Phố Hang-ri Ri-vi-e(1) rộn ràng tiếng đồng ca mùa hè của hàng trăm chú ve sầu sống vô tư lự trên những cây me cổ thụ lá từng chòm xanh mướt. Khu biệt thự của giáo sư Mê-ri-me Đa-nhi-en gồm nhiều khối nhà hình hộp lớn bé hài hoà, kiến trúc kiểu Gô - tích thời Phục Hưng, tọa lạc ở giữa phố. Qua tiền sảnh tới ngay phòng khách. Chủ nhà đang ở đó. Ông ngồi trong chiếc ghế bành bọc da nâu, sau ông là tủ sách, trước ông là tượng bán thân I-sắc Niu-tơn(2) Giáo sư đang đọc bản luận văn bảo vệ đề tài tốt nghiệp của thí sinh Trịnh Duy Thái.
(1) Phố Ngô Quyền.
(2) Nhà bác học Anh, người tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn.
Đa-nhi-en là ông già cứng cỏi, tóc trắng phơ, da hồng như trái đào chín, ông đeo cặp kính cận quá dầy, nên chỉ thấy lấp lánh mà không phân biệt nổi màu mắt... ngắm thân hình, dáng vẻ ông cũng có thể biết đây là người sung mãn về vật chất và tinh thần. Quá trình thi cử, báo danh đã hoàn tất mọi thủ tục. Ông không có chân trong ban giám khảo, sinh viên do ông hướng dẫn tốt nghiệp với tỷ lệ cao, ông có thể xoa tay tự bằng lòng với công việc đã làm. Ai cũng tâm lý ấy thôi. Thế mà ông vẫn chưa thực sự thoả mãn. Ông quan tâm đặc biệt tới tài năng của chàng sinh viên mà ông ưu ái nhất nên mượn tập luận văn này về đọc. Con chim Bách Thanh nghênh đầu nghe con chim Hoàng Oanh hót... Còn ông, ông tán thưởng những giả thiết, những minh hoạ, những lập luận chặt chẽ bằng tiếng "bon", "très bon", "merveilleux"(1) cuối cùng ông gõ ngón tay lên tập luận văn đánh giá:
- Không thể ưu việt hơn nữa!
(1) Tốt, tốt lắm, tuyệt vời.
Trịnh Duy Thái đỗ thủ khoa khóa cử nhân khoa học đầu tiên của trường đại học Đông Dương khiến ông vui mừng như chính mình sắp nhận giải thưởng Nô-ben. Khoa học đối với ông là một tín ngưỡng; ông yêu khoa học cuồng nhiệt và quý tài năng khoa học hơn bất cứ thứ gì có trên đời. Ông quan niệm, nếu chúa trời sinh ra vạn vật thì tài năng là sứ giả của Chúa phái xuống để biểu dương vạn vật. Tình yêu, tiền bạc và danh vọng đối với ông là nhu cầu thích ứng tình huống, tôn vinh khoa học mới là khát vọng thiết yếu. Có đồng nghiệp bài bác ông về tính "cuồng tín khoa học" không mang bản sắc nhân văn. Ông thản nhiên đáp: "Chúa sinh ra Đa-nhi-en để Đa-nhi-en phục vụ khoa học. Cống hiến hết mình cho khoa học đã mang ý nghĩa nhân văn cao cả". Tâm và chí của ông đều hướng vào khoa học. Cái cây ông dồn tâm trí vun trồng đã nhú nụ, ông có nghĩa vụ tiếp tục thúc đẩy cho cái nụ ấy nở hoa, tỏa hương cho đời thấy vẻ đẹp và mùi thơm. Ông biết giá trị việc mình làm. Nếu không có hiệu trưởng Hen-ri-xtâu khuyến khích thì chắc gì thế giới được sớm có Niu-tơn vĩ đại; nếu không có lòng đam mê trí thức thì Lô-mô-nô-sốp chỉ là gã đánh cá nghèo hèn ở làng chài Đa-ni-sốp-ka hẻo lánh...
Chợt trông thấy Duy Thái ôm bó hoa tươi bước vào phòng, Giáo sư Đa-nhi-en hớn hở đứng dậy. Đang nghĩ tới Đức chúa thì Thánh Pi-e bước đến. Còn gì vui bằng. Sau vài cử chỉ xã giao thân thiết và lịch thiệp, giáo sư gõ ngón tay xuống bản luận văn, trầm trồ:
- Tuyệt lắm! Trịnh Duy Thái à! Phát kiến của em về sự tồn chứa "tập mờ"(1) trong toán học hiện đại quả là táo bạo.
Thái là một thanh niên cao ráo, cặp mắt to có cái nhìn lơ ngơ chân thật, nụ cười tươi thể hiện sự nhân hậu chân thành, Đa-nhi-en đối với anh không chỉ là giáo sư mà còn là một ân nhân. Anh thành thật bộc lộ:
- Tâm huyết của giáo sư dồn cho em, em đâu dám sao nhãng. Về "Tập mờ" em mới cảm thấy mà chưa định hình, em e mình mắc lỗi ngông cuồng.
