Hàng chục con người được lựa chọn trong lưới thay nhau liên lạc với Phạm Xuân Ẩn không quản nguy hiểm đến tính mạng. Họ có nhiệm vụ truyền đạt cho ông những yêu cầu của Hà Nội, đồng thời nhận tài liệu, phim ảnh, nhận xét mà ông đã chuẩn bị để chuyển về Trung tâm. Khi thấy có dấu hiệu bị lộ, ông không nhận và lập tức báo cho Hà Nội. Cao nhất ở đầu dây là Bộ Chính trị và người chủ chốt nhận báo cáo và truyền lệnh, người cuối cùng của đường dây là tướng Giáp, hậu duệ sau cùng của những chiến lược gia được nhào nặn trong lịch sử bảo vệ đất nước Việt Nam. Có lần, nhận được báo cáo tình báo cực kỳ chính xác về phương thức và hình thái tác chiến của địch đến mức ông phải reo lên sung sướng “như đang ở ngay trong Phòng Điều hành Tác chiến của Mỹ”. Ông không thể biết người cung cấp tài liệu là ai. Vì lý do an ninh nên không ai đặt vấn đề tìm hiểu.
Về phần mình, ông Ẩn không chút do dự hết lời ca ngợi vị tổng tư lệnh của mình. Một hôm, ông nói với tôi: “Cuộc tiến công năm 1975 cũng như trận vây hãm Điện Biên Phủ là sự nghiệp của tướng Giáp”. Ông còn nói thêm: “Về trận tiến công cuối cùng của cuộc chiến, từ việc đề ra chủ trương đến việc thực hiện hoàn toàn thuộc trách nhiệm của tướng Giáp”.
Chính ông Ẩn đã lưu ý Hà Nội từ năm 1963 về sự phá sản của “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tiến hành ở miền Nam và năm sau, ông đã tiên đoán khả năng Mỹ đưa quân viễn chinh vào tham chiến. Chính ông, năm 1968 đã đề xướng có kết quả việc ngừng bắn rốc-két bừa bãi vào Sài Gòn gây thiệt hại cho thường dân, ba tháng sau cuộc tiến công Tết. Trong lúc đó, ông làm cho Hà Nội không phải là không khó chịu, hiểu ra tác dụng tích cực của các cuộc tiến công vào các thành phố, thị trấn miền Nam là đã tác động sâu sắc đến tâm lý người dân Mỹ thúc đẩy họ quay sang chống chiến tranh. Cuối cùng, đầu năm 1975, ông đã có vai trò quyết định khi đánh giá rằng Mỹ sẽ không can thiệp ủng hộ Sài Gòn khi Cộng sản mở cuộc tổng tiến công cuối cùng để kết thúc cuộc chiến.
Đầu năm 2004, sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm tập đoàn cứ điểm Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, ngày 7 tháng Năm năm 1954, tôi thấy đây là dịp thích hợp để gặp lại cựu chiến binh đã tham gia trận đánh lịch sử mà giới sử học chính thức trong nước coi là chiến thắng đi vào truyền thuyết của một dân tộc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm. Do bị cấm lưu trú, tôi phải rời Nam Việt Nam cuối năm 1974, tức là mấy tháng trước đại thắng mùa xuân 1975 của Cộng sản. Sau cuộc cách mạng “Hoa cẩm chướng” ở Bồ Đào Nha, một làn sóng phi thực dân hóa thứ hai lại sôi sục dâng lên ở châu Phi. Báo Le Monde đề nghị tôi mở văn phòng báo ở Nairobi và tôi đã nhận lời. Trừ một cuộc dừng chân ngắn ở miền Nam vào năm 1983, khi đó tôi không gặp được ai, tôi chỉ có thể trở lại vào năm 1987 và tôi đã có dịp khám phá miền Bắc Việt Nam mà trước đây không hề biết. Vào thời điểm này, thủ đô Hà Nội là một thành phố xã hội chủ nghĩa già nua, hiển nhiên vẫn còn duyên, người dân chen chúc trong các nhà chật hẹp hay lặng lẽ đi lại ngoài phố bằng xe đạp… Trong những năm sau, thành phố này náo nhiệt hơn và dần dần tươi vui hơn.
Tháng Hai năm 2004, đồng bằng sông Hồng vừa trải qua đợt rét hại, ẩm ướt. Trước đây, người Pháp dùng củi đốt sưởi, nay các lò sưởi trong các nhà cũ đã trở nên hiếm hoi và cách duy nhất để chống rét là các máy điều hòa hai chiều, chỉ các khách sạn và nhà giàu mới có.
