Bây giờ, chúng ta đã hiểu cách thức để giải quyết những vấn đề hóc búa. Mọi thứ mà bạn cần biết để sử dụng kiến thức thâm sâu của Tây Tạng cổ trong đời sống hay những nỗ lực của chính bạn. Chúng ta chỉ cần nối kết chúng với nhau.
Trước hết, chúng ta đã thấy rằng mọi sự đều có một khả năng biến đổi tính chất rất tinh nhạy. Chúng ta không gặp người nào đang gây phiền phức từ phía người ấy, vì luôn luôn có ai đó thấy họ hoàn toàn dễ thương; dù cho chúng ta thấy họ như thế nào đi nữa, đó không phải là cái gì đang đến từ phía họ. Vậy thì nó đến từ đâu? Rõ ràng là bằng cách nào đó nó xuất phát từ phía chúng ta, từ tâm của chính chúng ta.
Cho nên, chúng ta có thể quyết định một cách đơn giản rằng nếu sự vật xuất phát từ tâm của chính chúng ta, chúng ta sẽ chọn để thấy điều xấu xảy ra cho chúng ta thành điều tốt chăng? Mỗi sự thỏa thuận xấu thành sự thỏa thuận tốt? Bạn biết rằng nó không diễn biến theo cách ấy. Bạn không thể mua nhà hay cho con cái học đại học chỉ bằng ước muốn mà thôi. Rõ ràng là chúng ta nhìn thấy sự vật theo cách này hay cách khác là chúng đang diễn ra như thế theo một cách bắt buộc; tức là bất cứ cái gì khiến chúng ta nhìn thấy sự vật nào đó tốt hay xấu xảy ra cho chúng ta đang buộc chúng ta phải nhìn thấy những sự vật này như chúng ta đang nhìn thấy.
Đó là bởi vì những dấu ấn tâm linh mà chúng ta đã nói ở trên, và trí tuệ Phật giáo mong muốn quay chúng về phía có lợi cho bạn. Để được như vậy, bạn phải biết các dấu ấn tác động đến bạn như thế nào. Chúng ta hãy quay trở lại Năng đoạn kim cương để tìm lời khuyên.
Và Thế tôn bảo:
Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ thế nào? Giả như có nam tử hay nữ nhân thuộc gia đình cao quý đem tất cả các hành tinh có cư dân của đại thiên hà này, một thiên hà gồm hàng ngàn hành tinh mà bao phủ chúng bằng bảy loại châu báu và đem tặng chúng cho ai đó. Nam tử hay nữ nhân ấy có tạo ra nhiều núi lớn việc thiện do một hành động như thế chăng?
Đức Phật đang đi đến chỗ khiến chúng ta bối rối, có lẽ tốt nhất là mang Choney Lama theo với chúng ta đối với từng câu kệ. Đây là giải thích của Ngài về những gì đang được nêu ở đây:
Qua đoạn kế tiếp đoạn kinh này, Đức Phật muốn chứng minh một sự việc chắc chắn. Trong những đoạn trên, chúng ta đã nói về việc đạt đến trạng thái cao nhất của sự hiện hữu, và về việc dạy những điều này cho những người khác, …
Không có sự việc nào hay không có vật nào trong vũ trụ hiện hữu bên trong nó và do chính nó. Tuy thế, chúng vẫn hiện hữu trong các nhận thức của chúng ta. Và quả thực là bất cứ ai bố thí đều tạo ra điều thiện. Nhưng bất cứ ai nghiên cứu những nguyên lý đằng sau những thứ này, bất cứ ai suy ngẫm về chúng và sau đó quán tưởng về chúng đều tạo ra điều thiện vô cùng lớn hơn.
Để truyền đạt ý này, Đức Thế tôn hỏi Tu-bồ-đề: “Ông nghĩ thế nào, giả như có một nam tử hay gia đình cao quý đem tất cả những hành tinh có cư dân của đại thiên hà này, một thiên hà gồm hàng ngàn hành tinh…”.
Thiên hà nêu ở đây được miêu tả trong Ngôi nhà báu của trí tuệ cao vời (Treasure House of Highest Knowledge) như sau:
Cái mà chúng ta gọi là một thiên hà “cấp thứ nhất”
Là một ngàn hành tinh có cư dân,
Mỗi hành tinh gồm bốn lục địa của riêng nó,
Với một hệ thống núi trung tâm
Và các chúng sanh riêng trong mỗi cõi
Với cõi Tịnh độ trên đỉnh của nó.
Một ngàn thiên hà này
Chúng ta gọi là một thiên hà “cấp thứ hai”
Và một ngàn thiên hà này lại tạo thành
Một thiên hà “cấp thứ ba”.
Đức Phật dạy tiếp: “Lại nữa, giả như nam tử hay nữ nhân của gia đình cao quý này bao phủ các hành tinh này bảy loại châu báu: vàng, bạc, pha lê, thanh ngọc, lục ngọc, ngọc karkettana và ngọc trai đỏ; và sau đó bảo rằng họ dâng những hành tinh này cho người nào đó. Họ tạo ra nhiều núi lớn việc tốt do một hành động như thế, từ việc hiến tặng như thế chăng?
Trở lại kinh Năng đoạn kim cương
Và Tu-bồ-đề đáp:
“Bạch Thế tôn, nhiều núi lớn việc thiện được tạo ra. Vâng, bạch Thế tôn, nhiều lắm. Nam tử hay nữ nhân này của gia đình cao quý quả thực tạo ra núi lớn việc thiện do một hành động như thế. Và tại sao như vậy? Bởi vì, bạch Thế tôn, chính những núi lớn việc thiện này là những núi lớn việc thiện chưa bao giờ hiện hữu. Và vì chính lý do này mà chư Như Lai nói đến “những núi lớn việc thiện, những núi lớn việc thiện”.
Phần kệ này cũng được Choney Lama giải thích.
Đáp lại, Tu-bồ-đề nói:
Nhiều núi lớn việc thiện được tạo ra - và những núi lớn việc thiện này là những núi lớn việc thiện mà chúng ta có thể thiết lập như là chỉ hiện hữu trong nhận thức của chúng ta, chỉ theo cách hiện hữu của một giấc mơ hay một huyễn ảnh: Tuy nhiên, chính những núi lớn việc thiện này có thể chưa bao giờ hiện hữu như những núi đã hiện trong và của chính chúng. Chư Như Lai cũng nói đến “những núi lớn việc thiện, những núi lớn việc thiện” trong ý nghĩa danh xưng - mà đặt tên cho chúng.
Phần này nhằm chứng tỏ một số điểm khác nhau. Những hành động tốt - xấu mà bạn đã làm trước đây và những hành động mà bạn sắp làm sau này, đấy là những hành động trong quá khứ đã chấm dứt và những hành động trong tương lai chưa xảy đến.
Do đó, chúng không hiện hữu nhưng hẳn chúng ta cũng phải đồng ý rằng, trong một ý nghĩa thông thường thì chúng hiện hữu. Hẳn chúng ta cũng đồng ý rằng chúng được nối với dòng tâm thức của người đã thực hiện chúng và rằng chúng tạo ra những hậu quả thích ứng đối với người ấy. Những vấn đề này và những vấn đề khó khăn khác được nêu ra trong những lời trên.