(1) Năm 1965, nhà toán học Mỹ L.A Zaceh mới sáng tạo hoàn chỉnh lý thuyết Tập mờ - một phương hướng toán học mới.
Giáo sư đã có định hướng cho chàng cử nhân tài hoa, nhưng ông vẫn dành cho anh ta sự lựa chọn:
- Thầy có thông tin chắc chắn: Tòa Khâm Sứ Bắc Kỳ dành sẵn cho thủ khoa khóa này một ghế tham biện(2); giáo sư Hiệu trưởng trường ta cũng đã xin được một suất học bổng du học, em có thể sang Soóc-bon(1) để bước tiếp trên con đường khoa học. ý em thế nào?
Thái nén hồi hộp, đầu anh loang loáng những tin tức thu thập được qua báo chí và qua những buổi đàm luận với bạn bè. Khuôn mặt thế giới vẫn đang tiếp tục đổi thay, nhiều cuộc chiến tranh nhằm xác định quyền bá chủ đã khơi ngòi: ý của Mút-xô-li-ni xâm lược Ê-tô-pi; Tây Ban Nha đã biến thành vượng địa của tên độc tài quân sự Phờ-răng-cô; Nhật Bản chịu sự lũng đoạn của cường thần Tô-gô-hi-de-ki trương lá cờ Đại Đông á, gây sự biến Lư - Cầu - Kiều, mở rộng chiến tranh gặm dần nước Trung - Hoa rộng lớn, các nước Đông Nam á nằm dưới sức rướn của lưỡi kiếm Nhật; Đức và A-đôn Hit-le biến nước áo thành thuộc địa tràn sang làm chủ Tiệp Khắc; nhiều nước Bắc Âu, Tây Âu như Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Lúc Xăm Bua và cả Pháp đều ở trong tầm ngắm của đại bác Đức... Anh thổ lộ mối quan ngại của mình đối với người đỡ đầu.
Giáo sư Đa-nhi-en hiểu mối lo có cơ sở của Thái.
(2) Viên chức có cương vị phụ trách ở Tòa Công Sứ, Khâm Sứ...
(1) Trường đại học lớn nhất của Pháp.
- Hiệp ước Muy-ních ký kết giữa Pháp, Anh, Đức và ý đã trịnh trọng xác nhận sự cam kết không xâm phạm lẫn nhau. Mục tiêu của các nước trục(2) là Mát-xcơ-va. Pa-ri tráng lệ cũng như Thăng Long hào hoa là mảnh đất "phi chiến địa" - Ông nhìn chằm chằm chàng trai tiềm tàng nhiều nội lực, cân nhắc giây lát rồi mới nói tiếp: - Em sinh ra không gặp thời. Thực là thiệt thòi lớn cho những tài năng có thể khai thác, có thể bộc lộ. Dù sao, bổn phận của giới trí thức đối với khoa học vẫn phải là cố gắng.
Thái nhìn thầy giáo, lưỡng lự giây lát rồi đáp:
- Em yêu khoa học không cần vận tới dũng khí "tử vì khoa học" như Bru-nô - dám bước lên giàn thiêu chứ không chịu phủ nhận chân lý... Em còn mẹ già. Nếu được mẹ em bằng lòng nữa thì thực là em lại có thêm cơ hội không phụ lòng yêu thương của thầy.
*
Bà Nguyệt sống cảnh mẹ góa con côi khi tuổi xuân bước vào thời kỳ sung mãn nhất. Bà và con hai bóng một đèn chẳng bao giờ xa nhau. Ngày Thái còn bé, con đi đâu hơi lâu là bà đã thấy thấp thỏm trong lòng và tưởng tượng ra mọi trường hợp rủi ro. Ngày Thái đi học, bà những lo cùng toan, suốt ngày chả lúc nào ngơi tay, chỉ mong "chân cứng đá mềm" lam làm nuôi con ăn học, lo sao cho con kịp chúng bằng bạn. Bà ăn đói mặc rách dành dụm từng đồng cho con đèn sách; tuy trồng cây chưa tới kỳ ăn quả, nhưng cũng mát lòng hả dạ, Thái thông minh, rất ham học và được bạn bè quý mến. ít có người bền chí, chịu đói khổ, kiên trì theo việc học như con trai bà. Nhà nghèo, bà không thể chu tất tiền trọ, tiền ăn cơm hàng ở thành phố; sáng sáng, Thái dậy sớm ăn vài củ khoai lang luộc hoặc bát cơm nguội với cà muối, vội vàng nhét cơm nắm vào trong cặp rồi ba chân bốn cẳng chạy gần mười cây số từ nhà lên thành phố Nam Định; không phải một vài tháng như thế mà kéo dài cả mấy năm. Bà ngậm ngùi xót con thì Thái cười gạt đi:
- Coi như con chạy thể dục ấy mà.
Ngày Thái lên Hà Nội, bà đi theo để chăm sóc con.
