Bây giờ, chúng ta chuẩn bị đi sâu vào vấn đề. Bạn muốn được tốt đẹp trong kinh doanh, bạn muốn được thành công trong đời, nhưng bạn cũng có một bản năng mạnh mẽ bảo bạn rằng cuộc đời sẽ chẳng là bao nhiêu nếu nó thiếu khía cạnh tâm linh. Bạn cứ làm ra bạc triệu và cũng cứ tư duy.
Để thành công thực sự trong doanh nghiệp bạn cần một số trí tuệ thâm sâu đến với một đời sống tâm linh. Như thế, bạn có thể có cái bánh và cũng có thể ăn nó nữa. Trong chương này, chúng ta sẽ đề cập tiềm năng trong mọi việc - cái mà những người theo Phật giáo gọi là “không” - nhưng xin đừng lo lắng về cái tên mới lạ này, hoặc mường tượng nó ra ngay. Nó chẳng hề là những gì mà từ này gợi ý, và nó, hoàn toàn đơn giản, là bí mật của mọi thành công.
Tốt nhất có lẽ nên khởi đầu bằng một sự trao đổi đáng ngạc nhiên giữa Đức Phật và vị đệ tử Tu-bồ-đề của Ngài.
Tỳ-kheo trẻ tuổi Tu-bồ-đề cung kính bạch Thế tôn như sau:
Bạch Thế tôn, loại giáo lý đặc biệt này tên là gì? Chúng con phải nghĩ đến nó như thế nào?
Đức Phật trả lời:
Này Tu-bồ-đề, đây là giáo lý về Trí tuệ Toàn hảo và các người phải nghĩ đến nó như thế.
Tại sao vậy? Vì rằng, này Tu-bồ-đề, chính cái Trí tuệ Toàn hảo này mà Như Lai giảng dạy là cái Trí tuệ Toàn hảo có thể không bao giờ hiện hữu. Và quả thực đây là lý do tại sao chúng ta có thể gọi nó là Trí tuệ Toàn hảo.
Này Tu-bồ-đề, hãy nói cho ta biết, ông nghĩ gì? Có giáo lý nào mà Như Lai từng giảng dạy không?
Và Tu-bồ-đề cung kính bạch:
Không, bạch Thế tôn, không hề có. Không bao giờ có thể có giáo lý nào mà Như Lai có thể giảng dạy.
Bằng những lời này, Năng đoạn kim cương có vẻ như nổi lên trong cái thế giới không-mang-ý-nghĩa (không, vô ngã, vô niệm) mà tiếc thay, trong văn hóa của chúng ta, Phật giáo bị hiểu là thế giới ấy. Nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy.
Hãy xem những gì được nói ở đây và tại sao như thế, rồi hãy cố gắng nhìn xem Phật giáo có thể được áp dụng thế nào trong cuộc sống doanh nghiệp của chúng ta. Bởi vì quả thực Phật giáo có thể được áp dụng, ngôn thuyết của Phật giáo chứa đựng những bí mật thực sự cho một cuộc sống hoàn toàn thành công.
Tựu trung, đối thoại trên có vẻ như sau:
Tu-bồ-đề: Chúng con sẽ gọi kinh này là gì?
Đức Phật: Hãy gọi là Trí tuệ Toàn hảo.
Tu-bồ-đề: Chúng con sẽ nghĩ về kinh như thế nào?
Đức Phật: Hãy nghĩ đến kinh như là Trí tuệ Toàn hảo.
Và nếu ông muốn biết tại sao, thì đấy là vì cái Trí tuệ Toàn hảo mà ta đang viết về là cái trí tuệ toàn hảo không hề hiện hữu - và đấy chính là lý do tại sao ta quyết định đặt tên kinh này là Trí tuệ Toàn hảo. À này, Tu-bồ-đề, ông có nghĩ rằng cuốn kinh này là một cuốn kinh?
Tu-bồ-đề: Không ạ. Chúng con biết rằng Ngài không bao giờ viết kinh.