Từ lâu, tôi vẫn ước mơ được phỏng vấn tướng Giáp về việc ông từng làm giáo viên dạy lịch sử, khi mới bước chân vào nghề dạy học. Nhưng tên tuổi của ông dường như đã ngủ yên trong các cuốn sách lịch sử và người ta chỉ nhìn thấy ông vào các dịp lễ lớn. Trong các kỳ Đại hội Đảng, ông không còn ngồi trong Đoàn chủ tịch mà ở hàng đầu trong phòng họp như một bức tượng thánh sinh động trong bộ quân phục đại tướng.
Một năm sau chiến thắng 1975, ông không còn ở cương vị Tổng tư lệnh. Bốn năm sau, ông cũng rút khỏi chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại Đại hội lần thứ V Đảng Cộng sản năm 1982, ông rút khỏi Bộ Chính trị và không còn là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Sáu tháng sau, ông thôi giữ chức Phó Thủ tướng – vốn là chức vụ chính thức cuối cùng của ông.
Lần đầu tiên tôi gặp ông là năm 1994, một cuộc gặp không chính thức tại một phòng khách nhỏ của Hội nhà báo, có thêm ông Đào Tùng, Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thông tấn chính thức của Việt Nam, cùng dự. Tướng Giáp nói về những chuyện thường tình của chiến tranh, những sai lầm của lãnh đạo Đảng Cộng sản đã mắc phải trong mười năm sau thắng lợi 1975: “Đáng lẽ chúng tôi không bao giờ nên xóa bỏ kinh tế thị trường. Việc đó không tốn kém gì”, tướng Giáp nói.
Sáu năm sau, nhân kỷ niệm 25 năm giải phóng Sài Gòn, tôi gặp lại ông, cùng với một nhóm nhà báo. Ông đã đọc lời phát biểu, nhắc lại “thời điểm hạnh phúc nhất trong một đời chiến đấu là khi từ mặt trận báo về tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội của ông ngừng bắn để tránh cho Sài Gòn một cuộc tắm máu”. “Chúng ta đã tự do không có kẻ thù Pháp, Mỹ, Nhật”, “30 tháng Tư là ngày thắng lợi hoàn toàn của một nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, một thắng lợi thần kỳ”.
Ngày hôm đó, 30 tháng Tư năm 2000, trong phòng khách của một công thự dành cho việc tiếp các vị khách quý, tướng Giáp thấy dậy lên trong lòng mình những cảm xúc của một nhà sử học. Ông nói tiếp: “Trong nghìn năm Bắc thuộc, chúng ta đã không bị đồng hóa và đầu thế kỷ X, chúng ta đã giành lại độc lập để rồi trong một nghìn năm tiếp theo chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng. Bài học của chương sử cuối cùng - những cuộc chiến tranh của thế kỷ XX - cũng như vậy. Đánh bại B.52, đó là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam chống lại tiền bạc và công nghệ Mỹ. Rút cục nhân tố con người là trên hết, phải hiểu con người, hiểu lịch sử và văn hóa của họ - đó là một bài học về nguyên nhân thất bại của Mỹ”. Đó là cách nhìn của ông và của Đảng.
Nghe xong lời phát biểu của tướng Giáp trong buổi gặp với các nhà báo hôm đó, tôi còn chưa hết thèm được nghe ông nói nữa. Nhưng đến tháng Hai năm 2004, cuộc trò chuyện với tướng Giáp mang tính riêng tư hơn. Hai chúng tôi, nhà nhiếp ảnh Nicolas Cernet và tôi, được phép đến ngôi biệt thự tiện nghi nhưng tương đối giản dị, được cấp cho ông từ năm 1955 trong khu nhà ở tại Hà Nội. Theo lệ thường, tướng Giáp thường tiếp các vị khách trong phòng khách nhỏ, trên tường treo những cờ đuôi nheo, hay cờ có tua vàng đánh dấu những chiến tích, và bên cạnh một căn phòng nhỏ - nơi làm việc của các thư ký. Tuy nhiên hôm đó, thư ký riêng của tướng Giáp đồng ý để buổi tiếp chuyện diễn ra thân tình hơn trong phòng khách riêng của Đại tướng, có những tủ sách xếp đầy sách. Tướng Giáp trong bộ quân phục xuất hiện, bước chân không được vững vàng lắm, dáng mảnh khảnh. Ông đã ở tuổi 93, nhưng mỗi khi ngồi vững trên tràng kỷ, ông luôn nhìn thẳng vào văn bản, trí nhớ còn rất tốt. Thỉnh thoảng ông dừng lại tìm một từ chính xác bằng tiếng Pháp là thứ tiếng ông nói thạo nhưng ít có dịp thực hành.
