Đầu năm 1997, hơn hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi gặp lại nhau nói mọi chuyện trên trời dưới đất. Đột nhiên, Phạm Xuân Ẩn hỏi tôi: “Ý kiến anh thế nào?”. Ông vừa nhận được giấy mời của Asian Society(Hội Á châu) đề nghị tham dự hội thảo dành cho những phóng viên nổi bật của thời chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, tổ chức tại New York. Những lời mời như thế không trước thì sau cũng sẽ đến với Ẩn. Đó là những năm các nhà xuất bản Mỹ thi nhau đuổi theo ông Ẩn. Họ muốn xuất bản những hồi ức của ông hoặc chuyện về ông. Nhưng lần nào họ cũng nhận được lời từ chối lịch sự. Tại cuộc hội thảo lần này chắc cũng không tránh khỏi lời mời tới dự những cuộc gặp gỡ khác nữa. Đối với Ẩn, đây có lẽ là dịp để ông gặp lại khá nhiều bạn cũ. Rất nhiều nhà báo đã từng được giải thưởng báo chí Pulitzer nổi tiếng của Mỹ cũng sẽ được mời dự. Phạm Xuân Ẩn chắc chắn sẽ là nhân vật nổi bật của cuộc họp. Đó là một điều hiển nhiên không tránh khỏi bởi sau bao nhiêu năm vắng mặt, những thắc mắc về hoạt động của ông mỗi ngày lại tích tụ thêm.
Tôi biết câu trả lời của tôi, dù thế nào, cũng chẳng quan trọng bao nhiêu đối với ông, nhưng vì ông đã hỏi, tôi vẫn trả lời: “Dù anh có được tiếp đón nhiệt tình hay lạnh nhạt, dù những cuộc tái ngộ này diễn ra có làm nảy sinh các vấn đề gì hay không, thì trong tình huống này, việc đi dự vẫn là một sai lầm”.
Đó là cảm nghĩ của tôi, tôi e sợ rằng sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh nếu ông đi dự. Người ta sẽ hỏi về những hoài niệm của ông, cảm xúc của ông. Sự có mặt của ông liệu có được công bố hay không, đến mức nào, cần phải giải thích ra sao, nguy cơ bị dồn ép, phải biện bạch, đó là chưa tính tới việc sẽ nảy sinh mối nghi ngờ đối với ông.
Ông Ẩn quyết định ở lại Sài Gòn chứ không đi Mỹ dự hội thảo. Trong thư cáo lỗi, ông không nói lý do. Ông chỉ đơn giản nói cần ở nhà chăm sóc sức khỏe, tỏ ý tiếc rằng không thể gặp lại các nhà báo đã cùng ông cộng tác trong thời gian dài. Một vài tuần sau, những người tổ chức cuộc hội thảo khẳng định rằng Hà Nội đã từ chối không cấp visa cho ông. Nhưng ông có xin hay không? Năm 1978, quan chức cũng như bạn bè, đồng nghiệp trong báo giới Hoa Kỳ hết thảy đều bất ngờ khi được biết Phạm Xuân Ẩn là điệp viên cỡ bự của Cộng sản. Nhưng sự tiếp nhận của họ mang tính triết lý nhiều hơn. Không thể tránh được có một số người tự hỏi những tin tức họ đã kể cho ông Ẩn sau khi làm phóng sự ở chiến trường về hay trong một buổi trao đổi thân tình có ảnh hưởng gì đến chiều hướng của các sự kiện không?
Khi nhà báo Morley Safer gặp lại ông năm 1989 lần đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc, đã phỏng vấn ông rằng sự “bí ẩn” có còn bao trùm lên hoạt động của ông lúc đó (tức là mười bốn năm sau chiến thắng của Cộng sản) nữa không? Và tóm lại, “Sự thật” là thế nào? Ông Ẩn phá lên cười rồi trả lời: “Sự thật ấy à? Sự thật nào? Có một sự thật là tôi đã làm phóng viên cho tờ Time Magazine, một tuần báo Mỹ trong khoảng thời gian mười năm trời và trước đó nữa, tôi làm cho hãng Reuters. Một sự thật khác là tôi tham gia kháng chiến từ năm 1945 và hoạt động liên tục theo cách này hay cách khác cho kháng chiến tới nay. Hai sự thật - hai sự thật đó đều là ‘thật’ cả”. Ông nói thêm: “Tôi đã được học thế nào là lòng trung thực tại trường Đại học Hoa Kỳ. Đối với tôi, hiểu theo một cách nào đó, trung thực là một ý tưởng hoàn toàn Mỹ”.