Cái then chốt ở đây, và cái chìa khóa cho năng lực ẩn giấu trong tất cả mọi sự vật, là lời khẳng định rằng “Bạn có thể gọi cuốn kinh là một cuốn kinh, và bạn có thể nghĩ về cuốn kinh như một cuốn kinh, vì nó chưa bao giờ có thể là một cuốn kinh”. Lời khẳng định này có một ý nghĩa rất rõ ràng và rất cụ thể; nó không phải là một loại chữ nghĩa rắc rối vô ích, và trong nó chứa đựng tất cả những gì mà bạn cần biết để được thành công trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống doanh nghiệp của bạn.
Hãy lấy một thí dụ rất thông thường từ cuộc sống doanh nghiệp để minh họa cái ý niệm về tiềm năng này. Đó là thí dụ về bất động sản.
Khi mới khởi đầu tại Andin, chúng tôi thuê một hay hai phòng trong một văn phòng lớn của một công ty kim hoàn gần tòa Empire State Building. Ofer và Aya, hai chủ sở hữu, ngồi trong một căn phòng nhỏ kế bên một phòng hơi lớn hơn, phòng ngăn này là nơi Udi (người thợ kim cương), Alex (người tạo mẫu kim hoàn), Shirly (cô phụ trách máy vi tính) và tôi ngồi quanh một cái bàn lớn. Kim cương được phân loại để trên mé bàn, cùng với những hóa đơn cần được đưa vào máy vi tính ở góc bên kia. Trong khi đó, tôi ngồi bên điện thoại ở một góc khác, cố tìm ra tên các thư ký của những người mua kim hoàn lớn khắp thành phố, như thế, chúng tôi có thể liên lạc trực tiếp với người có quyền quyết định.
Một hàng khoảng 15 chiếc nhẫn được sao chụp trên một mặt giấy mà Ofer và Aya chạy quanh và chỉ cho mọi người xem. Làm việc cho họ cũng khá ngộ vì họ chẳng biết chút gì về doanh nghiệp ở Mỹ, và nghịch đời thay, họ lại có khả năng sáng tạo hơn nhiều vì rằng họ chẳng cần để ý tới tất cả những công việc vốn không thể làm được (mà lại làm được), hoặc tất cả những gì mà bạn tuyệt đối không được phép làm (giống như mặc một chiếc áo thun bóng bầu dục của đội Dallas Cowboys để đi dự một cuộc họp với các ủy viên điều hành của một trong những nhóm kinh doanh lớn nhất thế giới).
Ofer có thể bước vào và hỏi chúng tôi những câu hỏi ngớ ngẩn về nước Mỹ như: “Theo lịch thì ngày mai là ngày lễ Groundhog1. Đấy có phải là một ngày quốc lễ không? Các bạn có được nghỉ ngày ấy không nhỉ? Chúng tôi có phải trả lương ngày ấy cho các bạn không? Và đôi khi, chúng tôi nói với ông ta rằng đấy là một ngày lễ rất quan trọng ở Mỹ.
1 Ngày 2/2. Ở Hoa Kỳ, Canada, có truyền thuyết cho rằng đây là ngày có con sóc đất (groundhog, woochuck, marmot hay ground squyrrel) từ trong hang chui ra. Nếu nó không nhìn thấy bóng nó (trời âm u), tức là mùa đông sắp hết. Nếu ngược lại, trời nắng, nó sẽ lại chui vào hang để ngủ, tức là mùa đông sẽ kéo dài thêm sáu tuần nữa.
Mặt khác, họ lại không thể hiểu tại sao ai cũng muốn về nhà trước 11 giờ đêm và thường thì chúng tôi làm việc tới giờ ấy, đôi khi còn khuya hơn. Thời gian về tu viện của tôi mất gần hai giờ, và vì vậy tôi phải về nhà khoảng 1 giờ sáng, và đến 6 giờ sáng phải thức dậy để lên xe vào lại thành phố.
Kim cương và các đồ trang sức được đưa đến từ xưởng chế tạo ở Israel và đi thẳng đến khách hàng. Tôi nghĩ người ta tưởng chúng tôi có những phương tiện sản xuất riêng nhưng rốt lại vẫn là chạy xuống trụ sở Brinks Armored ở Đại lộ số 5 và đường 47 mà bóc hết các nhãn hiệu khác ra khỏi chiếc hộp vừa mới từ Tel Aviv tới rồi dán lên đó một trong những nhãn hiệu của chúng tôi có ghi tên khách hàng, rồi đưa nó lên văn phòng ở tầng lầu kế tiếp.
