Sau bốn giờ đi đường rừng từ bản Ma Can quay lại bản Ma Sín, Chân chia tay với Xay Xua. Anh tin chắc chỉ nội trong đêm, lá thư tay của anh sẽ đến tay Páo. Tình hình ở cái bản Mông heo hút này ai ngờ lại căng thẳng đến thế.
Bên ngoài có vẻ bình yên nhưng bên trong đã có nhiều dấu hiệu xáo động. Khác hẳn với các bản phía bắc như Ma Sín, Mù San, Pa Vệ Sử. Dù ngoài rừng Pa Vệ Sử, nơi giáp vùng biên đã có tiếng súng nổ, trước đó đã phát hiện nhiều dấu vết lạ, nhưng ở ba bản này mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Hai tuần lễ ở Ma Can đã giúp Chân lần tìm ra nhiều manh mối một vụ xưng vua đang âm thầm nhen nhóm. Đã có hiện tượng bàn tay bọn đặc vụ Tưởng vươn tới Ma Can.
Trước khi vào bản Ma Sín, Chân buộc ngựa bên một con suối nhỏ. Dù trời sắp tối, anh vẫn nán lại, lội xuống nước rửa ráy cho thỏa thích. Con ngựa đứng bên mép suối, hai chân trước nhúng nước, cứ thế nó chúi mõm xuống hớp từng ngụm lép bép. Chân lên ngồi trên một tảng đá, quấn thuốc hút, thong thả đợi. Xay Xua đi rồi anh thấy nhẹ cả mình. Vậy là những ngày thử thách âm thầm, cả anh và Xay Xua đều vượt qua êm thấm. Nếu không vì công tác, anh đã chia tay với cô từ hôm Xay Xua chuốc rượu cho anh gần bản Hà Nhì. Nghĩ lại, Chân còn thấy hoảng. Anh biết nam nữ thanh niên người Mông có cách bộc lộ tình cảm bạo dạn, nhưng chưa thấy ai táo tợn như Xay Xua hôm ấy. Cô được Páo thuận giao làm cơ sở tai mắt của anh. Những lần trao đổi công việc, cô vẫn xử sự bình thường, rất đúng đắn. Thi thoảng anh bắt gặp ánh mắt thăm dò của cô. Nhạy bén trong mọi cuộc tiếp xúc, anh nhận ra từ đầu ý tứ thầm kín của cô. Thái độ của anh đàng hoàng, có cảm nhận đấy nhưng không tiếp nhận. Cái khó cho anh là cách ứng xử sao cho vừa phải, có giới hạn trước những cử chỉ ân cần, thân mật của cô. Cho đến hôm chạm chén với cô ở ngoài rừng, anh bỗng thấy cô vượt xa giới hạn một cách quá bất ngờ. Anh cứ tưởng, sau khi nghe anh tỏ thái độ dứt khoát, nghiêm khắc, không những từ chối thẳng thừng mà còn nói những câu hơi nặng, cô sẽ giận anh. Nhưng không, Xay Xua trở lại với chính mình rất nhanh chóng. Như những vòng xoáy trên mặt nước lan tỏa cực nhanh, sau đó tan biến, trả lại sự phẳng lặng cho dòng suối ban mai, để mặc hòn đá ai vừa ném xuống chìm xuống đáy sâu. Những ngày cùng Xay Xua lặn lội trên miệt rừng Ma Can, anh chẳng phải lo lắng gì về phía Xay Xua nữa. Có lẽ nhờ đó mà công việc đi tìm hiểu và thu thập tình hình của cả hai người có sự phối hợp nhịp nhàng và mang lại hiệu quả nhanh chóng đến thế.
Những ngày ở bản Ma Can giúp Chân nắm bắt được tình hình tổng quát toàn bộ hoạt động của bọn đối tượng trên cao nguyên Phùng Khen, nhiều hơn cả năm sáu tháng xuôi ngược đường rừng mạn Pa Vệ Sử, Xín Chải.
Khác với ba bản phía đông bắc Xín Chải là Pa Vệ Sử, Mù San, Ma Sín, ở đó rừng già trải dài tới những chân núi cao giáp biên giới, bản Ma Can núi đồi trọc úp bát, chỉ dọc những con suối nhỏ mới có những vệt cây xanh. Từ trước tới giờ, ít ai đặt chân đến bản Mông lẻ loi này. Tính ra khoảng cách từ đồn Xín Chải đến Ma Can, chỉ mười lăm cây số đường chim bay nhưng có núi cao dốc hiểm và rừng rậm ngăn cách nên người ta quen đi theo hướng đông bắc, lên Pa Vệ Sử, Mù San, Ma Sín rồi theo đường biên giới quặt xuống hướng đông nam mới đến Ma Can. Đường dài nhưng thuận chân. Sở dĩ, người Thái, người Kinh ít đến Ma Can vì nghe đồn từ thời thuộc Pháp, ở đây người ta phát hiện có quặng u-ra-ni-um. Một vùng hẻo lánh lại có chất độc hại, dường như bị cách ly khỏi cuộc sống trên vùng cao. Thời Pháp, thời quân Nhật chưa có đội quân nào đóng ở đây. Đến thời quân Tàu Tưởng, quân Quốc dân đảng Vũ Hồng Khanh, Trịnh Thuần Trang cũng bỏ qua xứ này. Ngày nay chỉ có lính biên phòng đi tuần tra biên giới, thỉnh thoảng ghé thăm. Trước khi lên Ma Can, Xay Xua đã lưu ý Chân về mối nguy hiểm tiềm ẩn của vùng đất dữ này, nhưng Chân vẫn quyết định chuyến đi ít nhất phải kéo dài mười ngày. Đi công tác với Chân, dường như Xay Xua quên phắt nỗi lo đất dữ và khí hậu độc. Khi ra đi, trước mặt Chân, cô sẽ tham gia tìm đầu mối gỡ ra cái mạng nhện rối rắm đang giăng khắp cao nguyên Phùng Khen. Qua chuyến đi hai tuần lễ, Chân cảm thấy, ngoài niềm vui góp phần vào công việc lớn, Xay Xua còn có một niềm vui thầm lặng nào đó vì được cùng anh. Cú sốc vì sự phản ứng gay gắt của anh trong cuộc rượu hôm nào, dường như đã phôi phai. Xay Xua đã tỏ rõ mình là một con người khác, nhưng cái vẻ dịu dàng, những cử chỉ ân cần của Xay Xua chẳng hề thay đổi. Chân yên tâm khi Xay Xua nói thẳng với anh: "Em coi anh như cái cây mọc trước, em thương cảm một người anh tốt, anh đừng nhìn em bằng con mắt gấu. Anh là một cán bộ người miền xuôi, tuy ít nói nhưng tấm lòng đối với người vùng cao quyến luyến như gió với rừng già. Bản cách nhau, anh muốn nối liền, nhà cách nhà, anh muốn cho gần lại. Các già bản thường nói: Dao rời khỏi vỏ mới biết sắc hay cùm, cán bộ Chân sống theo lẽ của Cụ Hồ là nước có nhiều nguồn nhưng chỉ có một sông". Em không quý anh sao được. Anh đừng chấp em chuyện đã qua. Có nhiều lúc lòng em tối đen như hòn núi rậm. Anh cứ coi em được đi công tác với anh như cây non được uống sương tắm nắng. Tuy anh ít nói, nhưng qua mười mấy năm quen biết, Páo thường nói số chữ trong đầu anh nhiều bằng hạt thóc trong kho".
