Tựa đề Năng đoạn kim cương tự nó chứa đựng một cấp độ cao của trí tuệ cổ xưa, và trước khi thực sự đi sâu vào việc làm thế nào để đạt thành công bằng trí tuệ này, chúng ta nên bàn về ý nghĩa của nó. Trước hết, chúng ta nghe lời giải thích của chính Choney Lama về tựa đề rất dài này:
Nguyên bản ở đây khởi đầu bằng các từ “trong ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, giáo lý này được gọi là Arya Vajra…” Các từ tương đương với các từ Sanskrit trong tựa đề là: Arya có nghĩa là “cao vời”, và Vajra nghĩa là “kim cương”. Chedaka nghĩa là (người hay dụng cụ) “chặt”, trong khi Prajnyalà “trí tuệ”, Param nghĩa là “sang phía bên kia”, trong khi ita nghĩa là “được đưa đến”, hai từ này ghép lại nghĩa là “sự hoàn hảo”, Nama nghĩa là “được gọi là”, Maha là “lớn”, nhằm trỏ lòng “từ bi” và Yana nghĩa là “con đường” (hay thể cách), Sutra nghĩa là “sách cổ” (kinh).
Từ quan trọng nhất ở đây, nhằm giải thích làm sao để thành công trong doanh nghiệp và đời sống là “kim cương”. Theo cách hiểu của người Tây Tạng xưa, kim cương biểu hiện một năng lực tiềm tàng trong tất cả các sự vật: năng lực này thường trỏ đến sự “trống rỗng” (tính không). Một doanh nhân hiểu biết trọn vẹn năng lực này sẽ nhờ đó mà hiểu được cái chính yếu để đạt thành công cả về tiền tài lẫn con người. Chúng ta sẽ giải thích đầy đủ hơn trong chương kế tiếp; bây giờ, chúng ta chỉ cần biết rằng cái tiềm năng trong mọi sự vật thì giống như một viên kim cương có ba tính chất.
Kim cương tinh khiết, trước hết, là một loại vật chất được xem như gần nhất với chất liệu vật lý tuyệt đối trong suốt. Hãy nghĩ đến một tấm kính lớn, chẳng hạn loại mà ta dùng cho cửa kính trượt thông ra hành lang bên ngoài. Được nhìn từ mặt trước, tấm kính hoàn toàn trong suốt - đến nỗi có những người hàng xóm bất chợt đến thăm, ta cứ ngỡ như họ bước xuyên qua các tấm kính và làm vỡ chúng. Tuy vậy, nếu được nhìn theo bề dày của tấm kính thì nó và hầu hết các loại kính khác đều có màu lục đậm. Đó là do hậu quả tích tụ của những bụi sắt bẩn li ti trải khắp kính, và điều này càng rõ ràng hơn khi nhìn qua một khối kính dày.
Tuy nhiên kim cương thì khác. Trong ngành, chúng tôi xếp hạng giá trị kim cương trước nhất bằng sự không màu của chúng - kim cương hoàn toàn không có màu sắc thì hiếm và quý nhất. Một viên kim cương hoàn toàn không có màu sắc được chúng tôi xếp là “D”, tự nó là một sai lầm có tính chất lịch sử. Khi hệ thống hiện đại về xếp hạng kim cương được phát minh thì đã có nhiều hệ thống khác đang cạnh tranh. Chữ “A” thường được dùng rộng rãi để chỉ một viên kim cương thật đẹp hoặc không có màu sắc, và rồi đá loại hai được gọi là “B” và cứ thế mà lùi theo bảng chữ cái.
Tiếc thay, ý niệm của mỗi công ty về “A” và “B”… biểu thị cái gì thì lại khác nhau, và dĩ nhiên điều này gây ra nhiều vấn đề cho khách hàng. “B” gần như không màu sắc của xí nghiệp này có thể là “B” có màu ngà ở các xí nghiệp khác. Do đó, người thiết kế hệ thống mới quyết định khởi đầu lại từ khoảng xa hơn ở bảng chữ cái - và ông ta gọi đá quý nhất hay trong suốt nhất là “D”.
Hãy nhìn xuyên qua một tấm kính làm bằng một khối kim cương màu D (nếu như khối kim cương này có thật), hẳn là nó sẽ hoàn toàn trong suốt. Hãy nhìn xuống chiều sâu của một tấm kính bằng kim cương màu D, hẳn là nó sẽ trong suốt như thế. Đây là bản chất của những thứ hoàn toàn tinh khiết và trong suốt. Nếu có một bức tường kim cương dày ngăn cách bạn và một người khác, và nếu không có ánh sáng phản chiếu từ bề mặt của nó thì bạn sẽ hoàn toàn không thể nhìn thấy kim cương.
