Live outside the box (Hãy sống vượt ra ngoài giới hạn của chiếc hộp)!
Slogan cá nhân của bạn Nguyễn Ngọc Hoa
Thành viên nhóm trải nghiệm bán máy rửa bát
Nghề nghiệp quan tâm: Marketing
Live outside the box (Hãy sống vượt ra ngoài giới hạn của chiếc hộp)!
Slogan cá nhân của bạn Nguyễn Ngọc Hoa
Thành viên nhóm trải nghiệm bán máy rửa bát
Nghề nghiệp quan tâm: Marketing
Tìm được cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp trong thực tế không dễ dàng, vì thế chúng tớ quý trọng những cơ hội ấy. Chúng tớ quyết tâm bứt phá ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm đáp án cho hai câu hỏi hấp dẫn:
(1) Đằng sau cái tên của nghề nghiệp mình quan tâm có những gì?
(2) Khi lăn xả vào trải nghiệm, phiên bản mới của mình khác gì so với hiện tại?
3.1. Weewee hướng nội và nghề đầu bếp
Bếp danh: Weewee
Slogan cá nhân: Cuộc sống như một kì thi mà tôi không được học trước.
Vị trí trải nghiệm: Bếp phụ thực tập
Lý do trải nghiệm: Từ nhỏ, mình đã yêu thích việc nấu ăn và rất tò mò về nghề đầu bếp. Làm nghề này có phải sẽ bước vào một cuộc sống êm đềm, chỉ việc chăm chút cho những món ăn như trong tưởng tượng của mình không?
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
Tớ: Weewee / Học sinh lớp 10 - Trường THPT Hoàng Văn Thụ
Ngành: Ẩm thực nhà hàng
Nghề: Đầu bếp
Cơ sở: Nhà hàng 111 - Chuyên lẩu và các món nhậu
Mentor: anh Hà Thư Hoàn (Bếp chính nhà hàng)
Thời gian: 6 buổi
Mục tiêu
+ Tìm hiểu và thử thực hành nghề đầu bếp.
+ Rèn luyện kĩ năng giao tiếp.
+ Thử “độ bền” của bản thân.
Đề bài
+ Mô tả các hoạt động, các bộ phận vận hành của nhà hàng diễn ra trong một ngày.
+ Thực hành kĩ năng làm bếp.
+ Chế biến hoàn chỉnh món “Ếch chiên bơ tỏi”.
Lộ trình
Buổi 1: Gặp riêng và thống nhất đề bài, mục tiêu, kế hoạch làm việc cùng mentor.
Buổi 2: Làm quen với môi trường ở nhà hàng.
Buổi 3: Quan sát công việc của bếp chính và bếp phụ.
Buổi 4: Học kĩ năng sử dụng dao, kĩ năng sơ chế nguyên liệu.
Buổi 5: Học kĩ năng chiên rán.
Buổi 6: Học làm món “Ếch chiên bơ tỏi”.
Tớ yêu việc nấu ăn!
Tớ học lớp 10. Với tớ, việc nấu ăn rất “ngầu”, từ những nguyên liệu bình thường có thể chế biến ra biết bao món ăn với nhiều hương vị tinh tế khác nhau. Nấu ăn là một môn nghệ thuật! Thế nên tớ bắt đầu quan tâm đến nghề đầu bếp. Nghề này mang đến cho mọi người một niềm vui độc đáo, đó là niềm vui ăn uống. Nhờ đó mà thế giới vị giác của con người được khám phá, mở rộng và trở thành một thế giới vô cùng hấp dẫn. Đầu bếp tài năng là người nghệ sĩ trong thế giới ẩm thực.
Chương trình truyền hình yêu thích của tớ là MasterChef, đặc biệt là phiên bản của Úc. Trong đó, tớ cực kì ngưỡng mộ anh đầu bếp Reynold Poernomo, thí sinh mùa 7 và mùa 12. Reynold Poernomo nổi tiếng với món tráng miệng “White Noise” vừa đơn giản vừa tinh tế. Tớ cũng hay nấu ăn và có ước mơ giản dị là được nấu món ngon cho những người thân yêu của mình thưởng thức. Món tủ của tớ là tonkatsu. Lần nào làm món này tớ cũng được gia đình khen ngợi. Điều này khiến tớ thấy tự hào, một phần vì tớ đã đem lại niềm vui nho nhỏ đến cho người thân và một phần vì được ghi nhận. Mỗi khi nấu ăn, cảm giác tuyệt nhất là lúc chế biến và trang trí cho món ăn đẹp mắt. À, cũng có điều tớ không thích trong công việc này, đó là chuyện quần áo luôn bị ám mùi, nhất là khi tớ đứng một lúc lâu để làm mấy món hải sản tanh ngòm. Nhưng vì yêu thích nấu nướng nên tớ đã chấp nhận bị “ám mùi”, một thử thách khó khăn với những ai nhạy cảm với mùi hương như tớ. Dẫu sao đó cũng là một phần của người làm bếp.
Thành thật mà nói thì tớ cũng chưa có biểu hiện xuất sắc gì lắm trong các bữa ăn của gia đình, nhưng tớ vẫn quyết định trải nghiệm nghề mình thích xem thực tế như thế nào. Bố mẹ tớ ủng hộ quyết định này vì họ mong muốn tớ có thêm hiểu biết về cuộc sống và rèn luyện khả năng giao tiếp xã hội. Thế là tớ bắt đầu!
Chuỗi buổi học và trải nghiệm ấy diễn ra như thế nào?
Trước khi kể, tớ muốn nhấn mạnh rằng, các bạn sẽ không được nghe một câu chuyện trải nghiệm hoành tráng với những kết quả rực rỡ đâu. Hành trình trải nghiệm này có nhiều cái “đầu tiên” của tớ, một anh chàng hướng nội 90%, chưa tham gia hoạt động, dự án gì lớn và cũng chưa trải nghiệm nghề nghiệp bao giờ.
Ngày đầu trải nghiệm, tớ đã rơi xuống một cái hố!
Buổi làm việc đầu tiên tại nhà hàng tớ đã khủng hoảng ghê gớm. Suốt bốn tiếng đồng hồ (từ 17h đến 21h), tớ ở trong trạng thái “làm thế nào để hòa vào guồng quay công việc của mọi người bây giờ?”. Anh Hoàn rất thân thiện. Các anh chị khác đều cởi mở trò chuyện để tớ cảm thấy thoải mái. Tớ có thể quan sát thấy nhà hàng vận hành như thế nào, có các bộ phận ra sao và phong cách tiếp đón khách hàng như thế nào. Nhưng như đã nói, tớ thấy khủng hoảng. Đó là cảm giác bạn đột ngột bị nhấc ra khỏi vùng an toàn và đặt vào vùng giao tiếp hoàn toàn xa lạ, bạn chẳng quen ai trong số họ và bạn thấy cổ họng mình như đóng băng khi không biết phải nói gì, hành động ra sao và hòa nhập thế nào. Có thể ai cũng cảm thấy ngại ngùng một chút ở môi trường mới nhưng chắc không đến nỗi như tớ. Xưa nay tớ đã quen với một thế giới khép kín riêng mình. Nếu tớ cứ chấp nhận mình là người hướng nội, chẳng cần cố trò chuyện cùng mọi người làm gì mà cứ tập trung vào nhiệm vụ trải nghiệm nghề của mình thôi có phải tốt không? Nhưng tớ không làm được điều đó, tớ khủng hoảng đến độ vừa hết thời gian ở nhà hàng là tớ tìm gặp ngay cô Tumany để nói về “cái hố” trong ngày đầu tiên của mình. Tớ muốn xin lỗi cô và rút ngay khỏi chặng trải nghiệm này. Cô Tumany nghe hết những cảm xúc của tớ rồi nói: “Có lẽ em đang cảm thấy rất tệ. Nhưng cô thấy em là một chàng trai dũng cảm. Ít nhất thì em vừa trải qua mấy tiếng đồng hồ không hề dễ chịu khi bước vào một môi trường làm việc hoàn toàn khác với môi trường quen thuộc của gia đình, của lớp học. Cô biết em đã cố gắng như thế nào và quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn ra sao. Cô chỉ băn khoăn, khi cảm thấy lạc lõng ở nhà hàng, em có nhớ đến mục tiêu của mình và nhiệm vụ lẽ ra em phải làm vào lúc đó không? Còn bây giờ, em là người toàn quyền quyết định chuyện đi tiếp hay dừng lại. Em có chí hướng thử một điều gì đó nghiêm túc mà em quan tâm, đó là điều đáng trân trọng rồi.” Suy nghĩ một hồi, tớ quyết định đi tiếp. Tớ tò mò muốn biết mình có thể đi được trọn vẹn hay không và có thể thay đổi như thế nào.
Ở lì dưới hố hay leo lên và đi đến cùng?
Đến buổi thứ hai, tớ vỡ ra nhiều điều. Hồi đầu, tớ nghĩ về nghề đầu bếp rất đơn giản, rằng đầu bếp chỉ việc nấu ăn mà thôi. Nhưng khi quan sát công việc của bếp chính và bếp phụ, tớ thấy họ bận rộn kinh khủng. Để làm tốt công việc của mình, họ phải phối hợp hiệu quả với các bộ phận còn lại trong nhà hàng: nắm được yêu cầu của người quản lý, chỉ dẫn chính xác cho bếp phụ để khâu đi chợ và sơ chế nguyên liệu kịp thời, đầy đủ, phối hợp tốt với các anh chị phục vụ bàn để xử lý chính xác, đúng thứ tự các order của khách. Ở buổi này, tớ cũng cố gắng hỗ trợ các anh chị trong nhà hàng những gì có thể và quan sát kĩ thuật sơ chế, động tác nấu nướng của bếp chính, bếp phụ.
Buổi thứ ba, tớ học cách dùng dao và sơ chế nguyên liệu sống. Tớ học kĩ thuật này không nhanh như tớ từng nghĩ. Và việc sử dụng dao cũng không phải cầm vào mà thái, cắt, chặt được ngay. Buổi thứ tư, do tớ chỉ có mặt từ 17h (sau khi tan học), đó lại là khung giờ bận rộn của nhà hàng, nên tớ chưa học được kĩ thuật chiên rán như đã định. Tớ vẫn ở lại nhà hàng xem có thể hỗ trợ được gì không và tiếp tục cố gắng vào guồng cùng mọi người. Nhưng mọi thứ không dễ như thế. Trải nghiệm một mình thật buồn quá! Lần sau, nhất định tớ sẽ trải nghiệm theo đội nhóm để không cảm thấy buồn và lạc lõng. Thấy tớ ngồi thu lu một chỗ với vẻ mặt căng thẳng, cô phụ trách dự án xin phép anh Hoàn cho hai cô trò nói chuyện trong một căn phòng riêng. Khi chỉ có hai cô trò, tớ xúc động đến nỗi không thể nói được lời nào cả, dù cô cố gắng hỏi han và lắng nghe. Xấu hổ hơn là tớ khóc ngay lúc đó. Hóa ra trải nghiệm thứ gì đó mới hoàn toàn ở môi trường xa lạ lại khó khăn với tớ đến thế. Cô đưa cho tớ một cuốn sổ: “Nếu không thể nói ra, em hãy viết vào đây những gì em đang cảm thấy! Không rõ vấn đề của em thì cô không biết làm thế nào để tốt cho em!” Và dưới đây là những dòng nguệch ngoạc tớ đã viết vào cuốn sổ tay của cô trong lúc xúc động không thể nói thành lời ấy:
Đại ý là tớ cảm thấy quá khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người để có thể tương tác và thực hiện phần trải nghiệm của mình. Nhưng trong đó, tớ cũng viết rất rõ là tớ không muốn bỏ cuộc. Sau đó, cô xin anh Hoàn cho tớ về trước. Cô ở lại nói chuyện với anh Hoàn về khó khăn mà tớ đang gặp phải. Hôm sau, anh Hoàn tâm sự với tớ. Anh kể về cuộc đời đầu bếp của anh từ những ngày đầu chập chững vào nghề cho đến những khó khăn, bất ổn dọc con đường nghề nghiệp ấy. Đó là những cái hố thử thách mà nếu đầu hàng, người đầu bếp không thể đi đến cùng với nghề của mình. Nghề nào chẳng có những cái hố dọc đường đi. Tớ tự hỏi: “Vậy còn mình, mình cứ ở lì dưới cái hố hiện tại hay sẽ vượt lên và đi đến cùng?” Và tớ đã có câu trả lời của mình, chắc chắn tớ không phải một cậu chàng kém cỏi và thiếu trách nhiệm.
Buổi thứ năm đối với tớ đã nhẹ nhàng hơn khá nhiều. Tớ đã trải nghiệm làm món ếch chiên bơ tỏi các bạn ạ! Tớ và mentor đi chợ cùng nhau. Sau đó, anh ấy dạy tớ cách sơ chế ếch, trộn bột chiên và thực hiện món ăn. Động tác của tớ còn khá lóng ngóng nhưng cuối cùng thì tớ cũng tự hoàn thành được món ăn này theo hướng dẫn. Chúng tớ ăn thử ngay tại nhà hàng, may là kết quả không tệ. Phần còn lại tớ mang tới lớp học thêm cho bạn bè và mang về nhà cho bố mẹ thưởng thức.
Sau năm buổi trải nghiệm, tớ đã hoàn thành mục tiêu dù còn tiếc nuối vì chưa đủ hiểu sâu về nghề đầu bếp, trong khi lẽ ra tớ có thể thu xếp thời gian nhiều hơn. Nhờ chặng trải nghiệm này, tớ cảm thấy mình dũng cảm hơn. Chắc chắn sau này khi bước vào trải nghiệm nghề nghiệp khác, sức bền của tớ sẽ dẻo dai hơn và tớ sẽ mạnh dạn hơn. Tớ tin tưởng như thế!
Nghiệm sau trải
Đối với tớ, đợt trải nghiệm nghề đầu bếp ấy là một kỉ niệm đáng nhớ. Nhờ nó tớ mới hiểu người đầu bếp vất vả như thế nào, họ phải đứng liên tục và chịu cường độ công việc cao ra sao. Tớ suy nghĩ nghiêm túc lại sở thích theo đuổi nghề đầu bếp và biết mình còn cần rèn luyện rất nhiều, đặc biệt là về cách tương tác làm việc với người khác. Vì nghề này không như suy nghĩ hồn nhiên ban đầu của tớ rằng có vẻ hợp với một người hướng nội vì chỉ cần tập trung vào chế biến món ăn, ít phải giao tiếp với người khác. Tớ bắt đầu nhìn nghề nghiệp sâu và rộng hơn. Bài học quý giá tớ rút ra là không cần phải cố gắng thay đổi để trở thành một người quá hoạt bát khác với bản chất của mình. Tính cách không hẳn là trở ngại của nghề nghiệp, người hướng nội hay hướng ngoại đều phải biết cách giao tiếp, cách hợp tác để công việc được suôn sẻ.
BẢNG PHÁC HỌA NGHỀ ĐẦU BẾP
Mô tả công việc:
Công việc chính của nghề đầu bếp là chế biến ra các món ăn, đồ uống thơm ngon, bổ dưỡng, an toàn cho thực khách. Để làm được công việc này, người đầu bếp không chỉ cần niềm đam mê với ẩm thực mà còn cần có hiểu biết về dinh dưỡng, sự sáng tạo trong chế biến và có năng lực ẩm thực nhất định.
Yêu cầu:
▪ Nhanh nhẹn, gọn gàng, sạch sẽ
▪ Có kỉ luật, trách nhiệm và văn hóa đúng giờ
▪ Yêu thích nấu nướng và có sở trường về một ngách chuyên môn cụ thể là lợi thế lớn
▪ Thuần thục kĩ thuật sơ chế và chế biến
▪ Sáng tạo, bền bỉ
▪ Chứng chỉ nghề
Nơi làm việc:
▪ Quán ăn, nhà hàng, khách sạn
▪ Các gia đình muốn có đầu bếp riêng
▪ Khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, resort
▪ Các tổ chức, cơ quan, tập đoàn có bếp ăn phục vụ nhân viên
▪ Tự mở tiệm ăn, nhà hàng và làm việc cho chính mình
Nhiệm vụ chính
▪ Sơ chế và chuẩn bị các nguyên liệu rau củ quả, thịt, thực phẩm khác tùy vào món ăn được yêu cầu
▪ Bảo quản, trữ hàng, lên thực đơn
▪ Chế biến nguyên liệu thành các món ăn thơm ngon, hấp dẫn với những phương pháp và kĩ thuật nấu ăn ở mức cao
▪ Đảm bảo tuân thủ các quy định và chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm
Đặc điểm nghề nghiệp
▪ Áp lực công việc cao
▪ Liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người
▪ Môi trường làm việc đặc biệt: luôn ở cạnh hơi nóng của bếp, mùi dầu mỡ, nguyên liệu, gia vị nấu ăn và phải đứng, phải di chuyển liên tục
Các lĩnh vực chuyên sâu
Món Âu, món Á, món Việt, món Nhật, món Hoa, món chay, food stylist, món ăn gia đình, món ăn nhà hàng, các loại bánh,...
Khoảng lương phổ biến:
8 - 10 triệu(1)
Học vấn
Học vấn không phải là yêu cầu bắt buộc với nghề đầu bếp. Điều quan trọng nhất là trình độ tay nghề, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp. Tùy từng nhà tuyển dụng mà vấn đề học vấn được đòi hỏi khác nhau. Dù vậy, đảm bảo học vấn cơ bản là điều cần thiết với bất kì lĩnh vực lao động nào.
Nơi đào tạo
▪ Các trường trung cấp, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn.
▪ Các tổ chức, hội nhóm của giới đầu bếp. Ví dụ: Hội đầu bếp Á Âu
▪ Các nhà hàng và khách sạn lớn cũng thường tự đào tạo đầu bếp cho mình
Chú thích:
(1) Thông tin về khoảng lương phổ biến trong các bảng phác họa nghề được tra cứu trên https://jobsgo.vn/, áp dụng với phạm vi Hà Nội. Thực tế, mức lương còn nhiều thay đổi phụ thuộc vào năng lực làm việc của người lao động và khả năng chi trả của nơi tuyển dụng.
3.2. “Những quả táo vui vẻ” và nghề phóng viên truyền hình
Họ tên: Hà Lê
Slogan cá nhân: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau!
Nghề trải nghiệm: Phóng viên truyền hình
Lý do trải nghiệm: Tớ tò mò về nghề nghiệp này và còn một lý do nữa, tớ muốn tìm cho mình những người bạn chân thành. Trong đó, có lẽ lý do thứ hai còn quan trọng hơn cả lý do thứ nhất!
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
HÀ LÊ
Học viên lớp 12 trường THPT Việt Bắc
Trưởng nhóm trải nghiệm “Những quả táo vui vẻ”
Ngành: Truyền hình
Vị trí: Phóng viên
Mentor: Cô Nông Thị Hảo, trưởng ban Văn nghệ và Giải trí Đài Phát thanh và truyền hình Lạng Sơn.
Thời gian: hai tuần
Mục tiêu
▪ Hình dung được một ngày làm việc của phóng viên truyền hình.
▪ Học hỏi qua chia sẻ của người trong nghề.
▪ Thực hiện một nhiệm vụ nhỏ trong hai tuần để trải nghiệm phần nào công việc của người phóng viên.
Lộ trình
▪ Tham quan và trò chuyện với người đi làm tại các phòng ban thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn.
▪ Phân nhóm, nhận đề bài, lắng nghe hướng dẫn của mentor.
▪ Thực hiện nhiệm vụ trải nghiệm theo nhóm nhỏ; Phản hồi thông tin và nhận tư vấn góp ý của mentor.
▪ Tổng kết, chiêm nghiệm về hành trình.
Đề bài
Thực hiện một video phóng sự về chủ đề tự chọn, thời lượng dưới 5 phút.
Xin chào, tớ là Hà Lê, một học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề. “Những quả táo vui vẻ” là tên nhóm mà tớ tham gia trong dự án hướng nghiệp Tumany. Điều thú vị là một cô gái vốn chẳng còn bao nhiêu niềm tin vào tình bạn như tớ lại có thể trở thành một trong số “Những quả táo vui vẻ” chỉ sau một tháng hè. Những buổi học hướng nghiệp và hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp đều khá khác biệt so với những gì tớ từng học trong nhà trường. Tất cả đã đem lại cho tớ một mùa hè tràn đầy yêu thương với kỷ niệm đáng nhớ.
“Ok, có cơ hội thì cứ thử xem sao!”, tớ nghĩ đơn giản như thế khi bắt đầu trải nghiệm nghề phóng viên truyền hình cùng những người bạn mới toanh trong dự án. Thực ra lúc đó tớ xác định mình sẽ thi vào trường Học viện Phụ nữ nhưng lại phân vân giữa ngành truyền thông và ngành quản trị kinh doanh, trong đó tớ nghiêng nhiều hơn về ngành học đầu tiên. Vì thế, tớ chọn trải nghiệm nghề phóng viên truyền hình, đây cũng là một phần trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, và dù sao thì nghề nghiệp này cũng hấp dẫn hơn đối với tớ so với hai nghề còn lại mà ban tổ chức triển khai trải nghiệm (nghề bán hàng và nghề hướng dẫn du lịch).
Tham quan Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn!
Bạn từng tham quan Đài Phát thanh và Truyền hình nơi mình sinh sống và trò chuyện với những người làm việc ở đó chưa? Đó là một trải nghiệm thú vị, nhất là khi chuyến đi được tổ chức bài bản và các cô chú tại nhà đài sẵn lòng chia sẻ với chúng ta. Chúng tớ đã tham quan các phòng ban ở đây từ phòng Thời sự, phòng Chuyên đề, phòng Biên tập, phòng Văn nghệ và Giải trí, phòng Chương trình tiếng Dân tộc,phòng Kỹ thuật và Công nghệ, phòng làm việc của phóng viên tới phòng Truyền dẫn quan. Trong phòng Biên tập có hai cái máy chủ Server 360T siêu to lưu trữ toàn bộ dữ liệu của nhà đài trong nhiều năm. Để làm mát hai cái máy ấy, có hẳn hai chiếc điều hòa chạy suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Một trong những kỷ niệm thú vị và kích thích tất cả các bạn trong đoàn tham quan đó là trải nghiệm trường quay chính. Ở đây có chiếc máy nhắc chữ hỗ trợ các biên tập viên truyền hình có thể đọc tin tức lưu loát, trơn tru mỗi ngày. Trong buổi tham quan, bạn Lộc Văn Thái và bạn Khánh Vy được thử quay một đoạn với vị trí biên tập viên và khách mời. Chọn ngay chủ đề hướng nghiệp để phỏng vấn và thảo luận trong chương trình, hai bạn khiến các chú tại trường quay khá bất ngờ với phần hỏi đáp tự nhiên và cực kỳ dễ thương. Quay xong, chúng tớ được xem đoạn video chương trình của hai bạn tại nhà đài. Lộc Văn Thái sau đó được sắp xếp vào nhóm trải nghiệm nghề phóng viên truyền hình “Những quả táo vui vẻ” do tớ làm nhóm trưởng.
Một ấn tượng quan trọng trong chuyến tham quan là phần giới thiệu của chú Vũ Anh (phòng Kỹ thuật) về quy trình sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình. Chú ấy trạc ngoài 40 và là người bận rộn nhất trong buổi làm việc với chúng tớ, vì chú ấy là người thuyết minh về các phòng ban và công việc của nhà đài. Hơn nữa, chú ấy là người thuyết minh cực kỳ “có tâm”, đến phòng ban nào chú cũng giới thiệu chi tiết và cố gắng để chúng tớ có thể thử cái gì đó. Toàn bộ quy trình sản xuất một chương trình được chú Vũ Anh ví von như việc nấu một món ăn. Đầu tiên, phóng viên đi đến các cơ sở có sự kiện, câu chuyện, chương trình hấp dẫn để lấy tin bài, việc này cần đảm bảo đầy đủ thông tin, hình ảnh, video sau đó phóng viên dựng thô lần thứ nhất. Công đoạn này được ví với việc đi chợ tìm chọn thực phẩm ngon lành, an toàn. Bước tiếp theo các biên tập viên chỉnh sửa nội dung, kỹ thuật viên chỉnh sửa video sao cho chương trình hoàn thiện về nội dung, đẹp mắt về hình thức, đảm bảo tính chuyên nghiệp. Công đoạn này được ví với việc người đầu bếp xào nấu chế biến món ăn. Cuối cùng, hệ thống các chương trình đã được sản xuất sẽ được sắp xếp, lắp ghép vào các khung giờ phát sóng và phòng truyền dẫn quang (chú Vũ Anh còn gọi là phòng Tổng khống chế) phát đến các trạm thu sóng truyền hình để về với ti vi của mọi nhà. Công đoạn này giống như việc giao đồ ăn vậy! Một chương trình phát sóng là sản phẩm của nhiều công đoạn, của nhiều người mà sự chểnh mảng ở bất cứ khâu nào đều khiến sản phẩm cuối cùng bị thất bại (hoặc sẽ chẳng có sản phẩm cuối).
Bạn Khánh Vy và bạn Lộc Thái trải nghiệm quay thử tại nhà đài
Thử làm phóng viên truyền hình!
“Hình ảnh khá ổn, giọng thuyết minh tốt, âm thanh sinh động, đối tượng phỏng vấn phong phú. Nội dung của phóng sự tương đối rõ ràng. Trong phóng sự có một chi tiết khá đắt, đó là phỏng vấn em nhỏ và người nước ngoài, nhờ thế ý thức giữ gìn cảnh quan của cộng đồng được phản ánh đáng yêu qua góc nhìn của người nước ngoài. Dù vậy, nhóm cần khắc phục các hạn chế sau: Chưa có tên phóng sự, cần nhất quán về nhân vật trải nghiệm, cách vào đầu phóng sự khiến người xem nhầm tưởng là chủ đề giới thiệu danh lam thắng cảnh nhưng phần sau lại nói về vệ sinh môi trường tại điểm du lịch. Một số hình ảnh flycam không phải do nhóm quay thì cần xin phép tác giả khi sử dụng hoặc ít nhất phải chú thích với dòng chữ ‘hình tư liệu’ ở góc màn hình. Đây là nguyên tắc báo chí cơ bản. Nhóm cần chú thích đầy đủ tên các nhân vật được phỏng vấn. Bên cạnh đó, nhóm cần tìm hiểu về bố cục và nguyên tắc dựng hình để chỉnh sửa video. Nguyên tắc dựng hình cơ bản là: toàn, trung, cận, cận, trung, toàn”.