ấn tượng đầu tiên của Chân khi đến Ma Can là cảnh nghèo đập vào mắt. Nhà nào cũng chỉ thổi mèn mén ăn thay cơm. Loại thực phẩm bằng bột ngô xay này ở các bản khác phần nhiều được thay bằng gạo tẻ hoặc gạo nếp. Hỏi ra mới biết chẳng phải ở đây không làm được lúa nương. Chẳng phải thiếu lợn, gà, trâu, bò- chẳng qua thiếu đói do hai tệ nạn là cúng ma và nghiện thuốc phiện. Trẻ em gầy mòn, không được đi học. Chúng chỉ có hai trò chơi giải trí là đánh quay và thi nhau bắn ná, lấy những chiếc lá mít làm đích ngắm.
Chân ở nhà ông Xạ, trưởng bản. Xay Xua nghỉ tại nhà bà Sầm, ở trung tâm bản. Nhà cách nhà hàng mấy dao quăng.
Xạ có khuôn mặt bè, má hóp, cằm bạnh. Nhà có dăm gùi thảo quả chưa có dịp chở về xuôi. Nay nghe có cán bộ thu mua về bản xạ lộ ngay vẻ niềm nở từ lần đầu tiên. Chân hơi ngạc nhiên trước con người mới ở độ tuổi trung niên nhưng trong đôi mắt đen sâu sớm hiện lên vẻ tư lự, khác với những người quen cuộc sống thoáng đạt trên vùng đồi núi mênh mông; có người nhà nước đến tận nơi cất hàng, nhà nhà dở những cành lá cấm treo dưới mái tranh, đón người từ nơi xa đến. Việc người Mông phá bỏ lệ cũ, đây là lần đầu tiên Chân mới gặp. Anh phán đoán ngay rằng việc kiêng cấm ở đây không phải làm theo tập tục để ngăn cản con ma nhà mà là một việc do có sự áp đặt từ bên ngoài. Chân hỏi ông trưởng bản:
- Dân bản đang cúng con ma nào vậy?
- Thầy mo gieo quẻ bói sừng trâu, phán rằng nhà nào không cúng gọi vía cho con cháu thì ma sẽ đến bắt đi hết. Đã cúng thì phải cắm lá, cấm người lạ vào nhà.
Quả thật trong bản, đang có nhiều người bị bệnh. Bệnh sốt rét, bệnh tiêu chảy, ghẻ hờm, không nhà nào không có người mắc phải. Hàng tháng nay, hết gia đình này đến gia đình khác liên tục bày lễ cúng ma. Nhà ít của thì mổ lợn kèm theo lễ năm đồng bạc trắng. Nhà khá giả mổ bò, gọi vía cho người bệnh. Tuy chỉ là những bệnh thông thường nhưng ma không trị nổi. Chân và Xay Xua lên Ma Can đúng lúc sức dân đã cạn. Cảnh tiêu điều bày ra khắp bản cũng do đó mà ra. Xay Xua đã cùng Chân nhanh chóng lên bảng thống kê số người bị các thứ bệnh. Đứa bé được chạy chữa đầu tiên là con gái bà Sầm. Cháu bị tiêu chảy gần kiệt lực, chỉ còn da bọc xương. Trong lúc nhiều nhà dứt khoát từ chối việc uống thuốc tây hoặc tiêm chủng thì bà Sầm coi Xay Xua như người cứu mệnh đến đúng lúc. Bài thuốc dân tộc gồm mấy thứ cây lá mọc ven suối, bờ nương, chẳng mấy buổi Xay Xua gùi về hàng đống. Chỉ sau một ngày uống thuốc tiêu chảy và thuốc lá, con gái bà Sầm dứt cơn bệnh. Ngày thứ hai, đã nhúc nhích ngồi dậy được. Bà Sầm đi hết nhà này sang nhà khác, rỉ tai khoe phép lạ của cô bác sĩ người Mông. Chỉ với một cơ số thuốc trị bệnh thông thường kèm theo bài thuốc dân tộc, Xay Xua đã chữa lành cho chục người già người trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Dù dân bản chưa quen việc hội họp bàn thảo việc chung, nhưng khi bà Sầm ới một tiếng, rủ bà con đến nghe cô con gái người Mông, người cao tay hơn thầy mo nói về việc vệ sinh phòng bệnh. Các mẹ, các chị đến dự ngồi chật trên bốn năm tấm da bò. Chỉ sau mấy ngày, quang cảnh đường sá, sân chuồng trông đã hơi gọn mắt. Chỉ còn bệnh sốt rét, việc dứt cơn cần có thời gian. Bà Sầm cứ nói với Xay Xua mỗi một câu những lúc đi ra đi vào:
- Giàng ơi, mày đến muộn quá. Mày bảo con gái ta cần cái ăn cho lại sức, thế mà cả đàn gà nhà ta đã chui vào bụng thầy mo mất rồi.
Công việc của Chân quanh quẩn chỉ có cân đong, đơn giản hơn là ước lượng từng lù – cở thảo quả rồi trả ngay tiền mặt. Vốn tiếng Mông của anh khá phong phú. Việc trao đổi chẳng gặp điều gì trở ngại. Thảo quả thu mua được bao nhiêu, anh gửi nhờ tại ngay nhà trưởng bản. Xạ bảo anh:
- Mày làm cách nào để chuyển năm, sáu tạ hàng về xuôi? Tao có ngựa cho thuê đấy.
Chân xoa xoa hai tay, cười đáp:
- Tôi thuê cả người lẫn ngựa, được không? Xin nhờ ông trưởng bản giúp tổ chức mấy con ngựa thồ mang hàng về trạm thu mua dưới Xín Chải. Tôi xin trả trước tiền công vận chuyển.
- Mày nói thế, tao thích lắm. Nhưng tao bị đau chân, chỉ có thể nhúc nhắc đi lại quanh nhà thôi.
- Ông không đi được thì tôi trả công ông gom người, gom ngựa.
- Đi ngay à?
- Hàng cứ gửi ở nhà ông. Tôi đi thu mua tiếp. Sau này, ông cho ngựa thồ chở xuống cũng được mà.
Xạ hấp háy ánh mắt, cười vui vẻ hỏi lại:
- Mày dám tin tao đến thế à?
