Có những người thường khó chịu khi thấy người khác tốt hơn mình, ưu tú hơn mình cho nên nói những lời châm chọc mỉa mai, công kích. Đối với những thành tựu của người khác họ cũng luôn biểu hiện sự xem thường không coi trọng. Giống như người “ăn không được nho lại nói nho bị chua”, kiểu tâm lý đó được gọi là “tâm lý nho chua”.
Trong một đoàn thể, có quá nhiều người có tâm thái “ganh ghét đố kỵ” thì nhất định sẽ ngăn trở đoàn thể đó phát triển. Nhìn về lịch sử xa xưa thời nhà Tần, bởi vì có thói ganh tỵ cho nên Lý Tư không chấp nhận việc người bạn học là Hàn Phi ưu tú hơn mình, khiến Hàn Phi phải bỏ mạng oan uổng. Thời Tam Quốc, Chu Du cảm thán “tại sao trời sinh ra Du lại còn sinh ra Lượng”, cũng là biểu hiện của tâm lý ganh tỵ. Thời nhà Thanh, Hoàng đế Ung Chính tranh đoạt ngôi vị với anh em của mình, từ tâm lý đố kỵ mà sinh ra hận thù. Sau cùng từng người từng người bị thanh trừng, anh em trong nhà đấu đá lẫn nhau thật khiến người ta chê cười.
Tâm lý ganh ghét đố kỵ là một loại biểu hiện của sự không trưởng thành. Chúng ta thường phê bình một người hay ganh ghét, đố kỵ, nhưng kỳ thực mà nói nho khi chưa chín thì chua và chát, chỉ cần tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời và gió, thì nó có thể trở thành nho chín có hương vị ngọt ngào. Vấn đề cần nói là ánh sáng mặt trời ở đâu và gió ở đâu? Đây mới chính là điểm cần chú ý.
Phật giáo lấy vị chua chát dụ cho sự phiền não. Vô minh phiền não luôn đi cùng với mỗi con người. Sự biểu hiện của tham, sân, si không những khiến người khác không thể chấp nhận, mà còn khiến cho bản thân bị trói buộc và đau khổ. Vì vậy, con người cần phải học hỏi và có sự thấm nhuần giáo lý Phật pháp, có sự soi sáng của hào quang của chư Phật, cần phải nhận được sự trợ duyên của ngoại lực, mới có thể khiến cho nội tâm dần dần thay đổi. Sự thay đổi đó chính là biến ô nhiễm thành thanh tịnh, biến mê mờ thành sáng suốt, biến ngu si thành trí tuệ, biến chua chát thành ngọt ngào.
Người có tính cách và tâm lý “nho chua” là do tâm lượng của họ chưa đủ rộng, tầm nhìn chưa sâu, năng lực tu tập chưa thành thục. Điều quan trọng là, khi bản thân chưa trưởng thành, vốn không có được sự nuôi dưỡng của ánh sáng của mặt trời, mà lại còn bị sâu bệnh làm hại, sương gió dập vùi, thì hiển nhiên sẽ không cách nào chuyển hóa chua chát thành ngọt dịu. Cho nên những điều chúng ta nhận được trong cuộc sống là chua chát hay ngọt ngào, đắng cay hay ngọt bùi còn phải xem sự khác biệt của nhân duyên.
Người nông dân trồng nho cần hết lòng chăm sóc, vun bón. Chẳng những cần tưới nước, bón phân, làm cỏ, mà khi quả nho chưa chín còn cần lấy giấy bao bọc lại để ngừa côn trùng. Con người phải chăm sóc chân tâm Phật tính của mình, phòng hộ chặt chẽ thân và tâm để tránh bị nhiễm ô từ cảnh bên ngoài. Hơn nữa điều quan trọng là chúng ta phải có năng lực “chuyển hóa được nghịch cảnh”, như vậy mới có thể chuyển phiền não thành Bồ đề, giống như quả nho chua khi đủ ánh sáng mặt trời và gió thì liền biến thành nho ngọt vậy.