Con người nội tâm trong ứng xử với mọi người
Khi một thành viên trong gia đình mắc phải một căn bệnh nan y đe dọa đến tính mạng thì các mối quan hệ trong gia đình có thể thay đổi sâu sắc. Điều này cũng sẽ gây nên nhiều vấn đề không được giải quyết, những xung khắc, những căng thẳng hay sợi dây liên lạc giữa các thành viên trở nên mong manh. Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc mà các mối quan hệ trong gia đình có thể phát triển bền chặt, thể hiện qua tính trung thực, chấp nhận nhau, quan tâm và chia sẻ cho nhau và cư xử với nhau tốt hơn.
Khi phải đối diện với thực tế là còn rất ít thời gian để sống với nhau, nếu các cá nhân có thể giải quyết và chấp nhận những khác biệt của nhau, bỏ qua những ký ức gây tổn thương, quên đi những ước vọng không thành và tiến đến việc thể hiện sự trung thực qua thái độ ân cần, chia sẻ và cách nói chuyện thân tình, khi đó, họ đã dành cho nhau một món quà tuyệt vời, bền vững qua thời gian. Bởi khi những ký ức thể xác đã nhạt nhòa thì những ký ức về các mối quan hệ vẫn tồn tại.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu bản chất của các mối quan hệ. Cho và nhận tình yêu, sự ấm áp và sự quan tâm trong các mối quan hệ là một phần tự nhiên và nội tại của cuộc sống. Khi cảm thấy hạnh phúc, thoải mái, và vui sướng trong các mối quan hệ, chúng ta sẽ thấy bình an, vui sướng trong lòng mình. Và các mối quan hệ thường phản ảnh điều đó. Mối quan hệ là phản ảnh của những thái độ và trải nghiệm từ bên trong, của những điểm mạnh, điểm yếu và hình ảnh trong chúng ta. Có thể là chúng ta dành phần lớn cuộc đời để cảm thấy được an toàn và yêu mến trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè, bà con, với vợ hoặc chồng, với con cái. Đôi lúc, chúng ta cảm thấy được an toàn và yêu mến, nhưng đôi khi lại không. Khi các mối quan hệ không mang lại sự an toàn và tình yêu thương, chúng ta có một chọn lựa: hoặc là đổ lỗi cho người khác, hoặc nhìn vào bản thân để xem mình đã góp phần tạo ra hoàn cảnh ấy như thế nào. Giả sử chúng ta chọn cái thứ nhất - tức là đổ lỗi cho người khác, thì những người bị ta đổ lỗi đó thường là chẳng thay đổi gì cả. Và chúng ta càng cố làm cho họ thay đổi thì có thể họ lại càng tức tối với ta, và hậu quả là ta càng trở nên bực bội thêm nữa. Nếu chúng ta có được sự khôn ngoan và sức mạnh để nhìn vào trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ, thì chúng ta có thể nhận ra rằng điều mà ta có thể thay đổi chính là bản thân mình. Hơn nữa, khi chúng ta cố gắng đóng góp sức mình vào một mối quan hệ, thì mối quan hệ đó đã bắt đầu có khả năng giải tỏa được những đối kháng và căng thẳng hay bất cứ vấn đề nào khác.
Khi suy nghĩ đến phần đóng góp của mình trong mối quan hệ, những điểm sau đây có thể rất hữu ích:
1. Khi không thể chấp nhận người khác “như họ là”, đó là khi tôi không chấp nhận tôi “như tôi là”.
Qua suy ngẫm và phát triển nội tâm, khi chúng ta bắt đầu tăng lên niềm tin vào chính mình và các khả năng của mình mà không so sánh với người khác một cách thiếu thực tế, thì cái nhìn của chúng ta đối với người khác sẽ bớt mang tính phê phán, chỉ trích đi. Càng chấp nhận chính mình, chúng ta càng biết chấp nhận người khác với tất cả điểm mạnh, điểm yếu của họ.
Các mối quan hệ của chúng ta sẽ được cải thiện khi chúng ta cố gắng nhìn vào mình với một cái nhìn tích cực và mở rộng cái nhìn đó ra với người khác. Chúng ta cần nỗ lực chú trọng vào những điểm mạnh, các phẩm chất tốt đẹp của người khác và chấp nhận những điểm yếu của họ.
Khi hiểu mình như là một tâm hồn và nhìn người khác cũng với một cái nhìn như thế thì chúng ta sẽ có chiều hướng nhìn thấy vẻ đẹp và những đặc điểm của người khác nhiều hơn là phê phán họ dựa trên vai trò hay thành quả của họ.
