Cuộc sống của con người cũng giống như việc chúng ta leo bậc thang. Khi leo bậc thang chúng ta không thể nào vượt một lúc nhiều nấc thang mà phải theo thứ tự từng bước đi lên mới có thể vững vàng an ổn. Khi bước xuống bậc thang cũng phải theo tuần tự mà đi xuống, có như vậy chúng ta mới có thể xuống đất an toàn.
Khi sự kiện ngày 11 tháng 9 tại nước Mỹ bất ngờ xảy ra, ông Ngụy Kiến Quốc - Chủ tịch hiệp hội Phật Quang quốc tế tại bang New Jersey, đang làm việc trên tầng 85 của Trung tâm Thương mại thế giới. Ngay sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa nhà, mọi người đã khẩn trương chạy theo đám đông di tản. Mọi người đều nhanh chóng chạy từng lầu một, xuống từng cầu thang một để thoát thân. Do tất cả đều giữ trật tự rất tốt, nên chỉ mất khoảng chừng mười lăm phút thì mọi người đều đã thoát khỏi tòa nhà một cách an toàn.
Hiện nay, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều ở cả thành thị và nông thôn, thậm chí tại các vùng núi cao cũng có. Ngày nay, con người đều có ý thức bảo vệ sự an toàn nơi công cộng, cho nên họ luôn ra sức cố gắng làm cho tất cả các bậc thang trở nên tiện lợi, chu toàn nhất có thể. Họ chọn lựa những vật liệu bền chắc và bố trí các kiểu dáng đẹp mắt, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, đồng thời họ cũng luôn tạo ra những bậc thang thuận tiện để giúp cho mọi người đi lại được an toàn, thoải mái.
Đường đời chính là một chiếc thang. Ở độ tuổi nào nên bước ở nấc thang nào, mỗi người đều cần phải nhận thức một cách rõ ràng, khi nào cần leo lên, khi nào cần bước xuống? Ngay cả cái thang cũng không chỉ dùng để đi lên mà còn dùng để đi xuống. Người xưa thường nói “leo lên cao sẽ nhìn được xa”, nhưng leo càng cao, càng phải chú ý cẩn thận, có như vậy cuộc sống chúng ta mới được bình an và thuận lợi.
Trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, có người dùng trình độ học vấn như nấc thang của cuộc đời mà bước từng bước chậm rãi từ bậc tiểu học, lên trung học, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thậm chí họ còn phấn đấu để trở thành chuyên gia nghiên cứu, những người này vốn đã giỏi lại còn luôn phấn đấu để xuất sắc hơn. Lại có những người xem việc kinh doanh buôn bán như một nấc thang phát triển. Họ bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ, rồi dần dần tự mình tạo lập, thành lập các nhà máy, công xưởng với quy mô vừa, sau đó phát triển thành chuỗi kinh doanh. Họ cứ vậy từng bước từng bước trở thành nhà đầu tư lớn.
Con đường tu tập của các hành giả cũng có những bậc thang, từ thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đến đẳng giác, diệu giác và hoàn thành Bồ tát đạo, sau cùng mới có thể thành tựu Phật đạo.
Mọi người hiện nay khi làm việc thường không chú trọng cơ sở nền tảng vững chắc, lại chỉ mong muốn đạt được thành quả xa rời thực tế, muốn một bước lên trời. Thế nhưng họ quên rằng tòa nhà cao tầng cũng phải bắt đầu xây từ mặt đất bằng, họ chỉ muốn “xây nhà từ tầng thứ ba” quả là một điều phi lý, viển vông. Tất cả những điều này cho ta thấy rõ, trong cuộc sống, con người không dễ dàng thỏa mãn về bất cứ điều gì, thường mọi người đều muốn làm sao để đi thẳng lên những địa vị cao. Ví dụ như khi mua đồ, có người sẽ mua những đồ vật có mức giá bình thường rồi dần dần chạy theo hàng hiệu nổi tiếng. Hoặc lúc xây nhà, ban đầu chỉ cần một căn nhà cấp bốn bình thường nhưng sau đó lại muốn xây dựng căn nhà cao tầng hơn, to hơn. Đôi khi chỉ vì lòng hiếu thắng mà chúng ta vội vàng, cố gắng xây những ngôi nhà cao lớn để so sánh với người khác. Hậu quả là nhà xây xong thì chúng ta cũng ôm một món nợ to đùng. Cho nên, nấc thang của cuộc đời hay cảnh giới của con người chính là xem ai trèo được cao hơn.
Có người đạt được địa vị cao nhất nhưng đó cũng chỉ là phần bên ngoài. Nấc thang cao đẹp thật sự nằm ở trong tâm của mỗi chúng ta. Cảnh giới tâm hồn cao thượng, thanh cao mới có thể đưa bạn tiến lên những vị trí cao hơn, tốt đẹp hơn. Có người nói rằng, “tâm của tôi rộng lớn hơn cả hư không, cao hơn cả bầu trời”, nghĩa là thế giới tinh thần bên trong của anh ta không có bậc thang và cũng không cần đến bậc thang. Người đó đã vượt qua công danh phú quý, vượt lên trên cả nhân tình thế thái, không còn bị ràng buộc bởi việc đúng sai giữa mình và người, không còn đối đãi “có - không”. Một khi con người đã vượt qua được hết mọi nấc thang thì chính là đã sống trọn vẹn ý nghĩa một cuộc đời. Họ dùng bậc thang để từ từ bước đi, rồi đến cuối cùng không còn cần đến bậc thang nữa, thì đây là một cảnh giới cao tột, vượt lên trên cuộc sống đời thường vậy.