Trên đời này tội lớn nhất chính là tội sát sinh. Tất cả loài hữu tình trên trái đất đều có sinh mạng, vậy tại sao phải cướp đi mạng sống của chúng? Ta hưởng thụ, thỏa mãn cái miệng một chút nhưng chúng sinh phải chịu biết bao nhiêu đớn đau. Bởi vậy có câu: “Chớ bảo sinh mạng do Diêm Vương định đoạt, hãy tự suy đoán nó như thế nào?”
Tuy sát sinh là tội rất nặng, nhưng cũng có khi vô ý làm tổn hại hay vì sơ xuất mà gây nghiệp sát sinh thì pháp luật cũng châm chước mà giảm tội. Tất nhiên, việc cố ý giết người, tự giết mình, giết người khác, bảo người giết, vì vui mà giết đều là tội ác nghiêm trọng. Dù cho là các loài động vật, cũng đều được trời phú cho tính hiếu sinh, chúng ta không nên tùy ý cướp đoạt mạng sống của chúng. Xã hội ngày nay, con người đem cá tươi sống chế biến thành mười ba món, ăn cả não khỉ, mật rắn. Con người “ăn tươi, nuốt sống”, tạo nghiệp sát sinh như vậy, thử hỏi đạo đức xã hội làm sao có thể trở nên thiện lương tốt đẹp được? Do đó, “muốn biết trên đời có giặc giã đao binh hay không, chỉ cần nửa đêm nghe tiếng đồ tể giết các súc vật”.
Sát sinh có phân nhiều cấp độ. Một bộ quần áo có thể mặc ba năm nhưng bạn chỉ mặc một lần rồi không cần dùng nữa. Một bộ bàn ghế có thể dùng mười năm mà bạn chỉ dùng vài ngày thì vứt bỏ, điều này cũng là sát sinh vậy. Khi chơi đùa, trẻ con mặc ý thỏa thích đem những loại côn trùng như chuồn chuồn, ve sầu, nhện, kiến để đùa nghịch đến chết, cũng là tạo nghiệp sát sinh. Do cha mẹ không giáo dục con mình về lòng yêu quý sự sống ngay từ khi còn nhỏ, nên những đứa trẻ không biết quý trọng phúc đức, không yêu thương loài vật, không biết rằng sinh mạng đáng quý như thế nào. Ngay cả chiếc ghế sô pha trong nhà vốn có thể sử dụng nhiều năm nữa, nhưng để bọn trẻ nhảy phá làm hư hỏng, đó là không biết yêu quý đồ vật, cũng là nghiệp sát vậy.
Người giết hại sinh mạng thì gọi là sát sinh, người không biết quý trọng thời gian, cũng gọi là giết thời gian, là sát sinh vậy. Ví dụ như có người chơi bời lêu lổng, không chọn việc làm chính đáng, phó mặc cho thời gian trôi qua, tự đánh mất ý nghĩa và giá trị của sự sống, cũng chính là họ đang giết chết sự sống của chính họ vậy.
Sát sinh không nhất định phải dùng đến khí giới, đôi khi văn chương còn là vũ khí giết người mạnh hơn cả khí giới. Viết văn chương để vạch trần việc đời tư của người khác, hủy hoại danh dự, nhân phẩm của người khác cũng chẳng khác nào là sát sinh. Có nhiều người phụ nữ, thường kiếm chuyện ngồi lê đôi mách, hết chuyện nhà ra chuyện người, nói lời thêu dệt sai sự thật, phá hoại sự hòa thuận của vợ chồng người khác. Đây không những là việc làm giết người mà còn khiến cho hạnh phúc của một gia đình tan vỡ, tội sát sinh thật sự vô cùng lớn.
Hành vi xấu xa nhất của loài người chính là tự tàn sát lẫn nhau. Mỗi một triều đại đều có những cuộc chiến tàn bạo của những phần tử có dã tâm xấu ác, khiến cho người dân phải gặp rất nhiều bất hạnh, thương vong, không biết bao nhiêu sinh linh phải rơi vào cảnh lầm than, đói khổ. Cho nên có một nhà triết gia phương Tây đã từng nói: “Cho dù cuộc chiến giành được thắng lợi nhưng đã phải mất đi quá nhiều sinh mạng như vậy, thì cuộc chiến ấy đâu có ý nghĩa gì chứ?”
Khi triều Thanh đánh bại triều Minh, quân Thanh ba lần đồ sát thành Gia Định, tiếp theo là cuộc thảm sát mười ngày ở Dương Châu, thử hỏi sau đó con cháu người Mãn Châu có được lợi ích gì không? Nước Đức sát hại hàng trăm nghìn người Do Thái; Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, gây ra cuộc thảm sát tàn khốc tại Nam Kinh, chỉ khiến cho mọi người ghê sợ chứ đâu có thu được kết quả gì tốt đẹp.
Một đất nước không thể tạo quá nhiều nghiệp sát sinh, một cá nhân cũng không thể cứ mãi sát sinh. Bất luận là người có chức có quyền hay người nghèo khổ, đều phải biết dừng lại thói xấu tạo nghiệp giết hại kịp thời. “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, con người không chịu tin nhân quả về nghiệp sát sinh, lẽ nào phải đợi đến lúc tự mình nhận hậu quả thê thảm rồi mới tỉnh ngộ hay sao?