Ông đứng chờ khách sau cánh cổng sắt của ngôi nhà có mảnh vườn phía trước trông ra một con phố ồn ào ở quận 3, gần trung tâm Sài Gòn. Nếu khách xin lỗi đã để ông phải đợi lâu, ông vội trả lời ngay là ông cũng vừa kết thúc một cuộc gặp gỡ. Trải qua năm tháng, tính nhã nhặn của ông không hề thay đổi. Cuối mảnh vườn rộng khoảng hai chục mét là ngôi nhà một tầng được nhà nước cấp cho ông sau chiến thắng năm 1975 - trước đây cho một nhà ngoại giao Anh ở thuê - liền kề, một nhà kho được cải tạo thành quán cà phê - karaoke.
Trong căn phòng chính của ngôi nhà khá thoáng mát, bàn làm việc được kê lùi vào một góc, trên mặt bàn, từng chồng báo đã ố vàng, được xếp ngay ngắn bên cạnh chiếc điện thoại cũ kỹ. Ở chính giữa phòng, dưới cánh quạt trần là chiếc bàn thấp, được bao quanh một bên là hai chiếc ghế phô-tơi rộng, một bên là chiếc đi-văng dài, nơi ông thường ngả lưng vào buổi trưa. Cuối phòng, liền vách với phòng ăn ở kế bên là hai chiếc tủ sách lớn gắn vào tường, cạnh một chiếc bàn rộng trên nửa mặt bàn xếp những chồng hồ sơ dày cộm.
Nhìn xấp hồ sơ, giấy tờ bề ngoài có vẻ lộn xộn, nhưng ông Ẩn lấy ra được ngay một tư liệu hay một âm bản ảnh cần tìm. Đã đến tuổi được hưởng quy chế lão thành, ông vẫn giữ được đức tính giản dị cao đẹp. Ông tránh không tự cho mình là quan trọng và tạo ấn tượng lúc nào cũng sẵn sàng cho bè bạn. Ông dí dỏm tự trào và cũng hay giễu cợt người khác. Đôi khi ông còn kể chuyện tiếu lâm, không tránh né cả những đề tài tục tĩu rất quen thuộc với người miền Bắc, trong khi người miền Nam lại tỏ ra đạo mạo hơn. Vào tuổi bảy mươi bảy, ông Ẩn tiếp tục tra cứu hết tài liệu này đến tài liệu khác, theo dõi sát thời sự trong nước và quốc tế.
Tôi vẫn sống ở Bangkok. Hơn hai năm trôi qua, tôi chưa có dịp trở lại Việt Nam. Đầu năm 2004, tôi đến Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chuyến đi này, tôi dừng lại ở Sài Gòn để gặp lại một vài người bạn thân, trong đó tất nhiên có Phạm Xuân Ẩn, lúc này đang có những dấu hiệu sút kém về sức khỏe. Trông ông có vẻ gầy gò, còn mảnh khảnh hơn ngày trước. Hai lần bệnh lao tái phát khiến năm ngoái ông phải nằm viện mất hơn hai tháng. Nhưng vẫn cái bắt tay rắn chắc như hồi nào, vẫn một cách đảo mắt, vẫn một nét mặt tỉnh bơ của một con người ưa khôi hài, thích kể chuyện bông đùa như ba chục năm về trước. Ông không đợi người đối thoại hỏi xong, đã đưa ra câu trả lời trước.
Như thường lệ, chúng tôi hỏi thăm nhau chuyện gia đình. Bà vợ ông vừa đỡ bệnh ung thư được chữa trị từ đầu những năm 90. Một trong những đứa cháu của ông ra chào chúng tôi. Ông Ẩn không quên hỏi thăm con trai tôi - “thằng bé thông minh lắm”, ông nói. Mấy chục năm trước, khi nó đang tuổi thiếu niên, ông còn cho nó ngồi đằng sau chiếc xe máy nhỏ của ông đưa nó đi chợ chim. Hai bác cháu cùng chung nỗi đam mê chim cảnh.