Tôi nhớ có một sự việc gây hốt hoảng khi tôi mở chiếc hộp như thế ra để chia cho hai khách hàng. Tôi thấy bên trong chiếc hộp là một đống nhẫn kim cương pha đồng. Tôi mang kiện hàng chạy xuống trở lại tầng 30 rồi gọi điện thoại tới tấp đến Trung Đông. Vấn đề ở đây là vàng 14 ca-ra có thể được làm ra bằng nhiều cách. Trong hệ thống ca-ra đối với vàng (trái với hệ thống ca-ra đối với kim cương), 24 ca-ra là biểu hiện của vàng ròng; dùng cho đồ trang sức thì vàng ròng là quá mềm với điều kiện bình thường, một chiếc nhẫn 24 ca-ra sẽ bị long ra. Do đó, chúng tôi trộn thêm vào đó các kim loại khác để làm cho nó cứng hơn.
Nếu pha trộn các kim loại khác vào theo tỷ lệ một phần tư thì chiếc nhẫn trở thành 18 ca-ra và v.v… Thông số ca-ra đúng quy định tại Mỹ là 18, 14, và 10 ca-ra. Kim loại mà bạn thêm vào để làm cho chiếc nhẫn cứng hơn cũng xác định nó đạt tới màu gì. Nếu bạn thêm niken, vàng sẽ mang màu vàng nhạt hơn. Nếu bạn thêm đồng, vàng sẽ mang màu đỏ bóng. Các cách pha trộn khác tạo ra các màu sắc khác. Người Mỹ có xu hướng thích các màu vàng nhạt hơn; người châu Á thì thường chuộng các màu vàng đậm; và nhiều người châu Âu lại chuộng một màu gần như màu đồng. Món hàng đặt của chúng tôi đã được chế nhầm theo màu châu Âu.
Đây là một trong những ký ức mà tôi quý nhất về những năm đầu của công ty: tất cả chúng tôi gồm ba hay bốn người đổ xô đến một xưởng xi mạ đông đúc chật chội, và cố gắng tìm người chủ để thêm một lớp vàng màu vàng (đắt tiền) lên trên món vàng màu đỏ nhạt. Tôi ngồi cùng với mấy tỷ phú tương lai này, quanh một chiếc bàn chung với chừng 15 cô gái người Puerto Rico, Ofer và Aya đang oang oang chỉ bảo nhau bằng tiếng Hebrew, các cô gái đang oang oang bằng tiếng Tây Ban Nha, không ai có thể hiểu được tại sao chúng tôi dùng vàng mạ vàng, và lát sau chúng tôi kề vai nhau cúi chụm vào những chiếc nhẫn kim cương này mà quét lên chúng bằng những hóa chất đặc biệt để các hóa chất này che đi những phần mà chúng tôi không muốn chuyển sang màu vàng.
Thế rồi chúng tôi có cơ hội mở xưởng của chính mình. Xưởng này cũng gần như thế, một căn phòng ở dưới đường phố tại Manhattan với những bức tường to lớn bằng những thanh sắt chạy qua nền xi-măng, cùng với cái hầm két đầu tiên của chúng tôi. Ở đây cũng có những điều để nhớ mãi: Cái đêm chúng tôi rời chỗ cũ, chúng tôi đã làm rách bung tấm thảm và phải bò lê khắp nơi mà sục sạo các mảnh vỡ của kim cương mà chúng tôi đã làm rơi xuống trong suốt mấy tháng làm việc vừa qua (cũng tới vài trăm mảnh). Một cô nhân viên bị kẹt trong căn phòng mới lập dưới hầm ngầm suốt cả đêm do sự cố, và chồng cô ta không hiểu vì sao chúng tôi có thể làm việc đến quá trễ như vậy. Tôi thì đẫm mồ hôi trong bộ đồ vest độc nhất của tôi (nó bằng len) suốt mùa hè ẩm thấp của New York; đấy là vì thầy của tôi dặn kỹ rằng tôi phải luôn luôn ăn mặc đúng tư cách - tôi phải mặc nó suốt ngày và không bao giờ được cởi áo ra, không được nới lỏng cà-vạt.