Năng lực tiềm tàng để thành công được tìm thấy trong chất kim cương cũng giống như tấm kính kim cương này. Nó ở ngay quanh ta vào mọi lúc, mọi sự vật và mọi người. Và chính tiềm năng này, nếu được khai thác, sẽ đưa đến sự thành đạt về cá nhân và việc kinh doanh. Cái trớ trêu của đời ta là dù tiềm năng này thấm nhuần mọi người và mọi vật xung quanh ta, nó vẫn vô hình đối với ta: đơn giản là chúng ta không trông thấy nó. Vậy, mục đích của Năng đoạn kim cương là dạy cho ta làm sao để thấy được tiềm năng này.
Kim cương có tính chất thứ hai, là vật thể cứng nhất trong vũ trụ. Không có thứ gì trên đời này có thể cắt được một viên kim cương, ngoại trừ một viên kim cương khác. Theo một cách đo độ cứng (được gọi là hệ thống Knoop) kim cương cứng gấp ba lần loại đá thiên nhiên được xếp là cứng nhất sau nó - hồng ngọc (ruby). Và những viên kim cương tự chúng chỉ có thể rạch được các viên kim cương khác khi viên kim cương bị rạch có một chiều hướng “mềm”.
Đây chính là cách người ta cắt một viên kim cương. Dù một viên kim cương không thể bị rạch, nó có thể bị “tách” hay bị “chẻ” theo một mặt phẳng giống như một miếng gỗ bị chẻ bằng rìu. Để chặt một viên kim cương, ta dùng những mảnh rời còn lại khi cắt một viên kim cương khác - hoặc ta dùng một mảng đá kim cương thô không đủ tinh khiết để làm thành một đồ đá quý - rồi ta chẻ và nghiền các mảnh này thành bột.
Bột kim cương này được đưa vào một loạt những cái rây lọc hay lưới sắt một cách cẩn thận cho đến khi nó thật mịn, sau đó, nó được cất giữ trong một chai thủy tinh nhỏ. Kế đến, người ta chuẩn bị một tấm sắt lớn và phẳng bằng cách khắc rạch những đường hẹp suốt bề mặt cho đến khi tạo được một mạng lưới gồm những lỗ thưa. Bấy giờ bánh xe được phủ bằng dầu tinh, thường là dầu ô-liu, dù rằng mỗi người cắt có công thức bí mật riêng cho việc pha trộn.
Tấm sắt được gắn vào một thanh nối với một mô-tơ đặt trên một cái bàn nặng được gia cố bằng những thanh đỡ bằng thép cứng. Việc này để tránh mọi rung động khi bánh xe bắt đầu quay và quay hàng trăm vòng trong mỗi phút. Bấy giờ, bột kim cương được rắc rải khắp trên dầu cho đến khi thành chất dẻo xám.
Kim cương thô trông chẳng hấp dẫn gì hơn một viên sỏi dính bùn - một mẩu tinh thể trong suốt bị kẹt bên dưới một lớp bọc ngoài màu nâu xỉn hay màu xanh ô-liu. Lớp bọc này, nếu phải một ngày xui xẻo, có thể xem như bạn vất vả bứt hơi chỉ để khám phá rằng mẩu kim cương thô mà bạn đã trả giá cao ấy hoàn toàn vô giá trị.
Viên sỏi này được gắn vào trong một cái chén nhỏ gọi là “đóp” (dop) và cái đóp được gắn vào một cái cán trông giống như cánh tay gác trên một máy quay đĩa cũ. Viên sỏi được gắn vào đóp bằng một loại keo đặc biệt để nó không bị rơi ra khi viên kim cương nóng lên trong lúc cắt.
Khi lần đầu tiên tôi tập sự nghề với người cắt kim cương bậc thầy tên là Sam Shmuelof, viên đá đã được gắn vào bằng một chất nhão làm bằng asbestos và nước. Ngay khi viên đá nóng lên, chất asbestos khô đi và co cứng lại, cặp chặt viên kim cương vào cái đóp. Chúng tôi tạo ra chất nhão này một cách thận trọng đối với chất asbestos - vì ai cũng biết rằng chỉ một tí ti chất asbestos cũng có thể gây ung thư, và tôi nhớ rằng một người thợ cắt đã mang một khối u lớn gần cổ họng vì chất này.
