Sau một thời gian nằm viện năm 2003, ông Ẩn thường thấy khó thở hơn trước. Thong thả đi ngang qua mảnh vườn nhỏ, nơi đó ba con gà chọi trong lồng hình như đang ở tư thế cảnh giác, ông nói: “Con trai tôi nuôi đấy”. Mấy tháng sau, chuồng chim trống không, ngoài ba con gà ngoại lệ đó. Ông giải thích: “Vì dịch cúm gia cầm đe dọa, chính quyền thành phố ra lệnh cấm nuôi”. Mỗi khi trời ẩm hay nóng tùy từng mùa, ông thấy trong người mệt hơn thường lệ. Ông nói: “Thời tiết thay đổi làm tôi mệt”. Ông yêu cầu tôi gọi điện từ mấy hôm trước vào buổi tối mỗi khi tôi muốn đến thăm ông, đề phòng trường hợp ông cảm thấy yếu quá không trò chuyện gì được. Dạo này ông thấy khó ngủ, ngồi xuống phô-tơi, ông phải dừng một hay hai phút để lấy hơi.
Căn phòng sinh hoạt chung, nơi ông ở phần lớn thời gian trong ngày, đã được sắp xếp lại. Đã lắp máy điều hòa và được ngăn làm đôi bằng tấm vách kính để tiết kiệm điện. Máy điều hòa trông ra thềm chỉ chạy khi nào quá nóng không chịu được. Có thêm một cái giường cá nhân để ông ngả lưng khi cần. Ở đầu giường kê sẵn một bình oxy. Chiếc điện thoại cũ kỹ được thay bằng một chiếc khác hiện đại dễ bắt tín hiệu hơn. Máy đánh chữ chạy cơ và chồng báo đã không còn trên bàn. Cuối năm 2005 đã thấy xuất hiện một máy thu hình ở đó.
Ông Ẩn không bao giờ thích các mối quan hệ trên mạng internet. Vợ và một người con trai ông đã thay ông quản lý các giao tiếp điện tử và in ra những tài liệu cần đọc. Từ hôm ra viện, ông không còn ngồi trên chiếc xe máy nhỏ đi đến những nơi cần thiết nữa. Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ việc đi ra phố làm một vòng đến nhà hàng Givral hay qua “một buổi tối” ở bên ngoài.
Khi một tờ báo Việt Nam giới thiệu ông như “nhà tình báo của thế kỷ XX”, ông vặn lại: “Việt Nam chỉ có các cơ quan tình báo tự vệ thôi, trái ngược với các cường quốc có tình báo tấn công. Một người làm tình báo tự vệ không thể là người tình báo giỏi nhất của thế kỷ được”. Ông cho rằng từ “tình báo chiến lược” là thích hợp nhất để định nghĩa việc ông làm trước 1975. Tướng Giáp đã nói chúng ta bắt buộc phải chiến đấu. Nước Việt Nam trước hết phải chiến đấu chống ngoại xâm. Một hôm, ông rút trong tủ sách của ông ra một cuốn sách và khuyên: “Anh nên đọc quyển sách này. Câu chuyện kể trong này còn mẫu mực hơn chuyện của tôi”. Cuốn sách nhan đề“Áo dài, du Couvent des Oiseaux à la jungle du Việt Minh” (Áo dài, từ trường Dòng đến rừng rậm Việt Minh). Đã ba năm trôi qua từ ngày cuốn sách được in ra ở Pháp, nhưng thú thật là tôi chưa được nghe ai nói đến nó. Với sự giúp đỡ của một nữ ký giả Pháp, Xuân Phượng đã kể lại hành trình cuộc đời mình. Bà xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc tại cố đô Huế. Thuở bé đã đi học ở trường Dòng Couvent des Oiseaux, một trường công giáo nổi tiếng ở Đà Lạt, một đô thị nghỉ dưỡng trên vùng đồi núi Nam Tây Nguyên. Trong tự truyện, Phượng kể lại một cách rất dung dị con đường dài và đau khổ của một nữ sinh trung học xứ Huế. 16 tuổi đã tham gia kháng chiến chống Pháp, và tiếp đó dạy dỗ bốn đứa con của chị tại một góc nhà tồi tàn ở Hà Nội, dưới các trận oanh tạc của không quân Mỹ. Chị không bao giờ là đảng viên cộng sản. Chị đã theo chân quân đội Bắc Việt vào tận Sài Gòn năm 1975. Chuyện kể của chị nói nhiều về những gian truân thử thách mà thế hệ chị phải gánh chịu.
