Sự nghiệp chống xâm lược Pháp, Mỹ của dân tộc ta giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng chúng ta cũng chịu những tổn thất to lớn về sinh mạng và tài sản. Trong cuộc chiến gian nan, cam go ấy đã xuất hiện những nhân cách vị tha, cao cả, những mối tình dang dở, những số phận vui buồn…
Thái xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, cha mất sớm nên chuyện cơm gạo hàng ngày trở thành chuyện lớn, mà hoài bão nơi anh lại nung nấu nhiều dự định, rất nhiều mơ ước về cuộc đời. Nhờ có người mẹ tần tảo và ý chí vươn lên của bản thân, Thái đỗ thủ khoa cử nhân. Anh được giáo sư quý trọng, được các bạn đồng khoa mến phục, được một tiểu thư quyền quý nặng lòng yêu thương... Anh có điều kiện vô cùng thuận lợi để bước theo con đường khoa học và anh cũng khao khát đi trên con đường đó để thực hiện hoài bão của mình. Vì tình bạn với người sinh viên Lào, anh hi sinh tình yêu; vì tiếng gọi cứu quốc anh hi sinh khát vọng học vấn, tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa.
Thái bôn ba trong chiến tranh mà vẫn không nguôi mơ ước trau giồi tri thức, nhưng anh biết xác định việc cần làm trước, việc cần làm sau; không có nhiệm vụ nào của cấp trên giao mà anh không hoàn thành. Anh có nhược điểm là “trong tình cảm lừa anh dễ lắm” và quá cầu toàn. Vì cầu toàn mà cuộc tình của anh với Thục bị lỡ nhiều lần, hai mươi năm vun đắp mà cây tình yêu vẫn tiều điều.
Thục rất yêu Thái, yêu trong chờ đợi, hờn giận và thuỷ chung rất phụ nữ - Thái là bộ đội, cô xung phong đi bộ đội với mong mỏi ở cùng môi trường công tác với người yêu; Thái đi B, cô xung phong vào B với hi vọng gặp người yêu ở nơi khói lửa; vậy mà số phận Thục vẫn rất xót xa, cô ở cùng đơn vị với người yêu mà chẳng được gặp người yêu. Khi vợ chồng anh bạn Lào mừng quần áo cưới, vợ chồng anh bạn Cam-pu-chia mừng tiệc cưới đồng đội sốt sắng lo toan cho cuộc tình của cô và Thái được trọn vẹn và cô hớn hở thử áo cưới trong căn cứ Xen Kẹo thì Thái hy sinh ngoài biên giới Miên - Việt.
Đức Phong là thanh niên nông dân năng nổ. Anh đang là Bí thư huyện uỷ thì được động viên vào bộ đội. Nét mạnh của anh là sự hồn nhiên rất “bộ đội cụ Hồ”. Thời chống Pháp cấp trên và đồng đội có ý hỏi vợ cho anh, anh bảo: “Các thủ trưởng để tôi đi thăm dò đã”. Anh đã “hỏi vợ” theo kiểu con nhà lính. Khi làm cố vấn giúp bạn Lào, anh xắn quần lội xuống nước hướng dẫn nông dân Lào cấy lúa theo phương pháp canh tác Việt Nam có năng xuất cao. Khi ở tư thế chỉ huy, anh biết vận dụng, khai thác khả năng của cấp dưới để hoàn thành những nhiệm vụ tưởng như không thể thực hiện nổi: “Bộ cấp cho dăm gùi vải mà bắt “lính” chống đói cho hàng vạn người”. Khi biết Thái và Thục - Hai sỹ quan dưới quyền mình đã bảo vệ, vun đắp tình yêu ròng rã hai chục năm, anh quyết định tạo điều kiện cho họ thành đôi lứa… mặc dù khi ấy Thái đang công tác ở ngoài biên giới Miên - Việt, Thục thì ở mãi trong căn cứ Xen Kẹo - nằm ở góc biên giới Miên - Lào, anh phái người đi thay Thái để ... “Cưới ngay tắp lự”.
Trong tác phẩm, thấp thoáng bóng dáng những bà mẹ, mới thấp thoáng mà đã lấp lánh tính nhân từ, đức hy sinh. Bà Nguyệt - bà mẹ chỉ có Thái là người con độc nhất rất mực cần thiết với bà, khi Thái ngỏ lời muốn đi chiến đấu chống ngoại xâm, bà đau đớn nghĩ thầm “Nó sinh ra đâu để đi vào nơi bom rơi đạn nổ”; nhưng tấm lòng hiền mẫu nơi bà vẫn bao la: “Con hãy làm những việc mà con cho là đúng”. Bà Thắm nói với các anh bộ đội - con nuôi: “Từ nay khi trái nắng trở trời, các con hãy về đây. Cửa nhà này lúc nào cũng rộng mở đón các con.” Bà mế miền núi không muốn gả con gái cho người Kinh, vì sợ nó theo chồng về xuôi mất, ấy thế mà dám: “Chẳng gả con gái cho bộ đội thì gả cho ai”...
Một thời để nhớ là cuốn tiểu thuyết lịch sử, biên niên lại cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc từ 1945 đến năm 1968 chứa đựng nhiều sự kiện gay cấn, hào hùng của dân tộc và đề cập đến vai trò lãnh đạo của một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vì vậy, Nhà xuất bản xin lưu ý bạn đọc, vì là “tiểu thuyết” nên các sự kiện, nhân vật, ngày giờ không đòi hỏi chính xác như người chép sử. Chúng tôi chỉ mong muốn, đọc xong cuốn sách bạn đọc cảm nhận “vì tình yêu tôi hy sinh tất cả, vì Tổ quốc tôi hy sinh tình yêu” như nhà thơ Hungari đã nói.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Công an nhân dân