Đó là phần nhận xét của mentor Nông Thị Hảo (trưởng phòng Văn nghệ và Giải trí của Đài phát thanh truyền hình Lạng Sơn) dành cho video phóng sự đầu tiên của chúng tớ (nội dung của phóng sự là Ý thức giữ gìn cảnh quan tại di tích thành nhà Mạc). Mỗi khi góp ý, cô Hảo thường ghi nhận ưu điểm trước rồi mới chỉ ra hạn chế cần khắc phục, nhờ thế, cả nhóm không bị mất tinh thần khi trải nghiệm. Dù vậy, bạn biết không, chúng tớ hiểu rằng video phóng sự đó chưa phải là một sản phẩm tốt! Nhưng vì được xác định rõ đây là trải nghiệm nghề nghiệp, không phải cuộc thi theo đuổi thành tích, nên chúng tớ tập trung vào những gì đã được góp ý, được hướng dẫn để chỉnh sửa và hoàn thiện phóng sự. Một video ngắn vài phút nhưng thời gian chúng tớ bỏ ra để thực hiện thì nhiều, bạn có thể hình dung rằng không kể thời gian làm trên máy tính khi ở nhà thì chúng tớ đã lên thành nhà Mạc tới bảy lần.
Nhóm Những quả táo vui vẻ trên Thành nhà Mạc
Lịch trình | Hoạt động và nhiệm vụ |
Buổi 0 |
Gặp gỡ mentor tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn, nhận hướng dẫn kèm đề bài trải nghiệm: “Trong 2 tuần, mỗi nhóm thực hiện 01 phóng sự thời lượng từ 3-5 phút về một chủ đề các em quan tâm trong cuộc sống.” |
Buổi 1 |
Họp nhóm, lên khung kịch bản, phân công nhiệm vụ. |
Buổi 2 |
Cả nhóm cùng sửa kịch bản ở quán trà chanh, sau đó lên thành nhà Mạc quay phần phong cảnh. |
Buổi 3 |
Phỏng vấn và ghi hình 5 nhân vật (một người nước ngoài, bác bán nước và ba em nhỏ). Buổi làm việc này có nhóm trải nghiệm nghề Hướng dẫn du lịch hỗ trợ nên đông vui và hiệu quả hơn. |
Buổi 4 |
Tiếp tục lên thành nhà Mạc ghi hình thực trạng vệ sinh và cảnh quan, tiếp tục phỏng vấn thêm khách du lịch. |
Buổi 5 |
Nhận góp ý và hướng dẫn của mentor cho phần kịch bản chi tiết (sau buổi này chúng mình được khen video đúng trọng tâm vấn đề). |
Buổi 6 |
Ghi hình lại một số đoạn để thay thế các phần bị lag, mờ hoặc vi phạm bản quyền. Thay đổi nhân vật trải nghiệm từ Hải Yến sang Lộc Thái. |
Buổi 7 |
Ghi âm lời dẫn, edit video, lồng ghép slide, dựng video hoàn chỉnh. Tiếp tục nhận góp ý từ mentor và hoàn thiện phóng sự. |
Trong hai tuần, chúng tớ phần nào cảm thấy “hiểu và thương” các cô chú làm nghề phóng viên truyền hình. Đằng sau những thước phim trơn tru mọi nhà vẫn xem mỗi ngày là công việc thầm lặng của người phóng viên. Với video phóng sự nhóm “Những quả táo vui vẻ” đã thực hiện, có nhiều nội dung và hình ảnh phải ghi hình nhiều lần, lại có những phần đã làm nhưng vẫn “đập đi xây lại” vì không đáp ứng đúng chủ đề hoặc yêu cầu của thể loại phóng sự. Rõ ràng có những phương án tưởng chừng rất ổn khi vạch ra trong kế hoạch nhưng lại không hợp lý trong thực tế, lựa chọn nhân vật trải nghiệm và nhân vật phỏng vấn là những ví dụ chúng tớ có thể chỉ ra ngay. Phỏng vấn 10 nhân vật với đủ người nước ngoài, khách du lịch nội địa, trẻ em, người dân địa phương nhưng cuối cùng chỉ chọn được vài ba phần phỏng vấn chất lượng. Cứ thế, chúng tớ vừa quay vừa sửa, lắng nghe nhận xét của mentor và tiếp tục hoàn thiện. Mentor động viên chúng tớ bằng cách chỉ ra thực tế: khó khăn là rất dễ hiểu đối với học sinh lần đầu trải nghiệm nghề nghiệp như chúng tớ. Khi được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, công việc sẽ trôi chảy hơn, tiết kiệm thời gian hơn và gọn gàng hơn! Dù vậy, ở đây chúng tớ rút ra được một bài học, từ kế hoạch vạch ra trên giấy đến thực tế triển khai sẽ có nhiều khác biệt, những khác biệt mà khi không lập kế hoạch hoặc khi không thực hiện, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được khoảng cách đó. Chúng tớ tin rằng không chỉ riêng với công việc của nghề phóng viên, công việc của các nghề nghiệp khác cũng như vậy. Việc chấp nhận và làm quen với thực tế này có lẽ sẽ giúp ích cho chúng tớ trong tương lai!
Trải nghiệm lần này còn khơi dậy trong tớ hứng thú làm việc với con người. Nhận nhiệm vụ trưởng nhóm “Những quả táo vui vẻ”, tớ tìm hiểu ngay về các bạn để có thể gợi ý phân công hợp lý các công việc trong trải nghiệm nghề phóng viên. Ví dụ, Thái từng lựa chọn nghề kế toán trong một buổi học (kế toán là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận), vì thế tớ đề xuất Thái làm thư ký giúp nhóm đánh máy và hoàn thiện kịch bản. Yến thường xuyên làm video và chụp ảnh nên nhiệm vụ edit video có vẻ phù hợp với bạn. Thư có năng khiếu hát và dẫn chương trình, việc lồng tiếng cho phóng sự sẽ giúp bạn thể hiện được thế mạnh của mình. Các công việc khác như phỏng vấn, ghi hình, góp ý về nội dung thì cả nhóm cùng thực hiện trong các buổi làm việc chung. Tớ là nhóm trưởng có trách nhiệm theo dõi tiến độ, báo cáo cho mentor và sắp xếp lịch làm việc của cả nhóm. Cái khó nhất khi làm việc của nhóm “Những quả táo vui vẻ” là vấn đề thời gian. Bạn nào cũng có lịch sinh hoạt và các công việc cá nhân riêng nên không phải buổi làm việc nào cũng đủ thành viên. Dù thế, tinh thần của nhóm là các bạn có thể vắng nhưng phải hoàn thành công việc. Bản thân tớ tự đặt ra nguyên tắc: các bạn có thể nghỉ còn tớ thì luôn có mặt đầy đủ. Hơn nữa, từ nhiệm vụ, các thành viên phải thảo luận với nhau rất nhiều để biết mình cần làm gì và làm như thế nào! Làm việc nhóm chưa bao giờ là dễ, nhất là khi cả nhóm cùng thực hiện một nhiệm vụ mới toanh, nhiệm vụ trải nghiệm nghề.
Với nghề phóng viên, chúng tớ còn nhận được một bài học nữa. Mentor dặn dò cả nhóm một câu thần chú trong nghề: “Sáng tạo chứ không phải sáng tác, đó là điều cần ghi nhớ đối với những ai làm công việc này.” Người phóng viên đi lấy tin bài sau đó chọn lọc, tạo dựng kịch bản nội dung trên cơ sở những thông tin đó sao cho chặt chẽ, hấp dẫn, hữu ích với người xem. Người phóng viên không tự thêm nếm các thông tin sai sự thật, không vì ý muốn cá nhân hay phục vụ lợi ích của ai đó mà “sáng tác” những sản phẩm truyền thông đại chúng độc hại, giả dối. Giống như người đầu bếp không thể lựa chọn nguyên liệu thiếu an toàn, nguyên liệu giả để chế biến món ăn. Đó là đạo đức nghề nghiệp!
Tớ đã trở thành “một quả táo vui vẻ” bên các bạn của mình!
Trên đoạn đường cùng các bạn trải nghiệm nghề nghiệp, kỉ niệm về tình bạn là một dấu ấn quan trọng trong lòng tớ.
Thật vậy, mùa hè năm 2022, tớ được tặng một món quà đặc biệt, đó là tình bạn hồn nhiên, tử tế và thuần khiết. Tớ chẳng thể nào biết được trong tương lai bản thân và những người bạn sẽ thay đổi ra sao nhưng mùa hè vừa qua, chúng tớ đã có những kỉ niệm đáng nhớ. Tớ sẽ chẳng bao giờ quên sự tử tế, tinh thần đoàn kết và lối ứng xử chân thành của các đồng đội trong nhóm “Những quả táo vui vẻ”. Tớ cũng sẽ không quên các bạn trong nhóm trải nghiệm nghề Hướng dẫn du lịch sẵn lòng bỏ thời gian và giúp đỡ nhóm tớ như thể đó là một điều hiển nhiên. Có lẽ vì sự gắn kết ấy mà chuyến xe ngày tổng kết dự án đầy ắp tiếng cười và không lúc nào ngừng tiếng hát ca của tất cả chúng tớ.
Ngày 26/7 tại Đồng Lâm, chúng tớ được các thầy cô và các bác phụ huynh tổ chức tổng kết, chiêm nghiệm về hành trình trải nghiệm nghề nghiệp. Ngày tổng kết là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tớ. Đúng hôm ấy, tớ ốm mệt và đau đầu tới nỗi chẳng còn chút năng lượng nào. Ấy thế mà xuyên suốt chặng đường, bạn Minh Hiếu xoa dầu vỗ lưng cho tớ, bạn Thái cho tớ dựa vào vai. Lúc lên đảo, giữa cái nắng nóng oi bức buổi trưa hè, các bạn trong nhóm ngồi bên hỏi han và quạt mát cho tớ, họ không để tớ xách đồ vì sợ tớ mệt. Sự tử tế ấy khiến trái tim tớ ấm áp theo một cách thật tự nhiên. Trong buổi chiêm nghiệm của dự án, cả tớ và Minh Hiếu đều không kìm được nước mắt khi nói lời cảm ơn tới các bạn. Cảm xúc của tớ cũng khiến các cô trong dự án và các bạn xung quanh xúc động. Đối với tớ, khoảnh khắc mọi người cùng chung một nhịp điệu cảm xúc, mới sâu sắc và ngọt ngào làm sao!
Nghiệm sau trải: “Sự trưởng thành thật thú vị. Nó len lỏi dần vào bên trong mỗi chúng ta!”(1)
Chú thích:
(1) Dòng suy nghĩ của Benjamin, nhân vật chính trong bộ phim “Dị nhân Benjamin”, khi anh dần bước vào thời kỳ trưởng thành của đời mình và cảm nhận được điều đó ở bên trong bản thân.
Thực ra, thời gian trải nghiệm nghề phóng viên hay xuyên suốt chặng đường với Tumany mùa hè 2022, tớ không cho rằng đó chỉ là một khóa học. Đối với tớ, mọi thứ nhiều cảm xúc hơn thế! Tớ cảm thấy mình đã tham gia một game giải trí cực vui cùng với gia đình. Chúng tớ cùng giúp đỡ nhau vượt qua những “con boss” (cách chúng tớ gọi các trạm học tập, trải nghiệm trong dự án này) để về đích và đón nhận những kỉ niệm đáng quý mà mình không thể hình dung trước. Không cùng tuổi, không cùng trường, cũng không quen biết từ trước nhưng mọi người cùng khóc, cùng cười và đối xử với nhau bằng sự chân thành, hồn nhiên của tuổi trẻ. Từ một cô gái hay lo lắng, thường nhìn sắc mặt người khác để cư xử, từ một cô gái nhìn nhận bản thân ở phương diện tiêu cực, tớ nhận ra mình cũng là một cô gái hoạt ngôn, hòa đồng, biết make up, biết đánh đàn. Đặc biệt, tớ là cô gái giàu cảm xúc và có lòng biết ơn với những ai đối xử tốt đẹp với mình!
Lúc này, ngày 30/10/2022, tớ đã là tân sinh viên mới nhập học được hai tháng của lớp Quản trị kinh doanh tại Học viện Phụ nữ. Lớp của tớ là lớp chất lượng cao đầu tiên của ngành học này tại trường. Tớ rất tự hào về điều đó! Nếu bạn hỏi, vậy trải nghiệm nghề phóng viên có ích gì cho tớ và tớ có chắc chắn ngành học hiện tại là đúng nhất với mình chưa? Tớ sẽ thành thật trả lời bạn rằng: 100% thì tớ không chắc! Nhưng “không chắc” ở đây không phải là thái độ thiếu trách nhiệm, tớ đơn giản là không thể kiểm soát được mọi thứ trong tương lai, nhưng tớ có thể dám chắc rằng bản thân sẽ học tập và tham gia các hoạt động hết mình trên hành trình phía trước. Khi làm trưởng nhóm “Những quả táo vui vẻ” và trải nghiệm nghề phóng viên, tớ luôn cảm thấy mệt với những nhiệm vụ chuyên môn cụ thể như viết lời dẫn, biên tập, sáng tạo nội dung nhưng lại hứng thú và thoải mái với việc tìm thế mạnh của các bạn, phân công nhiệm vụ hợp lí, kiểm soát tiến độ, hỗ trợ và lãnh đạo nhóm đảm bảo hoàn thành đề bài trải nghiệm. Làm việc nhóm khó nhưng kích thích được điều gì đó ở trong tớ. May mắn là bố mẹ tớ cũng luôn mong muốn tớ theo học quản trị vì cả nhà đều làm kinh doanh (ấy thế mà trước khi trải nghiệm tại Tumany tớ đã không hứng thú gì với ngành học này). Thêm một điều nữa, chính vì không thể chắc chắn 100% về ngành học hiện tại (bởi tớ tin rằng quan niệm về “lựa chọn đúng” cũng rất khác nhau ở mỗi người) nên tớ cảm thấy mình đã làm tốt và tự tin ở ngưỡng cửa phải lựa chọn. Còn lại, tớ thích cảm giác được khám phá và thích ứng với những điều còn chưa rõ trong tương lai, giống như người mẹ của dị nhân Benjamin trong bộ phim nổi tiếng cùng tên vẫn luôn nói với bất cứ ai bà gặp: “Ai mà biết trước điều gì sẽ xảy đến với mình cơ chứ!” Đằng sau cái gọi là “ai mà biết trước” có lẽ cũng chứa đựng vẻ đẹp nào đó của cuộc sống này, ít nhất thì đó là vẻ đẹp của sự khám phá, tớ nghĩ thế!
PHÁC HOẠ NGHỀ PHÓNG VIÊN
Lĩnh vực: Thông tin – Truyền thông.
Vai trò chính: Truyền thông và định hướng dư luận.
Yêu cầu:
- Am hiểu pháp luật, có kiến thức về chính trị. Có phông kiến thức xã hội đa dạng và sâu rộng.
Nhiệm vụ chủ yếu
- Tìm kiếm đề tài, khai thác thông tin, phỏng vấn, chụp ảnh, ghi hình; Viết lời bình hoặc tin bài, dựng sản phẩm thô.
- Tùy quy mô của đơn vị mà phóng viên gửi nội dung cho ban biên tập, gửi hình ảnh/video thô cho bộ phận kỹ thuật để hoàn thiện hoặc tự thực hiện đến sản phẩm cuối.
- Kỹ năng giao tiếp tốt, có kỹ thuật khai thác thông tin, kỹ thuật quay dựng video, biết sử dụng một số máy móc chuyên dụng.
- Yêu nghề, có sự nhạy bén với thông tin, có tinh thần “vì độc giả, vì khán giả”.
Đặc thù nghề nghiệp
- Đi lại nhiều, gặp gỡ nhiều (để lấy được thông tin, phóng viên phải đi theo các chương trình, sự kiện đang diễn ra sau đó mới thực hiện các công việc hậu kỳ).
- Nghề phóng viên rất có ích cho xã hội, cung cấp thông tin cập nhật và có ý nghĩa đến người dân. Họ được hòa mình vào các sự kiện xã hội và đi trước đón đầu trong dòng chảy thông tin.
- Người phóng viên cần có bản lĩnh để giữ được các nguyên tắc trong đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là yếu tố trung thực.
Khoảng lương phổ biến:
- Đối với phóng viên làm việc trong các cơ quan nhà nước: mức lương được tính theo quy định tại Nghị định của chính phủ số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Ngoài lương cứng, khi năng suất công việc vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu này được quy định riêng ở từng đơn vị), phóng viên được tính thêm tiền nhuận bút.
- Đối với phóng viên làm việc tại các cơ sở ngoài nhà nước: mức lương được thỏa thuận giữa hai bên tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của người ứng tuyển và khả năng chi trả của đơn vị tuyển dụng.
Nơi làm việc
- Các Đài Phát thanh và truyền hình
- Các đơn vị báo chí
- Các công ty truyền thông đa phương tiện
Nơi đào tạo
- Các trường Đại học và Cao đẳng: Học viện Báo chí và tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học sân khấu điện ảnh khoa Truyền hình, Trường Cao đẳng truyền hình.
- Khoa Truyền thông đa phương tiện tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác, các khóa ngắn hạn về Nghiệp vụ báo chí do các trường chuyên về lĩnh vực này tổ chức.
3.3. Thử làm nông dân trên “cánh đồng chữ”!
Bút danh nhóm: Góc Nhỏ
Slogan của nhóm: Just write it!
Vị trí trải nghiệm: Cộng tác viên báo điện tử và blogger
Lý do trải nghiệm: Chúng tớ đều có một chút khả năng viết lách và mong muốn khám phá bản thân qua việc viết.
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
Team Góc nhỏ: Anh Thơ & Việt Chinh
Ngành: Báo chí
Vị trí: Cộng tác viên báo điện tử và blogger
Cơ sở: Báo điện tử nguoinoitieng.vn
Mentor: Anh Đặng Xuân Tới, Chị Nhung Tumany
Thời gian: 20 ngày
Mục tiêu
+ Thỏa mãn tò mò về việc viết báo điện tử.
+ Viết để giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ.
+ Thử khả năng viết lách của bản thân.
+ Rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết.
Lộ trình
Phần 1: Thống nhất đề bài, mục tiêu, kế hoạch làm việc cùng mentor. Phần 2: Trải nghiệm viết.
1. Tìm hiểu khái quát về nghề viết.
2. Trải nghiệm làm cộng tác viên báo điện tử.
3. Trải nghiệm viết blog.
Đề bài
+ Viết một bài báo dạng tin tổng hợp về một KOL yêu thích cho trang nguoinoitieng.vn
+ Thực hiện thử thách “10 ngày viết blog liên tục” theo chủ đề “Focus on me”.
Chúng tớ là sinh viên cả rồi! Việt Chinh học Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính còn Anh Thơ học Quan hệ quốc tế ở Học viện Ngoại giao. Điểm chung của cả hai là yêu thích viết lách. Vào những ngày đẹp trời, khi cảm hứng xuất hiện và nhảy nhót trong tâm trí, chúng tớ viết cũng ra gì lắm (tự động viên thế). Khi cảm hứng ra đi, những công việc thường ngày lại cuốn lấy và chúng tớ chẳng còn nghĩ tới viết nữa. Thế rồi chúng tớ gặp nhau trong dự án hướng nghiệp SEAN vào mùa hè 2021 với vai trò tình nguyện viên trợ giảng. Nhìn các em học sinh lớp 10, lớp 11 nghiêm túc bước vào trải nghiệm nghề nghiệp, chúng tớ tiếc hùi hụi cho thời học sinh trước đây không được hướng nghiệp sớm như vậy. Nhanh chóng nhập cuộc, chúng tớ bước vào trải nghiệm nghề viết. Để xem bước qua trải nghiệm rồi, chuyện viết lách có gì khác đối với chúng tớ hay không!
Tạm biệt những ngộ nhận về nghề viết!
Viết lách - “Xứ sở người nghèo”
“Con muốn theo nghiệp viết lách!” Chỉ một câu đó thôi cũng đủ làm nhiều cha mẹ hoảng hồn! Vì họ nghĩ “Viết với chả lách, theo cái nghề ấy thì lấy gì mà ăn?” Ngay cả chúng mình còn nghĩ “Viết lách là xứ sở của người nghèo!” Nhưng có tìm hiểu về nghề viết rồi mới biết, xứ sở ấy có những người hầu bao khiêm tốn và cả những người kiếm được bộn tiền từ các sản phẩm viết của mình. Ví dụ, tạp chí Forbes công bố nhà văn J.K.Rowling là người đứng thứ 3 trong danh sách “100 ngôi sao có thu thập cao nhất thế giới năm 2017” với 95 triệu USD. Trong khi đó, cầu thủ sáng giá nhất hành tinh, Ronaldo, kiếm được 93 triệu USD(1). Hay một ví dụ gần gũi và thực tế hơn với giới viết lách Việt Nam, cây viết chuyên nghiệp Linh Phan tổng kết thu nhập của chính mình lên tới 2,5 tỉ/năm(2) (2020) từ các công việc đa dạng như: viết thương mại, bán khóa học và xuất bản sách. Hoặc lên jobsgo.vn tra cứu mức lương của vị trí nhân viên content writer (một nghề viết rất phổ biến hiện nay), mức lương trung bình là 9 triệu đồng một tháng. Trước đây, chúng tớ nghĩ viết đơn thuần là một trong những kĩ năng bên cạnh nói, nghe, đọc. Nhưng giờ mới nhận ra viết cũng là một nghề kiếm sống đáng quan tâm. Điều này khiến chúng tớ thấy nghiêm túc và trân trọng sở thích cũng như khả năng viết lách của bản thân, dù mọi thứ đang ở mức sơ khai, bạn ạ!
Chú thích:
(1) Theo bài báo “Sao kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm 2017” (http://wshowbiz.com)
(2) Con số này được cây bút Linh Phan công khai trong cuốn sách “Con đường trở thành Freelancer Writer” của chị.
“Tôi không phải là J.K.Rowling”
J.K.Rowling khi bắt đầu viết Harry Potter chắc chẳng thể hình dung bộ truyện sẽ trở thành cú nổ Big Bang trong giới văn chương và điện ảnh. Hầu hết những cây bút thành danh như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, blogger Chi Nguyễn, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, tác giả sách Linh Phan... đều bắt đầu từ một xuất phát điểm: ngồi xuống gõ chữ trong thầm lặng trước khi có những sản phẩm giá trị được mọi người biết đến. Việc của chúng tớ có lẽ cũng đơn giản như vậy, ngồi xuống viết vì thích, viết vì cần, viết vì muốn thử. Có gì phải ngần ngại hay sợ hãi! Có thể người khác cần rất giỏi để nhận một hợp đồng viết nhưng chúng ta chỉ cần muốn là có thể bắt đầu “hợp đồng trải nghiệm” với chính mình.
Viết báo điện tử, trải nghiệm viết phục vụ công chúng
Viết cho ai, viết để làm gì và viết cái gì?
Trải nghiệm đầu tiên của chúng tớ là viết bài báo dạng tin tổng hợp đáp ứng tiêu chí của báo điện tử nguoinoitieng.vn. Tuy ngày nào cũng lướt báo mạng đôi ba lần nhưng cảm giác khi là độc giả và khi là người viết rất khác biệt. Nhờ hướng dẫn chuyên môn tâm huyết của mentor nghề nghiệp, anh Đặng Xuân Tới (Quản lý nội dung báo nguoinoitieng.vn), chúng tớ đã hoàn thiện hai bài báo:
◆ Chloe Ting - Beauty Blogger khuấy đảo ‘thế giới ảo’ trong đại dịch COVID-19 (Tác giả Hoàng Anh Thơ)
https://nguoinoitieng.vn/tieu-su/chloe-ting-beauty-blogger-khuay- dao-the-gioi-ao-trong-dai-dich-covid-19.html
◆ Từ chối cảnh cửa đại học - Châu Bùi vang danh trên con đường Fashionista (Tác giả Nguyễn Việt Chinh)
https://nguoinoitieng.vn/tieu-su/tu-choi-canh-cua-dai-hoc-chau-bui- vang-danh-tren-con-duong-fashionista.html
Viết bài tin tổng hợp không có nghĩa chỉ là tổng hợp thông tin
Chúng tớ không nghĩ một bài báo dạng tin tổng hợp phải trải qua nhiều bước đến thế: thu thập thông tin, tìm kiếm góc nhìn sáng tạo, diễn đạt lại một cách dễ hiểu, hấp dẫn, lựa chọn hình minh họa, trau chuốt hình thức… Để đọc và tổng hợp thông tin về nhân vật, Anh Thơ mất ba tiếng đồng hồ còn Việt Chinh mất năm tiếng đồng hồ. Ai đã trải qua quy trình này có lẽ đều sẽ thấy trân trọng hơn những bài báo mình đọc mỗi ngày.
Tìm ý tưởng, kiếm tiêu đề, viết sapo!
Nếu ai đó nghĩ rằng“ có thông tin rồi thì chỉ việc ghép nối, lắp ráp, xào xáo thành bài báo” thì xin trả lời: đó không phải là cách chúng tớ đã làm. Trên bức tranh toàn cảnh về nhân vật, chúng tớ tìm kiếm một ngách nào đó mới mẻ mà các bài báo khác chưa khai thác thành trọng tâm, lựa chọn một tiêu đề mới mẻ, lôi cuốn. Ví dụ, Chloe Ting được khai thác ở góc độ lan tỏa những điều tích cực giữa bức tranh màu xám của đại dịch Covid 19, Châu Bùi được khai thác ở góc độ lựa chọn và quyết định nghề nghiệp đầy can đảm và quyết đoán. Với việc đặt tên tiêu đề, chúng tớ phải sửa đi sửa lại khá nhiều lần. Điều này là xứng đáng bởi tên bài báo chuẩn sẽ bớt đi nhiều phiền toái hay thao tác thừa trong quá trình viết. Tiêu đề giúp hình dung ra kết cấu, nội dung và hình ảnh của toàn bài. Trong khi đó, sapo là điểm kết nối giữa tiêu đề và nội dung bài báo. Nhiều người chỉ đọc tiêu đề, sapo và xem ảnh. Vì vậy, tiêu đề và sapo khá quan trọng với các trang báo điện tử trong cuộc cạnh tranh chiếm lấy cú kích chuột của người đọc. May mắn là sapo của cả hai chị em đều khá ổn và không phải sửa chữa gì cả.
Lập dàn ý cho bài báo điện tử có giống viết bài văn trong trường phổ thông?
Chúng tớ đều là dân chuyên Văn và vẫn thuộc lòng các bước triển khai một bài văn nghị luận. Tuy nhiên, cách triển khai bài báo điện tử rất khác so với bài văn học trò, bởi đối tượng đọc, mục đích viết và phong cách ngôn ngữ đã hoàn toàn thay đổi. Chúng tớ thích nhất việc đặt các đề mục phụ cho bài báo. Cách đặt đề mục phụ giúp người đọc dễ dàng nhận ra các ý lớn của bài viết cũng như cảm nhận được sự sáng tạo và cá tính của người viết.
