Trên đường bay đến vùng đất xa lạ, quạ đen đã gặp chim khách. Quạ bảo với chim khách rằng: “Nơi tôi từng ở xấu quá, con người nơi ấy cũng xấu xa nữa. Mỗi lần nhìn thấy tôi bay qua, nghe tiếng của tôi, họ đều chê bai, chửi rủa. Vì thế mà bây giờ tôi phải bỏ đi tìm vùng đất khác để xây dựng lại cuộc sống đây này”.
Chim khách nghe vậy bèn nói: “Anh quạ này, thật ra ở đâu trên thế giới này cũng như vậy cả thôi! Anh nên thay đổi tiếng kêu của mình, nếu không, dù anh có đến bất kỳ nơi nào, anh vẫn nhận được kết quả giống nhau thôi!”
Xã hội ngày nay, học sinh chuyển trường, đổi khoa, công nhân đổi công việc, v.v. là hiện tượng vô cùng phổ biến. Người ta thường “làm việc gì, ghét việc đó; làm nơi nào, than vãn về nơi đó”, hay thậm chí có người còn luôn cho rằng mình không gặp thời, dường như mọi người trên thế giới này đều phụ mình, đều có lỗi với mình, v.v. Chính vì suy nghĩ ấy mà có người muốn chuyển nhà, có người thì đi tìm công việc khác, có người lại đổi bạn, v.v.
Thật ra con người luôn là vậy, luôn “đứng núi này trông núi nọ, đến đó rồi mới biết núi ấy chẳng có củi để đốt”, làm người thì không nên tham vọng viển vông. Muốn an cư lập nghiệp trong xã hội thì điều quan trọng nhất là nên hoàn thiện, làm phong phú chính bản thân mình, đối xử tốt với người khác bằng lời nói ôn hòa và thân thiện. Nếu ta làm được như vậy thì cho dù đang ở nơi nào, ta cũng đều được hoan nghênh, quý trọng!
Trong cuộc sống, ngôn ngữ chính là công cụ vô cùng quan trọng để truyền đạt tư tưởng, lý tưởng. Chính vì thế mà có nhiều người sống khá thu mình, khép kín, ít giao tiếp với người ngoài do không giỏi sử dụng ngôn ngữ, có người lại có mối quan hệ không mấy hòa thuận với người khác chỉ vì họ có năng lực diễn đạt kém.
Người ta thường dùng từ “miệng quạ đen” để ám chỉ những người không biết ăn nói, hay nói sai, nói lời mang ý xúc phạm, hoặc những lời khiến người khác khó chịu. Thậm chí, người có “miệng quạ đen” còn thường đổi trắng thay đen, biến việc tốt thành việc xấu, biến người tốt thành người xấu, nói lời hay thành lời khó nghe, v.v. Tất cả đều do bản thân họ không được dạy dỗ đúng cách, hoặc chưa đủ tâm để hiểu rằng nên đặt mình vào vị trí của người nghe. Chính vì thế, khi bị ai đó phê bình, chúng ta không nên oán trách mà trước tiên cần xem xét lại bản thân, xem thử lời nói của mình là lời của “quạ đen” hay là của “chim khách”1?
1 Từ xa xưa, người ta quan niệm chim khách là loài chim chuyên báo tin vui.
Mỗi người chúng ta đều nên tự hỏi bản thân rằng: Mình là “kẻ miệng quạ” trong gia đình ư? Mình là “kẻ miệng quạ” giữa đám bạn bè ư? Mình là “kẻ miệng quạ” trong cơ quan, đoàn thể ư? Mình là “kẻ miệng quạ” trong quốc gia, xã hội ư? Chỉ cần chúng ta đừng ăn nói khó nghe, biết biến lời nói của mình thành một chương nhạc cảm động lòng người, thành ánh mặt trời ấm áp trong ngày đông lạnh giá, thành những bông hoa ngạt ngào hương và sắc, thành tấm lòng tươi đẹp thì sao sợ không thể trở thành “chim khách” hay “phượng hoàng” chứ?