Ai ai cũng mong mình được khỏe mạnh và sống lâu.
Vậy theo bạn, thế nào là “khỏe mạnh”?
Nếu có đầy đủ những yếu tố: thanh tịnh, vui vẻ, v.v. thì đó chính là khỏe mạnh.
Khỏe mạnh về phương diện thân thể thì ai cũng hiểu, nhưng ngoài ra còn có khỏe mạnh về phương diện tâm lý nữa. Đây là điều mà mọi người cần phải xem xét lại và chú ý thì mới có thể biết được.
Bên cạnh đó còn có sức khỏe về tình cảm, sức khỏe về phương diện sự nghiệp, của cải, về mối quan hệ với mọi người, niềm tin tôn giáo, v.v. Vì thế, dù có “khỏe mạnh” về phương diện tâm lý, nhưng nếu không có những “sức khỏe” kể trên bù đắp để thân thể được tồn tại, thì cuộc đời con người cũng trở nên khiếm khuyết và chắc chắn không thể xem là khỏe mạnh được.
Vậy thế nào là sống lâu?
Không phải cứ sống đến 80 tuổi, 100 tuổi, v.v. thì được gọi là sống lâu. Nếu sống lâu được hiểu là sống thọ, ta phải kể đến những loài động vật như rùa hay chim hạc, các loài thực vật như cây tùng, cây bách. Tuy nhiên, tùng, bách sống lâu có cống hiến gì lớn lao cho nhân gian không? Cho nên, ngoài sự tồn tại lâu dài về mặt thân thể ra, chúng ta hãy nên để lại quan điểm, công trình, tác phẩm còn mãi với thời gian, để lại danh tiếng, đạo đức, trí tuệ cho cuộc đời.
Sống lâu, nếu chỉ là sự tồn tại thân thể lâu dài trên đời mà không có sự tồn tại lâu dài về tinh thần như: quan điểm, công việc, đạo đức, trí tuệ, lạc quan, v.v. để làm nội hàm cho sự sống, thì nói thật, sống lâu cũng chẳng có chút giá trị gì.
Thường thì những người cao to, khỏe mạnh sẽ bị chê là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Bạn nghĩ, khỏe mạnh như thế thì có giá trị gì? Từ đó, ta có thể thấy rằng “khỏe mạnh” nhất thiết phải bao gồm cả về phương diện thân thể, tâm lý, tinh thần lẫn công việc, v.v. Ví dụ như, đời sống tình cảm không được “khỏe mạnh” thì dù thân thể có vạm vỡ, rắn chắc bao nhiêu đi chăng nữa, ta cũng không thể hạnh phúc; đời sống tín ngưỡng không “khỏe mạnh”, không tin vào các pháp thì cuộc đời cũng sẽ không được như ý!
Nói đến sống thọ ta phải nhắc đến Bành Tổ1 sống đến 800 tuổi, nhưng thử hỏi, sử sách có ghi lại cống hiến của ông ấy hay không? Lập công, tạo đức, để lại những châm ngôn nổi tiếng hay như tinh thần từ bi, an vui, hỷ xả, v.v. trong Phật giáo mới thực sự là sống lâu.
1 Bành Tổ: Tức Bành Khang, là một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa được cho là sống đến gần 800 tuổi.
Khỏe mạnh chưa phải là tất cả. Chúng ta mong được khỏe mạnh, sống lâu nhưng liệu khỏe mạnh, sống lâu có ích gì khi mà ta chỉ “tồn tại” chứ không đóng góp, cống hiến chút “màu sắc” nào cho cuộc đời này? Đám du côn địa phương chuyên phá làng, phá xóm, bạn nghĩ họ có “khỏe mạnh” không? Cho nên, nếu cầu được khỏe mạnh, sống lâu, chi bằng ta hãy cố gắng hoàn thiện bản thân, để bản thân được “khỏe mạnh” cả về thể chất lẫn tâm hồn, tình cảm, v.v.
Vì vậy, hễ ai muốn “khỏe mạnh”, “sống lâu” không thể không chú ý đến đạo lý này!