Trước chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã dạy lịch sử tại Hà Nội ở trường trung học Thăng Long, lò đào tạo các chiến sĩ chống thực dân. Học trò của ông đặt cho ông biệt danh là “Tướng” hay “Napoléon”. Nếu tướng Giáp học tập được ở các nhà chiến lược Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, đã quật những đòn thất bại nặng nề cho bọn xâm lược Trung Quốc thì ông cũng nghiên cứu những chi tiết trong các chiến dịch của Napoléon. Tại sao? Ông tự đặt câu hỏi và sau khi dừng lại một lát, ông reo lên:
- Việc Napoléon từ đảo Elbe trở về, thật là tuyệt vời!
Trong lúc chúng tôi chờ đợi để nghe ông bình luận về tài cầm quân của Napoléon thì đột nhiên ông lại nhắc tới việc vua Louis XVIII cử quân đi chặn đường, ngờ đâu quân lính đã nhất tề chạy sang phía Napoléon. Tướng Giáp nói ngay, không chút ngập ngừng: “Đó là do uy tín cá nhân của Napoléon”. Thoáng nghĩ về quan hệ của tướng Giáp với cán bộ và chiến sĩ, người ta thấy rõ quan điểm của ông: chỉ huy là người gây được uy tín tuyệt đối với ba quân!
Ông cao hứng kể tiếp, khi nghe thấy tướng Navarre, Tổng Chỉ huy Quân đội Viễn chinh Pháp huênh hoang khẳng định trên đài phát thanh là “cuộc tấn công của Việt Minh đang lắng xuống” - một câu nói được ông nhắc lại vẻ khoái trá - thì ông ra lệnh mở cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ mà trước đó ông đã hoãn lại nhiều tuần lễ: “Khi chúng tôi nổ súng tấn công ngày 13 tháng Ba, tướng Navarre hoàn toàn bất ngờ”. “‘Bất ngờ’ là yếu tố then chốt trong chiến thuật của Napoléon Bonaparte”.
“Trong chiến dịch tấn công Italia, Bonaparte nói: nơi nào một con dê cái đi lọt thì con người cũng có thể qua được, nơi nào một người đi lọt, thì một tiểu đoàn cũng qua được”. - Tướng Giáp nhắc lại với vẻ khâm phục rõ rệt. Trong vùng núi Việt Nam, nơi nào một dân công luồn qua được thì một nghìn dân công cũng có thể làm được như thế. Nơi nào một chiếc xe đạp đi lọt, thì đại bác cũng chuyên chở qua được! Vị tướng lĩnh Việt Nam liên tưởng đến hai chục ngàn dân công thồ xe đạp hay dân công mang vác những khẩu pháo tháo rời lên trận địa nhìn thẳng xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Ông mỉm cười. Bằng nỗ lực phi thường và khéo léo tuyệt vời, súng ống và các khí tài đã được đưa đến vị trí cao hơn tập đoàn cứ điểm Pháp.
Ông yêu cầu tôi đưa một tờ giấy và cây viết. Với một nét bút quả quyết và chính xác, ông vẽ bản đồ Việt Nam với bờ biển hình chữ S. Ông đánh dấu vùng biển Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam mà ông gọi là Tourane, cái tên do người Pháp đặt trước đây. Tháng Tư năm 1975, trong cuộc tiến công cuối cùng vùng biển - khu liên hiệp cảng biển - sân bay Đà Nẵng đã bị các sư đoàn Bắc Việt vây chặt.