- Tôi tin ông cũng như tin đồng bào Mông ta. Vả lại, ông là người đứng gốc bản mà. Tôi lại càng tin chứ!
- Tao thấy mày tính việc vanh vách. Chỉ tiếc cái chân đau không cho tao đi cùng mày, khắp bản để xem cách mày mua bán.
Bây giờ Chân mới để ý đến những băng vải xanh đỏ quấn quanh bắp chân trái của Xạ. Anh hỏi dò:
- Chân ông đau như thế nào mà buộc lắm vải đẹp thế?
- Thầy mo cúng ma cho tao, buộc chân cho tao, mãi mà cứ nhức, cứ xót. Tao không dám nhìn vết loét tận xương, hãi lắm. Buộc vải để xua con ma, để nó tha chết cho tao.
Xạ kéo ống quần lên cho Chân thấy cẳng chân ông teo tóp.
- Ông bị chứng này lâu chưa?
- Ba năm rồi- Bao nhiêu bò, lợn, gà chui cả vào đấy rồi mà con ma chẳng chịu đi. Tao sợ què, sợ chết lắm.
Chân đem chuyện này trao đổi với Xay Xua. Cô bảo ngay:
- Đúng là chứng bệnh sâu quảng rồi. Em có đủ thuốc kháng sinh đây.
Cả Xay Xua cùng Chân đều nói với ông Xạ rằng bệnh của ông có thuốc chữa. Xay Xua bảo:
- Tôi mở băng vải bó chân ra, biết ngay là có sâu quảng. Vết lở loét da ăn mòn da thịt, trơ cả xương. Tôi chữa được mà.
Nét mặt Xay Xua lộ vẻ thương cảm. Xạ một mực không chịu. Ông ta sợ ma hành. Ông nói:
- Bà Sầm nói mày giỏi hơn con ma, nhưng đó là ma bé. Con ma hành hạ tao là ma to. Mày làm gì được? Phải mời thầy mo cúng thôi.
Nói gì, Xạ cũng không chịu nghe. Mấy hôm sau, ông lên cơn sốt. Ông đau nhức quá, vừa lăn trên giường vừa kêu "giàng" (trời) tha tội chết. Hỏi ông, ông chỉ thều thào đáp: "Tao chết mất thôi - Cha mẹ về gọi tao đi rồi". Ông bỏ ăn ba bữa liền. Người ông gầy xọp. Bà vợ trưởng bản bỏ việc làm nương hai ngày liền, ở nhà chăm sóc chồng. Người đàn bà này già hơn chồng đến hàng chục tuổi. Xay Xua bảo bà:
- Chẳng ma nào làm đâu. Ông Xạ bị nhiễm trùng nặng. Phải tiêm thuốc cứu ngay. Chữa không kịp, chỉ có chết.
Bà vợ trưởng bản mới nghe nói thế liền gục đầu khóc nức nở:
- Đời ta khổ quá. Chồng trước đi làm phỉ, chết tận bên Lào đã trên mười lăm mùa rẫy. Theo lý người Mông, ta lấy tiếp em chồng, nay lại sắp chịu cảnh gái góa đây - Khổ ơi là khổ.
Qua câu chuyện, Xay Xua biết được Xạ trước đây đã có một lần theo đám xưng vua. Tuy chưa cầm súng làm phỉ nhưng Xạ luôn luôn tin rằng có một ngày nào đó, vua của người Mông sẽ xuất hiện. Bà vợ đời thứ nhất chết bệnh vì không có người chăm sóc, trong lúc Xạ đang mải theo vua. Bà vợ đời thứ hai kinh hãi mỗi khi nghe ai nói đến chuyện vua, chuyện phỉ. Chân nghe Xay Xua kể lại, nói với cô:
- Bằng mọi cách, hãy cứu lấy Xạ và thuyết phục bà vợ đang lo mất chồng. Đây là đầu mối quan trọng cho chúng ta đó.
Bà vợ van khóc mãi, Xạ mới chịu cho Xay Xua làm thuốc. Cô tiêm pê-ni-ci-lin cho người bệnh, mỗi ngày một lọ. Chỉ sau hai ngày, vết loét hết sưng tấy. Xạ khỏi sốt. Bà vợ theo sát Xay Xua, chăm chú để ý từng việc nhỏ. Đến khi Xay Xua mở băng để rửa vết loét và rắc bột kháng sinh, mới nhìn thấy ổ loét nhầy nhụa, sâu toang hoác, bà hoảng hốt úp hai bàn tay lên mặt, đôi vai rung bần bật. Mùi thối khăm khẳm từ vết thương mưng mủ tỏa ra. Trong lúc bà chủ vội vàng lùi xa mấy bước, Xay Xua vẫn cần mẫn lau rửa vết loét và tra thuốc. Chiếc khẩu trang che kín nửa dưới khuôn mặt trầm tĩnh của cô. Xạ nằm trên giường, nén chịu đau, cặp mắt mệt mỏi nheo lại, như dán vào một chỗ nhất định. Hốc mắt, hốc mũi của ta tối sầm trong lúc tay chân thì duỗi ra, vẻ chán nản.
Xay Xua làm thuốc hàng ngày, đều đặn, đúng giờ. Vết lở sâu quảng của Xạ tái dần không hành hạ ông ta như trước. Bà vợ Xạ, với nụ cười mủm mỉm nét duyên già, tong tả chạy sang nhà bà Sầm, nói với Xay Xua:
- Mày đã bắt con ma buông vía Xạ ra rồi. Đúng như lời ông bà ta thường nói: có đứt tay mới hay thuốc. Xạ mất ngủ bao nhiêu đêm vì đau nhức. Bây giờ lại ngủ như đất rồi.
Bà Sầm buông lời trách:
- Thào Mạ này- Bà kêu tên vợ trưởng bản - ba năm sâu lót ổ, ba tháng sâu phá ổ loét của chồng mày, sao mày không chăm cho Xạ? Mày để nhà mày thối hoắc, chẳng ai dám đến gần chồng mày.
- Lời nói của ta đối với nó như dây rơm buộc chân voi. Đời đàn bà khác gì đời củi đốt bếp. Nó không bao giờ cho ta xem ổ loét.
Thào Mạ nói xong, quay sang Xay Xua, cầm lấy tay cô nói:
- Mày cứu được mấy đứa con trai, con gái, coi như bắt được con ma nhỏ. Nay mày cứu được Xạ, tao coi như bắt được con ma lớn. Dân bản ai cũng nói vậy đó.
