Những vị tăng vân du từ xưa đến nay có câu: “Một bát cơm nghìn nhà, độc hành xa vạn dặm”, v.v. Tuy nhiên, những tăng sĩ vân du từ ngôi chùa này đến hỏi đạo ở một ngôi chùa khác, không những cần phải có “chứng điệp”1, phải hiểu về lễ nghi, mà còn phải trải qua thủ tục “quải đơn”, phải được thầy Tri khách đồng ý thì mới có thể vào Vân Thủy đường2.
1 Chứng điệp: Giấy chứng nhận tăng sĩ hợp lệ, được tổ chức tôn giáo cấp cho tăng sĩ khi đã đủ điều kiện, giới hạnh, giới pháp và giới thể.
2 Vân Thủy đường: Phòng ở dành cho tăng sĩ vân du.
Khi mới đến Vân Thủy đường, các vị tăng vân du phải trả lời câu hỏi của vị thầy phụ trách như: “Tên tuổi của thầy là gì?”, “Lai lịch của thầy ra sao?”, “Bản sư là ai?”, v.v. Sau đó, thầy phụ trách sẽ hỏi: “Thầy đến có việc gì?”, lúc này tăng vân du sẽ đáp: “Làm phiền Thường trụ1 xin được quải đơn!”
1 Thường trụ: Không bị hủy diệt, ở đây chỉ cho ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng.
Đương nhiên người đến xin quải đơn phải thực hiện đúng lễ nghi, cũng như có đầy đủ thủ tục chứng minh thân phận. Sau khi thông qua thủ tục quải đơn thì phải vào Thiền đường và đợi để kiểm tra, vì phải đúng thời gian quy định mới được vào Thiền đường. Sau khi được đồng ý, vị đó có thể đến Niệm Phật đường để niệm Phật. Nếu như chỉ muốn đến tùng lâm tại địa phương để hỏi đạo thì Vân Thủy đường cũng sẽ đáp ứng nguyện vọng của tăng vân du đến xin quải đơn.
Có người muốn cảm tạ ân huệ của Thường trụ đã từ bi cho họ tá túc lại, nên bỏ ra chút công sức giúp đỡ Thường trụ bằng các việc như chẻ củi, gánh nước từ một đến ba năm; có người phụ trách việc nấu ăn, dọn cơm trong một đến hai kỳ hay thậm chí cả việc đi tuần, canh giữ tùng lâm, v.v. có người thì phát tâm nhổ cỏ hoặc chăm sóc vườn cây cảnh. Nói tóm lại, họ làm vậy là muốn tỏ lòng biết ơn Thường trụ, không muốn làm người ăn không ngồi rồi.
Dù nói rằng “cơm tùng lâm trong thiên hạ nhiều như núi, mặc sức tăng nhân khắp nơi dùng”, nhưng người hành đạo từ xưa đến nay đều có quan niệm về đạo đức và luật nhân quả. Họ sẽ không muốn làm kẻ nhàn rỗi “ăn chực” khắp nơi, mà luôn cúng dường cho Thường trụ sức lao động, thời gian, tâm nguyện của mình để cảm tạ ơn đã cho phép họ quải đơn.
Thường trụ của tùng lâm cũng hiểu được đạo đức và học vấn của các vị tăng vân du, nên cũng tìm người đứng ra “lưu đơn”. Nếu như tăng vân du tri ân và mong báo đáp ân tình của Thường trụ, họ có thể ẩn tu ngay tại tùng lâm, làm các công việc nặng nhọc trong năm đến mười hạ1 với nguyện: “Mang thân và tâm này phụng sự Tam bảo, đó mới gọi là báo đáp ân Phật”.
1 Hạ: Một năm của tăng sĩ được tính bằng mùa an cư, mỗi năm vào mùa hạ, cũng chính là mùa mưa, được tính từ tháng tư đến tháng bảy âm lịch, tăng sĩ vân tập an cư kiết hạ. Sau một mùa an cư như vậy thì tăng sĩ được tính là một tuổi hạ, hay cũng là một năm của Phật giáo.
Nhưng cũng có rất ít người không biết điều, cứ tưởng việc “quải đơn” quá dễ dàng nên cứ đi ngao du khắp sơn thủy. Nếu từng một lần “thiên đơn”2 tại một tùng lâm nào đó, thì sau đó các vị Tri khách ở các tùng lâm khác sẽ biết ngay họ đã từng “thiên đơn”, và chắc chắn họ sẽ mất sạch chữ “tín”, không ai chấp nhận họ nữa, và đồng nghĩa là họ khó lòng “quải đơn” lại được.
2 Thiên đơn: Hình thức đi chỗ này ở một thời gian, đến nơi khác ở một thời gian. Ý chỉ cho những vị tăng vân du lạm dụng việc quải đơn để hưởng thụ hết nơi này đến nơi khác trong chùa chiền, thiền viện.
Những quyền lợi và nghĩa vụ mà xã hội coi trọng như câu: “Không giữ quy củ thì không thể nên người”. Việc “quải đơn” có thành tựu hay không bạn không thể coi thường được đâu!