ẩn đã giải thích cho tôi: “Trong việc xây dựng kế hoạch tiến công, những người cộng sản bao giờ cũng dự kiến một biên độ kết quả rất rộng: từ tốt đẹp nhất đến tồi tệ nhất. Chiến thuật của họ linh hoạt và các trận đầu chỉ được coi như để nắn gân kẻ địch. Từ 12 tháng Chạp năm 1974 đến tháng Giêng năm 1975, Việt Cộng thực tế đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Phước Long gần Sài Gòn, tỉnh được xếp loại “hoàn toàn giải phóng” bởi Cộng sản”. Trước khi tiếp tục cuộc tiến công, tướng Giáp tự đặt ra một câu hỏi mấu chốt: “Liệu Mỹ có phản ứng không?”. Chúng vẫn hiện diện rất rõ ở miền Nam Việt Nam với viện trợ tài chính và quân sự. Tòa đại sứ Mỹ đồ sộ trông giống như một boong-ke dựng lên giữa trung tâm Sài Gòn là tiêu biểu cho ảnh hưởng với hàng nghìn cố vấn rải rác toàn miền Nam Việt Nam với các cơ quan tỏa rộng khắp nơi. Liền kề là Tòa đại sứ Pháp khiêm tốn hơn nhiều với vẻ duyên dáng thời thuộc địa.
Nếu tình hình ngày càng trở nên tồi tệ đối với chính quyền Sài Gòn được Mỹ che chở, chính phủ Mỹ có khả năng gửi quân trở lại Việt Nam hay chỉ ném bom trở lại? Nếu có thì tốt nhất là nên thận trọng. Còn nếu không, Bộ Chính trị sẽ bật đèn xanh cho tướng Giáp để tiếp tục tiến công và mở một cuộc tổng tiến công. Nói tóm tắt, trên đà thắng lợi, có nên tiếp tục tiến công để xô ngã lực lượng Sài Gòn không cho chúng kịp trở tay, gây nên một cuộc hoảng loạn? Dốc sức đánh dứt điểm cho xong, hay tốt hơn là hành động thận trọng tối đa, bằng lòng với việc đẩy các quân cờ tiến lên từng nước một nhằm củng cố các điều kiện thắng lợi, do đó phải chuẩn bị chiến trường cho một hay hai “Chiến dịch Đông Xuân” nữa?
Trả lời cho câu hỏi ấy tùy thuộc vào khá nhiều ý kiến. Nhưng ý kiến được ưu tiên chú ý là của một người mà những nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở Hà Nội chưa biết mặt. Đó là ý kiến của Phạm Xuân Ẩn. Câu hỏi mà Hà Nội đặt ra cho ông cuối năm 1974 là nếu chính quyền bù nhìn, chế độ Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, Hoa Kỳ có can thiệp về quân sự không, trong phạm vi quy mô ra sao? Lần này, người ta yêu cầu ông nghiên cứu kỹ càng và sâu sắc, không vội vàng.
Ẩn đã tìm được một báo cáo tuyệt mật của Ủy ban Nghiên cứu chiến lược của Sài Gòn gửi cho người đứng đầu chế độ miền Nam, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bản báo cáo rất hấp dẫn miêu tả tình trạng xuống cấp của quân đội Nam Việt Nam và khẳng định: “Dù hoàn cảnh như thế nào, chính phủ Mỹ cũng không thể can thiệp để cứu chế độ Sài Gòn vì cuộc chiến tranh đã mất lòng dân chúng ở Hoa Kỳ”. Tác giả bản báo cáo cho rằng quân đội Mỹ sẽ không trở lại, rằng Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cũng sẽ không được triển khai lại thế tiến công dọc bờ biển Việt Nam và máy bay B.52 sẽ không còn được sử dụng. Bản báo cáo thêm rằng việc giảm viện trợ quân sự sẽ được tiếp tục.
