Trong chương trước chúng ta đã nói về khả năng tiềm ẩn trong tất cả mọi sự việc - điều mà các Phật tử gọi là “tính không”. Chúng ta thấy rõ ràng rằng không có gì đã từng xảy ra cho chúng ta là một việc tốt hay xấu từ phía chính nó, bởi vì - nếu như vậy thì bất cứ người nào khác cũng sẽ kinh nghiệm nó theo cách như thế. Chẳng hạn, người gây bực bội cho chúng ta ở nơi làm việc cũng sẽ gây ấn tượng đúng như thế đối với bất cứ ai khác, nếu sự “gây bực bội” của người ấy là một cái gì đó ở bên trong xuất phát ra khỏi người ấy và bay khắp phòng đến với chúng ta. Tuy nhiên, trong thực tế hầu như luôn luôn có ai đó nhận thấy người ấy là tốt và dễ thương.
Thật ra vấn đề này có hai hàm ý quan trọng:
1. Bên trong anh ta, người này không có tính chất gây bực bội hay tử tế. Tự người ấy từ phía chính mình là “trống không” hay “trung tính” hay “không”.
2. Lý do khiến chúng ta đưa ra nhận xét cá nhân rằng người này gây bực bội phải xuất phát từ đâu đó khác.
Thế thì nó xuất phát từ đâu? Câu trả lời nằm trong những nguyên tắc đằng sau việc tháo mở các khả năng tiềm ẩn trong các sự việc, những nguyên tắc để sử dụng khả năng này để thành công trong doanh nghiệp và trong đời sống cá nhân của chúng ta. Đây là những gì Đức Phật đã dạy trong kinh Năng đoạn kim cương về việc thực hiện một doanh nghiệp toàn hảo và một cuộc sống toàn hảo - một thế giới toàn hảo hay thiên đường.
Thế tôn dạy:
Này Tu-bồ-đề, giả sử một số môn đệ trên con đường từ bi đã nói rằng: “Tôi đang nỗ lực để tạo ra một thế giới toàn hảo”. Họ bảo thế là không đúng sự thật.
Đại sư Choney Lama giải thích những dòng khó hiểu trên theo cách sau đây:
Đức Phật muốn chỉ ra rằng để cho một người đạt đến một trạng thái cao nhất của hiện hữu mà trước đây chúng ta đã nói đến, trước tiên người ấy phải tạo ra một thế giới toàn hảo mà trong đó người ấy đạt được trạng thái cao nhất này. Vì thế, Thế tôn bảo Tu-bồ-đề:
Giả sử một số môn đệ trên con đường từ bi đã nói hay tự nghĩ rằng: “Tôi đang nỗ lực để tạo ra một thế giới toàn hảo.” Và giả sử đồng thời họ tin rằng những thế giới toàn hảo có thể hiện hữu từ phía chính họ và rằng sự tạo ra những thế giới này có thể hiện hữu từ phía chính nó. Trong trường hợp này, họ bảo thế là không đúng sự thật.
Đức Phật tiếp tục tự giải thích trong những dòng kế tiếp của kinh Năng đoạn kim cương:
Tại sao như vậy? Vì Như Lai đã tuyên bố rằng: “Những thế giới toàn hảo mà chúng ta đang nỗ lực để tạo ra có thể chưa từng hiện hữu. Và đây đúng là lý do tại sao chúng ta có thể gọi chúng là những thế giới toàn hảo”.
Ở đây bạn có thể nghĩ đến một “thế giới toàn hảo” như một “doanh nghiệp toàn hảo”. Điểm đầu tiên: sẽ là sai lầm nếu bảo rằng doanh nghiệp toàn hảo có thể hiện hữu từ phía chính nó. Một quyển sách, mua tòa cao ốc, hay một anh chàng gây bực bội ngồi bên cạnh bạn ở nơi làm việc - không có thứ nào trong những thứ này, không có gì cả, xuất phát từ phía chính nó. Không có thứ gì trong chúng là một điều xấu hay một điều tốt để xảy ra từ phía chính nó - bởi vì nếu nó là tốt hay xấu thì bất cứ ai cũng cảm nhận nó là tốt hay xấu.
Nhưng mỗi người lại không cảm nhận sự việc như nhau. Cho nên những thứ này là trống không, hay trung tính hay cái mà các Phật tử gọi là “không”; thế mà chúng ta lại cảm nhận một vài sự việc là tốt, và những sự việc khác là xấu. Nếu điều tốt hay điều xấu không phát sinh từ chính các sự việc thì nó phát sinh từ đâu? Nếu chúng ta giải quyết được khúc mắc này thì có lẽ chúng ta có thể khiến các sự việc xảy ra theo cách chúng ta muốn.
Rõ ràng là đôi lúc ta biết rằng cách chúng ta nhìn sự vật phát sinh từ chính chúng ta. Chúng ta cảm nhận rằng một người nào đó tại nơi làm việc là gây bực bội hay gây cảm hứng tích cực là một vấn đề của chính những nhận thức của chúng ta. Bởi vì, những người khác cũng tại nơi làm việc ấy lại thấy người ấy theo nhiều cách khác, thậm chí đối nghịch lại với cảm nhận của chúng ta.
Thế nào là các sự việc phát xuất từ chính chúng ta? Và chúng ta có thể sử dụng hiện tượng này như thế nào để có lợi cho chúng ta?
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất trước hết hãy giải thích vì sao những sự việc này không phát xuất từ chính chúng ta. Thật dễ dàng để nói rằng cách mà ta nhìn thấy những người khác và những sự việc khác là một cái gì đó phát xuất từ tâm ý của chính ta, từ những nhận thức của chính ta. Nhưng có một điều đáng buồn là điều này không có nghĩa rằng ta có thể kiểm soát được cái cách thức ta nhìn nhận sự vật đúng như ta mong muốn. Không có nhà doanh nghiệp nào trên thế giới lại muốn thất bại, muốn bị phá sản và cảm nhận nỗi đau khổ của những công nhân thất vọng, những người cung cấp không được trả tiền, những người vợ, chồng hay đám trẻ con buồn khổ.
Nhận thức của chúng ta về một tình trạng phá sản phát sinh từ trong tâm lý của chúng ta. Điều này, một cách nào đó, có thể là đúng, nhưng đấy không có nghĩa là tình trạng phá sản sẽ chấm dứt bằng cách mong muốn nó chấm dứt. Bất cứ điều gì làm cho chúng ta nhìn thấy các sự vật theo cách này hay cách khác đều buộc chúng ta phải nhìn thấy chúng theo cách ấy, bất kể đến chính chúng ta, bất kể đến những gì chúng ta muốn trong hiện tại.
