Trong vùng ngoại ô Gia Định, không xa sân bay Tân Sơn Nhất, có một con hẻm được mệnh danh là “The hundreed pee alley” (Con đường 100 đồng). Tới đây người ta có thể mua được hêrôin, thuốc phiện, khẩu súng trường và cả một cô gái. Tuy nhiên, tốt hơn hết là không nên lai vãng đến đây, nhất là khi màn đêm buông xuống. Năm 1971, con hẻm này là nơi hoành hành của bọn lính Sài Gòn đào ngũ, hay cựu chiến binh đủ loại. Một hôm, cảnh sát khép mẻ lưới: hàng chục người Mỹ bị sập bẫy. Kho vũ khí nhỏ ở đây bị phát hiện với con số đáng kể: 31 khẩu súng, 190 pao2 chất ma túy marijuana, 7 lựu đạn, 44 két rượu, 87 két bia, nhiều giấy căn cước giả, 212 tút thuốc lá, 75 lệnh bay và khoảng 15 giấy phép khống chỉ. Nhưng thường thì các băng đảng chỉ cần “bôi trơn” (hối lộ) mấy tên cảnh sát là được yên thân.
2 Pao (pound) = 0,45 kg
Tuy nhiên, với việc rút dần quân Mỹ trong khuôn khổ “Việt Nam hóa chiến tranh” do Richard Nixon đề ra, những hiện tượng tiêu cực trên cũng dần dần biến mất. Trước tiên, Bộ tham mưu Washington bắt đầu cho rút các đơn vị vô kỷ luật nhất, gồm các binh lính chống lệnh hành quân hoặc có số binh sĩ nghiện ma túy đông nhất. Thành phố Sài Gòn được tổ chức lại trong mấy năm có khoảng một trăm nghìn người Mỹ ẩn mình trong các ngôi nhà kín cổng cao tường, càng mang thêm dáng dấp của một thành phố bị bỏ rơi.
Nhiều người rơi vào cảnh mất việc làm - từ cô nữ thư ký đến người lái xe, anh phiên dịch. Nhiều người khác giảm thu nhập, đó là các chủ khách sạn, người có nhà cho lính Mỹ thuê đến các chú bé đánh giày, người kinh doanh nhà hàng buôn bán trao tay, thường là bán lại các hàng quân nhu cấp phát theo giá rẻ từ các hệ thống cửa hàng của quân đội Mỹ (PX). Đó là không kể đến ba vạn gái điếm cũng mất nguồn sống, không còn khách sộp, nhiều tiệm cà phê giải khát, quầy rượu, hộp đêm theo nhau đóng cửa.
Vào đầu những năm 1970, giữa trung tâm thành phố có một nhà hàng lớn có dàn nhạc Philippines, các nữ tiếp viên Đài Loan, Hồng Kông, các vũ nữ Hàn Quốc và một nhà ảo thuật Mỹ. Dưới ánh sáng đèn màu sặc sỡ, các chai rượu thi nhau mở nút. Đó thật sự là một hộp đêm cho các quân nhân không những của Mỹ mà cả của Philippines, Thái Lan hay Hàn Quốc.
Nhưng chỉ hai năm sau, cũng tiệm rượu ấy nay chỉ còn khách Việt Nam tụ tập xung quanh vại bia, nước chanh ép hay nước chanh tổng hợp đóng chai gọi là limônat(limonade).
Đám công chúng này yên lặng chờ đợi sự xuất hiện dưới chùm ánh sáng phát ra chỉ từ một ngọn đèn, một chàng trai cất tiếng hát não nề than vãn nỗi khổ da diết và bị kìm nén không chịu được vì chiến tranh, với một giọng vừa trong vừa khàn. Chỉ có một người trên sân khấu, hát cho mọi người khác nghe, từ những chàng thiếu úy tại ngũ còn mang quân phục dã chiến trên người, đeo kính đen che kín mắt, với bộ ria măng tơ, ngực lấp lánh huy chương chiến tích đến cả các phế binh, chột mắt, cụt chân, cụt tay, một nửa thân mình mang thương tích chiến trường.
Về phần mình, tầng lớp thị dân tiếp tục cuộc sống gia đình bên bàn thờ cúng tổ tiên, chơi bi da hay quần vợt, dạy dỗ con cháu học tập. Những đứa trẻ may mắn hơn, dòng dõi các gia đình giàu có của thuộc địa Nam Kỳ xưa thì theo học tại các lớp do Phái bộ văn hóa Pháp bảo trợ để thi lấy bằng tú tài Pháp, sau này học tiếp tại các trường đại học bên Pháp. Câu lạc bộ thể thao thuộc địa cũ nay trở thành nơi gặp gỡ của những người có cuộc sống sung túc.