Được cái, rời quê nhà Nam Định tới Hà Nội quê người mà mẹ con bà cũng không bơ vơ. Bà Thanh - em gái họ bà Nguyệt sống trong cơ ngơi khang trang ở Ngõ Huyện, ấp Thái Hà kề bên Dinh Hoàng Cao Khải - Khâm sai Bắc Kỳ, dọn cho mẹ con chị gian nhà xép. Tuy tên gọi gian xép nhưng của một gia đình bề thế nên khá cao ráo rộng rãi. Nhờ vậy, mẹ con bà Nguyệt dẫu ở nhờ mà vẫn thoải mái như sống dưới mái nhà mình. Bà Nguyệt chỉ lo ngày ngày gồng gánh lên vai kiếm gạo nuôi con; học phí không phải đóng, tiền sách vở Thái tự lo bằng cách đi dậy thêm.
Ở Hà Nội, Thái có nhiều bạn tâm giao thường đến nhà chơi, họ hoặc là những nhân vật danh giá hoặc là những ông cử tương lai, người nào cũng lịch lãm, hòa nhã... Một điều "bẩm mợ" hai điều "thưa mẹ" với bà. Trong số khách ấy, có năm người khiến bà chú ý hơn cả. Một người Pháp có tuổi, giáo sư Đa-nhi-en ân cần, trịnh trọng rất mực đối với bà. Ông nói:
- Cây tốt nảy quả ngon. Bà đã đem đến cho đời một viên ngọc quý.
Một lời nói mà xóa hết nỗi nhọc nhằn lo âu trong bà.
Người thứ hai là sinh viên Lào: cậu Xi-xúc, con trai một nhân vật có uy thế trong vương triều Viên Chăn. Xi-xúc quấn bên Thái như đôi tình nhân. Tình bạn của họ thật khác thường. Hồi đầu, Xi-xúc chưa biết nói tiếng Việt Nam, chỉ ngồi ngắm bà và cười; mấy tháng sau Xi-xúc tới, vừa trông thấy bà đã khoe bằng tiếng Việt khá sõi:
- Con muốn nói chuyện với mẹ của bạn Thái nên con đã học tiếng Việt. Từ nay, mẹ, anh Thái và con không còn bị trở ngại ngôn ngữ ngăn cách.
Thực ra, Xi-xúc học tiếng Việt cũng vì động cơ khác nữa.
Nhân vật thứ ba là Un-xê một sinh viên Cam-pu-chia, tính tình trung thực, sôi nổi, trân trọng tình bè bạn; mỗi lần đến chơi, Un-xê lại thân mật vòi:
- Hôm nay mẹ vẫn cho con uống rượu làng Vân đấy chứ?
Ba người này - Thái, Xi-xúc, Un-xê có lời nguyền: gần vì nhau, xa nhớ nhau, dù sông đổi dòng núi rời chỗ cũng không phụ nhau".
Người thứ tư là Băng Huyền, con gái vị chủ sự trong Phủ Toàn quyền, đang học ở trường Thăng Long; Thái là thày dạy học thêm của cô.
Giáo sư Đa-nhi-en nhận xét họ:
Thái, Xi-xúc, Un-xê là ba chàng Ngự lâm quân, Băng Huyền là Đác-ta-nhăng.
Nhân vật thứ năm là nhà báo Trần Khang - sinh viên đại học Tổng Hợp bị đuổi học vì ngờ tham gia hội kín, anh là người đàng hoàng, cử chỉ ý tứ, nói ít nhưng nói lời nào xác đáng lời ấy. các bạn đặt cho anh biệt danh "u tì quốc". Kháng quý Thái và rất trân trọng bà Nguyệt; sau đó Kháng bị mật thám lùng bắt phải bỏ trốn.
Với tấm lòng người mẹ, bà quyến luyến Băng Huyền như tình mẹ với con gái. Băng Huyền có cặp mắt to lóng lánh và nụ cười mỉm huyền bí... Chẳng lẽ vì thế mà nàng ta mang tên Băng Huyền? Cùng trong giới "cõi bí mật của tạo hoá" nên bà hiểu tâm trạng cô gái trẻ. Bà e ngại không đặt vấn đề trực tiếp hỏi con trai mà chỉ dùng tỉ dụ để ướm ý xa xôi.
Thái hiểu, nghiêm túc trả lời mẹ:
- Con lên Hà Nội tích luỹ tri thức chứ có phải để tìm nàng tiên xóm Bích Câu(1) đâu.
Bà còn biết phần nào thân phận của cô gái qua lời bàn luận giữa mấy bạn sinh viên với Thái:
- Bàn tay Chúa đã đưa toa đến dạy thêm cho một cô nương gia đình quyền quý, may mắn như chuột sa chĩnh gạo. Có lẽ moa cũng phải khai thác một khả năng tương tự để ổn định tương lai.
Thái bác luôn:
- Chúng ta không phải thợ đào vàng mà là sinh viên. Chúng ta cần tri thức hơn mọi thứ. Tri thức sẽ chắp cánh cho chúng ta bay tới tương lai.