Đáng ngạc nhiên hơn nữa, tác giả bản báo cáo là tướng Nguyễn Xuân Triển, chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chiến lược còn khẳng định: Điểm dễ tổn thương nhất của hệ thống phòng thủ Nam Việt Nam là vùng Buôn Ma Thuột. Nếu phân khu này bị người Bắc Việt chiếm thì toàn bộ hệ thống phòng thủ sẽ sụp đổ và phải tính đến cuộc rút lui tuyến phòng thủ vùng Sài Gòn - Chợ Lớn về đồng bằng Cửu Long. Vậy tướng Giáp đã dự kiến đúng trong trường hợp tổng tiến công phải mở cuộc tiến công đánh chiếm Phước Long trong phân khu Buôn Ma Thuột.
Trong “một thời gian ngắn”, theo nhận định của trưởng lưới tình báo, ông Ẩn gửi cho Hà Nội ý kiến trả lời của ông kèm theo báo cáo của tướng Triển. Câu trả lời là rõ ràng. Ông Ẩn đã viết chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ không phát động lại cuộc chiến tranh. Như vậy đèn xanh đã bật cho lệnh Tổng tiến công. Ngày 10 tháng Ba năm 1975, Buôn Ma Thuột, một cái chốt trọng yếu nhưng được bảo vệ rất kém bởi một Trung đoàn bộ binh, thất thủ nhanh chóng nên bị chiếm cứ không mấy khó khăn. Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng Tư năm 1975, tức 7 tuần lễ sau.
“Cuối 1974, sau khi mất Phước Long, đáng lẽ Tổng thống Thiệu phải làm mọi cách để tái chiếm nhưng ông ta án binh bất động ngồi đợi xem người Mỹ có phản ứng gì không. Ông ta chỉ nghe thấy những lời hứa hẹn suông, điều đó có nghĩa là người Mỹ cũng không làm gì cả. Đến lúc đó, tôi đã có thể báo cáo về Hà Nội: Mỹ sẽ không can thiệp.” - Ông Ẩn tóm tắt câu chuyện.
Đúng như thế, ban lãnh đạo Hà Nội vẫn giữ thái độ thận trọng. Ông Ẩn kể tiếp: “Một cuộc tiến công nghi binh đã diễn ra thành công ở miền Trung. Điều đó có nghĩa là đòn nghi binh đem lại kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn canh chừng vì Hạm đội 7 được giao nhiệm vụ hỗ trợ cuộc di tản vẫn lảng vảng ngoài khơi, rất gần bờ biển miền Nam. Cộng sản cam kết ‘một cách bí mật’ không đánh vào người Mỹ đang rút và họ đã giữ lời. Không một trực thăng nào bị hạ. Hạm đội Mỹ tích cực tham gia vào cuộc di tản đến mức nhiều trực thăng Nam Việt Nam bị đẩy xuống biển sau khi làm xong nhiệm vụ chở người rút chạy ra các tàu của hạm đội vì không còn chỗ trên boong cho những trực thăng khác liên tiếp đến sau”.
Không những ông Ẩn đã dự đoán đúng mà ông còn tin chắc như vậy không chút nghi ngờ. Chính quyền Mỹ ở Washington tê liệt. Nước Mỹ đứng trung lập trước cuộc tháo chạy. Thế tương quan lực lượng lần này trái ngược với những lần trước, đã nghiêng về phía Hà Nội.
Hai chục năm trước đây, bác sĩ Thạch, khi giao cho ông Ẩn làm công tác điệp báo, đã chỉ định ông là người đầu tiên trong lưới tình báo chiến lược. Tình hình sau đó đã chứng tỏ rằng gọi như thế không phải là quá cao so với công việc đã hoàn thành. Trải qua năm tháng, Phạm Xuân Ẩn đã không chỉ làm công tác thu thập tin tức tình báo bình thường mà ông còn đưa ra những phân tích có giá trị mẫu mực. Những ý kiến của ông đóng góp ngày càng nhiều vào việc hoạch định chiến lược. Nhưng ông luôn luôn không nhận công lao về mình. Có lần ông nói: “Chúng tôi có hàng trăm hàng nghìn người làm tình báo chiến lược. Những người lãnh đạo của chúng tôi nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi chỉ là m
Một lính Mỹ bị bắn chết trên trực thăng, tại chiến trường Việt Nam. Ảnh: Larry Burrous đăng trên Life số 16 - 4 - 1965