Những chuồng chim treo ở lối vào và cửa sổ nhà ông. Hồi còn khỏe, ông bắt chước tiếng chim hót rất tài. Tiếng chim ríu rít như sàng lọc bớt tiếng ồn ào từ ngoài phố vọng vào. Một phần thời gian ngày thơ trẻ sống ở nông thôn đã để lại cho ông sở thích nuôi động vật. “Có lẽ tiếng chim ríu rít làm dịu bớt những chuyện phiền lòng đang giày vò trong con người ông?”, một trong số bạn bè người Việt của ông tự hỏi mà không cần đợi câu trả lời.
Nhưng, trái ngược với nhiều người Việt Nam khác, Phạm Xuân Ẩn không có tâm hồn của một nhà thơ lãng mạn.
Ông đứng dậy bước vào nhà trong, bưng ra một khay đựng hai cốc cà phê phin như thói quen uống cà phê của người Việt Nam từ thời thuộc Pháp. Cung cách giản dị của ông khiến tôi càng tin chắc một điều: Trước mặt tôi là một nhân vật phi thường. Tôi không còn lúng túng ngượng nghịu gì nữa mà chỉ thấy tò mò muốn biết nhiều về ông hơn nữa. Tôi đã quen với phương pháp của ông, có chủ ý hay không, là đề cập vấn đề một cách ngẫu nhiên. Ông sẽ nói về chiến lược của Mỹ? Hay vén một góc màn phủ kín một trong những điều bí ẩn lắt léo đã tạo nên lịch sử hiện đại của Việt Nam?
Cuộc trò chuyện đi theo cách thức ông mong muốn. Khi dẫn dắt câu chuyện, ông giống như người cày ruộng, lại giống như nhà sư phạm. Dần dần từng bước một, ông làm cho người đối thoại tự mình nắm bắt được ý tưởng của ông. Ông diễn đạt rành mạch từng ý tứ một, lựa theo cách hiểu của người nghe khiến những điều ông trình bày càng dễ hiểu thêm. Ông là con người thẳng thắn, không úp mở quanh co, không rào trước đón sau. Nhưng là một người Việt Nam tốt bụng, ông không bao giờ nói điều gì xúc phạm đến ai. Khi ông trả lời một cách hóm hỉnh như muốn lảng tránh thì người hỏi đừng năn nỉ vô ích. Ông sẽ trở lại vấn đề nếu ông muốn, trong một buổi trò chuyện sau. Trong lời nói cũng như trong ứng xử, ông Ẩn biết tỏ ra cương quyết.
Trước khi Cộng sản giành chiến thắng năm 1975, Phạm Xuân Ẩn làm báo cho tạp chí Time Magazine ra hàng tuần của người Mỹ. Tòa soạn báo đặt trong căn phòng hẹp trên tầng hai của khách sạn Continental tại Sài Gòn. Ông được mọi người biết đến với tính nhã nhặn, chín chắn và trầm lặng. Ông thường đến tán dóc với các bạn đồng nghiệp tại Givral, một tiệm cà phê ở phía bên kia đường Catinat cũ, thời đó được gọi là đường Tự Do. Con chó bec-giê giống Đức của ông không cất tiếng sủa bao giờ, một đôi lần, nó nằm ngoan ngoãn dưới gầm bàn. Chiếc xe Renault 4 mã lực nhỏ bé của ông đỗ cách đó hai bước chân, đằng sau Nhà hát Thành phố, dọc theo đó là khách sạn Continental.
Ông Ẩn chỉ cất tiếng nói khi tìm được một lời hóm hỉnh. Ông nói và viết thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, rất hiếm khi phải cầu cạnh người khác nhưng không bao giờ cằn nhằn khi đưa ra một lời khuyên hay một lời giải thích. Các bạn đồng nghiệp khi giao thiệp với ông không phải mất nhiều thì giờ. Ông sẵn sàng đưa ra những phân tích sáng sủa và súc tích về chiến lược của Cộng sản, về cơ sở chính sách của Mỹ hay về năng lực của chế độ Sài Gòn.