Từ đây, chúng ta chuyển sang ý niệm của Phật giáo về những dấu ấn trong tâm, ý nghĩa thực sự của từ karma (nghiệp). Nhưng vì có quá nhiều ngộ nhận về từ này ở khắp nơi, chúng ta hãy nói kỹ về “những dấu ấn tâm linh”.
Hãy nghĩ tâm của bạn như là một máy ghi băng hình, mắt, tai của bạn và tất cả những gì còn lại là những thấu kính mà bạn nhìn ra ngoài. Tất cả các núm điều chỉnh, mở tắt đều nối với ý định - với những gì bạn muốn xảy ra và tại sao. Thế thì việc ghi hình được thực hiện như thế nào? Những dấu ấn về thành công hay thất bại trong doanh nghiệp được in dấu vào tâm ta như thế nào?
Trước hết, hãy nói đến ý niệm về một dấu ấn tâm linh. Hãy nghĩ tâm như là một mẩu mát-tít (putty) rất nhạy cảm. Hễ khi nào nó được đặt đối diện với bất cứ vật gì thì vật ấy in một dấu ấn trên mảnh mát-tít. Nhưng chất mát-tít còn có một số tính chất đặc biệt khác nữa. Trước hết, nó hoàn toàn trong sáng và không thể miêu tả được - nó không giống như cơ thể của chúng ta, cũng chẳng có chút nào giống như những gì được làm bằng thịt, máu và xương.
Phật giáo không chấp nhận rằng bộ não là cái tâm mặc dù cái tâm trong một vài ý nghĩa, có thể ở đâu đó quanh vùng não. Nhưng tâm cũng mở rộng tới cuối bàn tay của bạn: Bạn có thể ý thức về ai đó đang chạm vào ngón tay của bạn, và đó là tâm của bạn ý thức. Hơn nữa, nếu tôi hỏi bạn xem có bánh kẹo ngon trong tủ lạnh ở nhà bạn không thì con mắt của tâm bạn sẽ đi đến đó - ký ức của bạn gợi lên một ít đồ vật có lẽ đang còn ở đó từ sáng nay và do đó nhờ vào thông tin của lý trí và ký ức, trong một ý nghĩa nào đó, tâm của bạn đã đi vượt khỏi những giới hạn vật lý của thế giới trước mắt bạn. Vượt qua cái thân thể vật lý của bạn và đã đi đâu đó nữa. Và nếu tôi bảo hãy nghĩ đến các vì sao hay xa hơn nữa thì tâm của bạn sẽ ở đâu nào?
Chất mát-tít tâm còn có một tính chất thú vị khác nữa: Hãy nghĩ rằng nó như một mẩu dài được kéo ra giống như một sợi mì spaghetti từ lúc đầu tiên của đời bạn cho đến lúc cuối cùng (và có lẽ ở cả hai phía còn dài hơn thế nữa nhưng bây giờ chúng ta sẽ không đi sâu vào điều này). Nói một cách khác, nó trải vượt thời gian. Những dấu ấn được tạo nơi tâm ở cấp độ thứ nhất, những dấu ấn về cấp độ ABC của bạn, được mang sang cấp độ thứ hai, và đó là lý do tại sao trước đây và cả bây giờ nữa, bạn có thể đọc toàn bộ các từ ngữ. Người phương Tây không quen nói về việc học tập như là “cố ý gieo những dấu ấn”, nhưng nếu bạn nghĩ về điều này thì đấy đúng là lý do tại sao chúng ta gửi con cái đến trường. Chúng ta hi vọng rằng những dấu ấn trong tâm của Johnny, và chúng ta hi vọng rằng những dấu ấn này sẽ vẫn còn đó khi Johnny vào được trường y, do đó chúng ta sẽ không phải chỉ phụ thuộc vào an ninh xã hội mà thôi. Chúng ta cứ chấp nhận toàn bộ ý niệm về những dấu ấn tâm linh mặc dù chúng ta chẳng suy nghĩ gì về thể cách vận hành của toàn bộ quá trình - chẳng hạn, làm sao mà bộ não của chúng ta lại không trở nên lớn hơn khi chúng ta già đi, trong khi nó đầy ắp tất cả những thứ ấy?
Bây giờ, chúng ta hãy nói về các loại dấu ấn buộc chúng ta phải nhìn thấy các sự việc vốn “trống không” hay “trung tính” (hay “không”) một cách khác đi, thành ra tốt hoặc xấu (nhân đây, tôi dám chắc rằng bạn đã đọc đủ ở đây về “cái không” này mà bạn hiểu rằng nó không dính dáng gì tới “sự vô nghĩa” hay “những lỗ đen” hoặc cố gắng nghĩ đến cái không gì cả hay cái gì đại loại như thế. Điều này có nghĩa là những sự việc tốt hay xấu xảy đến với chúng ta không xảy đến như thế từ phía của chính chúng).
Những dấu ấn này về những cảm nhận “tốt” hay “xấu” đã được gieo theo ba cách: chúng xảy ra khi chúng ta làm điều gì đó hoặc nói gì đó hoặc cả khi chúng ta suy nghĩ điều gì đó. Cái máy quay phim (VCR-Video) gắn sẵn của chúng ta, cái tâm, thì luôn luôn ở tình trạng mở - tâm luôn luôn ghi mọi sự mà chúng ta cảm nhận qua các thấu kính của mắt hay tai của chúng ta và những thứ còn lại, gồm cả chính các ý nghĩ nữa. Khi bạn thấy mình giúp đỡ một nhân viên đang lúc khó khăn, một dấu ấn tốt được tạo ra trong tâm bạn. Khi bạn thấy mình đang có phần nào nói dối một khách hàng hay một người cung cấp hàng, một dấu ấn xấu được tạo ra trong tâm bạn.