Tướng Giáp kể tiếp: “Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tư lệnh vùng này là tướng Ngô Quang Trưởng phải tử thủ. Tôi bèn ra lệnh cho sư đoàn 312 tiến công Đà Nẵng. Sư đoàn trưởng trả lời: ‘Kẻ địch còn khá mạnh, đồng chí cho tôi bảy ngày’. Tôi nói: ‘Tôi dự kiến Ngô Quang Trưởng sẽ rút chạy bằng đường biển, nó cần bao nhiêu thời gian?’. ‘Ít nhất ba ngày’ - sư đoàn trưởng 312 trả lời. ‘Vậy tôi cho đồng chí ba ngày để lấy Đà Nẵng’. Lệnh được truyền cho quân đội phải di chuyển ban ngày dọc theo Quốc lộ 1. Các anh sẽ bị pháo binh hải quân địch bắn phá nhưng điều đó không quan trọng”. Thế là bộ đội di chuyển ngày đêm. Tướng Trưởng, một trong những sĩ quan sừng sỏ của quân đội Sài Gòn rút chạy bằng đường biển. Đà Nẵng bị đánh tan. Tướng Giáp nói thêm: “Chúng tôi có sẵn nhiều sư đoàn bổ sung để mở cuộc tiến công cuối cùng vào Sài Gòn. Tôi ra lệnh ngắn gọn: Tiến về Sài Gòn”.
Táo bạo, bất ngờ, tập trung tối đa binh lực, tài tổ chức hậu cần theo hình ảnh Bonaparte, tướng Giáp không hề quên bất cứ điều gì.
Nghe ông nói, tôi không khỏi nghĩ về một con người, vị tướng tài danh của thế kỷ XX sao có thể sống lâu được như thế. Năm 1940, sau khi lên đường đi gặp Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, người vợ thứ nhất của ông, một chiến sĩ cách mạng, đồng chí của ông, đã bị mật thám Pháp bắt và tra tấn tàn bạo. Bà đã phải tự sát để chấm dứt nỗi đau đớn và không phải cung khai. Mãi nhiều năm sau, Võ Nguyên Giáp mới nhận được tin báo này. Bản thân ông cũng đã bị bỏ tù từ 1930 đến 1932, tức là trước khi ông gia nhập Đảng Cộng sản bí mật vào năm 1937.
Không khí trong phòng khách vừa dịu dàng vừa lịch sự. Dĩ nhiên, lời lẽ của ông được ghi âm và quay phim. Thay vì nói đế quốc Pháp như cách nói trong các bài diễn văn chính thức, tướng Giáp cáo lỗi dùng từ trung lập hơn: “kẻ địch”. Một người giúp việc trao cho tôi một bức ảnh của ông chụp với bà vợ thứ hai, dạy tiếng Pháp ở trường đại học. Cuối buổi tiếp chuyện, bà mới bước ra gặp chúng tôi và nói: “Tôi đọc báo Le Monde và tò mò muốn biết các ông suy nghĩ kiểu gì?”. Khi tôi xin lỗi vì đã giữ ông nhà (mà giữa bạn bè với nhau chúng tôi gọi là Bác Đại tướng) quá lâu, bà trả lời: “Điều đó lại làm ông ấy vui thích đấy!”. Bà nói tiếp để chúng tôi yên lòng: “Tôi sẽ để ông nằm nghỉ ngơi trong một tiếng”. Khi tôi thuật lại câu ngạn ngữ Việt Nam: “Nhà báo nói láo ăn tiền”, ông đáp giọng hiền hòa: “Ở nước chúng tôi thì đúng như thế nhưng ở nước ông thì chắc là không”.
Phải chăng tôi đang ở cách Sài Gòn một nghìn dặm16 đường nên cảm thấy không khí Hà Nội không thích hợp với những cuộc trò chuyện tâm sự. Tình hình tuy có giảm đi chút ít nhưng trừ phi có ngoại lệ, còn không người Hà Nội khi tiếp khách nước ngoài phải theo quy định là có quan chức cùng tiếp. Người Hà Nội thích nói bóng gió ngay cả khi họ biết rõ người đối thoại với họ. Thật trái ngược hẳn với người miền Nam, nói thẳng hơn, hay thay đổi tính khí đột ngột, pha lẫn tính dễ động lòng và khoan dung. Khi tôi yêu cầu được gặp những nạn nhân của dịch cúm gia cầm trong một làng đồng bằng sông Hồng, Bộ Ngoại giao trước tiên cử người dẫn tôi đến tỉnh lỵ và được Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp, rồi Ủy ban này lại cho người đưa tôi đến gặp Hội cựu chiến binh tỉnh phụ trách vấn đề này. Lại chào hỏi, giới thiệu chủ khách, giải thích mục đích đến thăm, uống trà, thêm một thuyết trình ngắn. Khi chúng tôi cùng đi với cán bộ Hội cựu chiến binh đến một làng đang có dịch cúm gia cầm, đoàn xe chúng tôi ba chiếc vừa đỗ ở sân Ủy ban xã thì ông chủ tịch đã đợi sẵn để đón chúng tôi.