Sau chừng sáu tháng làm việc tại cái xưởng bé tẹo, chúng tôi quyết định đã đến lúc phải dời đi nơi khác. Chúng tôi có nên đánh liều mà dời xuống quận Diamond không? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi mướn một chỗ lớn hơn nhưng các đơn đặt hàng lại giảm xuống? Còn nếu chúng tôi mướn một chỗ nhỏ hơn nhưng các hóa đơn đặt hàng lại tăng nhiều thì sao? Làm sao chúng tôi có thể thực hiện cho hết?
Cho nên, chúng tôi chọn chừng phân nửa một tầng lầu của một cao ốc cũ kỹ nằm sát ngoài khu chính - một giải pháp thỏa hiệp giữa sự liều lĩnh mướn một chỗ lớn và sự yên tâm về giá thuê rẻ. Tôi ngồi một mình trên ghế trong “phòng kim cương” (một phòng bé tí); đôi khi tôi làm việc trong “phòng kế hoạch” (một phòng rất nhỏ lại được dùng làm phòng đợi nữa); hoặc ở đâu đó trong phòng két (một loại phòng nhỏ hẹp không có chỗ ngồi chỉ đủ cho hai công nhân gần giống như hai xác ướp trong một quan tài bằng đá). Nhà xưởng là một phòng lớn hơn có độc nhất một máy đánh bóng để trong góc.
Trong vòng một năm, chúng tôi đã có doanh số bán gấp đôi (điều này gần như xảy ra hàng năm trong suốt khoảng 10 năm) và việc đánh liều mướn một chỗ lớn đã trở thành bắt buộc phải thực hiện. Chúng tôi thực sự phải thúc cùi chỏ vào nhau; có một nhận xét khôi hài rằng một phân Anh (inch) của khoảng cách giữa hai bàn làm việc của bạn được tính theo mỗi ngàn đôla lương của bạn và thế thì bấy giờ tôi có được 15 phân Anh. Vì các lý do an toàn, chúng tôi không tiếp những người cung cấp kim cương, và do đó chúng tôi đứng ngoài mà thương lượng ở hành lang giữa phòng ngoài (được gọi là một cái “bẫy người”) và phòng đợi, do đó những người mua bán kim cương khác sẽ không nghe được giá cả mà chúng tôi nêu ra cho người đầu tiên. Hãy tưởng tượng rằng bạn đứng trong một hành lang nhỏ hẹp, lù mù, tay cầm gói giấy nhỏ chứa hàng ngàn viên kim cương nhỏ xíu, cố cao giọng át tiếng ồn của một cái xưởng đằng sau bạn, nhưng lại cố đừng để cho những người đang ngồi phía trước bạn nghe, rồi tính toán tổng số tiền mua đối với nhiều cấp loại khác nhau, lãi suất và giảm các số tiền trả vì đối thủ của bạn cũng làm như thế. Người ta thường cảm thấy đây như là một cuộc chiến đấu giữa các kiếm sĩ được tổ chức trong một căn phòng hẹp.
Nhân tiện, một “cái bẫy người” là một khu đặc biệt trong các hãng kim cương, tại đó người khách từ ngoài bị dò xét khi vào trong cửa trước, bị camera kiểm tra hoặc bằng kính chắn đạn khi cửa ngoài đóng lại, và rồi bị dò xét khi qua cửa thứ hai để vào khu nhà chính của công ty. Một thiết bị điện ngăn không cho cả hai cửa mở cùng một lúc. Điều này đưa đến một số tình trạng bi hài khi bạn là người cuối cùng đi ra vào buổi tối và đã qua khỏi cửa trong nhưng lại quên chìa khóa cửa ngoài.
Khi đã đến giai đoạn này, chúng tôi thực hiện bước an toàn là mướn thêm nửa kia của tầng lầu. Khi toàn bộ tầng lầu trở lại tình trạng khoảng cách giữa các bàn làm việc chừng 20 phân Anh thì chúng tôi mướn thêm một tầng nữa và nối hai tầng với nhau bằng một cầu thang. Chúng tôi cứ trở đi trở lại với tình trạng khoảng cách các bàn làm việc là 20 phân Anh trong khi luôn luôn đạt gấp đôi doanh số bán, và chúng tôi mướn tầng lầu kế cận nhất mà chúng tôi có thể mướn được - không may tầng này lại cách tầng cũ hai tầng.