Cái nút ý định trên máy thu hình là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc ghi hình ảnh sẽ đậm nét như thế nào. Nếu bạn giúp đỡ một nhân viên không phải vì bạn quan tâm đến anh ta mà vì vấn đề của anh ta đang ảnh hưởng đến sản xuất, đến lợi nhuận của bạn, thì dấu ấn tốt được gieo trong tâm bạn sẽ gần như chẳng có gì. Nếu bạn giúp đỡ anh ta vì bạn biết rằng vấn đề đang thực sự làm anh ta khổ đau thì dấu ấn tốt sẽ mạnh hơn nhiều. Còn nếu bạn giúp đỡ anh ta vì bạn nhận biết rằng cái lằn ranh giữa “anh” và “tôi” là giả tạo, và rằng những gì làm thương tổn một người trong chúng ta cũng làm thương tổn tất cả chúng ta - tóm lại, vì bạn thấy mình đang đấu tranh với kẻ thù chung của chúng ta, nỗi khổ đau của con người - thì dấu ấn thực sự là một trong những dấu ấn mạnh mẽ nhất mà bạn có thể gieo.
Còn nhiều trường hợp khác cần kể đến nữa. Trước hết là những xúc cảm. Chẳng hạn, nếu bạn nói dối một cách vô hại với người cung cấp hàng vì những cảm giác mạnh mẽ của sự tức giận thì dấu ấn xấu được tạo ra ở tâm bạn là một dấu ấn mạnh hơn nhiều.
Kế đến là cái mà ta gọi là “sự xác định đúng đắn”. Nếu bạn bán giá đắt cho một khách hàng do vì một nhầm lẫn chân thực, ví dụ do đọc nhầm giá cả trên màn hình máy vi tính, thì cái dấu ấn xấu được tạo ra sẽ yếu hơn nhiều so với trường hợp bạn hiểu rõ giá cả như thế là không đúng.
Khi bạn thực hiện một hành động đối với một người nào đó, điều kiện và hoàn cảnh xung quanh người ấy đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định dấu ấn mạnh yếu ra sao.
Khoảng hai ba năm sau khi tham gia vào ngành kim cương, tôi nghĩ rằng mình có thể biết về kim cương nhiều hơn nếu hiểu chúng được cắt như thế nào. Do đó, tôi bắt đầu gõ cửa các tiệm cắt kim cương kín đáo, nhỏ bé cách xa những người chào hàng kim cương trên đường 47, để cố gắng tìm kiếm ai đó có thể chỉ dạy tôi.
Tôi tìm được một trong những người cắt kim cương nổi tiếng ở đó; theo như tôi nhớ thì vào lúc đó ông ta đang làm việc với viên kim cương lớn nhất thế giới, một viên đá fancy màu vàng nhạt nặng hơn 400 ca-ra được mạng lưới cửa hàng trang sức Zales mua. Ông ta bảo thỉnh thoảng tôi cứ đến xem, nhưng chỉ thế mà thôi. (“fancy” là một cái tên để chỉ những viên kim cương có màu tự nhiên như vàng sáng hay màu nâu, hoặc màu xanh giống như viên kim cương Hope (hi vọng)).
Tôi tình cờ gặp một vài thợ cắt kim cương người Nam Phi và ở chung với họ vài ngày, nhưng chỗ ấy quá lộn xộn. Cũng có vấn đề là tôi phải tìm ai đó sẵn sàng dạy tôi hơi trễ vào buổi tối, vì chúng tôi vẫn đang tất bật xây dựng doanh nghiệp Andin. Và do đó, tôi tình cờ gặp Sam Shmuelof.
“Shmuel”, như chúng tôi vẫn thường gọi ông ta, là một trong những quý ông thực sự trong ngành kim cương. Bà vợ Rachel của ông ta là cánh tay phải của tôi tại Andin và là người đóng góp vào thành công của đơn vị chúng tôi. Ông đồng ý dạy cho tôi vào ban đêm và các ngày Chủ nhật: Một trong những lý do khiến có quá nhiều nhà buôn kim cương ở New York là những người Do Thái chính thống giáo vì những người trong ngành đều tôn trọng lễ Shabbat, ngày Sabath, và không ai ở đường 47 bị ép phải làm việc vào các ngày thứ Bảy nếu người ấy có đạo.
Lần đầu tiên tôi bước vào cửa hiệu cắt kim cương, giống như cảnh Dante được Virgil dẫn vào địa ngục. Shmuel nắm lấy cánh tay tôi đưa đến một con đường nhỏ ẩn ở giữa hai tòa nhà chọc trời lát đá trên đường 47, và dẫn tôi đến một thang máy nhỏ. Thang máy ì ạch lên khoảng mười tầng và dẫn ra một hành lang hẹp, lù mù với những cửa hẹp ở hai bên. Mỗi cửa là một kết hợp kỳ lạ của sơn bị bóc và một vẻ cũ kỹ nhưng lại được khoác lên bằng những ổ khóa và then cài mới toanh, nặng nề và đẹp đẽ. Hầu hết các cửa đều có năm hay sáu biểu hiện nhỏ, rẻ tiền, được viết bằng tay ở bên trên mà về sau tôi mới biết chúng là những “biệt danh” khác nhau của một đơn vị do một người điều hành một nhà buôn kim cương nhỏ, ví dụ như một ai đó có một cái tên là “Bennie Ashtar”, có thể được ghi là:
“Công ty Kim cương Quốc tế Ashtar”
(Đó có thể là một hộp đựng giày nhỏ chứa những viên kim cương lẻ mà ông ta đã cắt khoảng vài tháng trước đó, cùng với một ít viên đá rất xấu xí, không thể bán được mà ai đó đã để lại cho ông ta cách nhiều năm trước để bù cho một khoản nợ khó đòi).
Hay “Cơ sở chế tạo đồ trang sức Toàn cầu Ben-Ash”
(Đó có thể là một ít bông tai lẻ mà có lần ông ta đã làm với một số đá quý của ông do ông nghe rằng những nhà chế tạo đồ trang sức kiếm nhiều tiền hơn những người chế tạo kim cương và kiếm tiền dễ dàng hơn nhiều dù rằng dĩ nhiên ông chẳng có thể bán được cái nào).
Hay “Xưởng Cắt và Sửa chữa Kim cương Quốc tế Simsev”
(Đó có thể là doanh nghiệp thực sự, gồm chỉ một cái bàn với một bánh xe cắt kim cương, bao giờ cũng được đặt theo tên của những đứa con của ông này Simon và Zéeva; nhưng dù sao mọi người có thể gọi nó là cửa hàng cắt kim cương của Bennie).