16 Dặm = 1,609 km.
Trở lại miền Nam, quan hệ giữa tướng Giáp và Phạm Xuân Ẩn ra sao?
Phạm Xuân Ẩn kể lại: “Trong chiến thắng 1975, tướng Giáp không thể biết ai là người đã gửi báo cáo tình báo cho ông. Ngay cả tướng Trần Văn Trà chỉ huy vây hãm Sài Gòn cũng không biết tên tôi. Tướng Giáp biết được những tin tức và phân tích do một người vô danh từ tít mãi đầu dây chuyển tiếp qua nhiều tầng, nhiều nấc, bằng bất cứ giá nào những tài liệu tin tức đã được mã hóa rồi sau đó là giải mã để báo cáo Bộ thống soái tối cao. Trong khi chiến tranh đang tiếp diễn thì nguyên tắc vô danh là không thể bị vi phạm”.
Ông Ẩn nói tiếp:
- Tướng Giáp không bao giờ hỏi ai đã gửi báo cáo tình báo mà Hà Nội đang khao khát. Nhiều năm trước đó, người ta cho tôi biết Hồ Chí Minh đã đòi được trực tiếp đọc những báo cáo do điệp viên gửi ra. Ông Cụ (chỉ Hồ Chí Minh) nói rằng tôi không cóp nhặt của người khác, tôi báo cáo thành thật và đã phát hiện ra người điệp viên ấy mà không hỏi đó là ai. Có lẽ ông Cụ chỉ biết mật danh của điệp viên là X.6, điều này cũng không chắc.
Thái độ dè dặt của Ẩn đối với cuộc tổng tiến công Mậu Thân – 1968, đặc biệt là đề nghị không bắn rốc-két vào khu dân cư trong nội thành Sài Gòn tháng Năm năm 1968, liên quan đến những quyết sách mà chắc rằng tướng Giáp không phải là người chủ động đưa ra.
Một thời gian dài thử thách trong cuộc đấu tranh giành độc lập đã kết thúc, Phạm Xuân Ẩn không mấy ham thích những cuộc tọa đàm, hội thảo về chiến tranh hay những cuộc họp cựu chiến binh. Ông chỉ mặc quân phục khi thấy không thể làm khác. Từ năm 1975, ông chỉ ra Hà Nội bốn lần vì không có sự lựa chọn nào khác. Ông vẫn đam mê nghiên cứu chiến lược nhưng ông không đi theo phe phái nào trong Đảng. Ông cho tôi biết sau năm 1975, ông chỉ gặp Lê Đức Thọ có hai lần. Ông Thọ đã chủ trì lễ kết nạp ông vào Đảng đầu những năm 1950. Ông Ẩn không có tâm tính của một cựu chiến binh.
Tôi có cảm tưởng - tự cho việc đó có vẻ kỳ lạ - hai người không thực sự tìm cách gặp lại nhau để trao đổi cùng nhau những cảm tưởng. Lịch sử đã sang trang, có lẽ họ không có chuyện gì quan trọng để nói với nhau chăng? Không thể loại trừ tính tình họ không hợp nhau chăng? Sau năm 1975, những người cộng sản gốc miền Nam vội vã trở về miền Nam sinh sống khi tìm được lý do đầu tiên.
Ngày 30 tháng Tư năm 2005, đằng sau cặp kính to và đen, đầu đội mũ cứng rộng vành trông không rõ mặt, tướng Giáp đứng trên lễ đài chứng kiến diễu binh chiến thắng lần thứ 30. Cuộc diễu binh ít mang tính chiến tranh vì lãnh đạo cộng sản chủ trương kỷ niệm một chiến thắng nhưng vẫn hướng về một tương lai hòa bình. Người ta không biết vị tướng già luôn sáng ngời hào quang chiến thắng ấy nghĩ gì. Nhưng nhìn ông, tôi không thể không nghĩ về ông Ẩn, con người đối với vị thống soái này vừa là vật nhọn bí mật hiện đã cùn vừa là bạn đồng hành chủ chốt tiến vào một thế giới mà trước đó tướng Giáp không thể hình dung được sẽ ra sao. Hôm đó, kỷ niệm ba mươi năm ngày toàn thắng, không được khỏe, ông Ẩn nằm bẹp ở nhà, nhưng tôi có cảm nghĩ, dù có đủ sức khỏe, ông vẫn xử sự như vậy.
Một khoảnh khắc sống với hồi ức. Ảnh: Tư liệu