Dĩ nhiên tôi muốn được gặp chị. Là con người đầy nghị lực, chị đã kết nối lại với dòng đời. Tôi gặp lại chị tại phòng tranh sơn dầu của chị cuối phố Catinat, trên tầng hai là chỗ ở của gia đình chị. Đức tính bền bỉ trong công việc và chút ít năng khiếu kinh doanh đã giúp chị khám phá thế giới, hiểu biết tinh tế nghệ thuật hội họa Việt Nam, phát hiện nhân tài, mở một công ty nhỏ về du lịch, xây những nhà nghỉ nho nhỏ ở Côn Đảo - tên cũ là Poulo Condor, một hòn đảo ở ngoài khơi, có nhà giam tù nhân của chế độ cũ - nối lại quan hệ với gia đình ở Mỹ và Pháp. Chị nói với tôi: “Bây giờ tôi có thể thực hiện các dự định của mình, điều này làm tôi khỏe ra”. Chị đã chuyển sang việc khác như phần lớn người Việt Nam. Sau lửa là đến nước như Paul Mus đã nói. Đầu những năm 1950, có một người Việt Nam đã thổ lộ với nhà xã hội học có tiếng người Pháp Paul Mus đã mất năm 1967 rằng Hồ Chí Minh sẽ thắng. Người sắc nhọn như lửa. Còn Bảo Đại tròn như giọt nước hình cầu - nước giúp cây cỏ tươi tốt, tưới cho những cánh rừng khô cạn, chỉ làm tăng thêm tham nhũng. Trong cách ví von bằng hình ảnh đó, cái cần phải có, đó là lửa để tẩy sạch tham nhũng. Điều này không đoán định trước tương lai nghĩa là những việc phát quang sau này. Nhưng cùng trong một mạch máu, người Việt Nam biết trở nên cứng rắn để ứng phó với thử thách, trong khi ở những thời điểm bình thường khác, chắc chắn họ đều bị cuốn hút về phía biểu tượng nước hơn là lửa. Từ nước trong tiếng Việt vừa chỉ đất nước, xứ sở, vừa chỉ chất lỏng. Giỏi nghề sông nước hay làm ruộng nước, người Việt Nam lúc nào cũng mong muốn bảo đảm có một hậu phương trên bờ. Dãy Trường Sơn vừa là điểm tựa vừa là nơi ẩn náu chắc chắn. “Chim có tổ, người có tông” là câu tục ngữ dân gian. Chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nền văn hóa Khổng Tử Trung Quốc, Việt Nam từng bị xem là bộ phận quốc gia chịu phụ thuộc ở miền cực Đông ở Đông Nam Á. Mặc dù không nhạy cảm với những đóng góp của nơi khác, những mối liên hệ của Việt Nam với Trung Quốc từ xưa đến nay - như ông Ẩn nhắc lại - là một lịch sử lâu đời của “môi với răng”. Người ta có thể thêm rằng cùng với người Trung Quốc, người Triều Tiên và người Nhật Bản, người dân nước Việt là một trong bốn dân tộc trên hành tinh này - những người kế thừa của văn hóa Khổng Tử - ăn bằng đũa.