Trở lại Năng đoạn kim cương:
Thế rồi Đức Thế tôn bảo:
Này Tu-bồ-đề, giả như một nam tử hay một nữ nhân nào đó thuộc gia đình cao quý đem tất cả các hành tinh của đại thiên hà này, một thiên hà gồm ngàn ngàn của một ngàn hành tinh có cư dân mà bao phủ tất cả chúng bằng bảy loại châu báu và dâng tặng chúng cho ai đó.
Mặt khác, giả như nam tử hay nữ nhân nắm giữ một bài kệ bốn dòng của giáo lý đặc biệt này, và giải thích nó cho những người khác và giảng dạy nó một cách đúng đắn. Do thực hiện hành động thứ hai này, người ấy sẽ tạo ra nhiều hơn nhiều những núi lớn việc thiện này so với hành động trước: việc thiện hẳn là vô cùng, vượt ngoài một sự đo đếm.
Choney Lama giải thích những bài kệ cuối cùng này bằng những lời sau đây:
Trước hết chúng ta cần nói đôi lời về từ “kệ” ở đây: Mặc dù cuốn kinh này - trong bản dịch Tây Tạng - không được viết bằng kệ, ý kiến ở đây là người ta có thể chuyển nó thành kệ trong nguyên bản Sanskrit. Từ “nắm giữ” nghĩa là “giữ trong tâm” hay “ghi nhớ”. Nó cũng có thể áp dụng cho việc cầm một quyển sách trong tay và trong mỗi trường hợp, đọc bài kinh to lên.
Cụm từ “giải thích nó một cách đúng đắn” nhằm chỉ ý đọc các lời của bản kinh và giải thích chúng rõ ràng. Cụm từ “dạy đúng đắn” nhằm trỏ đến việc dạy tốt ý nghĩa của kinh - và sau tất cả, điều này là quan trọng nhất.
Bây giờ giả như ai đó nắm giữ cuốn kinh này và làm những điều khác liên quan với kinh thay vì chỉ thực hiện các thiện hạnh đã được nêu trước kia. Một người như thế sẽ tạo ra nhiều núi lớn việc thiện hơn nữa, và vượt ngoài mọi sự đo đếm.
Cho nên, chúng ta đã thấy rằng mọi sự kiện từng xảy ra cho chúng ta, trong một ý nghĩa, thì “trung tính” hay “không”. Cái nội dung mà chúng ta nhìn thấy trong nó - tức là, chúng ta cảm nhận nó là cái gì ưa thích, hoặc không ưa thích - không phải là một cái gì đó phát sinh từ chính nó. Đúng hơn, nó có vẻ như phát sinh từ phía chúng ta, mặc dù - nhìn bề ngoài - nó không phát sinh theo cách mà vào lúc ấy chúng ta có thể kiểm soát nó.
Sự bí mật của những dấu ấn tâm linh nằm ở đây. Chúng được gieo trong tâm như chúng ta đã miêu tả ở trên: qua sự nhận biết của chúng ta về chính mình khi chúng ta làm điều gì giúp đỡ hay gây tổn thương người khác. Sức mạnh theo đó chúng được gieo trồng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như chúng ta đã khái quát nêu ra, bao gồm những ý định, sức mạnh của cảm xúc; mức độ nhận biết của chúng ta về những gì chúng ta đang làm; thể cách hành động của chúng ta; mức độ “tự chủ” về những hành động của chúng ta; và một số chi tiết về con người mà hành động của chúng ta tác động đến - người đó đang rất cần giúp đỡ, người nào đó đã giúp đỡ ta rất nhiều, hay người nào đó có tính cách rất đặc biệt.
Bây giờ, hãy nói về cách thức những dấu ấn này xác định những gì ta nhận thức xung quanh. Theo đó các kinh điển Phật giáo, các VCR1 hay máy ghi hình của tâm ta ghi khoảng 65.000 hình hay dấu ấn riêng lẻ trong khoảng thời gian chỉ bằng cái búng tay. Những dấu ấn này đi vào, có thể nói thế, trong tiềm thức của chúng ta. Ở đây, chúng tồn tại trong nhiều ngày, nhiều năm hay nhiều chục năm, tự tái tạo trong mỗi phần ngàn giây như là những khoảnh khắc của chính tâm, nhấp nháy đóng mở ở trong và ngoài sự hiện hữu, chuyển động theo một hàng giống như những tấm hình của một bộ phim, tạo cho chúng ta một huyễn tưởng về sự liên tục.
1 Video Cassette Recorder: Máy ghi hình ảnh âm thanh.
Giống như những hạt mầm ngoài thế giới tự nhiên, những hạt mầm bên trong dòng tâm thức tiếp tục lớn lên sau khi được gieo, rồi chúng lớn lên, như trong tự nhiên, theo thể cách cấp số mũ. Độ lớn của một dấu ấn tâm linh được gieo vào ngày đầu tháng được gấp đôi bởi ngày thứ hai, rồi gấp bốn vào ngày thứ ba - và đến ngày thứ năm của tháng thì gấp 16 lần sức mạnh ban đầu của nó.
Nguyên lý ở đây chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu bạn ngẫm nghĩ một chút. Hãy xem trọng lượng hay khối lượng của một quả sồi, được đo bằng gram, là tương phản với cây sồi được hình thành - tức là, một tấn của thân cây trên mỗi gram hạt mầm. Trí tuệ cổ của Tây Tạng cho rằng những hạt mầm tâm thức cũng vận hành tương tự như vậy, và điều này cũng có thể hiểu được nếu bạn xem cái gì đó như là “khối lượng” của bộ máy hành chính Liên bang của Hoa Kỳ là tương phản với cái ý niệm mơ hồ bé nhỏ về một chính phủ mới trong tâm trí những nhà sáng lập ra đất nước này vào những năm 1705. Bạn có thể hình dung một đứa trẻ hiểu thế nào về ý nghĩa của tiền bạc và bây giờ hãy thử hình dung sau 20 năm bạn phải bận bịu và khó khăn thế nào để kiếm tiền.
Điều chúng ta đang bàn ở đây là một ý niệm mà người Tây Tạng gọi là kenyen chenpo: khả năng lớn về thuận lợi, rủi ro lớn về mất mát, cả hai đều trong một gói. Ngay cả trong những hành động rất nhỏ nhặt và bất cẩn của ta đối với người khác cũng gieo mầm trong tâm ta. Vào lúc chúng nảy nở, sẽ trở thành những kinh nghiệm to lớn. Thế thì những hạt mầm này nảy nở như thế nào? Quy tắc vận hành ở đây là gì?