Khi người khác cảm thấy mình được chấp nhận, họ sẽ cảm thấy thoải mái trong quan hệ và chắc chắn, họ sẽ chấp nhận chúng ta nhiều hơn. Nếu có thể thay đổi thái độ đối với người khác, chúng ta có thể thay đổi bản chất các mối quan hệ của mình.
2. Hiểu rằng tình yêu “đích thực” thì vô điều kiện.
Nếu chúng ta chỉ yêu người khác khi họ cư xử như mình mong muốn, thì chúng ta không bao giờ trải nghiệm được chiều sâu của một tình yêu chân thật và mạnh mẽ. Nếu chúng ta đi tìm tình yêu từ người khác để lấp đầy sự “trống rỗng” trong lòng mình, chúng ta sẽ không bao giờ được thỏa mãn vì người khác không phải là hoàn hảo và như thế, không phải khi nào họ cũng có thể cho cái mà ta muốn.
Hơn nữa, cần đến tình yêu và sự quan tâm của người khác để lấp đầy sự trống rỗng của mình có nghĩa là chúng ta đã trở nên lệ thuộc vào người đó để có hạnh phúc. Với sự lệ thuộc này, chúng ta thường bắt đầu ưa thích người khác chỉ khi nào họ thỏa mãn nhu cầu của mình; và khi họ không làm hay không thể làm được điều đó, chúng ta có xu hướng xem đó như một điều xấu, và cho rằng “Họ thật ích kỷ!”. Với cái nhìn như thế, chúng ta dễ dàng quay lưng lại với việc cảm kích trước những tốt đẹp của người khác.
Cuối cùng, những quan hệ thân thiết chỉ có thể tồn tại lâu dài khi cả hai phía đều có trách nhiệm phát triển và hoàn thiện chính mình. Có như thế, họ mới có thể yêu mến và tôn trọng nhau được.
Biểu hiện của một tình yêu đích thực là cho đi. Yêu thương là cho đi điều mình có. Trong mối quan hệ, nếu chúng ta cho đi tình yêu và sự quan tâm, bất kể ta có nhận lại được gì hay không, thì khi ấy, ta mới hiểu ra rằng việc cho đi và quan tâm đến người khác là phương cách đích thực để làm cho mình cảm thấy đầy đủ. Thông qua việc cho đi, chúng ta trở nên tràn đầy.
3. Tình yêu trở thành ràng buộc khi chúng ta trói buộc người khác vào những kỳ vọng của mình.
Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ bị tổn thương, tức giận hay bực bội khi người khác không như mình kỳ vọng, hay khi họ không thực hiện như cách ta mong họ làm. Những kỳ vọng ấy phát triển từ một quan niệm về tình yêu mang yếu tố làm chủ và chiếm hữu: “Tôi yêu anh, nhưng tôi mong ước và yêu cầu anh phải cư xử theo cách nào đó có lợi cho tôi và cho sự an bình của tâm trí tôi”. Bằng cách từ bỏ đi những kỳ vọng của mình vào người khác, chúng ta sẽ trở nên tự do và thoát khỏi bị tổn thương, tức giận và bực bội đối với họ.
Những người mắc phải chứng bệnh nan y có thể cảm thấy bực bội hay tức giận vì mất kiểm soát cuộc đời mình hay mất hy vọng vào tương lai. Cơn giận này thường là một giai đoạn chóng qua để đi đến việc chấp nhận hoàn cảnh. Tuy nhiên, cơn giận có thể trút lên người mà họ yêu mến và tin tưởng nhất. Vào lúc này, nếu có đủ sức mạnh vượt qua cơn tức giận cá nhân này mà vẫn tiếp tục cho đi, chấp nhận, và yêu thương, thì giai đoạn tức giận có khả năng sẽ trôi qua mau hơn và không để lại một thiệt hại hay dấu ấn lâu dài nào. Nếu cơn giận vẫn còn thì có thể là nó đang che giấu một vấn đề nào đó ở bên trong, chẳng hạn như sự sợ hãi, lo lắng, tổn thương.
Mặt khác, nhiều người khi phải đối diện với nỗi mất mát của người mình yêu mến thường cảm thấy bực bội và tức giận vì họ sắp bị bỏ lại một mình và không mong muốn điều đó xảy ra. Những cảm giác này có thể mãnh liệt hơn do những ước vọng bất thành khác trước đó trong mối quan hệ.
Ngay cả khi người ta cố gắng che giấu những cảm giác này thì người đang là mục tiêu của sự bực bội cũng nhận ra điều đó qua biểu hiện của nét mặt hay cách giao tiếp không lời.