Hay “Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đá quý Hiếm và Đẹp”
(Đó có thể là hai kilô đá quý màu hồng hay bạch ngọc hình khối tổng hợp màu hồng mà ông mua từ hồi năm 1993 khi loại này đang là “mốt” được sáu tháng nhưng Bennie giữ nó lại trong bảy tháng, hi vọng giá vẫn tiếp tục lên cao, và giờ đây công ty bảo hiểm đang than phiền rằng cái bao đựng các thứ ấy chiếm quá nhiều chỗ trong tủ an toàn và ông cần phải ném chúng ra).
Khi đến gần một hành lang lạ lùng, chúng tôi bắt đầu nghe một âm thanh the thé càng lúc càng lớn hơn, một thứ gì đó giống như đến gần một cái hang lớn trong đó có hàng triệu con muỗi bị nhốt và bay tứ tung một cách điên rồ. Cửa ra vào là một thiết bị kỳ cục to lớn bằng kim loại màu xám của thép súng, không có bất cứ con số hay biển hiệu nào trên đó. Ngay góc của trần nhà, phía trên cao cửa ra vào, một camera an ninh chĩa thẳng vào chúng tôi.
Shmuel bấm chuông, và chúng tôi chờ đợi.
Không có tiếng trả lời.
Ông ta lại bấm chuông, bấm nữa, và cuối cùng có một tiếng ré lên qua cửa: “Vâng, ai đó?” (Các máy thu hình cứ luôn bị hỏng, như bạn thấy đấy, không ai có thì giờ hoặc muốn sửa chữa chúng).
“Shmuel”.
“Vâng, vâng”, và bạn nghe hết tiếng then cửa này đến then cửa nọ được mở, rồi tiếng dây xích và cuối cùng cánh cửa được mở ra.
Tiếng ồn như nổ tung và bao trùm lên đầu và tai bạn - tất cả những tiếng rít và tiếng còi rền rĩ, tiếng nổ của máy khoan nén mà bạn gặp phải trong nửa giờ đi bộ xuống một con phố ở New York nhưng giờ đây lại được ép gọn trong vài giây. Shmuel kéo tôi ra cái nhìn chằm chằm đầu tiên của người chủ cửa hiệu. “Ông ta chẳng sao đâu, ông ta cùng đi với tôi đấy” - rồi đẩy tôi qua cái bẫy người (cũng đang bị hỏng) để đi vào cửa hiệu.
Một hay hai người ngồi trên mé máy ly tâm đang kêu veo veo bất ngờ ló lên và kiểm tra xung quanh - không phải trộm cướp, không phải khách hàng tiềm năng - rồi lại thụt xuống để kiểm tra xem có chút xíu kim cương nào bị bánh xe mài lạm đi khi họ ngẩng đầu lên hay không.
Có khoảng năm cái bàn dài được xếp như những khúc xương sườn suốt cả phòng. Mỗi bàn được gắn sâu vào trong bằng ba hay bốn bánh xe kim loại có gai, đối diện với mỗi bánh xe là một người thợ cắt ngồi trên một ghế cao, cúi người xuống viên đá. Các chỗ ngồi được đặt ở mỗi bên để tiết kiệm khoảng không gian văn phòng quý báu trong một số khu vực đất đai đắt tiền nhất thế giới - sao cho mỗi người thợ cắt chỉ cách một vài tấc Anh đối với người bên cạnh và đối diện với người cuối cùng. Suốt từ 10 đến 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên băng ghế, tất cả những gì bạn thực sự thấy là khuôn mặt của gã đối diện và hi vọng là anh ta vui tính để bạn nói chuyện.
Ánh sáng trong các xưởng kim cương thì không giống ở đâu cả. Vì màu da nâu nhạt của viên kim cương thô bị mài đi để lộ ra bề mặt gương pha lê, những phần nhỏ của viên kim cương rơi ra và trộn lẫn với dầu tinh trên mặt bánh xe cắt bằng kim loại. Tốc độ cao khủng khiếp của bánh xe ném những hạt bụi kim cương li ti và dầu vào không khí, chất nhờn này bay đến bức tường hay người gần nhất và bám vào đấy.
Vì vậy, mỗi phân Anh ở nơi này đều có màu xám, một màu xám xỉn. Tường màu xám, nền nhà xám, các trang bị ánh sáng xám, các bàn tay, các khuôn mặt đều xám, áo sơ mi, quần tây, giày dép và cả cửa sổ cũng xám. Bạn có thể đang ở một ngàn tấc Anh dưới mặt đất hoặc trên tầng 40 của một tòa nhà bằng kính bóng loáng cao chọc trời nào đó ở New York (gồm nhiều cửa hàng), nhưng có thể bạn không bao giờ thấy được sự khác biệt từ cái màu xám xỉn đang cố gắng len lỏi xuyên qua các cửa sổ. Nhìn những viên đá quý tuyệt đẹp nổi lên từ thế giới tối tăm, tôi chưa bao giờ bị ấn tượng mạnh đến thế, giống như nhìn bông sen hồng mọc lên từ bùn và nước trong một cái hồ gần tu viện của chúng tôi ở Ấn Độ. Phép ẩn dụ được các Phật tử ưa chuộng. Chúng ta có thể giống như hoa sen này không? Chúng ta có thể ngậm khổ đau và trớ trêu của cuộc đời, sử dụng nó để trở thành một trong những viên ngọc quý hiếm của thế giới - một con người từ bi thực sự?
Shmuel cho tôi một số lời khuyên cần thiết khi mới bắt đầu, rồi đặt tôi ngồi lên một cái ghế cao cót két, một phía đối diện với Natan và phía kia thì đối diện với Jeorges. Natan là một người Do Thái ở Brooklyn, mỗi ngày ông đi làm bằng một chiếc xe buýt đặc biệt, phụ nữ ngồi một phía, nam giới ngồi phía kia, được ngăn cách bởi một bức màn, mỗi bên đều cầu nguyện khi chiếc xe buýt chở họ bắt đầu qua cầu Brooklyn, phố Tàu (Chinatown) đến quận này. Natan may mắn, ông ta luôn có một hợp đồng với một nhà sản xuất kim hoàn lớn. Thường thì đây không phải là một thỏa thuận béo bở - công lao động của ông có thể gần bằng hoặc cao hơn giá của viên đá đã hoàn tất - nhưng họ đang buôn bán các loại hàng tốt và ông ta đưa ra giá tốt để thu được số lượng ổn định. Do đó, nếu ông ta chịu khó làm việc thì cuộc sống cũng khá tốt.
