Con người sống trong cuộc đời này, mỗi khi làm bất kỳ việc gì cũng đều cần chuẩn bị kế hoạch trước, có kế hoạch ta mới có thể từng bước, từng bước hoàn thành. Khi lên kế hoạch, ta nên tính hết những vấn đề như sức người, tiền bạc, thời gian, không gian, việc có thể làm được, v.v. Nếu đủ tất cả các điều kiện nhân duyên, chắc chắn kế hoạch của ta sẽ thành công.
Xã hội bây giờ ngày càng phức tạp chứ không còn “đi đến đâu hay đến đấy”, “chuyện đâu còn có đó” như trước đây nữa mà đều là “kéo một sợi tóc, động đến toàn thân”. Ví dụ, khi bị bệnh, muốn đến bệnh viện chữa trị, trước tiên ta phải khám lâm sàng và chẩn đoán, xét nghiệm máu, chụp X quang, v.v. rồi sau đó mới được cấp thuốc chữa trị.
Nếu muốn tu sửa một đoạn đường, trước tiên ta bắt buộc phải lên một kế hoạch đầy đủ về những vấn đề có liên quan như: đo đạc, giải phóng mặt bằng, lên bản vẽ thiết kế, giao khoán, cử giám sát công trình, vật liệu xây dựng, thậm chí cả về khí hậu, môi trường xung quanh, vấn đề an toàn cho người đi đường, quản lý công nhân, v.v. có vậy, khi thi công mới đạt được hiệu suất tối đa.
Những kế hoạch về cuộc sống, công việc, sự nghiệp, v.v. được kể ở trên đều nhằm để nói rõ rằng: Làm việc gì cũng cần có kế hoạch cụ thể. Đương nhiên, trong cuộc sống cũng có một số việc đột xuất khiến ta trở tay không kịp, tuy nhiên ta vẫn nên có chuẩn bị trước. Ví dụ như làm lãnh đạo chẳng hạn. Có thể tất cả mọi điều kiện đều đã đầy đủ (có thể là xu thế chung hoặc thuận theo thời thế), ta có thể dễ dàng được lên chức, nhưng nếu như không đủ điều kiện nhân duyên, nói cách khác là không có kế hoạch, không có chuẩn bị, v.v. muốn thành công là chuyện rất khó.
Trong suốt cuộc đời mình, Lâm Ngữ Đường1 đã được mời diễn thuyết tại vô số nơi, thế nhưng, ông không thích bị người khác mời diễn thuyết khi mà ông chưa chuẩn bị chu đáo. Ông nghĩ như thế là làm khó người khác. Lâm Ngữ Đường cho rằng, chỉ có chuẩn bị kỹ lưỡng thì nội dung của buổi diễn thuyết mới phong phú và thành công.
1 Lâm Ngữ Đường (1895 - 1976): Tên chữ Ngọc Đường, là một nhà văn Trung Quốc. Ông được xem là người có công lớn trong việc giới thiệu văn hóa Trung Quốc ra thế giới qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh, bàn về nghệ thuật, văn hóa và nhân sinh quan của người Trung Quốc.
Có một lần, Lâm Ngữ Đường được mời đến tham quan một trường đại học. Tham quan xong, ông dùng bữa trưa cùng với mọi người. Lúc bấy giờ, hiệu trưởng trường nghĩ, đây là cơ hội không thể bỏ qua, nên đã năm lần bảy lượt mời Lâm Ngữ Đường lên nói chuyện với các sinh viên. Lâm Ngữ Đường từ chối không được, đành phải bước lên bục giảng. Lúc đó ông đã kể câu chuyện thế này:
Thời La Mã cổ đại, có một vị vua bạo ngược rất thích ném tội nhân vào trường đấu thú để xem họ bị những con thú dữ xé xác, ăn thịt. Một hôm, nhà vua lại hạ lệnh ném một người vào trường đấu thú. Người này tuy thấp bé nhưng lại dũng cảm hơn người. Khi con hổ lại gần, anh bình tĩnh thì thầm vào tai nó một lúc, sau đó con hổ liền lững thững bỏ đi. Nhà vua rất đỗi kinh ngạc, lại hạ lệnh thả một con sư tử nữa vào. Anh chàng lại nói nhỏ với con sư tử ấy, và nó cũng lại im lặng bỏ đi. Lúc này, nhà vua không kìm được lòng hiếu kỳ của mình bèn cho thả người kia ra và hỏi: “Ngươi đã nói gì vào tai con hổ và con sư tử để chúng không ăn thịt ngươi vậy?” Anh chàng đáp: “Bẩm, rất đơn giản! Tôi chỉ nói với chúng rằng ‘Mi ăn thịt ta cũng được, nhưng ăn xong thì mi phải lên diễn thuyết đấy!’”
Cả hội trường nghe xong câu chuyện đều cười nghiêng ngả, riêng hiệu trưởng đứng ở bên cạnh thì xấu hổ chẳng biết làm thế nào.
Một học giả giỏi diễn thuyết như Lâm Ngữ Đường mà còn không thể diễn thuyết khi chưa chuẩn bị chu đáo, đủ cho ta thấy việc lên kế hoạch trước quan trọng như thế nào rồi đấy. Quan điểm làm việc gì cũng cần phải có kế hoạch thực sự đáng để trở thành phương châm trong cuộc sống của chúng ta!