Hạnh phúc và khỏe mạnh qua một phút ngồi thiền mỗi ngày
***
Thiền là gì?
Ngồi thiền có nguồn gốc từ cổ xưa, được sử dụng như một phương pháp để kết nối tâm hồn và trí tuệ con người với thế giới xung quanh. Theo từ điển, thiền định được hiểu là sự suy ngẫm hay chiêm nghiệm, suy niệm, xem xét các mặt của những vấn đề. Trong khi ngồi thiền, tâm trí và thân thể bạn sẽ hợp nhất ở trạng thái tĩnh lặng. Khi ngồi thiền đúng phương pháp, bạn sẽ nhận ra mình đang ngồi, đang thở mà không vướng bận bất cứ suy nghĩ, tính toán, lo lắng, sợ hãi, tham vọng, căng thẳng hay mong muốn nào cho bản thân. Thiền định có nhiều dạng thể khác nhau nhưng tựu chung lại chính là bạn để bản thân tự đi sâu vào khai mở dòng suối an lạc và thảnh thơi trong chính tâm hồn mình. Bởi vậy, chúng ta có thể thiền định ở mọi tư thế như đi, đứng, nằm, ngồi, miễn là bản thân mình thấy thư thái và tập trung.
Chìa khóa sức mạnh của thiền định chính là khả năng hấp thụ năng lượng đặc biệt của cơ thể khi được duy trì ở trạng thái này. Khi bạn thiền, năng lượng được hấp thụ qua các luân xa hay còn được gọi là các huyệt đạo. Đây chính là “cửa ngõ” để các nguồn năng lượng đi vào cơ thể. Luân xa là nơi tập trung nhiều tế bào nhất trong cơ thể. Nguyên lý vận hành năng lượng này chính là tinh thần của phương pháp châm kim bấm huyệt trong Đông y. Các huyệt đạo phân bố rải rác tại nhiều vị trí trên cơ thể, trong đó có 7 huyệt đạo lớn, hay còn gọi là luân xa, là nơi nguồn năng lượng ra - vào nhiều nhất. Khi luân xa lưu thông, cơ thể sẽ tự động hấp thu các năng lượng tốt và bài tiết các năng lượng xấu.
***
Lợi ích tuyệt vời của việc tập thiền
Ban đầu, thiền là việc mà các nhà sư thường làm để duy trì sự tĩnh tâm và tìm kiếm sự bình an trong tâm hôn. Ngày nay, thiền được nghiên cứu với rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Duy trì thói quen thiền tập thường xuyên trở thành bí quyết của nhóm người có tuổi thọ cao nhất thế giới. Bởi vậy mà thiền nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi như một cách để rèn luyện sức khỏe và tìm kiếm cuộc sống hạnh phúc.
Thiền giúp giảm nguy cơ trầm cảm
Tác dụng này của thiền đã được chứng minh trong nhiều cuộc nghiên cứu. Tiêu biểu là nghiên cứu được thực hiện với khoảng 400 học sinh tại 5 trường trung học trên đất nước Bỉ của Giáo sư Filip Raes đã chỉ ra rằng: Những học sinh tham gia chương trình thiền chánh niệm sau 6 tháng đã giảm được những dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Hay một nghiên cứu khác do Đại học California thực hiện đối với những bệnh nhân từng bị trầm cảm cho thấy, việc duy trì trạng thái thiền định mỗi ngày giúp họ giảm trạng thái trầm tư và những suy nghĩ tiêu cực.
Thiền giúp giảm lo lắng và stress
Kết quả cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Wisconsin – Madison chỉ ra rằng, việc thực hành phương pháp Thiền Minh Sát (như Vipassana) giúp làm giảm chất xám ở các vùng não có liên quan đến trạng thái lo lắng, căng thẳng. Thực tế, đạo Phật coi việc thiền hành giống như con đường đi tìm và duy trì sự bình an trong tâm hồn, giúp bạn bước ra khỏi những lo lắng, sợ hãi, đau khổ thậm chí là tuyệt vọng.
Thiền có tác dụng làm giảm chứng rối loạn sợ hãi
Tạp chí Tâm thần học Mỹ từng công bố kết quả một nghiên cứu về tác dụng của thiền tập đối với chứng rối loạn sợ hãi. Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành với sự tham gia của 22 bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn sợ hãi. Các bệnh nhân này được tham gia khóa thiền tập và tập thư giãn trong vòng 3 tháng. Kết quả 20 trong số 22 bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực trong điều trị, các biểu hiện của sự hoảng loạn và lo lắng đã giảm đáng kể.
Thiền làm giảm nhu cầu ngủ
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Kentucky so sánh thời gian ngủ trong ngày của những người không thiền hành, thiền sinh mới tập và những người đã duy trì thói quen này trong thời gian dài cho thấy. Thời gian duy trì thói quen thiền định có liên hệ mật thiết với thời gian ngủ của họ. Những người thiền định lâu và mới thiền định có thời gian ngủ trong ngày ít hơn những đối tượng còn lại. Đặc biệt, mặc dù ngủ ít hơn nhưng nhóm người này vẫn duy trì được trạng thái tỉnh táo và minh mẫn trong suốt khoảng thời gian thức trong ngày. Tuy nhiên, việc thiền định có thể hoàn toàn thay thế giấc ngủ và khả năng điều trị chứng thiếu ngủ hay không vẫn còn là vấn đề đang được nghiên cứu thêm.
Thiền giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ
Việc duy trì thói quen ngồi thiền hàng ngày sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon và sâu hơn. Trong khi giấc ngủ có vai trò rất quan trọng để cơ thể được tái tạo, nạp năng lượng sau một ngày dài lao động, học tập và làm việc.
Thiền tập giúp tăng sự tập trung, xử lý thông tin và ra quyết định
Kết quả một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học California là minh chứng rõ nhất cho tác dụng này. Cụ thể, các nghiên cứu viên đã duy trì thói quen thiền tập 20 phút mỗi ngày đối với một nhóm sinh viên. Kết quả, các sinh viên này đã có được sự tiến bộ trong các bài kiểm tra về kỹ năng nhận thức. Một số trường hợp thậm chí còn làm tốt gấp 10 lần so với nhóm không thực hiện thiền hành.
Đồng thời, những người thiền trong thời gian dài có số lượng lớn nếp gấp vỏ não (gyrification), thứ cho phép não bộ xử lý thông tin với tốc độ nhanh hơn. Đồng thời gyrification còn đóng vai trò nâng cao khả năng ra quyết định, hình thành ý thức và tăng cường khả năng tập trung.
Thiền có tác dụng giảm đau hơn cả morphine
Kết quả này được đưa ra từ một cuộc thử nghiệm được tiến hành ở Đại học Montreal. Tại đó, nhóm nghiên cứu cho 13 thiền sư và 13 người bình thường khác chưa từng thực hành thiền tập cùng trải qua một mức độ đau đớn do nhiệt như nhau. Sau đó, họ sử dụng máy quét ảnh cộng hưởng từ chức năng đo hoạt động não của hai nhóm này. Kết quả, các thiền sư cảm nhận ít đau đớn hơn trong tâm mình, mặc dù họ chịu cùng tác động cơn đau giống như nhóm người không thiền hành còn lại. Thậm chí, thiền hành còn được chứng minh có tác dụng giảm đau hơn cả morphine – loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến hiện nay. Cụ thể, thiền định có khả năng làm giảm 40% cường độ đau và 57% cảm giác khó chịu do đau.
Thiền giúp an định tinh thần và hỗ trợ điều trị chứng tăng động
Trong cuộc sống hiện đại quá nhiều áp lực và căng thẳng hiện nay, nhiều người tìm đến thiền định như một loại thuốc an thần tự nhiên. Khi chúng ta lo âu, sợ hãi, não bộ sẽ kết nối và phản ánh chúng đến trung tâm thần kinh. Và thiền sẽ có khả năng ngắt các kết nối này do sự tập trung tuyệt đối vào hơi thở hiện tại. Từ đó, những lo âu được lắng lại và dần dần tan biến. Những người duy trì thói quen thiền định trong thời gian dài có khả năng “đề kháng” tự nhiên với những nỗi buồn, đau khổ trong cuộc sống. Bởi vậy, thiền giống như con đường dẫn đến và nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn.