Ông Ẩn cho rằng: “Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới thành lập năm 1930 chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Hồ Chí Minh đã tập hợp được các nhóm Cộng sản, kể cả Trần Văn Giàu - con mắt của Moscow và Tạ Thu Thâu - một phần tử Trốt-kít có hạng. Đảng ít chịu ảnh hưởng của những người cộng sản Nga và Đảng không có ý đồ bành trướng rộng ra”.
Người Việt Nam cũng học hỏi được về chủ nghĩa quốc gia - dân tộc trong nhà trường của Pháp. Họ đã chấp nhận, lúc đầu không phải là không dè dặt chữ viết Latinh hóa làm phương tiện truyền bá. Nói một cách khác, đây là một sự trả lời đối với nền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Ý tưởng này kéo dài mãi về sau.
Trong những năm 1960 và cho đến giữa những năm 1970, Việt Nam có một ảnh hưởng quốc tế rộng lớn không thể chối cãi, vượt qua khuôn khổ cuộc đấu tranh của các phong trào chống thực dân. Có huyền thoại Điện Biên Phủ, có sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc mà với Hồ Chí Minh, số đông người nước ngoài vẫn băn khoăn không rõ ông là hiện thân của chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa cộng sản? Cuộc chiến giữa chàng David Việt Nam với chú Sam Goliah đã gây nên sự khâm phục của toàn thế giới. Tuy nhiên, cuộc “cách mạng” Việt Nam vẫn là đề tài tranh cãi của nhiều ý kiến khác nhau. Ngay trong thế giới thứ ba, những chiến thắng “vang dội” năm 1954 đánh bại người Pháp và năm 1975 đánh bại người Mỹ cũng không giúp cho Việt Nam trở thành người phát ngôn của các dân tộc bị áp bức. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam không có được vai trò nổi bật. Không có một Che Guevara Việt Nam và những sự khác biệt về văn hóa hay bối cảnh không phải là lý do duy nhất. Chân dung của tướng Giáp sẽ không bao giờ được in trên các áo “phông” như Che. Ai, ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, có thể nêu lên tên một người trực tiếp dưới quyền ông, một tướng lĩnh nổi danh trong khi thực tế hàng chục người khác trong số họ đã làm nên những chiến công xuất sắc? Nước Việt Nam chỉ có một vai trò mờ nhạt trong các cơ quan quốc tế, bất kể là Tổ chức Liên Hợp Quốc hay Phong trào Quốc tế. Chắc hẳn là do việc can thiệp quân sự Campuchia từ 1978 đến 1989, sự tồn tại các trại cải tạo và nỗi thống khổ của các thuyền nhân đã làm giảm đi sự ngưỡng mộ. Nước Việt Nam cộng sản phải đợi một thời gian tới hai mươi năm mới có được sự công nhận đầy đủ về mặt quốc tế18.
18 Cần lưu ý, thời điểm cuốn sách này ra đời là năm 2006.
Ẩn tự đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao người ta không nói toẹt ra một cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba nhỉ? Đáng lẽ đánh dấu việc trở lại hòa bình năm 1975 thì chỉ là khúc nhạc dạo đầu cho những cuộc giao tranh mới”.
Ẩn cho rằng người Trung Quốc lúc đó không muốn Việt Nam giành thắng lợi quân sự năm 1975. Họ muốn người Mỹ giữ lại ảnh hưởng ở miền Nam Việt Nam, không muốn thấy một thắng lợi quân sự của Việt Nam - đất nước được người Trung Quốc coi như con tốt của nước Nga - Xô Viết. Kế đó, người Trung Quốc và người Mỹ còn muốn cô lập Liên Xô, kẻ đang mở cao trào tiến công ở châu Phi. Cố vấn Liên Xô và quân đội Cuba đã đổ bộ vào Angola và Éthiopie. Ông Ẩn nói tiếp: “Việt Nam đã phạm sai lầm. Sau chiến thắng của phía Cộng sản, Kissinger đã ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Hà Nội vì nhận thấy Hà Nội có chính sách ngoại giao độc lập. Phó của Kissinger là Richard Holbrooke phụ trách hồ sơ này. Nguyễn Cơ Thạch từ chối không đi gặp Holbrooke ở New York năm 1976. Lúc đó, ông Thạch là nhà ngoại giao lực bất tòng tâm, phụ trách một công việc bất khả”.
