Nhà thơ Lê Ái Tùng không còn là cái tên xa lạ với bạn đọc yêu thơ. Thơ bà đã đăng rải rác nhiều ở các báo địa phương và trung ương. Thơ bà mạnh về tả cảnh, qua cảnh nói tình với những dòng thơ kể chuyện. Đó là những câu chuyện về các triều đại trong lịch sử nước ta, về các bậc danh nhân của dân tộc. Từ những câu chuyện xưa này, ta soi vào để thấy được ngày hôm nay. Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng tuổi đã cao nhưng sức sáng tạo thơ ca vẫn dào dạt như những người trẻ. Tâm hồn bà qua thơ vẫn cho thấy một sự trẻ trung yêu đời, yêu quê hương, yêu đất nước. Thơ bà không “đao to búa lớn”, không quá lãng mạn nhưng đầy chất thơ. Thơ Lê Thị Ái Tùng như là sự trộn lẫn của dòng thơ cổ điển với dòng thơ hiện đại. Ngoài ra, thơ bà còn mang dáng dấp của ca dao dân tộc.
Qua câu chữ của Lê Thị Ái Tùng, ta thấy cảnh vật nước ta thêm một lần nữa đẹp hơn. Nó xuất hiện gần gũi, có hồn, có tình cảm. Không có tấm lòng yêu người, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, thì không thể viết về thiên nhiên như vậy. Những câu thơ như tạo ra sự xốn xang trong ta, thôi thúc ta đi đến: “Dốc động Hương Sơn thật cao dày/ Thiên nhiên vẽ lối giữa Trần ai/ Đường lên Động Chính cao cao vút/ Lối tựa Tiên Sơn dốc dốc hoài” (Hành hương về đất Phật); “Chiều buông, sương xuống trắng ngàn cây/ Văng vẳng đầy vơi tiếng mõ thầy/ Động Chính khói, sương huyền ảo quá/ Mây trời ráng, gió diệu kỳ thay” (Chiều Hương Tích).
Tập thơ Nét đẹp quê hương, như tên gọi, là tập thơ có cảm xúc về quê hương, đất nước. Qua tập thơ, ta như ôm gọn được vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Những địa danh như Tây Thiên, Huế, Hạ Long, chùa Hương, Hồ Ba Bể, rừng cọ Phú Thọ, Hồ Hoàn Kiếm, rừng Cúc Phương, cố đô Hoa Lư, chùa Thiên Mụ, đền Bà Triệu Thị Trinh... hiện lên với vẻ đẹp hồn nhiên, huyền ảo, và tất cả như đều có số phận, lịch sử.
Ở Nét đẹp quê hương, thể thơ lục bát chiếm số lượng lớn. Điều này giúp cho thơ Lê Thị Ái Tùng dễ đọc, dễ nhớ, bởi nhịp điệu, và hiệp vần trong loại thơ này. Hơn nữa, thơ lục bát là thể thơ xa xưa của dân tộc, từ lâu đã được dân gian sử dụng vào những câu ca dao tục ngữ. Bằng sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ, nhân hóa, Lê Thị Ái Tùng vừa lưu giữ nét đẹp cho thể thơ và vừa làm mới lục bát lên. “Thuyền chèo trên bến Đục Khê/ Mang danh suối Yến cá về nghe kinh/ Giữa dòng xuôi ngược lênh đênh/ Hai bên dãy núi tựa hình đàn voi”; “Mây đen từng đám cuộn bay/ Ánh hồng tỏa rạng, gió mây tan dần/ Thời gian tĩnh lặng đến gần/ Giữa trời tôi đứng muôn phần mừng vui/ Lễ nghi khi đã xong rồi/ Bước chân rời động, khoảng trời bao la/ Mây hồng lấp lánh ráng pha/ Vầng dương bóng đã tà tà non tây”(Thăm động Tuyết Quỳnh - Chùa Hương).
Ở Nét đẹp quê hương, ta còn thấy Lê Thị Ái Tùng hay nói về đất Phật, về Phật. Phải chăng đó là hàm ý tác giả muốn người đọc tìm đến, hướng theo sự lương thiện. Nói đến Phật là ta nói về từ bi, về giải thoát mọi khổ đau: “Tháp chùa Trấn Quốc oai nghiêm/Tiếng chuông lay động nỗi niềm khách nhân/Hồng trần sầu não vơi dần/ Mỗi khi lại được dừng chân đất lành” (Chiều Hồ Tây). Nhà thơ Lê Thị Ái Tùng chắc rằng cũng muốn chúng ta noi theo gương Phật, theo bước chân Phật để sống cuộc đời an lạc hơn.
Nét đẹp quê hương là tập thơ được tác giả tập hợp trong nhiều năm viết, hòa quyện nhiều tâm trạng, trạng thái. Qua tập thơ, ta có thể thấy được nhiều cách nhìn, cách nghĩ của nhà thơ đối với chính mình, với thời cuộc, thái độ sống với quê hương, đất nước. Lê Thị Ái Tùng còn thể hiện được cái chất mạnh mẽ của phái nữ mà không phải nữ nhà thơ nào cũng nói được. Cái chất này thể hiện trong bài thơ “Xếp bút nghiên lên đường cứu nước” được tác giả viết độ khoảng 1960-1975. Ở bài thơ này, Lê Thị Ái Tùng một mặt đã cho thấy lòng yêu nước của phụ nữ Việt Nam, một mặt nói được cái ý chí, gan dạ của nữ nhân: “Nước nhà gặp lúc gian nguy/ Bút nghiên gác lại ta đi chiến trường/ Nam nhi gác bút lên đường/ Nữ nhi gác bút dẫn đường quân đi”.
Trong Nét đẹp quê hương có bài “Tiễn đại sứ Algeria hết nhiệm kỳ về nước” có thể xem là một điểm nhấn của tập thơ. Bài thơ được Lê Thị Ái Tùng viết năm 1970, những câu thơ hiện lên thật đẹp, thật thân tình giữa hai đất nước Algeria - Việt Nam: “Tiễn anh biết nói những gì đây/ Vừa cầm tay đó đã chia tay/ Anh về bên ấy đừng quên nhé/ Gần gũi mai sau sẽ có ngày/ Anh sẽ sang đây với chúng tôi/ Việt Nam khi ấy đẹp lên rồi/ Mỗi bông hoa lưu tình nghĩa cũ/ Nở trong bom đạn xé ngang trời/ Vì chính anh đã là chiến sĩ/ Ở quê anh và cả quê tôi”.
Thơ Lê Thị Ái Tùng nhiều bài hay, nhiều bài mang tính giáo dục cao. Thơ bà đã đạt đến độ của sự chiêm nghiệm sâu sắc hết cuộc đời, hiểu người, hiểu đời, hiểu thời cuộc. Thơ Lê Thị Ái Tùng là một nét đẹp riêng, một đóng góp riêng. Nhiều bài thơ kể chuyện lịch sử, tả cảnh của bà đã đạt đến độ “chín đẹp”. Không ồn ào, không màu mè, thơ Lê Thị Ái Tùng vẫn có sức sống lâu bền trong trí nhớ người đọc.
Nguyễn Hoa