Tâm của chúng ta giống như một nhà kho rộng chứa hàng trăm ngàn dấu ấn tâm linh. Chúng xếp hàng nối đuôi nhau để cất cánh như những chiếc máy bay trên đường băng của phi trường. Những dấu ấn mạnh hơn - theo những nguyên tắc mà chúng ta đã nói ở trên kia - thì cất cánh trước, trong khi những dấu ấn yếu hơn thì thụt phía sau trên đường băng của tâm. Hễ chúng ta làm điều gì nữa với người khác mà gieo một dấu ấn mạnh hơn một trong những dấu ấn đang có thì những dấu ấn này sẽ di chuyển lên trên trong hàng, giống như một chiếc máy bay mà đài kiểm soát gọi cất cánh trước các máy bay khác.
Khi chiếc máy bay dấu ấn cất cánh - tức là, khi cái ấn tượng nằm sâu trong tâm tiến tới cái tâm thức - nó sẽ tô màu (còn hơn thế nữa, xác định) toàn bộ nhận thức của chúng ta về bất cứ sự kiện nào mà chúng ta đang trải qua trong lúc ấy. Một tập hợp bốn cái ống được nối với một dạng thùng lớn hơn xuất hiện trước mặt bạn và một dấu ấn nổi lên trong tâm thức buộc bạn phải hiểu cái dữ kiện mới này là một “người”.
Một hình ô-van màu hồng xuất hiện ở giữa một hình trứng ở trên đỉnh một hình thùng. Bằng một chuỗi liên tục, một hình trụ đỏ bóng xuất hiện trong hình ô-van và bắt đầu đi tới đi lui. Các mức độ decibel bắt đầu thay đổi nhanh xung quanh hình trụ cùng với những âm tiết và nguyên âm trộn lẫn nhau theo một cách nào đó. Đồng thời, một dấu ấn tiêu cực được gieo trong quá khứ khởi lên trong cái tâm ý thức, đòi hỏi bạn phải hiểu dữ kiện mới này là “ông chủ đang quát tôi”…
Có bốn quy tắc khiến cho những dấu ấn từ quá khứ “nảy nở” trong tâm, theo đó buộc bạn phải thấy sự việc xung quanh bạn xảy ra theo cách mà chúng thực sự là:
1. Nội dung tổng quát của kinh nghiệm được áp đặt nơi bạn phải tương xứng với nội dung tổng quát của việc in dấu ấn ban đầu.
Tức là, một dấu ấn được gieo trong tâm bạn qua hành động tiêu cực - bằng việc bạn đã khiến một người khác bị tổn thương - có thể chỉ bắt buộc bạn nhận thức việc đó như là kinh nghiệm khó chịu do hành động ấy sinh ra. Và một dấu ấn được gieo bởi một hành động tích cực - bằng cách giúp đỡ người khác - có thể chỉ bắt buộc bạn nhận thức sự việc đó như là một kinh nghiệm thích thú do hành động ấy sinh ra. Nói đơn giản, một hành động tiêu cực chỉ có thể đưa đến những kết quả tiêu cực, một hành động tích cực sẽ đem đến những kết quả tích cực. Những trái táo không bao giờ mọc ra từ những cây gai, những trái vả không bao giờ có thể mọc ra từ những cây khế.
2. Sức mạnh của dấu ấn tiếp tục phát triển trong suốt thời gian nó ở trong tiềm thức; tức là, cho đến khi nó nảy nở và buộc chúng ta phải trải qua một số kinh nghiệm, dù là tốt đẹp hay xấu xa.
Chúng ta đã nói về hiện tượng này rồi. Điểm quan trọng là ngay những hành động rất nhỏ và gần như không cố ý cũng có thể gây ra những nhận thức to lớn trong tương lai.
3. Không có bất cứ điều gì xảy ra nếu cái dấu ấn gây nên không được gieo từ trước.
Điểm quan trọng ở đây là mọi kinh nghiệm mà ta trải qua đều có nguyên nhân từ những dấu ấn trước kia; không có gì xung quanh ta - không người nào, sự việc nào hay sự kiện nào, không cả đến những ý nghĩ của ta nữa - xảy ra mà không có nguyên nhân bởi một dấu ấn trong chính tâm ta xuất hiện ở nơi ý thức của ta và làm ta nhận thức nó.
4. Khi một dấu ấn được gieo trong tâm, nó phải đưa đến một trải nghiệm: không có dấu ấn nào bị xóa nhòa.
Quy tắc số bốn có vẻ như ngược với số ba; tức là, trong khi quả thực là không có trải nghiệm mà không xuất phát một dấu ấn nào trước đó, cũng quả thực rằng - một khi dấu ấn được gieo - nó phải đưa đến một trải nghiệm. Những dấu ấn không bao giờ bị xóa bỏ; chúng luôn luôn có mặt, luôn luôn giúp chúng ta nhận thức được một cái gì đó.
Cần nói thêm rằng quy tắc thứ hai là chỗ xuất phát của đoạn trích từ kinh Năng đoạn kim cương trong phần mở đầu của chương này. Và trong các điểm quan trọng của cuốn sách này, đây đặc biệt là điểm quan trọng nhất đối với doanh nghiệp và sự thành công cá nhân.
5. Ngay cả một hành động nhỏ, nếu được thực hiện bằng một nhận thức về cách các dấu ấn khiến chúng ta nhìn thế giới như thế nào, “trung tính” hay “không”, sẽ đưa đến những thành quả to lớn.
Để minh họa chân lý trên, Đức Phật bảo với đệ tử Tu-bồ-đề của Ngài rằng nếu đưa cho người nào đó kinh Năng đoạn kim cương và dù người ấy chỉ hiểu mơ hồ về nội dung của kinh thì cũng tốt hơn là đem cho người ấy trọn một hành tinh hay ngay cả một tỷ hành tinh được bao phủ toàn bằng châu báu. Sở dĩ như thế là vì một người đi đến gần sự hiểu biết về những dấu ấn thì khiến chúng ta nhìn thấy thế giới như thế nào rồi đi khắp nơi mà tạo ra, một cách có ý thức, một cuộc sống toàn hảo và một thế giới toàn hảo. Chúng ta càng hiểu được quá trình này thì những hạt mầm của những hành động, lời nói và ý nghĩ dù nhỏ nhặt cũng được gieo vào tâm một cách hiệu quả, mạnh mẽ và những thành quả của chúng trong việc rèn đúc thế giới quanh ta và dấu ấn trong ta càng mạnh mẽ hơn.
Tất cả những gì chúng ta phải làm bây giờ là nhận ra mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm, rồi sử dụng quy tắc số một để nhận ra những dấu ấn đặc biệt có thể khiến chúng ta nhìn được các loại mục tiêu ấy. Chúng ta gọi những dấu ấn này là “những mối tương quan”, nghĩa là bạn có thể đi ngược lại từ một kết quả đặc biệt nào đó có tính chất khả quan để rồi nhận ra những dấu ấn đặc biệt có thể khiến bạn nhìn thấy kết quả ấy.