Trong con mắt của Stanley Karnow, nhà báo Mỹ, người được giải thưởng Pulitzer và là tác giả một cuốn sách tham khảo về cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam - Ẩn đã bị “giằng xé giữa hai thứ trung thực”. Sự trung thực với nước Mỹ trong quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp và sự trung thực với Việt Nam, liên quan đến dân tộc ông. Với tư cách là một điệp viên, ông đã làm tròn bổn phận của một người yêu nước. Nhưng vì chúng ta đã là bạn của nhau, ông có lòng khâm phục lớn lao đối với nước Mỹ. Tôi tin là ông phải tự đấu tranh với hai thứ trung thực trái ngược nhau đó trong con người ông. Hai mươi năm sau chiến tranh, một thời gian đủ dài để nhìn nhận lại quá khứ, Stanley Karnow đã xác quyết như vậy.
Frank McCulloh nguyên là trưởng chi nhánh tòa soạn báoTime tại Sài Gòn, “sếp” trực tiếp của Ẩn đã có suy nghĩ như sau: “Nếu tình thế đảo ngược, nếu hàng trăm nghìn người Việt Nam chiếm đóng nước Mỹ, thì chắc tôi cũng hành động như ông Ẩn. Theo tôi biết, ông không bao giờ giả dối hay xuyên tạc trong những bài phóng sự của ông. Ông ấy vẫn là người bạn lớn của tôi, tôi rất kính trọng ông ấy”.Morley Safer cho rằng Ẩn đã làm hết sức để hành động theo lương tâm của mình.
Karnow nhớ lại Ẩn thường hay ngân nga bài hát nổi tiếng của Josephine Baker: “Tôi có hai tình yêu, đất nước tôi và Paris”. Đó là một cách trả lời rằng hai thứ tình yêu “nước Mỹ và Việt Nam” không phải là không thể dung hòa được. Nhưng có phải như vậy là ông “bị giằng xé” không? Có lúc ông thú nhận “đã rất nhớ” thời gian ở Mỹ. Ông luôn tỏ ra sung sướng khi nhận được tin tức những người bạn Mỹ khi có một khách Mỹ ghé qua Sài Gòn cung cấp cho ông. Ông rất nhớ bạn bè ở xa trong đó có cả những người Mỹ. Nhưng tôi nghi ngờ rằng ông “bị giằng xé” giữa một bên là đất nước ông và bên kia là cái xã hội Mỹ nơi ông mới chỉ sống có hai năm.
Như Hữu Vượng thường nói: “Những kỷ niệm tốt nhất về thời gian lưu trú ở bên kia Thái Bình Dương đã khiến ông có cảm tưởng cuộc đời của ông tiếp theo đó đã mất một phần ham thích, một phần vẻ đẹp và một phần ‘mơ mộng’”. Chắc hẳn có những lúc ông tự hỏi ông sẽ sống ra sao nếu ông trở lại nước Mỹ và ở lại đó trong những hoàn cảnh khác. Nhưng mỗi lần nghĩ như thế, ông trở lại thực tế rất nhanh. Ông biết rằng lúc đó ông sang Mỹ để làm nhiệm vụ của Đảng giao cho, ông đã là đảng viên được bốn năm rồi. Nhiệm vụ đó đã là một thách thức đối với ông: Phải đến tận trung tâm quyền lực đối phương để hiểu rõ cơ chế và vô hiệu hóa nó. Ông đã vượt qua được thách thức này cho đến ngày toàn thắng. Ông biết khi cần đến, ông phải trở về đất nước ông. Ông đã từng kể Đảng không cho ông cưới một cô gái Mỹ làm vợ. Mối quan hệ bạn bè với người Mỹ không được khiến ông quên nhiệm vụ. Số phận ông là như vậy. Những sự lựa chọn thời trẻ của ông đưa ông từng bước trở về với thực tế. Trong chiến tranh cũng có lúc gặp chuyện cay đắng, ông giấu đi một nửa bằng cách nhắc lại điệp khúc bài hát: “Mọi chuyện tốt đẹp cả, thưa bà hầu tước”. Lúc đó ông chỉ việc thay đổi đề tài câu chuyện. Khi Safer nói rằng Ẩn làm hết sức mình để hành động theo lương tâm, là ông đã chạm đúng điểm nhạy cảm nhất. “Lương tâm” cũng là một sự kế thừa lịch sử, mang một ý nghĩa sâu sắc của lịch sử đất nước ông khi mà người ta luôn luôn có thói quen đơn giản hóa bằng cách kéo lịch sử về với hiện tại.