Lần kế tiếp chúng tôi lại cần nhiều không gian hơn nhưng tuyệt nhiên chẳng có tầng nào để dọn đến nữa. Chúng tôi kiểm tra cao ốc, sát ngay cạnh, đấy là một kiến trúc gồm ít tầng hơn, nhưng chúng tôi cũng không kiếm được tầng nào ở đấy. Do đó, chúng tôi mướn một tầng lầu cách chúng tôi một cao ốc đủ cao để vượt khỏi cao ốc nằm giữa, rồi chúng tôi giăng mạng dây một cách hoàn toàn bất hợp pháp xuyên qua khoảng không bên trên cao ốc thấp hơn kia để rồi móc vào các máy vi tính. Trông nó giống như những dây phơi quần áo mà bạn giăng giữa các cao ốc chung cư ở Brooklyn, nhưng ở đây thì giữa các tháp bằng thép và kính tại trung tâm Manhattan.
Bây giờ, chúng tôi đang gặp tình trạng khó khăn khi phải nhiều lần lên xuống đường phố với những gói lớn đựng kim cương - và cả hồng ngọc, bích ngọc, tử ngọc và cả tá ngọc khác nữa - để làm việc giữa các phòng phân loại trong các cao ốc khác nhau. Thật là nguy hiểm, và quận Diamond đã bắt đầu lan rộng tới khu của chúng tôi, tiền thuê nhà đất luôn luôn tăng lên. Chúng tôi phải có một quyết định về việc làm sao để công ty của chúng tôi có trụ sở vững vàng vì vào lúc này, công ty đã có lợi tức là nhiều triệu đôla mỗi năm và có khoảng một trăm nhân viên. Do đó, chúng tôi quay trở lại vấn đề tài sản thực sự và tiềm năng của các sự việc.
Một nhà doanh nghiệp có tiếng ở New York phải có tờ The Wall Street Journal (Nhật báo phố Wall) vào mỗi buổi sáng. Vấn đề đọc hay không đọc nó không quan trọng (tôi có cảm nhận rằng rất ít người thực sự đọc nó), điều quan trọng trong nhiều công ty là người ta nhìn thấy bạn cặp một tờ báo này trong cánh tay khi bạn hăng hái bước vào các cửa chính mỗi sáng. Còn tốt hơn nữa là phải đoán chắc rằng tờ báo ấy được giao đến phòng bạn mỗi ngày - được đút vào cửa văn phòng của bạn vào khoảng 9 giờ sao cho tờ The Wall Street Journal được thấy rõ từ hành lang. Sở dĩ là lúc chín giờ vì tờ báo có thể ở đó cho đến khi bạn ung dung vào phòng khoảng lúc 9 giờ 30. Mỗi nhân viên cấp dưới đi qua cửa phòng bạn trước lúc này sẽ trông thấy tờ báo còn ở đấy, bằng chứng tích cực rằng bạn chưa đến văn phòng và họ sẽ được nhắc nhở rằng bạn là ông chủ, và chẳng cần phải đâm sầm vào đấy lúc 9 giờ 50.
Vài lần tôi cũng có đọc The Wall Street Journal, thường là vì tò mò. Ở trang nhất, qua phía bên phải (vì khoảng phía bên trái, kín đặc tin tức trong nước và thế giới), sẽ có một bài viết rất thú vị về một nhà doanh nghiệp cỡ như George Soros, đã thực hiện việc đầu tư rất táo bạo và thành công rực rỡ. Vị này được ca tụng như là người “nhìn xa trông rộng” có trí tuệ vượt xa những người khác trong thương trường, người đã có lòng can đảm và sự tự tin để tiến lên thiết lập những quân bình mới về lợi nhuận trong khi những doanh nhân kém trí hơn và bảo thủ hơn tụt lại đằng sau.
