Trong cổ ngữ Ấn Độ, Năng đoạn kim cương được gọi là Arya Vajra Chedaka Nama Prajnya Paramita Mahayana Sutra.
Theo Tạng ngữ, nó được gọi là Pakpa Sherab Kyi Proltu Chinpa Dorje Chupa Shejawa Tekpa Chenpoy Do.
Theo Anh ngữ, nó được gọi là The Diamond Cutter, a High Ancient Book from the Way of Compassion, a Book which teaches perfect Wisdom(Năng đoạn kim cương1, một quyển sách cổ cao quý từ con đường từ bi, một cuốn sách dạy về Trí tuệ Toàn hảo.)
1 Ngài Huyền Trang dịch là Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh – “Năng đoạn” nghĩa là “có thể chặt”. “Chedika” nghĩa là cắt, chặt, đập vỡ. Tác giả dịch là The Diamond Cutter nghĩa là người hay dụng cụ dùng để chặt kim cương (N.D).
Điều gì khiến quyển sách này khác với bất cứ quyển sách nói về doanh nghiệp nào mà bạn đã từng đọc? Đó là nguồn gốc của những gì mà chúng tôi phải nói ở đây: một quyển sách cổ của trí tuệ Phật giáo được gọi là Năng đoạn kim cương.
Ẩn giấu trong Năng đoạn kim cương là trí tuệ cổ mà chúng tôi áp dụng để giúp tạo Andin International thành một công ty có doanh thu hơn 100 triệu đôla mỗi năm. Chúng ta cũng nên biết đôi chút về cuốn sách quan trọng này ngay từ khởi thủy để thấy được vai trò của nó trong suốt chiều dài lịch sử của Đông bán cầu.
Năng đoạn kim cương là cuốn sách có niên đại xưa nhất thế giới, được in ấn chứ không phải được viết ra bằng tay. Viện bảo tàng London hiện giữ một bản đề năm 868 sớm hơn bản in cuốn Kinh thánh Gutenberg 600 năm.
Năng đoạn kim cương là bản ghi chép một giáo lý do Đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm. Khởi đầu, nó được truyền giảng bằng miệng, và rồi khi ra đời chữ viết - nó được ghi trên những ngọn lá bối dài. Trên thân lá bối bền dai, người ta dùng kim để vạch chữ vào, rồi dùng bụi than chà lên các chỗ kim vạch ấy. Các sách được làm theo cách này vẫn còn được tìm thấy ở Nam Á và vẫn rất dễ đọc.
Những ngọn lá bối rời được giữ lại với nhau bằng một trong hai cách. Đôi khi người ta dùi một lỗ xuyên chính giữa một chồng lá, rồi cho một sợi dây xuyên qua để giữ các trang lại với nhau. Cách hai dùng vải bọc lại.
Năng đoạn kim cương nguyên gốc do Đức Phật giảng dạy thì bằng Sanskit (Phạn ngữ), là ngôn ngữ cổ của Ấn Độ ra đời cách đây chừng 4.000 năm. Khi quyển kinh này đến Tây Tạng (cách đây khoảng một ngàn năm), nó được dịch ra Tạng ngữ. Qua nhiều thế kỷ, kinh này được khắc vào những phiến gỗ (mộc bản), và được in lên băng giấy dài làm bằng tay bằng cách phủ mực lên phiến gỗ rồi ấn giấy vào đó bằng một con lăn. Những băng giấy dài này được cất giữ trong vải bóng màu vàng nghệ hay màu nâu sậm, trông giống như hồi kinh được lưu giữ bằng lá bối.
Năng đoạn kim cương cũng được phổ biến rộng rãi tới các nước lớn của châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Mông Cổ. Suốt 25 thế kỷ qua, nó đã được in lại không biết bao nhiêu lần bằng các ngôn ngữ của nước này và trí tuệ của nó được truyền thừa theo một dòng mạch vững bền từ miệng của các vị thầy đến các học trò của thế hệ kế tiếp. Ở Mông Cổ, quyển kinh quan trọng đến nỗi mỗi gia đình đều giữ một bản, cẩn thận đặt trên bàn thờ trong nhà. Một hay hai lần mỗi năm, người ta mời các nhà sư ở địa phương đến nhà và đọc lớn bản kinh cho cả gia đình nghe để được ban phát trí tuệ của kinh.