Viết báo điện tử cần có lòng kiên nhẫn
Nhiều người viết chạy theo tiến độ, chạy theo nhuận bút nên viết lách ào ào lấy số lượng. May mắn là anh Đặng Xuân Tới đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp mà anh có, nhắc nhở từng lỗi nhỏ, dù là lỗi ngữ pháp, chấm câu, viết hoa hay nội dung tổng thể. Nếu không vượt qua những thử thách ban đầu, người viết sẽ không thể nâng cấp kĩ năng viết để phát triển mình. Việc viết cần lòng kiên nhẫn lắm đấy, tuân thủ các quy cách viết của trang báo cộng tác là một minh chứng. Mỗi tờ báo có những quy cách viết bài riêng. Lòng kiên nhẫn bị thử thách nhiều hơn ở bước duyệt và sửa nội dung. Chúng tớ phải gọt giũa thói quen viết những câu phức dài, những ẩn dụ dày đặc và thấm đẫm cảm xúc để đáp ứng văn phong báo chí vốn cần ngắn gọn, dễ đọc. Từ bản nháp, chúng tớ sửa bốn, năm lần thì được bài báo tạm ưng ý. Kỉ niệm đáng yêu và buồn cười nhất về chuyện thử thách lòng kiên nhẫn là tìm kiếm ảnh minh họa cho bài báo. Chúng tớ dành rất nhiều thời gian để chọn những bức ảnh phù hợp, đẹp mắt cho bài báo. Ấy thế mà khi xuất bản, dàn ảnh trong hai bài báo gần như bị thay thế hết. Phải gật gù công nhận là ảnh người biên tập báo lựa chọn rất bắt mắt, chất lừ, nhìn đã muốn đọc phần nội dung! Nhìn thấy bài báo xuất bản, cảm giác thật vui. Tuy nhiên, chúng tớ chưa được để tên dưới bài báo vì theo quy định, người viết mới sẽ chính thức được đề tên từ bài cộng tác thứ 10 (áp dụng với sinh viên). Tuy vậy, đó chỉ là chuyện nhỏ, dù sao chúng tớ đã được biên tập bài vở kĩ lưỡng và nhận tiền nhuận bút đầy đủ.
Tóm lại, kiên nhẫn và chăm chỉ là bài học lớn khi viết báo điện tử. Có chịu khó sửa bài mới tích lũy được kĩ năng và kinh nghiệm viết lách. Ở đây xin mượn câu nói của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long để tự nhắn nhủ với bản thân sau khi vượt qua thử thách viết báo: “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá khác nhau, mỗi cú đá chỉ thực hiện một lần. Tôi sợ người luyện tập 10.000 lần một cú đá mà thôi.”
Nghiệm sau trải
Mọi khó khăn của việc viết cuối cùng đều cần giải quyết bằng cách: Viết!
Viết lách không dễ nhằn tí nào. Đó là sự thật!
Bí ý tưởng, không biết diễn đạt câu từ, loay hoay nghĩ cách mở đầu và kết thúc sao cho ấn tượng hoặc nặn mãi không ra câu đầu tiên cho một bài yêu cầu 1.000 chữ... Có lẽ ai nghiêm túc theo đuổi viết lách, dù lính mới hay lính cũ, đều từng gặp những “ca khó” như vậy. Viết lách cần sáng tạo. Mà sáng tạo thì làm gì có khuôn đúc sẵn, phải tư duy chứ, phải ngẫm nghĩ chứ!
Tất cả những khó khăn ấy chẳng có đường tắt nào để giải quyết ngoài việc xắn tay lên viết. Khi ngẫm nghĩ kĩ càng, hiểu thấu vấn đề, đủ thấm và đủ ngấm, ngòi bút sẽ tự lướt đi trên trang giấy, mười ngón tay sẽ gõ tạch tạch đều đặn trên bàn phím mà thôi. Đối với chúng tớ, viết là một cách tư duy, một cách kể chuyện của bộ não. Tự nhủ thế, chúng tớ tìm cách khuấy động nếp nhăn trên não, từ việc sử dụng sơ đồ tư duy đến hồi tưởng lại những gì đã qua, từ việc viết theo kế hoạch đến viết theo cảm hứng. Cứ mở máy ra, ngồi lì trước màn hình đến khi chữ đầu tiên, dòng đầu tiên, rồi đoạn đầu tiên xuất hiện. Có những đoạn không hài lòng lắm nhưng ít nhất, chúng mình đã giải quyết vấn đề. Có hoàn thành mới có hoàn hảo. Làm gì có sự hoàn hảo nào dở dang, đứt đoạn đúng không?
Kỉ luật không có sẵn, nó được hình thành
Nếu chúng mình có ngày rộng tháng dài để nhẩn nha thì làm gì có bài học về kỉ luật viết. Học tập, thi cử, tham gia các hoạt động sinh viên… khiến chúng mình quay như chong chóng. Nếu thiếu kỉ luật, việc trải nghiệm viết hẳn sẽ rơi vào vùng nào đó xa lắc xa lơ. Hành trình trải nghiệm viết lách kéo dài 20 ngày mà thành phẩm chỉ vỏn vẹn một bài báo điện tử cùng 10 bài blog. Nhưng đó là kết quả của nhiều lần sửa chữa, thay đổi, “đập đi xây lại”. Chúng tớ đã trải qua nhiều khó khăn. Chinh viết chuỗi bài blog trong guồng quay bận rộn và áp lực dồn dập từ dự án “You can” ở trường đại học. Thơ vừa viết vừa gấp rút ôn thi cuối kì môn Tiếng Anh. Đã thế, nhiều khi chúng tớ phải tranh thủ viết giữa tiếng máy khoan, máy cắt gạch ồn ào từ nhà hàng xóm. Bài học về kỉ luật viết có ý nghĩa quan trọng, giúp chúng tớ nói “không” với lối viết chỉ dựa vào cảm hứng, nói “không” với thói quen “để ngày mai tính”. Lần đầu tiên chúng tớ viết liên tục và viết nhiều đến thế. Có lẽ, đây là điều đáng tự hào nhất của chúng tớ xuyên suốt thời gian trải nghiệm nghề viết lách!
PHÁC HỌA VỀ NGHỀ VIẾT TỰ DO(1)
Mô tả nghề nghiệp
Nghề viết tự do là nghề cung cấp các dịch vụ liên quan tới viết, sáng tạo nội dung mà trong đó, người viết không thuộc trong tổ chức hay doanh nghiệp.
Yêu cầu
+ Cá nhân người viết phải tự có nhu cầu viết, có tình yêu và năng lực sử dụng ngôn ngữ hiệu quả.
+ Giàu ý tưởng và khả năng sáng tạo.
+ Nghề viết tự do đòi hỏi ý chí và kỉ luật cá nhân rất lớn để có thể thành công.
+ Khả năng giao tiếp tốt.
Nơi làm việc
Nơi làm việc linh hoạt và đa dạng, đảm bảo phù hợp giúp cá nhân người viết có thể tập trung và viết hiệu quả. Đó có thể là phòng riêng tại nhà, quán café, thư viện, co- working…
Những công việc chính
Viết quảng cáo (Advertorial)
Nhà văn ma (Ghostwriter)
Tác giả sách
Copywriter
Viết cho Social Media
Viết nội dung cho website
Viết nội dung chuẩn SEO
Viết cho tạp chí/báo
Viết cho doanh nghiệp
Viết kịch bản
Biên tập viên
Dạy viết…
Học vấn
Bằng cấp không phải là yêu cầu bắt buộc đối với nghề viết tự do. Nghề này chú trọng vào khả năng cung cấp các dịch vụ viết chất lượng cho khách hàng. Thực ra, để đáp ứng điều đó, người viết phải có quá trình tự học nghiêm túc và không ngừng nghỉ.
Nơi đào tạo
Việc tìm kiếm nơi đào tạo phụ thuộc vào định hướng viết của người học.
- Viết theo định hướng sáng tác: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Khoa Viết văn, Báo chí tại trường có tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du)…
- Viết theo định hướng báo chí: Học viện Báo chí và tuyên truyền…
- Viết theo định hướng thương mại: Các khóa học viết chuyên sâu của các mentor trong nghề viết…
Chú thích:
(1) Tổng hợp theo sách “Con đường trở thành Freelance writer” của tác giả Linh Phan.
3.4. Thiết kế game, từ trải nghiệm người chơi đến sinh viên chuyên ngành
Nickgame: MyMy69
Slogan cá nhân: After the rain there’s always a rainbow!
Nghề trải nghiệm: Nhân viên thiết kế đồ họa
Lý do trải nghiệm: Từ sớm mình đã yêu thích vẽ tay, sau đó là vẽ máy. Sở thích này kết hợp với sở thích chơi game, thế là mình có mối quan tâm đặc biệt với thiết kế game. Ở Việt Nam, việc tiếp cận các dự án làm game chưa thuận lợi với học sinh nên hầu như ba năm THPT, mình tự mày mò và trải nghiệm để đáp ứng đam mê, khả năng của bản thân.
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
Hoàng Hà My: Sinh viên năm 3, ngành Thiết kế game, trường đại học Parsons School of Design, thành phố New York
Ngành: Công nghệ game
Mentor: Google, YouTube
Vị trí: Thiết kế game
Thời gian: Xuyên suốt ba năm THPT
Mục tiêu
▪ Đáp ứng đam mê của bản thân
▪ Kiểm nghiệm khả năng, thực lực
▪ Có thông tin đáng tin cậy để ra quyết định ngành học sau khi tốt nghiệp
Lộ trình
▪ Vẽ tay truyền thống
▪ Thiết kế đồ họa
▪ Viết truyện sáng tạo
▪ Thiết kế game
Đề bài
▪ Trải nghiệm thiết kế đồ họa, thiết kế game và chuẩn bị hồ sơ du học sau THPT
▪ Học hỏi kĩ năng sống, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp
Tớ từng gặp khó khăn gì, sau đó tớ lựa chọn con đường nào?
Trong chuyện hướng nghiệp, nhiều bạn gặp khó khăn vì không biết bản thân giỏi gì hay muốn gì, rắc rối của tớ lại nằm ở việc thích quá nhiều thứ và có khả năng trong nhiều mảng. Ví dụ, tớ có giọng hát tiềm năng, khả năng vẽ tốt, chơi được đàn piano, biết thiết kế đồ họa và sáng tạo kịch bản. Cảm giác loay hoay giữa các phương án cũng không khá hơn cảm giác chẳng biết mình thích gì là mấy. Vì mỗi lựa chọn sẽ dẫn đến một cuộc sống khác nhau, với những phiên bản khác của tớ trong tương lai.
Chẳng có gì to tát và cũng chẳng có bước ngoặt nào lớn lao khiến tớ “giác ngộ” về con đường đích thực đâu. Tớ phải tự xem xét, tự cân nhắc và lựa chọn con đường mình muốn. Và tớ chọn mỹ thuật! Nhưng cụ thể là mảng nào của mỹ thuật? Đây lại là điều đáng phân vân vì tớ thích cả vẽ tay truyền thống và thiết kế trên máy tính. Tớ tự hỏi, mình sẽ kiên nhẫn và hứng thú với cái nào hơn? Câu trả lời là thiết kế trên máy tính. Tớ thường mày mò và nhẫn nại với thiết kế trên máy, đặc biệt là thiết kế đồ họa, nhân vật và sáng tạo các câu chuyện, trò chơi điện tử. Với vẽ tay truyền thống, tớ thích nhưng nhanh nản hơn. Thêm một lý do quan trọng, thế giới đã bước vào kỉ nguyên 4.0 lâu rồi, các “x.0” sẽ còn nhảy số không ngừng trong tương lai, điều đó có nghĩa là tớ hoàn toàn có thể lạc quan vào tiềm năng của công nghệ và những công việc liên quan đến công nghệ sau này. Học xong THPT, tớ đã vững tâm theo đuổi con đường thiết kế game trong thế giới ngành nghề muôn màu muôn vẻ ngoài kia.
Tớ đã lớn lên cùng game như thế nào?
Thuở mẫu giáo, tớ chơi nhiều trò chơi trực tuyến rất ngộ nghĩnh và thú vị trên trang gamevui.vn và socnhi.com, những thế giới game học tập và giải trí cho trẻ em. Lên tiểu học, tớ chơi nhiều loại game hơn như Boom, Gunny. Đặc biệt, hồi đó tớ rất mê chơi game trên máy cầm tay Nintendo Ds.
Những năm cấp hai, tớ chơi nhiều trò nhưng mê nhất vẫn là “cày” Liên Minh Huyền Thoại. Trò chơi này gắn bó đến tận bây giờ, khi tớ đã trở thành một cô sinh viên 20 tuổi chuyên ngành Thiết kế game. Thế giới của Liên Minh Huyền Thoại có nhiều điều thú vị và dễ thương. Đó là một thế giới siêu đẹp về đồ họa. Mỗi lần chơi, tớ được hóa thân vào một nhân vật với câu chuyện riêng và những kĩ năng khác biệt. Những trận đấu giúp tớ ít nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng.
Lên cấp ba, game vẫn là một phần tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của tớ. Những sở thích khác có thể đến rồi đi nhưng với game, tớ ngày càng có những nhận thức sâu sắc hơn. Tớ đã ở cái tuổi không còn suy nghĩ giản đơn về mọi thứ và bắt đầu nhìn nhận game một cách nghiêm túc. Thời gian này, tớ chơi qua vô số các tựa game đình đám từ offline tới online như Liên Minh Huyền Thoại, Don’t Starve, Resident Evil, Life is Strange, Minecraft, The Witcher, The Walking Dead…
May mắn là bố và các anh họ của tớ cũng chơi game. Trò chơi bố yêu thích là Võ Lâm Truyền Kì. Nói văn vẻ, sở thích chơi game của tớ được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thích hợp. Còn nói mộc mạc là tớ có đồng đội và mentor ngay trong nhà luôn. Điều này tạo nên ảnh hưởng tích cực khiến tớ muốn theo đuổi nghề nghiệp gắn với game. Bố dạy tớ chơi game từ khi còn nhỏ. Nhờ phụ huynh nhìn nhận tiến bộ về game nên khi quyết chí theo đuổi ngành này, tớ không bị phản đối như nhiều bạn khác mà còn được ủng hộ. Ngay cả mẹ, người muốn tớ học ngành tài chính ngân hàng cũng tôn trọng quyết định của tớ. Điều đó khiến tớ rất biết ơn bố mẹ, nhất là trong bối cảnh ngành thiết kế game còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Game không chỉ là trò chơi
Game, một thế giới khác rất đáng trải nghiệm!
Làm thế nào để tớ diễn tả cảm giác “đã” khi trải nghiệm các thế giới đa dạng trong game nhỉ? Thế giới đồ họa hấp dẫn cùng những cốt game ý nghĩa thực sự chinh phục một đứa yêu nghệ thuật và dễ bị lôi cuốn bởi những điều có nội dung giá trị như tớ.
Thời cấp ba, tớ chơi một trò khá lâu, đó là Alice: madness returns. Tớ muốn dùng từ “trân trọng” khi nhắc tới game này, bởi lẽ đây là một trong những trò khiến tớ có thể nhập vai sâu sắc nhất. Nhân vật Alice trở thành một kí ức rất đỗi quen thuộc và cảm xúc! Game này lấy cảm hứng từ bối cảnh cuốn tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở thần tiên” của tác giả người Anh Lewis Carroll nhưng thay đổi cốt truyện như thế này: Cô bé Alice mồ côi cha mẹ. Trong một cơn hỏa hoạn, nhà cô bị thiêu cháy, còn cô thì mất trí nhớ và tưởng tượng trong tâm trí một thế giới ảo. Alice phải đánh hết đám quái vật trong thế giới ảo đó để hồi tưởng lại mọi chuyện, tìm về nguồn cội, nhớ ra kẻ thù và báo thù thành công. Sở dĩ tớ nhập vai sâu vào Alice vì tớ rất khâm phục khả năng đối mặt với khó khăn của nhân vật này. Cốt truyện hấp dẫn, nội dung ý nghĩa, hình ảnh và đồ họa lôi cuốn khiến tớ cảm thấy như đang trải nghiệm một thế giới khác, nơi có gì đó tương đồng và hòa hợp với con người của tớ!
Mỗi trò chơi là một thế giới rất khác, có lẽ đó là lý do khiến nhiều người chơi game thiếu lý trí mê đắm đến nỗi quên đi thế giới thực tại. May mắn là với tớ, game còn có thể trở thành một con đường nghề nghiệp.
Tớ đã trải nghiệm làm game ra sao khi là học sinh?
Từ năm lớp 10, tớ bắt đầu khám phá và tìm kiếm nguyện vọng thực sự của bản thân. Tớ cũng cân nhắc các yếu tố sở thích, khả năng, học lực và điều kiện gia đình khi nghĩ về các con đường khác nhau trong tương lai. Tớ dành hai năm tìm hiểu các ngành nghề và các chương trình học tập ở các trường đại học trên thế giới. Và rồi như đã kể, tớ chọn thiết kế game.
Bắt đầu từ thiết kế nói chung
Trải nghiệm các công việc liên quan đến thiết kế và vẽ là tiền đề quan trọng để tiến sâu vào lĩnh vực thiết kế game. Vì vậy, từ lớp 10, tớ vừa tham gia các hoạt động, sự kiện, dự án của trường vừa tập thiết kế game. Khi tham gia các hoạt động hay sự kiện, tớ thường làm nhiệm vụ thiết kế trong ban truyền thông.
Vẽ tranh là hoạt động không thể thiếu để rèn luyện tư duy và khả năng nghệ thuật. Đây là những sản phẩm quan trọng cho hồ sơ xin học bổng du học. Dù từng chia sẻ là thiếu kiên nhẫn khi vẽ truyền thống nhưng thực tế tớ vẽ khá nhiều và điều đó giúp tớ phát triểnkhả năng hình dung, tưởng tượng và tạo cảm quan về màu sắc, hình khối, bố cục. Tuy chưa học về lập trình nhưng tớ cũng tự mày mò thiết kế đồ họa bằng các phần mềm như Photoshop, Illustrator và tập tành vẽ layout, vẽ các nhân vật yêu thích, thiết kế bối cảnh trên máy tính.
Sweets and Abdul là game đầu tay tớ thiết kế năm lớp 10. Có thể nó không phải là trò game tốt nhất tớ từng làm, cũng không phải tựa game đình đám, nhưng nhắc tới nó, tớ vẫn còn nguyên vẹn sự yêu quý và niềm tự hào.
Sweets and Abdul được thiết kế đơn giản trên Powerpoint nhưng đã khiến tớ bắt đầu quan tâm đặc biệt tới công việc thiết kế game như một hướng đi nghiêm túc trong tương lai. Đây là game thuộc thể loại biến đổi theo cốt truyện. Hiểu đơn giản là hành trình và kết quả của của người chơi sẽ rất khác nhau khi họ chọn lựa khác nhau ở các chặng của cốt game.
Đến giờ, khi đã là sinh viên năm ba chuyên ngành thiết kế game, việc làm ra một con game đã trở nên bài bản hơn rất nhiều đối với tớ (Gọi là “con game” bởi đối với những người yêu thích thiết kế game như tớ, mỗi tựa game do mình làm ra cũng giống như một đứa con tinh thần có nghĩa quan trọng). Có thể tóm tắt hành trình đó như thế này:
Hình ảnh từ tựa game Sweets and Abdul tớ thiết kế năm 15 tuổi
Bước 1: Tìm hiểu chủ đề, xác định thể loại game và tư duy về ý tưởng con game (trong đó vạch ra mục đích trò chơi, cách chơi, phong cách trò chơi ở mức độ tổng thể).
Bước 2: Làm kế hoạch hành động chi tiết cho ý tưởng ban đầu.
Bước 3: Phân chia công việc (nếu có nhóm) và tạo dựng các mốc thời gian cho từng đầu việc.
Bước 4: Làm game (lập trình, thiết kế nhân vật, thiết kế môi trường, thiết kế UI/UX, âm thanh, hoạt hình, thiết kế level, thiết kế những phần 2D hoặc thiết kế mô hình 3D, chơi thử test lỗi).
Hiện tại, tớ có hai website để giới thiệu các game mình đã làm. Bạn có thể truy cập và chơi bình thường. Đây là một trong hai website đó:
http://b.parsons.edu/~hoanm825/index.html
Còn dưới dây là một số con game tớ đã làm và rất tự hào về chúng:
◆ I’m hungry: Một chiếc bánh cupcake mỗi ngày có giữ được vị ngọt hay không? Hãy làm dịu cơn thèm của bạn và thu thập tất cả bánh nướng nhỏ trước khi mẹ về nhà trong trò chơi kiểu Katamari vui nhộn và đáng yêu này.
◆ Mystic Flame - Ngọn lửa huyền bí (làm cùng các bạn lớp đại học): Mystic Flame là trò chơi giải đố và giả lập đi bộ VR trên nền tảng Oculus Quest.
2. Trong trò chơi, bạn có thể cầm và ném đuốc, thắp sáng và đốt cháy mọi thứ. Sử dụng ngọn đuốc của bạn để giải quyết các câu đố theo cách của bạn. Đi bộ qua mê cung trong tháp và khám phá những bí mật ẩn giấu của thế giới này. Trò chơi có ba cấp độ chính và một hướng dẫn chi tiết. Mỗi cấp độ có chủ đề và câu đố riêng. Sau khi giải được câu đố và bước ra khỏi phòng, một cảnh quan hoàn toàn mới sẽ được hiển thị cho bạn.
◆ Tạm biệt chủ nhân: Bạn, một chú bướm bị mắc kẹt trong lồng kính đã tìm thấy can đảm để thoát ra ngoài và đến với tự do. Trước khi bay, bạn phải thu thập tất cả các thành phần bắt buộc được liệt kê trong công thức tuyệt vời để ủ một loại mật hoa ma thuật giúp mở rộng đôi cánh và có thể trốn thoát.
Tớ chọn du học Mỹ. Đây là quốc gia hùng mạnh về công nghệ nói chung và thiết kế game nói riêng, với những công ty hàng đầu như Blizzard Entertainment, Electronic Arts, Epic Games, PopCap. Để tìm trường học ưng ý tại Mỹ, tớ tìm hiểu rất nhiều và nghe tư vấn của những người có kinh nghiệm. Tớ nộp hồ sơ vào 10 trường và may mắn được nhận vào cả 10. Vấn đề là tớ cần lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất. Tớ đã xét các yếu tố về học bổng, cơ sở vật chất, địa điểm, chất lượng giảng dạy, học phí dựa trên thông tin từ các trang web như Unigo, Niche, diễn đàn Reddit. Muốn biết các trường mạnh về thiết kế game thì tớ tham khảo qua Princeton Review, Gamedesigning.org, QS ranking, Animation Career Review… Ngoài ra, tham khảo trên YouTube một số video Portfolio của các bạn được nhận vào các trường cũng rất hữu ích.
Thiết kế game là chuyên ngành đòi hỏi sự sáng tạo, năng lực hội họa, tư duy thiết kế và khả năng lập trình, suy nghĩ theo hệ thống. Năm nhất tớ được dạy kiến thức, kĩ năng đại cương, các môn học liên quan tới mỹ thuật mà khi học, tớ thấy rất vui và hứng thú. Năm thứ hai, tớ học lý thuyết thiết kế hệ thống và học cách sử dụng các phần mềm làm game như Unity, phần mềm nặn hình nhân vật 3D Maya, học về lập trình, lịch sử thiết kế, cách làm website. Lý thuyết về mỹ thuật và thiết kế được lồng ghép tự nhiên vào các bài thực hành nên không có cảm giác chán hay bị “nhồi kiến thức” chút nào. Năm thứ ba thì sao? Chúng tớ tiếp tục đi sâu vào chuyên ngành, khối lượng thông tin và bài tập đồ sộ hơn hai năm trước rất nhiều. Cứ hai tuần tớ phải tự làm xong một con game, bao gồm các công đoạn từ lên kế hoạch, chốt ý tưởng, thiết kế hệ thống, kịch bản game, trau chuốt mạch truyện, lập trình, dựng cảnh, thiết kế UI, trải nghiệm người dùng, làm mô hình 3D, dựng hoạt ảnh, lồng nhạc, soát lỗi… Bằng ấy công đoạn hoàn thành trong hai tuần đòi hỏi năng suất làm việc cao và khả năng quản lý thời gian, quán xuyến quy trình, phân chia công việc và đặc biệt, phải làm việc nhóm một cách thực sự hiệu quả nếu muốn sản phẩm cuối cùng có thể khiến chính mình mỉm cười. Trong quá trình này, khách mời của giảng viên (những người giàu kinh nghiệm thực chiến trong nghề) sẽ lên lớp chia sẻ với sinh viên về quá trình lên ý tưởng và làm ra một con game để chúng tớ học hỏi kinh nghiệm, rút ngắn việc thử sai.
Gần đây, tớ và các bạn trong lớp được làm một dự án về game thực tế ảo (VR) và được tiếp cận với công nghệ mới nhất trong ngành. Công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển. Những khó khăn tớ hay các bạn gặp phải khi làm game trên nền tảng thực tế ảo này cũng là những vấn đề tồn tại của các kĩ sư chuyên nghiệp trong ngành, họ đang nỗ lực cải tiến những vấn đề ấy. Điều này có nghĩa là, việc học tập và thực hành của tớ có tính thực tiễn, tính ứng dụng và tính cập nhật rất cao. Tớ hài lòng về điều đó!
Nghiệm sau trải:
1 - Hãy cân nhắc xem mình có thể theo đuổi ngành nghề nào đó trong thời gian lâu dài hay không, trước khi đầu tư vài năm cuộc đời vào đi sâu nghiên cứu, học tập trong một lĩnh vực. Có nhiều bạn chọn ngành theo ý cha mẹ, để rồi ra trường làm công việc trái ngành hoặc đau khổ với công việc.
2 - Tìm hiểu kĩ con đường mình định đi sau khi chọn được lĩnh vực mong muốn, bao gồm cả chất lượng giảng dạy lẫn môi trường sinh sống, cộng đồng học tập.
3 - Theo tớ biết, Việt Nam hiện chưa có trường đại học dạy thiết kế game như một chuyên ngành rõ ràng và tương xứng với tiềm năng của nó (chỉ dạy thiết kế đồ họa, chưa chuyên sâu về thiết kế game như các quốc gia phát triển). Có một vài trung tâm, trường nghề dạy và cấp chứng chỉ cho người học. Nhưng có lẽ sẽ nhanh thôi, nước mình sẽ phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao này bởi cơn sóng công nghệ tất yếu sẽ tràn qua tất cả các quốc gia. Vì thế, bạn nào đang quan tâm tới thiết kế game hãy chủ động với sở thích và sở trường của mình, tự mày mò, tự thử nghiệm và tìm những khóa học ngắn hạn với chi phí hợp lý để hỗ trợ cho định hướng mình muốn theo đuổi.