Năm 1968, nhờ tiếng pháo đêm giao thừa che chở, Việt Cộng đã đột nhập nhiều khu phố nội đô. Sau đó, cuộc sống đã dần dần trở lại bình thường. Người ta an ủi nhau bằng thuyết định mệnh, như sống chết có số, có phúc có phận, không tính chuyện xa xôi, bởi lẽ lịch sử được định đoạt ở chỗ khác. Sài Gòn bao giờ cũng là tấm gương phản chiếu, là phong vũ biểu của mọi thứ diễn ra ở phần còn lại của đất nước. Tháng Năm năm 1972, một đồng nghiệp cũng là người bạn thân thiết bên báo Washington Post là Larry Stern, nay cũng đã là người thiên cổ, đề nghị tôi đi cùng với anh ta lên Kon Tum để gặp tướng John-Paul Vann. Đây là cơ hội duy nhất đối với một nhà báo Pháp như tôi có được mười phút hỏi chuyện một trong những nhân vật Mỹ nổi tiếng vì đã kịp thời phát hiện rằng cuộc chiến tranh này là cơn ác mộng đối với Mỹ. Đúng là ngoại trừ người Anh và một vài gương mặt quen biết, những nhà báo nước ngoài khác được xếp vào lực lượng thứ ba “không bênh Mỹ mà cũng không đứng về phía Việt Nam” và ảnh hưởng của họ được đánh giá là ít được quan tâm nhất.
Tôi sốt sắng nhận lời. Chúng tôi kiếm vé máy bay đi Nha Trang, một nơi nghỉ dưỡng bên bờ biển biến thành nơi đồn trú của quân Mỹ. Tại đây, đi nhờ xe vận tải quân sự Mỹ, chúng tôi đến được Kon Tum, một thị trấn đông dân giữa Tây Nguyên. Tại đây, John-Paul Vann điều khiển cuộc chiến không phải với du kích Việt Cộng được dân chúng bao bọc mà là đối mặt trực diện với các sư đoàn Bắc Việt.
Đầu thập niên 1960, khi mới đến Việt Nam, Vann được người ta bàn cãi nhiều. Ông là một cố vấn Mỹ, tuổi đời còn trẻ, có nghị lực và khá thông minh, sớm nắm bắt được những mặt yếu kém của cuộc chiến chống du kích do các sĩ quan quân đội Sài Gòn tiến hành. Bọn này quan tâm đến công việc làm ăn hay những lợi ích chính trị hơn là đấu tranh chống lại Việt Cộng. Vann thường hay nói ngược chiều là chiến tranh sẽ thất bại. Ông ta rất được các nhà báo nước ngoài chú ý lắng nghe.
Các báo cáo của Vann thường đi ngược lại với các thông cáo chiến sự thường là quá lạc quan của Sài Gòn hay các cơ quan chính thức của Mỹ phát ra. Đó là thời kỳ Tổng thống John Kennedy gửi đến miền Nam trên hai vạn cố vấn Mỹ, trong đó có Vann. Năm 1963, trong tâm trạng chán chường, Vann rời khỏi quân ngũ. Nhưng khi được yêu cầu trở lại chiến trường miền Nam, ông cũng không phản đối. Ông trở thành cố vấn trong quân đội Nam Việt Nam ở Tây Nguyên với quân hàm Thiếu tướng.
Năm 1972, tình hình đã khác xưa, chẳng còn mấy dấu tích của chiến tranh chống du kích những năm 1960. Cục diện chiến trường đã có những đặc điểm mới. Dù là sĩ quan cao cấp, Vann cũng không có cách nào chuyển được báo cáo về Washington bằng con đường chính thức, phải dùng con đường qua giới báo chí. Chiến tranh đã làm con người thay đổi hẳn. Sau hơn hai giờ nghe Vann độc thoại, chúng tôi quay về Sài Gòn, đầu nặng trĩu. Trong khoảng ba tuần, chính Vann đã yêu cầu ba trăm phi vụ thả hàng nghìn tấn bom xuống rừng núi Tây Nguyên bằng pháo đài bay siêu hạng B.52.
Đi trên chiếc trực thăng nhỏ của ông, Vann - con người nổi tiếng gan dạ tự mình chỉ điểm các mục tiêu trước khi B.52 thả bom. Sau đó, ông dùng trực thăng để quan sát kết quả. Trong cuốn tiểu sử đồ sộ viết về ông nhan đềInnocence perdue (Không còn ngây thơ nữa), tác giả Neel Sheehan viết: “Để kết thúc công việc, ông nhả từng tràng đạn M.16 xuống các hố bom. Có một hôm, ông giải thích cho hai nhà báo đi theo ông rằng, nếu còn người nào sống sót dưới các hố bom đó, thì ông sốc thực sự và phải đợi nửa tiếng sau mới lại để ngón tay trỏ vào cò súng”. Một hôm khác, khi thoáng thấy năm chục lính Bắc Việt sống sót đi lại quanh hố bom, Vann liền dùng radio gọi Cobra là những máy bay lên thẳng loại tiến công đến để thanh toán hết.