Những người cộng sản Việt Nam không hy vọng người anh lớn Trung Quốc mang cho quà cáp gì. Năm 1978, Hà Nội ở trong một tâm trạng bị bao vây khi Đặng Tiểu Bình bình thường hóa quan hệ với Washington. Cuối năm đó, Bắc Kinh thông báo Đặng Tiểu Bình sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào đầu năm 1979. Cộng sản Việt Nam thấy đang hiện lên bóng dáng của một trục Washington - Tokyo - Bắc Kinh - Pnompenh nên không khỏi lo ngại. Đất nước thống nhất năm 1976 và dưới uy quyền của Đảng Cộng sản, người Việt Nam bị cô lập. Nước Mỹ áp đặt chính sách cấm vận hoàn toàn về kinh tế đối với Việt Nam. Campuchia dưới chính quyền Khơme đỏ thù nghịch nhiều hơn là anh em, lên tiếng đòi lấy lại đồng bằng Cửu Long, mảnh đất bị Việt Nam chiếm cứ để khai hoang lập ấp thế kỷ XVII, XVIII, dồn người Khmer vào một góc miền Tây gọi là Khmer Krom hay Khmer hạ. Đầu năm 1979, Trung Quốc tiến hành “trừng phạt” Việt Nam dưới dạng một cuộc tiến công tàn bạo. Tướng Nguyễn Chuông lúc đó là chỉ huy mặt trận biên giới nói với tôi: “Đây là cuộc chiến tranh khá gay go”. Trong phòng khách nhỏ của ông tại Hà Nội, trưng bày vỏ một quả đạn pháo 130 ly, do Trung Quốc sản xuất, đã được tái tạo thành lọ cắm hoa. Cuộc giao tranh kéo dài 10 năm. Những trận đấu pháo đến tận tháng Ba năm 1989 mới chấm dứt. Và tiếng súng cuối cùng là vào tháng Ba năm 1990. Cuộc chiến tranh biên giới này khiến hàng chục nghìn người mất mạng, cả dân thường và binh lính, còn nhiều thị trấn và làng mạc thì bị phá hủy.
Trong lúc đó, đội quân viễn chinh Việt Nam ở Campuchia có tới hai trăm nghìn người và đối thủ của họ là Khmer đỏ được Trung Quốc viện trợ và được Thái Lan làm hậu cứ. Tuy Việt Nam đã thanh toán được chế độ dã man của Polpot ở Campuchia nhưng Liên Hợp Quốc từ chối không thừa nhận một việc đã rồi. Việt Nam hoàn toàn bị cô lập ở châu Á. Cuối 1989, Việt Nam rút quân về nước. Trên năm mươi nghìn bộ đội Việt Nam đã bỏ mình ở Campuchia, tương đương với số quân Mỹ chết ở Việt Nam từ 1965 đến 1973.
Trong chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng mọi cách để che giấu càng nhiều càng tốt sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc, cả hai đều là những nguồn cung cấp tài chính, vũ khí đạn dược, chuyên gia quân sự của họ.
Trong giai đoạn cuối, trước xe ủi của Mỹ, Hà Nội rất cần chuyên gia quân sự Liên Xô để tăng cường phòng thủ chống máy bay Mỹ. Trung Quốc đã làm chậm dòng chảy viện trợ quân sự qua lãnh thổ của họ, từ đó bắt đầu “cuộc ly dị” giữa hai nước láng giềng. Ẩn tóm tắt: “Trong hai mươi năm xung đột với Trung Quốc, chúng tôi không có phương tiện để đối phó”.
“Một trong số các bạn của tôi nói tôi phải giữ ý tứ” – Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: Tư liệu