Phạm Xuân Ẩn quen biết, kết bạn với nhiều nhân vật cỡ bự của Sài Gòn: những giới chức cao cấp thời xưa, những tướng lĩnh của thời nay đang đấu đá tranh giành quyền lực.
Ông còn kết thân được với cả những sĩ quan đương quyền cũng như những người đã bị gạt ra rìa. Tôi đã bắt gặp ông đi với quan chức miền Nam Việt Nam đứng đầu chương trình bình định nông thôn hay cả cựu giám đốc cơ quan đặc vụ của Sài Gòn. Ông cũng thường xuyên giao du với các ông chủ của CIA. Ông được tự do ra vào sứ quán Mỹ, gần gũi với Tổng Lãnh sự Mỹ. Những nhà nghiên cứu có uy tín của Mỹ, mỗi khi qua Sài Gòn, không quên tìm gặp ông để tham khảo ý kiến.
Thế rồi, năm 1978, nghĩa là ba năm sau chiến thắng của Cộng sản ở miền Nam, có một tin được lan truyền. Không phải là thông báo chính thức, vì như thế là trái với thông lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng dưới dạng một tiết lộ cố ý của một đảng viên cộng sản, xuất hiện trong một bài báo ngắn trên một tờ báo hàng ngày của Pháp. Tuy nhiên đó là một tin tầm cỡ: trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn là điệp viên số một của Việt Cộng.
Một điệp viên cừ khôi làm sao! Ông đã nắm được những tài liệu tuyệt mật, kể cả những báo cáo thẩm vấn các tù binh cộng sản. Ông đã đưa ra những lời khuyên, thường là được yêu cầu, cho các sĩ quan, các chính khách, và cả các điệp viên đủ loại của Mỹ và Nam Việt Nam. Điều này giống như một hòn đá tảng rất lớn ném xuống ao của Mỹ, một vố bất ngờ đau điếng của tình báo Hoa Kỳ! Phạm Xuân Ẩn là đại tá tình báo cộng sản. Một năm sau chiến thắng, ông được tuyên dương “Anh hùng quân đội” của Việt Nam.
Người Mỹ ngã ngửa! Ngay lập tức, xuất hiện một vài phản xạ tức giận và xấu hổ trong hàng ngũ CIA, trong đó có một số quan chức cấp cao trước đây đã từng hỏi ý kiến nhà báo Phạm Xuân Ẩn trong tạp chí Time rồi mới quyết định chủ trương của họ.
Phạm Xuân Ẩn, một người Việt Nam được người Mỹ quý trọng, thế mà đã “đánh lừa” cả chính quyền Mỹ từ đầu đến cuối cuộc chiến. Thiệt hại là không thể tính được. Ông đã tác động lên bao nhiêu quyết định của chế độ Sài Gòn? Có bao nhiêu lần tình thế đổi ngược mà người ta có thể gán cho những tin tình báo do nhà báo Phạm Xuân Ẩn cung cấp cho Hà Nội? Quả là không chịu nổi! Một nhà báo đã được đào tạo bài bản về nghiệp vụ ngay tại Hoa Kỳ, bang California! Trước đây, người Mỹ cũng biết rằng trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn tràn ngập gián điệp cộng sản Bắc Việt. Nhưng không bao giờ họ có thể nghĩ rằng có một điệp viên đến cỡ đó, lại nằm trong một vỏ bọc chắc chắn như chi nhánh tòa soạn của một tạp chí Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngay từ những ngày đầu cho đến ngày cuối của cuộc chiến tranh!