Thời đó, Larry Stern viết trên tờ Washington Post: “Vann giải thích: ‘Khi những siêu pháo đài bay B.52 biến những mục tiêu thả bom thành cảnh tượng trên mặt trăng mà có gió bấc thổi về, đem theo mùi thối của chiến trường là chứng tỏ phi vụ đó thành công. Bên ngoài Kon Tum cứ mỗi lần thả bom là người ta thấy đất đá bốc lên cùng với thi thể nạn nhân’”. Vậy là một trong những chiến trường chính trong cuộc chiến nằm trong tay của một kẻ cuồng nhiệt, có quá khứ quân sự nổi tiếng, thỏa mãn ý muốn của mình bằng cách sử dụng không quân chiến lược Mỹ. Con người bé nhỏ, mắt lồi kia khiến cho chúng tôi có cảm tưởng mình đã quá xa thực tế ác liệt của chiến tranh. Vào cuối tháng Năm năm 1972, việc sử dụng trái khoáy không quân chiến lược để yểm trợ về chiến thuật chắc hẳn đã giúp ông ta giải vây cho Kon Tum vốn đã bị đối phương chiếm cứ một nửa thành phố và giáng cho lực lượng Bắc Việt những tổn thất nặng nề. Nhưng thử hỏi B.52 của Mỹ còn có thể thay thế quân đội Sài Gòn được bao nhiêu thời gian nữa khi Nixon trong lúc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai cần phải thuyết phục công luận rằng ông ta sắp giành được “một nền hòa bình trong danh dự” tại Paris như đã hứa hẹn từ 1968?
Phải chăng Vann, còn hơn một diễn viên kịch, là một kiểu nhân vật chính quá kém đang xin hoãn giờ ra sân khấu? Còn đâu là một sĩ quan xuất sắc, hay chống đối của cuộc chiến tranh chính trị? Một lần nữa, Mỹ lại thay đổi chiến lược chiến tranh của mình. Mỹ không còn yêu cầu chế độ Sài Gòn phải cải tổ tối thiểu chế độ cai trị ngày càng chuyên quyền. Chính Vann cũng không bao giờ biết kết cục cuộc chiến sẽ ra sao. Ít lâu sau chuyến viếng thăm của chúng tôi, ông đã tử nạn trong một chuyến bay đêm bằng trực thăng vì thời tiết xấu. Một vụ tai nạn!
Sài Gòn như là một cái lò. Năm trăm nhà báo nước ngoài đến đó tìm hiểu hay tranh giành nhau từng thông tin nhỏ nhất. Ma túy có mặt khắp nơi. Trong các xóm tồi tàn ở ven đô chen chúc dân tị nạn từ nông thôn đổ về, bên cạnh các trẻ mồ côi và thương phế binh với phụ cấp ít ỏi khiến họ phải đi ăn xin ở trung tâm thành phố. Năm 1968, khi tòa soạn báo Le Monde tuyển dụng tôi làm công việc chuyên theo dõi chiến tranh Đông Dương, tôi đã chọn nơi cư ngụ là Bangkok để thỉnh thoảng có thể thoát khỏi khung cảnh vừa hấp dẫn vừa nặng nề đến phát ốm của Sài Gòn. Mỗi năm vài lần, tôi đến Nam Việt Nam để lấy tin và viết bài. Nơi tạm trú của tôi là khách sạn Continental. Chính nơi đây tôi làm quen với Phạm Xuân Ẩn có văn phòng tòa soạn tại chỗ và nhiều nhà báo người Việt khác hay la cà ở khách sạn này.
Continental lúc đó là cơ ngơi của Philippe Franchini. Ông chủ khách sạn tuổi còn trẻ nhưng vừa có dáng vẻ buồn buồn lại vừa dí dỏm. Ông kể chuyện rất hay đồng thời là sử gia, họa sĩ trang trí và nhà sản xuất điện ảnh. Ông là con lai Việt, khi tự ý xin về hưu, đã viết một cuốn sách rất xúc động về Việt Nam bằng cách sử dụng chính câu chuyện của gia đình và khách sạn ông làm cốt truyện chủ đạo. Ông là một trong những nhà văn hiếm hoi đã miêu tả xã hội Việt Nam rất chuẩn xác bởi lẽ ông có sự hiểu biết sâu kín từ bên trong. Ông đã giúp tôi tìm hiểu thế nào là thế giới hầu bóng bằng cách mời tôi dự một buổi lên đồng dài lê thê không dứt, trong đó một bà đứng tuổi đã hóa thân là Đức Thánh Trần - tức Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc đã giáng cho quân xâm lược Mông Cổ một đòn thất bại nhục nhã vào cuối thế kỷ XIII.
Nhà báo quốc tế tác nghiệp trên đường phố trung tâm Sài Gòn trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu.
Nhân viên khách sạn gọi Philippe là cậu Hai, một cụm từ vừa thân mật vừa kính trọng để gọi người con trưởng trong gia đình theo cách gọi của người miền Nam, để tránh số phận vất vả của người con trưởng thường phải thay cha cai quản mọi việc trong gia đình.
