Vây phủ quanh bức chân dung của một nhà tình báo, thường là những sương mù huyền thoại, hoặc nhiều chi tiết thêu dệt ly kỳ, có màu sắc trinh thám. Phạm Xuân Ẩn - điệp viên Việt Cộng tài ba hoạt động trong lòng đô thị Sài Gòn dưới vỏ bọc là một ký giả cho tờ Time - suốt 20 năm không phải là ngoại lệ.
Tác phẩm Một người Việt trầm lặng, nhan đề bản gốc tiếng Pháp: Un Vietnamien bien tranquille1 của Jean-Claude Pomonti không nhằm giải thiêng hay góp thêm lời ca ngợi, nhưng dẫn dắt người đọc đi vào những điểm nhấn, khúc quanh quan trọng của bối cảnh và tiểu sử để làm tỏ tường hơn hai phương diện: nhân cách vĩ đại và sự nghiệp phi thường của nhân vật.
1 Năm 2007, nhà sách Kiến Thức & NXB Thanh Hóa đã cho ấn hành chính bản dịch này với nhan đề Một người Việt Nam thầm lặng. Trong lần xuất bản này, chúng tôi mạo muội chỉnh sửa nhan đề thành Một người Việt trầm lặng, như một hồi đáp văn bản, hướng độc giả liên tưởng đến một cuốn tiểu thuyết được coi là tiêu biểu về chiến tranh Đông Dương đã rất nổi tiếng trước đó – tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American) của Graham Greene. Lưu ý: những cước chú trong cuốn sách này nếu không ghi “(N.D)” là do bộ phận biên tập của First News thêm vào.
Phương pháp chính yếu mà tác giả sử dụng cho toàn bộ tập sách đó là khảo cứu pha trộn với trải nghiệm, hồi ức, ghi chép. Cách viết gãy gọn, phi tuyến tính.
Tác giả là một nhà báo Pháp từng làm việc ở Sài Gòn ở thời điểm khốc liệt, sắp vào hồi chung cuộc của cuộc chiến nên có nhiều chất liệu thực tế. Không khí chiến tranh, sự rập rình trong các mối quan hệ báo chí, mật vụ đan xen đầy phức tạp xoay quanh con người Phạm Xuân Ẩn thể hiện trên trang viết của Jean-Claude Pomonti đầy cô đọng nhưng hấp dẫn, nhiều gợi mở.
“Sài Gòn như là một cái lò. Năm trăm nhà báo nước ngoài đến đó tìm hiểu hay tranh giành nhau từng thông tin nhỏ nhất. Ma túy có mặt khắp nơi. Trong các xóm tồi tàn ở ven đô chen chúc dân tị nạn từ nông thôn đổ về, bên cạnh các trẻ mồ côi và thương phế binh với phụ cấp ít ỏi khiến họ phải đi ăn xin ở trung tâm thành phố. Năm 1968, khi tòa soạn báo Le Monde tuyển dụng tôi làm công việc chuyên theo dõi chiến tranh Đông Dương, tôi đã chọn nơi cư ngụ là Bangkok để thỉnh thoảng có thể thoát khỏi khung cảnh vừa hấp dẫn vừa nặng nề đến phát ốm của Sài Gòn. Mỗi năm vài lần, tôi đến Nam Việt Nam để lấy tin và viết bài. Nơi tạm trú của tôi là khách sạn Continental. Chính nơi đây tôi làm quen với Phạm Xuân Ẩn có văn phòng tòa soạn tại chỗ và nhiều nhà báo người Việt khác hay la cà ở khách sạn này.”
Trong thế giới đó, những “nước cờ” của điệp viên X6 - Phạm Xuân Ẩn - người tự cho mình “chỉ là một mắt xích” trong chiến lược tình báo được quân đội miền Bắc cài cắm vào lòng đô thị miền Nam - đầy tinh tế và ngoạn mục. Tác giả viết: “Ẩn buộc phải tự giam mình trong thế giới tình báo đầy bí ẩn quanh co ở Sài Gòn, nơi có những hang ổ xen lẫn. Ông phải canh chừng những điệp viên hai mang, những kẻ bám đuôi, những người có nhiệm vụ thử thách hay theo dõi mình. Ông còn phải hoàn thành một công việc khó khăn hơn cả là giải thích tài liệu đã thu thập được, phân biệt đâu là tài liệu giả đâu là tài liệu thật, tránh những âm mưu cung cấp tin để đưa mình vào bẫy”.
Chính vì giữ mình trong cục diện đó một cách “trầm lặng”, mưu lược và đầy trí tuệ, nhiều tài liệu quân sự, chiến lược quan trọng của Mỹ, quân đội Sài Gòn đã qua Phạm Xuân Ẩn để đến với miền Bắc, tạo nên thành công của nhiều chiến dịch. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tiếp nhận những tài liệu tình báo quan trọng này đã sung sướng thốt lên: “như đang ở ngay trong Phòng Điều hành Tác chiến của Mỹ”.