Thiền định cũng được chứng minh có tác dụng giảm tính hiếu động, bốc đồng, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị chứng tăng động.
Thiền giúp tăng khả năng tiếp nhận thông tin, cải thiện trí nhớ
Thiền có khả năng chỉnh sóng não bộ, nghĩa là giúp giảm thiểu các phiền nhiễu, từ đó giúp não bộ nhanh chóng tiếp thu các thông tin mới một cách hiệu quả, nâng cao khả năng học tập và làm việc. Điều này còn giúp điều chỉnh đáng kể khả năng ghi nhớ và phục hồi trí nhớ của con người.
Thiền giúp làm chậm quá trình lão hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và cải thiện hệ miễn dịch
Quá trình lão hóa diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào tốc độ tiêu thụ oxy của cơ thể. Thiền tập có tác dụng giảm tốc độ hô hấp do cơ thể bạn hấp thụ ít oxy hơn. Nhờ vậy mà thiền tập giúp bạn trẻ lâu hơn thông qua việc điều chỉnh quá trình hô hấp.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra việc ngồi thiền thường xuyên trong thời gian dài có khả năng làm giảm 48% nguy cơ gây ra chứng đau tim, đột quỵ và tử vong. Đồng thời, thiền định còn là “vắc xin” tự nhiên giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch với các bệnh do nhiễm trùng nhẹ và một số bệnh thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, đau cổ…
***
Các tư thế ngồi thiền cho người mới thực tập
Thiền định có thể duy trì ở nhiều tư thế như đi, đứng, nằm, ngồi. Trong đó, với những người mới, nên bắt đầu bằng việc thiền ngồi. Đây là tư thế giúp bạn nhanh chóng có được sự tập trung trong thời gian ngắn.
Có nhiều tư thế ngồi thiền. Khi mới bắt đầu, bạn có thể thử qua kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Dù ngồi ở tư thế nào, bạn cũng cần giữ cho xương sống hoàn toàn thẳng, không nghiêng ngả sang trái, phải, cúi về phía trước hay ngả ra phía sau, tai thẳng, mắt nhắm, miệng ngậm, đầu thẳng, thả lỏng và đầu theo dõi hơi thở của bạn.
Ngồi thiền kiểu Miến Điện (Burmese position)
Đây là cách ngồi đơn giản nhất mà những người mới làm quen với thiền nên thử trước tiên. Ở tư thế này, hai chân của bạn xếp chéo nhau và đặt lên trên đệm.
Ngồi thiền kiểu bán kiết già (Half Lotus position)
Ở tư thế này, bạn đặt chân trái lên đùi phải, có thể thay đổi vị trí hai chân.
Ngồi thiền kiểu toàn kiết già (Full Lotus position)
Với tư thế này, hai chân bạn được khóa vào nhau. Bạn đặt bàn chân phải lên trên đùi trái và bàn chân trái lên trên đùi phải. Kéo sát hai chân vào trong cơ thể để ngồi được lâu hơn. Bàn tay trái để lên bàn tay phải hoặc ngược lại. Hai bàn tay đặt lên lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai ngón tay cái chạm vào nhau ngay chiều rốn, cùi chỏ vừa ôm hông.
Ngồi thiền kiểu Nhật Bản (Seiza position)
Bạn ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế. Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc gối nhỏ đặt hai chân và mông ngồi trên đó.
Ngồi thiền trên ghế (Chair position)
Ở tư thế này bạn sử dụng một chiếc ghế có chiều cao vừa với cơ thể, sao cho lưng thẳng và hai chân đặt trên mặt sàn.
Lời khuyên dành cho những người mới tiếp xúc với phương pháp ngồi thiền là nên bắt đầu với những tư thế dễ thực hiện như ngồi trên ghế, ngồi kiểu Miến Điện hay bán kiết già. Sau đó, tùy sở thích và hoàn cảnh cụ thể, bạn có thể lựa chọn cho mình những tư thế khác.
***
Cách thở trong lúc ngồi thiền
Duy trì hơi thở đúng cách chính là chìa khóa để thiền tập thành công. Đầu tiên, bạn hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra nhẹ nhàng bằng miệng. Sau đó, ngậm miệng lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi đặt lên trên. Từ đây về sau, duy trì hơi thở bằng mũi, đều đều, từ từ một cách tự nhiên và thoải mái nhất, không cố gắng.
An trú trong hơi thở
Điều quan trọng trong tọa thiền là tâm tọa, tức là để tâm trí bạn không đi rong ruổi mà an trú trong hiện tại, trong từng hơi thở. Bạn nên đếm từng nhịp hơi thở, để tâm trí tập trung hoàn toàn vào chúng. Khi bạn hít vào rồi thở ra, đếm 1, hít vào thở ra, đếm 2… đếm cho đến 10, sau đó lại quay trở lại đếm từ 1. Đơn giản vậy nhưng đừng xem thường, nếu bạn không thực sự chú tâm, bạn sẽ quên mất việc này lúc nào không hay.
Một phút ngồi thiền mỗi ngày, cơ thể được “tái sinh”
Đông y có câu nói “10 phút đầu ngày đổi lấy 10 năm tuổi thọ”, ý nhấn mạnh: đây là thời khắc vàng để bạn “đánh thức” cơ thể sau một giấc ngủ đêm dài. Giáo sư Quốc y Đại sư Đặng Thiết Đào (101 tuổi) - người Trung Quốc chia sẻ bí quyết sống khỏe, sống thọ của ông nằm ở thói quen thiền tập mỗi sáng. Sau khi thức dậy, ông không vội bước xuống giường ngay mà ngồi thiền 7-10 phút, hít thở đều và sâu. Khi nào tâm trí hoàn toàn an lạc, ông mới ra khỏi giường. Giáo sư Đào đã duy trì thói quen này nhiều chục năm và xem đó là bí quyết duy trì sức khỏe lúc cao tuổi của mình.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ cũng chỉ ra rằng, ngồi thiền từ 5 đến 10 phút, não bạn sẽ giảm 17% mức oxy tiêu thụ, và giá trị này tương ứng với những thay đổi cơ thể sau một giấc ngủ sâu trong vòng 7 giờ. Bởi vậy, mới nói 7 phút thiền hành đúng cách có giá trị bằng giấc ngủ 7 giờ.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc duy trì 7-10 phút thiền hành thực sự là điều không phải ai cũng làm được. Mọi người thường bị mỏi do ngồi không đúng cách, thở không đúng cách, hay không đủ tập trung và an định để giữ tâm trí mình hoàn toàn an trú nơi hơi thở.
Bởi vậy, hãy bắt đầu bằng việc ngồi thiền một phút mỗi ngày. Đừng vội nghĩ rằng chúng ít ỏi, chỉ cần dành ra một phút mỗi sáng trong trạng thái thiền định, một ngày của bạn sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Chỉ 60 giây ngồi thẳng lưng, thả lỏng toàn thân, hít thở đều đều tự nhiên, tập trung toàn bộ tâm trí vào theo dõi từng hơi thở, bạn sẽ thấy toàn bộ tinh thần và cơ thể mình như được “đánh thức” sau một giấc ngủ dài. Nguồn năng lượng tích cực lập tức được “sạc đầy”, giúp bạn giống như được “tái sinh”.
Mỉm cười với chính mình và những người xung quanh
***
Những tác dụng kỳ diệu của nụ cười
Dân gian có câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười mỗi ngày không chỉ khiến tâm trạng vui vẻ, lạc quan mà đây còn là thần dược cho sức khỏe của bạn.
Nụ cười làm xua tan căng thẳng
Khi bạn cười, cơ thể sẽ có khuynh hướng giảm tiết ra hormone cortisol và epinephrine. Đây chính là hung thủ gây stress, ức chế hệ miễn dịch của bạn. Đồng thời, khi cười, cơ thể còn tăng cường hoạt động của các tế bào “chiến binh” – một loại bạch cầu có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư và tế bào bị nhiễm virus. Chính vì vậy mà những bệnh nhân ung thư hay nhiễm HIV luôn được các bác sĩ khuyến khích giữ tâm trạng lạc quan và cười hàng ngày.