Trong phần lớn các trường hợp, những dấu ấn đặc biệt trong tâm mà bạn cần để tạo ra một kết quả đã định trong đời sống hay trong doanh nghiệp của bạn thì hầu như là cái trái nghịch với những gì mà bản chất con người mong muốn. Chẳng hạn, giả sử công ty của bạn đang cạnh tranh trong thương trường, và tiền mặt đã trở thành một vấn đề. Bản năng tự nhiên của hầu hết mọi người hay mọi công ty trong tình trạng này là cắt giảm. Việc trợ cấp của công ty là nạn nhân của sự cắt giảm, tiếp đó là những ưu đãi cho các thành viên ban quản trị như vé máy bay hạng nhất trong các chuyến công tác ngắn.
Kế đến các khoản nằm giữa thưởng và tiền lương, ví dụ như bảo dưỡng xe cho nhân viên về trễ vì phải ở lại làm việc; là tiền thưởng nhân ngày lễ, là các khoản lương tăng bị hớt bớt; việc tăng lương hoàn toàn chấm dứt; các phúc lợi cũng bị cắt đứt. “Chúng tôi đã tìm được một kế hoạch HMO1 còn tốt hơn nữa” là tuyên bố của ban quản trị khi công ty gặp vấn đề có thể khiến cho những nhân viên từng trải phải lo lắng, vì nó thường có nghĩa là sẽ có một số thủ đoạn được áp dụng để cắt đi những phúc lợi đang có. Những mức độ cắt giảm này dần dần cũng chạm tới tinh thần của xí nghiệp, từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất, gây ra một sự thiếu hụt chung về nhân đức theo mọi ý nghĩa của từ này:
1 Health Maintenance Organization: Tổ chức Bảo trì sức khỏe - một dạng bảo hiểm sức khỏe trả tiền trước bao gồm các quyền lợi chăm sóc sức khỏe toàn diện tập trung vào giữ gìn sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
“Tiền mặt đang bị kẹt, cho nên sắp tới chúng tôi phải hoãn việc tăng lương cho bạn trong vài tháng tới.”
“Tại sao tôi lại phải tiếp tục cái công việc này? Họ vẫn sẽ không tăng lương cho tôi mà!”
“Hãy hoãn việc tăng lương lần nữa, chẳng có ai tỏ thái độ gì đâu!”
“Tại sao tôi phải cố gắng tiết kiệm tiền bạc của công ty khi họ vẫn tiếp tục trì hoãn việc tăng lương?”
“Chúng tôi đã cắt giảm các chi phí đến tận xương, nhưng lưu lượng tiền mặt vẫn có vẻ như trở nên tệ hơn.”
Do đó, cảnh giác với phản ứng tự nhiên của bạn đối với một vấn đề là điều quan trọng: nó có thể chỉ kéo dài khó khăn mà thôi. Ở Tây Tạng, hiện tượng này được gọi là korwa, hay một “hoàn cảnh rối rắm tự kéo dài”. Công ty bạn đang khó khăn về tiền bạc cho nên bạn bắt đầu từ chối giúp đỡ những người đang cần; và bạn bắt đầu nói đến những sự cắt giảm. Quan trọng hơn hết, suy nghĩ của bạn chuyển từ sự sáng tạo, tính sáng tạo sang sự bảo vệ và phòng thủ.
Mỗi hành động này đều gieo những dấu ấn mới trong tâm bạn, những dấu ấn tiêu cực. Mỗi khi bạn từ chối cho tiền bạc hay giúp đỡ những người nhờ cậy bạn, bạn gieo một dấu ấn mà sau này chính bạn và doanh nghiệp của bạn bị chính tiền bạc và sự giúp đỡ ấy từ chối. Hiện tượng này cứ tăng dần lên theo quy tắc thứ hai của dấu ấn: sức mạnh của chúng lớn đến mức nào là do thời gian bao lâu chúng ở lại trong tiềm thức. Thế rồi khi điều này gây nên vấn đề mới về tài chính thì bạn sẽ phản ứng bằng thái độ bủn xỉn mạnh mẽ hơn, tạo ra một làn sóng thứ ba. Hậu quả tích tập là cái đường xoắn ốc đi xuống mà người ta rất thường thấy trong các công ty đang vật lộn với khó khăn.
Ngụ ý của tất cả những gì chúng ta vừa bàn đến ở đây là chúng ta phải tránh những cắt giảm và lối suy nghĩ bủn xỉn như là một phản ứng đối với những áp lực tài chính. Tuy nhiên, điều này cần phải được định tính rõ. Trên kia, chúng ta đã nói có ba cách gieo một dấu ấn: bằng những hành động, lời nói và ý nghĩ. Quan trọng hơn cả chính là dấu ấn thứ ba, tức là những dấu ấn thâm sâu nhất là do thái độ tạo ra.
Điều chủ yếu như một phản ứng đối với những áp lực tài chính (của công ty hay cá nhân), trên tất cả, người ta phải tránh một trạng thái tâm bủn xỉn. Có thể thực tế không có sẵn tiền dành cho các khoản thưởng như trước đây, và bạn có thể phải ngưng các bổng lộc vì ngay bây giờ không có tiền chi cho các khoản ấy, nhưng điều quan trọng là không suy nghĩ gian dối, không đánh mất tính sáng tạo, không đánh mất quan điểm hào phóng khi bạn gặp những khó khăn tài chính.
Nếu bạn có tâm trạng gian dối, từ chối giúp đỡ người khác những điều gì bạn thực sự có thể trong khả năng tài chính hiện nay của bạn thì bạn sẽ tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng thực sự đến việc bạn có thể hồi phục lại được hay không.
Còn một điểm quan trọng nữa mà chúng tôi cần nêu ra ngay đây. Chúng ta không ở trong cái hệ thống trí tuệ cổ để nói về một thái độ có thể tô màu những nhận thức của bạn về tình hình tài chính của bạn. Đúng hơn là chúng ta đang đặt ra một quá trình thực sự xác định cái thực tính xung quanh bạn. Chúng ta không bàn về việc bạn cảm thấy như thế nào khi không thể thanh toán các hóa đơn. Chúng ta đang nói về cách mà bạn cảm thấy để quyết định rằng bạn có thể thanh toán các khoản tiền hay không. Tiền đề ở đây rất sâu sắc và chưa được xác lập đúng đắn trong những hệ thống khác về việc vận hành một doanh nghiệp như thế nào: Tiền bạc chính nó được tạo ra bằng cách duy trì một tâm trạng hào phóng.
Hãy nhìn vào bất kỳ một tình huống thị trường nào.
Kim cương, nói thẳng ra, là hầu như chẳng có giá trị gì cả. Những viên kim cương méo mó, nhỏ xíu, xấu xí, những mẫu “boart” nâu và đen hay kim cương công nghiệp hợp thời trang, đóng một vai trò to lớn trong kinh tế thế giới. Những đồ vật như các lốc xe hơi và những bộ phận quan trọng của một máy bay dân dụng phải được chế tạo bằng thép carbon, cứng đến độ có thể gọt đẽo cả thép với sự chính xác gần như tuyệt đối cho các thứ này vận hành. Tuy nhiên, chính thép carbon cũng phải được đẽo gọt, và riêng kim cương là tác nhân gọt đẽo tốt nhất.