Bà tin Thái, nó là chàng trai ngay thẳng, đôn hậu... nó biết tin người và bảo vệ lòng tin ở người. Nhưng, đối với Băng Huyền thì sao, chẳng lẽ nó không chút động lòng trước cô gái yêu kiều tươi như hoa? Cử chỉ, hành vi của cô gái mới đoan trang, duyên dáng làm sao, vừa đủ đến lạ lùng, thừa một chút trở thành lố lăng, thiếu một chút trở thành vụng về, mà bản chất là thế chứ không phải cố tạo ra thế. Mà cố rèn ra thế cũng vẫn quý như lẽ đương nhiên, con người ta phải học ăn học nói, học gói học mở kia mà. Bà biết tình cảm của Băng Huyền đặt vào con trai bà, một thứ tình cảm cao quý, đắm say mà không lả lơi, thân thiết mà không sàm sỡ. Ví phỏng... Không, đũa mốc chớ chòi mâm son! Nhưng "viên ngọc quý" của bà - nếu đúng như sự đánh giá của giáo sư Đa-nhi-en thì Thái là "viên ngọc quý" chứ đâu phải mảnh sành mảnh chĩnh. Càng ngày con trai bà càng xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của thầy và bạn; Thái ham hiểu biết, cư xử đàng hoàng, có lòng khiêm nhường nhân hậu... Vậy thì... trai tài và gái sắc, chuyện thường tình. Những con người như thế xứng đáng có cuộc sống huy hoàng.
Bà Nguyệt vẫn lần mò trong mớ tò vò suy nghĩ thì Thái về.
Thái nói lại lời giáo sư Đa-nhi-en và ý định của mình.
Bà Nguyệt ngồi lặng im, chuyện bất ngờ mà chẳng bất ngờ, sự việc diễn ra theo chiều hướng ấy là lẽ đương nhiên. Làm quan cũng hay, học tiếp cũng hay. Làm quan thì thoát khỏi cảnh nghèo túng, vẻ vang với đời, bõ công đèn sách. ấy như bác ruột bà - ông Trần Huy Dương có bằng cử nhân tân học mà cũng phải chạy chọt bao cửa, tốn bao tiền bạc và mất năm mẫu ruộng mới xin được chân Thông Phán Tòa Sứ; còn con trai bà chẳng mất công cầu cạnh mà được trao hẳn chức Tham Biện. Nhưng... Đỗ đầu khoa cử nhân mà còn học tiếp nữa thì kiến thức hẳn phải là... Thầy Mạnh Tử nhờ mẹ nên thành người có học vấn cao, sự nghiệp lưu danh đến muôn đời; bà có thể theo đòi Người mẹ đức cao nghĩa trọng ấy không? Cho dù đom đóm không thể so sánh với mặt trăng bà vẫn là mẹ của Thái. Bà nhặt miếng trầu nhỏ nhẹ nói với con.
- Cha mẹ sinh con, Trời định số phận. Chí hướng của con đặt ở đâu là do ông Trời xếp đặt; mẹ nào cũng sống vì con. Con chim bay được là nhờ đôi cánh, kiến thức khoa học là đôi cánh của con. Con cứ đi theo con đường nên đi! Mẹ còn khỏe lại có chú dì Thanh nên con có thể chuyên tâm vào việc học.
*
Thanh niên Việt Nam được nhận học bổng đi du học bên Pháp đã từng xảy ra; nhưng, sự kiện một thanh niên nghèo hèn từ chối không bước vào con đường hoạn lộ vinh thân phì gia mà dấn thân lên con đường học vấn gian truân, tìm kiếm tri thức ở bờ bến mịt mù là một hiện tượng hiếm thấy ở thời đại đang nhú lên thứ chủ nghĩa thực dụng nông cạn. Bạn đồng khoa cảm thấy sự lạ, người tiếc thay cho chàng trai nhân hậu, người cho anh là kẻ ngông cuồng ngu ngốc, người cho anh là gã mơ tưởng viển vông. Sự kiện Thái xuất dương du học gây nhiều tâm lý trong nhóm Ngự lâm và Đác-ta-nhăng. Xi-xúc Chăm-xa-na sốt sắng chờ Thái xuống tàu xuất dương. Un-xê động viên: "chí nam nhi để ở bốn phương". Băng Huyền đăm chiêu bồn chồn nhưng không nói ra lời.
Nhưng... tình hình chính trị biến chuyển đã làm thay đổi số phận nhiều người. Pháp tuyên chiến với Đức, tiếp đến Pa-ri lọt vào tay bọn Quốc xã Thống chế Pháp Pê-tanh lập chính phủ thân Đức. Tướng Đờ-gôn chạy sang Anh lập chính phủ lưu vong lãnh đạo nhân dân Pháp chiến đấu chống bọn chiếm đóng. Phát xít Nhật tiến đánh Lạng Sơn. Bọn thực dân Pháp ở Việt Nam bơ vơ như đứa trẻ mồ côi, không người bênh vực, bị kẻ láng giềng mạnh lấn át. Con đường tìm kiếm tri thức của Thái bị tắc nghẽn.
Thái không đi xa chỉ khiến một mình Xi-xúc buồn.
