Ngôn ngữ là công cụ kết nối giữa các cá nhân trong xã hội. Ngôn ngữ được biểu hiện bằng lời nói và cũng có rất nhiều loại. Trong số đó, lời nói hư dối, lời nói hung ác, lời nói thêu dệt, lời nói khiêu khích, chia rẽ, v.v. dễ khiến cho người khác tổn thương. Duy chỉ có “ái ngữ” tức là những lời nói yêu thương mới có thể khiến con người ta bừng tỉnh, tựa như gió xuân, như mưa nhẹ mang sức sống đến khắp cả đại địa.
Ái ngữ là ngôn ngữ thể hiện sự quan tâm, lo lắng, thương yêu và quý trọng. Trên đời này làm gì có ai không ưa nghe những lời nói yêu thương nhẹ nhàng, nhưng để nói ra những lời yêu thương ấy không phải ai cũng làm được. Cùng một câu nói ngoài thể hiện sự tôn trọng, thân thiện và giúp đỡ người khác, còn có thể giúp cho người khác khơi dậy lòng tin, có hành động tốt đẹp, đó chính là lời nói yêu thương.
Ái ngữ không phải là nói nhiều, mà chỉ cần “một lời nói yêu thương, hương thơm lan khắp phòng”. Nói lời ái ngữ có thể khiến cho tất cả mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc, giống như loài hoa quý tỏa ra hương thơm thanh nhã, ai nấy cũng đều yêu thích. Lời ái ngữ như tấm vải lụa khiến trái tim mọi người thêm ấm áp, như ánh nắng có thể lan tỏa hơi ấm đến khắp mười phương. Từ đó cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của “ái ngữ”.
Cha mẹ khuyên răn dạy bảo con cái, thầy giáo la rầy học sinh, trưởng bối khuyên bảo dẫn dắt đệ tử, bất luận ngữ khí và ngôn từ diễn đạt như thế nào, đó cũng đều phải là những lời nói yêu thương. Những người cấp trên thường nói lời ái ngữ, thì nhất định cấp dưới cũng theo đó mà vui vẻ, thoải mái làm theo. Ông chủ thích nói lời ái ngữ, nhân viên cũng sẵn lòng chấp nhận. Trong gia đình, cha mẹ, anh chị em cần phải thường xuyên nói những lời yêu thương. Đặc biệt vợ và chồng cũng thường phải nói ra những lời yêu thương, ngọt ngào, để tạo nên những điều tốt đẹp nhất dành cho đối phương. Làm được như vậy thì mới có thể duy trì cuộc sống hôn nhân tràn đầy hạnh phúc, ái ngữ là chất liệu yêu thương trong đời sống vợ chồng vậy.
Thực tế thì mỗi chúng ta để nói được một câu nói hay, một câu nói nghe êm tai, nói để người khác nghe được cũng không phải là điều dễ dàng. Trong vấn đề thi cử thường ngày, tốt nhất là dùng hình thức kiểm tra miệng, có lẽ vì thế nên sau khi một đứa trẻ chào đời, cha mẹ rất kiên nhẫn dạy cho con tập nói. Đặc biệt để lập nghiệp thành công trong tương lai, khi chúng ta nói chuyện với mọi người, ngoài việc nói những lời chân thật, thì việc nói lời ái ngữ cũng là một trong những nhân tố quan trọng để có được sự thành công.
Trong sách Phật Quang Thái căn đàm nói rằng: “Để lại một vài câu yêu thương như một làn gió nhẹ, nó có thể làm cho nhân gian tràn đầy sự ấm áp”. Trong một gia đình, mọi thành viên cùng nói lời yêu thương, tất nhiên gia đình sẽ luôn hòa thuận và hạnh phúc. Trong một đoàn thể mọi người đều nói lời yêu thương, đoàn thể đó sẽ trở thành một đoàn thể hòa hợp. Một quốc gia, mọi người đều có thể giao tiếp với nhau bằng lời ái ngữ, quốc gia đó sẽ trên dưới một lòng hòa thuận cùng nhau phát triển đất nước.
Vì vậy, ngôn ngữ phải có vẻ đẹp của văn chương, phải có dư vị của triết học. Những người không đọc sách có thể nói ra những lời thô tục khiến người nghe không thể chấp nhận được. Điều đó có thể cho chúng ta thấy được rằng, đọc sách mới có thể tăng thêm sức mạnh của ngôn ngữ, tăng thêm vẻ đẹp thiện mỹ cho ngôn từ, và làm cho tất cả mọi người đều vui vẻ hạnh phúc.
Có người nói rằng: “Khi viết thơ văn, nếu chưa viết được từ ngữ tuyệt vời làm lay động lòng người, thì phải tìm cho bằng được mới thôi”. Khi bạn không nói được những lời nói ái ngữ hay bạn không biết cách để nói những lời ái ngữ, thì tốt hơn hết là bạn không nên nói.