Trong những ngày Xay Xua tất bật với việc chữa bệnh cho dân, hết làm thuốc lại quanh quẩn đi tìm lá, Chân tập trung vào việc phơi thảo quả và phân loại theo chất lượng. Bên ngoài là thế, nhưng bên trong, anh suy nghĩ rất lung về khâu đột phá nắm tình hình hoạt động của các đối tượng. Anh cố gợi chuyện mấy lần, nhưng Xạ cứ lảng tránh bằng cách bày bàn đèn, bám rịt tẩu thuốc. Có điều lạ là đàn ông trong bản đi nương suốt ngày, tối mịt mới về, ăn xong liền khép cửa đi ngủ. Dường như mọi việc mua bán, chữa bệnh cho con cái, họ phó mặc các bà vợ. Họ cố ý lẩn tránh những người lạ mặt. Một hôm, Xay Xua đi nương về, vừa thả chiếc lù cở chất đầy lá xuống, đã gọi Chân tới, rỉ tai nói:
- Em đi khắp bờ suối, chân rừng, gặp rất nhiều chỗ họ vứt lông gà, đổ lông lợn rải rác khắp nơi.
- Họ cúng vua, giết bao nhiêu gà lợn, hẳn rác thải nhiều.
Đôi mắt Xay Xua thoắt sáng lên, nụ cười đượm vẻ lạ lùng, nửa ra ý ngạc nhiên, nửa có phần trách móc trước câu nói của Chân.
Cô nói ngay:
- Rác thải nhiều nhưng toàn là lông gà trắng, lông lợn trắng!
Chân giật mình:
- Thế ư? Giết hết vật nuôi trong nhà có bộ lông trắng là tín hiệu cúng vua, chờ vua ra đấy. Họ làm im lặng quá nhỉ.
- Thử anh một chút thôi mà. ở bản Ma Can heo hút này, phỉ có nổ súng, ủy ban xã cũng chẳng biết nữa là nhen nhóm xưng vua, đón vua.
Chân hướng dẫn cho Xay Xua cách gợi chuyện Thào Mạ để đi sâu tìm hiểu tình hình. Một hôm, lúc cùng đi làm cỏ nương, Thào Mạ nói với Xay Xua:
- Mày chữa cho Xạ lành chân được, tao vừa mừng, vừa lo.
- Sao chị lại lo?
- Hắn tập tễnh đi lại được là theo người ta vào rừng ngay. Tao không lo mất nó trên giường bằng mất nó ngoài rừng.
- Rừng nuôi ta, rừng không làm hại ta mà!
- Nhiều chuyện lạ lắm Xay Xua ơi! Lũ đàn bà chúng ta chỉ biết bươi chải cái vườn còn bọn đàn ông a, họ đòi lấy tiếng gà gáy chống vòm trời cao. Nỗi lo của tao dài hơn tiếng hú.
Xay Xua vin lấy câu nói ấy của Thào Mạ, nói bâng quơ:
- Có người nói với tôi, ở Ma Can sắp có động rừng. Thào Mạ có biết không?
Thào Mạ bấm tay Xay Xua:
- Lên tới nương, tao sẽ nói.
Lúc hai người ngồi nghỉ trưa trên một tảng đá trồi, dưới bóng cây đu đủ, Thào Mạ mới ghé tai Xay Xua dặn dò:
- Tao nói, mày nghe rồi nuốt xuống bụng, đừng vận lên miệng nhé.
Xay Xua gật đầu im lặng.
- Người già thường dạy: "Khi đã tin nhau thì có điều gì nhỏ bằng tơ nhện cũng nói". Sắp động rừng thật rồi. Ngày Xạ còn đi lại được, có ba người lạ đến chơi rủ ra rừng. Khi trở về, Xạ bảo tao: "Vua Mông ta sắp ra đấy". Chỉ mấy hôm sau, cả bản biết tin vua sắp ra. Vua mặc quần áo vàng, ai không thờ, vua sẽ làm con hổ cắn chết. Lúc vua ra, trời tối bảy ngày bảy đêm, đất bị san bằng, không còn đồi núi; ba năm sau, mọc cây to làm nhà, không làm cũng có ăn. Để đón vua khi trời tối, phải mặc quần áo mới, vứt quần áo cũ, phải giết hết gà trắng, lợn trắng. Phải mổ lợn, thắp đèn bảy ngày đêm. Vua ra thì bố mẹ sống lại. Thế đấy.
- Vậy nhà Thào Mạ đã cúng chưa?
- Cúng rồi. Bàn thờ vua còn để trong buồng của Xạ. Nhà tao phải nộp một con gà và hai đồng bạc trắng để làm lễ thờ vua.
Đột nhiên, Thào Mạ hỏi lại:
- Ở dưới bản của mày cũng làm giống như chúng tao, có phải không?
Xay Xua ậm ừ, không trả lời. Những chuyện Thào Mạ vừa nói, Xay Xua không thể moi được một chút gì từ cửa miệng bà Sầm. Bà chỉ rỉ tai nói với cô: "Chuyện đón vua ai nói lộ ra sẽ bị cọp beo cắn chết".
Xay Xua cũng ngạc nhiên vì sao Thào Mạ kể chuyện với cô một cách dễ dàng như vậy. Cô nói với Thào Mạ:
- Chị nói lộ chuyện này không sợ cọp beo của vua à?
- Trước kia tao tin vua bằng cái bụng, bây giờ tao chỉ tin ở ngoài da. Mày còn trẻ chưa thấm nỗi khổ này. Vụ phỉ Đồng Văn, tao mất thằng con trai. Vụ phỉ ở Xi Ca Hồ, tao mất chồng mới phải ghép với Xạ, một lão nghiện oặt. Trước kia cũng chỉ vì đi theo vua mà Xạ để vợ chết bệnh. Lần này, tao chẳng làm gì được Xạ, nhưng tao đã báo trước rằng Xạ bỏ nhà đi ngày nào là tao ăn lá ngón ngày ấy.
- Xạ có sợ không?
- Biết có, biết không? Còn mày nữa, mày còn trẻ, mau mau rời khỏi Ma Can này đi.
Việc trưởng bản Xạ tiếp tay bọn đối tượng lạ mặt, rục rịch nhen nhóm xưng vua đã rõ. Chân có cách lấy tin riêng. Hàng ngày anh chơi quay, vật nhau với lũ trẻ, làm quen dần với chúng. Anh làm được một môn xiếc đơn giản là quay chiếc đĩa trên đầu que tre. Bọn trẻ con vô cùng thích thú. Đến môn chống hai tay trồng cây chuối thì các em bám riết lấy anh đòi dạy cách lấy thăng bằng. Người ta thường nói: "đi hỏi già về nhà hỏi trẻ". Chân làm theo bài bản ấy. Anh biết trong gian buồng tối om của Xạ có đặt một bàn thờ cúng vua. Cách bày biện rất đơn giản: một chiếc ghế ngồi, trên đặt một chén nước; ngang vách dán một tờ giấy đỏ. Chân nhẩm tính: "Bây giờ có thể bắt đầu bước hai rồi!".