Vì lý do này, kim cương thường được sánh ngang với uranium và plutonium, một khoáng chất chiến lược, vô cùng cần thiết cho công nghiệp hiện đại. Chính phủ Hoa Kỳ đã lưu trữ kim cương công nghiệp trong nhiều năm, phòng trường hợp một cuộc chiến tranh hay một tai họa tương tự, có thể khiến đất nước này không nhận được các nguồn cung cấp kim cương cần thiết mà vào thời điểm đó có thể đang còn tập trung trong những lớp trầm tích dưới đáy sông chỉ được tìm thấy tại một số ít các quốc gia châu Phi.
Suốt thời gian chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ cũng đã áp dụng các biện pháp khiến các nguồn cung cấp kim cương cho các nước Đông Âu như Liên Xô bị phá vỡ. Mỉa mai thay, điều này đã đẩy người Nga vào cuộc tìm kiếm kim cương trên khắp đất nước của họ.
Các hố kim cương to lớn có hình củ cà-rốt, kích cỡ từ vài tấc Anh đến hàng trăm thước lên tới mặt đất. Khi chúng ta tạo các hố để tìm quặng kim cương, đào bới hàng trăm, hàng ngàn tấc Anh sâu dần xuống, hố thường hẹp lại và trở nên khó khai thác. Các hố thực sự là những hình ống, nơi đây dung nham cổ đã từ trung tâm trái đất trồi lên mà ra ngoài không khí, mang theo các viên kim cương non. Những ống này đầy cả quặng màu lục nhạt được gọi là “kimberlite”; bạn có thể phải đào ra cả tấn thứ này để tìm được số kim cương đặt vừa cục tẩy bút chì, và do đó (trái với những gì người ta thường tin), việc sản xuất kim cương quả là rất tốn kém.
Sự phân bố các hố kim cương khắp hành tinh là một trong những bằng chứng chứng minh cho lý thuyết cho rằng, các lục địa của thế giới đã từng gắn kết lại với nhau, và rằng các đại dương hiện nay chính là các khe hở hoặc vết nứt được tạo nên khi các lục địa tách ra. Những hố điển hình, như nhiều người biết, nằm tại Nam Phi. Chẳng hạn, ở đây - giữa một số cánh đồng do Công ty De Beer Brothers làm chủ, vốn là của hai anh em nông dân nhà Beer nghèo khó - hố De Beers nổi tiếng được phát hiện, cùng với mỏ Kimberley trên chính sở hữu đó đã sản xuất ra hàng triệu ca-ra kim cương kể từ khi hai anh em đã bán mảnh đất này với giá rẻ mạt vào năm 1870. Chính mỏ này đã cho các-ten1 kim cương De Beers nổi tiếng mượn tên của nó, đây là một tổ chức mạnh mẽ và phát triển liên tục, kiểm soát nhiều doanh nghiệp kim cương thô quốc tế trong hơn một trăm năm nay.
1 Cartel: Liên hiệp, hiệp hội các công ty.
Một sự việc thú vị xảy ra suốt hai triệu năm, khoảng thời gian để cái đụn hình nón được tạo ra bởi sự tuôn tràn của hố kim cương bị san bớt cho đến khi ngang bằng với vùng đất xung quanh. Mưa, gió và hậu quả của hơi nóng và băng giá dần dần làm mòn cái hình nón ấy. Kim cương thô tách ra khỏi “đá xanh” hay quặng và bắt đầu đổ vào các ngòi nước, rồi vào suối và sông, chảy xuống biển.
Kim cương là một trong những chất nặng nhất trong tất cả các khoáng chất, ngang với cả vàng và vì chúng cứng hơn đá thông thường rất nhiều nên có khuynh hướng đào cho chính chúng những hốc nhỏ trong nền đá dưới một con sông. Một số những viên đá này thế nào cũng bị rơi và trôi ra biển. Chỉ có những viên kim cương tinh ròng nhất - những viên không có những chỗ nứt hay vết rạn dù là nhỏ bé nhất - mới còn sót lại qua cuộc hành trình suốt hàng nguyên đại địa chất. Có lẽ sự phát hiện kim cương nổi tiếng nhất là ở bờ Tây châu Phi, nơi sông Orange đổ ra Đại Tây Dương.
Vì những viên đá từ các hố kim cương lăn xuống sông Orange và ra tới biển, những dòng chảy đại dương qua nhiều thế kỷ đã đẩy trở lại những viên đá này lên bờ, nơi đó những viên kim cương có chất lượng cao nhất đang nằm rải rác giống như bắp rang vung vãi cho những nhà thám hiểm người Đức phát hiện ra chúng vào năm 1908. Một trong những bức ảnh được ưa thích của tôi là bức ảnh chụp những người đang bò qua bờ biển này, mà sau đó được gọi là “Sperrgebeit” hay vùng cấm, chỉ để nhặt những viên pha lê lớn hoàn hảo.
Cũng có những vùng ở Brazil nơi các đáy sông có nhiều kim cương, những nơi như lưu vực sông Jekitihonha gần Diamantina, một thị trấn nhỏ kỳ lạ giống như Thụy Sĩ ở trong tiểu bang mới Minas Gersais. Nhưng không có hố kim cương nào trong xứ này đã có thể xuất phát đá quý. Cũng như thế, một số vùng đất bồi khác hay những trầm tích dưới sông ở phía Tây Ấn Độ, một đất nước đã sản xuất những viên đá quý lớn đầu tiên có tính lịch sử - những kiệt tác như viên Koh-i- noor và viên Orloff - rất lâu trước khi các trầm tích ở châu Phi được phát hiện.
Hãy lấy bản đồ thế giới, nắm các mút đáy của Nam Mỹ và Ấn Độ, rồi áp chúng trở lại vị trí xưa kia của chúng - sát vào hai bên của Nam Phi - thì sẽ thấy rõ chỗ xuất phát của kim cương: những hố lớn trên mép đáy của châu Phi bị mòn đi, đá quý tuôn vào các con sông của Brazil và của cao nguyên Deccan ở Ấn Độ trước khi những lục địa tương ứng của chúng trôi dạt ra khỏi đất mẹ.
Trong nhiều mặt thì địa chất của vùng đất xung quanh các hố kim cương lớn ở Nam Phi tương tự với vùng đất ở Siberi, và điều này đã được nhà địa chất vĩ đại người Nga là Vladimir Sobolev lưu ý trong suốt những năm mà trò ma mãnh của người Mỹ đã gây khó khăn cho Liên Xô trong việc nhận các nguồn cung cấp kim cương ở châu Phi mà họ cần cho ngành công nghiệp. Dưới sự điều khiển của Sobolev, nhiều nhóm các nhà địa chất được gửi đến vùng băng giá mênh mông của lãnh xuyên Siberi để tìm những hố kim cương.