Nhân viên khách sạn thấy tôi và ông chủ Franchini của họ kết thân với nhau nên họ mau chóng gọi tôi là cậu Ba - ông anh thứ hai đáng kính.
Năm 2005, sau gần ba mươi năm vắng mặt, Philippe Franchini trở lại Việt Nam cùng với gia đình. Ban lãnh đạo mới của Continental - một khách sạn quốc doanh do nhà cầm quyền tịch thu và quản lý từ 1975, đã dành cho ông tầng một - nơi ông ở ba mươi năm về trước. Nhân viên khách sạn còn nhớ chuyện cũ vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật: cậu Hai. Philippe đã đến thăm Phạm Xuân Ẩn mà suốt ba mươi năm qua ông không gặp lại. Khi ông kể lại với ông Ẩn: nhân dịp về thăm lại Việt Nam, ông đã về vùng đồng bằng sông Cửu Long để viếng mộ mẹ và ông bà, ông Ẩn đã quay lại nói với cử tọa với một vẻ đạo mạo: “Thật là một người con có hiếu”. Mọi người hoàn toàn nhất trí.
Bên cạnh lối vào khách sạn về phía vườn trông sang Nhà hát Thành phố sau đổi thành Nhà Quốc hội, Philippe đã lấy tên Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) để đặt cho nhà hàng kiêm nhà trưng bày tranh - nơi chúng tôi thường ăn điểm tâm ở đấy. Nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam, trong đó có một số người sau này trở thành những họa sĩ nổi danh, đã đem những tác phẩm đầu tay đến trưng bày ở đây. Dolce Vita xưa kia là nhà hàng Perroquet (Con Vẹt), nơi xã hội thuộc địa thường tổ chức những buổi khiêu vũ đông người vào tối thứ Bảy. Bà Galaup, bán hoa ở đường Catinat đầu những năm 1970 nhớ lại: Vào thời ấy, các bà đều mặc váy dạ hội dài, người ta ưa chưng diện lắm. Cứ thứ Năm và Chủ nhật là có tiệc trà vào buổi chiều. Thứ Bảy người ta kê bục đằng trước khách sạn đối diện với Nhà hát Thành phố để làm sàn nhảy. Người ta khiêu vũ rất vui vẻ và lịch sự. Đêm Noel năm 1929, người ta mời gánh hát Tahiti nổi tiếng nhất đến góp vui. Người Việt Nam không được vào xem, nhưng làm sao được, thời đó như thế!
Về phía bên này của đại sảnh là sân trời của quầy bar khách sạn mở ra phố Catinat - từ sau chiến thắng năm 1975 được đổi thành Đồng Khởi - sân trời này là mối liên hệ không gì có thể thay thế được giữa con phố và khách sạn. Năm 1922, nhà văn Philippe de Tessan nói đến nhà hàng Canebière ở chỗ này và cùng với nó là khách sạn Continental (Continental Palace), nơi những người đi rong chơi gặp lại nhau trong những giờ nghỉ. Trong cuốn sách nhan đề Antimémoires (Phản hồi ức), nhà văn Malraux nhớ lại “nỗi buồn phiền của xứ Nam Kỳ, những chiếc mũ bấc của binh lính thực dân, những lúc đông khách ở sân trời Continental vào lúc bóng chiều chạng vạng phủ lên các cây minh quyết, xe ngựa dập dìu trên đường Catinat trong tiếng nhạc ngựa kêu leng keng và lửa sắp tàn trong các doanh trại lính bộ binh người Sénégal”.
Vào năm 1931, tức là hai năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, ông Mathieu Franchini thân sinh Philippe mua lại khách sạn với giá rẻ như bèo. Sau này, người ta cho rằng ông là một gã phiêu lưu và cầm đầu đám mafiaCorse. Chuyện về ông còn có vẻ tầm thường hơn nữa. Bố mẹ thuộc dân nghèo trên đảo Corse, rồi đi học ở một trường trung học ở Marseille. Rồi ông chú làm giám thị ở trường trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn viết thư mời gia đình Mathieu Franchini sang thử vận may tại xứ thuộc địa xa xôi này. Mathieu xuống tàu sang Sài Gòn. Tại đây ông lặn lội khắp các công ty Pháp ở Sài Gòn, bán một chiếc xe Buick cho ông tùy viên ở Mỹ Tho rồi lấy con gái ông ta làm vợ. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất do Pháp tiến hành, Mathieu biến khách sạn Continental thành trung tâm giao lưu của đủ mọi tầng lớp xã hội Sài Gòn.