Xi-xúc đã nhận bằng tốt nghiệp, nhưng vẫn dùng dằng không về nước, gia đình cho người sang đón vẫn không chịu về. Cố đô Thăng Long nằm bên bờ Hồng Hà chở đặc phù sa đã chăng dây tơ trói chặt chân chàng trai kinh đô Viên Chăn soi bóng xuống dòng Mê Kông trong xanh. Anh yêu Băng Huyền bằng trái tim chân thực, hừng hực của một thanh niên Lào Thơm cương cường. Nhưng, cô gái kiều diễm kia chỉ quý anh, còn tình yêu thì cô hướng vào Thái. Quả tình, Thái xứng đáng với Băng Huyền hơn anh. Anh cũng có phải hạng kém cỏi gì đâu. Anh không phải loại bạn bất lương, trơ trẽn thi thố mọi thủ đoạn bỉ ổi miễn sao giành được người đẹp về mình. Anh không thể phản bạn, cũng không thể từ bỏ tình yêu. Thế là anh ốm, ốm tương tư. Bệnh tương tư khó chữa.
Thái thường xuyên đến thăm bạn, đôi lần có Băng Huyền đi theo. Cách quan tâm ấy khiến bệnh Xi-xúc nặng thêm. Xi-xúc không oán bạn mà chỉ trách mình bạc phận. Thấy bệnh tình của Xi-xúc ngày càng nguy kịch, người hầu phải báo về Viên Chăn. Bố mẹ Xi-xúc cùng sang Hà Nội. Xi-xúc không thể giấu cha mẹ nguyên nhân ngã bệnh của mình. Nghe rõ chuyện, ông bà bảo:
- Vẫn còn cơ cứu vãn!
Cha Xi-xúc bố trí gặp riêng Thái ở nhà hàng gần Hồ Tây. Ông mở đầu bằng giai thoại:
- Có một người ốm thập tử nhất sinh chỉ có một vị thuốc chữa khỏi, nhưng kiếm tìm không được; lại có một người khoẻ mạnh giữ thứ thuốc ấy, nhưng đối với anh ta là một báu vật không thể xa rời. Theo anh Cử nên xử trí như thế nào?
Thái quý bạn nên rất tôn trọng bố bạn, anh sốt sắng đáp:
- Thưa bác! Cứu bệnh như cứu hoả. Bình thường gặp trường hợp khẩn cấp như thế thì người nhà con bệnh chưa ngỏ lời xin, người có thuốc đã đưa ra. Gặp phải người cẩn thận thì nên khơi dậy lòng nhân từ ở họ.
Cha Xi-xúc băn khoăn:
- Nó là vật quý giá. Trường hợp này có điều khó nói, lòng nhân từ đặt lên cân với thứ đó chưa thể biết nặng nhẹ nghiêng về đâu.
Thái không chấp nhận cách so sánh ấy:
- Chưa cần mà vẫn cố giữ, ắt là kẻ ích kỷ. Đối với người bo bo ích kỷ thì có thể dùng tiền bạc để trao đổi.
Cha Xi-xúc hớn hở bám lấy tình thế:
- Ta không dám cho anh Cử là người ích kỷ, nhưng ta có khả năng thỏa mãn yêu cầu của anh Cử để có sự nhượng bộ...
Thái ngạc nhiên nhắc lại:
- Nhượng bộ! - Anh hơi rướn người lên, nói tiếp. - Mong bác chỉ giáo rõ hơn!
Cha Xi-xúc chậm rãi kể mọi chuyện liên quan đến căn bệnh của con trai mình.
- Tính mạng con ta nằm trong quyết định của anh Cử.
Thái ngả người ra phía sau như bị đẩy. Anh bị bất ngờ. Không phải anh là người vô cảm đối với tình yêu gái trai mà vì nơi anh định hướng rõ ràng quá; khát vọng khám phá, ham muốn hiểu biết mọi sự vận động mãnh liệt quá; niềm ham mê tri thức hoàn toàn chiếm lĩnh lòng anh. Kế hoạch lập thân của anh là sự nghiệp thành đạt trước tình yêu. Quả tình tiếp xúc với người con gái yêu kiều như Băng Huyền lòng anh có nảy nở tình cảm yêu đương, nhưng anh gạt ngay ý nghĩ ấy ra khỏi đầu óc. Việc nhỏ buông thả, việc lớn không kiên trì thì suốt đời chẳng thể đạt được điều gì đáng kể. Cho dù, nếu anh có ý định kiến thiết cuộc sống lứa đôi thì chắc chắn anh sẽ chọn Băng Huyền, nhưng bây giờ cô ta vẫn là người tự do. Băng Huyền chưa phải là tình yêu của anh. Xi-xúc yêu Băng Huyền đắm đuối nhưng chỉ đoán cô ta là tình yêu của bạn mà đành ôm mối thất vọng chứ không nỡ tranh đoạt. Thật là một người bạn trung thực, một tình yêu cao thượng. Một người bạn như thế mới là bạn tri kỷ tri âm.
- Xi-xúc hiểu lầm chứ cháu với cô Băng Huyền đã có tình ý hẹn ước gì đâu.
Cha Xi-xúc vẫn không giảm bớt băn khoăn:
- Nhưng Băng Huyền chỉ yêu anh Cử.
Thái đưa mắt nhìn ra mặt nước Hồ Tây. Bờ bến mịt mù. Đức làm chủ Pa-ri, Nhật chiếm Lạng Sơn; cuộc chiến tranh ghê gớm này phát triển tới giai đoạn cao trào; các giáo sư kể cả thầy Đa-nhi-en rục rịch chạy loạn Nhật; đường tới Soóc-bon đã hoàn toàn tắc nghẽn đối với anh. Trước mắt, anh chưa thể vì mình thì hãy vì bạn.
