Muôn nghìn thử thách chốn rừng sâu,
Lửa dữ nấu nung có sướng gì.
Thân tàn xương nát không oán trách,
Để tiếng lòng thanh mãi ngàn sau.
Vu Khiêm1 thời nhà Minh có bài thơ miêu tả về vôi rằng:
1 Vu Khiêm (1398 - 1457): Tự Đình Ích, hiệu Tiết Am, là một vị quan lớn của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông làm quan tới thiếu bảo nên còn gọi là Vu thiếu bảo. Ông nổi tiếng vì tinh thần cương quyết tử thủ bảo vệ đất nước, có công lãnh đạo quân dân thành Bắc Kinh phòng thủ chống lại cuộc xâm chiếm của Mông Cổ vào năm 1449.
Muôn nghìn thử thách chốn rừng sâu,
Lửa dữ nấu nung có sướng gì.
Thân tàn xương nát không oán trách,
Để tiếng lòng thanh mãi ngàn sau.
Bài thơ này là lời khích lệ rất lớn dành cho người lập chí tiến thủ. Vôi vốn là một loại đá khoáng, sau khi được nung qua lửa, tuy tan nát thành bột, nhưng khi được quét lên tường, nó giữ được màu trắng tinh khiết cho người đời. Việc hy sinh vì nghĩa lớn đã trở thành mẫu mực của thánh hiền rồi.
Những vĩ nhân trên thế giới có ai mà không trải qua muôn vàn thử thách mới được lưu danh sử sách? Có tôn giáo nào để đi vào lòng người mà không từng trải qua ngàn vạn thử thách cuộc đời? Thậm chí, những người thành công trong xã hội hiện nay, có ai không trải qua vô vàn thử thách mới được người khác nể phục?
Danh tướng Lạc Nghị1 nước Yên liên tiếp hạ được 70 thành của nước Tề, sau này do vua nghe lời gièm pha, cho đổi tướng trước khi xung trận khiến ông đau khổ rồi âm thầm bỏ nước ra đi. Quân tử dù có tuyệt giao cũng không buông lời nói làm tổn thương nhau, người trung thần rời xa tổ quốc cũng không cần để lại danh tiếng, thà tự chịu thiệt thòi, ấm ức chứ không muốn thanh danh của quân vương bị tổn hại.
1 Lạc Nghị: Không rõ năm sinh năm mất, họ Tử, tên Lạc Nghị, tự là Vĩnh Bá, quê ở Linh Thọ - Trung Sơn. Là nhà quân sự, nhà chiến lược kiệt xuất cuối thời Chiến Quốc, và là hậu duệ của tướng Lạc Dương của nước Ngụy. Ông là người có công giúp vua nước Yên chấn hưng lại đất nước.
Như Kinh Kha1 hành thích vua Tần, “gió thổi hiu hiu sông Dịch lạnh lẽo, người tráng sĩ một đi không trở về”2, dù không biết chuyến này đi sống chết ra sao nhưng ông vẫn khẳng khái vì nghĩa, trở thành tráng sĩ hiệp nghĩa lừng danh một thời. Nhạc Phi1 tận trung báo quốc, nếu ông không có dũng khí “đạp nát lầu gác trên đỉnh Hạ Lan” thì sẽ chẳng thể trở thành danh tướng một thời.
1 Kinh Kha (? - 227 TCN): Môn khách của Thái tử Đan nước Yên và là người rất nổi tiếng vì đã ám sát bất thành Tần Thủy Hoàng. Câu chuyện về Kinh Kha được chép lại ở thiên Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên.
2 Trích trong Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Kinh Kha truyện. Khi Kinh Kha lên đường ám sát Tần Thủy Hoàng thì được Thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch. Tương truyền, tại đây Kinh Kha khẳng khái ngâm hai câu này.
1 Nhạc Phi (1103 - 1142): Nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Ông đã có 126 trận chiến với quân Kim và toàn thắng. Nhạc Phi là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, trước khi bị sát hại, ông là Đại nguyên soái của Nam Tống.
Danh tướng Văn Thiên Tường thời Nam Tống, khi bại trong tay quân Nguyên thì thà chết chứ không chịu khuất phục. Lúc ở trong ngục ông viết bài Chính khí ca thể hiện ý chí của mình. Sử Khả Pháp2 cố thủ thành Dương Châu không cho quân Thanh tiến vào, thề chết chứ không chịu đầu hàng, lấy cái chết để báo đáp nước nhà. Khí phách của ông thật đáng để cho người đời sau học tập.
2 Sử Khả Pháp (1601 - 1646): Tự Hiến Chi, hay Đạo Lân, người Tường Phù (nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), quê quán ở huyện Đại Hưng, phủ Thuận Thiên (nay thuộc Bắc Kinh) cháu đời thứ 49 của Lật Dương Hầu Sử Sùng nhà Đông Hán, từng giữ chức Binh bộ Thượng thư Đông Các Đại học sĩ ở Nam Kinh nhà Minh, được nhà Nam Minh đặt thụy là Trung Tĩnh, vua Càn Long nhà Thanh đặt lại thụy là Trung Chính, các tác phẩm của ông được người đời sau biên soạn thành Sử Trung Chính công tập.
Danh tướng Hoàng Bách Đào, Trương Tự Trung, v.v. thời cận đại đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước. Tinh thần bất khuất của họ khiến kẻ địch cũng phải cảm động kính nể.
Tôn giả Phú Lâu Na muốn đến vùng biên địa để hoằng pháp. Nơi đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, nhưng ngài vẫn phát nguyện dùng sinh mạng của mình để phụng sự cho đức Phật. Tinh thần “dùng mạng sống này để cúng dường cho chúng sinh” của thiền sư Vĩnh Minh mang hào khí mạnh mẽ, khiến cho người khác phải kính phục.
Một người nếu như không dám chịu “tan xương nát thịt” liệu có thể cống hiến cho thế gian này không? Dù rằng chúng ta không thể làm anh hùng, nhưng chí ít ta cũng nên có ý tưởng đó thì mới có thể để lại “tấm gương sáng” cho nhân gian. Nếu ta không để lại cho cuộc đời những thành tựu, tư tưởng, không để lại lời nói hay, cử chỉ đẹp, không thể khiến người đời ngưỡng mộ, v.v. sao có thể lưu danh sử sách? Do đó, ý nghĩa của đời người cũng giống như cục vôi, ta hãy để lại sự thanh bạch cho nhân gian chứ đừng bao giờ để mình mục rữa như cỏ rác nhé!