Rủi thay, vào lúc ấy có ít dụng cụ để định vị các hố kim cương theo cách từ trên không hay theo các cách khác. Bạn hầu như phải đứng trên đỉnh của một hố kim cương để bảo rằng có đất xanh ở đó, và thêm vào những khó khăn của bạn là nó có thể nằm dưới sâu nhiều thước so với lớp đất cũ bình thường vốn đã tích tụ ở đó qua nhiều thế kỷ. Truyền thuyết về doanh nghiệp kim cương cho rằng một nhà nữ địa chất đã đi khắp các hoang mạc băng giá của Siberi để tìm những hố kim cương ước mơ của Sobolev, điều kỳ diệu đã xảy ra vào một hôm khi ra ngoài săn bắn để xem bà có thể tìm được thịt tươi nhằm tăng khẩu vị cho các đồng chí của bà hay không. Bà nhìn thấy một chuyển động ở đằng xa - một con chồn đỏ biến mất vào trong bụi cây. Bà nâng súng lên, nhìn thấy con chồn trong ống ngắm của mình, và may sao bà đã không bóp cò, lông của con chồn bị bẩn vì một đốm xanh, đúng là một màu của quặng trong một hố kim cương. Bà theo dấu vết con chồn đến tận hang ổ của nó, dẫn xuống một cái hố mà sau này là một phát hiện lớn đầu tiên về kim cương ở Nga! Mỏ Mir hay “Hòa bình”.
Hơn 40 năm sau, Nga đã trở thành một trong những lực lượng lớn nhất trong thế giới kim cương, với những hố mới trải khắp vùng nội địa rộng lớn của miền Bắc băng giá. Tại đây mọc lên những thành phố của những công dân mỏ, sống trên giàn khoan được nâng cao lên khỏi tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu bởi một hệ thống lớn gồm các cọc đóng sâu vào đất băng giá. Các máy điều hòa không khí phải liên tục thổi khí lạnh vào khoảng trống ở giữa các thành phố này và vùng lãnh nguyên ở bên dưới để tránh cho băng khỏi tan ra và cho thành phố không bị chìm xuống lớp tuyết mềm của bùn đất gần như đóng băng.
Khi những viên đá Nga bắt đầu tuôn ra các thị trường kim cương trên thế giới, điều này gây ra một làn sóng kinh hoàng trong thâm tâm những nhà buôn kim cương khắp toàn cầu. Tôi đã học tiếng Nga tại Princeton và đã phụ giúp vào một số nghiên cứu của những người thuộc Đơn vị Công nghiệp De Beers gần London để cố bắt kịp những gì người Nga đã đạt được. Tôi đã tha thiết lưu tâm đến tất cả những gì liên hệ đến kim cương mãi từ năm 1975, và muốn biết mọi điều về doanh nghiệp; cho nên tôi tình nguyện dịch các bài về kim cương từ nhiều tạp chí khoa học của Nga.
Chúng tôi rất lo lắng vì biết rằng người Nga đã biết được cách sản xuất một viên kim cương toàn hảo trong phòng thí nghiệm; điều này trước đây đã được các nhà khoa học tại Công ty General Electric ở Hoa Kỳ đi tiên phong, sử dụng những pít- tông to lớn, kỳ lạ để giữ những mẫu grafit (than chì) dưới áp lực cao trong những khoảng thời gian dài, đồng thời nung nóng hỗn hợp này đến độ giống như những quá trình đang diễn ra sâu dưới lòng trái đất, như những viên kim cương thực hình thành trong các hố nguyên thuỷ.
May thay, lượng điện cần thiết để giữ cho quá trình này diễn tiến trong khoảng thời gian cần thiết để làm ra một viên kim cương thô một ca-ra cũng ngang với lượng điện cần thiết để thắp sáng một thành phố nhỏ trong nhiều giờ, tạo ra một viên đá theo cách này thì tốn kém hơn nhiều so với việc cố gắng lấy nó ra khỏi một đống đất xanh nặng một tấn, cho nên trí tuệ thông thường bảo rằng sẽ không bao giờ được lời khi chế tạo đá quý ở nhà. Doanh nghiệp kim cương cần phải được an toàn khỏi nguy cơ của hàng giả toàn hảo: một viên kim cương tổng hợp hay được chế tạo trong phòng thí nghiệm thì hoàn toàn tinh khiết và xinh đẹp như đồ thật.
Tuy nhiên, có lẽ là người Nga đã hiểu được cách sản xuất kim cương tổng hợp với giá rẻ - hình như đây là cách duy nhất để giải thích sự xuất hiện bất ngờ của số lượng to lớn nguyên liệu từ Siberi, tạo ra một sự kiện quan trọng về việc khai mỏ kim cương. Theo kỹ thuật mà chúng tôi biết đến, một số lượng lớn cần được sử dụng để chế kim cương thô - để lấy chúng ra khỏi đất xanh được thực hiện theo cách truyền thống là nghiền vỡ chúng thành đá theo một kích cỡ nhất định bằng cách sử dụng những bánh răng cưa lớn (cũng nên nhớ, những bánh xe này hầu như luôn luôn làm cho những viên kim cương thực sự to lớn và quý hiếm bị vỡ thành những mảnh nhỏ).
Thế rồi quặng tốt được trộn với nước và được đổ vào một lượng lớn chất đặc sệt, đi qua một mặt bàn rộng có phủ một lớp dầu nhão dày như mỡ bôi trục. Ngoài ra, kim cương với cấu trúc nguyên tử hoàn hảo của chúng, có xu hướng dính chặt vào bề mặt có bôi mỡ chứ không như bất cứ khoáng chất nào khác. Hỗn hợp sền sệt của nước và quặng kim cương chạy lộn xộn qua chất mỡ này, những viên kim cương sẽ dính lại và phần còn lại sẽ dạt ra một bên. Sau đó, mỡ bôi trục sẽ được lấy ra khỏi bàn, được dồn vào một thùng lớn và được nung thành chất lỏng để kim cương thô tích tụ ở dưới đáy.
Nhưng chúng tôi biết rằng không thể giữ và chứa lượng nước này tại các vùng đất ở mép vùng Bắc Cực - đơn giản là nó sẽ đóng băng lại ngay khi nó tiếp xúc với không khí bên ngoài. Những thông tin chi tiết về công nghiệp kim cương ở Liên Xô vào thời ấy - kim cương đặc biệt cần thiết cho việc sản xuất xe hơi, máy bay, tên lửa, xe tăng - được xem là một bí mật quốc gia, và người nào tiết lộ các thông tin này sẽ chịu án tử hình.
Chúng tôi không có cách nào để biết được rằng liệu có những mỏ thực trong hố tự nhiên dưới lớp băng vùng Siberi và rằng người Nga đã phát triển một phương cách mới khéo léo để tách kim cương ra khỏi vỏ bọc. Bạn thấy đó, hầu hết các viên kim cương đều tỏa ra một luồng ánh sáng yếu khi được các tia X chiếu vào: chúng phát huỳnh quang mạnh đến nỗi chỉ cần ánh sáng mặt trời cũng khiến chúng nổi bật (do đó gây ra cái huyền thoại về một viên kim cương “xanh trắng”). Quặng đã nghiền vỡ được trải ra trên một cái bàn có đục nhiều lỗ nhỏ, mỗi lỗ đều có một luồng không khí lạnh ở phía dưới. Các tia X đi qua quặng theo từng đợt và các máy cảm ứng phát hiện những viên đá phát sáng. Tiếp theo là sử dụng một trong những vòi phun khí, làm nảy viên đá vào gọn trong một cái thùng đặc biệt, thùng này có một khay thủy tinh ở dưới đáy để thu gom kim cương. Dĩ nhiên có một cái khóa rất tốt để giữ cái khay lại, và có một người bảo vệ ngồi gần đó để giữ an toàn.