PHÁC HỌA VỀ NGHỀ THIẾT KẾ GAME
Mô tả nghề nghiệp:
Hiểu đơn giản thì thiết kế game là lên ý tưởng, viết kịch bản và hiện thực hóa các con game. Tuy nhiên, tùy quy mô công ty mà nghề này có thể bao gồm các công việc của những mảng khác.
Yêu cầu đối với Game Designer:
Tư duy hệ thống, sáng tạo, khả năng thiết kế, đam mê game, am hiểu các yếu tố khi thiết kế game như UI/UX, Game Balance, am hiểu thị trường/xu thế game, khả năng diễn đạt/trình bày rõ ràng.
Lĩnh vực chuyên sâu trong làm game:
▪ Game Designer (nhà thiết kế game): thiết kế hệ thống, level, viết kịch bản game, cốt truyện, sáng tạo tính năng, lối chơi, lên ý tưởng trò chơi.
▪ Họa sĩ 2D/3D: nặn mô hình 3D trên máy tính, vẽ, thiết kế đồ họa.
Những công việc chính:
▪ Họa sĩ game (Đòi hỏi năng lực thẩm mỹ, khả năng sử dụng các phần mềm hỗ trợ vẽ/thiết kế đồ hoạ 2D/3D trên máy tính. Ví dụ như Photoshop, Illustrator, Blender, Maya. Bên cạnh đó, tất nhiên tư duy sáng tạo là vô cùng quan trọng.)
▪ Lập trình game (Đòi hỏi khả năng sử dụng các phần mềm làm game, ví dụ Unity, Unreal Engine,… Người làm lập trình phải thông thạo ngôn ngữ lập trình, ví dụ C#, C++, Java, Python,…)
▪ Game Developer (lập trình viên): lập trình game, phụ trách các vấn đề kĩ thuật, kiểm tra, chạy thử trước khi phát hành game.
▪ Quản lý: điều hành công việc đảm bảo tiến độ, hiệu quả và làm việc giữa các bên liên quan, giải quyết các vấn đề phát sinh hay thay đổi.
Thử thách của nghề:
▪ Tính cạnh tranh cao
▪ Thay đổi liên tục và tính đào thải khắc nghiệt
▪ Thời gian làm việc với máy tính dài
* Các game studio lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: Hiker, Zitga, OneSoft, Glass Egg, Sparx*, Amanotes, WolfFun.
* Các công ty game nổi tiếng trên thế giới: Blizzard, Electronic Arts, Square Enix, Nintendo, Sony Computer, Entertainment, Tencent, Ubisoft, Microsoft
Khoảng lương phổ biến: Lương khởi đầu: 8 - 12 triệu (trong nước).
$2,500-$16,000/tháng (Mỹ) tùy vào vị trí, tương đương từ 57-400 triệu/tháng
Nơi đào tạo
▪ Trong nước: khóa học online.
▪ Ngoài nước: các trường đại học, trung tâm, các khóa học online chuyên ngành.
3.5. Kính chào quý khách! Bò Sữa Chua xin hân hạnh phục vụ!
(Chúng tớ và các mentor hướng nghiệp, mentor nghề nghiệp)
Tên nhóm: Bò Sữa Chua
Slogan nhóm: Ở đây bán sữa chua nè!
Vị trí trải nghiệm: Nhân viên bán hàng tập sự
Lý do trải nghiệm: Bán hàng là một nghề thú vị và thử thách khả năng giao tiếp, tư vấn, thuyết phục. Chúng tớ muốn thử sức mình và trải nghiệm cảm giác của nhân viên bán hàng.
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
TEAM: “BÒ SỮA CHUA” (6 thành viên)
Ngành: Kinh tế
Nghề: Bán hàng
Cơ sở: Công ty TMCP XD Thiên Phú
Mentor: Chú Trần Thế Kiên, giám đốc công ty Thiên Phú
Thời gian: hai tuần
Mục tiêu
Tìm hiểu yêu cầu và đặc điểm của nghề bán hàng.
+ Trải nghiệm việc bán hàng và kiếm một khoản tiền tiêu vặt trong hè.
+ Rèn kĩ năng teamwork.
Lộ trình
Phần 1: Đào tạo
▪ Buổi 1: Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của cố vấn nghề nghiệp và tìm hiểu mô hình canvas.
▪ Buổi 2: Đào tạo quy trình bán hàng.
Phần 2: Trải nghiệm bán ngành hàng thực phẩm (liên tục trong 10 ngày)
Đề bài
Đảm nhiệm vị trí nhân viên bán hàng và thực hiện công việc theo hình thức đội nhóm trong thời gian 10 ngày.
Xin chào, chúng tớ là Bò Sữa Chua!
“Doanh số bán hàng cao nhất”
“Đơn hàng nhiều nhất”
“Page bán hàng có lượt tương tác cao nhất”
Đó là ba thành tích chúng tớ đạt được trong chiến dịch trải nghiệm nghề bán hàng thuộc dự án hướng nghiệp SEAN, một dự án hướng nghiệp dành cho học sinh THPT tại Lạng Sơn diễn ra trong mùa hè 2021.
Để đạt được những thành tích ấy, chúng tớ đã gặp rất nhiều “ổ gà, ổ voi” trên hành trình trải nghiệm. “Lợi nhuận” lớn nhất đối với chúng tớ không phải là tiền bạc mà là những gạch đầu dòng quan trọng tích lũy vào tài khoản hiểu nghề và tài khoản kĩ năng sống còn đang khá nghèo nàn của mình.
Team chúng tớ có sáu thành viên, gồm năm bạn học sinh và một chị sinh viên năm nhất ngành Luật học trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Cơ sở hỗ trợ trải nghiệm là công ty Thiên Phú, một đơn vị chuyên phân phối hàng tiêu dùng cho các đại lý, nhà hàng, tiệm tạp hóa ở thành phố và các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Mentor của chúng tớ là chú Trần Thế Kiên, người điều hành công ty và cũng là nhân vật hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực khởi nghiệp, hướng nghiệp của tỉnh.
Nhắc đến nghề bán hàng, bạn nghĩ gì về nghề này? Khi khởi động, chúng tớ đã có những suy nghĩ rất hồn nhiên:
“Nghề bán hàng cũng dễ thôi mà, nhất là đã có sẵn sản phẩm để bán!”
“Nghề bán hàng có công việc chính là tư vấn, chốt đơn và thu tiền.”
“Cứ nghĩ đến bán hàng rồi cầm tiền tươi thóc thật là hào hứng rồi.”
“Ai cũng có thể bán hàng. Tràn ngập trên facebook chúng tớ, những người thân quen đều bán hàng, kể cả khi họ có một công việc chính thức khác.”
Vậy nghề bán hàng thực tế có như những gì chúng tớ vẫn nghĩ?
Bán cho ai?
Khi họp nhóm lần đầu, cả nhóm đều đồng thuận: bạn bè, gia đình, hàng xóm, họ hàng, thầy cô sẽ là tệp khách hàng cần khai thác. Đây là những mối quan hệ trực tiếp với chúng tớ. Họ khác nhau về độ tuổi, hoàn cảnh, thói quen và thu nhập. Khách hàng đa dạng nên chúng tớ cố gắng lựa chọn sản phẩm dễ bán, dễ sử dụng. Sau này, nghiên cứu thêm nhiều cách thức bán hàng hơn, chúng tớ còn mở rộng tệp khách hàng đến bạn của bạn, người quen của người quen. Việc trả lời câu hỏi “Bán cho ai?” có thể hình dung dễ hơn bằng sơ đồ dưới đây. Một thành viên trong nhóm có thể tìm kiếm và khai thác tệp khách hàng bằng cách mở rộng các vòng tròn kết nối như thế này:
Mạng lưới khách hàng của cả đội là tổng cộng các mạng lưới khách hàng mà các cá nhân khai thác được.
Giờ này, khi hành trình trải nghiệm nghề bán hàng đã khép lại, chúng tớ mới có thể khái quát cách thức tìm kiếm khách hàng như thế nào và sơ đồ hóa thành hình ảnh như trên. Thực tế, mọi thứ không đơn giản và suôn sẻ như thế, cụ thể ra sao thì chúng tớ sẽ kể rõ với bạn trong phần sau. Chỉ biết rằng, tìm kiếm khách hàng là bước quan trọng hàng đầu đối với việc bán hàng. Không có khách hàng, chúng ta biết bán sản phẩm cho ai, đúng không nào?
Bán cái gì?
Muốn khai thác lượt mua nhiều nhất có thể nên chúng tớ lựa chọn bán sữa chua, một sản phẩm tất cả mọi người đều có thể sử dụng. Trong khi đó, các nhóm khác chọn ngành hàng nông sản, dầu gội, sữa tắm chăm sóc cơ thể, dầu ăn, máy rửa bát. Hơn nữa, chúng tớ có thể tự chế biến thêm các sản phẩm khác như sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu đường đen. Thời điểm chúng tớ trải nghiệm (từ 29/7 đến 8/8) dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, việc vận chuyển hàng hóa ngưng trệ, nhiều cửa hàng không có sữa chua nếp cẩm để bán. Lúc bấy giờ còn có “trend” trân châu đường đen, đi đâu ăn gì cũng thấy, ví dụ: trà sữa trân châu đường đen, bánh bông lan trân châu đường đen, pizza trân châu đường đen. Có lẽ, việc lựa chọn sản phẩm của chúng tớ khá sáng suốt.
Sản phẩm chúng tớ tự làm và đóng hộp
Page bán hàng của chúng tớ trong đợt trải nghiệm
Cùng nhau chế biến sản phẩm, chúng tớ có những kỉ niệm thật đẹp. Để làm sữa chua nếp cẩm cần gạo nếp cẩm, sữa chua, cốc nhựa, thìa nhựa, túi. Chúng tớ mua sữa chua đóng hộp rồi kéo cả đội sang nhà một bạn để nấu nếp cẩm trộn với sữa chua và đóng gói sản phẩm.
Với món sữa chua trân châu đường đen, chúng tớ sang nhà Linh cùng nặn trân châu, luộc lên rồi trộn với đường. Trộn xong, lại tranh cãi về việc bảo quản. Để vào tủ lạnh thì trân châu bị cứng, để ngoài thì sợ thiu. Cuối cùng, lựa chọn để ở ngoài nên trân châu bị thiu thật, he he! Chúng tớ vội ra siêu thị mua trân châu làm sẵn. Kết quả là nhanh hơn, tiện hơn mà cũng không đắt hơn bao nhiêu. Hộp đựng cũng bán sẵn rất thuận tiện, chỉ việc chọn mẫu phù hợp với sở thích của nhóm. Nhờ vậy, chúng tớ tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tập trung được cho việc khác.
Dưới đây là kết quả bán hàng toàn chặng của nhóm tớ:
Sau 12 ngày, chúng tớ bán được 164 đơn và thu về 14.748.000 cả vốn lẫn lãi. Kể lại những con số này, chúng tớ vẫn còn nguyên cảm giác tự hào vì bắt đầu chậm nhưng kết quả lại cao nhất.
Nhưng nhìn lại một lượt kết quả doanh số (cột số 6) trong bảng trên, chắc bạn sẽ nhận ra phong độ không đều của Bò Sữa Chua. Đằng sau sự lên xuống thất thường đó là nhiều câu chuyện mà 12 ngày trải nghiệm này chúng tớ có thể chia thành ba chặng như sau:
Chặng 1: Những người bán hàng mộng mơ!
Nghề bán hàng có vẻ dễ!
Ba ngày bán hàng đầu tiên thật tuyệt!
Tâm trí của các thành viên tràn ngập niềm vui, sự hào hứng và mong chờ đối với công việc mới mẻ này. Người chuẩn bị nguyên liệu, người mua đồ đóng gói, người chụp ảnh sản phẩm, người phụ trách tìm kiếm đơn hàng và người giao hàng cho khách. Mọi thứ đều thuận lợi.
Không thuận lợi sao được, khách hàng trong ba ngày đầu tiên hầu hết là người thân quen. Với cha mẹ và anh chị em trong nhà thì dễ rồi, chúng tớ chỉ việc trình bày là mọi người đều ủng hộ. Với họ hàng, chúng tớ tiếp cận qua các nhóm gia đình trên Zalo. Dù đã có lệnh giãn cách nhưng chưa đến mức bất di bất dịch nên các thành viên tranh thủ sang nhà hàng xóm chào hàng, kết quả khá tốt. Chỉ có các tuyến phố là chúng tớ không đi chào hàng được như kế hoạch ban đầu. Phương án A của ban tổ chức là để chúng tớ trải nghiệm ở vị trí nhân viên bán hàng của công ty Thiên Phú, chúng tớ sẽ đi cùng các nhân viên kinh doanh về theo các tuyến bán hàng. Bảy bước bán hàng mà chúng tớ được học cũng nhằm phục vụ cho phương án bán hàng trực tiếp này. Nhưng dịch COVID-19 căng thẳng, ban tổ chức chuyển sang phương án B, bán hàng online. Thế là, ngoài việc chào bán cho người thân quen, chúng tớ đăng bài lên trang cá nhân của các thành viên và bán trên các nhóm chợ online. Trong đó, kênh đem lại nhiều khách hàng nhất là Facebook và đối tượng mua nhiều nhất là bạn bè, đúng như dự đoán và mục tiêu ban đầu của nhóm.
Làm sản phẩm, đăng bài bán hàng, nhận đơn, lên công ty lấy hàng rồi cùng nhau giao hàng, chúng tớ đã làm việc thật vui vẻ. Dù điều phối viên của dự án nhắc nhở các đội không được tự ý đi giao hàng mà phải đẩy đơn về công ty, nhân viên công ty sẽ hỗ trợ giao hàng trong thời gian trải nghiệm để đảm bảo an toàn phòng dịch. Nhưng chúng tớ quyết định tự giao! Công ty còn bận bao nhiêu đơn hàng lớn hơn. Chờ đợi lâu, khách sẽ sốt ruột hủy đơn mất. Và quan trọng là tự mình đi lấy rồi giao hàng cho khách và thu tiền, cảm giác hào hứng vô cùng. Rong ruổi trên những con đường của thành phố quen thuộc, chúng tớ không còn là học sinh nữa mà là thực tập sinh của công ty phân phối hàng tiêu dùng, là nhân viên bán hàng đang phục vụ các “thượng đế” của mình.
Thêm một kỉ niệm nữa, đó là sự cạnh tranh. Công ty treo giải “Doanh số cá nhân”, “Doanh số nhóm” nên chúng tớ đối chiếu rất chặt chẽ và sát sao kết quả hàng ngày của nhóm mình với các nhóm khác. Việc hơn thua với các nhóm khiến chúng tớ hào hứng trong công việc nhưng cũng lãng phí thời gian vì những so đo không đáng có.
Chặng 2: Buồn ơi là sầu!
“Hôm nay cậu bán được bao nhiêu đơn?”
“Đừng hỏi nữa, không một đơn nào!”
Trong bốn ngày tiếp theo, một số bạn trong nhóm gần như bỏ cuộc. Dù không ai chia sẻ tâm trạng của mình trước tập thể nhưng chúng tớ đều cảm nhận được không khí “buồn ơi là sầu”.
Vì sao đang khí thế mà chúng tớ lại trở nên như vậy?
Vì nguồn khách hàng trở nên cạn kiệt.
Tệp khách hàng quen biết chúng tớ đều đã khai thác hết. Làm sao có thể chào mời họ hết lần này đến lần khác? Điều đó vừa gây phiền hà vừa làm ảnh hưởng tới mối quan hệ. Facebook cá nhân của các thành viên đăng bài đều đặn nhưng tương tác ngày càng ít và không có đơn hàng mới. Cứ thế, cả nhóm dần rơi vào sự bế tắc. Sau này, khi kết thúc trải nghiệm và bình tâm tổng kết lại hành trình, chúng tớ đều miêu tả về chặng này bằng những từ ngữ giống nhau: mệt mỏi, chán nản, bỏ cuộc, thụ động, buồn bã, ế ẩm… Thử làm một người bán hàng rồi mới thấu, có một nỗi buồn còn hơn cả “ế người yêu”, đó là “ế khách”. Đây là lúc tinh thần hợp tác bị thử thách ghê gớm, mọi thứ như thể đang đổ vỡ hết cả.
Đó là chưa kể, thời điểm này nhiều nhiệm vụ chuẩn bị cho ngày tựu trường bắt đầu dồn dập. Đôi bạn Hương và My của nhóm ba còn suýt khóc vì sáng phải tham gia hoạt động Đoàn trường, trưa về phải viết bài, bán hàng, giao hàng, chiều và tối còn hai ca học thêm kín đến chín rưỡi tối. Áp lực thời gian khiến các nhóm đều gặp khó khăn ở chặng này. Nhóm Bò Sữa Chua cũng vậy, việc ở trường, việc ở nhà, việc học thêm, ôn đội tuyển. Hành trình trải nghiệm trở nên khó khăn và bức bối!
Giữa lúc bế tắc về nguồn khách hàng, tớ (Phương Nga) nghĩ tới việc thử bán hàng trực tiếp ở chợ xem sao. Giữa lúc cả nhóm đang rệu rã, tớ liên hệ với người dì có hiệu thuốc ở chợ Bắc Nga để nhờ một điểm bán. Chợ phiên ở đây khá đông đúc. Tuy vậy, một cốc sữa chua nếp cẩm giá 15.000 đồng là rất bình thường ở thành phố Lạng Sơn nhưng đem bán ở chợ Bắc Nga lại đắt so với thói quen sinh hoạt ở đây. Thay vì thế, chỉ với 7.000 đồng, họ đã có một cốc chè to ú ụ. Nhưng không phải là tớ không bán được chút nào. Một số người lớn mua cho trẻ em vì tụi nhỏ thích mê cái cốc hình con bò ngộ nghĩnh. Đây là một kỉ niệm thật dễ thương. Tớ còn quay lại chợ Bắc Nga một lần nữa nhưng hiệu quả cũng chưa được như mong muốn.
Khó khăn như thế nên chặng này sở hữu nhiều con số đáng buồn. Ví dụ, 180.000 đồng là doanh số (theo ngày) thấp nhất của nhóm trong toàn hành trình. Kết quả của nhóm ảm đạm, kết quả của thành viên còn thê lương hơn. Có bạn năm ngày liên tiếp đều báo cáo kết quả âm về chỉ tiêu khách hàng và doanh số, tức là đầu ngày đặt mục tiêu nhưng cuối ngày tổng kết thì không bán được gì. Tự nhiên chúng tớ thấy sợ phải đối diện với quy trình làm việc hàng ngày.
Thời gian | Quy trình |
7h45 |
Đăng kí chỉ tiêu ngày (chỉ tiêu đơn hàng và chỉ tiêu doanh số) |
7h45- 17h00 |
▪ Bán hàng ▪ Xử lý công việc qua nhóm Zalo (các tình huống liên quan đến tư vấn khách hàng, thông tin sản phẩm, lấy hàng, giao hàng…) ▪ Rà soát tiến độ công việc của nhóm ở các khâu |
17h00 |
Báo cáo kết quả ngày (kết quả đơn hàng và kết quả doanh số) |
Sau 17h00 |
Tiếp tục bán hàng, kết quả sẽ được cộng vào kết quả của ngày hôm sau |
Việc ra chỉ tiêu đầu ngày và báo cáo kết quả cuối ngày ở chặng này như một cái gông nặng trĩu. Việc tương tác trong nhóm chung chìm dần. Nhóm trưởng không biết làm thế nào để kết nối mọi người. Có thành viên im lặng suốt mấy ngày mà chúng tớ đã không hỏi han bạn mình được một lời. Sự thiếu quan tâm khiến thành viên ấy có cảm giác xa cách với nhóm. Đó cũng là một bài học mà sau này khi nhớ lại chúng tớ rất hối hận vì lối ứng xử lạnh nhạt, vô cảm của bản thân.
Hóa ra, nghề bán hàng không dễ như chúng tớ nghĩ! Lên Facebook thấy người người bán hàng, nhà nhà bán hàng, những người thân quen đều bán online nhưng chỉ được một thời gian ngắn, không ít trong số đó bỏ cuộc. Trước đây, nghe ai đó bỏ việc bán hàng dù khởi sự chưa bao lâu, chúng tớ sẽ nhanh chóng kết luận họ thiếu ý chí. Lúc này, chúng tớ thấy cảm thông và chia sẻ với họ vì chúng tớ đang ở trong tình cảnh khó khăn giống họ.
Chặng 3: Mọi chuyện rồi sẽ ổn!
Thay đổi tư duy và cách nhìn nhận vấn đề
Mở đầu chặng này là một buổi họp quan trọng diễn ra ngày mùng 5 tháng Tám. Buổi họp này xoay chuyển cách nhìn với việc trải nghiệm và giúp cả nhóm thông suốt ba vấn đề:
+ Vấn đề 1: Chúng mình bán hàng nhằm mục tiêu gì?
Chú ý quá nhiều đến thành tích và doanh số khiến nhóm tớ suýt quên đi mục tiêu chính. Trải nghiệm công việc bán hàng và rèn luyện kĩ năng hợp tác đội nhóm là mục tiêu quan trọng nhất, sau đó mới là chuyện tiền bạc. Xác định rõ mục tiêu sẽ bớt đi nhiều gánh nặng về kết quả. Thay vào đó, chúng tớ sẽ tập trung vào những vấn đề gặp phải khi là một nhân viên bán hàng mới vào nghề và tìm cách giải quyết chúng.
+ Vấn đề 2: Cùng nhìn xem chúng ta đã làm việc như thế nào?
Nhóm Bò Sữa Chua được ban tổ chức khen ngợi về tác phong làm việc nhanh nhẹn và tinh thần phát triển doanh số. Không những thế, chú Kiên ghi nhận việc chúng tớ tự làm sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu đường đen để khắc phục tình trạng khan hiếm hàng hóa trong đợt dịch bệnh là một giải pháp sáng tạo. Đang lúc cả nhóm buồn rầu, nhận được những lời khen ngợi, chúng tớ thấy được động viên rất nhiều.
Quan sát và nhìn nhận lại những gì đã qua là một cách hiệu quả để thấu suốt vấn đề còn tiềm ẩn. Không tìm được khách hàng chưa phải là khó khăn lớn nhất nhưng chúng tớ gần như chỉ tập trung vào nó. Trong khi vấn đề thực sự nằm ở cách làm việc và cách hợp tác của đội nhóm.
Nhóm tớ hoạt động gần như độc lập, tách rời với người hướng dẫn và đội ngũ hỗ trợ. Chúng tớ tự phân công, tự bán hàng, tự vận hành, ít phối hợp với các cô chú hướng dẫn. Tới chặng hai, càng ngày các thành viên càng rời rạc, việc phối hợp ngay trong nội bộ nhóm cũng chưa ổn. Một buổi trưa, cô điều hành dự án gọi điện cho nhóm trưởng nhắc nhở về tình hình hợp tác lỏng lẻo của nhóm với ban tổ chức và giữa các thành viên. Đến lúc này, chúng tớ mới nhận ra nhóm mình đã xem nhẹ các quy định chung. Ví dụ: không lập page bán hàng của nhóm, không thảo luận công việc trên nhóm Zalo của ban tổ chức mà chỉ tương tác trong nhóm riêng trên Facebook, tự ý thêm thành viên mà không cập nhật cho điều phối dự án. Bạn Minh Tâm năm ngày liên tiếp không tương tác nhưng nhóm không tìm hiểu nguyên nhân hay tìm cách hỗ trợ thành viên của mình.
Bạn nhóm trưởng là người nhanh nhẹn, tháo vát. Kĩ năng quản lý công việc của nhóm trưởng đem lại bài học bổ ích cho các thành viên. Tuy vậy, nhóm trưởng cũng nhận ra một điểm cần sửa đổi ở bản thân, đó là cần tinh tế hơn và quan tâm hơn đến tinh thần, cảm xúc của các thành viên để gắn kết đội nhóm.
+ Vấn đề 3: Khó khăn hiện tại là gì? Nguyên nhân và giải pháp?
Ngẫm lại mới hiểu vì sao đơn hàng đi vèo vèo trong ba ngày đầu. Đó là bởi ý nghĩa của mối quan hệ giữa chúng tớ với khách hàng. Chú Kiên tâm sự, công ty chú có nhiều đơn hàng vì chú dày công xây dựng các mối quan hệ, chú đã sống rất chân thành, nhiệt tình với các anh chị em trong mạng lưới kết nối của mình và không ngừng tìm cách mở rộng mạng lưới ấy. Hiểu điều này, chúng tớ trân trọng hơn những người sẵn sàng mua hàng ủng hộ và coi họ là khách hàng thực sự theo nguyên nghĩa của từ này. Khi đó, người bán hàng không được xuề xòa mà phải có thái độ và hành động chăm sóc chuyên nghiệp, phải nhìn họ ở góc độ thị trường lâu dài. Tức là không chỉ nghĩ đến việc mời họ mua ủng hộ cho mình một lần mà thay vào đó nên nghĩ làm thế nào để mình có thể đem những sản phẩm có ích đến cho họ, giúp cuộc sống của họ tiện lợi và chất lượng hơn, giữ được mối quan hệ cung - cầu lâu dài. Với thời gian trải nghiệm ngắn, chúng tớ lại là học sinh, việc dày công xây dựng một thị trường chuyên nghiệp như nhân viên bán hàng ở công ty là bất khả thi. Vì vậy, giải pháp hiện tại là gia tăng tỉ lệ quay lại mua hàng với mạng lưới quen biết trực tiếp và mở rộng thêm mạng lưới khách hàng qua các kênh gián tiếp như cộng tác viên, người quen của người quen…
Nghiệm sau trải
1 - Khoảng cách giữa “chúng tớ nghĩ…” và “thực tế là…”
Hình người đạp xe ấy là chúng tớ trong hành trình trải nghiệm nghề bán hàng. Kế hoạch bán hàng ban đầu có vẻ rõ ràng và suôn sẻ nhưngvào thực tế, mọi thứ lại chẳng hề như vậy. Với hai tuần trải nghiệm, lạc quan đánh giá thì may ra chúng tớ mới đi tới lá cờ nhỏ xíu đầu tiên ở nửa dưới bức hình. Bất kì ai còn hình dung về nghề nghiệp một cách giản đơn hoặc tự tin rằng mình có thể mường tượng hết mọi thứ ở trong đầu thì lời khuyên của chúng tớ là: hãy thử đi, con đường chông gai ý nghĩa hơn rất nhiều so với một vạch thẳng đơn điệu trong tâm trí.
