Vẻ đẹp bắt đầu từ sự phát triển toàn vẹn và khỏe mạnh của thân thể, từ khuôn mặt, thân hình xinh đẹp, cân đối. Song, nếu người có khiếm khuyết về tay, chân, mắt, mũi, tai, v.v. các bộ phận, giác quan trên cơ thể thì thứ được gọi là “không hoàn hảo” ấy có thể coi là “đẹp” không?
Người có khiếm khuyết không nên quá đau lòng và thất vọng! Trên thế gian này, nơi đâu cũng có người tàn tật. Edison bị điếc bẩm sinh nhưng ông đã phát minh ra đèn điện, mang lại ánh sáng cho nhân loại. Helen Keller1 là người khuyết tật nhưng bà đã trở thành nhân vật vĩ đại của thế giới.
1 Helen Adams Keller: Nhà văn, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị cử nhân Nghệ thuật. Bà được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20.
Biết bao nhiêu người khiếm thính nhưng vô cùng thông minh, biết bao nhiêu người khiếm thị nhưng thính giác họ lại nhạy bén hơn người bình thường rất nhiều. Người bình thường viết chữ hay vẽ tranh thì chẳng có gì là lạ, nhưng người không có tay như họa sĩ vẽ bằng chân Dương Ân Điển, như cậu bé không tay Gallagher tham gia cuộc thi thư pháp, v.v. họ tỏa sáng từ trong mười mấy vạn người, thành tựu của họ càng trở nên vĩ đại hơn.
Sài Diệu Tinh quê ở Hoa Liên tuy mất cả hai cánh tay nhưng liên tiếp ba lần đoạt giải quán quân bơi lội, được mọi người gọi là “Vua ếch không tay”. Nhà văn Lưu Hiệp quanh năm chịu đau đớn, giày vò của chứng phong thấp, tuy chân tay không linh hoạt nhưng bà vẫn không ngừng sáng tác trong một thời gian dài. Và cuối cùng, ông trời không phụ lòng người, bà đã trở thành nhà văn nổi tiếng. Thậm chí như ông Trịnh Phong Hỷ bị bại liệt từ nhỏ, không những tốt nghiệp Đại học Trung Hưng, mà đồng thời còn cưới được cô gái hiền lành, hòa nhã tên Ngô Kế Kiếm. Người có thân thể cao không quá 70cm là Hoàng Khải Toàn, Đường Thúy Liên và hai chị em người Liên Xô là Masha và Dasha cũng đều có thể kết bạn, kết hôn, sống bên người mình thương đến trọn cuộc đời.
Con người không nhất định phải quá hoàn hảo, quá xinh đẹp. Người xưa có câu: “hồng nhan bạc mệnh”, hay “thiên đố hồng nhan”, quá đẹp đôi lúc cũng dễ gặp chuyện không may. Không hoàn hảo có khi lại là may mắn, vì “trong họa có phúc”, “Tái ông mất ngựa, làm sao biết đó không phải là may mắn”. Tượng Phật gãy tay mất đầu tuy không hoàn hảo, nhưng vì vậy mà trở nên độc đáo, được các bảo tàng lớn trên thế giới tranh nhau lưu giữ. Hoa hồng có gai, gai là điểm khiếm khuyết của hoa hồng, nhưng cũng nhờ đó mà nó giữ được nét đẹp và hương thơm của mình. Những điều này đã cho chúng ta thấy giá trị của “nét đẹp của sự không hoàn hảo”.
Phật giáo có câu: “Tăng xấu nhưng tính cách đẹp”. Do thân thể không toàn vẹn, dung mạo khó nhìn nhưng người đó lại được an tâm tu hành và hoàn thành cuộc đời tu tập của mình. Như Quốc sư Ngọc Lâm, kiếp trước ngài là một người chép sách, do xấu xí, thân căn không đầy đủ nên đã tạo cho ngài ý chí cầu đạo; công chúa con gái vua Ba Tư Nặc xấu xí, không thể theo chồng ra ngoài tiếp các đại thần, mà chỉ có thể ở trong phòng làm bạn với thiền tịnh, do vậy mà khí chất cô thay đổi, dung mạo cũng nhờ đó mà dần trang nghiêm hơn. Ngược lại, Tỳ kheo ni Diệu Hiền, vì xinh đẹp nên thường hay bị trêu ghẹo, luôn bị cái đẹp làm cho phiền não. Cho nên, đôi lúc quá đẹp cũng là một loại “không hoàn hảo”.
Hươu xạ chết vì mùi hương trên cơ thể, con tằm chết sớm vì nhả quá nhiều tơ. Người tham quan Tử Cấm Thành luôn ngưỡng mộ cung điện cao sang, lộng lẫy của các Hoàng đế thời xưa. Tuy nhiên, dù phòng ốc có to lớn đến thế nào, người sống trong ấy cũng không thể tự do đi ra ngoài được. So vậy, họ còn chẳng bằng người dân thường sống một cuộc sống tiêu dao tự tại, có một thế giới rộng lớn của riêng mình. Từ đó có thể thấy, nếu như ta biết thưởng thức “nét đẹp của sự không hoàn hảo”, tâm của chúng ta đã vẹn tròn hơn bất kỳ ai rồi đấy.