Không biết đến sự phát triển này, các nhà kim cương thạo tin rất sợ rằng người Nga đã gây nên một sự bứt phá trong việc tạo ra những số lượng lớn kim cương nhân tạo. Điều này, chúng tôi biết, rất có thể tạo ra của cải mà trong ngành kim cương chúng tôi gọi là “phần dôi ra” (overhang).
Phần dôi ra là một biểu từ thường dùng để miêu tả tổng số kim cương được đánh bóng đã được tích luỹ trên thế giới, đặc biệt là trong khoảng 60 năm vừa qua, khi tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển có tiền cần mua một chiếc nhẫn kim cương trong các dịp đính hôn. Khi phát hiện những hố kim cương mới, có thể khai thác được ở khắp thế giới đảm bảo các nguồn cung cấp được gia tăng cho kịp với sự phát triển của tầng lớp trung lưu này.
Hãy nghĩ về điều đó! Một khi kim cương đã được lấy ra từ đất xanh và được chế tạo thành một viên đá lóng lánh với 58 mặt rực rỡ, vị trí của nó trong phả hệ được đảm bảo. Không ai từ bỏ một viên kim cương, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với tình yêu và sự chăm chút. Những viên đá quý có thể được gắn vào những chiếc nhẫn hay dây chuyền đeo cổ khác nhau hay vào các mẩu đồ trang sức khác khi thời trang thay đổi, và rồi được trao cho con gái hay cháu gái. Là những vật cứng nhất trong vũ trụ, kim cương có khuynh hướng vẫn tồn tại hầu như mãi mãi. Các nhà thông thái Tây Tạng nói đùa rằng một viên kim cương là thứ đồ vật mà chẳng chóng thì chày sẽ luôn luôn phải ra đi để tìm một người chủ mới, sau khi người chủ trước trở nên già và chết đi. Kim cương thì mãi mãi - nhưng những người làm chủ nó thì không, hình như thế.
Kim cương trang sức thông thường (trái với anh em siêu nhân dùng trong công nghiệp của chúng) không hề có giá trị thực sự nào cả. Chúng ta phải thừa nhận rằng có nhiều chuỗi hạt thủy tinh cũng xinh đẹp như thế, hay có thể còn hơn thế nữa, và kim cương sẽ luôn đắt giá chỉ khi nào ai đó sẵn sàng bỏ tiền mua chúng vào một ngày đẹp trời nào đó. Giá trị của việc cất giữ một số lượng lớn kim cương trong tay công chúng vào lúc này - điều mà chúng ta gọi là phần dôi ra - chỉ là một nhận thức về sự tín nhiệm của người tiêu dùng về giá trị trong tình trạng khan hiếm liên tục của kim cương.
Nếu người Nga đã phát triển một viên kim cương tổng hợp thực sự không đắt tiền - một viên kim cương được chế tạo trong phòng thí nghiệm - điều này có nghĩa là sự sụp đổ của phần dôi ra: một sự đổ dồn những viên kim cương được tích luỹ trên thế giới vào thị trường từ các nhóm tư nhân vì họ hoảng sợ và cố đổi chiếc nhẫn của bà nội để lấy ít nhất vài đôla trước khi kim cương trở nên tầm thường như kẹo. Có thể đó là cơn ác mộng của nhà kinh doanh kim cương - điều mà, may thay chưa bao giờ thành hiện thực.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại vấn đề thị trường, một vấn đề thực sự nhạy bén trong việc kinh doanh kim cương lẻ. Một công ty như Andin có thể đưa ra hàng ngàn mẫu thiết kế đồ trang sức khác nhau vào bất cứ lúc nào. Mỗi mẫu thiết kế đều có cách sắp xếp kim cương hơi khác nhau. Chẳng hạn, một viên kim cương một ca-ra ở một bên và những hạt vụn đủ để rắc xung quanh cho món đồ đạt đến giá trị hợp pháp tối thiểu đối với một món đồ hai ca-ra đã được hoàn thành.
Nay bạn không bao giờ biết đơn đặt hàng nào sẽ đến vào bất cứ dịp đặc biệt nào từ một công ty như J.C. Penney hay Macy, hai trong số những khách hàng lớn của chúng tôi. Công ty nào đó như Penney có thể đột nhiên đặt một ngàn vòng đeo tay vừa được miêu tả và yêu cầu phải được đưa vào kho trong vòng khoảng 15 ngày. Những khách hàng đơn vị kim cương của công ty liền khởi đầu một trò chơi bài Pô-cơ tế nhị. Một kiểu “chơi gà”, một trò chơi phổ biến ở thị trấn quê tôi khi tôi còn là một đứa trẻ mười mấy tuổi. Hai đứa nhóc khùng điên ngồi trên hai chiếc xe chạy hết tốc độ, thi nhau vượt lên cho đến khi một đứa “sởn da gà” và bỏ cuộc.
Chúng tôi phải tạo cho thị trường cái ấn tượng rằng chúng tôi chẳng cần đá quý chút nào hoặc không cần chúng lắm thì giá mới không nhảy vọt một cách đột biến. Còn thị trường phải giữ lại các nguồn cung cấp cho đến khi nó chắc chắn rằng chúng tôi đang hết sức cần và sẽ trả với giá cao nhất để lấy được hàng hôm nay. Nếu một bên chờ khá lâu mặc dù trò chơi đã chấm dứt: kim cương sẽ trở lại vô giá trị vì đơn đặt hàng đã được thực hiện, hoặc vì giá bán đã quá đắt không thể mua được.
Ngày nay với tất cả các kiểu đồ trang sức khác nhau mà một công ty kim cương phải chào hàng cho các khách hàng, nó hoàn toàn không thể dự trữ nhiều kim cương mà bạn có thể cần vào bất cứ lúc nào. Ngày hôm qua, công ty có thể không cần một viên đá lẻ thuộc những kích cỡ và chất lượng đặc biệt mà cái vòng đeo tay đòi hỏi, giờ đây là một thông báo khẩn: chúng tôi cần khoảng 20.000 viên.
Số lượng này không bao giờ có sẵn tại bất cứ thị trường bán lẻ nào trên thế giới. Chúng tôi sẽ phải thông báo cho người của chúng tôi trên khắp địa cầu bắt đầu lặng lẽ thu nhập những túi hàng lớn, trước khi lộ rõ rằng chúng tôi cần những viên kim cương đặc biệt này. Nếu như vậy thì “giá trị” sẽ nhảy vọt lên - trong khi chúng tôi đã cam kết với công ty Penney một giá cố định đối với món đồ trang sức này: không còn chỗ nào để tăng giá với họ.