Trong tập Humiliation (Điều nhục nhã) của bộ sách đồ sộ nhan đề “Cuộc chiến tranh Đông Dương”, Lucien Bodard kể lại rằng những năm 1950, muốn uống khai vị bắt buộc phải đến sân trời Continental hoặc ngồi ngay trên vỉa hè phố Catinat. Toàn bộ xứ Đông Dương kỳ lạ và ô hợp thời đó, các giới nói chung cách biệt nhau rạch ròi nhưng ở góc phố này lại lẫn lộn tất cả với nhau. Ở đây có đám quân nhân xông pha trận mạc lại có đám “lính văn phòng” tay xách cặp tham mưu. Nó cũng có đủ mọi giới tài chính trong lĩnh vực đồng bạc Đông Dương, có những người có “ria mép”, có những “công chức”. Hàng ngày, người ta đến đây kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện: những bí mật chiến tranh bị tiết lộ, những cuộc chém giết đẫm máu, những vụ tai tiếng được ỉm đi, những vụ đầu cơ, những kế hoạch hành quân, với những câu chuyện khác thường, những sự tích anh hùng và cả những lời gièm pha bẩn thỉu về tăng lương, đề bạt, về tặng thưởng huân chương.
Năm 1955, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, lịch sử Đông Dương thuộc Pháp đã sang trang. Quân đội viễn chinh rút về nước. Ông già Mathieu cũng xuống tàu về Pháp. Continental không còn vai trò kinh doanh như trước, phải đợi đến khi Philippe Franchini trở lại năm 1965 thì nó mới hồi sinh. Ban giám đốc người Pháp ra đi và người Việt Nam đã thật sự điều hành khách sạn dưới con mắt chú ý cùng sự có mặt kín đáo của Philippe. Thời chiến tranh của người Mỹ, sân trời và quầy bar mở cửa đón gió bốn phương với các giới nửa thượng lưu. Cảnh sát nội bộ của khách sạn trấn giữ ở ngay cửa nối trực tiếp với sân trời qua sảnh lớn ở cửa vào. Các cô gái làm tiền ban đêm không được phép qua cửa này trừ khi đã trình thẻ căn cước ở chỗ người gác cổng.
Sân trời vẫn có khách lui tới nhưng không đông như trước, không còn là nơi gặp gỡ đặc biệt. Philippe thíchDolce Vita hơn. Theo nhiều lời đồn đại, tiệm Givral đã tranh hết khách. Người ta chú ý đến tiệm cà phê hơn. Những quan chức Mỹ ít lui tới Continental, nơi có nhiều nhà báo nước ngoài đến thuê phòng lưu trú và nhất là những nhà ngoại giao, trong đó có phái đoàn Ba Lan thuộc Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến và Hiệp định Genève – một hiệp định thực tế không bao giờ được thi hành đúng đủ - ở tầng một của khách sạn.
Tôi đã ở khách sạn Continental này trong hai năm từ 1965 đến 1967, tiếng là làm việc cho nước Pháp nhưng trong lúc rảnh rỗi, tôi lại có dịp hoàn thiện kiến thức vốn rất ít ỏi về Việt Nam đã được tích lũy khi học ở Ban ngôn ngữ phương Đông. Bắt đầu từ năm 1965, phái bộ văn hóa Pháp quyết định đưa môn Lịch sử và Địa lý Việt Nam vào chương trình giáo dục của các trường trung học do Pháp bảo trợ. Chậm còn hơn không, vì 80% học sinh ở các trường này là người Việt Nam. Việc giảng dạy các môn Lịch sử, Địa lý Việt Nam được giao cho Pierre Brocheux – người sau này trở thành tác giả một cuốn biên khảo về tiểu sử Hồ Chí Minh và tôi được giao nhiệm vụ trợ giáo cho anh ta. Đặc biệt, tôi lợi dụng cơ hội này để làm quen với giới Phật giáo vì trong nhiều tháng, tôi dạy tiếng Pháp ở trường đại học Phật giáo duy nhất ở Sài Gòn thời đó là trường đại học Vạn Hạnh đặt trong khuôn viên chùa Xá Lợi. Tại đây, tôi được tiếp xúc với các vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất3 lúc đó ngang nhiên đối lập với chính quyền Sài Gòn.
3 Trong văn bản gốc, tác giả ghi tên tổ chức này là l’Église bouddhiste unifiée (EBU). Đây chính là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được hình thành từ phong trào đòi bình đẳng tôn giáo từ 1963, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa.
Năm 1965, tướng Nguyễn Cao Kỳ lúc này là Thủ tướng có một thời được Tổng thống Lyndon Johnson che chở, có một thời gian đã cắt quan hệ với Pháp, dẫn đến việc tướng De Gaulle buông một câu hỏi: “Kỳ là người nào?”. Vì vậy, từ 1965 đến khi ký Hiệp định Paris năm 1973, tại Sài Gòn chỉ có Tổng lãnh sự đại diện quyền lợi cho nước Pháp thay vì Đại sứ quán như trước đây. Tổng lãnh sự Pháp lúc này là Joseph Lambroschini, một cựu binh kháng chiến chống phát xít Đức làm việc ở Bộ Ngoại giao. Quen thuộc với công tác ngoại giao, cặp mắt ông thường rực lên trước khi nổ ra các cơn cuồng nộ, ông nổi tiếng là một “lãnh sự xung kích”. Tôi được quen biết Charles, con trai ông khi còn học ở trường Cao đẳng Chính trị, Charles sau này là thành viên tòa soạn báo Figaro. Sau bài diễn văn nổi tiếng của tướng De Gaulle ở Pnompenh năm 1966, chủ trương trung lập hóa Đông Dương, tướng Kỳ tổ chức những cuộc biểu tình chống Pháp ở Sài Gòn. Joseph chỉ mặc áo sơ mi cùng với tùy viên quân sự Pháp cũng mặc thường phục và tôi xuống đường quan sát sự kiện này.
