Con người luôn thích bàn luận chuyện của người khác, và khi mà mọi người bàn nhiều về một chuyện, “dư luận” sẽ hình thành.
“Dư luận” cũng không nhất định là công bằng. Có người giải quyết vấn đề một cách thực tế, không thêm bớt, không quan tâm đến phê bình của người khác; nhưng cũng có người thì dẫn dắt dư luận theo hướng mình muốn, chứ không tìm hiểu vấn đề đúng hay sai, tốt hay xấu. Việc Chu công phò tá Thành vương, Vương Mãng kính trọng kẻ dưới quyền1, bạn nghĩ xem, liệu dư luận có công bằng hay không?
1 Khi Chu công phò tá Chu Thành vương, có lời đồn rằng ông có âm mưu cướp ngôi của Chu Thành vương, nhưng cho đến cuối đời, ông vẫn cúc cung tận tụy phò tá Thành vương cai trị đất nước. Khi Vương Mãng phò tá Hán Bình đế, thì luôn khiêm nhường, kính trọng những người dưới quyền, chỉ đến khi nhà Hán quá mục nát ông mới nghe lời quần thần, bước lên ngôi vua.
Trong lịch sử, có biết bao người hy sinh vì quốc gia, dân tộc, ôm hoài bão cứu đời, nhưng chỉ vì không hợp thời thế mà bị chém đầu, trở thành tội nhân của đất nước. Ngày xưa, những kẻ trộm cắp nơi đầu đường xó chợ tụ tập với nhau rồi phất cờ tạo phản, thắng thì làm vua, được vạn người ca tụng. Đây là thứ dư luận gì vậy?
Trên thế gian có rất nhiều kẻ chỉ biết mua danh cầu lợi, tạo dựng hình tượng cá nhân nhưng lại được cả xã hội ca tụng; cũng có biết bao người làm việc nhân đức, cứu tế cho đời, thầm lặng làm việc thiện, mà lại chẳng được ai biết đến. Chính phủ thường trao huy chương hoặc bỏ phiếu bình chọn những nhân vật kiệt xuất, chẳng lẽ tất cả những giải thưởng ấy đều công chính sao? Lẽ nào đều không có bất kỳ nuối tiếc nào sao? Dù thế giới có đề cao giải thưởng Nobel nhưng liệu nó đều công bằng, công chính hết hay sao? Tại sao người Trung Quốc đặt cho mình một cái tên nước ngoài thì giành giải thưởng ngay? Lẽ nào tên thật của họ không hề có chút giá trị nào sao?
Trong xã hội của chúng ta, có người rất giỏi văn, đã sáng tác ra những áng văn chương vô cùng hay và nổi tiếng, nhưng vẫn có người phê bình họ là: “Không có tính triết lý, tư duy!” Có người giỏi nhiều môn triết học, nhưng mọi người lại chê: “Người này không giỏi ăn nói”. Người có tài ăn nói thì lại bị bới móc: “Không biết ngoại ngữ”. Người giỏi cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh thì lại bị nói rằng: “Không biết làm việc”. Người giỏi làm việc thì lại bị dè bỉu rằng: “Không có học vấn”. Cho nên đến cuối cùng, dù có tìm khắp cả nước cũng hoàn toàn không thể tìm ra được một người giỏi toàn diện, không thể tìm ra được một nhân tài nào.
Có một câu chuyện nói về sự quá đáng của dư luận.
Chuyện kể rằng, có hai cha con nhà nọ cùng cưỡi một con lừa vào thành. Người đi đường thấy vậy bèn bảo: “Tàn nhẫn quá! Hai người ngồi trên lưng một con lừa nhỏ mà không sợ con lừa bị quá tải ư?”
Người cha nghe vậy bèn vội vàng xuống lừa, nhường cho con trai cưỡi. Lúc ấy, người đi đường nhìn thấy lại bảo: “Chẳng ra thể thống gì cả! Người già đi bộ còn người trẻ trung khỏe mạnh lại cưỡi lừa! Đáng lý ra thanh niên phải để người già cưỡi lừa mới phải!”
Người con nghe vậy bèn nhảy xuống và nói với cha: “Cha cưỡi lừa đi ạ!”
Đi được một lúc, có người thấy vậy liền bảo: “Ông chẳng thương con trai gì cả! Bản thân thì cưỡi lừa mà bắt con trai đi bộ!” Người cha cảm thấy sợ hãi bởi lời nói của con người. Thế rồi ông xuống lừa và hai cha con cùng đi bộ vào thành. Nào ngờ, có người thấy vậy thì hỏi: “Sao hai cha con có lừa không cưỡi mà lại đi bộ vậy? Đúng là đồ ngốc!”
Hai cha con không biết làm sao cho phải, chỉ đành vác con lừa lên vai và đi vào thành!
Đó là dư luận, ta thấy nó có lý hay không? Dư luận bao gồm rất nhiều tiếng nói của mọi tầng lớp người trong xã hội, vì thế nên nó rất khó để mang tính toàn diện, hoàn hảo. Chỉ cần chúng ta làm việc mà cảm thấy không hổ thẹn với lòng là được, chứ làm sao có thể làm vừa lòng được tất cả mọi người. Do đó, chúng ta không cần phải quá để tâm đến lời bàn tán của người khác làm gì!