2 - “Tôi sẽ là một thượng đế biết điều!”
Chúng tớ nghĩ thế sau khi nếm trải vui buồn của người bán hàng trong hai tuần. Sau này, chúng tớ nhất định sẽ là người mua hàng văn minh và nhân văn. Phải quý trọng những người bán hàng bởi công việc của họlà đem lại cho chúng ta những sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên tiện lợi và chất lượng. Hơn nữa, họ phải vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ” này.
3 - “Đừng chỉ cho tôi con đường dễ dãi! Tôi chọn con đường khổ cực kia!” Trong buổi tổng kết hành trình trải nghiệm với các thầy cô hướng dẫn và anh chị điều phối, cô Tumany hỏi chúng tớ: “Nếu quay ngược thời gian, ban tổ chức đưa cho các em hai phương án: Một là ngay từ đầu chú Kiên, chị Chinh sẽ vào hỗ trợ sâu cho các em, chỉ cho các em việc cụ thể phải làm hàng ngày, kết nối sẵn khách hàng và chuẩn bị mọi thứ các em muốn có dọc hành trình; Hai là lộ trình các em vừa đi qua: các em được đào tạo, sau đó tự thực hành công việc ở chặng đầu để nắm bắt các tình huống và vấn đề thực tế. Ở chặng tiếp, đội ngũ hỗ trợ mới vào sâu và kích hoạt cả nhóm. Vậy các em sẽ chọn phương án nào?” Không hẹn mà gặp, cả nhóm đều chọn phương án hai. Có tự làm, tự vấp rồi mới biết cách nhận định bối cảnh và thấm thía giá trị của tư duy tập trung vào giải pháp thay vì vào khó khăn.
PHÁC HỌA NGHỀ NHÂN VIÊN BÁN HÀNG
Vai trò của nghề
Kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng (cung và cầu), đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng những sản phẩm và dịch vụ phù hợp, từ đó đem lại lợi nhuận cho công ty.
Nhiệm vụ chủ yếu
▪ Tìm hiểu kĩ càng về sản phẩm (xuất xứ, thương hiệu, tác dụng, nguyên liệu, hạn sử dụng, giá cả, mẫu mã, cách sử dụng, cách bảo quản, phương thức giao hàng…
Yêu cầu:
▪ Năng lực ngôn ngữ
▪ Kĩ năng giao tiếp tốt
▪ Kĩ năng tư vấn và đàm phán tốt
▪ Ngoại hình ưa nhìn là một lợi thế
▪ Bán hàng (tìm hiểu nhu cầu và tư vấn sản phẩm/dịch vụ phù hợp với khách hàng, chốt đơn)
▪ Chứng minh chất lượng sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng
▪ Nhận thanh toán bằng nhiều phương thức (tiền mặt, chuyển khoản, quẹt thẻ…)
▪ Lập hóa đơn, lưu vào nhật kí bán hàng, lưu thông tin của khách hàng
▪ Hỗ trợ quản lý hàng trong kho
▪ Sắp xếp, trưng bày, vệ sinh, đóng gói hàng hóa
Khoảng lương phổ biến:
5 - 10 triệu
Nơi làm việc
+ Các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm bán hàng
+ Các công ty
+ Tự mở cửa hàng
+ Bán hàng online
Nơi đào tạo
Các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo các chuyên ngành về Kinh tế trên cả nước.
3.6. Thử thách nói trước đám đông với nghề hướng dẫn viên du lịch
Tên nhóm: Lục Thị Khánh
Slogan cá nhân: Thái độ không chỉ quan trọng hơn trình độ, thái độ còn quyết định trình độ!
Nghề trải nghiệm: Hướng dẫn viên du lịch.
Lý do trải nghiệm: Trải nghiệm là cách tốt nhất để tớ hình dung chính xác về công việc hướng dẫn viên du lịch. Đây cũng là cơ hội nâng cao sự tự tin cho một cô gái vốn ít thể hiện bản thân như tớ.
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
Lục Khánh
Học viên lớp Tiếng Trung Quốc 21TQS2
Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội – Phân hiệu Lạng Sơn
Ngành: Du lịch
Vị trí: Hướng dẫn viên du lịch nội địa
Mentor: Cô Trịnh Thu Huyền, mentor nghề hướng dẫn du lịch / Cô Nhung Tumany, mentor dạy thuyết trình
Thời gian: hai tuần
Mục tiêu
▪ Tìm hiểu yêu cầu, đặc điểm, tính chất của nghề hướng dẫn viên du lịch ở cấp độ thực hành
▪ Rèn luyện kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giao tiếp
▪ Bước ra khỏi vùng an toàn, phá bỏ sự nhút nhát, nâng cao sự tự tin ở bản thân
Lộ trình
▪ Tổng quan về nghề hướng dẫn viên du lịch
▪ Đào tạo về nghiệp vụ dẫn đoàn tham quan nội địa
▪ Nhận đề bài, nghiên cứu điểm tham quan, chuẩn bị bài thuyết minh
▪ Luyện tập kĩ năng thuyết trình và kĩ năng dẫn đoàn
▪ Trải nghiệm hướng dẫn khách tham quan động Nhị Thanh
Đề bài
▪ Hướng dẫn đoàn khách nội địa tham quan động Nhị Thanh, thành phố Lạng Sơn
Xin chào, tớ là Khánh! Tớ sinh năm 2003 và đang là học viên lớp tiếng Trung tại Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội – Phân hiệu Lạng Sơn. Thời phổ thông, kết quả học tập của tớ không xuất sắc lắm. Tớ cũng chẳng có năng khiếu gì đặc biệt. Nhưng tớ là một cô gái chăm chỉ và kiên trì. Ước mơ của tớ giản dị là có một công việc tốt sau khi ra trường, kiếm nhiều tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp cha mẹ.
Ở nơi tớ sinh ra và lớn lên, hầu hết thanh niên kết thúc 12 năm học sẽ đi làm công nhân tại các khu công nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,như khu công nghiệp Samsung chẳng hạn. Họ lựa chọn làm công nhân thay vì học nghề hay học lên cao vì con đường đó kiếm được tiền ngay, trong khi nhiều người đi họccó bằng cấp trở về cũng lâm vào cảnhthất nghiệp. Nhà tuyển dụng ở các khu công nghiệpkhông đòi hỏi bằng cấp hay kinh nghiệm phức tạp. Lương của một người có bằng đại học được tuyển dụng vào biên chế nhà nước khởi điểm chỉ hơn 4 triệu đồng. Trong khi đó, lương khởi điểm của một công nhân bình thường khoảng 7 đến 10 triệu chưa kể ca kíp và tiền thưởng. Chỉ nghe thôi đã thấy hấp dẫn rồi! Lúc mới học xong cấp ba, tớ cũng định đi làm công nhân như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng rồi tớ nghĩ khác. Tớ kì vọng việc học lên, dù chỉ là trung cấp, sẽ đem lại cơ hội việc làm tốt hơn và lâu dài hơn. Những bạn đi làm công nhân được mấy năm, tích trữ một khoản tiền (nếu tu chí làm ăn) rồi cũng phải bắt đầu lại, đi học nghề, đi làm thuê hoặc mở cửa hàng kinh doanh. Thế nên tớ quyết định đi học.
Giữa tháng 10/2021, nhà trường phát động chương trình giáo dục hướng nghiệp có tên “I can, you can too!”. Chương trình kéo dài khoảng một tháng với mục tiêu giúp chúng tớ khám phá bản thân, trang bị kĩ năng nền tảng và trải nghiệm nghề nghiệp. Trong chương trình này, tớ lựa chọn trải nghiệm nghề hướng dẫn viên du lịch.
Những bất ngờ về nghề hướng dẫn viên du lịch
Chưa bước vào trải nghiệm thực tế tớ đã có nhiều bất ngờ khi nghe chia sẻ của một đàn anh, đó là anh Ngô Mạnh Tùng, Giám đốc chi nhánh lữ hành Kim Sơn. Chiều ngày 3/11/2021, học viên hai lớp tiếng Trung được lắng nghe câu chuyện mười chín năm bám trụ với nghề của anh Tùng. Ai nấy đều rất ấn tượng với phong cách khiêm nhường, thái độ chân thành và ý chí nghề nghiệp đáng khâm phục của anh. Tớ biết nghề hướng dẫn viên du lịch nhưng câu chuyện của anh Tùng đem lại một góc nhìn thật khác và thật chân thực về công việc này!
◆ Không chỉ nghề bán hàng, hướng dẫn viên du lịch cũng là nghề “làm dâu trăm họ”: Tớ từng nghĩ làm hướng dẫn viên tức là được quyền điều phối cả đoàn du lịch, ai nấy đều phải nghe theo hướng dẫn của họ, nhưng chính người làm nghề không nghĩ như vậy. Hướng dẫn viên phải quan tâm tới nhu cầu của mọi khách hàng trong đoàn và nỗ lực đáp ứng trong điều kiện cho phép. Hướng dẫn viên phải cân đối được quyền lợi và mong muốn của khách hàng, của công ty với điều kiện khách quan và khả năng phục vụ của bản thân. Khách đi du lịch tức là đi tận hưởng cuộc sống. Du lịch thuộc loại nhu cầu cao. Vì vậy, du khách luôn muốn được phục vụ tốt nhất để có sự tận hưởng cao nhất. Hướng dẫn viên phải hiểu được tâm lý này mới có thể chiều lòng khách và cố gắng đem lại cho họ những trải nghiệm dễ chịu nhất, tuyệt vời nhất.
◆ Thời gian làm việc không chỉ là lúc hướng dẫn tham quan, hướng dẫn viên phải đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt về thời gian làm việc: Một khi đã nhận đoàn, hướng dẫn viên sẽ ở trong tâm thế sẵn sàng 24/24 với công việc và xác định mình giống như “mama tổng quản” của đoàn khách. Làm hướng dẫn viên, khi đã nhận tour sẽ không có thời gian chăm sóc gia đình. Đó là thiệt thòi lớn họ phải chấp nhận.
◆ Trong chuyến tham quan chỉ khách du lịch là đi chơi còn hướng dẫn viên phải là người lao động chuyên nghiệp, tận tâm: Nhìn vẻ ngoài, hướng dẫn viên du lịch có vẻ sung sướng khi “ăn nhà hàng, ngủ khách sạn, đimuôn nơi”lại được tiền bo hậu hĩnh. Thực tế, hướng dẫn viên hết sức bận rộn và luôn trong tâm thế quán xuyến đoàn khách,họ nỗ lực làm việc để đem lại cho đoàn khách những chuyến du lịch đáng nhớ.
◆ Gi gỉ gì gi, cái gì cũng biết: Tớ đã nghĩ công việc chính của hướng dẫn viên chỉ là thuyết minh về điểm tham quan, nhưng thực tế công việc yêu cầu họthông thạo mọi thứ từ ăn gì, ở đâu, chơi gì, tổ chức hoạt động team building như thế nào, đi lại ra sao, đến thời tiết, mặc trang phục có lưu ý nào, phương tiện di chuyển, đặt vé máy bay, quy trình kí gửi hành lí, thuốc men trong các tình huống sức khỏe thông thường…
◆ Đường mòn nghề nghiệp: Một hướng dẫn viên không thể ôm đồm, rành rẽ về mọi địa điểm mà khách yêu cầu. Bởi vậy, hướng dẫn viên thường chuyên môn hóa điểm dẫn cố định của mình. Hướng dẫn viên trẻ mới vào nghề rất nhiệt huyết nhưng sẽ có giai đoạn “lối mòn nghề nghiệp”, có những người dễ bỏ cuộc hoặc làm việc một cách vô cảm theo thói quen.
Vì vậy, hướng dẫn viên cũng cần không ngừng học tập và nuôi dưỡng động lực bên trong mình khi đến với nghề.
◆ Định kiến về nghề: Nghề này có nhiều áp lực và nhiều cạm bẫy, ví dụ các dịch vụ cám dỗ ở khách sạn chẳng hạn. Áp lực của nghề quá cao nên thực tế nhiều bạn nữ phải chuyển nghề để trút bỏ gánh nặng và định kiến.
◆ 10 vạn tình huống bất ngờ: Dù có hợp đồng với khách hàng nhưng vẫn có rất nhiều tình huống bất ngờ như khách gặp sự cố về sức khỏe, thất lạc hành lí, giấy tờ hoặc đơn giản như phòng khách mất nước, tệ hơn thì tai nạn giao thông hoặc khách vướng vào pháp lý… Nghề hướng dẫn viên không phải là một nghề dễ dàng như vẻ ngoài của nó.
Khác với việc đọc tài liệu hoặc đọc thông tin trên mạng, câu chuyện thực tế của anh Tùng khiến tớ có nhiều dấu ấn với nghề dù chưa từng trải qua công việc ấy. Bất kì ai đang quan tâm đến một lĩnh vực nghề nghiệp mới mẻ với bản thân đều nên tìm kiếm những cuộc trò chuyện với người trong nghề chân thực như thế này. Học hỏi qua chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước, đó thực sự là một cách học hỏi mà tớ cảm thấy yêu thích và hiệu quả!
Tớ đã chuẩn bị và tập luyện như thế nào?
Dù được bố mẹ yêu chiều và rất quyến luyến gia đình, nhưng từ ngày bé tớ luôn muốn được đi đây đi đó. Đây là lý do lớn nhất khiến tớ lựa chọn trải nghiệm nghề hướng dẫn viên du lịch. Bạn biết đấy, hướng dẫn viên du lịch thường tràn đầy năng lượng, có khả năng ăn nói lưu loát và lôi cuốn du khách. Tớ nghĩ trải nghiệm này sẽ giúp bản thân cải thiện sự nhút nhát và khả năng thuyết trình còn đang khá hạn chế.
Cùng trải nghiệm nghề này với tớ còn có bạn Phương Loan. Khi gặp cô Trịnh Thu Huyền, mentor nghề nghề nghiệp, chúng tớ được cô giao nhiệm vụ cho đợt trải nghiệm: “Chuẩn bị và thực hiện dẫn đoàn tham quan động Nhị Thanh và chùa Tam Thanh, những cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương Lạng Sơn”. Nhiệm vụ đặt ra kích thích tinh thần chinh phục thử thách của chúng tớ nhưng thành thật là cũng khiến chúng tớ cảm thấy khá lo lắng. Vốn dĩ chúng tớ rất ít khi thuyết trình ở trường lớp, nói gì đến thuyết trình trước đám đông hay hướng dẫn đoàn khách. Nhưng trải nghiệm cần có quyết tâm, các mentor đều nhấn mạnh điều này. Thêm một lý do nữa, chính vì yếu và thiếu kĩ năng này nên chúng tớ quyết định thay vì tập trung vào sự lo lắng thì hãy tập trung vào sự chuẩn bị.
Nghiên cứu điểm tham quan, chuẩn bị bài thuyết trình
Mentor hỏi chúng tớ: “Các em đã đến động Nhị Thanh và chùa Tam Thanh chưa?” Chúng tớ lập tức nhận ra một nghịch lý, dù là người Lạng Sơn nhưng chúng tớ chưa tham quan “trấn doanh bát cảnh”(1) của quê hương lần nào. Chúng tớ tự nhủ, mai sau dù có trở thành hướng dẫn viên du lịch hay không, nhất định vẫn phải trải nghiệm thật nhiều cảnh đẹp của quê hương, của đất nước mình!
Chú thích:
(1) Tám cảnh đẹp kì thú tại Lạng Sơn được đốc trấn Ngô Thì Sỹ xưng tụng bao gồm: Quán trọ Đoàn thành, Phố chợ Kỳ Lừa, Bến đá Kỳ Cùng, Động Nhị - Tam Thanh, Chùa Tiên, Chòm xóm Hoành Đường, Chòi canh Dương Lĩnh, Chân núi Thành Tâm (Theo bài viết Thành phố Lạng Sơn: Bảo tồn, phát huy các di tích của “Trấn doanh bát cảnh” trên baolangson.vn).
Thắng cảnh thì chưa tham quan lần nào mà dịch COVID-19 khi ấy còn phức tạp, chúng tớ khắc phục bằng cách tìm kiếm thông tin về điểm tham quan trên Google và YouTube. Nhiều website du lịch có miêu tả khá rõ và hấp dẫn về những điểm đặc sắc của động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh. Vì vậy, phần chuẩn bị bài thuyết trình không mất nhiều thời gian lắm!
Thiết kế lộ trình dẫn đoàn và tập luyện nhiệm vụ của một hướng dẫn viên
Với sự hỗ trợ của người hướng dẫn, chúng tớ phác họa kế hoạch làm việc như sau:
KẾ HOẠCH HƯỚNG DẪN KHÁCH DU LỊCH
THAM QUAN NHỊ THANH VÀ TAM THANH
Hướng dẫn viên địa phương: Lục Khánh & Phương Lan
Đoàn khách: 15 thầy cô và học viên của nhà trường.
Thời gian: chiều ngày 14/11/2021
Tiến trình | Nội dung nhiệm vụ |
Trước ngày 14/11 |
Xây dựng lộ trình tham quan, chuẩn bị bài thuyết trình, phụ trách hướng dẫn đoàn. |
+ Chuẩn bị cờ và thẻ đeo dành cho hướng dẫn viên. + Duyệt kế hoạch làm việc và bài thuyết trình. + Hỗ trợ nhà trường chuẩn bị nước uống, đồ ăn nhẹ, khẩu trang, nước sát khuẩn dành cho khách. |
|
Ngày 14/11 | |
13h30-14h00 Tập trung đoàn khách |
+ Ổn định tổ chức tại trường. + Làm quen với đoàn khách. + Giới thiệu các thành phần trong đoàn (mentor, thầy cô, học viên nhà trường, hướng dẫn viên). + Thông báo chung về mục tiêu, địa điểm, lộ trình tham quan và dặn dò trước khi đoàn lên xe. |
14h00 - 15h15 Tham quan động Nhị Thanh |
▪ Tập hợp khách trước cổng động Nhị Thanh, mua vé tham quan, kiểm tra sĩ số. Giới thiệu điểm tham quan và tổng thể lộ trình tham quan tại điểm Nhị Thanh cho du khách: + Tổng thời gian tham quan tại điểm Nhị Thanh: 60 phút. + Ổn định tổ chức, mua vé, điểm danh: 10 phút. + Vị trí nghe thuyết minh toàn đoàn: trước cửa động. + Nghe thuyết minh về động Nhị Thanh: 20 phút. + Thời gian tham quan tự do: 30 phút (có sự hỗ trợ của hướng dẫn viên). + Vị trí tập trung sau thời gian tham quan tự do: cổng động Nhị Thanh (điểm nghe thuyết minh ban đầu). |
▪ Thực hiện thuyết minh về vẻ đẹp và những nét đặc sắc trong lịch sử, giai thoại của động Nhị Thanh (Lục Khánh). ▪ Dẫn khách tham quan hang động, khách vừa nghe giới thiệu cảnh quan trong hang vừa tham quan tự do, chụp ảnh lưu niệm (khoảng 30 phút). ▪ Khách quay về tập trung trước cổng động ban đầu, kiểm tra sĩ số, chụp ảnh lưu niệm và lên xe (15 phút). |
|
15h15 - 15h30 | Di chuyển từ Nhị Thanh sang Tam Thanh |
15h30 - 16h30 Tham quan chùa và động Tam Thanh |
▪ Tập hợp khách trước cổng chùa Tam Thanh, mua vé tham quan, kiểm tra sĩ số. Giới thiệu điểm tham quan và tổng thể lộ trình tham quan tại điểm này cho du khách (tổng thời gian tham quan, điểm nghe thuyết trình toàn đoàn, thời gian tham quan tự do, nơi tập trung khi kết thúc). ▪ Thuyết minh về vẻ đẹp và những nét đặc sắc về chùa và động Tam Thanh (20 phút). ▪ Dẫn khách tham quan hang động, khách vừa nghe giới thiệu cảnh quan trong hang vừa tham quan tự do, chụp ảnh lưu niệm (khoảng 30 phút). ▪ Tham quan xong, khách tập trung tại sân trước nhà sàn, kiểm tra sĩ số, chụp ảnh lưu niệm (15 phút). |
16h30 - 17h15 Rút kinh nghiệm về phần trải nghiệm nghề |
▪ Hướng dẫn viên thực tập chia sẻ cảm nhận và bài học khi thực hành trải nghiệm nghề hướng dẫn viên du lịch. ▪ Mentor Trịnh Thu Huyền nhận xét và góp ý về phần trải nghiệm nghề của hai hướng dẫn viên tập sự. ▪ Giao lưu và liên hoan tại chùa Tam Thanh. |
Vất vả nhất là việc luyện tập kĩ năng dẫn đoàn và kĩ năng thuyết trình. Từ cách đứng, cách dùng ngôn ngữ tay, ngôn ngữ biểu cảm trên gương mặt, cách cầm micro, cầm cờ cho đến kĩ năng quán xuyến, điều phối đoàn khách. Tất nhiên là phần thuyết trình nội dung, chúng tớ đều phải tập đi tập lại. Đây thực sự là thách thức với những học viên từ nhỏ đến lớn rất ít khi có cơ hội rèn luyện. Hồi đầu, tớ cố gắng học thuộc lòng tất cả mọi thứ và tự tập thêm ở kí túc xá. Nhưng rồi tớ hiểu học thuộc lòng là chưa đủ mà cần có tư duy linh hoạt và khả năng ứng biến nhanh nhạy hơn. Giọng nói cần to, rõ ràng và ngữ điệu, giọng điệu cần phải dễ nghe, thân tình, tạo được thiện cảm.
Để làm tốt, tớtìm cách cân đối thời gian học tập trên lớp, thời gian cho gia đình và thời gian tập luyện. Trước ngày trải nghiệm, tớ chuẩn bị mọi thứ chu đáo và tự tin rằng mình sẽ làm tốt nhiệm vụ này.
Dẫn đoàn khách tham quan động Nhị Thanh
Tớ có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn khách tham quan động Nhị Thanh còn Phương Lan dẫn đoàn tham quan chùa - động Tam Thanh. Bằng cách nào đó, từ đầu tới cuối hành trình “I can, you can too!”, trong các hoạt động học tập và trải nghiệm, tớ đều là người đầu tiên. Vì vậy, tớ thấy hồi hộp. Lần này cũng vậy!
Bức ảnh lưu niệm của tớ với đoàn khách trong động Nhị Thanh
Cả tớ và Phương Lan đã thuận lợi làm quen với đoàn khách. Cá nhân tớ khá hài lòng với bản thân khitương tác thêm với kháchbằng những hoạt động và nội dung không có trong phần tập luyện. Nếu là một hướng dẫn viên, tớ sẽ phấn đấu trở thành một người hòa đồng, thân thiện, hết lòng quan tâm tới du khách. Vì vậy, tớ dặn dò đoàn khách cẩn thận từ việc nước uống, nước sát khuẩn và mẹo chống say xe. Đoàn khách đáp lại bằng một tràng pháo tay khiến tớ cảm thấy vô cùng hào hứng. Đây là lần đầu tiên tớ nói trước đông người, nhất là trong đoàn không chỉ có riêng các bạn học viên mà có nhiều thầy cô của nhà trường!Ngày trải nghiệm nghề hướng dẫn viên du lịch hôm ấy là một ngày đáng nhớ với nhiều cung bậc cảm xúc của tớ. Hãy cùng tớ nhìn lại nào!
Điều tớ thích nhất
Đó là cảnh quan độc đáo, tươi đẹp của Nhị Thanh và Tam Thanh. Không chỉ tớ mà tất cả các học viên (phần nhiều cũng chưa đến đây bao giờ) đều thích thú vì phong cảnh quê hương mình đẹp tuyệt. Ngoài hang động, nhũ đá thì cả hai điểm tham quan đều có cửa thông thiên. Tớ rất thích đứng trong hang động ngóng lên bầu trời qua cửa thông thiên đó. Từ chuyến đi này,tớ càng muốn đi đây đi đó nhiều hơn, riêng du lịch nội địa để ngắm hết rừng vàng biển bạc của Việt Nam chắc chắn cũng tuyệt lắm rồi.
Tớ (cầm cờ đỏ đứng bên phải) và đoàn du lịch tại động Nhị Thanh
Điều tớ ghét nhất
Cảm giác lúng túng không biết nói gì, làm gì thật đáng ghét, nhất là trong tình huống cần phải giải quyết ngay. Đó là thời gian chết rất vô duyên. Ví dụ, khi đoàn khách vừa qua cổng tiến vào bên trong khu tham quan Nhị Thanh, tớ đang rất tự tin và hào hứng sau khi làm quen với đoàn ở trường thì tự nhiên bối rối không biết nói gì và xử lý như thế nào. Vì trước mặt đoàn khách vừa có chùa Tam Giáo vừa có động Nhị Thanh, một số khách đã tiến về phía chùa mà mình thì chỉ định giới thiệu kĩ động Nhị Thanh thôi. Khi nghiên cứu về điểm tham quan trên internet tớ đã không chú ý lắm tới chùa Tam Giáo. Có lẽ phải dẫn đoàn nhiều và tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn thì mình mới chủ động xử lý được những tình huống bất ngờ như thế. Đây là lần dẫn đoàn đầu tiên của mình. Lần sau nhất định mình sẽ không bối rối như thế nữa!
Điều dễ nhất
Bài thuyết trình tớ “học gạo” ở nhà hóa ra lại là phần dễ nhất. Vì đã nghiên cứu kĩ điểm tham quan, viết bài thuyết trình chu đáo và tập luyện nghiêm túc nên phần thuyết trình về vẻ đẹp và những nét đặc sắc nhất của động Nhị Thanh tớ đã làm khá tốt. Những gì quan trọng nhất, thú vị nhất, tớ đã truyền đạt được đến du khách và họ thích thú vừa nghe tớ nói vừa thảnh thơi vãn cảnh.
Điều khó nhất
Tập trung và điều phối du khách là một kĩ năng khó nhưng kĩ năng dẫn dắt sao cho sinh động, tạo ra được các hoạt động tương tác và để lại ấn tượng sâu sắc với du khách lại khó hơn nữa. Tớ rất muốn giới thiệu với du khách cảnh này cảnh kia nhưng kết thúc phần thuyết trình là mỗi người tản mát một nơi vìai cũng tò mò và muốn khám phá hang động. Có câu chuyện về con hổ và con giao long ở động Nhị Thanh mà tớ rất thích, rất muốn kết thúc chặng sẽ kể cho mọi người nhưng không có cơ hội vì đến lúc đó, mọi người đang mải mê chụp ảnh tập thể và ra xe di chuyển tới điểm tham quan tiếp theo. Tớ bối rối không kịp làm gì, không biết phải thu hút sự chú ý của mọi người như thế nào. Dọc hành trình tham quan hang động cũng vậy, tớ phải nhờ trưởng đoàn khá nhiều để kiểm soát tình hình. Vậy đấy, việc điều hướng một đoàn người không dễ chút nào, trong khi đây mới là đoàn khách có hai chục người tại điểm tham quan nhỏ thôi đấy.