Điều quan trọng là phải công nhận những cảm giác buồn bực, tức giận và thất vọng, rồi chấp nhận đó là những cảm giác bình thường và bày tỏ nó một cách trung thực - chứ không phải mang mặc cảm tội lỗi. Làm như thế thì có cơ may là có thể tìm được một giải pháp, và bằng cách tỏ bày, chia sẻ những cảm giác đó, biết đâu một vài điểm tích cực và một số cách giải quyết sẽ nảy ra.
4. Nhiều lúc, thật khó mà bày tỏ sự chú ý, yêu thương và quan tâm một cách có hiệu quả trong mối quan hệ.
Khi một người quen biết mắc phải một căn bệnh nan y, thì có hai chọn lựa: một là, sống trong một niềm tin giả tạo, cứ cho rằng không có vấn đề gì và giấu đi các cảm xúc của mình; hai là, chia sẻ về hoàn cảnh thực tế cùng với những nỗi sợ hãi, lo lắng và quan tâm của người bệnh.
Người chọn lối thứ hai sẽ nhanh chóng nhận ra rằng khi đưa những vấn đề này ra thì họ chỉ cảm thấy khó khăn trong bước đầu, nhưng rồi họ nhận được một cảm giác nhẹ nhõm và trung thực trong mối quan hệ. Họ nhận ra rằng quan tâm không phải là cố bảo vệ người khác khỏi nhìn nhận thực tại, mà là biết lắng nghe, chia sẻ sự lo lắng và gửi đi sự nâng đỡ, chấp nhận. Rất nhiều khi, chính việc tránh né tiến trình này lại dẫn đến những nỗi sợ hãi và mất khả năng đối diện với thực tại.
Người ta có thể chọn đúng thời điểm khi nào thì họ sẵn sàng để nói lên những vấn đề mình đang quan tâm. Ta cần phải nắm bắt những dấu hiệu mà chính người kia sẵn sàng bày tỏ và diễn tả. Nhiều lúc, ta chỉ cần lắng nghe và phản ánh lại những gì người kia nói để làm sáng tỏ. Lắng nghe một cách cẩn thận để xem họ có muốn một lời khuyên không hay chỉ đơn giản là muốn chia sẻ.
Nhìn chung, cố gắng chia sẻ, quan tâm và cho đi sẽ làm cho mối quan hệ khá hơn nhờ nội lực, thái độ tích cực, và các phương pháp tự nâng đỡ.
Suy ngẫm là một kỹ thuật nhằm nâng đỡ và nuôi dưỡng bản thân qua lối suy nghĩ tích cực và những trải nghiệm nội tâm về niềm vui và sự bình an. Suy ngẫm có thể được xem như là việc tận hưởng một ngày nghỉ trong chính mình, vì khi suy ngẫm, chúng ta được nghỉ ngơi, thoát khỏi mọi sợ hãi, lo lắng, và căng thẳng.
Tuy nhiên, phải nhớ rằng cần có thời gian và kiên nhẫn để đưa tư tưởng thoát khỏi những lo lắng, sợ hãi. Và với lòng quyết tâm, ta có thể thực hiện được điều này. Kết quả là những trải nghiệm, suy ngẫm của chúng ta sẽ sinh “hoa trái”, ta cảm thấy mạnh mẽ hơn, bình an hơn. Không dừng lại ở đó, những cảm nghiệm này lại được thể hiện qua thái độ và các mối quan hệ, điều này cũng có thể giúp cho những người mà ta quen biết phát triển sức mạnh, bình an và sự chấp nhận. Các phẩm chất này sẽ được biểu lộ ra và trở thành một phần trong mối quan hệ.
Diễn giải suy niệm:
CHẤP NHẬN
Tôi ý thức về những tư tưởng của mình. Tôi bắt đầu thư giãn tâm trí, làm chậm lại suy nghĩ của mình. Tôi để cho những tư tưởng bình an đi vào ý thức. Từ sâu thẳm lòng mình, tôi đạt được phẩm chất bình an. Tôi thật an bình và bây giờ, tôi bắt đầu nối kết với cảm nghiệm về phẩm chất này. Tôi cảm thấy năng lượng bình an đi vào ý thức của tôi. Những làn sóng rung động của bình an bắt đầu tỏa ra từ con người tôi. Tôi có thể cảm thấy một quả bóng nhỏ của bình an như một viên ngọc quý, nằm sâu trong con người tôi. Khi tôi chú ý vào quả bóng nội tâm bình an, viên ngọc bí mật của tôi, tôi cảm nghiệm nó và nó bắt đầu lớn lên. Tôi cảm thấy những làn sóng bình an đang rung động trong khắp cả thân thể tôi, và bây giờ, quả bóng bình an ấy đang bùng lên thành một nguồn suối ánh sáng và an bình, nguồn suối ấy tưới gội những giọt bình an khắp con người tôi.