Thời gian này, tôi không giao du với cánh nhà báo nên không lui tới khách sạn Continental làm gì. Thì giờ của tôi dành cho việc lên lớp giảng dạy văn học Pháp ở trường trung học Jean-Jacques Rousseau và dạy tiếng Pháp ở trường đại học Vạn Hạnh đồng thời tham gia câu lạc bộ quần vợt chỉ cách căn hộ công vụ tôi được cấp có vài bước. Ngoài ra là các buổi dạo chơi buổi tối. Tôi thường lui tới phòng Tổng lãnh sự Pháp, nhất là phòng làm việc của Paulette Beck - một phụ nữ lai Việt vốn là con gái Thủ tướng chính phủ thời Bảo Đại. Paulette nguyên là Tổng thư ký Văn phòng Phủ thủ tướng. Cô có dáng người to con, ăn nói đối đáp ít người bì kịp. Cô giao du rộng, hiểu biết tường tận giới chính trị Sài Gòn. Sau đó, cô về Pháp làm việc ở Bộ Ngoại giao.
Tôi nhớ lại trong số nhà báo hiếm hoi tôi đã gặp ở Sài Gòn năm 1966, có Robert Guillain, đặc phái viên của báoLe Monde, một nhà báo được đánh giá là có cái nhìn sáng suốt về cuộc chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương. Nhà sử học Philippe Devillers lúc đó đang làm việc cho CERI (Trung tâm nghiên cứu quốc tế), một trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị, đã cho Guillain biết tôi đang ở Sài Gòn. Trước khi đi Việt Nam, tôi có làm một số công trình nhỏ cho Devillers. Chuyến công tác ở Việt Nam của tôi nằm trong khuôn khổ chuẩn bị Luận án tiến sĩ cấp 3 Khoa Chính trị học về đề tài “Quan hệ giữa những người theo đạo Phật với chính trị ở Nam Việt Nam” - một đề tài rộng lớn mà cho tới bây giờ bản phác thảo đề cương vẫn ngủ yên trong ngăn kéo.
Cũng là chính đáng thôi. Guillain chẳng bao giờ trông mong ở một người cộng tác tuổi đời còn trẻ như tôi có thể giúp gì được cho ông trong việc đánh giá tình hình chiến cuộc. Ông là người say mê nghiên cứu Viễn Đông đã lâu, nơi ông sống từ trước chiến tranh thế giới thứ hai. Ông ước ao được trở lại tắm mình trên các đường phố châu Á. Hai chúng tôi thường ngồi xe xích lô đi dạo qua các phố ở Sài Gòn, vùng ngoại thành của người Hoa ở Chợ Lớn. Ông luyện tiếng Trung còn tôi bập bẹ tiếng Việt.
Thuê xe xích lô để đi dạo vừa ít tốn kém lại vừa có lợi là có thì giờ ngắm hai bên đường phố, tự mình khám phá điều mới lạ một cách tự nhiên không sắp đặt trước, được dừng lại chỗ nào mình muốn và bao nhiêu lâu cũng được. Tiếc rằng phương tiện chuyên chở này đang mất dần. Ngày nay, người ta thay xích lô bằng xe ôm, khách ngồi đằng sau người lái xe gắn máy, tốn tiền hơn nhưng có lợi là dễ luồn lách mỗi khi tắc đường.
Guillain có vẻ thích thú với kiểu đi dạo như thế nên mỗi khi chia tay thường hỏi tôi: “Có thích nghề làm báo không?” và dặn khi nào trở về Paris hãy đến thăm ông. Có một điều tôi không thể quên. Từ năm 1954, tôi mua được chiếc máy chữ xách tay, dĩ nhiên là đồ cũ đã qua sử dụng. Máy chữ thông thường chạy bằng cơ chứ không phải bằng điện. Tôi kỳ cạch đánh hai ngón. Bây giờ cũng vẫn thế tuy đánh có nhanh hơn. Từ khi gặp Guillain ở Sài Gòn, ước mong được trở thành nhà báo đã ám ảnh tôi nhiều năm. Chính ông - đặc phái viên Guillain của Le Monde đã nói với tôi rằng ở Sciences Po (trường Cao đẳng Chính trị), sinh viên bắt buộc phải đọc báo Le Monde.