- Cháu đã tìm ra giải pháp, có vẻ xấu chơi và có phần nhẫn tâm... Nhưng rất hiệu quả. Vì bạn, cháu đành chấp nhận lối thoát kém cỏi ấy.
Cha Xi-xúc sốt sắng giục:
- Giải pháp gì, anh Cử nói ngay cho ta nghe đi!
Phải xa Hà Nội, Thái rất buồn nhưng anh cố giữ để khỏi lộ ra thái độ:
- Cháu không còn việc gì ở Hà Nội, mẹ con cháu sẽ dọn về quê. Công việc còn lại phụ thuộc vào hai bác và thời gian.
Cha Xi-xúc nhận ra không thể tìm được giải pháp nào tốt hơn, ông chân thành bày tỏ:
- Cha con ta đòi hỏi ở anh Cử quá nhiều. Anh Cử đã chứng tỏ sự cao thượng hiếm thấy. Chúng ta có bổn phận đền đáp cho anh Cử xứng đáng, ít nhất cũng phải khắc phục khó khăn buổi đầu chuyển chỗ ở.
Thái xua tay, cười đáp:
- Bác không phải làm gì cả ngoài việc báo cho cháu biết để lên Hà Nội dự đám cưới của các bạn ấy.
Cha Xi-xúc ngần ngừ trong giây lát, ông nén tiếng thở dài rồi nói:
- Yêu cầu của cháu thoạt nghe thì đơn giản, nhưng đối với phong tục Lào thì quả là nặng đấy - Ông ngừng lời, dáng đắn đo rồi nhìn thẳng Thái, nói tiếp: - Ta chấp nhận cưới xin trái phong tục của tổ tiên. Nếu cuộc hôn nhân thành sẽ làm lễ vu quy tại đất Thăng Long này.
*
Bà Nguyệt ngồi im lặng trên chiếc chõng tre kê trước bàn thờ, tay mân mê miếng trầu. Mấy ngày đầu về quê, anh chị em xóm giềng kéo đến thăm hỏi đông vui, rồi những ngày ồn ã nói cười ấy qua đi, năm gian nhà rộng thênh thang chỉ còn lại mẹ con bà và cuộc sống đời thường bắt đầu lên tiếng. Thái ở nông thôn mà chẳng biết làm ruộng, chẳng biết buôn bán, ngoài tri thức sách vở, anh là một gã ngây ngô; anh tìm chạy chức hương sư để trợ thời nhưng chưa xong. Bà Nguyệt cũng không thạo việc đồng áng; bà là người bên làng Thái Phú - Thái Bình, thủa bé sống ở Hà Nội, lớn lên lấy chồng người Cao Lộng, Nam Trực, cách quê chồng con sông Hồng và quãng đường không dài lắm; chồng bà dậy chữ nho và làm thầy lang; là thầy đồ ông có nhiều môn sinh; là thầy lang, ông nổi tiếng khắp huyện; nhờ đó bà không phải lo sinh kế; khi ông mất, nguồn thu nhập mất theo; bà chạy chợ để chu toàn việc học cho con. Được cái, sau hàng chục năm đèn sách, Thái chân trơn về làng mà chẳng ai khinh rẻ mẹ con bà; cái điều Thái học được, cái cách Thái ứng xử khiến mọi người cảm cảnh thương anh: số phận không chiều người tài hoa, trung hậu. Bà cũng không trách con bỏ hình bắt bóng; người có học nào mà chẳng muốn "có danh gì với núi sông", không phải con bà tính nhầm mà do thời thế đổi thay quá nhanh. Chuyện nó đột ngột xin bà về quê, xa Hà Thành là nơi nó có thể kiếm được chân ông Thông ông Ký cũng chỉ khiến bà bối rối thời kỳ đầu. Khi hiểu rõ ý nghĩa việc Thái chuyển nơi ở bà càng thương con hơn. Vì cứu bạn Thái dám gạt ra bên những thứ nó có thể có, chấp nhận một cuộc sống chưa rõ tương lai.
Bà Nguyệt đang nghĩ miên man thì có khách đến nhà - một thiếu nữ ăn mặc, trang điểm như nàng tiên xuất hiện ở chốn quần đen áo nâu. Đó là Băng Huyền, sau cô là một bà ăn mặc lịch sự.
