Bắt đầu từ khi con cất tiếng khóc chào đời, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần dạy cho con của mình là lễ phép, kính trên nhường dưới. Đến khi lớn lên, ta cần cho con học nghề, học tập tri thức. Con người có thể học rất nhiều thứ, rất nhiều nghề, nhưng thật ra, điều quan trọng hơn cả mà con người phải học, đó là học cách “tiếp thu”. Học cách tiếp thu chính là cơ sở của việc lập nghiệp thành công.
Nếu bạn có cơ hội đến tham quan một ngôi trường, từ trên bục giảng, nhìn thấy học sinh ngồi cắt móng tay, gọt bút chì, mở ngăn kéo, mở sách, nói chuyện riêng, nhìn bên này bên kia, v.v. trong giờ học, bạn sẽ biết chắc chắn chúng không chú ý nghe thầy cô giảng bài. Nếu học sinh không có thói quen “tiếp thu”, thì thực sự vô cùng khó để học tập, thi cử và đạt được thành tích cao!
Ta hãy tiếp thu mọi thứ như một chiếc bình nước. Tuy nhiên, với một cái bình, cái ly, cái cốc có nắp đậy mà bị thủng, bị bẩn, v.v. thì dù có tốt thế nào đi chăng nữa, sao nó còn có thể chứa được nước?
Ta hãy tiếp thu như mảnh đất trồng, bạn gieo hạt giống trên mặt đất sẽ bị chim sẻ ăn hết, bạn gieo hạt giống xuống nền đất cứng hoặc gieo vào đám cỏ dại đầy gai góc, làm sao chúng có thể nảy mầm và lớn lên được? Cho nên, nếu một hạt giống không được đất “tiếp thu”, nước không được chứa đựng bởi một vật thì chúng vẫn mãi chỉ là hạt giống, giọt nước mà thôi.
Điều này như cơ hội đến nhưng bạn không chịu nắm lấy; ánh mặt trời ấm áp là thế nhưng không chiếu đến bạn, vậy phải làm thế nào đây?
Do đó, một học sinh có học được hay không, thì phải xem học sinh ấy có tiếp thu được hay không. Khi trẻ bắt đầu ê a tập đọc, không ngừng mô phỏng, bắt chước người lớn, thì các bậc làm cha, làm mẹ hãy tạo thói quen tiếp thu cho bé. Không những học cách tiếp thu, mà chỉ cần là điều tốt, dù trẻ có ấm ức đến đâu, chúng cũng cần tiếp nhận. Bởi vì nếu trẻ có thể tiếp thu được những tình huống ấy, sau này trong xã hội tự do, dân chủ, khi đứng trước chân lý, có gì mà chúng không thể tiếp thu được?
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phần lớn giới trẻ thời nay không hiểu được rằng mình cần tiếp thu. Ở nhà, khi bị cha mẹ bảo ban, nhắc nhở thì người nói nhiệt tình, kẻ nghe thờ ơ. Ở trường, dù thầy cô có giảng bài hay, tâm huyết thế nào đi chăng nữa, chúng cũng không để vào tai, bởi vì chúng không muốn tiếp thu. Như trong Di giáo kinh, đức Phật có nói: “Ta như thầy thuốc, tùy theo bệnh mà cho thuốc. Nếu các con không chịu uống thuốc thì lỗi không phải ở thầy thuốc. Ta như người chỉ đường, hướng dẫn cho người đi vào đường lành, nếu các con không đi, lỗi cũng không phải ở người chỉ đường”.
Tôn giả A Nan, người được khen là Đa văn đệ nhất1, sở dĩ thông minh trí tuệ là bởi: “Phật pháp như biển lớn, rót vào tâm A Nan”. Ông Nhan Hồi thông minh, hiếu học trở thành học trò đắc ý nhất của Khổng Tử, cũng bởi vì ông có tinh thần “sáng nghe đạo, tối chết cũng cam lòng”. Nếu một người có thể tiếp thu lời dạy bảo, căn dặn của cha mẹ, thầy cô, các bậc thánh hiền; có thể noi theo thánh hiền; có thể dung chứa được mọi thứ trong tâm thì sợ gì không thể thành công chứ?
1 Đa văn đệ nhất: Người thông minh, có trí nhớ tốt nhất trong tất cả chúng đệ tử của Phật.
Cho nên, hễ những gì mà chính đáng, thanh tịnh, lương thiện, trí thức, đạo lý, kỹ thuật, v.v. ta nên khéo léo tiếp thu. Bạn có thể tiếp thu những đạo lý tốt đẹp, biến chúng trở thành ngọn đèn soi đường, tương lai bạn mới có thể mang những điều tốt đẹp báo đáp cho xã hội. “Học cách tiếp thu” quan trọng như thế đấy!