Điều gì đã đoàn kết hết thảy người Việt Nam về mặt văn hóa mạnh hơn là những thứ gây chia rẽ họ? Tính đa dạng của họ cũng là một trong những của cải của họ. Mỗi vùng có cá tính riêng, phong tục tập quán riêng, biểu hiện văn hóa riêng. Vị trí của ông giúp ông hiểu khá rõ tất cả. Bản thân quê quán ở miền Trung, vợ là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1955, và thực tế gần như ông chỉ sống ở miền Nam, vùng đất thực dân hóa, chịu ảnh hưởng tứ phương. Cá tính của Ẩn là cá tính của người Sài Gòn.
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và kế đó là sự chiếm đóng của Nhật ở Đông Dương, chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Việt Nam mang đủ các màu sắc: Cộng sản, Trốt-kít, thân Nhật, thân Tàu, chủ nghĩa quốc gia ôn hòa và chủ nghĩa quốc gia cố chấp. Những sự phân liệt đó đôi khi chỉ được giải quyết bằng máu và đã để lại dấu tích. Nhưng khi thế hệ Ẩn giác ngộ chính trị, những sự thanh toán nhau trong phong trào dân tộc được giải quyết theo xu hướng có lợi cho Việt Minh, một tổ chức liên hiệp rộng rãi do Cộng sản lãnh đạo đã loại trừ được các phe phái tranh đua. Năm 1945, Hồ Chí Minh trở thành cha đẻ của nền độc lập. Ngay ở tuổi thiếu niên, Ẩn đã làm việc cho Việt Minh nhưng không ý thức được tính đa dạng của người Việt Nam. Ngay cả giờ đây, người Việt Nam vẫn đang di chuyển, chủ yếu đi theo đường một chiều từ Bắc vào Nam, bên trong biên giới của họ.
Một hôm, ông Ẩn kể lại cho tôi câu chuyện xảy ra lúc còn thanh niên. Ông nói: “Có một cảnh tượng làm tôi đau lòng. Đó là năm 1945 sau khi làm đảo chính xóa bỏ chính quyền thuộc địa của Pháp, người Nhật bắt giam một số người Pháp làm tù binh hoặc bắt giam thành viên của các Đảng hoạt động chống Nhật. Binh sĩ Nhật đã làm nhục và tra tấn họ trước mặt người Việt Nam”. Chính Ẩn đã thấy tận mắt thường dân Pháp bị trói đem phơi nắng và không cho uống nước.
Phạm Xuân Ẩn chẳng thương xót gì bọn thực dân Pháp. Ông muốn góp phần xóa bỏ nền thống trị của Pháp trên đất nước ông. Nhưng nhìn và nghĩ về cảnh ngộ của đồng bào ông, ông đã động lòng với kẻ yếu. Ông đã không quên cảnh tượng ấy. Tôi có cảm tưởng ông là hiện thân của tấm lòng độ lượng cao cả của người Việt Nam. Điều lạ lùng là ông dễ dàng hòa mình với người từ các nước khác đến theo tinh thần tứ hải giai huynh đệ (bốn biển đều là anh em). Ông tôn trọng người nước ngoài miễn là họ luôn có ý thức về cương vị khách mời của mình. Ông nhìn người nước ngoài với con mắt thiện cảm và luôn dành thuận lợi cho họ. Ông sẵn sàng cầm tay một người lạ nhưng không phải vì thế mà ông không tìm hiểu xem người đối thoại với mình là người thế nào. Đối với ai tỏ ra không hay biết, hoặc không hiểu, ông bao giờ cũng rất hòa nhã, bao dung. Ngược lại, ông càng thất vọng hơn khi người mới đến không ngang tầm mong đợi của mình.
