Ta nên đối xử với người khác như thế nào? Đạo đối nhân xử thế là “môn học” khó, thậm chí nhiều người có học cả đời cũng không xong.
Tại sao lại thế? Chủ yếu là do thế giới có nhiều kiểu người, và mỗi người lại có nhiều tính cách, nhu cầu khác nhau, vì thế ta khó lòng làm vừa lòng mọi người được. Ông cha ta có câu “được lòng ông thì mất lòng bà”, làm người thật khó, và cái khó ở đây chính là không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Tuy có muôn vàn cách khác nhau để đối đãi với người khác, nhưng đối đãi với người bằng lòng khoan dung là một định luật không thể thay đổi được. Nếu có thể đối đãi với người khác bằng thái độ khiêm nhường, tôn trọng đương nhiên là tốt, nhưng bao dung, phóng khoáng thì lại càng được lòng người khác hơn. Có nhiều người hà khắc, tệ bạc, v.v. với người khác, như vậy mà muốn tạo duyên lành, muốn được người khác cảm thông quả thật khó vô cùng!
Trong mối quan hệ giữa người với người, ta đừng xem người khác đối xử với mình như thế nào mà hãy xem mình đối xử với họ ra sao! Bởi vì ta cần rộng lượng, gần gũi, cảm thông và bao dung cho người khác, thì ta mới nhận được sự tin tưởng ở họ. Chỉ có rộng lượng, ta mới nhìn thấy được đạo đức, trí tuệ, tâm ý và nghệ thuật đối nhân xử thế.
Thế nào là đối đãi với người bằng tâm rộng lượng? Thế nào là nghiêm khắc với người khác? Tôi xin kể một ví dụ để làm sáng tỏ cho điều đó.
Khi A đi trên đường, có người chỉ xuống chân anh và nói: “Tại sao anh lại đi đôi dép của tôi? Xin hãy trả nó lại cho tôi!” A nghe vậy liền vội phủ nhận, hai bên tranh chấp, cãi vã không ngừng.
B đang đi trên đường bỗng có người chỉ xuống chân anh và nói: “Tại sao anh lại đi đôi dép của tôi? Xin hãy trả nó lại cho tôi!” B nghe vậy bèn tháo đôi dép ra đưa cho người kia. Sau này người kia tìm lại được đôi dép, biết mình đã nhầm, bèn trả lại đôi dép cho B. B không nhận, chỉ nói: “Một khi tôi đã đưa đôi dép cho anh rồi thì tôi không cần đến nó nữa!”
C đang đi trên đường bỗng có một người chỉ xuống chân anh nói: “Anh đi nhầm dép của tôi rồi!” Anh này mỉm cười rồi tháo đôi dép đưa cho người kia. Sau đó người kia tìm thấy đôi dép của mình, bèn mang đôi dép nhận nhầm trả lại cho C, lúc này, C mỉm cười vui vẻ và nhận lại đôi dép của mình.
Trong thái độ xử sự của ba anh chàng A, B, C, ta có thể thấy được cái mà người ta gọi là: Sự rộng lượng trong nghệ thuật ứng xử.
Đối xử với người bằng tâm rộng lượng, lòng mình cũng sẽ an bình, thoải mái và vui vẻ. Ví dụ như chuyện Nước bọt tự khô trên mặt của em trai ông Lâu Sư Đức1 thời Đường hay như Bảo Thúc Nha2 đối đãi với Quản Trọng3 trong thời Xuân Thu. Ngược lại, nếu một người cứ cứng nhắc, ôm khư khư một vấn đề nhỏ trong lòng, thậm chí là nghiêm khắc chỉ trích người khác, thì không những làm người bị chỉ trích xấu hổ, không dám thân thiết với bạn nữa, mà chính bản thân bạn cũng buồn rầu bởi không được yêu mến. Đấy đúng là vừa làm người tổn thương mà cũng tự làm tổn thương chính mình.
1 Lâu Sư Đức (630 - 699): Tự Tông Nhân, quê ở Nguyên Vũ, Trịnh Châu (nay là Hà Nam - huyện Nam Nguyên Dương) là một danh tướng thời Đường.
2 Bảo Thúc Nha (644 TCN): Một đại thần của nước Tề thời Xuân Thu.
3 Quản Trọng (723 TCN - 645 TCN): Nhà chính trị, tư tưởng nổi tiếng nước Tề, thời Xuân Thu.
Có câu chuyện kể rằng: Người con ở quê xây nhà, lấn tường và tranh chấp đất đai với xóm giềng, nên viết thư gửi cho cha lúc này đang làm quan trong triều đình, với hy vọng rằng cha sẽ ra mặt lấy lại công bằng cho mình. Người cha nhận được thư con liền viết thư trả lời:
Vạn dặm đưa thư chỉ đất đai,
Nhường người mấy thước có thiệt ai?
Trường thành vạn dặm nay còn đó,
Tần Thủy Hoàng xưa bặt dấu hài.
Cho nên, “rộng lượng với người khác” không chỉ là đạo đối nhân xử thế mà đó cũng là đức tính căn bản của con người chúng ta.