Thật không dễ gì đạt được trí tuệ trong giáo lý gốc của Năng đoạn kim cương, cũng như rất nhiều giáo lý của Đức Phật, ẩn chứa dưới ngôn ngữ rất bí ẩn mà chỉ có một vị thầy đang sống dùng những sớ giải lớn lao đã được viết qua nhiều thế kỷ mới có thể phát hiện ra được. Bằng Tạng ngữ, chúng tôi có ba trong những bộ sớ giải cổ ấy, có niên đại từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ chín.
Quan trọng hơn, chúng tôi vừa xác định được một sớ luận khác về quyển kinh, một bản sớ luận mới và dễ hiểu hơn nhiều. Trong 12 năm qua, tôi cùng một nhóm đồng sự đã tham gia Dự án nhập liệu cổ học châu Á (Asian Classics Input Project) nhằm bảo tồn sách cổ của trí tuệ Tây Tạng. Trải qua hàng ngàn năm, các sách này đã được giữ trong các tu viện và thư viện lớn của Tây Tạng, được bức tường thiên nhiên vĩ đại là dãy núi Himalaya bảo vệ khỏi chiến tranh và quân xâm lược. Điều này đã bị thay đổi trong hoàn cảnh mới.
Chúng tôi đã cố gắng sưu tập các sách Tây Tạng cổ và lưu trữ những cuốn sách quý hiếm này vào các đĩa vi tính; thế rồi chúng được ghi lại trên CD-ROM hay trên web và phát miễn phí cho hàng ngàn học giả trên khắp thế giới. Cho đến nay, chúng tôi đã giữ lại được 150.000 trang của thủ bản mộc bản theo cách này. Chúng tôi còn đi đến các nơi xa xôi của thế giới để tìm ra những quyển sách, đây là sự việc chưa từng xảy ra bên ngoài Tây Tạng.
Sâu tận trong một tập đầy bụi bặm gồm những thủ bản tại St. Petersburg, nước Nga, chúng tôi may mắn tìm được một bản sớ giải tuyệt vời về Năng đoạn kim cương được các nhà thám hiểm đầu tiên tới Tây Tạng và mang về Nga. Bản sớ luận này tên là Ánh mặt trời trên Con đường đi đến Giải thoát (Sunlight on the Path to Freedom) của một vị Lạt-ma Tây Tạng tên là Choney Drakpa Shedrup (1675-1784). Thật trùng hợp vị Lạt-ma này có gốc gác từ tu viện Sera Mey ở Tây Tạng, nơi tôi đã hoàn tất việc học tập của mình. Biệt danh của ngài, qua nhiều thế kỷ là “Choney Lama” hay “Lạt-ma ở Choney”, một vùng đất ở phía đông Tây Tạng.
Xuyên suốt quyển sách này, chúng tôi sẽ sử dụng những lời lẽ nguyên gốc của Năng đoạn kim cương, cùng với bản Ánh mặt trời trên Con đường đi đến Giải thoát. Đây là lần đầu tiên sớ giải quan trọng này được dịch sang Anh ngữ. Cùng với những trích dẫn từ hai tác phẩm lớn này, tôi cũng sẽ đưa vào những giải thích đã được truyền khẩu suốt hai mươi lăm thế kỷ qua, như tôi đã tiếp thu được từ các vị Lat-ma. Và cuối cùng chúng tôi sẽ thêm vào những sự kiện thực tế từ cuộc sống của chính tôi trong giới doanh nghiệp kim cương quốc tế, để chứng minh những bí mật của trí tuệ cổ xưa này có thể tạo thêm một thành tựu nào đó cho sự nghiệp và cuộc đời bạn.