Được giao nhiệm vụ phân tích và tìm hiểu quyền lực Mỹ vận hành như thế nào, ông Ẩn phải nắm bắt kỳ được điều gì đã làm nên sức mạnh Mỹ. Ông đã được cử sang Mỹ học tập không phải để ác cảm với người Mỹ. Ông nói, lúc nhỏ đi học trường Pháp, ông đã học văn hóa lịch sử Pháp cũng như các khái niệm mới: thế nào là Tổ quốc, Nhà nước, Quốc gia. Lớn lên sang Mỹ, ông nhận thấy người Mỹ có “tinh thần thực tiễn”, xã hội Mỹ là xã hội pháp quyền, trong đó có giáo dục và lao động phát triển óc sáng tạo và tinh thần kỷ luật. Ông so sánh chỗ mạnh và chỗ yếu của chế độ Mỹ. Ở đó, ông kết bạn với nhiều người và khi trở về Việt Nam, ông tiếp tục có thêm nhiều người bạn Mỹ khác nữa. Chất lượng các bài báo của ông khiến họ đem lòng kính trọng. Tháng Chín năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bài tiểu sử ông viết về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc đăng trên tờ Time được mọi người tán đồng. Cái cách nhìn của ông về người khác và tính nhân văn trong con người ông vẫn là những nét đặc trưng của người Việt Nam. Ở ông, không có tính hai mặt về tính cách hay cách ứng xử. Ở Sài Gòn trong những năm chiến tranh, những người bạn Anh, Mỹ của ông thường gọi ông là “con sói cô đơn” bởi vì ông lùi lũi làm việc, vừa làm phận sự nhà báo, vừa làm công việc thu thập tin tình báo và phân tích tình hình cho Hà Nội nên ông luôn phải lo sao cho các nguồn cung cấp tin được an toàn. Sau này nhắc lại công việc của mình, ông nói: “Trong một đàn sói, thường con đầu đàn rất gan lì không sợ hiểm nguy. Nhưng về già, nó không theo kịp đàn nữa mà phải tụt lại và một mình đi săn thú kiếm cái ăn”.
Một câu chuyện hóm hỉnh? Một số bạn bè Mỹ của ông thấy ông có điều gì đó bí ẩn. Tuy nhiên bây giờ, khi mọi chuyện đều đã rõ ràng, họ nói Ẩn đã chia cuộc sống của ông ra nhiều ngăn riêng: ngăn dành cho nhà báo đi săn tin, dù nhỏ nhất, để công bố, còn ngăn dành người làm tình báo, người cũng đi làm một công việc tương tự nhưng lại phải giấu kín điều đã phát hiện. Không những ông buộc phải “ngăn ra từng ô” mọi hoạt động của mình mà còn phải bảo đảm rằng các “ô” đều ăn khớp với nhau.
Dần dần, ông đã xác định được tầm vóc sức mạnh của đối phương, bộ máy liên hợp quân sự công nghiệp khổng lồ của Mỹ mà ông đã thâm nhập được vì đã thiết lập được vô vàn mối quan hệ với những người điều hành bộ máy đó ở Việt Nam. Ông đã đánh giá được chỗ yếu của cơ quan tình báo Mỹ. Ông tóm tắt: “Người Mỹ là bậc thầy trong việc thu thập tình báo nhưng không biết sử dụng chúng như thế nào? Người Mỹ khó lòng thâm nhập được vào hàng ngũ Đảng Cộng sản vì những tiêu chuẩn kết nạp đảng rất khắt khe”. Ở chiều ngược lại, có thể nói Phạm Xuân Ẩn là sự minh họa sáng giá nhất. Hàng vạn điệp viên Việt Cộng chất lượng không đều nhau, có mối quan tâm không giống nhau đã len lỏi được vào bộ máy chính quyền Nam Việt Nam cho đến các cấp cao nhất. Như thế, Cộng sản đã khắc phục được điểm yếu khi đối đầu với bộ máy mang sức mạnh có tính chất toàn cầu là Hoa Kỳ, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ đã được chấm hết bằng hình ảnh vị đại sứ tay cầm cờ vạch sao được gấp cẩn thận trên tay, người phờ phạc ốm yếu như kiệt sức, dáng điệu hoảng hốt