Điều tớ tự hào
Giây phút cả đoàn đang ngồi im lặng nghiêm túc bỗng trở nên vui vẻ, hào hứng sau phần giới thiệu và làm quen của tớ khiến tớ tự hào nhất. Đó là cảm giác mình đã tác động được đến họ và giúp họ phấn chấn bước lên xe chuẩn bị thưởng thức cảnh đẹp của xứ Lạng. Phần làm quen đã mở đầu tốt đẹp cho cả chuyến đi ngày hôm ấy. Còn một điều nữa tớ cũng rất tự hào, đó là tớ đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ hướng dẫn viên ngày hôm ấy. Rõ ràng nhiệm vụ trải nghiệm nghề hướng dẫn viên du lịch không hề dễ dàng đối với một cô gái nhút nhát, rụt rè như tớ. Điều quan trọng là tớ đã không bỏ cuộc! Dù đôi lúc tớ cảm thấy mất kiểm soát tình hình và thiếu tự tin vì những gì bản thân thể hiện chưa thực sự tốt, nhưng trải qua và nghiệm lại bài học cho mình mới là mục đích của chuyến đi này. Đây không phải một cuộc thi để giành lấy thành tích, đây là thử thách vượt qua chính mình. Tớ vui vì bản thân mình đã bước qua thử thách ấy!
Trải nghiệm chứa đựng những “lần đầu tiên” của tớ
Lần đầu tiên thuyết trình, lần đầu tiên đứng trước đám đông, lần đầu tiên trở thành hướng dẫn viên thực tập, lần đầu tiên được khen ngợi và ghi nhận nhiều đến thế, lần đầu tiên đến tham quan đệ nhất bát cảnh của Lạng Sơn… Đó là những lần đầu tiên mà tớ có nhờ trải nghiệm lần này. Và bạn biết không, nếu không có lần đầu tiên, thật khó để có những lần sau. Bởi vậy, đây là những khởi đầu nho nhỏ nhưng thực sự có ý nghĩa đối với tớ.
Nghiệm sau trải
Mục tiêu chính của quãng đời sinh viên là để học tập và trải nghiệm (gia đình tớkhông quá khó khăn về kinh tế nên tớ chưa phải đặt chuyện bươn chải cuộc sống lên hàng đầu). Tớ muốn tham gia nhiều hoạt động và cố gắng rèn luyện các kĩ năng để bản thân trở nên hoàn thiện hơn. So với các bạn đã dừng ở chặng “Khám phá bản thân” và “Kĩ năng nền tảng”, tớ thu được nhiều lợi ích hơn hẳn, vì tớ đã bước qua chặng trải nghiệm nghề nghiệp. Đâu phải tương lai làm nghề gì thì chỉ được trải nghiệm nghề nghiệp đó? Trải nghiệm lần này tớ càng thấy điều đó thật đúng. Bởi kĩ năng là để thực hành và chỉ được hình thành qua trải nghiệm mà thôi. Không có lần trải nghiệm này, tớ sẽ không tự tin hơn, ít nhất là như bây giờ. Vì vậy, tớ tin việc trải nghiệm đa dạng sẽ giúp bản thân tích lũy được nhiều kĩ năng và lòng can đảm, những “vốn liếng” mà sau này có làm bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều cần đến.
PHÁC HỌA NGHỀ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
Mô tả nghề
Hướng dẫn viên du lịch là người đồng hành cùng các đoàn khách tham quan đến các điểm du lịch hay các điểm tham quan ở trong hoặc ngoài nước. Khi đồng hành, hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu về những điều đặc sắc, thú vị và kiến thức về điểm tham quan để du khách hiểu về nơi đến và yêu thích, hài lòng với chuyến đi.
Yêu cầu
▪ Sức khỏe dẻo dai, tâm lý vững vàng
▪ Có thể đi công tác thường xuyên
▪ Ngoại hình ưa nhìn là lợi thế
▪ Có kiến thức chuyên môn và hiểu biết sâu rộng
▪ Khả năng giao tiếp và xử lý tình huống tốt
Lĩnh vực chuyên sâu
* Chuyên sâu theo loại hình tour du lịch: du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử, du lịch tham quan…
*Chuyên sâu theo phạm vi làm việc:
▪ Local Guide: hướng dẫn viên địa phương.
▪ Tour Guide: hướng dẫn viên đồng hành cùng đoàn khách xuyên suốt hành trình.
▪ Hướng dẫn viên nội địa: phục vụ khách trong nước.
▪ Hướng dẫn viên quốc tế: hướng dẫn khách trong nước đi nước ngoài hoặc khách nước ngoài vào Việt Nam.
Công việc cụ thể:
▪ Lập kế hoạch và tổ chức các tour du lịch; Thực hiện hướng dẫn đoàn theo các chương trình tham quan do công ty xây dựng.
▪ Thuyết minh về cảnh quan và những nét đặc sắc của điểm du lịch; Giám sát và cung ứng các dịch vụ du lịch của đối tác cho khách tham quan theo quy định của hợp đồng (đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi…).
▪ Thay mặt công ty phối hợp với khách hàng và các bên liên quan để giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình đi tour (đau ốm, thất lạc hành lí, mất giấy tờ,...).
▪ Nộp báo cáo cho công ty và xử lý các công việc hành chính liên quan.
*Nơi làm việc:
▪ Các doanh nghiệp du lịch lữ hành
▪ Cơ quan quản lý du lịch của nhà nước
▪ Tự thành lập công ty du lịch
▪ Trở thành hướng dẫn du lịch tự do
Khoảng lương phổ biến:
9 đến 12 triệu.
Hướng dẫn viên du lịch thường sẽ được nhận tiền boa của khách du lịch ngoài tiền lương cứng trong hợp đồng.
Học vấn:
Tốt nghiệp Trung cấp chuyên ngành Du lịch trở lên
Nơi đào tạo:
Các trường trung cấp, cao đẳng và đại học có chuyên ngành về du lịch.
3.7. Trà sữa thái thương hiệu “Toàn Thu Thùy”
Họ tên: Toàn Thu Thùy
Nghề trải nghiệm: Kinh doanh tự do
Nghề trải nghiệm: Hướng dẫn viên du lịch.
Slogan trải nghiệm: “Hãy tốt hơn một chút mỗi ngày!”
Lý do trải nghiệm: Tớ thích cảm giác làm hài lòng người khác. Khi đem lại đúng thứ họ cần, làm họ vui thích thì chính tớ cảm thấy mãn nguyện. Đó là lý do quan trọng nhất khiến tớ lựa chọn kinh doanh tự do. Suy nghĩ của tớ đơn giản chỉ là “mình muốn phục vụ khách hàng!”. Lúc bắt đầu, tớ không hề biết mình sẽ theo đuổi công việc ấy ròng rã ba năm THPT.
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
Toàn Thu Thùy: Tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông Marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2021
Nghề: Bán hàng
Sản phẩm: Trà sữa Thái
Vị trí: Tự do
Cơ sở: Tại nhà
Cố vấn nghề nghiệp: Bố
Người đồng hành: Mẹ
Thời gian: 3 năm THPT
Mục tiêu
▪ Đem lại thức uống thơm ngon vừa túi tiền cho chúng bạn
▪ Phục vụ và làm hài lòng mọi người
▪ Khởi nghiệp trà sữa - khởi đầu tương lai (chứ không phải khởi nghiệp vì tiền)
Lộ trình
Chân thành mà nói thì khi bắt đầu, tớ không có kế hoạch hay lộ trình. Đơn giản là xắn tay áo lên và làm thôi! Bây giờ nhìn lại, nếu phải gọi tên các chặng, tớ sẽ tóm tắt như thế này:
Chặng lớp 10: Mày mò sản phẩm và bán hàng theo bản năng.
Chặng lớp 11: Hoàn thiện sản phẩm và tích lũy kĩ năng bán hàng.
Bán hàng thật vui, đó cũng là việc tớ giỏi nhất
Từ nhỏ tớ đã bán hàng rồi. Còn nhớ hồi học lớp 5, bộ phim “Vườn sao băng” đang làm dân tình điên đảo, tớ liền lấy móc khóa có ảnh các diễn viên trong phim đến lớp bán, nhập vào 2.000 đồng bán ra 3.000 đồng. Đây là dấu mốc quan trọng, 20 chiếc móc khóabán được đầu tiên trong đời đã bắt đầu cho chuyện buôn bán của tớ mãi về sau. Cứ thế, rải rác theo thời gian, sau 20 chiếc móc khóa là 40 cân bim bim que rồi đồ ăn sáng, nước ép hoa quả, hoa quả dầm, hoa sáp. Tớ và công việc bán hàng rất có duyên với nhau, cũng đem lại cho nhau nhiều kỉ niệm đáng nhớ!
Tớ đã kinh doanh tự do như thế nào khi còn là học sinh?
Trà sữa Thái, tớ nghiêm túc với nó!
Khi tớ học lớp 10, trà sữa đang là đồ uống rất “hot”. Có lần đi ngang qua một tiệm bánh bán kèm trà sữa, tớ vào mua một cốc. Sau đó thì vừa uống vừa tự hỏi: “Đồ uống ở tiệm bánh lớn mà uống không thấy ngon lắm. Trà sữa thì lại đang được ưa chuộng, nếu mình làm ngon hơn thì chắc chắn kiếm được tiền từ nó”. Tớ tìm hiểu công thức và bắt đầu pha chế trà sữa, đăng bán trên Facebook cá nhân và được bạn bè đặt hàng. Lúc đầu chỉ định bán cho vui kiếm chút tiền tiêu vặt, nhưng khi duy trì được một thời gian, nhất là khi công thức ngày càng hoàn thiện, sản phẩm làm ra ngon hơn, tớ gắn bó dần với việc kinh doanh trà sữa lúc nào không hay. Một may mắn là ngày đó các cửa hàng đồ uống chuyển nhượng thương hiệu chưa về đến Lạng Sơn nên việc bán hàng của tớ chưa gặp cạnh tranh gì lớn.
Trà sữa Thái là thức uống tạo ra từ những nguyên liệu đơn giản, chi phí thấp, gồm đường, sữa, trà, bột ngậy Thái Lan. Nhưng để pha chế được cốc trà sữa uống rồi muốn uống nữa thì phải mất khá nhiều thời gian, nào là tăng giảm nguyên liệu, nào là lấy khăn xô nhiều lớp lọc cặn, nào là tìm kích cỡ chai và tính chi phí phù hợp. Tớ bắt đầu pha trà sữa Thái từ năm lớp 10 nhưng phải một năm sau tớ mới dám khẳng định rằng công thức trà của mình thực sự ổn. Đó là nhờ tớ chăm chỉ xin ý kiến và cảm nhận của khách hàng để biết tăng giảm và điều chỉnh tỉ lệ cho phù hợp. Có được sản phẩm tốt là nhờ khách hàng, vì thế, tớ yêu quý và trân trọng khách hàng của mình lắm. Điều này tớ sẽ nói kĩ ở phần sau.
Kể từ khi trà sữa Thái của tớ được những người xung quanh yêu thích, đặt hàng thường xuyên, nhất là khi tớ nhận ra sản phẩm của mình thậm chí còn ngon hơn trà sữa bán trong một số tiệm bánh hay tiệm đồ uống, tớ quyết định sẽ nghiêm túc kinh doanh tự do với sản phẩm này.
Khởi nghiệp êm đềm thì có được không?
Nhắc tới từ “khởi nghiệp”, hẳn mọi người sẽ nghĩ đến những hành trình “lên thác xuống ghềnh” to tát và ghê gớm lắm. Hoặc người ta sẽ đặt những câu hỏi như sản phẩm gì, thương hiệu ra sao, đánh vào đối tượng khách hàng nào, kế hoạch và lộ trình tối ưu không, chiếm được bao nhiêu thị phần?...
Còn tớ, một học sinh bình thường, tớ khởi nghiệp theo kiểu của mình. Nhìn lại thì hành trình kinh doanh tự do suốt ba năm học diễn ra khá êm đềm, chí ít là tớ luôn thích nhìn nhận mọi thứ ở góc độ tích cực và lạc quan.
Cách tớ làm là ra sức pha chế để tìm công thức trà sữa ngon nhất, rồi đăng bài bán hàng ở trên mạng, nhận đơn, làm hàng, giao hàng, thu tiền. Tớ không có các kế hoạch, các chiến dịch hay cộng tác viên. Suốt ba năm, việc kinh doanh tự do diễn ra theo công thức ấy. Điều thay đổi duy nhất là tinh thần “Tốt hơn một chút mỗi ngày!”.
◆ Trà ngày càng ngon hơn, bùi hơn, thơm hơn, không còn cặn lắng.
◆ Đăng bài ngày càng chân thành hơn, đều đặn hơn, nhiều tương tác hơn.
◆ Đơn nhận về ngày càng nhiều hơn và khách hàng hài lòng hơn.
◆ Giao hàng nhanh hơn, chu đáo hơn.
◆ Tiền về ổn định hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn, ra lãi nhiều hơn.
Vốn dĩ tớ là đứa xưa nay chẳng hề muốn so sánh mình với người khác. Khó khăn lớn nhất là vượt qua bản thân mà đúng không? Bởi vậy, tớ chỉ mong ngày hôm nay mình làm tốt hơn ngày hôm qua một chút, ngày mai lại tốt hơn ngày hôm nay một chút. Việc kinh doanh cũng thế. Vậy là đủ! Là học sinh, còn vướng bận chuyện học tập, còn phải dành thời gian cho gia đình, bạn bè và cho bản thân, nên không phải 365 ngày trong năm tớ đều làm hàng cả. Tớ cứ làm mấy ngày rồi lại nghỉ mấy ngày, tách ra thành các chặng nghỉ như kiểu phương pháp Pomodoro ấy, để bản thân được nghỉ ngơi và đảm bảo chất lượng của các việc khác nữa. Cứ nhẩn nha như thế, ngày nào ít tớ bán được 20 chai, ngày nào nhỉnh hơn thì 30 chai. Số lượng không tăng vọt hay tạo ra đột phá nhưng đó là vì tớ giữ công việc kinh doanh ở trong chừng mực ấy. Điều quan trọng nằm ở chỗ, đơn hàng đều đặn và nguồn thu nhập dần dần đi vào ổn định.
Làm quen với lối sống độc lập tài chính
Những năm tháng ấy, đơn hàng đến với tớ qua hai nguồn: online và truyền miệng. Tớ phải cảm ơn Facebook và Instagram nhiều lắm, đó là hai kênh bán hàng đắc lực của tớ.
Những tương tác trên hai kênh này đều là tương tác thật, tớ không nhờ vả hay tìm thủ thuật để tăng tương tác ảo không cần thiết.
Xịn nhất vẫn là kênh truyền miệng, bạn này uống ngon lại giới thiệu cho bạn khác, cứ như vậy, tớ trở thành “Thùy trà sữa” một cách tự nhiên. Nhờ lợi nhuận đều đặn, tớ có tiền mua quần áo, điện thoại cho bản thân và mua quà cáp cho bố mẹ, bạn bè thân thiết. Trừ tiền học phí bố mẹ chu cấp, các khoản chi khác tớ đều có thể tự lo. Điều đó giúp tớ làm quen dần dần với lối sống tự lập tài chính và có được cảm giác chủ động, an toàn, tự tin. Trung bình mỗi ngày tớ bán được 30 chai, tiền thu về cả vốn và lãi là 450.000 đồng. Trong đó, lãi chiếm 75%. Lãi cao vậy vì nguyên liệu không tốn kém, tất cả các chi phí như đi lại giao hàng, chai lọ đều thấp và tớ cố gắng tự xử lý hết. Điện nước thì có bố mẹ trả cho rồi và cũng chẳng đáng bao nhiêu. Lãi cao cũng là một trong những yếu tố làm nên công thức bền chí của tớ khi kinh doanh trà sữa suốt mấy năm trời.
Chỉ tiếc một chút là thời học sinh chưa biết tích lũy tiền bạc, có tiền trong túi thích gì là mua mà không nghĩ sâu xa hơn. Nếu được quay lại, tớ sẽ tiết kiệm để mua những khóa học, những chuyến đi có ý nghĩa hơn là chỉ chi tiêu vào những món đồ vật chất thông thường. Việc tiết kiệm có một khoản phòng thân hay cần thì hỗ trợ bố mẹ khi công việc của họ gặp khó khăn cũng là một việc mà học sinh kinh doanh tốt có thể làm được.
Niềm vui và nỗi buồn
Nhìn tổng thể thì ba năm kinh doanh tự do diễn ra êm đềm nhưng dọc hành trình ấy cũng có rất nhiều niềm vui và nỗi buồn đáng nhớ.
Đầu tiên là khó khăn và sự chán nản khi mới tập tành pha chế trà sữa năm lớp 10. Mới tập làm nên tớ luống cuống kinh khủng, nhiều thao tác thừa, ít kinh nghiệm nên hay bị bỏng tay lúc lọc trà. Tệ hơn nữa là mới bán, hàng ế nhiều đều phải đem cho, tự uống hoặc đổ đi. Nhưng cứ nghĩ đến việc bán một thức uống ngon lành phục vụ mọi người, tớ đã vượt qua được giai đoạn nản chí ấy.
Buồn nhất là chuyện tớ và bố mẹ bị cô giáo nói nặng lời vì chuyện kinh doanh trà sữa. Câu nói “Bố mẹ thiếu tiền hay sao mà phải để con cái buôn bán ảnh hưởng tới học tập như thế?” khiến tớ thương bố mẹ nhiều lắm. Thực tế, việc kinh doanh không làm ảnh hưởng tới học tập của tớ, bằng chứng là ba năm THPT tớ có hai năm học sinh giỏi và một năm điểm tổng kết được 7.9. Chỉ là tớ không yêu thích lắm môn học của cô thôi. May mắn là bố mẹ rất thấu hiểu tớ và họ thấy việc học của tớ như thế cũng không có gì phải phàn nàn nên mọi thứ êm xuôi, dễ chịu cả.
Còn những chuyện như gặp phải khách khó chịu, khách khó tính, khách bùng hàng, khách nợ tiền, giao hàng đến không ra nhận thì tớ gặp nhiều lắm nhưng tớ không tính là nỗi buồn. Nghề kinh doanh mà, khách nào cũng là khách, phải biết chấp nhận chứ.
Niềm vui thì nhiều lắm, gấp đôi gấp ba nỗi buồn ấy, tớ chẳng thể kể hết được. Giản dị nhất là cứ bán được hàng là vui rồi. Ai cũng nói tớ có “duyên bán hàng”, tớ thì gọi đó là “trộm vía trời thương”. Nhưng thực ra, tớ hiểu rằng để khách tìm đến và quay lại là cả quá trình cố gắng giữ gìn chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ chu đáo mà tớ đã làm được.
Với tớ, hạnh phúc đến từ đâu?
Hạnh phúc đến vào lúc tối muộn, một mình tớ cặm cụi dưới bếp vừa khuấy nồi trà sánh mịn siêu to khổng lồ vừa thư giãn. Bao nhiêu căng thẳng đều tan biến khi được làm việc mà mình yêu.
Hạnh phúc đến khi tớ vừa đọc cảm nhận của khách hàng vừa cười ngoác cả miệng vì mãn nguyện.
Hạnh phúc đến khi sản phẩm của tớ giúp sức cho gian hàng của lớp vào ngày hội trại 26/3. Hai năm liền trà sữa của tớ đều là món hàng bán hết đầu tiên của lớp. Hạnh phúc hơn nữa là một em khóa sau cùng trường đã gửi lời cảm ơn đến tớ, vì nhờ nhập trà sữa của tớ mà lớp em ấy bán lãi to và hết hàng sớm. Tự hào biết bao!
Dọc hành trình ba năm kinh doanh trà sữa, thỉnh thoảng tinh thần bền chí bị thử thách, tớ cũng định nghỉ. Nhưng bạn bè và các em khóa sau lại năn nỉ: “Chị ơi, chị làm đi, em đang thèm lắm rồi đây này!” Các anh chị khóa trên đi học đại học về quê chơi cũng gọi món trà sữa. Thế là tớ không sao bỏ được việc kinh doanh. Phải có trách nhiệm với lòng tin và sự yêu mến của khách hàng chứ, đó là nguyên tắc của người luôn theo đuổi lý tưởng phục vụ người khác như tớ.
Kinh doanh tự do khi còn là học sinh, tớ “lãi” bao nhiêu là trưởng thành
Khoản lãi thứ nhất: Vốn hiểu biết và sự tự do
Nhờ việc bán trà sữa, dù không hiểu về kinh doanh một cách bài bản nhưng tớ lại ngấm nhiều vấn đề rất quan trọng. Ví dụ như bài học về sản phẩm: bán gì thì bán, sản phẩm hoặc dịch vụ đó nhất định phải chất lượng. Nếu khách hàng còn ca thán, nghĩa là chúng ta phải nâng cấp sản phẩm. Hoặc bài học về kĩ năng bán hàng: bán hàng không chỉ là chuyện bán sao cho khéo, nói sao để khách mua thật nhiều mà còn cần “kĩ năng chân thành”. Chân thành với khách hàng thể hiện trong lời ăn tiếng nói lễ độ, tư vấn số lượng phù hợp, cách thức bảo quản, sử dụng. Là học sinh, chúng ta chưa cần quan tâm kĩ năng bán hàng sao cho lợi nhuận cao nhất, mà tập trung vào việc làm cho khách hàng quay lại mua của chúng ta nhiều lần. Phạm vi khách hàng của tớ cũng nhỏ thôi, đó là bạn bè trong và ngoài trường lớp, là các anh chị em cô chú ở thành phố Lạng Sơn. Khi chăm sóc tốt cho họ và duy trì chất lượng sản phẩm, tớ có được nguồn thu nhập ổn định. Thêm một điều nữa, tớ học được rằng: không được tham lam. Khi mục tiêu trọng tâm không phải là tiền bạc mà là trải nghiệm và đáp ứng sở thích của chính mình, thì không nên dốc toàn thời gian, sức lực, tâm trí cho nó, nếu không mình sẽ kiệt sức và trở thành nô lệ của lợi nhuận.
Việc kinh doanh này còn đem lại cho tớ cảm giác tự do. Việc nhập nguyên liệu ra sao, mở đợt bán lúc nào, quy mô bán hay những thử nghiệm dọc hành trình kinh doanh đều do tớ quyết định. Nó khác hẳn trải nghiệm tại một cửa hàng, chúng ta phải xin ý kiến, phải nhìn nét mặt, phải đàm phán và chứng minh với ông bà chủ để được làm gì đó, mà hiếm khi được tham gia quyết định. Tất nhiên, tự do ấy kèm theo việc mình phải biết tính toán, cân đối sao cho việc kinh doanh có lợi nhuận xứng đáng và đem lại những giá trị mình mong muốn. Đó là bài toán của mình, mình phải tự giải nó nếu không muốn thất bại hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Sự tự do còn thể hiện ở cảm giác thú vị khi được khám phá. Công việc cần làm, những người cần gặp, khách hàng sẽ đến, cảm giác sẽ trải qua, những tình huống bất ngờ và cả những niềm vui, nỗi buồn sẽ đến không theo một kế hoạch nào cả. Bởi thế, tớ không cảm thấy kinh doanh là một gánh nặng mà như một cuộc phiêu lưu. Tớ luôn ngạc nhiên về những câu chuyện đằng sau việc bán mỗi chai trà sữa.
Khoản lãi thứ hai: Thái độ, thái độ và thái độ
Đây là khoản “lợi nhuận” cực lớn và cực ý nghĩa. Xưa nay thái độ vẫn luôn là điểm yếu của nhiều người trẻ. Tớ đã sớm khắc phục vấn đề này nhờ việc rong ruổi bán trà sữa trên mọi mặt trận trong thời gian dài. Tớ từng gặp nhiều khách hàng khó chịu, bùng hàng hoặc thô lỗ. Dù thế, tớ tự hào vì chưa từng phản ứng gay gắt với khách hàng dù chỉ một lần. Nguyên tắc của tớ là đặt hình ảnh của bản thân lên hàng đầu. Khách có thế nào tớ vẫn nhẫn nhịn và ứng xử đúng mực. Có lẽ nhờ thế mà một vài khách hàng từng “chơi xấu” lại trở thành khách quen. Lúc đó, có lẽ họ nghĩ: “Hồi trước mình tệ với nó thế sao nó vẫn không bóc phốt mình và vẫn phục vụ chu đáo, lễ phép nhỉ? Chắc mình không nên thế nữa!”
Không chỉ xây dựng hình ảnh “người bán hàng chu đáo, đúng mực, uy tín”, tớ cũng chú ý trong ứng xử với những người xung quanh ở các tình huống khác nhau. Tính cách ưa hòa khí và mong muốn làm vừa lòng người khác khiến tớ được yêu quý. Và những người yêu quý ấy lại trở thành khách hàng. Còn nhớ năm lớp 10 và 11, ngoài bán trà sữa tớ còn đi làm shipper, công việc này kéo dài gần một năm. Ngày ấy, tớ đi giao hàng cho một chị bán mỹ phẩm, giao hàng nhiều tới nỗi quen biết luôn cả khách của chị. Cũng vì quý tớ hiền lành, đúng mực, kiên nhẫn nên khách của cửa hàng mỹ phẩm sau đó lại trở thành khách của tớ. Thái độ phục vụ vô điều kiện và sự đúng mực vừa là kết quả hun đúc trong quá trình bán hàng vừa là thế mạnh và tính cách riêng của tớ.
Nhờ thế, giờ đây, khi trở thành một nhân viên marketing mới toanh trong một công ty máy tính, tớ vẫn luôn được ghi nhận ở khả năng giải quyết khủng hoảng truyền thông và lối suy nghĩ đặt công ty, đặt khách hàng lên trên lợi ích cá nhân.
Khoản lãi thứ ba: mối quan hệ với bố mẹ
Bố là cố vấn nghề nghiệp của tớ. Dù không đi sâu vào việc kinh doanh của con gái nhưng bố hay nhắc nhở việc kiểm soát tiền ra tiền vào, hướng dẫn kĩ năng bán hàng trong các tình huống phức tạp. Còn mẹ là người đồng hành, động viên và hỗ trợ tớ khi cần thiết. Tớ hạnh phúc vì được bố mẹ ở bên ủng hộ. Để xứng đáng với tấm lòng của họ, tớ đã luôn luôn chăm chỉ học hành. Hơn nữa, tớ làm đến nơi đến chốn chứ không bỏ cuộc giữa chừng, điều đó đã khiến bố mẹ tin tưởng vào tớ. Bố mẹ cũng làm kinh doanh nên dễ dàng chấp nhận đam mê kinh doanh của con. Công việc bán hàng tự do đem lại cho tớ sự tự chủ nhất định về tài chính, từ đó, bố mẹ nhìn nhận tớ phần nào trưởng thành hơn so với cách các bậc phụ huynh khác nhìn nhận bạn bè cùng trang lứa.