Jeorges thì lại hoàn toàn khác. Ông ta là một thợ thủ công người Puerto Rico trong ngành đánh bóng kim cương, đôi khi ra ngoài bù khú và không xuất hiện tại nơi làm việc trong nhiều ngày, đôi khi lại biến mất để trở về Puerto Rico trong vài tuần và đột nhiên xuất hiện trở lại nơi làm việc như thể ông ta vừa ra ngoài uống cà phê. Nhưng ông ta là một tài năng đấy! Không ai có thể có đôi bàn tay như thế, loáng thoáng qua bánh xe như một con chuồn chuồn, tạo ra những kiệt tác thật sự từ một mẩu thô cứng nhất. Ông rất có uy tín về những viên đá thô tốt nhất thế giới, và trong đôi tay vững vàng của ông giờ đây viên đá 12 ca-ra đang cháy đỏ cọ vào cái bánh xe sắt đang rú lên. Một khi được cắt xong, nó sẽ bán được hơn 50.000 đôla.
Shmuel lấy một cái tay cầm kim cương cũ đã được tín nhiệm ra khỏi bộ dụng cụ quý hiếm được gắn vào các hốc khắp mép chiếc bàn dài của ông; đây có lẽ là cái tay cầm mà ông quen thuộc, một thứ đồ cổ thực sự từ những ngày đầu của việc cắt kim cương. Gắn vào cuối cán gỗ cứng là một cái cổ dày bằng đồng có một viên bi trên một cây đèn cồn nhỏ mà ông ta giữ ở cùi chỏ cho đến khi chì mềm ra. Rồi bằng một động tác nhanh nhẹn, ông ta áp viên đá thô vào chì rồi dùng mặt móng tay mà vỗ nhanh vài cái để ấn nó xuống.
Cấu trúc nguyên tử toàn hảo của một viên kim cương không những làm cho nó thành một trong những vật chất trong suốt nhất mà còn là một trong những chất dẫn nhiệt và dẫn điện tốt nhất. Một phần tư ca-ra nhỏ xíu của kim cương được đặt dưới một cái tiếp mạch nhạy - như một nút công tắc trong vệ tinh chẳng hạn - đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ quá bóng và hỏng vì kim cương đẩy nhiệt ra mạnh hơn bất cứ vật chất nào khác. Thực tế, người ta đã tìm thấy kim cương là một trong những sản phẩm tốt nhất cho NASA1. Tôi còn nhớ một viên đá lớn được họ đặt làm ở một xưởng gần đó - nó hầu như không có khuyết điểm nào và có kích cỡ đường kính thật chính xác. Nó được cắt thành hình đĩa và được dùng để che phủ cái kính ngoài của một máy thu hình trên một vệ tinh được gửi đến sao Hỏa - vì kim cương không bị ảnh hưởng bởi hầu hết các axít hay các chất ăn mòn khác. Thậm chí, người ta còn cắt một viên đá thứ hai giống viên đá này để dự phòng trường hợp có điều gì xảy ra cho viên đá thứ nhất; tôi cũng không thể tưởng tượng nổi nó làm họ tốn kém bao nhiêu. Dù sao đi nữa, Shmuel phải có động tác thật nhanh, vì một viên kim cương mang nhiệt còn tốt hơn cả những kim loại như vàng, bạc và có thể gây cho bạn một vết bỏng nhỏ nhưng rất đau đớn.
1 Viết tắt của National Aeronautics and Space Administration: Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ, thành lập năm 1958 (N.D).
Đối với viên đá đầu tiên của tôi, Shmuel đã giao cho tôi một viên “boart”1 to, nghĩa là một trong những sai lầm của thiên nhiên. Đây là viên đá mà cấu trúc nguyên tử không bố trí hợp lý, và thay vì trông như kim cương thì bề trong của viên đá giống như một loại thạch đục mờ có màu lục của xe tăng. Việc tốt duy nhất cho những viên đá này là nghiền chúng ra thành bột để rắc trên bánh xe, hoặc để làm phẳng bánh xe khi nó bị “khía” hoặc mẻ bởi một viên kim cương có xu hướng quá cứng. Viên đá thô nặng hai ca-ra nhưng giá trị không đến 10 đôla, như thế chúng tôi chẳng mất mát gì nếu tôt cắt không đúng góc.
1 “Boart” hay “bort” là loại kim cương kết tinh bất toàn, không có giá trị (N.D).
Và các góc phải thật hoàn hảo. Kim cương có độ khúc xạ cao nhất so với bất cứ vật chất tự nhiên nào tồn tại trong vũ trụ, đấy cũng là do cấu trúc nguyên tử toàn hảo của nó. Khúc xạ là khả năng của một chất cho phép ánh sáng đi xuyên qua, làm lệch hướng ánh sáng từ một bề mặt hay mặt kính bên trong mà đi đến mặt đối diện, rồi đi ra trở lại đến mắt người nhìn. Nếu góc của đáy hay đầu nhọn của kim cương quá hẹp thì ánh sáng sẽ bị khúc xạ ra phía sau hay ra các mặt của viên đá, tạo cho viên kim cương một vẻ mờ đục, ngay cả đối với con mắt của người không thông thạo. Nếu đáy bị cắt dẹt quá thì ánh sáng chỉ xuyên qua từ đỉnh xuống đáy, giống như xuyên xuống đáy phẳng của một ly nước - và viên đá sẽ không lấp lánh. Một trong những kỹ năng khó nhất đối với người mới học là xử lý góc của các mặt đáy thật chính xác: tức là 40 độ 3/4, và làm sao để đừng sai lệch lớn hay nhỏ hơn nửa độ.
Bấy giờ Shmuel, vị thầy lớn, vẫn không để cho tôi sử dụng một cái đóp kiểu mới có khả năng tự động tạo góc: Tôi phải khởi đầu bằng một viên kim cương tròn gắn trong chì ở cuối cái cổ bằng đồng. Để tạo góc, tôi phải hạ cái phần bằng đồng và cầm cái cán đưa xuống tới bánh xe. Vài micron kim cương văng ra, và tôi phải bật viên đá ra đưa tới cái kính phóng đại (kính lúp) của thợ kim hoàn mà tôi đang mang và kiểm tra góc bằng một dụng cụ kỳ quặc trông giống như một con bươm bướm bằng sắt. Tiêu cự của kính lúp khoảng một phân Anh, nghĩa là mặt của tôi phải dán sát vào lòng bàn tay khoảng nửa ngày. Tôi phải dùng chóp mũi để giữ chắc các ngón tay cầm kính lúp - Không một bàn tay ai không tựa mà lại đủ vững để giữ cho các thứ li ti khỏi chao đảo trong khi bạn kiểm tra bên trong viên đá xem có các đốm carbon hay không, sự việc cũng giống như bạn tự nhốt mình trong một cái tủ với một cái kính hiển vi để tìm bọ chét trong lúc một trận động đất đang xảy ra vậy.