Cười giúp tăng cường lưu thông máu, điều hòa huyết áp
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nụ cười có tác dụng cân bằng huyết áp và tăng cường lưu thông máu. Đồng thời, khi chúng ta cười, cơ màng trong của thành mạch máu giãn nở, giúp máu lưu thông được tốt hơn. Chính nhờ những tác dụng kể trên, nụ cười giống như đồng minh mạnh mẽ của chúng ta trong cuộc chiến chống lại các bệnh tim mạch.
Cười giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu đã chỉ ra nụ cười có tác động đến nồng độ đường trong máu. Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành trên một nhóm bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã cho thấy, lượng đường trong máu của họ ổn định hơn sau khi xem một chương trình hài so với một giờ buồn tẻ. Đồng thời, tiếng cười còn có thể giúp các bệnh nhân tiểu đường phòng tránh được những biến chứng liên quan đến vi mạch máu.
Nụ cười giúp giảm đau
Cười là liều thuốc giảm đau tự nhiên tốt nhất. Nó hiệu quả, miễn phí lại sẵn có. Tất nhiên, bạn sẽ chẳng tự nhiên cười nếu bị ngã, hay bị thương do nguyên nhân nào đó. Nhưng hãy cố gắng dù là gượng cười trong những tình huống như thế, bởi nụ cười sẽ xoa dịu cơn đau nhanh chóng. Nguyên nhân là trong khi cười, não sẽ sản sinh ra endorphin, một hormone giảm đau có tác dụng giống như thuốc phiện.
Cười giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan
Các nhà khoa học xếp nụ cười có tác dụng với sức khỏe ngang hàng với việc dùng vitamin tổng hợp và xà phòng diệt khuẩn. Một nụ cười có khả năng làm gia tăng lượng kháng thể trong máu, tiêu diệt vi khuẩn và virus gây bệnh. Cùng với đó, cười cũng làm tăng số lượng kháng thể trong chất nhầy ở mũi và đường hô hấp, nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh.
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cười còn là liều thuốc bổ đối với hệ tiêu hóa, đặc biệt là chứng kích ứng ruột hay đau ruột thừa.
Cười có tác dụng như tập thể dục
Tập thể dục mỗi ngày được xem là chìa khóa để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Theo nghiên cứu, cứ 100 nụ cười thành tiếng có tác dụng đương 10-15 phút tập luyện trên máy thể dục, cười sảng khoái trong 15 phút khiến cơ thể tiêu hao lượng calo tương đương với khi bạn chạy 800m. Bên cạnh tác dụng đốt cháy năng lượng, cười còn giúp vệ sinh đường hô hấp. Điều này giống như khi bạn tập thể dục, bạn thường hít thở sâu mỗi khi cười. Việc hít thở sâu có tác dụng thông thoáng các đường dẫn khí, tăng lượng oxy hấp thụ vào cơ thể. Đó cũng chính là lý do bạn cảm thấy mệt sau những trận cười lớn.
Bên cạnh những lợi ích đối với sức khỏe kể trên, cười mỗi ngày còn là chìa khóa để có được cuộc sống lạc quan, hạnh phúc.
Nụ cười lạc quan là sức mạnh để bạn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống
Đời người giống như con thuyền trên sóng nước, không thể lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, sẽ có nhiều lúc chúng ta phải đối mặt, vượt qua những nghịch cảnh. Và những lúc như vậy, việc giữ được nụ cười lạc quan là điều rất quan trọng. Câu chuyện về Viktor Emil Frankl, nhà tâm lý học nổi tiếng Do Thái là minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của nụ cười giúp con người vượt qua những nghịch cảnh khắc nghiệt nhất. Ông từng phải trải qua những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời tại trại tập trung của Đức Quốc xã, nơi tên cai ngục giống như đao phủ tàn nhẫn, vô nhân đạo. Rất nhiều phụ nữ, trẻ em và người già đã phải bỏ mạng tại đây mỗi ngày. Tại đây, Frankl đã phải trải qua những đau đớn tột cùng về thể xác và sự bế tắc về tinh thần. Một ngày, trong buổi lao động ở bên ngoài nhà lao cùng các tù nhân khác, khi công việc đã hoàn thành một nửa, dây giày của ông đột nhiên bị đứt. Linh cảm điềm chẳng lành, ông lo sợ nghĩ rằng mình sẽ chẳng thể nào sống sót qua ngày hôm nay. Điều này làm ông cảm thấy vô cùng bất an và tuyệt vọng.
Để trấn an bản thân, ông nhắm mắt tưởng tượng rằng mình đang giảng bài trong căn phòng thật sáng một cách tràn đầy sinh lực. Ông cảm thấy dễ chịu hơn và một nụ cười khẽ nở trên môi. Ngay lúc này, một nguồn năng lượng tái sinh như tràn đầy trong ông. Ông tự nói với mình “Chừng nào còn thấy được nụ cười, ta sẽ không chết trong cái trại tập trung này, ta sẽ sống sót bước ra khỏi đây.” Quả thật, sức mạnh tinh thần đã giúp ông chiến thắng tất cả đau khổ tuyệt vọng trong những ngày tháng bị giam cầm. Sau này, ông đã thật sự bước ra khỏi trại tập trung. Điều đặc biệt là, khi ra ngoài, tất cả người quen đều ngạc nhiên khi gặp lại ông với một tinh thần trẻ trung và khuôn mặt không để lại chút đau khổ nào, khác hoàn toàn với những người bị giam cầm cùng ông lúc đó. Nụ cười lạc quan chính là sức mạnh tinh thần vĩ đại giúp con người đủ lòng tin để vượt qua những nghịch cảnh trái ngang nhất của cuộc đời.
Một câu chuyện thú vị khác. Tháng 12 năm 1914, Thomas Edison, nhà khoa học vĩ đại của nhân loại khi ấy đã phải chứng kiến gia tài lớn nhất của đời mình là phòng thí nghiệm của ông bị đốt thành tro bụi trong một vụ hỏa hoạn. Chỉ trong một đêm, ông mất đi gần như toàn bộ thành quả nghiên cứu khó nhọc suốt cuộc đời mình. Mặc dù sau đó ông được đền bù 238 nghìn USD. Tuy nhiên con số thiệt hại thực tế của vụ cháy ước tính lên đến hơn 2 triệu USD. Những tưởng, tinh thần khám phá và niềm đam mê khoa học cũng bị lụi tàn trong đám cháy. Thế nhưng ngược lại, hôm sau, Edison nhìn đống đổ nát và nói: “Có một giá trị lớn trong vụ tai nạn này. Tất cả sai lầm của ta đã bị thiêu rụi. Tạ ơn Chúa, con có thể bắt đầu lại từ đầu”. Và không thể ngờ được, chỉ ba tuần sau, ông đã phát minh ra chiếc máy hát đầu tiên trên thế giới. Nụ cười lạc quan chính là nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày để đánh thức trong chúng ta những năng lực cao nhất để làm việc hiệu quả, vượt qua khó khăn và sống hạnh phúc.
Nụ cười – sức mạnh của ngôn ngữ không lời
Nụ cười chính là ngôn ngữ không lời, là chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa tốt đẹp cho các mối quan hệ, cho dù đó là người bạn mới gặp lần đầu tiên hay những người thân quanh mình mỗi ngày. Nụ cười tươi thường trực trên gương mặt chính là trang sức đẹp đẽ nhất của bạn.