Việc kinh doanh trà sữa giúp tớ và bố mẹ gần gũi nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Có những lúc bố mẹ cùng đi giao hàng, hỗ trợ làm hàng hoặc đơn giản là âm thầm ở phía sau động viên. Có lúc làm hàng mệt quá, tớ để mặc mọi thứ bừa bộn trong bếp rồi đi ngủ hoặc làm việc khác. Khi trở lại, bố mẹ đã giúp dọn dẹp gọn gàng, làm tớ cảm động vô cùng. Trong khi đó, ở nhiều gia đình khác, cha mẹ thường ngăn cấm con cái làm việc này việc kia vì lo sợ ảnh hưởng đến học tập, sợ thua lỗ, sợ thất bại, sợ lêu lổng và hàng nghìn nỗi sợ khác nữa.
Trải nghiệm có cha mẹ ở bên tuyệt vời biết bao. Cha mẹ là đồng minh của chúng ta. Nếu họ có phản đối hãy tìm cách để họ quay trở lại vị trí đồng minh, vì gốc rễ của mọi sự phản đối đều xuất phát từ tình yêu thương dành cho con cái. Khi chúng ta bền bỉ và có trách nhiệm với việc mình làm, bố mẹ hay người bên ngoài cũng sẽ coi trọng việc làm đó hơn.
Khoản lãi thứ tư: Khởi nghiệp trà sữa - Khởi đầu tương lai
Nhà tớ không giàu sang gì nhưng bố mẹ chưa bao giờ khiến tớ phải nghĩ đến việc lao ra đời bươn chải kiếm tiền sớm. Đến với việc kinh doanh tự do hoàn toàn là sở thích và cũng là sở trường tớ không muốn bỏ phí. Chuyện khởi nghiệp trà sữa có ý nghĩa quan trọng hơn lợi nhuận rất nhiều, nó giúp tớ khởi đầu cho nhiều điều trong tương lai.
Cụ thể, trải nghiệm kinh doanh trong ba năm phổ thông là một trong những lý do quan trọng khiến tớ quyết định chọn học chuyên ngành Truyền thông marketing tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Bán hàng là một phần của marketing. Ngẫm lại, chính nhờ truyền thông mà tớ có được nhiều đơn hàng đến thế khi còn đang mặc áo đồng phục nhà trường. Thế nên, ngày điền nguyện vọng, tớ vững tin lựa chọn dù chưa hẳn đã thấu suốt về ngành nghề này. Trải nghiệm thực tế bé nhỏ ấy có khoảng cách rất xa so với kho kiến thức khổng lồ thời đại học, nhưng vẫn có ý nghĩa. Hãy hình dung, khi bước vào các học phần chuyên môn ở trường đại học, có những thứ các bạn sinh viên khác mới tiếp cận ở góc độ lý thuyết còn tớ lại nhận ra “Ơ, vấn đề này mình từng gặp hồi bán trà sữa này!”. Cảm giác ấy thú vị lắm chứ!
Ví dụ thế này, nguyên tắc “đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu” trong môn Quản trị kinh doanh cũng là nguyên tắc tâm đắc nhất mà tớ rút ra từ hành trình kinh doanh tự do. Tớ biến nhiều khách khó thành khách quen, khách hàng cũ quay lại mua lần sau, chính nhờ tuân thủ nguyên tắc ấy. Hiểu rõ điều này, khi đi làm tớ thấu hiểu nhiều hơn cho sếp khi họ đưa ra những quyết định có thể khiến nhân viên không hài lòng nhưng đảm bảo quyền lợi khách hàng và hình ảnh của công ty. Tớ rất thích cách đặt câu hỏi cho khách hàng của công ty: “Anh/chị có yêu cầu gì muốn đáp ứng ạ?” thay vì “Anh/chị cần gì?” bởi nó thể hiện sự quan tâm tới nguyện vọng và vấn đề của khách hàng (“yêu cầu gì?”) hơn là chỉ quan tâm tới sản phẩm (“cần gì?”). Chỉ là một từ nhỏ nhưng tớ thấy đó không chỉ là nguyên lý kinh doanh mà còn là văn hóa của người làm việc trong lĩnh vực này.
Những kĩ năng, những bài học và khoản tiền lãi thu được từ việc kinh doanh trà sữa không quá to tát, nhưng nếu không có những bước đi đầu tiên ấy, làm sao có tớ ở phiên bản hiện tại. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 5/2021, tớ không chọn khởi nghiệp ngay mà muốn vào một công ty chuyên nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Dù thế, tớ vẫn giữ công việc buôn bán như một niềm vui và tạo thu nhập tay trái bên cạnh công việc chính của mình.
Nghiệm sau trải
1- Sẽ vất vả đấy, khi chúng ta lựa chọn kinh doanh tự do mà còn vướng bận chuyện đi học. Nhưng chẳng hề gì, vì đâu có ai ép buộc về chỉ tiêu doanh số, thời gian hay kế hoạch hành động. Chúng ta sẽ trưởng thành hơn trong suy nghĩ, chu đáo hơn trong hành động và đối diện với các tình huống xảy ra trong cuộc sống một cách bình tĩnh hơn, thông minh hơn vì chúng ta có kinh nghiệm và kĩ năng nền tảng rồi. Từ chuyện chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi đến chuyện biết nhường nhịn, biết lùi lại một bước hay tạm dừng phản ứng để lựa chọn ứng xử nào tốt đẹp hơn cho chúng ta và mọi người đều có ý nghĩa lớn với tớ.
2 - Nhờ trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn, tớ có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đến những người thân yêu trong cuộc sống xung quanh. Lắm lúc, tớ cảm nhận được khoảng cách trưởng thành giữa mình và các bạn đồng trang lứa. Những bạn ít trải nghiệm hơn, chưa từng một lần thử làm điều họ muốn, thường hay không có kinh nghiệm giao tiếp, đôi khi có cách suy nghĩ và nhìn nhận sự việc nóng vội và cực đoan hơn. Có lẽ vì thế, một cách rất tự nhiên, tớ trở thành người thường xuyên lắng nghe tâm sự của bạn bè, khuyên nhủ và động viên bạn bè một cách nhẫn nại. Sự chân thành cùng thái độ lắng nghe đã đem đến cho tớ nhiều người bạn tốt. Mọi thứ như một dây chuyền, chuyện này đưa đến chuyện kia và cứ thế chúng ta sẽ bất ngờ vì những điều nhận được khi trải nghiệm mà không cần toan tính hay “mặc cả” với tuổi trẻ của mình.
3 - Thiếu việc bán trà sữa, đoạn đời học sinh của tớ sẽ trống trải biết bao! Mỗi khi có ai đó hỏi về thời đi học, tớ đều thấy hào hứng và có nhiều cảm xúc. Đó là đoạn đời không chỉ biết đến chuyện điểm số, quần áo, điện thoại, âm nhạc, truyện tranh hay sống theo khuôn khổ mà còn là đoạn đời nhiều màu sắc khi trở thành một người buôn bán nhỏ, kinh doanh tự do, vui vẻ đứng khuấy nồi trà sữa mỗi tối, bằng lòng đi giao trà sữa mỗi trưa hay nhẩn nha ngồi bấm máy tính cộng cộng trừ trừ, vốn vốn lãi lãi. Nếu thời gian quay ngược và được chọn lại, tớ vẫn sẽ lựa chọn buôn bán, và hạnh phúc khi nghe người ta gọi: “Ê Thùy trà sữa, mai cho tôi hai chai nhé bà!”
PHÁC HỌA CÁC BƯỚC KINH DOANH TỰ DO PHIÊN BẢN HỌC SINH - SINH VIÊN
Bước 1: Bán cho ai và bán cái gì?
TH1: Nếu đã thích và chỉ muốn bán sản phẩm nào đó → tìm kiếm khách hàng phù hợp.
TH2: Nếu chưa thích sản phẩm nào, vậy xác định mình định bán cho đối tượng khách hàng nào, họ có nhu cầu gì và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
TH3: Nếu muốn bán sản phẩm do mình tự làm (như tớ chẳng hạn) thì phải nỗ lực để sản phẩm có chất lượng tốt và phù hợp với đối tượng khách hàng mình có lợi thế.
Bước 2: Nghiên cứu đối tượng khách hàng và khảo sát thị trường (tìm hiểu đối tượng cạnh tranh ở nơi mình muốn bán)
Ví dụ: Khách hàng trọng tâm của tớ là học sinh, họ thích đồ uống ngon, sẵn, bổ, rẻ và thường tương tác trên mạng xã hội. Đó là lý do tớ chọn trà sữa (một loại đồ uống mới nổi thời điểm đó và vẫn nổi cho đến tận bây giờ), tự chế biến (nguyên liệu rẻ mà ở địa phương tớ khi ấy chưa có tiệm trà sữa thương hiệu nào). Giá cả thì tớ bán theo giá chung, nói không với “phá giá”.
Bước 3: Lên kế hoạch bán hàng
- Bán ở đâu
- Bán như thế nào
- Bán bao lâu
- Theo dõi thu chi và lợi nhuận
Ví dụ với tớ:
- Bán trên mạng xã hội
- Đăng bài và nhờ người giới thiệu, xin phản hồi để quảng bá
- Bán theo đợt để đảm bảo việc học hành và nhưng cần đều đặn, bền bỉ theo thời gian
- Lập bảng thu chi và tổng kết theo tuần/tháng (hàng ngày chỉ việc ghi chép số lượng đơn hàng và theo dõi chi phí nguyên liệu)
Suốt mấy năm bán hàng, tớ không tạo các chiến dịch mà chỉ bán đều đặn. Sự tăng giảm lớn chủ yếu phụ thuộc mùa vụ. Nhưng nếu muốn, các bạn khi kinh doanh tự do hoàn toàn có thể lên kế hoạch cho các chiến dịch trọng tâm trọng điểm của mình.
3.8. Credité và những thiếu niên say mê hội họa
(Tớ là Trần Thu Hà, trưởng nhóm Credité, bạn bè thường gọi tớ là Hần!)
Tên nhóm: Credité
Slogan của nhóm: “Vẻ đẹp bắt đầu vào thời điểm bạn quyết định là chính mình!” (Coco Chanel)
Trải nghiệm: Khởi xướng và thực hiện dự án xã hội về lĩnh vực nghệ thuật.
Lý do trải nghiệm: Sau những ngày tháng chăm chỉ tham gia vào nhiều dự án, chương trình và sự kiện, đã đến lúc chúng tớ tự thực hiện một dự án của riêng mình!
THÔNG TIN HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM
Team Credité: 13 thành viên - Nhóm trưởng: Trần Thu Hà
Lĩnh vực: Hội họa
Hình thức: Tự khởi xướng và thực hiện dự án Credité
Các vị trí trải nghiệm: tổ chức, điều phối, đối ngoại, truyền thông, sáng tác...
Thời gian: 6 tháng
Mục tiêu
▪ Nâng cao hiểu biết của chính mình và cộng đồng về vấn đề quyền tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật.
▪ Rèn luyện các kĩ năng tổ chức và thực hiện một dự án xã hội quy mô học sinh.
▪ Mở rộng mạng lưới kết nối xã hội.
▪ Tạo một điểm nhấn trong hồ sơ xin học bổng du học sau này.
▪ Tạo sự tin tưởng ở cha mẹ và người thân, làm nền tảng cho quyết định theo đuổi nghệ thuật sau này.
Lộ trình
▪ Lên ý tưởng dự án
▪ Chuẩn bị tất cả các mảng việc của dự án
▪ Tổ chức tọa đàm “Nhân hay Cộng”
▪ Tổ chức triển lãm tranh nghệ thuật Éternité
▪ Hoạt động trải nghiệm “Mặt nạ giấy bồi”
Đề bài
Thực hiện chuỗi sự kiện (tọa đàm, triển lãm, hoạt động trải nghiệm) để nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề đạo nhái và quyền tác giả trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung.
Credité là một dự án đi sâu vào vấn đề sở hữu trí tuệ, tôn trọng giá trị chất xám của những người làm sáng tạo. Đây là dự án “3 tự”: tự khởi xướng, tự chuẩn bị, tự thực hiện của một nhóm học sinh THPT mà tớ, Trần Thu Hà, là trưởng nhóm.
Tìm kiếm ý tưởng cho dự án mơ ước
Muốn tự khởi xướng dự án, đầu tiên phải có một ý tưởng cụ thể. Ý tưởng không tự nhiên đến. Nó xuất hiện sau khi bạn đã tìm tòi và tư duy về nó đủ lâu, để đủ ngấm về một lĩnh vực cụ thể, hoặc đơn giản là “ngấm” khát khao của chính mình. Khi làm Credité, tớ đã đủ “độ ngấm” với cả hai!
Năm lớp 11, quan sát các chương trình xung quanh, tớ thấy hầu hết các bạn đều đi vào đề tài bảo vệ môi trường hoặc chủ đề tâm lý. Tớ không thích lặp lại người khác mà muốn làm gì đó độc đáo hơn một chút. Vào một ngày tháng 3/2017, tớ nảy ra ý tưởng sẽ làm Credité. Làm về lĩnh vực nghệ thuật thì rõ ràng rồi, đó là sở thích và thế mạnh của tớ, nhưng nếu chỉ vẽ tranh rồi triển lãm thì thường quá.
“Chuyện xưa kể rằng, vào thế kỉ thứ VI, vua Diarmait, trước cuộc đấu khẩu của St. Columba và Finnian, đã nhẹ nhàng lên tiếng rằng: ‘To every cow belongs its calf, to every book its copy’ (Dịch nghĩa: Mọi con bò đều thuộc về mẹ của nó và mọi bản copy của một cuốn sách thì đều thuộc sở hữu của cuốn sách đó). Với Finian, việc St. Columba sao chép bản chữ viết tay của mình là sai trái. Còn với St. Columba, ông chỉ đơn giản cho rằng đó là hành vi ‘đi mượn’ vô tình mà thôi. Hóa ra câu chuyện về bản quyền đã bắt đầu từ rất xa xưa so với chúng ta ở thời điểm hiện tại…”(1)
Chú thích:
(1) Trích trong “Bản đề xuất dự án Credité”.
Từ câu chuyện cổ trên, tớ đã dẫn dắt vào nạn ăn cắp bản quyền và đòi hỏi thái độ tôn trọng đối với giá trị chất xám của người làm sáng tạo trong hồ sơ dự án. Đó vừa là ý tưởng khởi đầu vừa là ý tưởng cốt lõi cho dự án tớ ấp ủ. Từ ý tưởng này mà dự án được đặt tên là Credité, xuất phát từ cụm từ “credit to some”. Nếu được đặt lại, có lẽ tớ sẽ chọn một cái tên tiếng Việt để gần gũi hơn, dễ tiếp cận hơn. Nhưng không sao, Credité thể hiện rất rõ thông điệp và tớ tự hào về nó.
Từ mục tiêu nâng cao nhận thức về vấn đề đạo nhái cho người thưởng thức nghệ thuật và các họa sĩ - người sáng tạo ra cái đẹp, cũng như cộng đồng làm sáng tạo nói chung, tớ nghĩ về cách triển khai mục đích này thành những hoạt động cụ thể. Vừa học hỏi những người đi trước vừa tự tư duy, tớ nghĩ đến ba cách thức khác nhau.
◆ Tiếp cận qua ngôn ngữ (kênh nghe): Credité sẽ cần hoạt động tọa đàm với những người có chuyên môn về pháp lý như luật sư và trải nghiệm trong đời sống nghệ thuật như họa sĩ để chia sẻ về vấn đề sở hữu trí tuệ. Sau này, chúng tớ đã kết nối được với hai khách mời rất chất lượng cho tọa đàm.
◆ Tiếp cận qua hình ảnh (kênh nhìn): Credité sẽ cần hoạt động triển lãm. Tớ sẽ tìm kiếm một đội nhóm có khả năng hội họa vẽ tranh theo chủ đề này. Tức là chúng tớ tự đặt vào vị trí của người sáng tạo để truyền tải thông điệp. Khi bạn vẽ những bức tranh yêu quý của mình, bạn sẽ dễ thấu hiểu cảm giác bị ai đó lấy cắp chúng. Tranh của chúng tớ sẽ đặt vấn đề với những người không làm trong ngành sáng tạo, định hướng để họ hiểu rằng đôi khi một cú kích chuột tải hình ảnh rất hồn nhiên trên internet cũng là một hành động xâm phạm bản quyền trên nền tảng điện tử và họ cần biết rõ ai là tác giả bức hình mà họ đã lấy.
◆ Tiếp cận qua hoạt động trải nghiệm (kênh sáng tạo): Credité sẽ cần một hoạt động sáng tạo không quá khó để người ngoại đạo cũng có thể trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật. Đợt làm Credité vào dịp Trung thu nên chúng tớ quyết định tổ chức hoạt động cho mọi người đến tham quan tranh đồng thời được trải nghiệm làm mặt nạ giấy bồi. Đối tượng hướng đến là cả trẻ em và người lớn. Hoạt động này khá phù hợp với địa điểm dự kiến tổ chức ở Tràng Tiền. Khi trải nghiệm vị trí của người tự tay làm ra sản phẩm, chúng tớ kì vọng mọi người sẽ biết quý trọng hơn sản phẩm sáng tạo nói chung.
Từ ý tưởng ban đầu đến việc triển khai trong thực tế có một khoảng cách khá lớn vì còn cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và những ý tưởng sáng tạo hơn xuất hiện phía sau. Nhưng nhất thiết phải có một ý tưởng ban đầu, nếu không tớ sẽ chẳng trình bày được với ai, chẳng kêu gọi được cộng sự nào và chẳng có gì diễn ra sau đó nữa. Với Credité, việc triển khai khá trung thành với ý tưởng ban đầu, tức là tớ không phải thay đổi gì nhiều lắm và đó là một thuận lợi.
Bước tiếp theo, tất nhiên là tìm kiếm cộng sự
Ý tưởng sẽ chỉ là viển vông nếu chúng ta không nỗ lực hành động để hiện thực hóa. Mà hành động thì đừng nên đơn độc, “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Làm một dự án hay chương trình khi mới là học sinh, dù đó chỉ là dự án nhỏ trong mắt người trong nghề, nhưng đối với chúng tớ thì đó cũng là “đi xa” đấy bạn ạ!
Tớ tự thấy may mắn trong việc tìm kiếm thành viên chủ chốt cho Credité. Nhân sự luôn là khâu rất đau đầu khi thực hiện dự án, ngay cả với những người giàu kinh nghiệm,rất dễ rơi vào hoàn cảnh người được việc thì không tham gia, người tham gia thì không được việc hoặc không nhiệt tình. Chưa kể kĩ năng làm việc nhóm mà yếu kém thì “tập xác định” là một người phải “gánh” cả đội. Nhưng không phải tự nhiên tớ may mắn đâu. Suốt năm lớp 10, tớ chịu khó tham gia hoạt động nên có nhiều bạn bè. Credité có các thành viên chủ chốt gồm tớ, Thảo Phương, Châu, Thanh Tùng, Diệu Phương và Mai Linh. Trừ Mai Linh - thành viên ít tuổi nhất (khi làm Credité em ấy mới đang học lớp 8) - ứng tuyển tự do, các thành viên còn lại đều là bạn bèquen thân từ lâu của tớ. Vì vậy, tớ biết rõ các bạn đã làm những dự án nào, có thế mạnh gì và tính cách ra sao để phân công họ đảm nhiệm các công việc trọng yếu về điều hành, đối ngoại, chuyên môn, hậu cần, truyền thông.
Khó khăn nằm ở việc tuyển thêm thành viên vào ban Họa sĩ. Sau này, Credité tuyển được 8 bạn nữa. Để chốt được 8 bạn này chúng tớ phải phỏng vấn rồi cùng làm việc một thời gian nhất định, đôi bên cảm thấy hợp nhau mới tiếp tục đi đến cuối dự án. Dù vậy, vào thực tế làm việc, vấn đề làm việc nhóm vẫn khiến chúng tớ nhiều phen nản chí và đau đầu. Vì trong một nhóm, bao giờ cũng có những quan điểm bất đồng, có thành viên “this” và thành viên “that”. Quan trọng là hướng đến cùng mục tiêu và mỗi người phải cố gắng để trở thành một miếng ghép tạo nên bức tranh tổng thể của Credité!
5 tháng và 3 ngày
5 tháng là khoảng thời gian chuẩn bị cho Credité và 3 ngày là thời gian dự án chính thức diễn ra. Thế mới biết lượng công việc phải chuẩn bị nhiều như thế nào. Chúng tớ tư duy theo dòng chảy trước - trong - sau dự án để biết mình cần làm gì. Phần phía trước gần như quyết định dự án thành hay bại. Bất kì ai coi thường chặng chuẩn bị đều sẽ phải nếm trải cảm giác mất kiểm soát, thất vọng và tệ hơn, có thể là sự đổ vỡ khi “đứa con tinh thần” không được như ý muốn. Đã có kinh nghiệm làm sự kiện nên tớ không dám coi thường bước này một chút nào!
Từ đầu tháng 3, sau khi lên được ý tưởng, tớ thực sự rất phấn khởi. Mỗi ngày nghĩ về Credité, tâm trí tớ đều hiện lên viễn cảnh lung linh, hoành tráng. Đó là dự án đầu tiên tớ khởi xướng, ấp ủ và xả thân vì nó, không mơ mộng và kì vọng sao được, đúng không? Chúng tớ cùng xây dựng một hồ sơ bài bản giới thiệu về Credité. Hồ sơ này cực kì hữu dụng và gần như dùng trong mọi mảng việc. Ban điều hành dùng nó để thống nhất kế hoạch chuẩn bị với tất cả các ban khác. Ban đối ngoại dùng nó khi làm việc với nhà bảo trợ pháp lý, các nhà tài trợ, các vị khách mời và tìm kiếm các bạn cộng tác viên cho chương trình. Nhờ hồ sơ này, họ biết chúng tớ muốn làm gì, nhằm mục tiêu nào, cần những gì để thực hiện và quyền lợi của họ khi hỗ trợ ra sao (dù rằng chút quyền lợi về truyền thông cũng chẳng to tát gì nhưng đó là những gì ít ỏi chúng tớ có thể làm cho những người giúp đỡ mình). Ban truyền thông đọc hồ sơ để nắm được mục tiêu và chi tiết chương trình, từ đó lập kế hoạch truyền thông và chuẩn bị nội dung, hình ảnh, video phù hợp. Ban chuyên môn (chúng tớ gọi là ban Họa sĩ) càng cần đọc kĩ hồ sơ để sáng tác đúng tinh thần và mục tiêu chung. Bạn có thể tham khảo bản đầy đủ của hồ sơ Credité ở phụ lục cuốn sách này nhé. Có thể nó sẽ có ích cho bạn khi bắt đầu một dự án/sự kiện nào đó.
Để làm hồ sơ này, chúng tớ phân công nhau mỗi người một việc. Bạn thì làm dự trù kinh phí, bạn thì viết kế hoạch truyền thông, bạn thì lên nội dung quyền lợi nhà tài trợ. Còn tớ, trưởng nhóm, tớ viết phần tổng quan dự án, làm rõ mục tiêu và nội dung chương trình. Tớ cũng đảm nhiệm toàn bộ phần thiết kế hình ảnh cho hồ sơ của Credité. Nhưng hồ sơ mới là điểm khởi đầu. Sau đó, mỗi ban trực thuộc dự án đều phải có một kế hoạch làm việc chi tiết cho riêng mình.
Những gạch đầu dòng này mới là kế hoạch phác thảo trong bản hồ sơ dự án. Lượng công việc trong thực tế có nhiều thay đổi và cũng chồng chất hơn nhiều. Bạn cứ hình dung, dù là một dự án quy mô nhỏ do nhóm học sinh thực hiện nhưng nó cũng cần đảm bảo hầu hết các bước như những dự án khác. Vì vậy, cần thời gian đủ dài để chuẩn bị cho phần khởi chạy chính thức phía sau. Chúng tớ đã mất 5 tháng ròng để chuẩn bị cho 3 ngày khởi chạy chính thức. Ba ngày ấy có ý nghĩa như việc tận hưởng thành quả nhiều hơn là làm việc, bởi với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo, tớ và đội nhóm sẽ bình tĩnh thể hiện lý tưởng của mình.
Chúng tớ gặp những khó khăn gì khi thực hiện Credité?
Một, nhọc nhằn chuyện teamwork
Tớ phải dùng từ “nhọc nhằn” luôn đấy. Việc hợp tác đội nhóm quả thực không dễ để mọi thứ trơn tru theo ý mình. Credité vốn là một dự án tự phát của học sinh nên chẳng có gì ràng buộc hay gây áp lực đến mức thành viên phải nhất nhất hoàn thành tiến độ công việc hay lăn xả và sáng tạo vì mục tiêu chung. Lý do mọi người đến với dự án cũng không hoàn toàn giống nhau. Sự gắn kết và chất lượng công việc phụ thuộc vào mục tiêu, đam mê, năng lực và đặc biệt là tính trách nhiệm của tất cả các thành viên. Vì thế, không phải bạn nào có mặt trong buổi họp đầu tiên cũng sẽ bền bỉ đi đến chặng đường cuối cùng.
Tớ là đứa cầu toàn và trách nhiệm. Tớ coi trọng thời hạn công việc nhưng không thể yêu cầu hay đảm bảo 100% đội nhóm đều làm việc chuẩn chỉnh. Tiến độ công việc là câu chuyện dài đáng sợ chung cho rất nhiều cơ quan, tổ chức trong xã hội chứ không riêng của nhóm Credité. Ví dụ, ban họa sĩ có nhiệm vụ sáng tác tranh. Nhưng sáng tạo nghệ thuật không thể như một cỗ máy, giờ này thì ra sản phẩm này giờ kia thì có sản phẩm khác được. Hoặc có những bạn khi được nhắc hạn hoàn thành công việc mới nhớ ra chưa làm, cũng có khi vì bận rộn quá mà làm không kịp. Có trường hợp chúng tớ phải chấp nhận du di thời gian vì còn phụ thuộc vào quá nhiều biến số trong thực tế. Vì vậy, kinh nghiệm khi làm kế hoạch là đừng để thời hạn sát nút với mốc thời điểm cần sản phẩm, nếu không, chúng ta sẽ tự đặt mình vào trạng thái vỡ trận hoặc phải làm lại một kế hoạch khác. Các thành viên cũng sẽ thấy khổ sở và cập rập, không đáp ứng được tiến độ chung.