Tôi phải mất khoảng nửa giờ để hiểu ra rằng, tôi chẳng nhìn vào bên trong viên đá mà chỉ nhìn vào các lỗ chân lông trong da ngón tay tôi ở phía bên kia của viên đá. Cầm lấy dụng cụ đo độ, kính lúp và cái “đóp” có gắn viên đá, cố giữ cho các ngón tay không rung, nhìn lên ngay đúng vào cái bóng đèn, nén giữ hơi thở và cố không nghe tiếng rít của các bánh xe cắt ở xung quanh tôi là một việc khá khó khăn. Tôi liếc mắt nhìn cái đồng hồ tưởng như là thời gian đang ngưng đọng.
Có một tiếng động nhỏ và tôi nhìn thấy Jeorges, đúng hơn là cái mông của Jeorges (ông ta hơi mập), khi ông đang bò người ra, mũi dán vào nền nhà. Về sau tôi mới biết, đây là một tư thế quen thuộc trong một xí nghiệp kim cương khi có ai đó đánh rơi một viên đá. Một cảnh tượng thật lạ lùng - một phòng gồm những người lớn, nhiều người đang là triệu phú, bò lê trên nền nhà, chộp lấy từ cục giấy vụn trên nền nhà và cẩn thận xé rời ra để cố tìm một viên đá bắn ra khỏi bánh xe hay ra khỏi cái nhíp gắp kim cương của ai đó. Ở trường dạy phân hạng kim cương, chúng tôi không được phép về nhà khi viên kim cương bị lạc mất chưa được tìm ra. Do vậy, có hôm chúng tôi đã bị giữ lại ba tiếng đồng hồ - một viên kim cương lóng lánh khá là bự bắn xuyên qua phòng và rơi vào trong góc bục giảng của thầy giáo và chúng tôi đã phải kiếm tìm đến từng centimet.
Jeorges vẫn bò khắp sàn một cách yên lặng, rồi ồn ào hơn một chút, rủa lầm bầm bằng tiếng Tây Ban Nha, rồi đến Natan bò trên nền nhà. Jeorges thoáng nhìn Shmuel một cách tuyệt vọng, ý bảo rằng: “Chúng tôi có vấn đề đây. Ông có thể xuống đây giúp tôi chăng?” Trong vài phút, mọi người trong cửa hàng đều cúi xuống nền nhà, những viên kim cương trị giá vài trăm ngàn đôla đang treo trên những bánh xe đang quay để đợi cắt, trong khi tình thân ái của những người làm kim cương đang được thể hiện rõ. Một người đã đánh mất một viên đá, viên 12 ca-ra, viên đá lớn nhất chỉ vừa mới đến cửa hàng.
Chúng tôi tìm kiếm đến khuya. Trước tiên là ở từng khoảng không gian của nền nhà, rồi đến các bậu cửa sổ (các cửa sổ, may thay, vẫn không được mở ra trong nhiều năm, cho nên không sợ rằng viên đá đã rơi xuống vào tay của một người buôn bán đá quý may mắn nào đó - điều này đã từng xảy ra nhiều lần trước kia ở đường 47). Rồi đến túi áo của từng người (một nơi thuận tiện để giấu); rồi đến các ống quần; rồi giầy, tất, rồi dưới dây thắt lưng, trong quần, trong đồ lót, trong túi xách, hộp và các khe hở, vết nứt. Thậm chí, chúng tôi còn kiểm tra đầu tóc của mỗi người (nơi những viên đá nhỏ thường bị dính vào) - nhưng cũng chẳng thấy gì. Sau đó, chúng tôi xem kỹ lại mọi thứ một lần nữa, rồi lại một lần nữa. Trời đã gần sáng, trước khi chúng tôi bỏ cuộc, kiểm tra đến người cuối cùng, vì mọi người đều đã ở lại để giúp chúng tôi.
Sự cố này là một thí dụ về dấu ấn trong tâm thức có thể được in sâu một cách đặc biệt mạnh mẽ như thế nào, khi một điều tốt hay không tốt nào đó được thực hiện cho ai đó đang cần sự giúp đỡ to lớn. Trong hoạt động buôn bán kim cương, có những hợp đồng bảo hiểm mà bạn có thể ký để bù đắp cho những tai nạn như thế này, nhưng hầu như không ai có đủ khả năng để đóng tiền cho loại bảo hiểm như thế. Hẳn là Jeorges sẽ phải mất cả năm để đền trả giá trị của viên đá, và bạn có thể chắc chắn rằng ông ta sẽ đền trả - vì đây là quy tắc của những người cắt kim cương. Mỗi người tạm gác phần việc của mình để giúp tìm kiếm viên kim cương bị mất đều quan tâm đến ai đó đang rất cần sự giúp đỡ; nếu chúng ta ngưng giúp đỡ hoặc lưu tâm giúp đỡ một người như thế, hoặc không biết tới sự cần giúp đỡ của người ta thì cái dấu ấn (tốt hay xấu tương ứng) sẽ mạnh mẽ hơn nhiều.
Thế rồi sáng hôm sau, người chủ cửa hàng cắt kim cương nhận một cú điện thoại từ một thợ cắt ở trụ sở bên cạnh, nơi nhà sảnh. Ông ta hỏi có phải chúng tôi đã mất một viên đá lớn chăng? Ông ta đã tìm thấy nó trong góc nhà của một kế toán viên của ông ta. Đây là sự thâm nhập của tôi vào sự chân thật tuyệt đối của hầu hết từng cá nhân đơn lẻ trong ngành kim cương thô - nó gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi đã hình dung ra rằng, viên đá đã bật ra khỏi cái góc bằng kim loại của bàn cắt, bay thẳng xuống nền nhà, đâm xuống một khe hở nhỏ ở gờ tường, xuyên qua một khoảng hở nhỏ ở dưới tường rồi chui ra khỏi khe hở chung của gờ tường ở phía bên kia. Jeorges, chẳng cần phải nói, vô cùng biết ơn.