Và giờ đây, tâm trí tôi trở nên yên tĩnh, thinh lặng, và bình an. Tư tưởng của tôi đang được ôm ấp trong trải nghiệm về bình an. Tôi thật bình tĩnh, thanh thản. Tôi cảm thấy một sự chấp nhận sâu thẳm và trong sáng trong con người tôi. Tôi là ánh sáng. Những làn sóng ánh sáng của bình an đang tỏa ra từ sâu thẳm trong tôi và tôi thật tự do, thật nhẹ nhàng như đang trôi trên biển bình an.
Tôi thấy một lối đi ánh sáng đang mở ra trước mặt. Và cuối lối đi này, tôi biết, căn nhà bình an đang ở đó. Căn nhà bình an đang kéo tôi lên và ngay tức thì, các tư tưởng của tôi lặng lẽ du hành vào đại dương bình an mênh mông, vô hạn - căn nhà của tôi. Tôi ngụp lặn tâm hồn mình trong không gian tĩnh lặng này. Tôi cảm nhận có một sự hiện diện mạnh mẽ và đầy yêu thương, một hiện hữu vĩ đại của ánh sáng, đang tưới xuống tôi một cách dịu dàng những làn sóng bình an và tình thương. Tôi đón lấy những rung động của bình an và tình thương ấy, và chúng trở thành một phần trong tôi. Tôi cảm nhận sự hiện diện của một sức mạnh đầy quyền năng và yêu thương đang đồng hành và nuôi dưỡng tôi. Và giờ đây, cảm nghiệm bình an đang trở nên mãnh liệt trong tôi. Những rung động của bình an và tình yêu đang tiến đến những ngóc ngách thâm sâu nhất của ý thức tôi và chúng đang chữa lành cho tôi. Tôi cảm thấy mình toàn diện, tôi cảm thấy mình được yêu thương, tôi cảm nhận mình được chấp nhận. Thật tốt để là chính mình. Tôi thích được là chính mình. Trái tim tôi tràn đầy, tràn đầy ánh sáng, tình yêu, và bình an, trước hết là cho chính tôi, và tôi ban tặng điều ấy như một món quà đến người khác dưới hình thức là những suy nghĩ. Tôi gởi đi những cảm giác bình an và những lời cầu chúc tốt đẹp đến những người gần gũi trong trái tim tôi. Tôi thấy họ trước mặt tôi và tôi gởi đến họ những rung động của bình an và chấp nhận sâu xa phát xuất từ con người nội tâm của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi cho đi và để người khác sống như là chính họ. Chúng tôi trao cho nhau những cảm xúc trung thực, gần gũi, và quan tâm đến nhau.
Trong khi tôi cảm thấy bình an và chấp nhận người khác, tôi hiểu ra rằng người khác có thể trở nên bình an và chấp nhận tôi. Tôi đang cảm nghiệm được bản chất đích thực của tình yêu, không thắc mắc, không đòi hỏi, không mong đợi, chỉ có cho đi và chia sẻ sự ấm áp, quan tâm và chấp nhận.
Tôi có được một nguồn yêu thương và quan tâm trong tôi, mà các rung động của bình an và chấp nhận này vượt khỏi ranh giới gia đình và bạn bè để đến với những người khác trên thế giới, là những con người đang đi tìm bình an và tìm đường thoát khỏi đau khổ. Tôi càng gởi đi những rung động này thì nguồn dự trữ bình an và quan tâm càng trở nên sâu sắc hơn, đủ mạnh mẽ để đi đến bất cứ nơi đâu mà tôi chọn.
Tôi hướng tư tưởng của mình trở lại với trải nghiệm về bản thân. Tôi đã du hành qua những không gian mênh mông và vô hạn trong con người tôi và tôi thấy rằng tôi thật mạnh mẽ, bình an và khỏe mạnh. Khi ý thức của tôi trở lại căn phòng tôi đang ngồi, tôi mang theo mình những cảm giác bình tĩnh, yên lặng, bình an và hạnh phúc. Trong khi tôi tiếp tục cảm nghiệm những phẩm chất này, thì chúng sẽ tự động hiện ra trong tư tưởng, lời nói, hành động và trong mối quan hệ với người khác. Tôi có thể cho người khác một món quà vĩnh cửu, không hư nát, trường tồn qua thời gian, đó là chính tôi.