Ở trang bốn có thể có một bài về doanh nghiệp đang lúng túng vì việc quản trị đã trở nên lỗi thời và kẹt cứng về các phương cách; tất cả các Phó Chủ tịch đều bị Ban Quản trị tẩy chay và vị Chủ tịch đã bị thay thế. Một tuần hay một tháng sau khi mở tờ nhật báo ra (thực ra tôi vẫn thường rút trộm một tờ dưới khe cửa của một Phó Chủ tịch khác, và đặt nó lại chỗ cũ trước khi ông ta vào phòng). Trên trang nhất có thể có một bài ca ngợi một công ty cứ trung thành theo những phương pháp được sử dụng, thử thách qua nhiều năm và trong quý này đã đạt lợi nhuận lớn. Họ là một công ty được một người lãnh đạo có trí tuệ gắn chặt với những nguyên tắc của quá khứ. Thế rồi ở trang bốn có thể có một bài phê bình gay gắt về một nhà tư bản khờ dại đã dùng vốn của công ty mình một cách táo bạo, thiếu thận trọng.
Điều gây ấn tượng với tôi là những thiên tài táo bạo trong một tháng có thể là những anh khờ táo bạo vài tháng sau. Và tên của những anh khờ bảo thủ trong tháng này có thể là tên của những thiên tài táo bạo về sau. Hoặc có thể nhà thiên tài táo bạo vẫn tiếp tục cất cánh, hoặc anh khờ bảo thủ vẫn tiếp tục lụn bại. Dù thế nào đi nữa, hình như chẳng có ai lưu ý rằng hầu hết những thành tựu khác nhau một cách ngẫu nhiên hình như vẫn tiếp diễn từ chính cùng những hành động được thực hiện bởi một hay cùng những cá nhân hay công ty.
Điều này ứng dụng vào vấn đề bất động sản như thế nào? Điều này cho thấy một “tiềm năng” như thế nào? Hãy nghĩ đến những câu hỏi mà chúng tôi vẫn đặt ra khi chúng tôi đang suy tính làm sao để có được một cao ốc cho chính chúng tôi sau nhiều năm, cứ phân vân về việc thuê hay không thuê, mở rộng hay không mở rộng. Chúng tôi có nên thực hiện bước vĩ đại này hay không?
Trong tình thế này, các nhà doanh nghiệp mỗi người đều khởi đầu những toan tính riêng của họ, nhận định những thuận lợi hay không thuận lợi. Một cao ốc mới và lớn sẽ gây ấn tượng cho khách hàng của chúng tôi, tạo thêm một ấn tượng về sức mạnh cả cho họ lẫn những người cung cấp hàng cho chúng tôi. Hoặc có thể họ nhận thức rằng chúng tôi đã mở rộng vượt ngoài khả năng của chúng tôi - có thể các khách hàng sợ rằng chúng tôi sẽ phải tăng giá để trang trải những chi phí mới, và có thể những người cung cấp sẽ nghĩ rằng họ đã bán đá quý cho chúng tôi với giá rẻ - rằng chúng tôi có được cao ốc mới bằng chi phí của họ.
Có thể việc rời khỏi quận Diamond sẽ làm cho tình hình trở nên khó khăn và liều lĩnh hơn đối với những người cung cấp đá quý trong việc mang hàng đến mỗi khi chúng tôi cần họ. Có thể tiền tiết kiệm do không phải thuê mướn cơ sở sẽ cho phép chúng tôi trả giá cao hơn cho họ, chúng tôi sẽ thu hút nhiều nhà buôn hơn và làm ra nhiều tiền hơn.
Ngược lại việc di chuyển mới sẽ làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn đối với các nhân viên đến chỗ làm việc, họ phải mất thêm nửa tiếng đồng hồ cho việc đi lại bằng xe điện ngầm sẽ buộc những người tốt phải bỏ việc và tìm kiếm công việc gần quận Diamond hơn. Hoặc có thể người ta thích khu vực yên tĩnh tại cơ sở mới của chúng tôi, West Greenwich Village - nơi có những cửa hàng và nhà hàng kỳ lạ với những đĩa thức ăn lớn hơn nhiều so với khu trung tâm.