Mỉm cười được xem là biểu hiện của sự văn minh, cũng là sức mạnh và mang nhiều thông tin tích cực đến với người đối diện. Một người luôn vui vẻ sẽ có sức hút rất lớn đối với những người xung quanh, khiến mọi người muốn trò chuyện, kết giao với họ. Mỗi ngày, nếu chúng ta đến nơi làm việc, học tập hay trở về nhà với một gương mặt tươi tắn mỉm cười sẽ giúp truyền tải sự hứng khởi và động lực làm việc, trao yêu thương và lời nhắn gửi thân thiện đến những người xung quanh, giúp chúng ta làm việc hiệu quả và yêu đời hơn. Nụ cười được xem như sứ giả tình cảm, giúp mọi mối quan hệ trở nên gắn kết hơn. Khi bạn gặp một người lạ lần đầu tiên, cả hai sẽ có tâm lý e ngại. Có một câu nói quen thuộc đó là “hãy mỉm cười và mọi người sẽ mỉm cười lại với bạn”. Lúc này, bạn hãy thử xóa tan bầu không khí này với một nụ cười thân thiện trên môi, chắc hẳn, bạn sẽ có được ấn tượng tốt và mối quan hệ sẽ dễ dàng tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Theo một khảo sát được thực hiện tại Mỹ, 1/3 người tham gia khảo sát cho biết họ có thói quen nhìn vào răng của đối phương trong lần gặp đầu tiên, 3/4 số người tham gia có cảm giác tin tưởng vào người khác dựa vào nụ cười hơn là quần áo họ mặc hay một công việc ấn tượng nào đó.
Không chỉ mỉm cười với những người mới quen, mà bạn còn đừng quên tươi cười mỗi ngày với những người thân xung quanh mình. Họ chính là cha mẹ, vợ/chồng, con cái, bạn bè hay những người hàng xóm nơi bạn ở, những đồng nghiệp nơi bạn làm việc. Hãy xây dựng trong họ hình ảnh bạn là một người lạc quan, tràn đầy năng lượng tích cực. Cùng với đó, mỉm cười với những người thân yêu là cách để bạn bày tỏ tình yêu thương, sự cảm ơn hay những lời xin lỗi với họ. Một người mẹ, người cha hay cười sẽ vun đắp nên ngọn lửa lạc quan, hạnh phúc trong những đứa con của mình. Nụ cười chính là ngọn lửa vun đắp tình yêu thương và giữ hạnh phúc bền chặt.
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy bắt đầu bằng việc mỉm cười với chính mình. Bạn có thể đứng trước gương để nhìn ngắm nụ cười hay đơn giản là mỉm cười với bản thân khi tập thể dục, chăm sóc cây hoa, hay chuẩn bị bữa sáng. Nụ cười đầu ngày giống như liều thuốc bổ bạn dành tặng cho sức khỏe và tâm hồn mình để khởi đầu một ngày mới lạc quan, hứng khởi và hạnh phúc. Và bạn cũng đừng quên mỉm cười với những người thân xung quanh mình. Thật tuyệt vời nếu mọi người cùng dành cho nhau nụ cười và lời hỏi han mỗi sáng cùng câu chúc ngày mới tốt lành.
Một phút nói cảm ơn những người xung quanh
Lời cảm ơn là sự bày tỏ thái độ trân trọng và tình cảm tri ân bằng lời nói sau khi bạn nhận được một giá trị tốt đẹp nào đó mà người khác mang lại cho mình. Lời nói cảm ơn là biểu hiện bày tỏ sự biết ơn, ghi nhận sâu sắc của bạn đối với việc làm ý nghĩa mà người khác dành cho mình.
Nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi”
Cũng giống như “núi cao bởi có đất bồi”, không ai trong chúng ta có thể sống mà không cần đến sự quan tâm, giúp đỡ, yêu thương của những người xung quanh. Cho đi những điều mình có và nhận lại những điều mình mong muốn là quy luật của xã hội, cũng là điều gắn kết con người thành một cộng đồng gắn bó và giàu tình yêu thương. Cũng chính bởi vậy, mà việc bày tỏ lòng biết ơn là điều rất cần thiết trong cuộc sống mỗi người. Lời nói cám ơn thể hiện việc bạn ý thức rõ về bản thân mình, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình, quý trọng sự giúp đỡ và yêu thương từ những người xung quanh. Giống như truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Nói cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ còn là biểu hiện của lối ứng xử văn minh, lịch sự trong các mối quan hệ xã hội. Ngay cả khi, ai đó giúp đỡ bạn với tấm lòng chân thành nhất và không mong cầu bạn đáp lại bất cứ điều gì, thì lời nói cảm ơn vẫn là điều vô cùng cần thiết. Nó bày tỏ sự ghi nhận và trân trọng những điều tốt đẹp mà người khác dành cho bạn, cho dù đó là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày hay những giá trị vật chất và tinh thần lớn lao hơn.
***
Ý nghĩa của việc nói lời cảm ơn
Lời cảm ơn thể hiện sự khiêm nhường.
Khi bạn bày tỏ sự cảm ơn đối với những người xung quanh, ngoài việc thể hiện lòng biết ơn, còn cho thấy sự khiêm nhường, đức tính rất cần thiết với mỗi người. Câu chuyện kể, cựu Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin khi còn trẻ tính khí có phần hiên ngang, mỗi bước đi đều vươn vai, ưỡn ngực. Lần đó, cậu thanh niên Franklin đến gặp một vị tiền bối đức cao vọng trọng, do dáng đi lúc nào cũng ngẩng cao đầu khiến cậu không may bị đụng vào xà ngang cửa rất đau đớn. Franklin lúc này vừa lấy tay xoa đầu vừa ngước nhìn một người cao hơn mình bước qua chiếc cửa thoải mái điềm nhiên. Lão tiền bối khi đó nói với Franklin: “Rất đau đúng không? Đây chính là bài học dành cho cậu ngày hôm nay khi đến thăm ta”.
Nhiều người vì sự cao ngạo mà không biết cách nói cảm ơn hay xin lỗi. Điều này vừa khiến chúng ta đánh mất sự cảm mến của những người xung quanh, vừa gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống. Bởi người xưa từng nói “Giữa trời và đất duy chỉ có khiêm nhường là đạo mang lại tài phúc, kiêu ngạo sẽ sinh ra tự mãn, tự mãn thì dễ bị thất bại”.
Lời cảm ơn thể hiện cách cư xử có văn hóa
Lời cảm ơn không chỉ được bày tỏ khi ai đó làm việc gì mang lại lợi ích cho bạn. Hãy thể hiện nó thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày bởi đây chính là biểu hiện của cách hành xử có văn hóa. Ví dụ, khi được một ai đó mời một tách trà, hãy nói cảm ơn ngay cả khi bạn không có nhu cầu. Điều này thể hiện sự trân trọng của bạn đối với thiện ý của người mời. Đồng thời, còn thể hiện bạn là một người lịch sự trong giao tiếp. Chắc hẳn, khi nghe được lời cảm ơn này, người mời trà cũng sẽ thấy ấm lòng lên nhiều.
Hay thói quen cảm ơn những nhân viên phục vụ khi bạn sử dụng dịch vụ của họ. Vẫn biết rằng, phục vụ khách hàng chính là công việc hàng ngày của những nhân viên làm các ngành nghề dịch vụ. Thế nhưng, thói quen cảm ơn họ là điều rất cần thiết. Lời cảm ơn lúc này thể hiện sự trân trọng của bạn đối với ngành nghề dịch vụ, đối với những người trực tiếp mang đến cho bạn sự thoải mái và hài lòng. Lời nói cảm ơn của bạn không chỉ bày tỏ sự văn minh trong giao tiếp mà còn là động lực để họ làm việc tốt hơn.
Lời nói cảm ơn thể hiện sự tôn trọng bản thân và những người xung quanh
Nói lời cảm ơn chính là cách bạn ý thức về bản thân mình, tôn trọng những người xung quanh và quý trọng sự giúp đỡ cũng như những tình cảm mà họ dành cho bạn. Bởi vậy, đừng ngại cảm ơn vợ hay mẹ của bạn mỗi khi họ chuẩn bị cho bạn một bữa sáng nóng hổi mỗi ngày, đừng ngại cảm ơn chồng bạn khi họ lấy giúp bạn một ly nước, hay thậm chí đơn giản như cảm ơn bác xe ôm khi được chỉ đường, cảm ơn một người lạ khi họ nhặt đồ dùm bạn trên đường…
***
Cách để bày tỏ lời cảm ơn
Nói lời cảm ơn như thế nào tùy thuộc vào hoàn cảnh, người bạn muốn cảm ơn và cả tính cách của bạn nữa. Thế nhưng, có một mẫu số chung cho tất cả những lời cảm ơn đó là sự chân thành.