Nói đến các bước công tác chống xưng đón vua, Chân lại nhớ tới chính ủy Chử Thanh, con người mà anh quý mến từ những ngày mới nhập ngũ. Hồi ấy, ông còn làm tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn biên phòng Tây Bắc. Xuống đơn vị tân binh, ông chú ý từng nơi ăn chốn ở của chiến sĩ. Ông nhắc nhở cán bộ cả việc tổ chức nơi đi vệ sinh của đơn vị. Lính Tây Bắc phần đông xa nhà; ông hiểu điều ấy nên thường tìm gặp và chuyện trò với chiến sĩ.
Lần đi tiễu phỉ đầu tiên năm 1959, ông xuống tận tổ trinh sát của Chân và dặn đi dặn lại một điều:
- Trong công tác chống nhen nhóm xưng vua, chống phỉ phải nắm chắc ba bước công tác. Thứ nhất phải nhanh chóng thu thập mọi tin tức về các loại đối tượng. Thứ hai là phải trấn áp đầu sỏ và bước quan trọng nhất là phát động quần chúng, phân hóa đối tượng, cô lập đầu sỏ.
Hiện giờ, ông đã là thượng tá, Trưởng ty công an kiêm chính ủy Công an vũ trang tỉnh.
Chân còn đắn đo một điều là khi anh đã ra mặt trấn áp trưởng bản Xạ thì cái vỏ bọc của anh trong vai cán bộ thu mua sẽ lộ ra, hoạt động bí mật của anh sẽ mất tác dụng. Chỉ còn một cách duy nhất là tấn công đến cùng và khống chế được đối tượng. Anh chuyển giường sát vách buồng Xạ. Mấy hôm đầu, chỉ là những câu chuyện làm ăn bình thường. Một đêm, Xạ nằm hút thuốc phiện trong buồng, không bắt chuyện. Đến thật khuya, Chân đang mải suy nghĩ chưa biết vì nguyên cớ gì thì nghe tiếng Xạ hỏi vọng qua bức vách:
- Cán bộ đã đi ngủ chưa?
- Còn thức. Có việc gì vậy?
- Cái chân tao đỡ nhiều lắm rồi. Cái miệng chén giờ đã thu lại nhỏ hơn miệng nõ điếu. Tao cứ tưởng ông bà gọi đi từ bữa lên cơn sốt. Tao muốn hỏi Xay Xua lấy tiền bao nhiêu, tính ra lợn, gà hay thảo quả cũng được. Tao may, được ngọn gió lành đưa mày đến cửa mà.
Chân đáp nhanh:
- Sáu lọ thuốc kháng sinh với một ít thuốc bột có đáng là bao.
- Tao có tiền. Người Mông ta không quen xin không ai cái gì cả.
- Xay Xua bảo rằng anh Xạ cho cán bộ thu mua ở nhờ, "vợ ngọn" của Xạ đi rừng, đi rẫy với Xay Xua, đối lời với nhau rất hợp. Xay Xua thương Thào Mạ bị cái khổ theo suốt đời như cái bóng. Vậy nên, không tính tiền nong gì cả, chẳng ai phải xin ai. Có xứng không?
Xạ nằm im một lát, chợt hỏi:
- Ai nói với nó tao có "vợ gốc, vợ ngọn?"
- Thì cả bản này ai chẳng biết "vợ gốc" của ông đã chết bệnh năm nào khi anh bỏ bản mà đi.
Im lặng. Qua bức vách, Chân nghe rõ tiếng Xạ thở dài.
Một hôm khác, khi đã lết đi được vài bước, Xạ ôm bàn đèn ra buồng ngoài nằm hút, rủ Chân nằm xuống bên cạnh. Chân từ chối hút thuốc phiện nhưng vẫn ngồi xuống cạnh Xạ. Mới có mấy ngày mà trông Xạ hốc hác hẳn, nước da tái nhợt. Rõ ràng cơn đau bột phát đã làm cho Xạ cơm chẳng buồn nhá, cá chẳng buồn ăn. Mái tóc xoăn của anh vốn dài chấm vai, đây đó đã hiện ra những sợi tóc bạc. Duy đôi mắt đen của Xạ đã hết vẻ buồn chán, le lói một ánh sáng kỳ lạ.
Chờ cho Xạ kéo xong mấy điếu, Chân hỏi:
- Ông Xạ có đủ thuốc dùng không?
- Thuốc của tao tính cân chứ không tính lạng.
Chân cười:
- Ông trưởng bản giàu thuốc như vậy sao mùa ngô tháng sáu vừa qua, ông bắt dân gom thuốc phiện nhiều đến thế. Những ba cân, do mười tám hộ góp lại. Tôi đọc tên từng người đã nộp thuốc cho ông nhé.
Xạ mở đôi mắt tròn xoe, miệng lắp bắp:
- Mày biết chuyện ấy ư? ờ, mà số thuốc ấy tao không dùng hết cho tao, tao nộp cho chủ tịch Lỳ Choóng.
- Để làm gì?
- Để cán bộ xã tiếp khách.
Chân hỏi dồn:
- Còn mỗi nhà phải nộp một con gà và hai hào bạc trắng, ông thu về nộp cho ai?
- Nộp cho Lỳ Choóng.
- Để làm gì?
Xạ im lặng không đáp. Miệng anh ta lẩm bẩm điều gì đó như đang gặm chiếc đùi gà. Chân bảo:
- Tôi biết hết rồi, ông trưởng bản ạ.
- Mày là ai mà thò tay vào công việc của tao?
- Hẵng biết tôi là một cán bộ của Nhà nước, của Chính phủ. Anh thu thuốc phiện, thu bạc trắng và gà qué của dân bản là làm khó cho dân, không đúng cái lý của Chính phủ rồi.
Xạ cãi:
- Lỳ Choóng cũng bảo tao nộp cho Chính phủ, nộp để giúp bộ đội. Chủ tịch xã không phải là Chính phủ của một vùng a? Mày lên xã mà hỏi ông chủ tịch.
- Ông trưởng bản làm thế là sai rồi. Dân bản họ kêu đấy.
Chân tạm dừng câu chuyện ở đó. Anh muốn để Xạ suy nghĩ thêm. Đòn phủ đầu có hiệu quả. Đêm ấy, Xạ không ngủ được. Tiếng kéo tẩu thuốc của anh ta không đều đặn như trước, cứ ngắt từng hơi rời rạc. Ngày hôm sau, Xạ không mang bàn đèn ra buồng ngoài nữa. Anh ta nhúc nhắc lết lại gần bếp lửa, ngồi cạnh Chân. Chân kéo đòn gỗ cho anh ta ngồi. Xạ lên tiếng trước:
- Bụng tao giá mà là quả trứng thì tao đập cho mày xem bên trong.
Chân đáp thong thả:
- Tôi e quả trứng của ông đem đập ra đã thối một nửa đấy.
- Tại sao mày lại nói vậy?
