“Không cần sâu mà chỉ cần nông cạn” là căn bệnh phổ biến của phần đông người hiện đại. Ngày nay người ta rất ưa chuộng văn hóa “ăn nhanh”, việc gì cũng muốn làm mau mau cho xong chứ không chịu “nuôi dưỡng, tích luỹ sâu dày”, chính vì vậy mà nhiều người khó làm nên được việc lớn. Cũng như trồng cây trong núi sâu, nếu cây trồng một năm, gỗ của nó chỉ có thể làm củi. Nhưng nếu cây trồng ba năm, gỗ của cây có thể làm bàn ghế, còn cây từ mười năm trở lên thì có thể làm rường cột nhà cửa. Cho nên, đạo lý không mong thành công sớm, là muốn chúng ta được tôi luyện qua sương gió tháng năm. Nếu vượt qua được, ta mới càng thành công, càng trưởng thành hơn!
Trong kinh Phật có viết lại câu chuyện về một vị vua ngu muội. Ông thấy cô công chúa do hoàng hậu sinh ra nhỏ như nắm tay thì cảm thấy vô cùng buồn phiền. Thế là, ông ra lệnh cho các đại thần bằng mọi cách phải khiến công chúa lớn lên ngay lập tức. Những đại thần thông minh nói rằng, nên mang công chúa ra ngoài biển xa cầu thuốc tiên. Trong thời gian cầu thuốc tiên, nhà vua và công chúa không được gặp nhau. Nhà vua cho cách này là hay, bèn đồng ý với yêu cầu của các đại thần.
Mười lăm năm sau, các đại thần đưa công chúa trở về. Lúc này, nhà vua thấy công chúa đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp thì vô cùng vui mừng, hạ lệnh ban thưởng cho các vị đại thần. Nhưng, nhà vua đâu hiểu rằng, trên thế gian này làm gì có phép thuật nào có thể làm cho con người lớn nhanh chứ!
Một Tỳ kheo lưng gù chuyên đảm trách việc giúp các vị tăng hành cước1 quải đơn2. Buổi tối, thầy thường cầm đèn lồng soi đường cho họ đi. Sau 30 năm, thầy vẫn cần mẫn phục vụ đại chúng như vậy, cứ tối đến thì dẫn các Tỳ kheo về chỗ trú ngụ, nhưng lúc này thầy không cần cầm đèn lồng nữa, vì các ngón tay thầy tự nhiên đã tỏa sáng rồi.
1 Tăng hành cước: Tăng sĩ có cuộc sống tu hành vân du nay đây mai đó.
2 Quải đơn: Còn gọi là quải tích, quải bát, nghĩa là một vị tăng du phương hành cước, ôm y bát, hành lý vào xin ở nhờ trong Tăng đường một tự viện nào đó. Thuở xưa, chư tăng ngủ trên đơn chứ không nằm trên giường. Đơn là một miếng gỗ kê lên giá, vừa đủ cho một người nằm. Khi có người gia nhập tăng chúng thường trụ thì kê thêm đơn, nên xin gia nhập một ngôi chùa nào sẽ được gọi là “quải đơn” (treo đơn, tức kê giường), khi xin ra khỏi chúng, đi qua chùa khác thì gọi là trừu đơn (rút đơn).
Một Sa di miệng thơm, do có thói quen tốt nên từ khi sinh ra đến 30 năm về sau không nói lấy nửa lời dối trá. Cho nên, một khi chú cất lời, miệng chú đều tỏa ra hương thơm rất vi diệu.
Nếu thầy Tỳ kheo lưng gù không cầm đèn lồng suốt 30 năm, làm sao thầy có thể tỏa ánh hào quang? Nếu chú Sa di miệng thơm không không nói dối suốt 30 năm, làm sao miệng chú có thể tỏa mùi thơm được?
Đa phần thanh, thiếu niên trong xã hội ngày nay đều muốn một bước lên mây, chứ không chịu từ từ đi từng cấp bậc một. Họ không hiểu rằng, người có tài thì thường thành đạt muộn, cho dù có thành công nhanh thì cũng như bông hoa sớm nở tối tàn, không duy trì lâu dài mãi được.
Mỳ ăn liền tuy ngon, nhưng không thể ăn thường xuyên; lò vi sóng tuy nhanh chóng, tiện lợi nhưng lại không giữ được nhiệt độ lâu. Không có nghìn năm rèn luyện, làm sao có thể thành công trong khoảnh khắc? Không có tháng năm dài đằng đẵng, làm sao có tùng bách cổ xưa của ngày nay được?
Cho nên, đời người giống như cuộc thi marathon, muốn biết ai là người chạy dài, chạy lâu thì hãy kiên nhẫn ngồi đợi xem người về đích cuối cùng. Đến phút cuối, ta mới có thể vỗ tay ăn mừng, mới có cơ hội hoan hô chúc mừng thắng lợi được!