Ngoài ra, xoay quanh bức chân dung và số phận Phạm Xuân Ẩn, cuốn sách cũng nói về những kết thúc bi đát của một số điệp viên, bạn bè đồng nghiệp của ông thuộc cả hai phía, Cộng sản lẫn Sài Gòn và cả những “điệp viên hai mang”: Trần Kim Tuyến, Cao Giao, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hưng Vượng… Những kết thúc không có hậu, gần như là mẫu số chung mà những điệp viên phải đón nhận. Tuy nhiên, chi tiết cảm động nhất trong số những câu chuyện trên, đó là, tuy khác chiến tuyến, nhưng lúc cuộc chiến sắp kết thúc, vì tình bạn, Phạm Xuân Ẩn đã mở đường thoát cho ông “đốc-tờ nhỏ thó” Trần Kim Tuyến - ông trùm mật vụ của chính quyền Sài Gòn. Rồi đến lượt, chính gia đình Phạm Xuân Ẩn cũng ly tán một thời gian dài. Số phận của Phạm Xuân Ẩn những ngày tháng sau 1975 không phải ít uẩn khúc.
Chúng tôi tôn trọng giữ lại những đoạn bày tỏ quan điểm riêng của nhân vật về chính trị, thời thế và góc nhìn của tác giả, như sự tham khảo cần thiết cho độc giả, tuy nhiên, không nhất thiết là đồng tình.
Xin mở ngoặc đơn để nói thêm về tác giả. Jean-Claude Pomonti từng là phóng viên thường trú của tờ Le Monde (Pháp) ở Sài Gòn. Chứng kiến quá nhiều tổn thất cho người dân vô tội Việt Nam, đồng thời cũng đứng trên quan điểm của chính phủ Pháp, không tán thành việc Mỹ mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh phi lý, Jean-Claude Pomonti đã có nhiều bài viết không có lợi cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ký giả của tờ Le Monde bị trục xuất khỏi miền Nam hai lần, vào các năm 1973 và 1974. Sau 1975, ông nhiều lần trở lại Việt Nam và dành nhiều mối quan tâm, thiện cảm với những chuyển biến tích cực của xã hội Việt Nam, đặc biệt thời hậu Đổi Mới. Jean-Claude Pomonti từng có hai cuốn sách về chiến tranh Việt Nam: La Rage d’être Vietnamien (1974) vàVietnam, communiste et dragons (1994). Mới nhất, năm 2015, ông xuất bản cuốn Vietnam: L’éphémère et l’insubmersible.
Riêng sách về Phạm Xuân Ẩn do tác giả nước ngoài viết, trước đây, First News đã từng ấn hành cuốn Perfect Spy: Incredible Double Life of Pham Xuan An – Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agentcủa nhà nghiên cứu người Mỹ Larry Berman (bản tiếng Việt: Điệp viên hoàn hảo X6 – Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn, Đỗ Hùng dịch, First News & Nhà xuất bản Hồng Đức, 2013).
Trong quá trình thực hiện cuốn sách này, chúng tôi có sưu tầm, sử dụng một số ảnh tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, vì khả năng tra cứu nguồn và kết nối còn nhiều giới hạn khiến chúng tôi hiện thời chưa thể làm tròn bổn phận của mình với các tác giả. Chúng tôi xin được ghi nguồn ảnh Tư liệu. Mong được quý vị hết sức thông cảm và rộng lòng.
Cuốn Một người Việt trầm lặng trước đây đã được Nhà sách Kiến Thức & Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành, 2007. Chúng tôi xin cảm ơn anh Dương Tất Thắng, chủ Nhà sách Kiến Thức đã nhượng quyền sử dụng bản dịch. Xin tỏ lòng thành kính tri ân cố dịch giả Nguyễn Văn Sự. Sử dụng lại bản dịch, chúng tôi đã có một vài chỉnh sửa, hiệu đính, bổ sung, cước chú, trình bày và giới thiệu để tác phẩm được chỉn chu hơn, phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu tiếp nhận của độc giả trong nước hiện nay.
Những câu chuyện, sử liệu từ cuốn sách hẳn sẽ có ích cho những ai quan tâm tới nhân vật huyền thoại Phạm Xuân Ẩn và làm sáng rõ hơn về một phân đoạn lịch sử đầy phức tạp mà đất nước đã trải qua.
Hy vọng rằng tác phẩm giá trị này sẽ được phổ biến rộng rãi.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT - FIRST NEWS
Trên đường phố Sài Gòn cuối thập niên 1960. Ảnh: Tư liệu