Khi cảm ơn ai đó, bạn nên nói rõ tên của họ
Theo một nghiên cứu, mọi người thích được nghe lời cảm ơn có nhắc đến tên của họ. Điều này thể hiện sự cảm ơn đến từng người cụ thể, và giúp người nhận được lời cảm ơn cảm thấy họ thật “đặc biệt”.
Bày tỏ sự chân thành nhất khi nói lời cảm ơn
Hãy để người đối diện cảm nhận được rằng lời cảm ơn mà bạn gửi đến họ là xuất phát từ trái tim, sự trân trọng và biết ơn của bạn dành cho họ. Đừng để sự hời hợt, hay vô tâm làm mất đi giá trị của lời cảm ơn. Đôi khi, một lời cảm ơn vụng về còn gây tác động ngược lại theo hướng tiêu cực, khiến người nghe cảm thấy không được tôn trọng.
Nói cảm ơn một cách tự nhiên, không lúng túng
Những gì chân thành sẽ được bày tỏ một cách tự nhiên nhất. Và những lời cảm ơn tự nhiên nhất cũng mang lại giá trị bày tỏ và gắn kết cao nhất. Khi bạn nhận được sự giúp đỡ hay đơn giản bạn muốn bày tỏ sự biết ơn ai đó một cách lịch sự, hãy mỉm cười và nói cảm ơn họ một cách chân thành, tự nhiên nhất.
Nhìn thẳng vào người bạn muốn cảm ơn
Khi cảm ơn, bạn hãy nhìn thẳng vào người muốn nói. Một ánh mắt chân thành đôi khi còn có giá trị hơn cả lời nói.
Nói lời cảm ơn một cách thường xuyên
Cũng giống như những kỹ năng khác trong cuộc sống, lời cảm ơn cũng cần được “luyện tập” mỗi ngày. Khi bạn chưa quen, hãy tự ý thức mỗi khi nói. Lâu dần, thói quen này sẽ trở thành một bản tính đẹp đẽ, là điều mà mọi người nhớ đến mỗi khi nghĩ về bạn.
Và một điều thật tuyệt vời là bạn không mất quá nhiều thời gian để nói cảm ơn mỗi ngày, chỉ mất một phút thậm chí là vài giây thế nhưng hiệu quả mà nó mang lại vô cùng tuyệt vời. Hãy cảm ơn những người xung quanh và cảm ơn chính mình với những nỗ lực sống tốt mỗi ngày của bản thân mình. Giống như câu thơ của Kahlil Gibran, một thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban từng viết:
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày mới để yêu thương”
Ôm người thương yêu của bạn mỗi ngày
Ôm là hành động thể hiện tình cảm, nó không chỉ bày tỏ sự gắn kết giữa những người yêu thương mà còn giống như liều thuốc bổ tự nhiên cho sức khỏe.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Đây là kết quả được đưa ra từ một nghiên cứu trên trang Sage Journals. Nghiên cứu được tiến hành với sự tham gia của hơn 400 người lớn được cho tiếp xúc với một loại virus gây cảm lạnh thông thường. Sau đó, những người tham gia được chia ra làm hai nhóm và theo dõi sự phát triển của virus này. Một nhóm thường xuyên nhận được những cái ôm thân tình của những người thân mỗi ngày và nhóm còn lại thì không. Kết quả cho thấy, nhóm người nhận được những cái ôm hàng ngày có biểu hiện bệnh cảm lạnh nhẹ hơn nhóm còn lại.
Tránh nguy cơ huyết áp cao
Huyết áp cao là bệnh lý thường gặp, gây nhiều nguy hiểm và biến chứng cho người bệnh. Cụ thể, huyết áp cao có thể gây cứng động mạch, giảm lưu lượng máu và oxy trong tim, gây ra các bệnh lý ở tim. Ngoài ra, huyết áp cao còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở não và thận. Để phòng tránh, giải pháp thông thường là việc duy trì thói quen ăn uống, luyện tập lành mạnh mỗi ngày. Ngoài ra, những cái ôm cũng có tác dụng giúp làm giảm huyết áp của bạn.
Điều này đã được chứng minh qua một nghiên cứu trên tạp chí Biological Psychology. Các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra huyết áp của 59 phụ nữ tiền mãn kinh vào lúc trước và sau khi họ nhận được những cái ôm từ người chồng của mình. Kết quả cho thấy, nồng độ oxytocin của họ tăng lên và huyết áp giảm xuống sau khi nhận được một cái ôm. (Oxytocin là hormone âu yếm, hay còn gọi là hormone tình yêu. Đúng với tên của nó, hormone này xuất hiện bất cứ khi nào khi bạn thực hiện hành vi âu yếm, ôm ấp hay những hành vi gần gũi khác về mặt cơ học khiến cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và bớt căng thẳng hơn.)
Những cái ôm giúp nhịp tim của bạn chậm lại
Đây là kết quả của một nghiên cứu do Trường Y khoa tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) tiến hành trên các cặp đôi được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất được ngồi bên cạnh và nắm tay người bạn đời của mình. Sau đó, xem một bộ phim lãng mạn ngắn và ôm chặt người bạn đời của mình trong 20 giây. Trong khi đó, nhóm thứ hai không được ngồi cạnh, nắm tay, xem phim và hôn người bạn đời của mình. Sau đó, tất cả mọi người được theo dõi nhịp tim. Kết quả, nhóm các cặp đôi được xem phim và ôm người bạn đời của mình có nhịp tim thấp hơn so với nhóm còn lại.
Những cái ôm giống như liều thuốc giảm đau tự nhiên, giảm stress
Bạn còn nhớ khi nhỏ, mỗi khi bị ngã hay bị đau ở đâu đó, bạn sẽ ngay lập tức chạy đến chỗ cha mẹ mình để tìm kiếm một cái ôm. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy chỗ đau được dịu đi rất nhiều và nỗi sợ hãi cũng dần tan biến. Lý giải về vấn đề này, các nhà khoa học cho biết mỗi khi chúng ta ôm, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone có tên gọi là oxytocin, có khả năng làm dịu các cơn đau về thể chất và những “khó chịu” về tinh thần. Đồng thời, oxytocin còn được xem như liều thuốc bổ dành cho não bộ, có tác dụng tăng cường bộ nhớ, kích thích hệ thần kinh đối giao cảm, giúp chúng ta dễ trở lại trạng thái cân bằng mỗi khi căng thẳng.
Ôm mỗi ngày là chìa khóa của một cuộc sống lạc quan, hạnh phúc.
Khi chúng ta ôm, não bộ sẽ sản xuất ra dopamine, hay còn được gọi là “hormone hạnh phúc”. Dopamine mang đến cho chúng ta những cảm xúc sung sướng, an toàn và hài lòng. Đồng thời, lúc này, não bộ cũng giải phóng ra oxytocin, loại hormone giúp bạn cảm thấy yêu đời và hưng phấn hơn.
Chính vì những lý do này, để lan tỏa những cái ôm đến đông đảo cộng đồng, ngày chủ nhật trong tuần thứ ba của tháng bảy hàng năm được coi là ngày hội ôm quốc tế. Bởi vậy, các nhà khoa học khuyên chúng ta nên duy trì thói quen ôm những người thân của mình trung bình tám lần mỗi ngày để trở nên lạc quan, gắn kết và hạnh phúc hơn.
Kiềm chế cơn tức giận bằng cách ra khỏi phòng và hít thở sâu trong GO giây
Trong cuộc sống hàng ngày, với nhiều áp lực căng thẳng, những cơn tức giận là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, nếu không biết kiểm soát và khống chế sự giận dữ nổi lên trong cơ thể, bạn sẽ gặp phải những tác hại khôn lường đối với sức khỏe thể chất, tinh thần và những mối quan hệ của bản thân.
Mỗi cơn tức giận giống như một trận động đất trong cơ thể bạn
Các chuyên gia cho rằng, những cơn tức giận chính là hung thủ nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều căn bệnh. Y học Trung Quốc có câu nói nổi tiếng: “Tức giận hại gan, quá khích hại tim, buồn phiền hại phổi, lo lắng hại lá lách, sợ hãi hại thận. Bách bệnh sinh ra đều do tức giận mà nên”. Bởi thế, những cơn tức giận được xem là kẻ thù của cơ thể với rất nhiều nguy cơ xấu tiềm ẩn.