Trước hôm về quê, Thái đến chào từ biệt Băng Huyền, lấy cớ chạy loạn Nhật. Băng Huyền sững sờ khi nghe Thái nói lời ghê gớm ấy. Thái nỡ từ giã đất cố đô phồn hoa mà quay về làng quê hẻo lánh sao? Thái có biết... Băng Huyền suýt bật khóc, cô thổn thức không sao thốt nổi lời nào đáng nói, một nỗi tái tê tràn ngập lòng cô. Chẳng lẽ cô để vuột khỏi tay thứ đáng giá nhất? Chẳng lẽ anh không mảy may quan tâm tới nỗi lòng cô? Băng Huyền như người mất hồn, khi Thái ra về cô muốn níu anh lại, muốn giữ anh bên mình thêm chút nữa... nhưng chẳng nói thành lời, đầu gật gật như con lật đật, lại quên cả hỏi địa chỉ nữa. Mấy ngày sau, Băng Huyền tĩnh trí lại, cô xuống ấp Thái Hà hỏi bà Thanh nên biết đường về Cao Lộng. Băng Huyền là cô gái đoan trang nhưng mạnh mẽ. Lương tâm trong sạch đi đến đâu cũng được, tâm tình ngay thẳng dù bị dị nghị cũng không hổ thẹn. Cô xin cha mẹ đi Nam Định thăm thầy giáo cũ. Ông bà chủ sự biết tính tình bướng bỉnh của con gái yêu; cấm đoán chỉ dẫn đến cực đoan; nên buộc phải sai bà vú già dẫn "Cô Chiêu" về quê thăm mẹ con thầy giáo cũ.
Bà Nguyệt chưa kịp đứng dậy đón khách thì Băng Huyền đã vụt vào ôm chầm lấy bà rồi òa lên khóc, chẳng khác gì cảnh mẹ con xa nhau lâu ngày nay mới đoàn tụ. Cô dụi dụi mặt vào vai bà chủ nhà, dồn dập đưa ra những câu hỏi cay đắng:
- Sao mẹ nỡ bỏ con? Sao anh Thái nỡ bỏ con?
Bà Nguyệt vỗ vỗ lưng khách như nựng con trẻ, bà thực sự thấy nỗi chua xót của thân phận con người.
- Không bỏ! Không thể bỏ! Không ai bỏ con! Con sống trong lòng mẹ, con gây bối rối trong lòng Thái. Nhưng mà... Xa Hà Nội, nơi kiếm sống dễ dàng; xa con, một cô gái đoan trang... mẹ có khổ tâm của mẹ, Thái cũng có nỗi khổ tâm riêng... - Nói tới đây bà Nguyệt chợt ngừng lời. Việc Thái xa người con gái đáng yêu, xa Hà Nội phồn hoa để cứu bạn là một hành vi nhân ái cao thượng, bà muốn giữ vẹn vẻ đẹp ấy cho con. Cứu một mạng người là việc tối ư quan trọng.. Bà là người ăn ở kín nhẽ, xử lý tình huống nhanh nên nghĩ ngay đến việc cần phải làm: Để Thái gặp Băng Huyền thì chẳng rõ phiền phức gì sẽ xảy ra, tình cảm con người khó biết lắm, không để họ gặp nhau thì tốt hơn, may mà Thái vừa đi thăm bên ngoại. Bà nghển cổ nhìn ngoài sân, vừa đẩy Băng Huyền ra, nói tiếp bằng giọng khẩn trương: - ấy, mời bà vào trong này. Thôi, tôi lấy chậu thau để hai u con rửa ráy cho mát mẻ.
Trong khi Băng Huyền lúi húi bên chậu thau nước đặt trên bệ bể, bà Nguyệt sang hàng xóm, nhờ con ông em chồng sang Thái Phú bảo Thái cứ ở chơi bên đó khi nào có tin sang tìm hãy về.
Buổi chiều bà chủ nhà cùng hai vị khách châu đầu vào việc bếp nước. Bà Nguyệt dạo đầu cho một câu chuyện không có thật bằng lời nói dối:
- Con về đúng dịp mấy người bạn Thái ở trên thành phố xuống rủ đi Hải Phòng. Bọn họ đang tính chuyện đi làm ăn xa.
Cô gái đang yêu lại bị một mũi tên bắn vào tim. Đường đời trắc trở là thế này ư? Cô nén tiếng thở dài, nói như than:
- Số con vất vả...
Bà Nguyệt không đáp. Cơm nước xong, bà mới khêu lại đề tài mà Băng Huyền quan tâm và bà muốn dàn xếp việc đó thật êm đẹp.
- Thái bảo mẹ sẽ chung vốn đi buôn bè hoặc xin một chân giáo học ở dưới Hải Phòng.
Băng Huyền sốt sắng như người vợ lo cho chồng:
- Con không phó mặc cho anh Thái làm cái việc trái khoáy đó. Hà Nội không thiếu gì việc, ba con thừa sức lo cho anh ấy một ghế trong công sở; mẹ vẫn nhớ anh ấy từng được đặc cử làm Tham biện Tòa Khâm Sứ đấy chứ.
Bà Nguyệt gật đầu công nhận, bà thủ thỉ:
- Mẹ biết con và Thái thực xứng đôi vừa lứa, Thái không thể tìm được ai bằng con, mẹ muốn có một nàng dâu như con. Nhưng chúng ta không thể cưỡng nổi số phận. Nếu Thái được du học thành đạt thì đã đi nhẽ khác. Con gái ơi dù Thái là cử nhân vẫn cứ chỉ là một anh nông dân. Nền nếp xưa nay đều thế, luật đời đã định rồi, làm khác đi ắt rước khổ vào thân.
Băng Huyền nói với giọng quả quyết:
- Con chịu được khổ, con không sợ khổ.