- Vì ông đã bị người xấu lôi kéo vào việc làm sai. Sai nhiều hơn những việc tôi nói với ông hôm qua.
Đôi mắt Xạ lại mở tròn, kéo hai hàng mi ngắn lại. Lòng tự tin lúc ban đầu của Xạ bỗng nhiên tan như hạt sương gặp nắng gắt.
Chân đổi giọng xuống, buông một câu hỏi tưng tửng:
- Anh lập bàn thờ vua, phải không?
- Ai bảo mày tao cúng vua?
Cuộc đối thoại lập tức biến thành một cuộc đối khẩu. Chân nói:
- Trong buồng anh có bàn thờ cúng vua thì tôi bảo vậy.
- Tao cúng bố mẹ, thờ ma bố mẹ.
- Cúng bố mẹ mà lập bàn thờ trong buồng là không đúng tục lệ.
- Thì tao thờ ma buồng theo phong tục người Mông.
- Người Mông ta cúng ma buồng chỉ một năm một lần. Chẳng ai dâng nước và đọc lời khấn hàng đêm như anh. Lệ cúng ma buồng phải mổ lợn chứ không được mổ gà. Anh biết quá đi chứ.
Xạ có vẻ đuối lý, giọng nói không còn dứt khoát nữa:
- Đúng, tao có thờ vua, nhưng vua nhỏ thôi, không làm to. Tao ngủ mê thấy bố mẹ về bảo thờ. Mày bảo tao bỏ thờ vua, rủi có người ốm chết mày có chịu thay được không?
- Cả bản cúng vua, cả bản vẫn ốm đau, anh cũng không thoát, có đúng không?
Xạ hết cãi, nói xẵng:
- Mày bảo người Thái, người Lào bỏ lễ cũng sên mường đi chúng tao mới bỏ cúng vua. Mày là người Thái, có dám bỏ cúng sên mường không?
Chân lấy que cời than cho lửa bếp cháy đỏ. Anh nhìn thẳng vào mắt Xạ, nói rành rọt:
- Sên mường là lễ cầu phúc mỗi năm làm một lần; làm công khai, có xin phép chính quyền. Chính phủ không ngăn cấm phong tục cổ truyền có từ đời ông đời cha. Anh tổ chức cúng vua anh xin phép ai? Tôi biết những con gà và bạc trắng chạy đến chỗ nào rồi.
Xạ quay phắt lại, giọng gắt gỏng:
- Nhưng mày là ai mà miệng mày thổi hết cơn gió độc dồn tao?
Chân nhìn xoáy vào mắt Xạ, hỏi lại:
- Anh Xạ này, tôi hỏi anh có nhớ ông Chử Thanh, công an tỉnh không?
- Chử Thanh à, tao nhớ quá đi chứ!
- Nhớ gì về ông ta nào?
- Tao chẳng muốn nhắc lại chuyện cũ, buồn lắm. Chỉ biết tao ơn ông ấy cả đời. Trong cái vụ theo vua năm nọ, không có ông ấy mở rộng lòng như cánh chim thì tao đã vào tù rồi.
- Lần này ông Chử Thanh, Trưởng Ty công an nhờ tôi đến thăm anh đây.
- À...à, tao biết rồi. Nhưng làm sao ông ấy biết tao ở cái xó này?
Giọng của Xạ đã lộ vẻ lo sợ. Chân nói một cách tự nhiên:
- Người ta làm công an tỉnh mà không biết tên các trưởng bản hay sao? Với lại, tuy anh được tha tù lần trước nhưng người ta vẫn theo dõi sự tiến bộ của anh. Ông Chử Thanh nhờ tôi nhắn với anh hãy giữ mình là người tốt. Ông ấy còn dặn nếu gặp trường hợp anh có vướng vào việc gì chưa tốt thì hãy khuyên bảo anh.
Xạ gật gù không nói gì. Nét mặt anh ta đã bớt vẻ căng thẳng. Xem chừng Xạ đã chịu nghe sau khi anh nhắc đến tên đồng chí Trưởng Ty công an tỉnh. Chân bắt đầu phân tích cho Xạ rõ âm mưu của bọn phản động gây vụ xưng vua, đón vua để lừa bịp và tập hợp quần chúng, tiến tới gây bạo loạn. Anh nói thêm, cố ý nhấn mạnh từng lời:
- Anh Xạ cứ nhớ lại người nhà ta đã tham gia vào bao nhiêu vụ xưng vua, gây phỉ trong vài chục năm nay. Gia đình, dòng họ, cả anh nữa chịu tổn hại biết bao nhiêu. Anh không thể đi với bọn người xấu như gà trống một lồng, trâu đực một chuồng được.
Giọng Xạ trở nên khẩn khoản:
- Mày về nói với ông Chử Thanh rằng tao đã biết cái sai, rằng tao xin ông tha cho một lần nữa. Dao rời khỏi vỏ mới biết sắc cùn. Lúc mày mới đến tao thấy mày là một cán bộ thu mua tốt. Bây giờ tao biết thêm mày là người của ông Chử Thanh. Mày có bắt tội tao không?
- Anh đã nhận điều sai thì chẳng ai bắt tội. Chẳng hay anh Xạ có thật lòng không?
- Mày là người Thái nhưng nắm cái lý người Mông như nắm đằng chuôi. Mày là con gà rừng cựa nhọn như gai vậy mà lời nói của mày lọt tai, bằng bụng. Tao thật lòng nói với mày.
Câu chuyện tạm dừng ở đó. Chân nghĩ: "Đã chắc Xạ thật lòng chưa? Còn chờ xem". Khi chưa vào cuộc, anh có hai điều lo. Một là lấy tư cách gì và dựa vào uy lực nào mà một cán bộ thu mua như anh có thể khuất phục được trưởng bản. Xạ có thể phản ứng quyết liệt, có khi hô tay chân đến trói anh lại như chơi. Hai là Xạ có thể bỏ trốn, đi biệt tăm. Điều lo thứ nhất, anh đã vượt qua bằng cuộc đấu lý. Hơn nữa, cái uy và cái tình của thủ trưởng Chử Thanh thấm sâu và bền vào lòng Xạ đã hỗ trợ anh. Điều lo thứ hai, rất có thể xảy ra nếu Xạ lành chân và đi đứng trở lại bình thường. Được thế, dù được Xay Xua chạy chữa tận tình, Xạ cũng phải chờ mươi hôm nữa. Anh đang tính đến cuộc tấn công quyết định sắp đến. Mục tiêu chính chưa đạt được. Anh phải nắm rõ tổ chức nhen nhóm xưng vua ở Ma Can hình thành như thế nào, ai là kẻ cầm đầu. Xạ có thực lòng hay không, qua đợt trao đổi sắp tới mới rõ.