Tức giận gây nguy cơ tăng sản vú
Nhiều trong số các phụ nữ bị tăng sản vú là những người có tính cách nóng nảy, dễ giận dữ. Biểu hiện rõ nhất là khi tức giận, bạn có thể có cảm giác đau phần cạnh sườn, xung quanh vú, bụng trên sưng lên, cảm giác như có khí bên trong chặn lại hoặc đau. Nguyên nhân là do lượng khí không lưu thông được, bị đình trệ trong gan gây ra. Tích tụ lâu dần dẫn đến nguy cơ tăng sản vú. Phụ nữ sau sinh thường xuyên ở trạng thái tức giận dễ bị viêm vú. Phụ nữ trung niên và người cao tuổi thậm chí còn có nguy cơ bị ung thư vú.
Gây chóng mặt
Đông y cho rằng, tức giận sẽ sinh ra khí, khi lượng khí tăng cao sẽ khiến gan gặp vấn đề. Đồng thời, nếu khí không được lưu thông sẽ gây ra ong nhức đầu, đau đầu, đỏ mặt, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu, thậm chí trong nhiều trường hợp, những cơn tức giận đột ngột còn có thể gây xuất huyết não đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý liên quan đến vấn đề này.
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Một nguyên tắc trong điều hòa khí huyết là khi khí vận động thì máu mới lưu thông. Ngược lại, khi khí bị đình trệ sẽ dẫn đến việc huyết lưu thông không ổn định. Khi bạn tức giận, lượng khí trong cơ thể bị đình trệ nhiều ở lá lách, không thể di chuyển xuống phần thân dưới. Điều này dẫn đến máu lưu thông trong cơ thể không ổn định, gây rối loạn kinh nguyệt. Đồng thời, lượng khí bị bế tắc còn khiến bạn hay gặp phải chứng đau bụng kinh. Rối loạn kinh nguyệt gây tác động không nhỏ tới sức khỏe nữ giới, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con.
Tinh thần suy nhược
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tức giận thường xuyên sẽ khiến chúng ta luôn ở trong trạng thái khó chịu, nghi ngờ, buồn tẻ và thậm chí là trầm cảm. Nguyên nhân là bởi việc khí huyết lưu thông không ổn định do các cơn tức giận có tác động trực tiếp đến cảm xúc tinh thần của con người.
Chúng ta dễ dàng cảm thấy vui vẻ nếu khí và máu trong cơ thể lưu thông tốt. Và ngược lại, những cảm xúc tiêu cực sẽ thường xuyên đeo bám bạn nếu khí huyết ngưng trệ, và những cơn tức giận chính là thủ phạm giấu mặt.
Giảm chất lượng giấc ngủ
Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng để “tái tạo” lại cơ thể sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Việc ngủ đủ giấc là chìa khóa để duy trì một tinh thần minh mẫn, tình trạng sức khỏe tốt và đời sống tinh thần hứng khởi nhất. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc tức giận thường xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ, mất ngủ và hay mộng mị. Nguyên nhân là do các cơn tức giận làm tổn thương gan, khí trong gan bị bế tắc, gây ra sự phấn khích, mất ngủ và hay mộng mị.
Đây cũng chính là lý do tại sao sau khi trải qua một ngày căng thẳng, tức giận, dù bạn đã đi ngủ đúng giấc nhưng đến sáng hôm sau thức dậy bạn lại có cảm giác giống như mình chưa ngủ được chút nào cả đêm vậy.
Tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim
Khi bạn tức giận, một lượng máu dồn lên não và khuôn mặt, khiến lượng máu về tim giảm, dẫn đến nguy cơ thiếu máu cơ tim. Trong khi tim của bạn vẫn phải duy trì trạng thái hoạt động bình thường để đảm bảo việc lưu thông máu diễn ra tốt nhất đi nuôi cơ thể. Bởi vậy, lúc này, tim sẽ phải đập nhanh hơn bình thường, về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn.
Tăng nguy cơ đột quỵ
Tức giận được xem là kẻ thù số một của những người có tiền sử nhồi máu não, tim mạch. Bởi khi tức giận, cơ thể sẽ gây ra những biến động về huyết áp, từ đó có nguy cơ cao gây ra nhồi máu não, thậm chí là đột quỵ.
Khiến lượng đường trong máu tăng cao
Tức giận chính là nguyên nhân quan trọng khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hoặc làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn với những bệnh nhân đã mắc căn bệnh này rồi. Nguyên nhân là do việc tức giận sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Về lâu dài, sẽ khiến lượng đường máu vượt ngưỡng an toàn, gây ra bệnh lý tiểu đường. Bởi vậy, những bệnh nhân tiểu đường luôn được các bác sĩ khuyên duy trì tâm trạng vui vẻ, lạc quan, tránh những cơn tức giận hay căng thẳng kéo dài.
Tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
Làm việc căng thẳng, nóng giận thường xuyên là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý dạ dày, bên cạnh thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học. Nguyên nhân là bởi những cơn nóng giận gây ra sự phấn khích thần kinh giao cảm, làm giảm lượng máu lưu thông đến dạ dày, khiến khả năng làm việc của cơ quan này bị giảm sút, gây ra các chứng chán ăn, ăn không tiêu. Cùng với đó là sự gia tăng axit trong dạ dày gây nên chứng viêm loét dạ dày.
Tăng nguy cơ cường tuyến giáp, nổi u
Tức giận khiến hệ thống nội tiết của bạn bị rối loạn, tuyến giáp tiết ra nhiều hormone hơn. Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra cường tuyến giáp và xuất hiện các u tuyến giáp.
Giảm khả năng miễn dịch
Khi tức giận, cơ thể bạn sẽ tạo ra một lượng corticosteroid được chuyển hóa từ cholesterol. Khi lượng corticosteroid tích lũy quá nhiều trong cơ thể sẽ gây cản trở chuyển động của các tế bào miễn dịch, từ đó làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Tức giận gây tổn hại gan và phổi
Khi bạn tức giận, lượng khí trong cơ thể sẽ bị ứ đọng nhiều tại gan. Đồng thời, lúc này, cơ thể sẽ tiết ra chất catecholamine, làm tăng độc tố trong tế bào gan. Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc duy trì trạng thái trầm cảm, giận dữ trong thời gian dài là các yếu tố vô hình dẫn đến ung thư phổi.
Tức giận khiến bạn bị tức ngực và khó thở.
Khi tức giận ở trong một căn phòng kín, bạn sẽ có cảm giác khó thở. Lúc này, bạn thường có phản xạ muốn mở cánh cửa ra để hít thở và xoa dịu tâm trạng của mình. Nguyên nhân là do tức giận sẽ khiến tim đập nhanh hơn gây ra chứng đau tức lồng ngực và khó thở.
Cả giận mất khôn
Không chỉ gây ra nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, những cơn tức giận còn là thủ phạm khiến bạn có những cách ứng xử, phản ứng thiếu lý trí, đôi khi ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mối quan hệ. Dân gian có câu “cả giận mất khôn” chính là có ý đó.
Khi cáu giận, cơn bực tức như ngọn lửa cháy ngùn ngụt trong bạn, dẫn đến khó kiềm chế lời nói và những hành động không hay của bản thân. Có một anh nọ tính tình rất nóng nảy, nhiều lần đồng nghiệp chứng kiến những cơn giận dữ của anh ta khiến họ thấy e dè, ngại tiếp xúc, va chạm. Lâu dần, anh ta trở nên cô độc trong công ty, khiến bản thân cảm thấy buồn chán và công việc thường gặp nhiều khó khăn hơn.
Đôi khi, cơn giận khiến bạn không đủ tỉnh táo và lý trí dẫn đến việc buông ra những lời nói làm tổn thương người khác. Nhiều mối quan hệ bị rạn nứt cũng chính bởi những lần “cả giận mất khôn” như thế.
Chính vì những tác hại khôn lường của những cơn giận dữ, việc kiểm soát các cơn giận dữ là điều rất cần thiết để làm chủ cuộc sống của mình. Nhiều người cảm thấy bế tắc để thay đổi tính cách nóng nảy của mình. Họ vin vào lý do “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, cho rằng nóng tính là một phần con người mình, rất khó thay đổi. Thế nhưng, đây không phải là điều không thể. Thậm chí chỉ mất một phút, bạn đã đủ sức dập tắt những cơn giận dữ đang muốn bùng cháy.