Khi điều này được lan truyền, tôi đang ở Nairobi - thủ đô Kenya, làm phóng viên báo Le Monde tại Đông Phi và Ấn Độ Dương. Tôi sững sờ trước tin động trời này! Tôi cũng biết trong xã hội Sài Gòn thời chiến, chắc chắn là có nhiều kênh liên lạc giữa hai phe tham chiến. Nhất là tôi đã quen biết với nhiều gia đình tư sản ở địa phương có ít nhất một người nhà ở phía bên kia của cuộc chiến. Ở miền Nam Việt Nam, rất nhiều người có bà con gần xa lúc đó đang chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản. Vào thời đó, sau cuộc chiến tranh chống Pháp là cuộc chiến tranh chống Mỹ. Giữa hai phe đối địch không có ranh giới rành mạch là một mớ bòng bong ở Việt Nam, là sự pha trộn giữa các lựa chọn vĩnh viễn hay tạm thời, những biểu hiện trung thành và phản trắc, những oán thù, những giấc mơ tan vỡ và cả những đam mê… Ở đó cũng còn có một mạng lưới hoạt động của những người cộng sản, có lúc đổ bể rồi lại phục hồi, được dựng lên từ những năm 1940 làm đà cho phong trào giải phóng dân tộc giành độc lập cho đất nước. Vậy mà ông Ẩn đã có thể đóng một vai trò quan trọng như thế mà không bao giờ bị lộ, thì đó là một điều đặc biệt, gần như không tưởng. Vậy là ông đã cung cấp những tin tình báo mấu chốt cho Hà Nội cho đến giây phút cuối cùng của cuộc chiến.
Tin đó làm tôi nhớ khôn nguôi khung cảnh đầy hấp dẫn ở Sài Gòn đầu những năm 1970, lúc đó tôi là phóng viên thường trú Sài Gòn của báo Le Monde chuyên theo dõi cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi bùi ngùi nghĩ đến những người bạn Việt Nam mà tôi bặt tin họ từ ba năm nay. Bây giờ họ ra sao, trong tình cảnh khó khăn muôn vàn của một đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh quá dài? Rồi trong một phản xạ thứ hai, tôi không thể ngăn nổi một nụ cười thoáng trên môi khi nghĩ đến bóng dáng lòng khòng của ông Ẩn thời đó, năm 1974, khi ông một mình rời khỏi khách sạn Continental để về nhà hay đến một chỗ hẹn mà chính lúc đó tôi cũng không biết quan trọng như thế nào. Nhớ đến bạn bè chung của hai chúng tôi, những buổi tán dóc đủ thứ chuyện không ra đầu ra đũa tại tiệm cà phê Givral!
Hai năm trước khi chiến tranh kết thúc, có một chuyện xảy ra khiến tôi đâm lo lắng nhiều hơn. Đầu tháng Hai năm 1973, sau khi ký kết Hiệp định Việt - Mỹ về việc đình chỉ chiến sự ở miền Nam, tôi đã nhiều phen tìm cách cùng với các nhà báo khác đi vào khu vực của “bên kia” để thực hiện một phóng sự về vùng “giải phóng” của Việt Cộng. Cùng đi với tôi trong chuyến đó có phóng viên ảnh Abbas, anh bạn Tiziano Terzani - nay đã mất - lúc đó làm phóng viên cho tờ tuần báo Đức Der Spiegel và anh bạn Bửu Chương, phiên dịch người Việt của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đi trên chiếc xe mang nhãn hiệu La Dalat, là chiếc Citroen Mehari 3 mã lực, cải tiến cho thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Sau khi ra khỏi con đường vành đai về phía tây – bắc thành phố, chúng tôi rong ruổi suốt ba ngày qua các vùng đầy những hố bom như cảnh tượng trên mặt trăng, những đồn điền cao su nhưng cuối cùng, thất bại hoàn toàn, không gặp được ai để phỏng vấn. Trong lúc đó, có những nhà báo khác đã thành công và viết được nhiều bài phóng sự hấp dẫn.