Mô-tơ được mở, bánh xe khởi động và quay mà không có chút rung động nào: việc sắp đặt bánh xe trong các máy cắt kim cương cũng phải mất nhiều giờ. Rồi người thợ ngồi trên một chiếc ghế cao như ghế của em bé, và cúi xuống bánh xe, người này cầm cái cán có viên đá thô và đưa nó chạm thật nhẹ vào bánh xe đang quay.
Kim cương cứng hơn thép rất nhiều, cho nên nếu người thợ cắt ấn quá mạnh viên đá thô vào cạnh sắc thì nó sẽ thực sự bắt đầu cắt xuyên vào bánh xe. Bạn khéo léo lắc lư viên đá qua bánh xe, và rồi đưa cái cán lên mắt. Bàn tay kia của bạn cầm một kính phóng đại của người thợ cắt, gọi là “kính lúp”. Một người thợ cắt có kinh nghiệm sẽ nhấc viên đá lên tới mặt để kiểm tra quá trình “cắt” (thực ra là mài) viên kim cương rồi áp viên đá vào bánh xe bằng một động tác thuần thục nhiều lần trong một phút, trông giống như một hoạt náo viên huơ gậy để khích lệ mọi người hoan hô vậy.
Khi bạn lật viên đá lên để kiểm tra, bạn lau sạch dầu và bột kim cương tích tụ trên bề mặt của nó bằng một cái khăn. Trong một hay hai phút nó đã mài được một đốm nhỏ ở viên kim cương, và đây sẽ là cái “cửa sổ” để vào bên trong viên đá. Bạn dùng kính lúp nhìn kỹ vào cửa sổ này để xem có đốm hay vết rạn nào bên trong không, vì bạn sẽ cố sắp đặt sao cho chúng bị mài sạch hoặc ít ra cũng được đặt đầy khéo léo ở bề cạnh của viên kim cương, khi viên đá này được hình thành. Chẳng hạn, một đốm đen ở đầu nhọn của viên kim cương sẽ bị phản chiếu xuống các mặt đáy, làm xuất hiện trọn một gia đình đốm tại nơi mà thực ra chỉ có một đốm - điều này làm cho viên đá quý gần như chẳng có giá trị gì.
Quá trình nhìn xuyên qua cửa sổ và cố tưởng tượng một cách chính xác rằng phải tác động vào viên đá quý được hình thành như thế nào giống như dự liệu về một phiến đá hoa để điêu khắc, lợi dụng tối đa các vùng có màu sắc và vẻ đẹp. Việc chuẩn bị một viên đá lớn để cắt bao gồm việc trau chuốt một số cửa sổ bên trong lớp bọc, rồi nghiên cứu viên đá trong nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng, phác họa những hình mẫu hình học mà từ đó viên đá sẽ đạt kích cỡ tối đa.
Những đốm đen nhỏ mà đôi khi bạn nhìn thấy bên trong một viên kim cương hầu hết là những tinh thể kim cương nhỏ khác đã bị kẹt bên trong một tinh thể lớn hơn theo cách nó phát triển. Kim cương là carbon (than) thường đã bị chảy bởi sức nóng cao độ bên trong lòng đất, áp suất này biến đổi cấu trúc nguyên tử của carbon thô thành cấu trúc nguyên tử của kim cương. Những viên kim cương nhỏ thực ra có thể lớn lên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn, hình thành vào một thời điểm va đập cụ thể khi một thiên thạch có carbon bên trong đập vào trái đất, tạo thành một hố lớn có những viên đá quý nhỏ ở trung tâm.
Những viên kim cương xinh xắn bé nhỏ “kèm với một viên kim cương” có thể xuất hiện như là những đốm đen hoặc nếu chúng được xếp hàng theo một cái trục riêng, chúng sẽ tạo thành một cái túi ẩn kín bên trong viên đá thô. Dù hình thành theo cách nào, chúng cũng là một phiền phức lớn cho người cắt. Chúng tạo ra những vùng hệ trọng bên trong viên đá. Khi viên đá áp vào bánh xe và người cắt bắt đầu theo lập trình mà tạo dáng các cạnh hoặc các mặt của viên đá quý thì viên kim cương có vẻ như chống lại việc này.