Một dấu ấn không chỉ mạnh hơn khi bạn làm một điều gì với một người đang rất cần được giúp đỡ, một cách tương tự, dấu ấn sẽ được tăng cường khi bạn hành động đối với ai đó đã từng giúp đỡ cho bạn rất nhiều, hoặc ai đó hết sức đặc biệt.
Sa thải một cách khiếm nhã một nhân viên đã làm việc cho công ty chỉ trong một thời gian ngắn và chưa có đóng góp gì đáng kể là một việc; nhưng để cho một công nhân đã làm việc lâu dài và đã giúp xây dựng công ty ra đi chỉ vì người này sắp đạt đến thời gian làm việc đủ yêu cầu để được các lợi ích hưu trí đặc biệt, thì đấy là một việc hoàn toàn khác hẳn. Bạn trả tiền điện thoại trễ là một việc, nhưng phá vỡ một thỏa thuận miệng với một người vì lòng tốt đã giao phó cho bạn một gói kim cương đắt tiền thì đấy là một việc hoàn toàn khác.
Trong ngành kinh doanh đá quý có những thỏa thuận sau: Toàn bộ hoạt động mua bán sỉ kim cương đều tuân thủ quan niệm truyền thống Mazal. Mazal là viết tắt của biểu ngữ tiếng I-dít1 Mazel un b’rachah có nghĩa là “Hãy thọ hưởng cho lành mạnh”. Trong những người làm kim cương, lời nói này có nghĩa là “Đồng ý rồi đấy”. Phần lớn việc mua bán kim cương ở tầm cao nhất đều hoàn toàn thực hiện quan niệm mazal này, hay một thỏa thuận cam kết bằng miệng. Hàng triệu đôla đá quý được mua và bán qua điện thoại, đôi khi giữa những người chưa từng gặp mặt nhau, bằng chỉ một từ đơn mazal. Một khi từ mazal thoát ra khỏi miệng bạn thì bạn đã cam kết chấp nhận thỏa thuận với bất kỳ giá nào.
1 I-dit (Yiddhish): Ngôn ngữ được xem như tiếng Do Thái quốc tế, một dạng tiếng Đức cổ và có những từ mượn tiếng Hebrew (Do Thái cổ) và ở nhiều ngôn ngữ hiện đại được người Do Thái ở Đông và Trung Âu sử dụng. (N.D.)
Giữ gìn mazal là trái tim của việc kinh doanh kim cương. Phá vỡ mazal là một điều chưa từng có. Khi người bán và người mua, sau một thương lượng gắt gao, đều nói mazal, thì sự thỏa thuận được ghi trên đá, nếu không phải là trong tim của họ. Không có hợp đồng, không có chữ ký. Bạn sẽ thanh toán số tiền mà bạn đã hứa, vào cái ngày mà bạn đã đồng ý, vì bạn đã nói mazal.
Vì bạn có thể tưởng tượng rằng ấn tượng hay dấu ấn trong tâm bạn sẽ mạnh hơn nhiều nếu bạn không đếm xỉa đến cái tinh thần mazal hay đã hành động chống lại một người có cá tính đặc biệt khác thường. Một thí dụ khác về điều này là cái mà chúng tôi gọi là “tráo đổi”, hay sự vi phạm nguyên tắc “ghi nhớ”, một truyền thống thiêng liêng khác của nghề kim cương.
Ví dụ doanh nhân A gửi một bao hay một gói giấy nhỏ gồm 300 viên kim cương rời nặng một ca-ra cho doanh nhân B “ghi nhớ” hay ký gửi. Doanh nhân B dành ra nhiều ngày để quan sát kỹ các viên đá và quyết định sẽ bán hết số kim cương ấy hay chỉ một vài viên hoặc không bán viên nào. Nếu ông ta quyết định bán tất cả các viên đá, ông ta sẽ dứt khoát đòi hỏi một sự giảm giá nào đó đối với cái tổng giá trị của bao kim cương, và số tiền được giảm này sẽ là đối tượng của sự thương lượng gay gắt giữa hai bên kéo dài nhiều tuần.
Nếu doanh nhân B quyết định chỉ bán một vài viên trong bao đá mà doanh nhân A giao thì doanh nhân A theo như truyền thống được quyền đòi một giá riêng lẻ cao hơn đối với các viên đá mà doanh nhân B quyết định giữ lại. Sở dĩ như thế là vì giá trị của viên đá tốt nhất trong gói thường cao hơn nhiều so với giá trị của các viên đá khác trong gói ấy; cho nên khi bạn “gạn lọc” hay chọn những viên đá tốt nhất thì hẳn bạn phải trả tiền hơi cao hơn để mua chúng.
Bây giờ, nếu doanh nhân B là một người phi đạo đức thì sau vài ngày, ông ta có thể gọi doanh nhân A và nói: “Cuối cùng thì tôi cũng kiểm tra xong món hàng mà ông đã gửi tôi - và thực sự tôi không thể tin rằng ông lại mời tôi mua thứ drek1 đó. Hãy đưa người bảo vệ đến thẳng đây mà mang chúng về, tôi phải xấu hổ khi đặt cái thứ đồng nát ấy trong cửa hiệu kim hoàn của tôi.”
1 Drek là tiếng I-dít, nghĩa là rác rưởi. Nếu bạn đang quấy rầy một doanh nhân Ấn Độ thì bạn thay thế từ này bằng từ karab. Nếu ông ta là người Nga thì bạn bảo musor. Thế nào bạn cũng làm chủ được vấn đề. Khi bạn mua đá quý từ một người khác thì chúng luôn luôn là “rác rưởi”. Khi bạn bán đá quý cho người khác - dù cho đấy chính là những viên đá “rác rưởi” mà sáng nay người khác đã chào bán cho bạn – chúng luôn là một mitzia hay một “món hời không thể tin được”.
Tuy thế trong suốt mấy ngày, doanh nhân B đã kiểm tra những viên kim cương của doanh nhân A hết sức kỹ lưỡng. Ông ta đã chọn ra một hay hai viên trong số những viên đá có giá trị nhất và thay thế chúng bằng những viên kim cương có chất lượng thấp hơn của chính ông ta nhưng lại có trọng lượng đúng y như thế. Bây giờ, những viên kim cương như những bông tuyết: không có hai cái nào giống y như nhau, nhưng chẳng có ai có thể nhớ chính xác từng viên đá trong số hàng của mình giống như thế nào, nhất là đối với hàng mua tại Tập đoàn Andin - cỡ chừng một phần tư triệu viên kim cương. Rất có thể chẳng ai lưu ý đến sự tráo đổi này.