***
1 phút hít thở sâu để dập tắt ngọn lửa giận dữ bùng cháy trong bạn
Mỗi khi bạn nhận thấy cơn giận dữ đang lớn dần lên trong mình, hãy dừng lại mọi suy nghĩ, đừng hành động hay phản ứng bất kỳ điều gì nếu không muốn phải ân hận sau này. Điều bạn cần làm ngay lúc này là bước ra ngoài, tìm đến không gian khác. Nếu một ai đó khiến bạn giận dữ, đừng vội phản ứng lại bất cứ điều gì, hãy đi đến một nơi không nhìn thấy họ. Việc thay đổi không gian sẽ thay đổi tâm trạng, làm dịu đi phần nào những nóng nảy, bực tức. Lúc này, bạn cố gắng tập trung hít thở sâu. Việc hít thở sâu sẽ giúp cung cấp nhiều oxy hơn cho tim và não, giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh và minh mẫn, điều dễ dàng đánh mất khi bị những cơn căng thẳng xâm chiếm.
Đánh tan những cơn giận dữ chính là cách để bạn tiến gần hơn đến một cuộc sống an lạc, bình yên và hạnh phúc.
Viết nhật ký giải tỏa ưu phiền
Không đơn giản chỉ là viết ra những điều bạn đã làm, những tâm trạng mà bạn cảm thấy, nhật ký còn là liều thuốc an thần giúp giải tỏa ưu phiền và tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Viết nhật ký giúp cải thiện trí nhớ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viết nhật ký thường xuyên giúp bạn có một trí nhớ tốt hơn. Nguyên nhân là do não bộ có khả năng ghi nhớ tốt nhất khi ở trạng thái thư giãn. Viết nhất ký sẽ giúp bạn “xả” ra ngoài trang giấy những cảm xúc không vui, trạng thái tiêu cực, nhờ đó, bộ não và trí óc được “làm sạch” để dành cho việc ghi nhớ các thông tin. Cùng với đó, hành động viết sẽ sử dụng đến não trái, vùng não của lý lẽ, số liệu và phân tích, trong khi đó, não phải sẽ được tự do để sáng tạo, cảm nhận và tiếp nhận thông tin.
Viết nhật ký giúp giảm lo âu
Điều này được minh chứng rõ trong một nghiên cứu được công bố năm 2017 tại Đại học Michigan. Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, viết nhật ký có khả năng làm giảm lo âu, đặc biệt với những người có xu thế phức tạp hóa vấn đề. Tiến sĩ Jason Moser, Giám đốc phòng thí nghiệm sinh lý học lâm sàng của Đại học Michigan lý giải: “Việc viết ra những cảm xúc bên trong bạn sẽ làm cho tâm trí được giải phóng khỏi những căng thẳng, các lo âu nhờ đó được “đốt cháy”. Đây được xem như việc “đánh lạc hướng” bộ não, giúp nó thoát ra khỏi những buồn phiền một cách nhanh chóng”. Mỗi ngày, khi chúng ta học tập, làm việc hay tiếp xúc với những mối quan hệ xung quanh, không tránh khỏi những lúc thất vọng, buồn phiền. Đừng để những cảm xúc tiêu cực ấy đeo bám bạn trong thời gian dài. Cách tốt nhất là hãy gửi nó vào những trang giấy và đóng lại. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng cảm thấy thư giãn, và mọi chuyện không vui sẽ dịu nhẹ đi rất nhiều.
Viết nhật ký giúp bạn có giấc ngủ ngon
Năm 2013, tạp chí Time đã tiến hành một nghiên cứu để làm rõ vấn đề này. Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được yêu cầu viết nhật ký về những trải nghiệm đau thương của họ trước khi đi vào giấc ngủ. Kết quả, những người này có xu hướng cải thiện giấc ngủ tốt hơn. Đồng thời, những đau khổ và tổn thương tinh thần của họ cũng được phục hồi nhanh chóng. Vậy nên, nếu bạn có chuyện không như ý mà không thể tâm sự cùng ai, thì hãy nghĩ ngay đến việc tâm sự với chính mình thông qua cây bút và trang nhật ký. Tất nhiên, chỉ viết nhật ký không phải là giải pháp giải quyết tận gốc những đau buồn trong lòng bạn. Nhưng đây là cách hỗ trợ hữu hiệu giúp nỗi đau trong lòng bạn tạm thời nguôi ngoai và bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Việc có được giấc ngủ ngon khi bạn rơi vào lo lắng, stress cũng là cách để giải tỏa căng thẳng, vượt qua những tâm trạng và hoàn cảnh tiêu cực.
Viết nhật ký có khả năng giảm trầm cảm
Đây là kết quả một nghiên cứu được tiến hành bởi tạp chí Affective Disorders đối với những người bị trầm cảm và rối loạn trầm cảm nặng. Sau một thời gian duy trì thói quen viết nhật ký mỗi ngày, những người này có tỷ lệ suy giảm trầm cảm rất lớn và khả năng phục hồi các triệu chứng trầm cảm diễn ra nhanh hơn khi chỉ sử dụng các phương pháp trị liệu trước đó.
Viết nhật ký giúp bạn đạt mục tiêu nhanh hơn
Nếu muốn nhanh chóng đạt được một mục tiêu nào đó, thay vì chỉ nghĩ đến chúng ở trong đầu, bạn hãy viết chúng xuống giấy. Một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Dominican California chỉ ra những người viết xuống giấy mục tiêu của họ sẽ có khả năng biến chúng thành sự thật cao hơn những người không làm việc này. Bởi việc ghi ra các mục tiêu sẽ giúp bạn thể hiện nhiều quyết tâm hơn để thực hiện nó so với việc chỉ nghĩ đến trong đầu. Đồng thời, viết ra các ước mơ của mình cũng thúc đẩy nâng cao tính tự giác để từng bước biến mong muốn thành thực tế. Viết nhật ký cũng giúp bạn hiểu rõ hơn về những suy nghĩ, tính cách và mong muốn thực sự của bản thân.
Trong cuộc sống hàng ngày, sẽ rất nhiều lúc bạn gặp phải những lo âu căng thẳng, những chuyện buồn mà bạn không thể hoặc không muốn tâm sự với ai, lúc này, hãy thư giãn bằng cách ngồi xuống, viết ra tất cả những suy nghĩ, trải nghiệm đã trải qua. Dù chỉ là một hoặc hai dòng chữ trong vòng một phút. Bạn không cần là người có khả năng viết tốt, chỉ đơn giản và viết ra tất cả những gì đang “chạy” trong đầu bạn, những chuyện mà bạn yêu thích hoặc không yêu thích. Hoặc đơn giản, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy dành ra một phút, viết ra điều mà bạn yêu thích nhất hoặc không thích nhất trong ngày hôm nay. Điều này sẽ giúp mỗi ngày của bạn trôi qua một cách đáng nhớ và hạnh phúc hơn.
Một phút tĩnh lặng bằng một giờ bình an
Giống như màu đen có khả năng hấp thụ mọi màu sắc khác, sự tĩnh lặng hấp thụ năng lượng từ những âm thanh khác trong cuộc sống để tạo ra thanh âm của sự bình an trong tâm hồn. Cuộc sống ngày nay, chúng ta bận rộn với nhiều bộn bề, lo toan, đôi khi quên đi những sự tĩnh lặng cần thiết trong tâm hồn. Nhiều người quen với những âm thanh ồn ào khiến họ cảm thấy cô đơn mỗi khi đối mặt với sự tĩnh lặng. Thế nhưng, khi bạn tận hưởng từng giây phút tĩnh lặng một cách trọn vẹn nhất, bạn sẽ tìm được sự cân bằng và bình an trong tâm hồn mình.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói về sự tĩnh lặng trong âm nhạc: “Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là sự rối loạn mà thôi”.