Bà Nguyệt vẫn thủ thỉ:
- Không phải mẹ nói con và Thái mà nói tới sự ràng buộc gò trói từ bên ngoài, chúng ta đều có thân thích, mỗi người mỗi nết, sống trong vòng dư luận chê bai, dè bỉu còn nặng nề, khổ ải hơn sống trong địa ngục. Ngay bản thân mẹ dù quý con đến mức nào cũng không thể mượn hãnh diện của nàng dâu. Việc đời, tình người... cay đắng, chua chát lắm con ơi!
Băng Huyền ngơ ngác giây lâu, cô nói như hiểu vấn đề:
- Sao số con trớ trêu đến thế, sao đời con khổ đến thế này.
Bà Nguyệt vẫn thủ thỉ:
- Nếu con thực lòng yêu Thái thì hãy cố quên Thái và bằng lòng với điều Thái mong muốn.
Băng Huyền nắm chặt tay bà Nguyệt, hỏi:
- Mẹ nói gì mà con chẳng hiểu ra sao cả?
Bà Nguyệt không đáp ngay vào câu hỏi, nói xa xôi:
- Con ở chơi vài ngày với mẹ. Về Hà Nội rồi con sẽ hiểu. Mẹ chỉ nói thêm lời này với con: Đành nắm bắt cái gì trong tầm tay. Số phận cả đấy!
Hai tháng sau cuộc gặp không vui vẻ này. Bà u già của Băng Huyền về Cao Lộng mời mẹ con bà Nguyệt lên Hà Nội dự lễ cưới Băng Huyền. Bà Nguyệt không muốn đi, nhưng khi đọc mấy dòng chữ trong thư của Băng Huyền nhờ bà u già mang về "Con đau đớn xin vâng theo lời khuyên bảo của mẹ" thì bà đổi ý. Phải đi, có thể đây là lần cuối cùng gặp gỡ người con gái tội nghiệp đó. Mà đúng thế!
Lên Hà Nội, mẹ con bà Nguyệt được gia đình Băng Huyền và gia đình Xi-xúc đón tiếp trọng hậu, ân cần như đối với đại ân nhân. Họ bắt mẹ con bà phải chụp chung ba kiểu ảnh: ảnh có cô dâu chú rể và có bố mẹ chú rể, ảnh có cô dâu chú rể và bố mẹ cô dâu, ảnh với cả hai gia đình.
Đây là bức ảnh kỷ niệm và là bức ảnh sau này giúp Thái gặp lại bạn cũ - tướng quân Xi-xúc của Vương quốc Lào.
*
Tiền đề của nạn đói đã xuất hiện, Nhật bắt nhân dân nhổ cây lương thực để trồng đay. Lác đác có người chết đường.
Việc tầm thường không đặt vào tay người tài giỏi; Thái là một cử nhân thất thế nên phải làm mọi việc tầm thường để độ nhật. Tay Thái cầm bút rất thạo nhưng cầm hái lại lóng ngóng nên không thể gặt lúa, muốn làm được phải luyện lâu ngày; riêng việc cuốc đất, tát nước thì không học cũng có thể làm được ngay dù lóng ngóng đôi chút. Bà Nguyệt chạy chợ bòn nhặt chẳng được mấy, Thái phải đỡ mẹ. Cơ sự hiển nhiên là chàng thanh niên giỏi dang này phải bó đời mình vào cuộc sống tù hãm lo ăn lo mặc hàng ngày. Những toán tử, vi phân... những ma trận, chuỗi, hàng kỳ diệu trở thành mớ vô dụng. Nhưng niềm đam mê toán học ở anh không vì thế mà phai nhạt; những giờ rảnh rỗi anh như người thất thần trước tập giấy nháp và cây bút chì... Cơ học giải tích, giả thiết Tập mờ... thu hút tâm trí anh. Đúng lúc mẹ con bà Nguyệt vật lộn vì miếng cơm manh áo thì bà u già của Băng Huyền đến chơi. Bà mang tiền của gia đình Xi-xúc về biếu mẹ con bà Nguyệt. Bà Nguyệt từ chối không nhận. Bà u già dằn mạnh gói tiền và vàng khá nặng xuống giường, nói như gắt:
- Bà không nhận, gia đình Xi-xúc về Lào rồi, chẳng lẽ tôi nhận!
Bà Nguyệt dẫu khái tính cũng không thể từ chối. Số tiền vàng thật lớn, nó đủ giúp mẹ con bà không phải lo toan ăn mặc vài chục năm, nếu biết sinh lợi và sống sung túc cả đời.
Thái không phải lo giúp mẹ chạy gạo, anh lại có cơ hội giao du với bạn bè. Anh đặc biệt quan tâm tới niềm say mê khoa học của mình, đến nhà người có học vấn nào, ngoài việc khác anh chỉ hỏi đến sách. Tiếc thay, loại sách có thể giúp ích cho anh không có nhiều. Anh cay đắng thay cho mình, anh đủ bền gan và có trí lực vượt sông nhưng không có thuyền. Tuy vậy, anh vẫn tự tìm tòi khám phá, cái túi luôn luôn kè bên cạnh chứa đầy những bản thảo toán học mà anh phát triển thêm từ kiến thức tiếp thu trong Trường đại học. "Có chí thì nên" đó là phương châm tồn tại của anh.