Dù có dầu, viên đá vẫn bắt đầu kêu rít lên khi chạm vào thép nên tạo một âm thanh ghê rợn. Các cửa hàng cắt kim cương ở đường 47 quận Diamond (Kim Cương) ở New York hầu hết là ảm đạm, u ám, những căn phòng tầng trên của các cao ốc đang chuyển các viên kim cương giá trị nhiều tỷ đôla vào Hoa Kỳ và ra các hãng kim hoàn. Hãy tưởng tượng hàng hàng lớp lớp thợ cắt, mỗi người đều cúi mình xuống bánh xe cắt, ấn các bề phẳng của viên kim cương vào bánh xe thép, mỗi viên đá đều rít lên như bộ phanh rỉ. Chính giữa vòng xoáy của tiếng ồn này, những người thợ cắt ngồi quen với sự hỗn độn, mắt bình thản, đang tập trung cao độ.
Ma sát giữa viên đá và bánh xe tạo nên quá nhiều sức nóng đến nỗi viên kim cương thô bỗng trở nên rực sắc huỳnh quang có thể gây cho bạn một vết bỏng kinh khủng hơn bất cứ loại than hồng nào. Khi hơi nóng tác động vào cái túi trọng điểm kia, vây bọc phần bên trong, nên toàn bộ viên đá có thể nổ, đập mạnh vào bánh xe với tốc độ cao, bắn tung tóe những mảnh nhỏ khắp phòng. Nếu đó là một viên đá lớn thì bạn có thể đoán được là nhiều trăm ngàn đôla bị tiêu tan thành những mảnh cát kim cương.
Tại sao kim cương là vật chất cứng nhất? Hãy nghĩ về ý niệm rằng một vật gì đó là nhất: cao nhất, ngắn nhất, dài nhất, lớn nhất. Trí óc con người đấu tranh với khái niệm, vì thật ra chẳng có cái gì quá cao đến nỗi bạn không thể thêm vài phân nữa; chẳng có cái gì quá ngắn đến nỗi bạn không thể xén bớt một chút.
Tiềm năng mà chúng ta nói tới là một cái gì thực sự tuyệt đối đến độ không một vật thể vật lý nào có thể như thế.
Đấy là bản chất cao nhất mà một sự vật có thể có, hoàn toàn có ở một con người hay một sự vật. Độ cứng của kim cương tự bản chất là gần với tuyệt đối nhất so với bất cứ vật nào trong vũ trụ, đó là thứ cứng nhất. Và do đó, kim cương có ý nghĩa thứ hai - một ẩn dụ cho một cái gì thực sự tuyệt đối.
Bây giờ, chúng ta hãy quay trở lại với những mảnh kim cương li ti vung vãi khắp nền nhà của xưởng cắt sau khi một viên đá đập vào bánh xe vỡ tung ra. Những mảnh này khiến ta nhớ đến tính chất quan trọng thứ ba của kim cương. Mỗi viên kim cương thì hết sức đơn giản về mặt cấu tạo nguyên tử: carbon tinh ròng không pha trộn. Carbon trong ruột bút chì và carbon trong một viên kim cương quả đúng là cùng một chất. Những nguyên tử carbon trong ruột bút chì nối kết với nhau theo từng phiến và liên kết với nhau một cách lỏng lẻo, giống như những tấm đá phiến sét hay những lớp bột của bánh pasty. Khi bạn vạch đầu bút chì trên một tờ giấy, các lớp này tách rời, trải trên bề mặt tờ giấy, bạn gọi đấy là viết bằng bút chì. Những nguyên tử của carbon tinh ròng trong một viên kim cương nối kết với nhau theo một cách hoàn toàn khác hẳn bằng một sự đối xứng toàn hảo theo mọi hướng, không thể có bất kỳ một nguyên tử nào lơi lỏng được, điều này làm cho một viên kim cương thành một vật cứng nhất như ta đã biết. Điều thú vị là mọi viên kim cương đều được tạo thành từ carbon, được nối kết với nhau theo cùng một cấu trúc nguyên tử. Nó cũng có nghĩa rằng, mọi mảnh vụn của kim cương ở dạng phân tử giống bất cứ một mảnh kim cương nào xét về nội tại.