Câu chuyện về đức Phật được ghi lại khi ngài đang tu tập tại tu viện Jetavana (Ấn Độ) chính là minh chứng về giá trị của những phút lặng yên đối với sự bình an trong tâm hồn mỗi người. Bên cạnh 200 tu sĩ đã ở đây cùng bụt từ trước, khóa an cư năm ấy tại Jetavan có thêm khoảng 300 tu sĩ khác từ Kosambi đến. Vừa gặp nhau, các tu sĩ rất vui mừng trò chuyện thăm hỏi. Không khí tu viện lúc này trở nên rất ồn ào, huyên náo. Từ trong phòng mình, Bụt hỏi một vị đệ tử: “Có chuyện gì mà ồn quá vậy?”. Lúc này, vị tu sĩ trả lời: “Có quý thầy từ Kosambi đến, gặp nhau mừng rỡ quá nên mọi người nói cười lớn tiếng. Xin Đức Thế Tôn tha lỗi cho họ”.
Bụt chậm rãi nói: “Nếu ồn ào như vậy thì mời họ đi nơi khác, không thể ở lại nơi đây được”. Bụt muốn dạy cho các tu sĩ bài học về sự tĩnh lặng và năng lượng bình an.
Vị đệ tử bên cạnh Bụt khi ấy đi thông báo lại cho các tu sĩ những lời Bụt vừa nói. Lúc này, các vị tu sĩ im lặng, rời đi một nơi khác gần đó để an cư. Trong suốt 90 ngày an cư, mọi người ghi nhớ lời Bụt dạy, không đánh mất mình trong những cuộc trò chuyện phiếm huyên náo, vô bổ như vậy nữa. Mọi người tập trung toàn bộ thời gian và năng lượng thực hành chánh niệm, cuối mùa an cư, họ đã gặt hái được nhiều chuyển hóa trên con đường tu tập của mình. Sự yên lặng trong thời gian dài không làm họ trở nên nặng nề, u uất mà trái lại, mọi người có thời gian để đi sâu vào chính bên trong con người mình để giác ngộ ra nhiều điều.
Vào ngày kết thúc mùa an cư, các vị tu sĩ muốn trở lại cám ơn Bụt đã chỉ dạy cho họ đạt nhiều tiến bộ trên con đường tu tập. Lúc này, Bụt cho gọi mọi người đến và chắp tay xá chào. Khi ấy khoảng 7 giờ tối. Thầy trò ngồi với nhau im lặng từ lúc gặp mặt đến nửa đêm, không ai nói với ai lời nào. Thầy Ananda, thị giả bên cạnh Bụt, đến bên ngài và nói: “Bạch Đức Thế Tôn, bây giờ đã là nửa đêm rồi, Đức Thế Tôn có gì muốn nói cho các quý thầy nghe không?”. Bụt vẫn giữ yên lặng và mọi người tiếp tục ngồi cùng nhau như vậy đến 3 giờ sáng. Lúc này, thầy Anan- da hơi lúng túng: “Bây giờ đã là 3 giờ sáng rồi, Đức Thế Tôn có gì muốn nói với quý thầy không?” Không đáp lại, Bụt tiếp tục duy trì trạng thái ngồi thiền. Đến 5 giờ sáng, thầy Ananda trở lại nói với Bụt: “Bạch Đức Thế Tôn, mặt trời đã lên rồi, Ngài không có điều gì muốn nói với quý thầy chăng?”. Lúc này, Bụt mới lên tiếng: “Thầy muốn ta nói điều gì? Thầy trò ngồi cùng nhau hạnh phúc, bình an như vậy chưa đủ hay sao?”. Lúc này, Bụt đã giúp các tu sĩ thực sự hiểu hết giá trị của những giờ tĩnh lặng mà họ ngồi cạnh nhau đôi khi còn quý giá hơn nhiều những lời trò chuyện. Những giờ phút tĩnh lặng ấy giúp họ hiểu về chính mình, hiểu về những người bạn cùng tu với mình. Sự gắn kết trong tĩnh lặng đôi khi còn giá trị hơn mọi lời nói.
Và câu chuyện dưới đây về lớp học quậy phá của cô giáo dạy toán Naomi Baer được đăng trên tạp chí Inquiring Mind (Mỹ) năm 2003 là minh chứng thực tế về vai trò của một phút tĩnh lặng. Naomi Baer là một giáo viên dạy toán tại trường trung học ở thành phố St. Paul, Minnesota. Ở các trường trung học Mỹ, tùy theo khu vực và tùy theo lớp, trong ngày học sinh sẽ có từ 4 tới 8 tiết học, mỗi tiết kéo dài 50 phút. Cô giáo Naomi Baer kể lại: “Tôi thường khởi đầu các tiết học với phút vắng lặng. Thói quen này bắt đầu từ năm 1997, khi ấy tôi đang phụ trách giảng dạy cho một lớp học có rất nhiều học sinh quậy phá. Khi ấy, cô giáo dạy toán đã tiến hành việc bắt đầu duy trì một phút yên lặng trước khi bắt đầu mỗi tiết học. Naomi Baer yêu cầu cả lớp hít thở sâu, ngồi thẳng lưng, đặt hai bàn chân lên sàn và hoàn toàn yên lặng trong vòng 60 giây. Bắt đầu, Naomi Baer rung một tiếng chuông, sau đó, tất cả nhắm mắt lại và hít thở sâu trong yên lặng hoàn toàn. Sau khi kết thúc một phút, Naomi rung một tiếng chuông và yêu cầu mọi người trở lại trạng thái bình thường. Lúc này, mỗi học sinh sẽ phải quay sang nói cảm ơn với bạn ngồi cạnh mình. Ban đầu, mọi người tỏ ra nghi ngờ với cách làm này của Naomi. Có những học sinh chế giễu cô, một số khác thì lờ đi, nhưng Naomi biết, trong một phút đó, sự ồn ào đã giảm đi rất nhiều. Bởi vậy, cô tiếp tục duy trì phương pháp này. Sau thời gian, sự yên lặng và tập trung của các học sinh ngày càng được cải thiện đáng kể, thành tích học tập của các em cũng tăng lên. Nhiều học sinh đã nói cám ơn cô về phương pháp này. Một hôm, khi cô giáo còn đang bận bịu việc khác, một học sinh chủ động nói với cả lớp: “Chúng ta cùng thư giãn chứ nhỉ?” và rung chuông. Mọi người cùng ngồi trong một phút yên lặng. Từ đó trở đi, các học sinh thay phiên nhau rung chuông để bắt đầu mỗi giờ học và rất hào hứng với một phút tĩnh lặng này. Sau này, ở các lớp học khác của mình, cô Naomi đều duy trì phương pháp bắt đầu giờ học đặc biệt này và các học sinh của cô đều cho thấy sự tập trung và bình tĩnh nhiều hơn trong thời gian học tập.
Đạo Phật đặc biệt đề cao sự tĩnh lặng trong tâm hồn với quan niệm một phút tĩnh lặng bằng một giờ bình an và coi đây như chìa khóa để đi tìm sự an lạc. Mỗi ngày, chúng ta đều trải qua rất nhiều căng thẳng trong công việc, cuộc sống, bởi vậy, việc tự tìm lại nguồn năng lượng bình an, cân bằng là điều rất cần thiết để duy trì một cuộc sống an lạc. Và lời khuyên dành cho bạn là hãy dành ra một phút mỗi ngày vào buổi sáng thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ ngồi yên lặng một mình trong không gian nào đó mà bạn yêu thích. Bạn chỉ cần duy trì tư thế thoải mái nhất, có thể ngồi thiền hoặc không nhưng nên giữ thẳng lưng, sau đó hít thở sâu. Trong một phút này, bạn có thể tự trò chuyện với chính mình hoặc chỉ tập trung hoàn toàn vào hơi thở. Một phút chỉ nghĩ về những điều tích cực, lạc quan nhất có thể. Ngay sau đó, bạn sẽ tìm lại được năng lượng bình an tràn ngập trong mình. Một phút để tâm hồn và cơ thể hoàn toàn lắng lại, để bạn dành trọn thời gian và tâm trí cho chính mình. Từ đó, sự cân bằng sẽ trở lại. Chỉ một phút bình an mỗi ngày sẽ giúp bạn thu nhận những nguồn năng lượng tích cực nhất, để gạn lọc những lo âu, buồn bã, căng thẳng và duy trì một cuộc sống bình an, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.