Năm sau trở về Paris, tôi điện cho Guillain. Đó là lúc ông Tổng biên tập Hubert Beuve-Méry báo Le Monde quan tâm đến việc dính líu ngày càng tăng của Mỹ vào vũng bùn Việt Nam, đã quyết định cử một phóng viên thường trú tại chỗ. Guillain mời tôi ăn trưa và yêu cầu tôi viết một loạt bài về “Sài Gòn trong đạn lửa“, Le Monde sẽ đăng dưới một bút danh vì những lý do tế nhị liên quan đến công việc của tôi ở Sài Gòn trước đó sáu tháng. Năm sau, tôi chính thức được nhận vào tòa soạn báo Le Monde đặt trụ sở tại phố Rue des Italiens.
Vậy là vào năm 1968, tôi trở lại Nam Việt Nam với tư cách là nhà báo. Khách sạn Continental - nơi tôi trú ngụ là cánh cửa giao tiếp với Sài Gòn. Các báo Mỹ và các hãng thông tấn nước ngoài thu lượm tin tức một phần qua các buổi thông báo tin tức hàng ngày của quân đội Mỹ lúc 5 giờ (được mệnh danh là Five o’clock follies - Những chuyện điên cuồng vào lúc 5 giờ) tại văn phòng trụ sở Phòng thông tin Mỹ đặt ở rạp chiếu bóng Rex cách khách sạn tôi ở đôi bước. Hàng dãy thống kê của người phát ngôn Mỹ rất hời hợt chỉ đưa ra một ý tưởng sơ sài về sự khốn cùng của chiến tranh.
Thế là tôi theo chân các đơn vị quân miền Nam Việt Nam đến các nơi chiến sự để quan sát thực địa và lấy tin. Dần dần, tôi kết nối được với các sĩ quan Nam Việt Nam. Tôi nhận thấy những người táo bạo và thành thạo nhất là những người được lính dù Pháp đào tạo. Để tránh không khí nặng nề ở Sài Gòn, tôi thích đi xa khỏi thành phố mỗi khi có cơ hội. Cuộc chiến ngày càng trở nên quy ước. Thắng hay bại thường diễn ra ở vùng nông thôn, bên ngoài các trung tâm đô thị bị áp lực nhưng mỗi người đều mải chăm lo công việc hàng ngày, không mấy bận tâm đến tương lai tất nhiên không có gì là chắc chắn. Chiến tranh, trước hết đối với vùng nông thôn, đã trở thành một lối sống.
Năm 1973, một không khí chiến tranh kết thúc bao trùm khắp Sài Gòn, và khách sạn Continental cũng không phải là ngoại lệ. Tất nhiên ở nhà hàng Dolce Vita, sáng sáng người ta vẫn hăng hái cười đùa, chuyện trò rôm rả. Jean Lartéguy tác giả cuốn Mal jaune (Nỗi đau da vàng) vàTambours de bronze (Trống đồng) thỉnh thoảng trở lại Sài Gòn để đảo mắt nhìn thoáng qua, lấy tài liệu viết cho những tờ tuần báo ở Paris hay viết cuốn sách về cuộc chiến tranh của người Mỹ nhan đề Un million de dollars, le Việt Cộng (Một triệu đôla, Việt Cộng). Nhà làm phim Schoendorffer lại ghé qua ít ngày để quay bộ phimSection Anderson (Trung đội Anderson) trước khi làm tiếp phim L’Adieu au roi (Vĩnh biệt nhà vua). Một người dáng đi mạnh mẽ, tóc trắng, da bóng, cụt cánh tay phải, mặc bộ đồ vải thô dã chiến, từ trên cầu thang trải thảm đỏ và tay vịn bằng đồng bước xuống. Đó là Jean Pouget, nguyên là chỉ huy quân dù đổi sang nghề làm báo. Anh là một gương mặt quen thuộc của trận Điện Biên Phủ, quay trở lại Việt Nam “của mình”. Mọi người có thiện cảm với nhân vật của “một thời đã qua”, chẳng thấy có gì là khoảng cách.
James Jones, tác giả cuốn Tant qu’il aura des hommes (Hễ khi nào có người), lặng lẽ lang thang trong vườn khách sạn. Hình như anh ta đang “dò la”. Sau này, Philippe Franchini có kể lại rằng, trước cảnh hai cô gái Việt Nam bé nhỏ xinh đẹp cặp kè với hai người Mỹ 50 tuổi cao to, James Jones đã có suy nghĩ như sau: “Anh hãy nhìn hai cô gái Việt Nam đáng yêu kia mà xem. Thú thật là tôi sợ đấy. Đối với tôi, họ là hiện thân của những điều bí ẩn. Nhưng hai con voi kia thì tôi lại biết rõ mặc dù tôi có nhiều điều để có thể chê trách họ. Họ vừa ở nhà tôi ra”. Philippe cho rằng với tư cách là người qua đường, James Jones đáng được tha thứ nhưng hai người Mỹ kia sống ở đây từ nhiều tháng thậm chí nhiều năm rồi. Nói gì được họ. Còn khuya họ mới hiểu nhau. Hình như thời gian chỉ làm tăng thêm sự bất hòa, khẳng định sự tan vỡ.