khi được chở bằng trực thăng ra chiếc tàu chiến đậu ở ngoài khơi Việt Nam. Có lẽ người ta đã khó tưởng tượng nổi kết cục cuộc chiến lại nhục nhã đến thế! Nhưng dù bị lung lay vị trí một thời gian dài như thế, hậu quả của việc đeo đuổi cuộc chiến tranh vô vọng ở Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên cái sức mạnh áp đảo trong thế giới phương Tây. Phạm Xuân Ẩn vẫn sáng suốt nhận ra điều đó. Ông tỏ ra có bước lùi đáng kinh ngạc khi xem xét nguyên nhân tạo nên sức mạnh Mỹ. Hơn hẳn những người khác, ngay cả hiện nay ông vẫn là người nắm vững được cách vận hành và tầm vóc các thất bại hay thành công của Hoa Kỳ. Ông nói với tôi: “Người ta nói rằng nếu Kennedy không bị ám sát năm 1963, ông ta đã không dính líu vào Việt Nam. Tôi không tin như thế. Người đứng đầu nhà nước Mỹ lúc nào cũng phải điều đình với các tập đoàn lợi ích đã đưa ông ta lên chức vụ Tổng thống. Các bạn hãy nhìn mà coi. Họ đã ám sát cả em trai ông ta!”. Dưới mắt ông Ẩn, các mối tương quan lực lượng và lịch sử diễn ra trong tình thế nhiều hơn trong sự thay đổi. Ông cho rằng sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam trong thời đại hiện nay mãi vẫn là một tiền lệ không thể xem nhẹ. Thoáng nghĩ đến những thất bại Mỹ đang vấp phải ở Iraq, ông Ẩn nói tiếp: “Năm 1955, sau Hiệp định Genève ở Nam Việt Nam, người Mỹ đã chọn ủng hộ một chính quyền độc tài, không có chỗ dựa trong dân chúng. Họ buộc phải vứt bỏ. Ám ảnh bởi những thất bại đó trong đầu, chính quyền Nixon trong khuôn khổ kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” đã bắt buộc Thiệu phải tiến hành tổng tuyển cử bầu Tổng thống thông qua phổ thông đầu phiếu vào năm 1971. Mỹ muốn Thiệu thắng trong cuộc chiến tranh này. Nhưng Thiệu đã không chơi ván bài của Mỹ áp đặt. Ai cũng biết cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức gian lận. Trước khi bỏ phiếu chỉ có một ứng cử viên duy nhất là Nguyễn Văn Thiệu. Cố gắng của Nam Việt Nam tính cắt đứt con đường mòn Hồ Chí Minh ở phía Nam nước Lào năm 197217 có mục đích tạo cho quân đội Nam Việt Nam có được lòng tin cậy của người Mỹ. Mưu toan đó của Nam Việt Nam không thành công mặc dù được phía Mỹ đảm bảo hậu cần và yểm trợ tối đa bằng không quân. Và cuối cùng là việc Thiệu nói “không” với Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973. Kế hoạch Việt Nam hóa lấy dân chủ hóa làm nền tảng đã sụp đổ”.
17 Đúng ra là chiến dịch Nam Lào năm 1971. (N.D.)
Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện lan man với nhau trong phòng khách, ông đưa ra một phong bì cũ, trong đó tập hợp các thứ giấy tờ của ông, những tấm danh thiếp, những bức ảnh cũ, có cả ảnh chụp ông lúc mới sáu tuổi và một chiếc bưu ảnh. Ông nói: “Tôi nhận được tấm bưu ảnh này trước hôm rời Hoa Kỳ. Đó là của một cô bạn Mỹ rất thân đã gửi cho tôi để thay lời tiễn biệt. Đối với tôi, nó như một dấu hiệu”.
- Luyến tiếc phải không? - Tôi hỏi.
- Đúng như thế. - Ông trả lời không chút ngập ngừng. - Tấm bưu ảnh chụp nhà tù Alcatraz trơ trọi trên mặt đất nhỏ ngoài khơi San Francisco. - Tôi đã suy nghĩ hai mươi bốn giờ liền. Nhưng chắc chắn tôi phải rời đi.
Hình ảnh quen thuộc của vị tướng tình báo khi về già. Ảnh: Tư liệu