Ngược với sự tính toán của Chân, Xạ chủ động gặp anh, nêu lên một yêu cầu khá bất ngờ. Xạ nói:
- Mày bảo mày không bắt tội tao, vậy mày có dám ăn thề không?
- Được, nhưng anh có dám nói cho tôi biết mọi chuyện không?
- Chuyện gì nữa?
- Anh mới nhận có cúng con ma nhỏ. Còn chuyện con ma to anh chưa nói.
Vầng trán Xạ khẽ nhăn để lộ đôi chút lo lắng. Anh ta lé mắt nhìn Chân. Bắt gặp nét mặt kiên nghị và đôi mắt như hai mũi khoan của Chân, Xạ đáp một cách tự nhiên:
- Mày đã bóc bụng nghĩ của tao như bóc cái bánh rồi. Việc nhỏ việc to gì mày cũng biết. Còn hỏi làm gì?
- Tất nhiên là thế. Tôi chỉ muốn tự anh nói ra. Chẳng hạn, có việc gì mà anh phải cúng bò? Người Mông ta chỉ cúng bò trong hai việc, hoặc là lúc bố mẹ chết, vì nghèo không cúng được, đến khi có của mới cúng, hai là để giải hạn cho người hiếm đẻ. Lễ cúng bò phải làm trước sân nhà mình, anh không làm thế, anh đem ra cúng ngoài rừng, có đúng không?
- Có đấy! Chúng nó ép tao phải làm.
- Thế còn mấy chân hương cắm cạnh gốc cây lớn ngoài rừng?
Nụ cười phảng phất trên miệng, trong mắt Xạ. Giọng anh ta trở nên cởi mở hơn:
- Để tao kể hết, kẻo mày lại ngờ tao không thật lòng.
Bên bếp lửa, Xạ kể cho Chân nghe đầu đuôi câu chuyện. Cuối mùa thu hoạch ngô vừa qua, có một người thợ săn đến bản Ma Can loan tin vua Mông sắp ra. Tiếng đồn lan truyền khắp bản. Lòng người xôn xao. Lần sau người ấy đến bảo Xạ quyên góp bạc trắng, gà trắng. ít lâu sau, có ba người lạ, tất cả đều là người Mông nhắn Xạ ra rừng, bày vẽ lễ cúng vua. Dạo ấy, chân Xạ chưa bị phá dữ, việc đi lại không có chuyện gì. Xạ bảo lúc trước cái tin vua sắp ra, dắt bò ra rừng làm lễ cúng vua. Ba cây hương đốt lên mở đầu buổi lễ. Thịt bò xả ra, họ mang đi hết. Theo lời dặn của người thợ săn, Xạ về rủ rê dân bản, gom được sáu người nữa. Họ bảo cứ nằm im chờ đợi.
Chân gợi ý:
- Mặt mũi người thợ săn và những người lạ khác như thế nào?
- Họ toàn đến tìm gặp vào ban đêm, nhìn không rõ mặt. Riêng người thợ săn quấn khăn trùm đầu, bên hông có đeo súng ngắn.
- Thế chủ tịch Lỳ Choóng có nói gì về chuyện vua sắp ra không?
- Lỳ Choóng lên Ma Can vào những dịp thu gom thuốc phiện, không có người lạ đi theo bao giờ. Tao có dò hỏi tin vua sắp ra thì ông ta bỏ qua, chẳng nói có cũng chẳng nói không.
- Ông ấy đã từng nhận gà trắng, bạc trắng, hẳn anh phải đoán ra.
Xạ lắc đầu, mớ tóc dài bù xù đung đưa như vẫy quạt:
- Ờ, những lúc ấy, bụng tao rối như bụi gai, chỉ dám hỏi dò mà không nghĩ ra điều mày mới nói.
Chân nắm lấy bàn tay Xạ, an ủi:
- Bây giờ tôi đã rõ gan anh đắng hay bùi. Những lời anh nói tôi ghi lại hết để ông Chử Thanh biết rõ câu chuyện. Nào, chúng ta ăn thề với nhau: không ai làm hại ai, giữ kín chuyện hai người bàn bạc trao đổi với nhau.
Xạ mau mắn đi bắt gà. Chân bổ sung một đoạn ghi chép đang viết dở, có tên họ những người tham gia nhóm đón vua.
Lễ ăn thề khá đơn giản. Xạ và Chân cùng nắm lấy con gà, kẻ giữ cánh, người giữ đầu. Trước khi dơ con dao lên cắt tiết gà, Xạ nghiêm chỉnh xướng lời thề dứt khoát từ bỏ việc làm xấu, đi theo bọn xưng vua. Chân cũng thề không làm hại cuộc đời của Xạ, không bắt tội Xạ. Ai trái lời thề sẽ chết như con gà.
Bát rượu hòa tiết gà được san đều, cả hai người cùng uống cạn. Xạ vui vẻ in dấu tay vào bản ghi chép, đôi mắt một mí ánh lên niềm tin và sự thanh thản. Chân dặn dò Xạ cách ứng xử trong mọi trường hợp tiếp cận với bọn đối tượng từ xa đến. Anh nói thêm:
- Ông Chử Thanh sẽ rất vui mừng khi được báo cáo về sự hối cải và việc cộng tác của anh. Tôi sẽ trao đổi với anh tín hiệu liên lạc. Còn chỗ các thồ hàng thảo quả, anh không chở về xuôi cùng một chuyến. Hãy chia ra nhiều đợt, mỗi đợt là một lần trao đổi thông tin.
Chân và Xay Xua rời bản Ma Can khi bên chân bị sâu quảng của trưởng bản đã gần kín miệng. Chỉ có hai con ngựa thồ theo chân họ quay về Ma Sín.
Dọc đường, Xay Xua nói với Chân:
- Em những tưởng Xạ sẽ không chịu thú nhận bất cứ điều gì. Vậy mà chỉ trong mười ngày, mọi việc xong xuôi. Ngoài dân bản chẳng ai hay biết chuyện gì. Hóa ra vào việc, anh Chân nghĩ chín như trái cây.
Chân cười đáp:
- Không có bà bác sĩ thì chẳng thể nào xâm nhập vào mớ bòng bong này. Chẳng hạn lần mò ngoài rừng phát hiện ra nơi mổ bò và gốc cây cắm ba chân hương. Công tác y tế của Xay Xua lại giúp tôi mở cánh cửa đi vào tâm tư và ý nghĩ của Xạ.
Nghĩ lại, có điều lạ là chúng ta chẳng có giấy tờ hợp pháp nào để hỏi chuyện Xạ. Chỉ dựa vào cái ân, cái uy của đồng chí Chử Thanh. Cả tôi lẫn Páo còn phải học ở ông nhiều điều.
Sở dĩ Chân không xuôi Mù San, Pa Vệ Sử về Xín Chải cùng Xay Xua, vì anh có công việc cần thiết phải ghé qua bản Ma Sín.