Ai cũng thấy tình hình càng ngày càng gay rồi. Giám đốc khách sạn Continental là ông Lợi, dáng bệ vệ, xưa kia là đầu bếp và là tâm phúc của Mathieu Franchini tỏ ra không chút ảo tưởng, nói với tôi: “Điều này làm tôi nhớ lại năm 1934. Thời đó không có tiền trả lương nhân viên. Bấy giờ két trống rỗng. Tôi nói với nhân viên: ‘Chờ cho khách ăn xong đi rồi thì ăn đồ thừa vậy’. Tôi biết giá cả tăng vùn vụt. Tôi không muốn trừng phạt họ, cũng không muốn biết ai gây ra cơ sự này. Tôi bảo họ: ‘Tôi không phải là người ngoại quốc. Tôi không phải là người Pháp, tôi không muốn mặc xác các anh ngã xuống. Nhưng phải tránh không được phá sản’. Hôm nọ nhìn mặt trời sắp lặn, tôi nói với Philippe: ‘Thật là đáng buồn’”.
Trong sáu năm qua, giá thuê nhà và chi trả nhân viên tăng gấp ba, hóa đơn tiền điện tăng gấp năm, cuộc sống quá đắt đỏ. Tiệc ngồi, tiệc đứng thưa thớt một cách đáng sợ. Đôi khi khách sạn chỉ đạt một nửa công suất. Người nhỏ, nhưng ông Lợi có thói quen lúc rạng đông mặc áo cánh đi dép tông, bước ngang qua đường, lên vỉa hè Nhà hát Thành phố rồi chắp tay sau lưng quay người lại ngắm nhìn mặt trời mọc trên khách sạn “của ông”. Chiến tranh đi vào giai đoạn chót, ông không làm thế nữa.
Sau khi ông cụ thân sinh mất, Philippe Franchini đã trở lại và biết tạo cho khách sạn một cuộc sống mới. Làm việc này một cách kín đáo, ông không bao giờ công khai gán cho nó một vai trò quan trọng, như một cách ngẫu nhiên, rất kỳ diệu, chỉ một sự hoạch định, một động thái lựa chọn khi tưởng chừng như đã mất phương hướng. Khách sạn Continental mà ông đã có thể làm cho nó trở thành một địa điểm hào phóng nay cũng đã đến lượt phải chìm nghỉm trong giai đoạn cuộc chiến tranh sắp sửa kết thúc.
Mỗi người đều có con đường tơ lụa cho những giấc mơ của mình. Con đường của tôi cũng biến mất trong các lối đi quanh co trên hành lang tối tăm của khách sạn Continental, thời đó là khách sạn nổi tiếng nhất châu Á. Mỗi khi đứng ở sảnh, tôi cảm thấy như ở nhà mình. Những lời rì rầm, những tiếng nổ đã không lọt qua cánh cửa gỗ dày, một ngôi nhà trông ra Sài Gòn, Việt Nam, một Đông Dương nào đó. Khi tôi xuất hiện ở thềm nghỉ của tầng ba khách sạn, người phục vụ buồng có tuổi đến chỗ gửi đồ để lấy lại các hồ sơ của tôi, tập hợp lại trong các kẹp hồ sơ và đặt lại trong buồng tôi. Khi tôi xuống dưới vườn vào giờ uống cữ cà phê đầu tiên trong ngày, lại nghe thấy tiếng nói của Philippe: “A, anh đấy à!” lúc nào cũng nhiệt thành vang lên như một tín hiệu. Ngày dài dằng dặc bắt đầu. Nhưng trái tim thì mỗi lúc một xa rồi.
Dần dần, tôi đi đến một quyết định: không đi máy bay Sài Gòn mỗi ngày một chuyến nữa. Sắp phải xa Việt Nam, tôi không muốn đi nữa. Tôi muốn ở lại xem chiến tranh kết thúc như thế nào. Chắc chỉ có thể bằng biện pháp quân sự. Tôi đã gắn bó với xứ này với cuộc sống phóng túng của một phóng viên chiến tranh mà tôi coi như cuộc chiến tranh của tôi từ nhiều năm rồi. Tôi để lại sau lưng tôi biết bao bạn bè và gia đình nhà vợ rất hiếu khách. Tôi lưỡng lự. Nhưng một phía khác, tôi lờ mờ cảm thấy ít nhất là tạm thời sang trang sẽ đem lại cho tôi sự thanh thản trong cuộc sống. Không lúc nào tôi hình dung được rằng, chiến tranh sẽ chấm dứt khi tôi phải quay lưng ra đi.
Thẻ học sinh của Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: Tư liệu