Chính chúng tôi cũng sử dụng những mưu mẹo theo cách này để khám phá xem chúng tôi có phải là nạn nhân của thủ đoạn lừa gạt như thế hay không. Vì bạn không thể rạch một viên kim cương, không dễ dàng như lấy đinh ghim rạch những chữ cái đầu tên bạn vào những viên đá. Tuy thế, những tia laser cực nhỏ đã được áp dụng trong ngành cho phép bạn nung đốt một con số nhận dạng vào mặt bên của một viên kim cương nếu bạn thực sự muốn.1
1 Điều này đắt tiền đến nỗi chỉ đáng thực hiện đối với cái mà chúng tôi gọi là hàng “có chứng chỉ” hay hàng cao cấp.
Chúng tôi cũng sử dụng tia X để phát hiện các món giả hay món tráo, và có thể kiểm tra hàng ngàn viên đá cùng một lúc với một máy X quang lưu động nhỏ được đặt trong một chiếc xe thùng có thể di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau.
Dù sao, trong thực tế, nhà buôn bán hiếm hoi mặc sức tráo đổi hàng sớm muộn gì cũng phạm một lỗi lầm rõ ràng trong việc gian lận của ông ta (sự dối trá và ngu ngốc thường xuất hiện trong cùng một tâm ý, giống như kim cương và ngọc hồng lựu, một loại ngọc nhỏ có thể báo cho các máy thăm dò quặng về khả năng có kim cương). Lời nói lan khắp thế giới trong vòng một hai ngày, rồi đột nhiên, khi nhà buôn bán này yêu cầu một bao hàng thì ông ta chỉ nghe: “Không, hôm nay chúng tôi không có loại hàng đặc biệt đó.”
Vấn đề ở đây là doanh nhân B đã vi phạm sự tín nhiệm đáng kính của doanh nhân A. Ông đã xúc phạm một người tín nhiệm ông ta, ông ta đã giẫm lên nguyên tắc danh dự mà mazal đã nêu tỏ, và điều này lại khiến cho dấu ấn hành động của ông ta mạnh hơn nhiều trong chính tâm trí của ông ta.
Thể cách đặc biệt mà bạn làm điều gì đó tốt hay xấu cũng ảnh hưởng đến sự gây dấu ấn một cách mạnh mẽ như thế nào trong cái chất nhão được gọi là trí óc của bạn. Chẳng hạn, không những bạn không trả cho nhà cung cấp đúng lúc mà bạn còn lẩn tránh họ. Đây là một số lời lảng tránh phổ biến mà tôi đã được nghe trong doanh nghiệp:
“Tờ séc đã được gửi đi vào tuần trước nhưng như ông biết, việc chuyển thư từ New York là như thế đấy!”
“Trưởng phòng thanh toán của chúng tôi đã dời sang một văn phòng khác trong tòa nhà. Không, chúng tôi không có số nội bộ của ông ta.”
“Chúng tôi đã thay đổi phần mềm kế toán, và séc chỉ có thể được in vào thứ Sáu tới.”
“Tôi biết thời hạn là 90 ngày. Nhưng chúng tôi nghĩ thế có nghĩa là 90 ngày sau khi chúng tôi hoàn tất việc phân hạng kim cương” (có thể mất nhiều tuần).
“Ngay cả những công ty lớn như Coca-Cola cũng quá hạn vài ngày, có vấn đề gì lớn đâu?” (Trừ khi bạn nói như thế sau khi bạn đã trễ hai tháng rồi.)
“Hiện nay, chúng tôi đang bận lắm, tờ séc của ông sẽ sẵn sàng trong vòng một hay hai ngày, lúc đó ông có thể đến sau bữa trưa được không?” (Ý là phòng kế toán của chúng tôi đã được lệnh trao tờ séc cho ông vào ngày thứ Sáu, 10 phút sau khi ngân hàng đóng cửa, do đó chúng tôi được thêm ba ngày tiền lời trong ngân khoản).
Dĩ nhiên, vấn đề nổi cộm nhất vẫn là sự thoái thác, hãy nhấc tất cả các ống điện thoại trong phòng kế toán ra khỏi giá móc, hoặc (nếu bạn thực sự cảm thấy tàn nhẫn), hãy ghi âm bằng một giọng rất ngọt ngào rằng: “Cuộc gọi của ông thật quan trọng đối với chúng tôi! Xin chờ ít giây nữa trong khi các nhân viên của chúng tôi phục vụ một số khách hàng quan trọng.” Hãy nối lời ghi âm này trong suốt 30 giây hay khoảng chừng ấy, hay thêm vào nền tiếng thứ âm nhạc nào đó thực sự kích động, và thế là bạn đã làm cho dấu ấn của hành động mạnh hơn nhiều thay vì lẽ ra nó không thế, do bởi cái thể cách mà bạn đã sử dụng.
Yếu tố tối hậu ảnh hưởng đến sự việc các dấu ấn được gieo vào tâm trí bạn như thế nào liên hệ đến sự kết luận của ý nghĩ, lời nói hay hành động, tức là, bạn có cảm thấy vui khi làm điều ấy không? Bạn có định làm lại nữa không? Bạn có làm chủ nó không? Nếu thế thì dấu ấn sẽ mạnh hơn nhiều - dù tốt hay xấu.
Như thế, đây là những nguyên tắc của dấu ấn tâm linh. Tâm ta giống như một mảnh phim rất nhạy, và trước bất cứ cái gì mà ta phơi bày tâm - đặc biệt là bất cứ điều gì tốt hay xấu mà ta thấy mình đang làm cho người khác - thì điều đó sẽ tạo nên một dấu ấn hay một ấn tượng rõ ràng; dù là dấu ấn của một con chim câu hay dấu chân một con sói trên tuyết mới rơi, thì dấu vết ấy vẫn còn giữ lại lâu dài.
Những dấu ấn này ảnh hưởng đến cuộc sống của ta như thế nào? Ta có thể sử dụng chúng không? Ta có thể làm cho mọi sự xảy ra theo cách ta muốn không? Để hiểu điều này, ta phải kết nối các nguyên tắc của tiềm năng với chính tiềm năng.