Phật giáo có ví đời người như một cái giếng cạn.
Có một lữ khách đang đi trên đường, bỗng nhiên bị một con hổ đuổi theo. Trong lúc cấp bách, nhìn thấy bên vệ đường có một cái giếng cạn, anh bèn bám sợi dây leo rồi đu người xuống dưới giếng.
Trong lúc sợ hãi, vui mừng lẫn lộn, anh chàng nhìn xuống đáy giếng thì thấy dưới đó có bốn con rắn lớn. Anh sợ hãi khiếp vía, không dám tụt xuống, mà chỉ đu mình lủng lẳng giữa chừng thế thôi. Sau đó, anh chàng ngước lên thì lại thấy có hai con chuột, một đen, một trắng đang gặm sợi dây leo mà anh đang đu. Anh càng sợ hãi hơn, không biết phải làm thế nào vì trên mặt đất có hổ dữ, dưới đáy giếng có bầy rắn độc, sợi dây leo thì sắp bị hai con chuột đen, trắng cắn đứt. Rơi vào tình cảnh cam go như vậy, lòng anh nóng như lửa đốt. Đang lúc lo lắng thì có năm con ong mật bay qua, đánh rơi năm giọt mật xuống miệng người lữ khách. Anh chàng cảm thấy vô cùng ngọt ngào, nhất thời quên mất mình đang trong cơn nguy khốn.
Ví dụ này muốn nói rằng, con hổ dữ vô thường đuổi theo khiến ta rơi vào giếng cạn sinh tử. Ta nương sợi dây sự sống của nghiệp lực mà đu xuống đáy giếng. Dưới đáy giếng có bốn con rắn độc ẩn dụ cho tứ đại gồm: đất, nước, gió và lửa chia tách thân tâm chúng ta; còn có hai con chuột trắng và đen, tượng trưng cho ngày và đêm đang gặm nhấm sợi dây sinh mạng. Lúc này, năm giọt mật ong rơi xuống khiến chúng ta tạm thời quên đi hiểm nguy. Những giọt mật ấy chẳng khác nào giọt mật trên lưỡi dao, dù có thể cắt đứt lưỡi, nhưng sự ngọt ngào của nó dễ khiến chúng ta quên mất việc sợi dây sinh mạng sắp đứt. Đây chính là chân tướng của cuộc sống.
Giọt mật trên lưỡi dao là gì? Là năm thứ dục vọng gồm: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Cuộc đời này có biết bao nhiêu nỗi khổ, ví dụ như nỗi khổ của già, bệnh, chết thuộc về thân thể; cái khổ về tham lam, sân hận, si mê thuộc về tâm; cho đến cái khổ vì yêu thương, thù hận trong xã hội; khổ của đúng sai, tốt xấu thuộc về cảnh giới; khổ về chuyện binh đao, khổ về thiên tai tự nhiên, v.v. Con người đều có thể chịu đựng được tất cả những nỗi khổ ấy là vì có sự vui sướng tạm thời của “năm giọt mật”, chúng khiến chúng ta cam lòng chịu đựng mọi khổ đau.
Nghĩ kỹ lại thì ta có thể xem cuộc sống ngắn ngủi, phù phiếm này như nắng chiều vàng rực rỡ. Song, dù ánh chiều tà ấy có đẹp đến như thế nào, thì trời cũng đã ngả hoàng hôn rồi. Lúc ấy sự sống của đời người như cá thiếu nước, có gì vui đâu? Thế nhưng, khi đối diện với cuộc sống quý giá, chúng ta không thể để cho cái “khổ”, “không”, “vô thường” hạ gục. Chúng ta cần phải gây dựng nên sự nghiệp vô hạn từ cuộc sống hữu hạn; tạo nên giá trị sự sống vô hạn từ trong tháng năm hữu hạn, v.v. Đừng bao giờ vì giọt mật trên lưỡi dao trong phút chốc mà mặc kệ sự sống chết của bản thân.
Có hoa nên hái hãy cứ hái, chớ đợi hoa tàn hái nhánh không, đó cũng là thái độ tích cực mà chúng ta cần duy trì khi đối mặt với sự sống hữu hạn này.