Có một chú ếch con lúc nào cũng làm trái lời mẹ mình. Ếch mẹ bảo chú quay về phía đông, chú quay về phía tây; ếch mẹ bảo chú quay về phía tây, chú lại quay về phía đông. Ếch mẹ thích ở trên núi hơn là ở gần nước. Vì thế, vào một ngày nọ, khi biết mình sắp qua đời, ếch mẹ đã gọi ếch con lại để dặn dò. Do ếch con hay làm trái lời mẹ, cho nên ếch mẹ bảo ếch con rằng hãy chôn mình bên cạnh hồ nước.
Lòng thương mẹ của chú ếch con đột nhiên trỗi dậy. Chú làm theo lời mẹ dặn, chôn cất mẹ ngay bên hồ nước. Cứ đến xế chiều, chú sợ mẹ buồn nên cất tiếng kêu bên hồ nước như là để nói chuyện với mẹ; khi trời mưa, sợ mẹ bị nước cuốn trôi, chú cũng kêu oạp oạp bên hồ. Lúc mẹ còn sống không nghe lời mẹ, để rồi đến lúc mẹ qua đời, dù chú có thương tiếc, đau lòng thế nào đi chăng nữa, chuyện cũng đã muộn.
Xã hội ngày nay càng lúc càng thờ ơ trước lòng hiếu thảo, nhất là vấn đề “khoảng cách thế hệ” càng khiến cho mối quan hệ giữa người thân trong gia đình dần trở nên xa cách, nhạt nhẽo. Bạn hãy thử quan sát phòng bệnh người già và phòng bệnh trẻ em trong bệnh viện mà xem. Cha mẹ mẫu mực thì vô cùng nhiều, mà con cái hiếu thảo lại rất ít. Nằm bệnh lâu không còn con hiếu, những lúc bình thường, nhiều người làm con còn khó đến bệnh viện thăm cha mẹ, chứ đừng nói đến quan tâm, chăm sóc cha mẹ.
Cha mẹ ngày ngày đưa đón con đến trường mà không hề kể lể công lao, nhưng con cái đưa cha mẹ đến bệnh viện khám bệnh được một, hai lần liền cảm thấy phiền phức, không còn tình nguyện đưa cha mẹ đi nữa. Thế rồi, việc đưa cha mẹ đi viện giống như ban ân huệ lớn cho họ vậy. Trong câu chuyện Gia đình ba thế hệ có câu: “Nhớ thuở xưa ta chăm con, nay con chăm cháu ta. Con ta bỏ đói ta nhưng cháu ta chớ có bỏ đói cha mẹ chúng”. Thương thay cho tấm lòng của cha mẹ!
Dưới chân núi Phổ Đà có một người đồ tể. Ngày thường anh ta rất ngỗ ngược, bất hiếu với mẹ mình. Một hôm, anh ta theo người khác lên núi Phổ Đà để lễ bái. Anh ta nghe nói trên núi có một vị Quan Âm sống, nên đã cất công đi hỏi khắp nơi. Lúc ấy, có một vị Hòa thượng bảo với anh ta rằng: “Quan Âm sống đã đến nhà của cậu rồi!” Nghe vậy, anh ta vội vã chạy về nhà. Vừa về đến nhà thì người mẹ nói: “Cha mẹ còn sống thì bất hiếu, đi cầu khẩn Phật tổ ở nơi xa có ích gì?”
Ta không cần đợi đến khi cha mẹ già đi mới tỏ lòng hiếu thuận, mà hãy báo đáp công ơn dưỡng dục của họ ngay khi họ còn trên cõi đời này. Trong thời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều, Tấn Vũ đế hạ lệnh cho mời Lý Mật làm thầy của thái tử, nhưng Lý Mật nói: “Ngày tháng mà thần tận trung với bệ hạ còn rất dài, nhưng thời gian báo ân mẹ già còn ngắn lắm!” Điều ấy đã cho thấy, việc chúng ta cần hiếu thuận với cha mẹ là việc của ngay lúc này, chứ đừng bao giờ để đến khi muốn báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn! Nếu vậy thì há chẳng phải sẽ giống như chú ếch con, cứ nằm bên ao nước kêu oạp oạp không ngừng đấy?