Ít lâu sau, vào một buổi chiều có tiếng gõ cửa phòng tôi ở tầng ba - cũng là tầng cuối cùng của khách sạn. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhận ra Ẩn qua khung cửa phòng, vì từ trước đến nay không bao giờ ông leo lên tận tầng ba tìm tôi. Tôi rất cảm động về cử chỉ khác thường của ông, vì tôi biết theo truyền thống bám rễ khá sâu trong xã hội Việt Nam, chẳng bao giờ ông phải làm thế. Tôi gọi nhân viên khách sạn bưng đồ uống lên. Ngồi trong phô-tơi, chúng tôi nói chuyện tào lao một lát. Khi ra về, Ẩn dừng chân một lát trên bậc cửa. Biết tôi đang thất vọng về chuyện vào vùng Việt Cộng không thành công, ông gợi ý nếu còn có mong muốn đi nữa thì đi về phía Mỹ Tho theo Quốc lộ 4, cách Sài Gòn chừng sáu chục cây số về phía Nam. Trước khi đến thành phố Mỹ Tho, tiếp tục đi theo con đường dẫn đến bến phà Mỹ Thuận thì dừng lại trước một xóm có tên là Mỹ Quý. Ẩn nói nhỏ trước khi ra về: “Người ta nói rằng ở đó có thể đi vào”.
Thế là ngay sáng sớm hôm sau, bọn nhà báo chúng tôi, thành phần cũng như hôm trước, lại lên đường ra khỏi Sài Gòn, đi về phía Nam sau khi tìm dấu xóm Mỹ Quý trên bản đồ tham mưu. Đến ngang đầu xóm trên Quốc lộ 4, chúng tôi dừng lại trước căn lều của một người thợ cơ khí để xin gửi chiếc La Dalat. Anh ta vui vẻ nhận lời ngay mà không hỏi gì thêm. Mọi việc trôi chảy, không có trở ngại gì. Chúng tôi vượt qua một cánh đồng trống, rồi lại qua một xóm nhỏ, cứ lẳng lặng rảo bước, cũng không thèm chào hỏi mấy anh dân vệ vũ trang của chính quyền Sài Gòn được coi như có nhiệm vụ canh gác. Sau khi ra khỏi xóm, một đứa trẻ ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Chúng tôi tiếp tục đi trên một con đê nhỏ. Đến một xóm nữa ẩn mình trong lùm cây bao quanh những thửa ruộng ngập nước, chúng tôi đọc dòng chữ trên những tấm vải đỏ căng trên cao, ngang lối đi vào xóm: “Hoan nghênh các nhà báo quốc tế!”. Khắp nơi xung quanh đều treo những lá cờ nửa đỏ, nửa xanh đính ngôi sao vàng ở giữa, là cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đứng ở đây, người ta vẫn nghe thấy tiếng động cơ trên Quốc lộ 4 vọng về. Có Việt Cộng hướng dẫn đi theo bảo vệ, suốt hai ngày chúng tôi đi khắp vùng nông thôn dọc sông Mê Kông và một buổi tối, chúng tôi được dự một buổi biểu diễn văn nghệ do đội văn công “mặt trận” biểu diễn. Tôi rất biết ơn ông Ẩn đã giúp tôi thực hiện trót lọt và rất thành công chuyến đi này dù khi bài phóng sự thăm vùng “giải phóng” được đưa lên báo, chính quyền Sài Gòn đã, lần đầu tiên, rút giấy phép hành nghề cấm tôi lưu trú ở miền Nam. Nếu lúc đó tôi có nghi ngờ rằng ít nhất Ẩn cũng có mối liên hệ với Việt Cộng, tôi cũng giữ kín điều đó cho riêng tôi và không bao giờ nghĩ rằng ông lại là một sĩ quan tình báo cao cấp của Cộng sản. Tôi chỉ nhớ được cuộc trò chuyện một năm sau đó với Robert Shaplen, một nhà báo Mỹ tại Sài Gòn, tôi có hỏi ý kiến của ông ta về số phận các bạn Việt Nam trong cánh nhà báo nước ngoài ở Sài Gòn sẽ ra sao khi Cộng sản chiến thắng. Bob (tên gọi tắt của Robert) có trả lời ông thấy không có gì phải lo lắng cho Ẩn.