Có thể giá trị tài sản của công ty sẽ tăng vọt lên khi chúng tôi dời đến đó, và cộng thêm một khoản lớn tiền lãi suất đầu tư cho những người sở hữu. Hoặc có thể thị trường bất động sản New York sẽ trải qua một sự tụt giá đột ngột và chúng tôi sẽ bị kẹt vào những thanh toán thế chấp cao.
Có thể việc tổ chức quy mô và việc thực hiện tất cả các hoạt động sản xuất trong một cao ốc sẽ cho phép chúng tôi hạ giá và thắng đậm trên thị trường. Hoặc chi phí để duy trì điều kiện sản xuất lớn sẽ dần dần bóp chết chúng tôi.
Những ai trong các bạn đã từng thực hiện kinh doanh đủ lâu và thực sự chân thực với chính mình đều biết rằng, trong trường hợp này các sự việc có thể dễ dàng diễn ra theo một trong hai cách. Nếu bạn mua cao ốc và mọi việc suôn sẻ thì bạn là một thiên tài. Đấy là một thành công lớn. Nếu bạn mua mà mọi việc trở nên xấu đi thì bạn là một thằng khờ liều lĩnh. Nếu bạn không mua cao ốc mà mọi việc suôn sẻ, hay nếu bạn không mua và mọi việc không suôn sẻ - thì bạn biết đấy, người ta sẽ gọi bạn là gì. Và bạn biết rằng dù cách thế nào thì bạn vẫn là một người mà thôi.
Rất nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, điều này đưa chúng ta đến khả năng tiềm ẩn của các sự việc.
Một cuộc kinh doanh bất động sản như việc mua một tòa cao ốc lớn gồm chín tầng của tập đoàn Andin International ở khu phía Tây của Manhattan là một thí dụ hay về tiềm năng hay cái mà những Phật tử gọi là “tính không”.
Điều quan trọng để hiểu ở đây là trong vấn đề cao ốc và việc mua cao ốc có mọi loại tiềm năng để trở thành việc tốt hay xấu, tất cả đều có trong cùng một lúc.
Nếu chúng tôi mua cao ốc và giá trị bất động sản ở New York tụt xuống (và tôi e rằng chính điều này xảy ra khi chúng tôi mua tòa cao ốc của mình) thì việc mua cao ốc là một việc không tốt - đối với những người chủ công ty của chúng tôi, Ofer và Aya.
Nếu chúng tôi mua cao ốc và đột nhiên tất cả các trưởng phòng đều có khoảng không gian văn phòng rộng hơn họ có trước đây thì việc mua này là một việc tốt - đối với các trưởng phòng.
Nếu chúng tôi mua cao ốc và tất cả các nhân viên ở New Jersey phải mất thêm nửa giờ để đi lại hàng ngày thì đó là một việc không tốt đối với họ. Nhưng đó lại là một việc tốt cho tất cả những ai ở Brooklyn, họ tiết kiệm được thời gian đi lại hàng ngày.
Nếu chúng tôi mua cao ốc và nó gây cho những người cung cấp hàng cho chúng tôi cái ấn tượng rằng chúng tôi mạnh về tài chính thì đó là một việc tốt - đối với chúng tôi. Nếu nó gây cho họ ấn tượng rằng chúng tôi thắng đậm họ thì đó là việc xấu đối với chúng tôi.
Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta bỏ qua cái “đối với chúng tôi” và “đối với họ”? Sẽ thế nào nếu chúng ta thử đánh giá xem tòa cao ốc hay việc mua tòa cao ốc trong chính nó là việc tốt hay việc xấu? Nếu bạn suy nghĩ về nó dù trong một chốc thì câu trả lời rõ ràng sẽ là, trong chính nó, việc mua tòa cao ốc không phải là tốt cũng không phải là xấu - nó chỉ tùy thuộc vào cái nhìn của người nào. Nó sẽ là tốt đối với những ai có lợi từ nó và sẽ là xấu đối với những người bị thiệt hại vì nó. Nhưng không có cái tốt hay cái xấu sẵn có về việc mua tòa cao ốc - nó không có tính chất ấy trong chính nó và của chính nó. Nó trống rỗng, không có tính chất nào như thế.