Điều này có liên hệ gì với năng lực tiềm tàng trong các sự vật? Trước đây, chúng ta bảo rằng mỗi hiện thể trong vũ trụ - vô tri như sỏi đá, hành tinh và hữu tri như con kiến, người - đều có tiềm năng riêng, bản chất tối hậu riêng của hiện thể ấy. Điểm chính ở đây là mỗi một mẫu hình này của tiềm năng, mỗi trường hợp đơn lẻ của bản tính tối hậu đều y hệt như mỗi cái kia. Trong ý nghĩa này nữa, năng lực tiềm tàng của các sự vật - tính chất duy nhất trong các sự vật có thể mang lại cho bạn cả thành công bên trong lẫn bên ngoài - cũng giống như một viên kim cương.
Đây là lý do tại sao tựa đề của cuốn sách này lại có từ “kim cương”. Kim cương thì hoàn toàn trong suốt, hầu như không nhìn thấy được, và tiềm năng của mọi sự vật xung quanh chúng ta cũng vậy, rất khó nhìn thấy. Kim cương rất gần với một thứ gì đó tuyệt đối - một vật cứng rắn nhất - và tiềm năng trong các sự vật là sự thật tinh ròng và tuyệt đối. Mỗi mảnh vụn kim cương có đâu đó trong vũ trụ có cùng một chất liệu như mọi mảnh vụn khác - kim cương tinh ròng 100% - và tiềm năng của các sự vật cũng như thế, tức là mỗi trường hợp tiềm năng cũng tinh ròng, cũng là một thực tính tuyệt đối như mọi trường hợp khác.
Và tại sao người ta gọi cuốn kinh là Năng đoạn kim cương? Một số dịch giả khi dịch cuốn kinh sang Anh ngữ đã bỏ đi phần tựa đề kinh mà không hiểu rằng, phần này hết sức quan trọng đối với ý nghĩa của cuốn sách.
Ở đây, chúng tôi phải nêu lên, rất ngắn gọn, rằng có hai cách để thấy được tiềm năng trong các sự vật, bản chất tối hậu của chúng. Một cách là “thấy” bản chất này bằng cách đọc những giải thích về nó như cách được tìm thấy trong cuốn sách này, thế rồi ngồi thư giãn và suy nghĩ kỹ về những lời giải thích cho đến khi bạn hiểu được tiềm năng ấy và sử dụng nó. Cách thứ hai là nhập vào một trạng thái thiền định thâm sâu, và lần này thì “thấy” trực tiếp trong con mắt của tâm.
Thấy tiềm năng theo cách thứ hai thì mạnh mẽ hơn nhiều, dù không phải ai cũng hiểu và áp dụng thành công tiềm năng ấy.
Ai đã nhìn thấy tiềm năng này bằng cách trực tiếp thì ngay sau đó, hiểu được rằng mình đã nhìn thấy một cái gì đó là tối hậu. Họ tìm trong tâm mình điều mà họ có thể so sánh với tiềm năng này. Sự vật trong thế giới bình thường của chúng ta gần nhất với tiềm năng tối hậu này, sự vật bình thường gần nhất với sự trở thành cái gì đó một cách tối hậu, chính là kim cương - sự vật vốn cứng rắn nhất ấy.
Dù rằng trong cuộc sống bình thường, kim cương là vật gần nhất với cái gì đó tối hậu, nó cũng không thể nào so sánh được với tiềm năng mà ta đã nói đến và sẽ miêu tả đầy đủ hơn trong các chương sau, vì tiềm năng này là một cái gì đó thực sự tối hậu. Trong ý nghĩa này thì kim cương là một ẩn dụ hoàn toàn không thích hợp và do đó nó bị “chặt” hay bị vượt qua nhờ năng lực của điều thực sự là tối hậu. Và đây là lý do tại sao cuốn kinh của trí tuệ này được gọi là Năng đoạn kim cương. Nó dạy về một năng lực còn tối hậu hơn cả kim cương, vật cứng rắn nhất, vật gần nhất với cái tối hậu, trong thế giới bình thường xung quanh ta.
Nếu tất cả điều này nghe ra có vẻ khó hiểu thì bạn cũng đừng lo. Mục đích thực sự của Năng đoạn kim cương là giúp chúng ta. Bí mật của cách thức vận hành thực sự của các sự vật, bí mật để đạt thành công thực sự và lâu dài trong đời sống hàng ngày và trong những nỗ lực kinh doanh của chúng ta, là một cái gì đó sâu xa, nếu không nỗ lực thì không dễ gì thấy được. Nhưng chắc chắn nó xứng đáng để bạn nỗ lực.