Anh vừa dắt ngựa bước vào sân nhà Dân Dơ đã thấy mọi người đang xếp chồng những vỏ bẹ cây móc sau một ngày phơi nắng. Chị Dân Dơ thoáng thấy Chân trở về, vội vã kêu lên:
- Cán bộ về đấy à. Chúng tao đã thu lượm được nhiều bẹ cây móc như thế này đó. Trong nhà có nhiều túm sợi được tuốt sạch. Cán bộ có vui không?
Chân vui vẻ chào mọi người. Nhà Dân Dơ cùng một vài nhà trong bản đã nghe theo lời chỉ dẫn của anh, tước sợi cây móc để bện đai ngựa thay cho dây rừng và dây gai. Đây là một mặt hàng rất được ưa chuộng ở khắp các vùng người Mông và người Hà Nhì. Anh chưa có thời giờ để xem xét nguyên liệu thô mà bà con đã hăng hái đi thu lượm về.
Việc đầu tiên Chân làm khi vào trong nhà là lấy cái túi vải anh treo trên tường, tìm cuốn sổ tay ghi chép các con số, các sự việc liên quan đến công tác thu mua. Giở trang bìa đầu tiên, anh thốt lên: "Mất dấu". Kiểm tra kỹ, anh chẳng tìm thấy hai sợi tóc anh đã cố ý đặt vào trước khi đi Ma Can.
Chân định tranh thủ đi ngủ sớm để sáng mai kịp xuôi về Xín Chải nhưng không được. Sau bữa cơm tối, quanh bếp lửa, người kéo đến mỗi lúc một đông. Bà con dân bản nghe tin anh trở về yêu cầu anh hướng dẫn tỉ mỉ hơn về cách bện đai ngựa bằng sợi móc. Dưới ánh đèn dầu hỏa, Chân bày cho họ cách chuốt từng bó sợi, cách nối sợi trong lúc xoắn thành túm. Khó nhất là cách bện chéo nhiều túm sợi thành chiếc đai ngựa. Người Mông vốn rất thông minh. Họ quan sát từng động tác của anh rất kỹ. Sau chiếc đai mẫu, chị Dân Dơ là người đầu tiên thao tác bện đai. Sản phẩm đầu tay của chị là một chiếc đai bện đều, dày óng ả, khiến mọi người trầm trồ, đến Chân cũng phải ngạc nhiên. Chân nói với bà con:
- Lần sau tôi lên đây, sẽ thu mua hết hàng của bà con. Hôm nay xin ứng tiền trước. Mặt hàng này, bên Viên Bình, tiêu thụ mạnh hơn bên ta. Chúng tôi đã có hợp đồng với cơ quan biên mậu bên ấy. Rừng là tiền đó, bà con ạ. Chỉ có điều là ta chưa biết làm ra tiền thôi. Các bản Hà Nhì phía dưới đi trước ta rất nhiều. Dầu thắp, muối ăn, chỉ thêu ta đang thiếu thì lấy của rừng mà đổi lấy. Được không, bà con?
Mọi người cùng ồ lên vui vẻ.
Chân đưa mắt nhìn quanh, chợt nhận ra phía sau đám các bà, các chị ngồi vòng quanh gần bếp lửa, dần dần xuất hiện nhiều bóng nam giới ngồi sát mép vách gỗ xa xa, lẫn vào chỗ tối. Một gương mặt lờ mờ, nổi lên nước da đỏ sậm như gỗ sa triêng, khác với mọi người khiến anh để ý. Chiếc khăn buông thõng che kín nửa khuôn mặt gợi cho Chân nhớ đến một hình ảnh nào đó mà anh đã từng được nghe lời tả. Chân tảng lờ coi như không để ý điều gì, tiếp tục vui vẻ trò chuyện với dân bản. Chợt từ trong bóng tối, có tiếng ai hỏi:
- Cán bộ thu mua người Thái giỏi tay đan bện, chúng tao thích lắm. Vậy cán bộ người ở đầu núi, cuối sông nào ta?
Chân đáp ngay:
- Đừng gọi tôi là cán bộ. Tên tôi là Chân, Lò Văn Chân, người xứ Sông Mã, bản Púng Bánh tận dưới Sơn La.
- Bản Púng Bánh à? Bản Xăm Kha người Mông ta cũng ở liền kề. Chẳng hay cán bộ có biết không?
- Hồi chưa thoát ly, tôi thường lên đó. Vậy ra ông quê ở Xăm Kha à?
Chân nghe tiếng đáp mà chẳng thấy mặt người:
- Ta thường đi Xăm Kha thăm dòng họ. Ta hỏi cán bộ: bản Xăm Kha và bản MaSín đây khác nhau cái gì nào?
- Khác nhiều lắm. Rừng Xăm Kha nhiều cây diềm p'le, hoa vàng đẹp như lụa, rừng MaSín nhiều cây ca-cha.
- Đúng. Còn gì nữa?
- Nương MaSín lắm quả ta-ranh, từng chùm treo đỏ rực bờ suối. Còn rừng Xăm Kha lắm củ sâm đất, nước nấu lên uống ngọt và mát. Chỉ có con chim pích-poòng ở rừng ta không có.
Những câu nói của Chân tuy giản dị nhưng được bà con trầm trồ bàn tán. Chân bất giác tự nhủ thầm: "Có ai đó muốn kiểm tra mình đây!" Chợt từ phía vừa phát ra tiếng nói, có ai đang rít thuốc lào sòng sọc. Ai đó vừa quẹt diêm. Trong ánh lửa lóe lên, Chân nhanh mắt nhìn người quấn khăn bông trên đầu. Chỉ trong chớp mắt, anh ghi nhận được đôi mắt một mí xếch lên khác thường, hai cánh mũi cao và mỏng. Chân sực nhớ người quấn khăn này, Xạ đã từng gặp ở Ma Can và đã kể lại với anh.
Khi mọi người đã tản ra về, Chân hỏi Dân Dơ:
- Người quấn khăn trên đầu vui tính ấy là ai?
- Một lão thợ săn thỉnh thoảng ghé vào đây, không ai biết tên.
- Không phải người bản ta.
- Cũng là người qua lại như cán bộ Chân nhưng chỉ thi thoảng.
Chân bất ngờ hỏi tiếp:
- Bấy lâu nay có ai ở xa đến thăm nhà ta không, anh Dân Dơ?
- Chẳng có ai. à, có chủ tịch Lỳ Choóng đến nhà nhưng hôm ấy tôi đang ở trên nương với vợ. Chỉ có bà cụ già ở nhà.
Chân không hỏi gì nữa, lên giường đi ngủ. Anh chợt nghĩ về Lỳ Choóng.
Ngay sáng hôm sau, anh dậy thật sớm, cưỡi ngựa về xuôi. Thủ trưởng Chử Thanh đã hẹn ngày gặp riêng anh ở Xín Chải.