Đến năm 1978, mặc dù vết sẹo còn hằn sâu, nhưng chiến tranh đã lùi xa, không còn là đề tài mang tính thời sự khiến những tin tức tiết lộ về vai trò của ông Ẩn không còn giật gân nữa. Thật ra đó chỉ là phần nổi trên mặt một tảng băng: điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã giữ kín được hoạt động của mình trong vỏ bọc suốt một phần tư thế kỷ chiến tranh mà không lộ tung tích - riêng việc đó đã là chiến công phi thường của một điệp viên hoàn hảo. Được trình bày ngắn gọn trong một văn phong phúng dụ kiểu marxist, bản tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Phạm Xuân Ẩn chỉ mang tính đề cao công trạng hơn là đưa ra công khai các sự việc đã làm được. Bản tuyên dương cho biết: “Từ năm 1952 đến tháng 4 năm 1975, do yêu cầu nhiệm vụ tình báo, suốt hai mươi ba năm cùng ăn ở làm việc với địch, luôn luôn giữ vững lòng trung thành với Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng [...]”. Một quá trình công tác không phạm khuyết điểm nhưng không đưa ra chi tiết nào. Đâu là sự thật ẩn sau cách nói ấy?
Năm 1976, do tên thật của Phạm Xuân Ẩn chưa được đưa ra công khai, trong bản tuyên dương chỉ đưa tên thời chiến của ông là Trần Văn Trung, tức, Hai Trung. Một sai sót nhỏ (hay có dụng ý giữ bí mật tung tích người chiến sĩ tình báo) nay nhớ lại người ta không khỏi cười thầm là ngay cả khi đưa ra công khai tên thời chiến của ông trên mặt báo, người ta lại đưa là Nguyễn Văn Trung chứ không phải là Trần Văn Trung. Sau này, ông kể lại: “Vì tôi khai rõ nơi sinh của tôi là ở Biên Hòa nên các cấp chính quyền ở đó đã mất nhiều công tìm xem anh hùng của họ ở địa phương là ai, nhưng không thấy!”.
Ở nước ngoài, người ta không để ý gì đến chi tiết này. Chắc hẳn vì báo chí phương Tây hãy còn chưa được phép đưa tin này. Cũng không ai biết được tung tích của ông khi đăng ảnh Trần Văn Trung mặc quân phục, ra Hà Nội dự Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội này thông qua việc thống nhất đất nước và đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Ẩn giải thích: Ai tiết lộ tên thật của ông có thể coi là vi phạm nguyên tắc giữ bí mật trong ngành tình báo. Mọi thứ còn phải đợi thêm hai năm nữa.
Chỉ đến những năm 1990 khi Việt Nam ngày càng mở cửa với thế giới bên ngoài, tầm vóc thật sự của nhân vật mới được tiết lộ. Bức màn bí mật cũng chỉ hé mở dần dần vì nhiều lý do: nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa bước đầu ra khỏi vỏ ốc của mình, việc giáo dục giữ bí mật do hoàn cảnh kháng chiến lâu dài cùng những quy định nghiêm ngặt của ngành tình báo và cuối cùng, do bản tính kín đáo, khiêm nhường, thầm lặng của đương sự.