Và đây chính là ý nghĩa của không: các sự việc có thể diễn ra theo một cách nào đó, không có “sự việc” nào về tòa cao ốc trong chính nó và của chính nó, nó hoàn toàn tùy thuộc vào thể cách nhận thức của chúng ta về nó. Đây là cái tiềm năng trong các sự việc.
Cũng nên nhớ, mọi sự trên đời đều giống như thế. Có phải trong chính nó và của chính nó, việc đi đến nha sĩ để giải phẫu chân răng là một việc xấu không? Vâng, nếu đó là một việc xấu thì nó phải xấu đối với tất cả mọi người. Nhưng hãy suy nghĩ về nó - bất kể là nó có vẻ xấu như thế nào đối với chúng ta, việc giải phẫu chân răng có thể là một điều gì tốt cho những người khác. Một nha sĩ không đạo đức có thể nhận thức rằng đó là một cơ hội rất tốt để kiếm tiền trả học phí đại học cho cậu con trai; đối với một cô y tá thì điều đó thể hiện sự đảm bảo cho công việc; đối với người bán các dụng cụ về răng thì đó là một cơ hội để bán thêm một hộp ống tiêm nữa. Ngay cả quá trình đau đớn như thế cũng không có tính chất cố hữu của một việc tốt hay một việc xấu. Trong chính nó và của chính nó, nó độc lập với thể cách nhận thức về nó của những người khác nhau, nó không có tính chất nào như thế; nó là trung tính, trống không hay trống rỗng. Tóm lại, nó có cái “không tính”, và điều này - theo các kinh điển thâm sâu nhất về trí tuệ Tây Tạng cổ - là cái khả năng tiềm ẩn và tối hậu của nó.
Những người xung quanh ta đều như nhau: Hãy suy nghĩ về những người tại nơi làm việc của bạn hay làm bạn bực mình nhất. Hình như về phía của chính họ, họ có một tính chất hay bản chất gây bực bội. “Việc gây bực bội” có vẻ như xuất phát hay bắt nguồn từ họ đến bạn. Tuy vậy, hãy suy nghĩ về nó. Một người nào đó (có thể là một nhân viên khác, có thể là một ai đó trong gia đình của họ, một người vợ hay một đứa con) nhận thấy họ rất thân thương và khả ái. Khi những người này nhìn thấy họ trong phòng như bạn nhìn thấy họ đang làm hay đang nói chính những sự việc ấy thì những người này nhìn thấy một cái gì tốt.
Rõ ràng là không có “việc gây bực bội” nào xuất phát từ cá nhân ấy đến với họ - điều này chứng tỏ một cách rất đơn giản rằng đây không phải là một tính chất bên trong của những cá nhân ấy. Họ không có tính chất nào như thế bên trong chính họ, nếu không thì nó đã biểu lộ ra cho những người khác thấy nữa; đúng hơn, giống như những màn hình trống trơn, họ là trung tính và những người khác nhau trông thấy những điều khác nhau ở họ. Đây là một bằng chứng rất đơn giản và không thể phủ nhận về không tính hay khả năng tiềm ẩn. Và bất cứ điều gì khác trong thế giới này cũng đều giống như vậy.
Bây giờ chúng ta có thể quay trở lại và hiểu những gì mà Đức Phật đã nói về cuốn kinh này. “Ông có thể gọi cuốn kinh là một cuốn kinh, và ông có thể nghĩ về cuốn kinh như là một cuốn kinh vì nó chưa bao giờ là một cuốn kinh”. “Bạn có thể nói rằng việc mua một tòa cao ốc là một điều tốt, và bạn có thể nghĩ về việc mua tòa cao ốc như là một điều tốt bởi vì hoàn toàn tự chính nó, việc mua tòa cao ốc chưa bao giờ là một điều tốt (hay là một điều xấu); tức là từ phía chính nó, nó độc lập với thể cách mà chúng ta nhìn thấy nó”.
Vậy, tất cả điều này có gì liên hệ với doanh nghiệp? Khả năng tiềm ẩn này có thể là chìa khóa cho thành công cả trong cuộc sống cá nhân và trong doanh nghiệp của chúng ta như thế nào? Để được như vậy, chúng ta phải biết những nguyên tắc đằng sau việc sử dụng tiềm năng này vận dụng như thế nào.