Kĩ năng giao tiếp tốt, tính tương tác cao và kĩ năng phản hồi kịp thời rất cần thiết trong quá trình làm việc đội nhóm. Nhưng cuối cùng thì việc thành viên đó có muốn làm dự án không, có muốn trở thành một phần tích cực không mới là điều quan trọng nhất. Thái độ và nhiệt huyết khó đo đếm và có vẻ thuộc về phạm trù tinh thần, nghe hơi mông lung, nhưng lại là yếu tố quan trọng nhất. Khi có mong muốn, có thái độ cầu thị, có trách nhiệm, những kĩ năng còn lại có thể khắc phục. Ngược lại, thiếu các thứ trên thì có bắt buộc cũng như một loại quả chín ép mà thôi, người làm không muốn hành động còn người nghiệm thu chẳng muốn xem kết quả.
Hai, mạng lưới kết nối hẹp
Là học sinh, kết nối xã hội của chúng ta hạn hẹp cũng là điều dễ hiểu. Dự án của chúng tớ hoàn toàn vì cộng đồng xã hội nên tớ cảm thấy không có gì phải xấu hổ khi xin tài trợ. Trừ tiền bạc, nếu gia đình có nguồn lực chuyên môn liên quan hay mối quan hệ xã hội phù hợp với dự án, chắc chắn tớ sẽ khai thác ngay. Nhưng cha mẹ tớ làm kinh doanh nên không quen biết những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vì vậy, tớ tìm nguồn lực thông qua các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người mình quen biết khi tham gia các hoạt động, các dự án từ trước đó. Nếu bạn nào nghĩ rằng “mình chẳng có mối quan hệ gì thì mình chẳng nên làm dự án” là sai đấy nhé. Chính vì mạng lưới xã hội hẹp nên mình càng cần hành động, càng cần tìm kiếm, càng cần kết nối để phát triển nó chứ không phải đóng băng nó trong vùng an toàn bé xíu của bản thân. Cũng cần nhớ, có kết nối chỉ là khởi đầu, còn làm việc hiệu quả hay khai thác được kết nối hay không lại là một câu chuyện khác.
Ba, đừng đùa với thời gian
Nếu tham gia vào một dự án, bạn cần quan tâm đến vấn đề thời gian. Thứ nhất là thời hạn công việc trong dòng chảy chung. Thứ hai là quản lý thời gian trong đời sống cá nhân của bạn. Khi thực hiện Credité, chúng tớ đã trải nghiệm loại áp lực này. Tất cả chúng tớ gần như đều làm dự án vì yêu thích, vì mong muốn trải nghiệm, vì muốn phát triển profile của bản thân. Tớ là người khởi xướng nên luôn giữ kỉ luật và tính bền bỉ với mục tiêu cao hơn. Các bạn đâu chỉ làm dự án cùng mình, mà còn việc học hành, hoạt động trường lớp, công việc gia đình, chuyện bạn bè và cả những mối quan tâm khác. Thực tế là đời sống học sinh cũng bận rộn không kém gì cuộc sống người lớn, riêng chuyện học tập đã chiếm rất nhiều quỹ thời gian. Vì vậy, hành trình làm dự án cũng là dịp chúng tớ làm quen với áp lực thời gian, rèn luyện kĩ năng quản lý thời gian tốt hơn nữa.
3 ngày khởi chạy chính thức - 3 ngày là người trưởng thành
Tớ thích cách mọi người nhìn nhận chúng tớ như những người trưởng thành trong thời gian dự án khởi chạy chính thức. Họ đến lắng nghe tọa đàm do chúng tớ tổ chức. Họ suy tư ngắm tranh chúng tớ vẽ. Họ đăng kí tham giatrải nghiệm hoạt động do chúng tớ chuẩn bị. Ở nhà, chúng tớ là con cháu. Ở trường, chúng tớ là học trò. Ở ngoài xã hội, chúng tớ là những đứa trẻ còn “non và xanh” trong mắt người khác. Nhưng trong dự án này, từ buổi khai mạc, mọi người đã nhìn nhận chúng tớ ở góc độ mới, góc độ trân trọng dành cho những người có lý tưởng và có năng lực.
Nếu bạn hỏi Credité có thành công rực rỡ không,có lẽ tớ sẽ phải hỏi lại quan niệm về thành công của bạn trước khi trả lời, phòng khi cách nghĩ của chúng ta không giống nhau. Thú thật là tớ đánh giá Credité cũng như bao dự án khác của học sinh, sinh viên ở Hà Nội mà thôi. Thậm chí, rất nhiều dự án có quy mô lớn hơn, tạo tác động sâu rộng hơn và gây được tiếng vang hơn bởi có rất nhiều bạn học sinh xuất sắchơn. Nhưng đối với tớ, mọi thứ diễn ra đủ để bản thân cảm thấy tự hào và bõ công sức thực hiện ròng rã suốt gần nửa năm 2017.
Khai mạc và tọa đàm về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật
Tớ (Văn Thảo Phương) và bạn Lê Vi Ngọc Châu là hai người phụ trách chính về nội dung của buổi tọa đàm. Trước khi diễn ra, chúng tớ đã xây dựng và duyệt khung chương trình nội dung với chị Tumany và làm việc với hai khách mời. Thứ nhất là chị Nguyễn Thị Thu Hà, công tác tại công ty Vision & Associates. Đây là công ty tư vấn chuyên nghiệp về các vấn đề pháp lý, sở hữu trí tuệ và đầu tư, kinh doanh. Thứ hai là anh Vũ Đỗ, một họa sĩ không chỉ sáng tác mà còn hoạt động giáo dục về nghệ thuật tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Viện hàn lâm mỹ thuật Pennsylvania và là người sáng lập The Painter’s Studio.
Hai khách mời cực kì mạnh về chuyên môn và có khả năng truyền đạt rất tốt. Chúng tớ cũng được ghi nhận đã có những câu hỏi thú vị và biết cách dẫn dắt khách mời. Nhìn lại tọa đàm ngày ấy, nếu có một điều muốn thay đổi thì tớ chỉ ước có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị tốt hơn và duyệt kĩ hơn, chắc chắn tọa đàm có thể tuyệt hơn nữa. Chúng tớ tự hào vì đã làm tốt nhất có thể và mọi người tham dự ngày hôm ấy đều đã nhận thấy những nỗ lực ấy.
(Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại tọa đàm)
(Anh Vũ Đỗ chia sẻ một số câu chuyện về bản quyền trong lĩnh vực hội họa)
Triển lãm tranh chủ đề “Sự trường tồn của chất xám”
Hơn 30 bức tranh đa dạng về chất liệu từ poster, acrylic đến digital làm nên điểm nhấn quan trọng của Credité với hoạt động triển lãm. Chủ đề của những bức tranh này là “Sự trường tồn của chất xám”. Nhiều bức tranh đã gây ấn tượng với người yêu nghệ thuật và được đặt mua ngay trong thời gian diễn ra triển lãm.
Người yêu tranh thưởng thức “những đứa con tinh thần” của chúng tớ tại số 45 Tràng Tiền
Tác phẩm
“Niềm phẫn nộ ẩn sâu trong lòng”
Tác giả: Văn Thảo Phương
Thông điệp của tác giả: Những con cá đại diện cho ý tưởng sáng tạo của cô gái bên dưới. Con mèo và con bồ nông đại diện cho những người ăn cắp ý tưởng và tác phẩm của người khác. Gương mặt cô gái rất hiền hòa, điềm tĩnh, không thể hiện sự phẫn nộ mà chỉ gợi lên một chút ngạc nhiên. Nhưng ẩn dưới ngực cô là hình ảnh con cá mập, đại diện cho sự tức giận tột cùng và hành động bóp nát những xác thuyền trong lòng tay cô gái biểu trưng cho hành động trừng phạt đối với những kẻ trộm cắp chất xám của người khác.
Hai bức tranh “Bảo vệ” và “Đấu tranh” của tác giả Mạc Linh, thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm Credité. Khi tham gia dự án, Mạc Linh đang là học sinh lớp 8 trường THCS Gia Thụy – Long Biên, Hà Nội
Tác phẩm: “Bảo vệ”
Những “ích” và “lợi” đến từ Credité!
Một gạch đầu dòng chất lượng trong hồ sơ du học
Trong nhóm, nhiều bạn lựa chọn du học sau khi kết thúc THPT, như tớ học Minh họa và Ngọc Châu học Hoạt hình 2D cùng trường tại Mỹ, Tùng học Thông tin môi trường tại Đại học Keio ở Nhật chẳng hạn. Những bức tranh, những sản phẩm thiết kế và đặc biệt là Credité đem lại điểm cộng quan trọng trong hồ sơ. Nhờ Credité, chúng tớ thể hiện được niềm đam mê và khả năng thực sự với chuyên ngành mình theo đuổi. Nhà trường cũng nhìn thấy những kĩ năng nổi bật như tổ chức, điều phối, giao tiếp, hợp tác, lãnh đạo bản thân, quan điểm cá nhân ở chúng tớ.
Kết quả học tập hiển nhiên là quan trọng, nhưng việc hiểu rõ lý do vì sao mình lựa chọn chuyên ngành còn quan trọng hơn. Chúng tớ phải chứng minh được sự phù hợp cũng như khả năng của bản thân trong chuyên ngành một cách ấn tượng. Đây mới là lợi thế quan trọng khi gửi hồ sơ đến các trường đại học, cao đẳng trên thế giới. Còn gì ấn tượng hơn những sản phẩm chúng ta đã làm ra, những chương trình, sự kiện chúng ta tự thực hiện? Nói bằng hành động, bằng kết quả thực tế là cách chứng minh tối ưu nhất!
Học hỏi được nhiều kỹ năng quan trọng
Khi là một mắt xích, chúng ta chỉ có thể trải nghiệm vai trò và cách hoạt động của mắt xích ấy. Nhưng khi tạo ra một guồng quay với nhiều mắt xích khác, chúng ta sẽ trải nghiệm cách vận hành tổng thể và phải tự học nhiều kĩ năng để làm được việc. Vốn hướng nội nhưng muốn thực hiện Credité, tớ cũng lăn xả vào kết nối, kêu gọi, giao tiếp và hợp tác với người khác. Giờ thì tớ chẳng ngại bắt chuyện với một ai đó nếu thấy họ thú vị và giỏi giang.
Lãnh đạo bản thân, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề là ba kĩ năng cá nhân tớ thấy rất quan trọng trong thời gian làm dự án. Nếu bản thân không kích hoạt được động lực bên trong, không đảm bảo được kỉ luật cá nhân, không duy trì tính bền để bám sát mục tiêu thì chẳng dẫn dắt được đội nhóm nào cả. Nếu không có kĩ năng giải quyết vấn đề, chỉ nhìn vào khó khăn thay vì động não tìm nguyên nhân và giải pháp thì dự án cũng sẽ giậm chân tại chỗ. Bắt tay vào làm bạn sẽ thấy, gần như bước nào cũng có khó khăn, nhất là khi chúng ta là những người non trẻ và mới toanh trong công việc. Tớ có những lúc rất nản vì chuyện làm việc đội nhóm nhưng trải qua một thời gian làm việc,tớ không còn nhìn chuyện hợp tác một cách máy móc hay khô khan nữa, đó thực sự là một nghệ thuật trong công việc.
Mở rộng mạng lưới cá nhân
Tớ là Ngọc Châu, một thành viên trong ban họa sĩ của Credité. Hiện tại, tớ đang theo học chuyên ngành “Hoạt hình 2D” tại trường Đại học Nghệ thuật thị giác tại Mỹ. Tớ yêu việc học tập với chuyên ngành hiện tại. Hồi đầu,tớ chỉ biết bản thân thích vẽ và hứng thú với phim hoạt hình. Sau khi cùng Thảo Phương chuẩn bị nội dung và dẫn chương trình phần tọa đàm, tớ được kết nối với anh Vũ Đỗ - một khách mời của Credité. Anh ấy có hiểu biết sâu rộng về các định hướng học tập ở nước ngoài dành cho một số ngành nghệ thuật truyền thống. Nhờ anh Vũ, tớ mới biết có ngành chuyên sâu về hoạt hình và bắt đầu nung nấu ý định theo đuổi con đường này. Đến giờ, tớ, Hần cùng một số bạn khác vẫn giữ liên lạc với anh Vũ. Anh ấy trở thành người anh, người thầy và người bạn trong cuộc sống của chúng tớ.
Ngoài người anh “chất lượng”, chúng tớ còn có thêm những người bạn thân chơi với nhau đến bây giờ (và nhiều năm sau nữa). Vì đến từ các trường khác nhau nên nhiều bạn chưa hề quen biết nhau khi mới vào Credité. Sau mấy tháng cùng thực hiện dự án, chúng tớ dần gắn bó vàhiểu tính cách của nhau hơn. Còn nhớ kỉ niệm đẹp về ba ngày “cắm chốt” gần như từ sáng tới tối tại 45 Tràng Tiền,cùng quán xuyến công việc, cùng hỗ trợ hậu cần, cùng dẫn khách đi xem tranh và cùng ở lại với nhau đến tối. Lúc vắng khách, mấy đứa còn kéo nhau vào những tiệm sách quanh đó và trò chuyện về đủ thứ trên đời. Nghĩ lại vẫn cứ thấy vui! Rồi từ đó tớ lại mở ra những mối quen biết khác, những điều thú vị khác.
Không có Credité, chúng tớ vẫn có bạn bè, có người thân quen nhưng họ sẽ biết đến chúng tớ ở vai trò con em trong nhà, hàng xóm, bạn cùng lớp. Còn kết nối đến từ Credité trở nên thân thiết bởi những lý do khác: vì cùng đam mê nghệ thuật, vì quý trọng khả năng, vì đều mong muốn phát triển, vì thích tính cách, tư tưởng của nhau…
Tăng sự tin cậy trong mắt gia đình
Lại là Hần đây! Bố mẹ không thích tớ theo con đường nghệ thuật. Bố lo lắng theo con đường này thì tớ sẽ dễ lâm vào cảnh nghèo khổ và dễ “hâm hâm nghệ sĩ” nữa. Nhưng được cái bố mẹ rất coi trọng sự phát triển tự nhiên và thích con cái dấn thân vào trải nghiệm. Tớ là đứa có cá tính mạnh. Ngồi xuống trò chuyện và thuyết phục bố mẹ bằng lời nói không phải là lựa chọn của tớ. Tớ thích chứng minh sự phù hợp của bản thân với con đường yêu thích bằng hành động, bằng kết quả, bằng sản phẩm.
Thuyết phục bố mẹ là một hành trình mà Credité là một cú chốt hạ ấn tượng. Trước đó, tớ có một quá trình chia sẻ gần gũi và thoải mái với bố mẹ về những gì mình học, mình thích, mình tham gia một cách rất tự nhiên mỗi ngày. Tớ không nói “Con thích theo hội họa, bố mẹ phải cho con tự quyết định con đường con muốn”. Chẳng ai thích nghe một câu cầu khiến khô khan và cứng nhắc như thế. Tớ cứ tỉ tê trò chuyện về những gì mình làm và niềm vui thích ra sao khi được học, được tham gia những hoạt động ấy. Credité là sự kiện có sức nặng với cả bố mẹ và tớ nữa. Tuy không khen ngợi trước mặt nhưng bố mẹ không giấu được niềm tự hào về tớ trước chị Tumany và họ hàng, những người đến nghe tọa đàm và xem triển lãm tranh. Nhìn thấy con gái bền bỉ suốt nửa năm trời để chuẩn bị, tuyệt nhiên không mở miệng xin tiền hay cầu viện gì mà tự thực hiện một chương trình như thế, tự kết nối được nhiều bên như thế, bố mẹ bắt đầu tin tưởng sâu sắc rằng tớ là đứa nói được sẽ làm được. Từ chương trình ấy, trong cái nhìn của bố mẹ, tớ vẫn là đứa con bé bỏng thôi nhưng còn là một thiếu niên biết suy nghĩ và có đủ khả năng để theo đuổi ước mơ đã xác định.
Dù vậy, để làm vơi đi nỗi lo của bố mẹ về tương lai bấp bênh của con đường họa sĩ truyền thống, tớ lựa chọn chuyên ngành Minh họa để dung hòa điều mình muốn và điều bố mẹ kì vọng. So với vẽ truyền thống, minh họa có tính ứng dụng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế nhiều hơn chứ không nghiêng hẳn về nghệ thuật thuần túy.
Nghiệm sau trải: cảm xúc, ấn tượng và kỉ niệm
Liều ăn nhiều!
Mình được khen: “Hồi đó, em mới là học sinh lớp 11 mà dám gõ cửa một cơ quan, tự tin xin bảo trợ pháp lý cho dự án của mình là giỏi đấy!” Thực ra không phải thế đâu, lúc đó vẻ ngoài bình tĩnh chứ bên trong tớ căng thẳng, hồi hộp, tim đập chân run dữ lắm.
Tớ có thói quen ra các quán cà phêngồi làm bài và vẽ tranh. Một lần vào quán cà phê nhìn thấy biển “Viện giáo dục quốc tế” (IIE), thấy có liên quan đến giáo dục, thế là liều mạng lên gõ cửa xin bảo trợ pháp lý cho Credité. Tớ tự khích lệ bản thân bằng suy nghĩ: “Cứ thử đi, được thì quá tốt còn không được thì cũng chẳng có gì để mất.” Với một đứa hướng nội như tớ, bước chân đi lên tầng hai ngày hôm ấy là một hành động bước ra khỏi vùng an toàn quen thuộc. Trí não căng như dây đàn cho đến khi các cô chú, anh chị quản lý của IIE đọc xong hồ sơ Credité và gật đầu “rụp” một cái. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời!
Còn nhiều câu chuyện dũng cảm nho nhỏ như thế nữa trải dọc Credité. Thế đấy, chúng ta chẳng phải Thượng Đế để biết chắc chắn kết quả của một hành động nào đó, nhưng chúng ta hoàn toàn quyết định dược chúng ta có thực hiện hành động đó không. Với tớ, những kỉ niệm đẹp đẽ này trở thành một bài học đáng giá mang cái tên ngắn gọn “liều ăn nhiều”.
Tận hưởng quá trình
Ai đó đã nói: “Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình đến đích”. Câu nói này có vẻ đúng với tớ cùng hành trình hiện thực hóa Credité. Giống như lúc này, khi nói về dự án, tớ chưa muốn nói ngay và nói nhiều về việc Credité đã đạt được những thành tích gì. Điều tớ muốn kể là tớ đã ấp ủ nó như thế nào, chạy vạy khắp nơi huy động các nguồn lực ra sao, lăn xả vào công tác chuẩn bị suốt 5 tháng ròng và bền bỉ như thế nào với nó.
Vì vậy, nếu bạn hỏi phải chuẩn bị tâm lý như thế nào để khởi xướng và thực hiện dự án của bản thân, lời khuyên của tớ là: Hãy tận hưởng quá trình! Mọi thứ diễn ra dọc hành trình, dù trong hay ngoài ý muốn, đều là cơ hội được sai và làm lại. Tóm lại là, thử đi rồi sẽ biết! Làm đi rồi sẽ vui!
Phiêu!
Dọc hành trình ấy, có nhiều thời điểm tớ được tận hưởng cảm giác rất phiêu! Ví dụ, có lần tớ giục Thảo Phương suốt từ bảy giờ tối đến nửa đêm để bạn hoàn thành bài đăng lên page Credité sao cho đảm bảo kế hoạch truyền thông. Tối hôm ấy, Thảo Phương đã vẽ trong hoàn cảnh khốn khổ, đi học về muộn, mẹ thì giục đi tắm, tớ thì giục tiến độ mà thời gian đã là nửa đêm, một ngày dài mệt mỏi mà chưa có lúc nào để nghỉ ngơi. Đó là một bài truyền thông về chất xám. Lẽ ra bài phải được đăng vào giờ vàng lúc tám giờ tối nhưng rốt cuộc quá mười hai giờ đêm tranh mới xong và bài mới đăng lên được. Dù vậy cả tớ và Thảo Phương đều cực kì phiêu và hạnh phúc vì bài vừa đăng ngay trong đêm đã nhận được hơn 1.000 lượt thích trên Facebook.
Bắt đầu sớm, thành quả sớm
Ý tớ là hãy dấn thân vào trải nghiệm bất kì lúc nào bạn nhận ra điều đó có ý nghĩa hoặc đơn giản là bất kì khi nào bạn thích. Tớ không nói là hãy dấn thân bất cứ khi nào bạn có cơ hội và điều kiện, vì nghe đến việc chờ cơ hội là có gì đó thụ động, còn chờ điều kiện thì biết khi nào là đủ. Hiểu biết có thể đến qua đọc, nghe, học hỏi nhưng kĩ năng, kinh nghiệm, nhận thức cá nhân thì chỉ có thể đọng lại qua trải nghiệm thực tế mà thôi. Ví dụ như tớ chẳng hạn, tớ vốn là một người hướng nội nhưng vì tham gia nhiều hoạt động và quyết tâm thực hiện Credité, tớ buộc phải trở nên mạnh dạn hơn, quảng giao hơn và không ngại kết nối với những người mình chưa gặp bao giờ. Nếu năm lớp 10 tớ không chịu khó “cày cuốc” các hoạt động thì lớp 11 làm sao tớ đủ cản đảm và khả năng thực hiện Credité? Thử hình dung, nếu bắt đầu sớm hơn, ở độ tuổi nhỏ hơn thì chắc chắn chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn, tích lũy được nhiều hơn.
Chủ động với cuộc đời mình
Tớ thích cảm giác chủ động và chịu trách nhiệm với bản thân. Tính cách của tớ hay suy nghĩ và khá cầu toàn nên trước các hướng đi tớ thường có phương án A và phương án B. Credité là kỉ niệm to bự, đem lại trải nghiệm sâu sắc cho tớ về cảm giác được chủ động với mơ ước, chủ động với lựa chọn của bản thân thì tuyệt như thế nào. Sự chủ động giúp tớ kiên trì và hiện thực hóa mục tiêu tốt hơn so với việc để mọi thứ đến đâu hay đến đó. Chủ động là đức tính tớ rất yêu thích ở bản thân sau khi khởi xướng dự án này.
PHÁC HỌA 9 BƯỚC THỰC HIỆN MỘT DỰ ÁN XÃ HỘI
(Dành cho các bạn học sinh, sinh viên muốn tự khởi xướng dự án)
Mẫu hồ sơ của dự án Credité: https://tumany.vn/cach-viet-proposal-cho-du-an/
Bước 1. Định hình ý tưởng và mục đích của dự án
- Xác định rõ ngách chuyên môn của dự án.
- Trả lời các câu hỏi:
• Dự án có mục tiêu gì, nhằm giải quyết vấn đề gì?
• Vì sao cần giải quyết vấn đề đó?
• Giải pháp cụ thể của dự án là gì?
(Vận dụng công thức 5W1H để tư duy về ý tưởng của dự án.)
Bước 2. Tìm kiếm đội ngũ và phân công nhiệm vụ
* Dù là dự án quy mô nhỏ của học sinh nhưng có rất nhiều đầu việc chi tiết phải thực hiện. Tìm kiếm cộng sự cùng chung chí hướng vừa giảm gánh nặng công việc, vừa phát huy sự sáng tạo của nhiều người. Quan trọng hơn là nhân lực đảm bảo thì dự án mới có khả thi.
* Tùy từng dự án mà công việc khác nhau nhưng dưới đây là các mảng việc thường có:
Tổ chức và điều hành
• Chuyên môn
• Truyền thông
• Đối ngoại
• Cơ sở vật chất, hậu cần
Bước 3. Làm hồ sơ dự án
* Vai trò: Hồ sơ dự án là tài liệu phải có khi làm việc nội bộ, làm việc cùng các nhà bảo trợ, nhà tài trợ và phục vụ truyền thông nội bộ cho các thành viên dự án.
* Bố cục hồ sơ dự án:
• Thư ngỏ
• Tổng quan về dự án (dự án gì, vì sao thực hiện, do ai thực hiện, dành cho ai, thời gian và địa điểm dự kiến)
• Kế hoạch hành động chi tiết của dự án
• Chương trình cụ thể với các hoạt động, nội dung trọng tâm
• Chiến lược truyền thông (mục tiêu, phương án, kế hoạch)
• Dự trù kinh phí
• Kế hoạch tài trợ (đối tượng tài trợ, các gói tài trợ, phương thức tài trợ)
Bước 4. Xin bảo trợ và tài trợ
- Xin bảo trợ là tìm kiếm một cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân để bảo trợ pháp lý. Việc này đảm bảo dự án diễn ra trong sự cho phép của pháp luật.
- Xin tài trợ là huy động nguồn lực từ các bên liên quan sao cho dự án có thể thực hiện được. Có nhiều loại tài trợ như tài chính, truyền thông, chuyên môn, cơ sở vật chất…
Bước 5. Chuẩn bị
- Chuẩn bị luôn là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất và vất vả nhất. Dự án có thành công hay không phụ thuộc vào tiến độ và chất lượng làm việc của tất cả các ban trong dự án.
- Chuẩn bị cũng là chặng thử thách tinh thần bền chí và khả năng làm việc đội nhóm. Có thể một số thành viên sẽ bỏ cuộc hoặc cần được động viên, nhưng những thành viên chủ chốt phải có tinh thần bền bỉ và tính cam kết với mục tiêu rõ ràng mới có thể lãnh đạo đội nhóm.
Bước 6. Duyệt chương trình
- Các sự kiện, hoạt động của dự án phải được tổng duyệt nhiều lần vì chỉ khi chạy thực tế, chúng ta mới hình dung ra những lỗ hổng và thiếu sót trong công việc.
Bước 7. Khởi chạy chính thức
Dự án chính thức hoạt động theo kế hoạch với những chương trình, sự kiện cốt lõi.
Bước 8. Tổng kết và rút kinh nghiệm
- Bước này nhiều khi bị bỏ quên bởi tâm lý “đã xong việc” khi bước 7 kết thúc. Nhưng đây là bước quan trọng, đội nhóm cần ngồi lại để đúc rút những gì đã làm tốt và những gì cần khắc phục.
- Tổng kết không phải để chỉ trích mà để nhìn lại hành trình, ghi nhận lẫn nhau, vun đắp tình cảm và rút ra bài học cho bản thân.
Bước 9: Cảm ơn các bên hỗ trợ thực hiện
Việc cảm ơn vừa bày tỏ sự biết ơn chân thành của nhóm thực hiện với các bên hỗ trợ vừa thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp, có trước có sau.