Phạm Xuân Ẩn là người không bao giờ tự bộc lộ bản thân, không thích ba hoa kể chuyện mình. Nếu ai đó trong lúc trò chuyện tranh phát biểu, ông tự nguyện ngồi yên trong góc, không nói câu nào. Tôi nhớ trong một bữa ăn tối ở Sài Gòn, trong những năm 1990 với các nhà kinh doanh Pháp, ông Ẩn, mặc dù ngồi đầu bàn nhưng gần như không nói một lời. Hay trong một dịp khác, ông để một người trong cấp ủy độc thoại thao thao bất tuyệt về chiến tranh mà ông không xen vào nói thêm một câu nào. Ông có một phản xạ tình báo, chắc là do áp lực của nghề nghiệp: Chỉ nắm cái chủ yếu, không quan tâm đến những cuộc trò chuyện tầm phào. Cuối cùng, theo quy định của nghề nghiệp, ông không thể nói tất cả những điều ông biết hay muốn nói.
Trong số những người phương Tây đầu tiên được phép gặp ông trong những năm 1990 có một phụ nữ Mỹ, nguyên là phóng viên chiến trường tên là Laura Palmer, có lẽ cao tuổi nhất và chững chạc, đạo mạo nhất trong đám nhà báo trẻ thích bông đùa, quậy phá như chúng tôi. Bà hay gọi ông Ẩn là “Tướng Givral”, có thể hiểu là con người năng lui tới tiệm cà phê Givral. Ông có vẻ thích thú về điều này. Ông nói với tôi: “Laura phong cho tôi quân hàm cấp tướng từ thời đó”. Ông nói thế vì ông vừa được phong quân hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thời chiến tranh, tiệm cà phê Givral là nơi tập hợp và phát đi đủ mọi tin đồn phong phú đến mức người ta đặt cho nó cái tên Radio Catinat (Đài phát thanh Catinat).
Một góc tiệm cà phê Givral trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, Q. 1), nơi giới ký giả, trí thức Sài Gòn thường ngồi nghe ngóng tin tức chính trị xã hội. Ảnh: LIFE.
Câu chuyện về ông không chỉ là câu chuyện về một điệp viên có nhiều kỳ tích. Ông Mười Nho, một điệp viên cộng sản khác hoạt động trong vùng Việt Cộng ở miền Nam đã tiếp nhận và chuyển tiếp những tài liệu do ông Ẩn gửi ra từ năm 1961 đến 1964. Ông cũng phải đợi đến ba mươi năm sau mới tiết lộ - và cũng chỉ một phần nhỏ rằng tại thủ đô Bắc Việt khi còn chiến tranh, Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nói chung rất “hài lòng” khi nhận được những báo cáo của ông Ẩn gửi ra. Mười Nho kể lại: Thủ tướng Phạm Văn Đồng cười hể hả trong khi tướng Giáp tuyên bố: “Chúng ta đang ở ‘trong phòng điều hành tác chiến của quân Mỹ ’”, khi những báo cáo của ông Ẩn đến tay các nhà lãnh đạo Hà Nội.
Khi tướng Giáp, người đã đánh thắng Pháp và Mỹ, khẳng định: “Chúng ta đang ở trong phòng điều hành tác chiến của quân Mỹ”, thì đó không chỉ là lời chúc mừng gửi tới một điệp viên vĩ đại. Phạm Xuân Ẩn đã có chỗ đứng trong nhóm nhỏ người Sài Gòn gồm những nhà báo, nhà trí thức, các chính khách, là những người tôi đặc biệt gắn bó, mặc dù tôi xa Sài Gòn khá lâu. Mỗi người theo cách riêng của mình, mà không phải lúc nào tôi cũng nhận ra, là những người đỡ đầu cánh nhà báo chúng tôi. Nhưng đến năm 1978, tôi vẫn còn xa mới hiểu được nhân cách lúc đó của ông Ẩn. Tôi phải cần thêm nhiều năm nữa mới nắm bắt được tầm vóc của nhân vật này. Quả là câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, ba năm sau chiến tranh, khi mọi người được biết ông là một điệp viên, mà chỉ mới bắt đầu với sự phát lộ này.
Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Tư liệu