Đấy là ví dụ rất xác thực về sức mạnh của năng lực tiềm tàng và về những dấu ấn tâm linh. Tôi đã nhìn thấy nó cả ngàn lần và bạn có thể tin rằng nó là xác thực. Một người ở New York tên là Kishan rất “nhạy cảm” về đơn đặt hàng; ông có thể gọi một cuộc điện thoại tới một nhà buôn đặc biệt trong hàng tá các nhà buôn với một văn phòng trong thành phố.
Một cách trùng hợp, văn phòng này vừa nhận được lô hàng lớn những viên đá đặc biệt này từ chi nhánh HongKong. Thật ra, người chủ ở Antwerp phải trả một khoản thanh toán lớn cho De Beers về lô nguyên liệu ở London vào tuần tới. Và lô kim hoàn kia ở trên đường 47 vừa gọi bảo rằng lưu lượng tiền mặt chi thu của họ đang bị kẹt vì họ chưa được hệ thống cửa hàng bách hóa nọ thanh toán. Cho nên, thế nào bạn cũng có thể có những viên đá ấy vào chiều nay, 2.000 viên với một giá rất hời.
Một người mua khác trong thành phố khác, trên một lục địa khác - ông bạn Dhiru ở Bombay của chúng tôi - cũng gọi những cuộc điện thoại. Không có sẵn hàng hóa nào dễ dàng nhưng những túi nhỏ bắt đầu được đưa vào từ những nhà kinh doanh xung quanh thị trấn trong vài giờ. Với nhiều nỗ lực và thương lượng khó khăn, ông ta cũng mua đủ cho đơn đặt hàng. Văn phòng của ông ta tại New York đã lỡ chi tiêu hầu hết lượng tiền mặt có sẵn cho món hàng dễ mua được thu vào ở New York, và do đó ngoài việc phải nỗ lực nhiều hơn, ông ta sẽ phải chờ lâu hơn để thanh toán.
Một người mua thứ ba, chẳng hạn Yoram ở Tel Aviv, khởi đầu bằng vài cuộc gọi điện cho những nhà cung cấp thường xuyên của ông. Nhưng sự sai biệt thời gian về mặt quốc tế có ý nghĩa là các văn phòng chi nhánh tại New York đã thông báo cho đối tác ở Israel của họ rằng Andin là một công ty đứng đằng sau đơn đặt hàng những viên đá đặc biệt này. Đột nhiên giá tăng lên, và ông ta càng gọi thì càng tỏ ra cho các nhà buôn bán rằng ông ta cần hàng. Do đó mà gây ra một sự nâng giá khác, vì họ có thể “ngửi” thấy ông ta đã nhận một đơn đặt hàng có ngày giao gấp gáp. Sớm muộn thì ông ta cũng phải chịu thua và phải trả bất cứ giá nào để lấy được hàng đúng hạn.
Do đó, người mua số ba sẽ chịu giá trễ và cao hơn so với đặt hàng, ông ta sẽ bị trả tiền chậm và chúng ta cũng chẳng phải nêu nên điều gì sắp xảy ra cho tiền thưởng hàng năm của ông ta. Công ty J.C. Penney gọi điện thoại cho ông chủ, Ofer, khi ông này đang ở nhà vào cuối tuần để tìm hiểu tại sao không có chiếc vòng tay nào chuyển đến kho sau chiến dịch quảng cáo đã thực hiện trên khắp đường phố hai ngày rồi.
Câu hỏi quan trọng được nêu ra ở đây là: do đâu mà có sự khác biệt trong ba thị trường vào một ngày nhất định nào đó? Tại sao văn phòng New York lại thâu hàng quá dễ như vậy? Có phải là người mua đã khéo léo hơn không? Có điều gì về chiến thuật mà ông ấy đã sử dụng? Có phải đó chỉ là sự may mắn suông? Nguyên lý của tiềm năng và của dấu ấn tâm linh bảo rằng: dứt khoát không phải như vậy.
Một thị trường cho một loại hàng hóa trong một thành phố nhất định vào một ngày đặc biệt nào đó là một thí dụ khác nữa về một sự việc không tốt cũng không xấu từ phía chính nó. Nếu không phải thế thì mọi người bán và người mua trong thành phố vào ngày ấy sẽ cùng một lúc gặp thuận lợi hay khó khăn trong việc lưu chuyển hàng hoá. Nhưng bạn biết đấy, sự việc không theo như vậy. Một số nhà buôn sẽ bảo rằng đấy là một “ngày ok” (đây là cách nói lóng trong doanh nghiệp kim cương trỏ cho một ngày tốt không thể tin được - không ai muốn thú nhận với bất cứ người nào khác rằng họ đang thực sự làm tốt, nếu không thì nội trong tuần mọi người trong thị trấn sẽ tăng giá hàng của họ đối với ông ta). Một số nhà buôn bán sẽ nói rằng đấy là ngày tệ nhất trong năm, và họ nói đúng.
Do đó, thị trường thì “trung tính” hay trong thuật ngữ Phật giáo “không”. Nó không tốt cũng không xấu từ phía chính nó; nó chỉ hoặc tốt hoặc xấu trong nhận thức của từng người buôn bán kim cương riêng biệt. Các thị trường có tốt lành đối với chúng ta hay không - vào cuối ngày hay vào cuối sự nghiệp kinh doanh lâu dài - điều ấy hầu như ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sự thật là thị trường có vẻ tốt lành, và do đó sẽ tốt lành đối với bất cứ nhà buôn bán nào có những dấu ấn tâm thức đúng đắn xuất hiện trong cái tâm ý thức vào một lúc nhất định nào đó.
Hai nhà buôn có thể đang tìm cùng một loại kim cương từ cùng những công ty trong cùng một thị trường nhưng lại có những kết quả hoàn toàn khác nhau. Đấy không phải là có hai giới hạn và hai thị trường đang diễn ra trong cùng một thời gian, vào một ngày nhất định. Đấy là hai nhà buôn mỗi người đang bị những dấu ấn có sẵn trong tâm họ buộc họ nhìn thấy thị trường theo hai cách khác nhau. Một nhà buôn sẽ tìm được các đơn đặt hàng của mình, còn nhà buôn kia thì không.
Điều này đưa chúng ta đến toàn bộ cái cốt lõi của cuốn sách này: Chúng ta sử dụng cái sự việc này như thế nào để thành công trong đời sống và trong doanh nghiệp? Câu trả lời rất rõ ràng. Chúng ta phải suy tìm cho được cái dấu ấn nào là dấu ấn mà chúng ta có thể gieo trong tâm mình để sau này chúng ta nhìn thấy thị trường theo cách chúng ta muốn: thuận lợi. Và điều này chủ yếu tùy thuộc vào sự nắm giữ một số trạng thái của tâm, nắm giữ một số tiêu chuẩn về cách ứng xử và biết cách nào để dùng cho được sức mạnh của cái mà chúng ta gọi là một “hành động của sự thật”.